Ấn phẩm khác

Bản tin Dược liệu số 4/2018: Sâm cau và chi Panax

PHÂN LẬP VÀ NGHIÊN CỨU SỰ ĐA DẠNG CÁC LOÀI NẤM NỘI SINH TỪ THÂN RỄ CỦ CỦA SÂM CAU

(CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN)

Milind N Gaikwad và cs.

International Journal of Applied Research 2017; 3(4): 612-616

Curculigo orchioides Gaertn (Sâm cau) là loại cây có củ lâu năm phân bố ở vùng khí hậu gió mùa thuộc họ Sâm cau. Tên bản địa thường được gọi là “Kali Musali”. Cây cũng được biết đến như một cây thuốc y học cổ truyền. Thân rễ dạng củ của sâm cau có chất nhầy hơi đắng, được sử dụng làm thuốc bổ, chống sốt, tiêu chảy, vàng da, hen suyễn vv. Curculigo orchioides thuộc họ Sâm cau được thu thập tại khu vực của Trường đại học Swami Ramanand Teerth Marathwada (Vĩ độ: 19.099469, Kinh độ: 77.287924). Nghiên cứu này đề cập đến sự đa dạng của các loại nấm nội sinh trong thân rễ củ của cây sâm cau. Trong tất cả 22 loài nấm được phân lập bằng cách sử dụng môi trường PDA và Czapak Dox Agar. Các loài chiếm ưu thế là Penicillium, Aspergillus, Mucor và Alternaria. Các loài nấm nội sinh này rất có tiềm năng trong hoạt động phân tử sinh học.

Bùi Thị Xuân

KHẢ NĂNG TÁI SINH VÀ TRIỂN VỌNG BẢO TỒN CÂY THUỐC SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN.) CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG Ở NEPAL

Bharat Babu Shrestha, và cs.

Tropical Ecology 52(1): 91-101, 2011

Sự thiếu thông tin về đặc điểm sinh học là một trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành dược liệu ở Nepal. Chúng tôi đã theo dõi đặc điểm hình thái, cấu trúc quần thể và chiến lược phục hồi cho cây sâm cau, loại cây thảo dược có nguy cơ tuyệt chủng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, trong một năm tại 5 địa điểm ở thung lũng Terai và miền trung Nepal. Chỉ 20 - 26% số cây trưởng thành đang trong giai đoạn sinh trưởng sinh thực trong những tháng có hoạt động sinh học mạnh nhất (tháng 6 - tháng 7), và khoảng 55% các cá thể có hoa đậu quả. Độ ẩm đất, trữ lượng dự trữ và áp lực sinh học là những yếu tố chính chi phối các dạng hình thái. Cây thường đậu quả cao dưới điều kiện tán cây mở một phần và có lớp che phủ mỏng. Hạt ở trạng thái ngủ sinh lý và nảy mầm từ 10-12 tháng sau khi được phát tán trong môi trường tự nhiên. Nhân giống vô tính từ lá được tạo ra bởi tổn thương cơ học nhẹ, độ ẩm đất và độ ẩm không khí cao. Khả năng tái sinh thấp thông qua sinh sản hữu tính và mẫn cảm với môi trường sống bị xáo trộn là những bất lợi chính cho việc duy trì quần thể cây sâm cau trong tự nhiên.

Bùi Thị Xuân/ Đặng Minh Tú

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ NẤM CURVULARIA MALUCANS GÂY HOẠI TỬ LÁ CÂY SÂM CAU (CURCULIGO ORCHOIDES) NGHIÊM TRỌNG Ở ẤN ĐỘ

Shailesh Pandey, và cs.

Journal of Biology and Earth Sciences 2014; 4 (2): B176-B178

Sâm cau (Curculigo orchioides) là một trong những vị thuốc quan trọng nhất được đề cập trong hệ thống thuốc Y học cổ truyền của Ấn Độ. Trong thời gian gần đây, nhiều hợp chất hóa học mới đã được phân lập  từ loài cây thuốc này. Loài cây thuốc này đang bị đe dọa tuyệt chủng và cần phải bảo tồn ex situ và bảo tồn in situ. Trong tháng 9 năm 2013, Curculigo orchioides ở khu vực Guwahati, Ấn Độ đã được phát hiện bị nhiễm bệnh đốm lá nghiêm trọng. Lá bị nhiễm bệnh đã được thu thập và đưa tới phòng thí nghiệm Bảo vệ rừng của Viện nghiên cứu rừng mưa nhiệt đới, Jorhat, Ấn Độ để chẩn đoán giám định. Các mẫu lá được khử trùng bề mặt và được nuôi cấy trên môi trường thạch đường khoai tây (PDA). Các mẫu nấm đơn bào tử nuôi cấy ở nhiệt độ 28°C cho thấy các sợi nấm màu nâu đến nâu đen, mặt dưới tán nấm có màu đen và hình thành nhiều bào tử. Các triệu chứng được mô tả lần đầu tiên và vi sinh vật gây hại được xác định là Curvularia maculans. Đây là báo cáo đầu tiên về C.maculans gây bệnh đốm lá nghiêm trọng trên cây sâm cau tại Ấn Độ. Sâm cau là một cây thuốc có giá trị dược liệu cao, nên việc hiểu rõ hơn về bệnh này sẽ cân thiết cho việc xây dựng chiến lược quản lý bệnh phù hợp.

Bùi Thị Xuân

TÁI TẠO TẾ BÀO TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP BẰNG PHÉP NHÂN SINH KHỐI SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN.) - MỘT LOẠI THẢO DƯỢC QUAN TRỌNG ĐANG CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Roshni P. Adiyecha, và cs.

International Journal of Innovative Research inScience, Engineering and Technology

Vol. 2, No 12, December 2013

Tái tạo tế bào trực tiếp và gián tiếp là một phương pháp tái sinh hiệu quả, được phát triển cho sâm cau (Curculigo orchioides) – loài  thảo dược đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chồi nhân được nuôi cấy từ mô lá thông qua sự tạo tế bào trực tiếp trong môi trường Murashige and Skoog (MS) chứa ½ nồng độ muối nitơ và 0,44 µM BA. Gần 10 chồi được tạo ra từ mỗi mẫu mô lá (dài 1cm). Mặt khác, môi trường MS với nồng độ toàn phần muối nitơ và 2.22 µM BA, kích thích hình thành mô sẹo và tạo ra 8 chồi từ mỗi mẫu lá (dài 1cm). Nghiên cứu so sánh về tái sinh chồi trực tiếp hay thông qua mô sẹo đã phát hiện những khác biệt về số lượng lá, chiều dài chồi, chiều dài rễ, trọng lượng tươi và khô.

Bùi Thị Xuân

MÔI TRƯỜNG TẠO PHÔI SOMA CỦA SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN.) VÀ SỰ NẢY MẦM CỦA NÓ

 KS Nagesh và cs.

European Journal of Biotechnology and Bioscience Vol. 4; No 6; June 2016:38-42

Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn) là một loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng với đặc tính chống oxy hóa và chống ung thư. Thân rễ và rễ củ của cây được sử dụng rộng rãi trong y học bản xứ Ấn Độ. Do cây có nhiều công dụng, nên nhu cầu về Curculigo orchioides liên tục tăng lên; tuy nhiên, nguồn cung lại khá thất thường và không đủ. Việc khai thác tận diệt, kết hợp với sự phá hủy môi trường sống dưới hình thức phá rừng đã làm vấn đề thêm trầm trọng. Hiện nay cây thuốc được coi là ‘‘có nguy cơ tuyệt chủng’’ trong môi trường sống tự nhiên của nó. Do đó, sự cần thiết của việc bảo tồn loài cây này là vô cùng quan trọng. Ở đây, chúng tôi đã mô tả một phương pháp hữu hiệu cho sự nảy mầm của phôi Curculigo orchioides được bao bọc bằng môi trường natri alginat. Phôi mô sẹo được tạo ra trên môi trường cơ bản Murashige and Skoog (1962) (MS) có chứa  0,5 - 3 mg/1 của 2, 4-dichlorophenoxyacetic acid (2, 4-D) và 0,5 mg/1 N6 –benzylaminopurine (BAP) từ những mẫu phôi thân rễ. Chuyển phôi mô sẹo tới môi trường MS với 1-4 mg/1 BAP dẫn đến sự hình thành phôi soma ở tỷ lệ cao với mức trung bình 23±0,8 phôi soma trên mỗi gam phôi mô sẹo trong môi trường MS với BAP (1 mg/l). Hơn nữa, sự nảy mầm của các phôi Soma Curculigo orchioides được môi trường natri alginat bao bọc đã được thử nghiệm trên môi trường ½ nồng độ cơ bản Murashige and Skoog (MS) được bổ sung thêm nước dừa (10% v/v). Tần suất tái sinh từ các phôi soma được môi trường bao bọc bị ảnh hưởng đáng kể bởi nồng độ của natri alginate và thời gian tiếp xúc với canxi clorua. Phôi soma được môi trường cơ bản MS bao bọc với 2,5% natri alginate hòa tan trong dung dịch muối được ghi nhận sự nảy mầm cao hơn đáng kể so với các công thức khác. Thời gian ủ tương đối ngắn (5 phút) với dung dịch canxi clorua cung cấp cho môi trường bao bọc đồng nhất của phôi soma đã cho tỷ lệ phần trăm nảy mầm cao nhất (80%). Hỗn hợp hạt giống nảy mầm tạo ra các cây con bình thường. Dựa trên những kết quả quan sát được, một phương pháp cải tiến có thể được xây dựng để bảo tồn ex-situ cho loài C. orchioides đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bùi Thị Xuân

NHÂN GIỐNG IN VITRO LOÀI SÂM CAU (CURCULAGO ORCHIOIDES) TỪ THÂN RỄ

Shende và cs.

Journal of Agricultural Technology 2012 Vol. 8(1): 353-362

Sâm cau (Curculigo orchioides) Gaertn. là một loại thảo dược lâu năm, quan trọng, có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc họ Hypoxidaceae. Loài cây này  thường được nhân giống bằng thân rễ và hạt. Các công bố hiện nay đã xây dựng quy trình nhân giống in vitro hiệu quả bằng cách sử dụng nồng độ và cách kết hợp khác nhau từ các chất điều hòa sinh trưởng thực vật (PGRs) thông qua việc hình thành chồi, mô sẹo và cuối cùng là huấn luyện cây ngoài đất. Lượng chồi nhiều nhất thu được từ  việc nuôi cấy thân rễ trên môi trường MS có sửa đổi bổ sung với 0,25 và 0,50 mg/l  của chất BAP và KIN. Hỗn hợp các chất BAP và IAA với nồng độ tương ứng là 1,50 và 0,25 mg/l được cho là phù hợp nhất cho sự hình thành những mô sẹo tốt nhất, trong khi việc hình thành mô sẹo chậm được nhận thấy ở các hỗn hợp 0,50 mg/l BAP + 1,00 mg/l NAA và 0,50 mg/l KIN + 1,00 mg/l NAA. Hỗn hợp/nồng độ các chất KIN + IAA không có tác dụng đối với sự hình thành mô sẹo. Khả năng tạo rễ cao với chiều dài rễ đạt được trên môi trường MS điều chỉnh với nồng độ tương ứng của NAA và IAA là 0,25 và 0,50 mg/l. Các cây con nuôi cấy mô được chuyển ra trồng trong các chậu thí nghiệm chứa hỗn hợp cát: đất: phân chuồng theo tỉ lệ 1: 1: 1 (w/w) đặt trong nhà lưới để huấn luyện thích nghi với thời gian hai đến ba tuần. Sau thời gian huấn luyện thích nghi, cây con được đưa ra ngoài đồng ruộng và sinh trưởng phát triển bình thường.

Nguyễn Bá Hưng/Lại Việt Hưng

SỬ DỤNG ÁNH SÁNG ĐÈN LED ĐỂ THEO DÕI SỰ BIẾN ĐỔI QUÁ TRÌNH OXY HÓA TRONG GIAI ĐOẠN NẢY CHỒI 

IN VITRO CA SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN)

S. Dutta Gupta và cs.

Acta Physiologiae PlantarumNovember 2015, 37:233

Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong quá trình oxy hóa gây ra bởi sự rối loạn trạng thái ổn định của các gốc tự do có oxy (ROS), kết quả chiếu xạ dưới ánh sáng của các bước sóng cụ thể được tạo ra bởi các đi-ốt phát sáng (LED) có khả năng điều chỉnh khả năng tái sinh chồi của Curculigo orchioides. Những thay đổi trong phản ứng oxy hóa gây ra bởi đèn LED được nghiên cứu, khi sử dụng ánh sáng đỏ (630nm), ánh sáng xanh (470 nm) và sự kết hợp của chúng (1:1) làm nguồn ánh sáng, kết quả được ước tính bằng sự thay đổi của phản ứng của hàm lượng hydro peroxide (H2O2) nội tại, mức độ lipid peroxid hóa và hoạt động của các enzym chống oxy hóa trong quá trình tái sinh chồi. Sau 28 ngày chiếu sáng, dưới ánh sáng đèn LED màu xanh (BL) cho thấy sự thay đổi đáng kể (p <0,05) về số lượng trung bình giữa chồi mầm trên những mô cấy đáp ứng so với các công thức khác bao gồm cả đối chứng (ánh sáng huỳnh quang, 40 W, 300–700 nm). Công thức chiếu ánh sáng LED màu đỏ có khả năng ức chế sự tái sinh chồi. Một ảnh hưởng bất lợi của bức xạ ánh sáng LED đến sự tái sinh chồi và những thay đổi đồng thời các mức ROS và các enzyme hoạt động chống oxy hóa đã được thu thập. Việc kiểm soát được quá trình sinh tổng hợp và thúc đẩy quá trình nảy chồi dưới ánh sáng màu xanh (BL-LED) làm tăng mức độ hoạt động của enzyme oxy hóa làm xúc tác.

Nguyễn Bá Hưng

TÍCH LŨY SAPONIN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÂY TAM THẤT (PANAX NOTOGINSENG)

Pengguo Xia và cs.

Industrial Crops and Products, Vol. 104, 1 October 2017: 287-292

Củ tam thất (Panax notoginseng) là một loại thuốc cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc được sử dụng để ngăn chặn chảy máu, giảm viêm và giảm các bệnh về tim mạch, trong đó saponin là thành phần hoạt chất chính. Các phương pháp hiện tại để định lượng saponin chưa đáp ứng được nhu cầu tách chiết nhiều hoạt chất trong thời gian ngắn. Phương pháp HPLC cải tiến, đơn giản và đáng tin cậy với tiềm năng sử dụng rộng rãi đã được phát triển để định lượng đồng thời 5 saponin chính được chiết xuất từ ​​P. notoginseng. Năm saponin, bao gồm ginsenosid Rg1, Re, Rb1, Rd và notoginsenosid R1 được tách riêng trong vòng 54 phút. Chương trình tốt nhất để chiết xuất saponin là 0,2 g mẫu được ngâm bằng 8 ml methanol 70% qua đêm và được chiết trong bể siêu âm trong 1 giờ. Pnotoginseng đã được trồng hàng trăm năm như một cây công nghiệp ở Trung Quốc và đặc điểm tích lũy của năm saponin chính được báo cáo lần đầu trong nghiên cứu này. Trong ba vụ trồng, củ luôn là bộ phận chính tích luỹ saponin khi so sánh với phần trên mặt đất. Kết quả theo dõi từ 3 vụ trồng cho thấy tổng hàm lượng 5 saponin ở củ của P. notoginseng cao hơn 5% ở cây hơn một năm tuổi. Trong số 5 saponin, ginsenosid Rg1 và Rb1 trong củ có hàm lượng cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn. Tháng 9 năm thứ ba là thời điểm thu hoạch tốt nhất do hàm lượng của năm saponin chính trong củ cao nhất tại thời điểm này. Bên cạnh đó, loại bỏ nụ hoa trong năm thứ ba có thể làm tăng đáng kể hàm lượng saponin trong rễ của P. notoginseng.

Nguyễn Bá Hưng

GIẢM CHI PHÍ NHÂN GIỐNG SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES) BẰNG NUÔI CẤY TRONG BÌNH LẮC

Sudha Sahay và cs.

Biosciences Biotechnology Research Asia, September 2017,

 Vol. 14(3):1089-1093

Chi phí nhân giống sâm cau (Curculigo orchioides) trên quy mô lớn đã giảm đi thông qua sự hình thành trực tiếp các chồi nách lá của mẫu mô lá trong bình lắc. Các đoạn lá (dài 1 cm) được nuôi cấy trong môi trường MS lỏng, không có bất kỳ chất kích thích tăng trưởng nào. Khoảng 95% các mảnh cấy đã hình thành các chồi nách lá ở mức trung bình là 5 chồi/1 đoạn lá trong thời gian nuôi cấy 6 tuần. Tổng số lượng chồi nách lá tạo ra là 250 chồi nách/ lít môi trường MS lỏng. Trong thời gian nuôi cấy, từ tuần thứ 3 trở đi, môi trường cấy các đoạn lá đã được quan sát thấy tối màu đi. Điều này là do sự bài tiết các hợp chất phenol từ các đầu cắt của các đoạn lá. Khi thấy màu môi trường sậm nhiều (màu nâu sẫm đến đen), nó đã ức chế sự phát triển của các chồi nách lá. Vì vậy, sáu tuần một lần, môi trường lỏng đã được thay đổi để đảm bảo cho sự phát triển liên tục của chồi. Sự nảy mầm của các chồi là 100% trên môi trường thạch MS (môi trường tĩnh) khi được bổ sung với các hormon tăng trưởng BAP: Kn: NAA (với tỷ lệ 1.0: 0.1: 1.0 mg/l). Các đoạn rễ củ cũng phát triển thành rễ dày đặc khi được cấy vào môi trường MS lỏng, mà không có bất kỳ hormon tăng trưởng nào.

Tạ Quốc Vượng/Nhữ Thu Nga

SỰ HÌNH THÀNH RỄ SỚM CỦA CÂY SÂM CAU (Curculigo orchioides GAERTN)

Sudha Sahay và cs.

Plant Cell Biotechnology And Molecular Biology, 2015, Vol.16,No: 1-2: 93-98

Một quy trình nuôi cấy in vitro cho sâm cau (C. orchioides Gaertn.) hình thành rễ hiệu quả từ các mẫu mô thân rễ đã được xây dựng. Việc lựa chọn đúng các mẫu cấy tiềm năng rất quan trọng cho sự hình thành rễ. Thân rễ thường được chọn làm mẫu cấy để hình thành rễ bởi vì chúng có chứa các tế bào phân sinh ban đầu. Thân rễ hoặc mô phân sinh nách lá có hiệu quả cao so với các tế bào rễ củ trong việc hình thành rễ mới của sâm cau. Khi chồi rễ được cấy vào môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l IAA và 0,25 mg/l NAA, 100% rễ con được hình thành nhiều và dài tới 2,0 – 2,5 cm sau 2 tuần nuôi cấy. Không có sự hình thành mô sẹo, chồi hoặc rễ nào được quan sát thấy khi nuôi cấy từ phần rễ củ và chồi thân rễ trên môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l KN; 0,1 mg/l IAA; 0,50 mg/l BAP và 0,50 mg/l KN. Chúng tôi tiếp tục theo dõi thấy rằng khi có sự xuất hiện của các chất điều tiết sinh trưởng khác trong môi trường MS, các phần rễ củ cũng đã hạn chế sự tái tạo cây con.

Tạ Quốc Vượng

SỰ TÍCH LŨY SINH KHỐI KHÁC NHAU CỦA SÂM VIỆT NAM (PANAX VIETNAMENSIS) TRONG NUÔI CẤY TẾ BÀO VỚI VIỆC BỔ SUNG CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG VÀ PHỤ GIA HỮU CƠ

Tuan Tran Trong và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical MedicineVol.10, No 9, September 2017: 907-915

Mục tiêu: Để đánh giá tác động của các chất điều hòa sinh trưởng thực vật bao gồm kinetin (KN), benzyl adenin, acid naphthalene acetic, dịch chiết nấm men và casein thủy phân đối với sự tích lũy sinh khối của sâm Việt Nam Panax vietnamensis (P. vietnamensis) trong nuôi cấy tế bào.

Phương pháp: Nuôi cấy tế bào được thực hiện từ các mô sẹo có nguồn gốc từ lá và cuống lá của cây con P. vietnamensis được nuôi cấy mô 3 năm tuổi. Việc nuôi cấy tế bào được thực hiện trong môi trường cơ bản MS có bổ sung các nồng độ KN, benzyl adenin, acid naphthalen acetic, dịch chiết nấm men và casein thủy phân khác nhau.

Kết quả: Tất cả các yếu tố được thử nghiệm đều tạo ra sự gia tăng sinh khối tế bào của P. vietnamensis trong nuôi cấy tế bào, nhưng tác động của mỗi loại khác nhau là khác nhau, phụ thuộc vào loại yếu tố, nồng độ và thời gian nuôi cấy. Môi trường bổ sung 2,0 mg/L KN cho kết quả tăng sinh khối lớn nhất sau 24 ngày, trọng lượng tươi đạt 57,0 ± 0,9 và trọng lượng khô đạt 3,1 ± 0,1 mg/mL, trong khi bổ sung benzyl adenin hoặc acid naphthalen acetic sinh khối tế bào tối ưu tạo ra chỉ ở mức 1,0 mg/L và 1,5 mg/L tương ứng. Việc bổ sung dịch chiết nấm men dẫn tới sinh khối P. vietnamensis tăng 1,4–2,4 lần, trong khi bổ sung casein thủy phân đã tăng cường tích lũy sinh khối từ 1,8–2,6 lần.

Kết luận: Sự bổ sung từng yếu tố đã gây ra những thay đổi đáng kể đối với sự tích luỹ sinh khối của P. vietnamensis. Sự tích lũy sinh khối lớn nhất đạt được trong môi trường nuôi cấy MS có bổ sung 2,0 mg/L KN trong 24 ngày. Kết quả của nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết mới về điều kiện nuôi cấy tối ưu cho các nghiên cứu về sản xuất sinh khối trong nuôi cấy tế bào P. vietnamensis.

Tạ Quốc Vượng

NGHIÊN CỨU TÁI SINH CÂY CON ĐỂ BẢO TỒN IN VITRO LOÀI SÂM CAU CURCULIGO ORCHIOIDES

 -  LOÀI CÂY THUỐC QUÝ HIẾM

P.E. Rajasekharan và cs.

Electronic Journal of Plant Breeding.

Received: 23 March 2015; Accepted:  20 Oct 2016

Nghiên cứu nhân giống in vitro cây Sâm cau (Hypoxidaceae) đã được thực hiện để xây dựng quy trình bảo tồn in vitro loài cây quý hiếm này. Rễ củ tươi và đỉnh sinh trưởng chồi được sử dụng để vào mẫu nuôi cấy ban đầu. Sau đó lá và rễ được hình thành in vitro sẽ được sử dụng làm mẫu cấy trong môi trường MS được bổ sung 8,87 µM BA nhằm tái sinh chồi. Giai đoạn hình thành mô sẹo được bỏ qua để duy trì mẫu nuôi cấy gốc và thúc đẩy sự tái sinh trực tiếp. Quá trình hình thành rễ đồng thời cũng thành công trong điều kiện nuôi cấy mô cần thiết với tỷ lệ sống sót 100%. Việc bảo tồn in vitro được hoàn thành ở 10oC và các bình cấy có thể được duy trì trong thời gian tối thiểu là 1 năm mà không cần cấy chuyển.

Phan Thị Lâm/Nguyễn Minh Tuyên/Đặng Minh Tú

ẢNH HƯỞNG CỦA HORMON THỰC VẬT ĐẾN NHÂN GIỐNG VÀ SỰ HÌNH THÀNH MÔ SẸO CỦA CÂY THUỐC SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES)
Samaneh Zokae và cs.
Journal of Agricultural Science and Engineering, Vol. 2, No. 5, 2016: 36-39

Sâm cau là loại thảo dược lâu năm thuộc họ Hypoxidaceae, là loài thuốc quan trọng có nguy cơ tuyệt chủng. Trong nghiên cứu này, một quy trình đơn giản và hiệu quả cho việc nhân giống in vitro của các loài sâm cau - Curculigo orchioides thông qua các đỉnh sinh trưởng và các phần mô cấy từ đốt thân và mô sẹo của cây sâm cau từ lá, đốt và các mô cấy đã được sử dụng. Một thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên đã được tiến hành cho các thí nghiệm nhân chồi thu được trên tất cả các nồng độ của BAP và NAA, nhưng BAP (1 mg / l) cho thấy hiểu quả tốt nhất (90 và 80%) từ cả hai mẫu mô cấy. Tương tự, mô sẹo cho phản ứng tốt nhất được quan sát thấy trên môi trường MS bổ sung 2, 4 - D + Kin (1 + 1 mg / l) trong tất cả các mô cấy. Sau đó, cây con được chuyển đến các môi trường chậu khác nhau trong nhà lưới để huấn luyện đến hết chu kỳ ba tháng, trung bình thu được 125 cây từ một mô phân sinh đơn lẻ.

Lê Đức Tâm

XÁC ĐỊNH MỘT SỐ LOÀI PANAX LÀM DƯỢC LIỆU THAY THẾ TIỀM NĂNG

 CHO LOÀI PANAX NOTOGINGSENG TRONG CẦM MÁU

Bin Rui Yang và cs.

Pharmacological Research (2018) 134:1-15

Tam thất (Panax notoginseng (Burkill)) F. H. Chen ex C. H. Chow (P. notoginseng) là một dược liệu có giá trị cao của Trung Quốc, nó có tác dụng cầm máu và chủ yếu được sử dụng để điều trị vết thương, bệnh tim mạch và thiếu máu cục bộ. Cây sinh trưởng trong điều kiện khắt khe, khả năng kháng sâu bệnh gây hại yếu, ngoài ra môi trường ô nhiễm asen và tình trạng canh tác liên tục tạo thành rào cản để tăng sản lượng P. notoginseng trong sản xuất nông nghiệp. Bài tổng quan này tập trung vào công dụng truyền thống (dựa trên lý thuyết y học cổ truyền Trung Quốc), thành phần hóa học chính, hoạt tính sinh học, tính chất dược lý, phân bố địa lý, lịch sử phát triển phân loại P. notoginseng và các loài liên quan trong chi Panax, bao gồm Panax japonicus CA Meyer (P. japonicus), Panax japonicus CA Meyer var. major (Burkill) C. Y. Wu et K. M. Feng (P. japonicus var. major) và Panax japonicus C. A. Meyer var. bipinnatifidus (Seem.) C. Y. Wu et K. M. Feng (P. japonicus var. bipinnatifidus) cũng được xem xét. Bài tổng quan này làm sáng tỏ các loại thảo dược có nguồn gốc của Zhujieshen (ZJS) và Zhuzishen (ZZS), ví dụ: P. japonicas var. japonicasP. japonicus var. major và P. japonicus var. bipinnatifidus có thể được sử dụng thay thế cho P. notoginseng trong việc sử dụng làm thảo dược cầm máu.

Nguyễn Văn Hiếu

PROTEIN HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ RỄ CỦA LOÀI PANAX NOTOGINSENG VÀ NHỮNG LOÀI KHÁC THUỘC CHI PANAX

Yau Sang Chan và cs.

Current Protein & Peptide Science (2018)

Chi Panax bao gồm một nhóm các loại thảo dược được đánh giá cao. Các loài chính trong chi bao gồm P. ginsengP. notoginsengP. quinquefolius và P. vietnamensis. Chúng chứa nhiều thành phần có hoạt tính sinh học cao như ginsenosid, saponin, polysaccharid và protein. Nhiều loài thuộc chi Panax đã được chứng minh là chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người. Các Ginsenosid và saponin của nhân sâm được phát hiện ở hầu hết các nghiên cứu. Các nghiên cứu chuyên sâu cho thấy vai trò của chúng trong việc cải thiện chức năng của hệ thần kinh, hệ tim mạch và các chức năng khác. Ngược lại, hiểu biết của chúng ta về protein hoạt tính sinh học từ Panax còn tương đối hạn chế. Một số protein từ P. ginseng, loài có giá trị nhất của thuộc chi Panax, đã được nghiên cứu và chứng minh là có lợi cho cơ thể con người. Trong khi đó, một vài protein có hoạt tính sinh học từ loài P. notoginseng, chẳng hạn như ribonuclease và những protein kháng nấm đã được phát hiện và công bố. Nghiên cứu này đã đưa ra những thông tin về các protein có trong P. notoginseng đã được xác định và so sánh với những chất có cấu trúc hoặc hoạt tính tương tự phát hiện từ những nghiên cứu trên các loài khác thuộc chi Panax và kết luận về đặc điểm đặc biệt của những protein có trong P. notoginseng.

Đặng Minh Tú

MỘT THỨ LOÀI MỚI CỦA CHI PANAX (HỌ ARALIACEAE) TẠI CAO NGUYÊN LÂM VIÊN, VIỆT NAM

VÀ DẤU CHUẨN PHÂN TỬ CỦA THỨ NÀY

Nông Văn Duy và cs.

Phytotaxa Vol 277, No 1, 2016: 047–058

Một thứ mới được mô tả thuộc chi PanaxP. vietnamensis var. langbianensis phân bố ở núi Lang Biang, cao nguyên Lâm Viên, miền Nam Việt Nam. Thứ này có đặc điểm hình thái khác biệt với hai thứ của loài P. vietnamensis (var. vietnamensis, var. fuscidiscus) ở các đặc điểm: cuống hoa ngắn hơn, dài 8-11 mm; đầu lá chét nhọn, cuống lá chét 0,4 – 0,6 cm; cánh hoa nhỏ hơn, đĩa hoa lồi và vòi nhụy thường xẻ 2 (hiếm khi 1). Ngoài những bằng chứng về hình thái, sự ghi nhận cho thứ mới này được xác minh bởi dữ liệu trình tự của 3 chỉ thị phân tử (ITS1-5.8S-ITS2, 18S rRNA và matK). Thứ mới này được biết tới chỉ từ một quẩn thể tại địa điểm nơi mẫu chuẩn được thu thập, trong một khu vực chỉ rộng 1 km2 với kích thước quần thể khoảng 100 – 200 cá thể. Do đó thứ này nên được đưa vào danh mục cực kỳ nguy cấp (CBB2acb (ii,iii,v); C2a(i); E) theo các tiêu chí của IUCN Red List.

 

Phạm Thị Ngọc

 

PHÁT SINH HỆ GEN VÀ MÃ VẠCH CỦA PANAX: HƯỚNG TỚI NHẬN DẠNG CÁC LOÀI SÂM

V. Manzanilla, và cs.

BMC Evolutionary Biology (2018): 18-44

Giá trị thương mại của nhân sâm trong thương mại cây thuốc toàn cầu ước tính hơn 2,1 tỷ đô la. Đồng thời, vị trí tiến hóa của nhân sâm (Panax ginseng) và lịch sử tiến hóa phức tạp của chi chưa được hiểu rõ dù đã có một số nghiên cứu dựa trên phát sinh chủng loại phân tử. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng một khung phát sinh hệ gen lạp thể đầy đủ để giải quyết các mối quan hệ trong chi Panax và để xác định các dấu chuẩn phân tử để phân biệt các loài.

Kết quả: Chúng tôi sử dụng kỹ thuật giải trình tự hiệu năng cao (high-throughput sequencing) của phân đoạn ADN Panax MBD2-Fc để bổ sung cho hệ gen lạp thể có sẵn tạo ra một hệ thống phát sinh loài dựa trên bộ gen lạp thể được dịch mã đầy đủ và chú giải từ 60 giống của 8 loài. Phương pháp xây dựng phát sinh plastome dựa trên một ma trận 163 kbp làm rõ mối quan hệ chị em giữa Panax ginseng và P. quinquefolius. Các loài có liên quan gần gũi với loài P. vietnamensis được coi như là có cùng quan hệ chị em với P. japonicuscos. Ma trận plastome cũng cho thấy rằng dấu chuẩn trnC-rps16, trnS-trnG, và trnE-trnM cũng có thể được sử dụng để phân việt rõ ràng tất cả các loài đại diện trong chi.

Kết luận: MBD2 làm giảm chi phí giải trình tự plastom, điều này khiến nó trở thành một giải pháp thay thế hữu ích cho việc nhận dạng dựa trên phân tử bằng cách giải trình tự Sanger dựa trên mã vạch DNA. Phát sinh plastome cung cấp một nền vững chắc, có thể đã được nghiên cứu tiến hoá về đặc điểm hình thái và con đường sinh tổng hợp của các ginsengosid cho viễn cảnh phát sinh loài. Việc nhận dạng bằng sinh học phân tử của các loài sâm là cần thiết để xác thực sâm trong thương mại quốc tế và nó tạo nên một động lực cho các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm đáng tin với thành phần rõ ràng.

Phạm Thị Ngọc/Trịnh Minh Vũ

ĐỊA LÝ SINH VẬT LIÊN LỤC ĐỊA VÀ NỘI ĐỊA CỦA VÙNG ĐÔNG Á - ĐÔNG BẮC MỸ PHÂN TÁCH CHI PANAX

(CHI NHÂN SÂM, HỌ ARALIACEAE), LÀM RÕ QUÁ TRÌNH ĐA DẠNG HÓA CỦA CHI NÀY Ở ĐÔNG Á

Yun-Juan Zuo và cs.

Molecular Phylogenetics and Evolution 117 (2017): 60–74

Địa lý sinh vật liên lục địa giữa Đông Á và Đông Bắc Mỹ đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà sinh học tiến hóa. Hơn nữa, những hiểu biết sâu sắc về tiến hóa của sự phân tách liên lục địa đã bị cản trở do thiếu các nghiên cứu về địa lý sinh vật nội địa ở Đông Á, một vùng có địa chất, địa lý, khí hậu và môi trường sống phức tạp. Ở đây, chúng tôi nghiên cứu lịch sử địa lý sinh vật Đông Á – Đông Bắc Mỹ phân tách chi Panax trong đó đặc biệt nhấn mạnh điều tra sự đa dạng không đồng đều của chúng ở Châu Á. Nghiên cứu này tái tạo lại lịch sử đa dạng hóa của chi Panax và cũng nhấn mạnh một nhánh lớn của chi có phân bố rộng ở Đông Á nhưng chưa được giải quyết trong các nghiên cứu trước đây. Chúng tôi đã kiểm tra các đoạn ADN lạp thể không mã hóa của các gen trnH-psbA, rps16 và psbM-trnD, đoạn gen intron NAD1 của ty thể và vùng ITS của 356 mẫu từ 47 quần thể. Kết quả cho thấy nguồn gốc cận nhiệt đới bán cầu Bắc (Châu Á hoặc châu Á và Bắc Mỹ) của Panax trong thế Paleocene (thế Cổ sinh trong Đại Tân Sinh).

Sự phân tách liên lục địa (Intercontinental disjunctions) giữa Đông Á và Đông Bắc Mỹ đã hình thành hai lần ở chi Panax. Một lần ước tính vào đầu thế Eocene (thế Thủy Tân) với sự phân ly của P. trifoliatus và lần còn lại ở giữa thế Miocene (thế Trung Tân) với sự phân ly của P. quinquefolius. Sự đa dạng hóa liên lục địa ở Panax cho thấy sự tương quan thời gian với sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu. Sự phát tán tiến hóa của phức loài P. bipinnatifidus xảy ra xung quanh giao thời giữa thế Oligocene (thế Tiệm Tân) và thế Miocene (thế Trung Tân). Cấu trúc di truyền bền vững giữa các quần thể của phức loài đã được tìm ra và các quần thể có thể được phân ly do khoảng cách. Phân tích mạng trục và nhánh Bayes cho thấy một phát tán tiến hóa chính có trung tâm ở dãy núi Hoành Đoạn (Hengduan) phía Tây Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự phát tán tiến hóa của chi Panax đã được thúc đẩy bởi các rào cản địa lý, bao gồm các dãy núi (dãy núi Hoành Đoạn, Nam Lĩnh - Nanling và Vũ Di Sơn - Wuyishan), đại dương và sự thay đổi độ cao, đóng góp hiểu biết về sự đa dạng loài không đồng đều giữa Đông Á và Bắc Mỹ.

Phạm Thị Ngọc

TRÌNH TỰ BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA LOÀI PANAX VIETNAMENSIS HA ET GRUSHV (ARALIACEAE)

Nguyen B và cs.

Mitochondrial DNA A DNA Mapp Seq Anal. 2017 Jan; 28(1): 85-86

Trình tự hoàn chỉnh bộ gen lục lạp của Panax vietnamensis, một loài cây thuốc thuộc họ Araliaceae đã được thực hiện bằng cách lắp ráp các đoạn trình tự sử dụng kỹ thuật giải trình tự bộ gen thế hệ mới. Bộ gen lục lạp có dạng vòng dài 155,992 bp cho thấy cấu trúc điển hình gồm một vùng gen đơn bản lớn với độ dài 86.177 bp, một vùng gen đơn bản nhỏ với độ dài 17.935 bp và một cấu trúc “kẹp tóc” (pair of inverted repeats - cặp trình tự lặp lại ngược chiều) với độ dài 25.940 bp. Hệ gen lục lạp có 79 gen mã hóa protein, 29 gen tARN và 4 gen rARN. Phân tích phát sinh loài dựa trên các bộ gen lục lạp cho thấy 4 loài Panax được nhóm lại trong cùng nhánh và P. vietnamensis có quan hệ gần gũi với P. notoginseng hơn P. ginseng và P. quinquefolius.

Phạm Thị Ngọc/Trần Văn Lộc

PHÂN TÍCH CHỨC NĂNG CỦA GEN CHITINASE PNCHI1 TỪ PANAX NOTOGINSENG

Bai ZW và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi.  2018, 43 (9):1832-1837

Chitinase, một enzym glycosidase thủy phân chitin thành N-acetylglucosamin, được tìm thấy rộng rãi trong tế bào thực vật và chúng là một phần quan trọng trong hệ thống phòng chống nấm thực vật. Chức năng gen chitinase PnCHI1 của Panax notoginseng được mô tả trong bài báo này. Vector biểu hiện của PnCHI1 được thiết kế và biểu hiện tạm thời trong các tế bào biểu bì của hành tây, và quét dưới kính hiển vi đồng tiêu điểm đã chứng minh rằng PnCHI1 đã được cố định trong thành tế bào. Vector biểu hiện trong tế bào nhân sơ của PnCHI1 cũng đã được thiết kế, protein tái tổ hợp của PnCHI1 được tạo ra và tinh sạch. Phân tích kháng khuẩn in vitro chỉ ra rằng protein PnCHI1 tái tổ hợp có hoạt tính ức chế mạnh đối với sự phát triển sợi nấm của Fusarium solani, F. oxysporum và F. verticillioide. Chức năng của PnCHI1 cũng đã được xác định bởi đảo ngược di truyền. Vector biểu hiện PnCHI1 được chuyển vào cây thuốc lá nhờ vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens và khả năng biểu hiện của PnCHI1 được xác định bằng qRT-PCR. Cây thuốc lá chuyển gen tăng khả năng kháng lại nấm F. solani trong thí nghiệm lây nhiễm trên lá. Từ các kết quả đó kết luận: PnCHI1 là một chitinase cố định trong thành tế bào, ức chế một số loại nấm gây bệnh thối rễ của P. notoginseng. Sự siêu biểu hiện gen chitinase này trong thuốc lá làm tăng đáng kể tính kháng với F. solani. PnCHI1 có thể là một gen kháng quan trọng của P. notoginseng tham gia vào việc phòng chống bệnh thối rễ.

Hoàng Thị Như Nụ

PHÂN TÍCH HỆ PHIÊN MÃ THÂN/LÁ NHÂN SÂM VÀ BIỂU HIỆN GEN TRONG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN LÁ

Liu S và cs

Mol Med Rep. 2017,16(5):6396-6404

Nhân sâm (Panax ginseng C.A Meyer) là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào rễ, các vùng phía trên của cây thì ít được nghiên cứu. Thân và lá là các mô chính ở phân phía trên, nghiên cứu này mô tả cấu trúc phiên mã của chúng sử dụng công nghệ giải trình tự Illumina next‑generation. Các biểu hiện gen và các gen chức năng của thân nhân sâm (GS) và lá (GL) được phân tích trong giai đoạn phát triển của lá. Thư viện cDNA của lá và thân của cây nhân sâm 5 năm tuổi đã được xây dựng riêng biệt. Trong thư viện thân, 38.000.000 trình tự đã đọc. Các trình tự đã đọc được tập hợp thành 99,809 trình tự duy nhất với kích thước trung bình 572 bp, và 57,371 trình tự đã được xác định dựa trên các protein tương tự đã biết. Tập hợp các trình tự đã được chú thích bằng cách sử dụng phương pháp Gene Ontology, Clusters of Orthologous Groups classifications và Kyoto Encyclopedia of Genes and Genomes pathways. Đối với lá hơn 118.000.000 trình tự đã được đọc, được tổng hợp thành 73.163 trình tự duy nhất, trong đó 50.523 trình tự đã được xác định. Ngoài ra, một số gen liên quan đến việc điều hòa tăng trưởng, điều kiện bất lợi, bệnh, và các protein liên quan đến chuyển hóa chất diệp lục đã được tìm thấy và biểu hiện ở mức cao, với mức độ biểu hiện thấp của enzym sinh tổng hợp ginsenosid cũng được tìm thấy. Kết quả của nghiên cứu này cung cấp nguồn trình tự hữu ích có giá trị cho nhân sâm nói chung, và đặc biệt cho việc nghiên cứu sâu hơn về chức năng hệ gen và di truyền phân tử của thân và lá sâm trong giai đoạn phát triển sớm.

Hoàng Thị Như Nụ

ĐÁNH GIÁ SỰ SINH TRƯỞNG VÀ CÁC HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC

CỦA SÂM VIỆT NAM (PANAX VIETNAMENSIS) TRỒNG TRỌT TẠI QUẢNG NAM

Tran Bao Tram và cs.

VNU Journal of Science: Natural Sciences and Technology, 2017 33(2S):227-232

Trong nghiên cứu này chúng tôi tiến hành đánh giá ảnh hưởng của thời gian trồng lên sinh trưởng và khả năng tích lũy một số thành phần saponin-ginsenoside chính trong các phần khác nhau (dưới mặt đất và khí sinh) của cây Sâm việt nam (SVN) trồng tại Nam Trà My (Quảng Nam). Kết quả cho thấy: cây SVN sinh trưởng và phát triển theo thời gian trồng (2-6 năm) nhưng tốc độ tăng rõ rệt nhất ở năm thứ 4. Hàm lượng saponin tổng số ở phần dưới mặt đất tăng dần theo thời gian trồng với hàm lượng tích lũy được khá cao (từ 5,23% đến 13,88% sau 2 - 6 năm), hơn hẳn so với trong phần khí sinh (ở mức 2,51% - 3,61% và không biến động nhiều qua thời gian). Các thành phần Rg1, Rb1, Rd đều phân tích được trong toàn cây SVN nhưng chiếm lượng nhiều hơn trong phần dưới mặt đất (sau 6 năm tương ứng đạt 2,04%, 2,56% và 1,72%), còn ở phần khí sinh hàm lượng chủ yếu là Rb1 (1,15-1,4%), Rg1 và Rd có rất ít (dưới 0,15%). Thành phần Re không phát hiện thấy trong phần khí sinh và có rất ít ở phần dưới mặt đất (dưới 0,05%). Thành phần MR2 đặc trưng cho SVN không phát hiện trong phần khí sinh nhưng chiếm tỷ lệ khá cao trong phần dưới mặt đất với hàm lượng đạt 2,23%; 3,26%; 4,54%; 5,75% và 5,23%, tương ứng sau 2-6 năm trồng. Xét chung cả về tiêu chuẩn trọng lượng và hàm lượng hoạt chất, cây SVN sau từ 5 năm trồng bắt đầu có thể thu hoạch sử dụng làm dược liệu

Nguyễn Xuân Nam

SỰ TÍCH LŨY SINH KHỐI CỦA PANAX VIETNAMENSIS TRONG NUÔI CẤY TẾ BÀO HUYỀN PHÙ KHÁC NHAU DO BỔ SUNG CÁC CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG VÀ CÁC PHỤ GIA HỮU CƠ

Tuan Tran Trong và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical Medicine, 2017, 10(9): 907-915

Mục tiêu: Để đánh giá tác động của các chất điều hòa sinh trưởng thực vật bao gồm kinetin (KN), benzyl adenin, acid naphthalen axetic, dịch chiết nấm men và casein thủy phân đối với sự tích lũy sinh khối của sâm Việt Nam Panax vietnamensis (P. vietnamensis) trong nuôi cấy tế bào huyền phù.

Phương pháp: Nuôi cấy tế bào huyền phù được thực hiện từ các calluses có thể nghiền nhỏ được tạo ra từ lá và cuống lá của cây P. vietnamensis nuôi cấy mô 3 năm tuổi. Nuôi cấy tế bào huyền phù được phát triển trong môi trường MS cơ bản có bổ sung các nồng độ KN, benzyl adenin, acid naphthalen axetic, dịch chiết nấm men và casein thủy phân khác nhau.

Kết quả: Tất cả các yếu tố được thử nghiệm đều tạo ra sự gia tăng sinh khối tế bào của P. vietnamensis trong nuôi cấy huyền phù, nhưng tác động của mỗi loại khác nhau là khác nhau, phụ thuộc vào loại yếu tố, nồng độ và thời gian nuôi cấy. Môi trường bổ sung 2,0 mg/L KN cho kết quả tăng sinh khối lớn nhất sau 24 ngày, trọng lượng tươi đạt 57,0 ± 0,9 và trọng lượng khô đạt 3,1 ± 0,1 mg/mL, trong khi bổ sung benzyl adenin hoặc acid naphthalen acetic sinh khối tế bào tối ưu tạo ra chỉ ở mức trọng lượng tươi 1,0 mg/L và trọng lượng khô 1,5 mg/L. Việc bổ sung dịch chiết nấm men dẫn tới sinh khối P. vietnamensis tăng 1,4–2,4 lần, trong khi bổ sung casein thủy phân đã tăng cường tích lũy sinh khối từ 1,8–2,6 lần.

Kết luận: Sự bổ sung từng yếu tố đã gây ra những thay đổi đáng kể đối với sự tích lỹ sinh khối của P. vietnamensis. Sự tích lũy sinh khối lớn nhất đạt được trong môi trường nuôi cấy MS có bổ sung 2,0 mg/L KN trong 24 ngày. Kết quả của nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết mới về điều kiện nuôi cấy huyền phù tối ưu cho các nghiên cứu về sản xuất sinh khối tế bào in vitro của P. vietnamensis.

Nguyễn Xuân Nam

SINH THÁI VÀ BẢO TỒN NHÂN SÂM MỸ (PANAX QUINQUEFOLIUS)

TRONG MỘT THẾ GIỚI  ĐANG THAY ĐỔI

McGraw JB và cs.

Ann N Y Acad Sci. 2013,1286:62-91

 Nhân sâm Mỹ (Panax quinquefolius L.) là một loài thực vật quý hiếm của rừng rụng lá phía đông. Trong hai thế kỷ qua, việc thu hái để cung cấp cho thị trường y học cổ truyền châu Á làm cho nhân sâm Mỹ là một trong những loài thực vật hoang dại được khai thác nhiều nhất ở Bắc Mỹ, điều này làm cho chúng nằm trong danh sách tại Phụ lục II của Công ước CITES. Với những đặc tính nổi trội, loài cây dưới tán này đã được sử dụng như một thước đo ảnh hưởng của môi trường đến nhiều loài ít được nghiên cứu trong hệ thực vật ôn đới đa dạng ở miền đông bắc Mỹ. Chúng tôi tổng hợp những phát hiện khoa học gần đây liên quan đến loài thực vật quan trọng này, xác định các yếu tố tương tác trực tiếp và gián tiếp với con người trong cả quá trình lịch sử đã dẫn đến tình trạng hiện tại của loài. Tác động của thu hái, mất cành lá do động vật ăn và biến đổi khí hậu đã được nghiên cứu chi tiết và tất cả các yếu tố này đều thể hiện mối đe dọa tới sự tồn tại lâu dài của sâm. Cuối cùng, chúng tôi tổng hợp những hiểu biết của mình bằng việc mô tả sự tồn tại của nhân sâm trong hàng ngàn quần thể nhỏ nhằm tạm thời tránh nguy cơ tuyệt chủng.                                                                 

                                                                           Vũ Thị Hồng Trang

SỰ ĐA DẠNG CỦA NẤM NỘI SINH TRONG CÁC LOẠI MÔ KHÁC NHAU CỦA PANAX GINSENG MEYER

TRỒNG TẠI HÀN QUỐC

Young-Hwan Park và cs.

J Ginseng Res, 2012,36(2):211-217

Nấm nội sinh được phân lập từ các mô khác nhau (gốc, thân, cuống lá, lá và cuống hoa) của cây nhân sâm 3 và 4 tuổi (Panax ginseng Meyer) trồng tại Hàn Quốc. Các nấm nội sinh đã phân lập được nhận dạng dựa trên phân tích vùng trình tự ITS, 1-5.8-ITS 2. Các đặc điểm hình thái được quan sát bằng kính hiển vi điện tử. Theo đó, 127 nấm phân lập được chia thành 27 taxa (đơn vị phân loại). Các chi Phoma, Alternaria và Colletotrichum là các chi nấm thường gặp nhất, tiếp theo là FusariumEntrophospora và Xylaria. Mặc dù 19/27 mẫu nấm đã được nhận dạng ở cấp độ loài, phần còn lại được phân loại ở cấp chi (6 mẫu), cấp ngành (Ascomycota – ngành nấm túi, 1 mẫu), và một số loài không xác định (1 mẫu). 13 và 19 loài nấm nội sinh đã được phân lập từ cây sâm 3 và 4 năm tuổi tương ứng. Phoma radicina và Fusarium solani là những loài được tìm thấy nhiều nhất trong các mô của cây nhân sâm 3 và 4 năm tuổi. Tần suất bắt gặp (CF%) phụ thuộc vào độ tuổi và phần mô được kiểm tra: CF của mô rễ và thân cây sâm 3 năm tuổi cao hơn CF của cây 4 năm tuổi. Ngược lại, CF cao hơn được tìm thấy trong phần mô lá và cuống lá của cây 4 tuổi, và nấm nội sinh trong cuống hoa chỉ được phát hiện trong cây 4 tuổi. Tóm lại, chúng tôi đã phát hiện được nhiều loài nấm nội sinh khác nhau trong cây nhân sâm, phân bố của chúng tùy thuộc vào độ tuổi và phần mô kiểm tra.

Đinh Thị Thu Trang

ẢNH HƯỞNG CANH TÁC TRONG NHÀ MÀNG ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG NHÂN SÂM

TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA

Dong Won Kim và cs.

Korean J. Medicinal Crop Sci. 2014, 22(3):210-216

Trong nhà kính che phủ lưới đen, nhiệt độ trung bình là 29,5 ℃ và và tối đa 33,2 ℃ lúc 2:00 chiều, nhiệt độ đều thấp hơn tương ứng là 0,6 ℃ và 1,3 ℃ so với điều kiện bóng râm thông thường. Trong suốt mùa sinh trưởng từ tháng 5 đến tháng 10, sự truyền ánh sáng trong nhà kính là 14% và trong bóng râm thông thường 9,9%. Thời gian héo của phần trên mặt đất trong điều kiện thường vào ngày 3 tháng 10 với 60% lá héo, trong khi đó trong nhà kính tồn tại lâu hơn khoảng 40 ngày vào ngày 10 tháng 11 với 3,7% lá héo. Tỷ lệ mắc các bệnh chính trong điều kiện thường như thán thư 15%, đốm lá 17%, thối lá 5% và nấm mốc xám 3%, trong khi ở điều kiện nhà màng tỷ lệ mắc bệnh là 0 ~ 0,1% và tỷ lệ nảy mầm là 95%. Sự tăng trưởng ở phần trên và dưới mặt đất của nhân sâm trong nhà kính là tốt hơn, đặc biệt là các yếu tố cấu thành năng suất như: chiều dài rễ, chiều dài rễ củ và đường kính rễ. Khối lượng tươi tăng 128% so với điều kiện thường. Số rễ thu hoạch trên 3,3 m2 là 36 rễ trong điều kiện thườngvà 58 rễ trong điều kiện nhà màng. Năng suất trên 3.3 mtrong nhà màng cũng tăng 216% so với điều kiện thường. Đối với vật liệu che phủ, rơm rạ trong nhà màng cho hiệu quả cao. Hàm lượng ginsenosid ảnh hưởng đến chất lượng nhân sâm cho kết quả cao hơn trong nhà màng với 0,33% Rg1, 0,672% Rb1, 0,730% Rc và tỷ lệ rễ gỉ đỏ ít hơn 4,0 ~ 6,1%. Với kết quả trên có thể kết luận chất lượng nhân sâm trồng trong nhà màng phủ lưới đen đã được cải thiện hơn so với điều kiện thường.

Đinh Thị Thu Trang

ẢNH HƯỞNG CỦA LIỀU LƯỢNG VÔI BÓN (CANXI HYDROXID) ĐẾN BIỂU HIỆN ĐỐM NÂU LÁ SINH LÝ VÀ NĂNG SUẤT RỄ CỦ CỦA NHÂN SÂM TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA

Sung Woo Lee và cs

Korean J. Medicinal Crop Sci., 2015, 23(2 :150 – 154

Triệu chứng bệnh sinh lý, chẳng hạn như bệnh đốm nâu lá, xuất hiện rất nhiều trong các vườn nhân sâm trồng trên đất lúa. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu ức chế các triệu chứng lá màu nâu trên cây sâm 3 tuổi bằng cách bón 100 ~ 400 kg vôi [Ca (OH) 2] trên 10 a đất lúa trước khi trồng. Khi tăng liều lượng vôi bón, pH đất tăng nhanh trong khi hàm lượng Fe trong đất giảm. Ở liều lượng vôi bón 100kg/10a, pH đất tăng từ 4,53 lên 6,18. Mặt khác, bón vôi cũng làm giảm hàm lượng Fe trong lá sâm so với đối chứng. Tỷ lệ lá bị đốm nâu/chiều cao cây và diện tích lá giảm khi bón tăng vôi. Tỷ lệ cây sống sót và năng suất của rễ củ cao nhất ở mức vôi bón 100 kg/10a, và giảm dần khi tiếp tục bón tăng vôi. Việc giảm tỷ lệ cây sống ở mức bón vôi trên 200 kg/10a có tác động tiêu cực làm giảm năng suất rễ củ.

Đinh Thị Thu Trang

ÁP DỤNG PHỦ LUỐNG HAI LỚP CHO CÂY GIỐNG TAM THẤT BẮC

Ou XH và cs.

Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 2014;39(4):566-71

Mục tiêu: Để cải thiện chế độ tưới cho cây con tam thất bắc, các biện pháp phủ luống khác nhau đã được thực hiện qua đó đánh giá hiệu quả của biện pháp phủ hai lớp.

Phương pháp: Thí nghiệm đồng ruộng được áp dụng để nghiên cứu độ ẩm, nhiệt độ và dung trọng đất của các cách phủ luống khác nhau, ngoài ra tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng của cây con cũng đã được đánh giá.

Kết quả: So với cách phủ luống 1 lớp truyền thống là dùng lá thông hoặc rơm rạ, thì cách phủ 2 lớp là bằng màng nhựa kết hợp với lá thông hoặc rơm rạ có thể giảm 2/3 lượng nước tưới vào giai đoạn đầu của cây con. Phương pháp phủ luống 2 lớp không cần tưới nước trong 40 ngày kể từ khi gieo hạt đến khi hạt nảy mầm và giữ cho độ ẩm và nhiệt độ đất duy trì ổn định ở cả thời điểm cây con tương ứng là 30% và 9-16,60C. Việc duy trì được nhiệt độ và độ ẩm đất ổn định sẽ giúp cây con chống chọi lại được với thời tiết lạnh giá cuối mùa xuân, giúp hạt nảy mầm nhanh và đồng đều, tỷ lệ nảy mầm cao, chất lượng cây con tốt. Ngược lại, nếu phủ luống 1 lớp bằng lá thông hoặc rơm rạ, có độ ẩm và nhiệt độ đất thấp, sau 12 ngày cần phải tưới nước một lần, đồng thời làm giảm thời gian nảy mầm và phát triển tương ứng là 14 ngày và 24-26 ngày, giảm tỷ lệ nảy mầm từ 11,3% – 8,7%. Tuy nhiên, sử dụng lá thông phủ luống tốt hơn so với việc sử dụng rơm rạ để phủ. Mặc dù hiệu quả của việc áp dụng phương pháp phủ luống 2 lớp là giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm đất ổn định hơn, tỷ lệ này mầm cao và nhanh hơn so với phương pháp phủ luống 1 lớp bằng màng nhựa, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra một số nhược điểm của phương pháp này, chẳng hạn như nhiệt độ đất hàng ngày thay đổi rất nhiều, dễ làm cứng đất, nhiều rêu và cỏ dại gây khó khăn cho việc quản lý sau này.

Kết luận: Với mục đích tiết kiệm nước và công lao động cũng như đạt được tỷ lệ nảy mầm cao hơn và chất lượng cây con tốt hơn, phủ luống 2 lớp kết hợp màng nhựa và lá thông vào thời gian đầu và phủ luống 1 lớp loại bỏ màng nhựa giai đoạn sau này là giải pháp để áp dụng cho việc phát triển cây con tam thất bắc.

Nguyễn Thị Thúy/Nguyễn Bá Hưng

ỨNG DỤNG MÃ VẠCH ADN ĐỂ XÁC THỰC LOÀI PANAX VIETNAMENSIS

Nguyen T. P. Trang và cs.

ASRJETS, 2017. 29(1):60-67

Chi Panax L. bao gồm 11 loài và phân loài. Nó phân bố ở Bắc Mỹ và Đông Á (chủ yếu là đông bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Bhutan, phía đông Siberia), thường ở vùng khí hậu lạnh hơn. Ở Việt Nam hiện nay có 5 loài thuộc chi Panax và một phân loài đã được xác định là Panax bipinnatifidus Seem., P. stipuleanatus Feng Tsai, P. vietnamensis Ha et Grushv., P. pseudoginseng Wall., P.  ginseng Meyer. và Panax vietnamensis var. fuscidiscusPanax vietnamensis là loài đặc hữu ở Việt Nam chỉ phân bố quanh núi Ngọc Linh với độ cao từ 1500m đến 2400m, trong các tọa độ địa lý hạn chế từ 14055 'đến 15007' độ vĩ bắc và từ 107051 'đến 108005' độ kinh đông. Loài này là loài Panax duy nhất phân bố tới 150 vĩ độ bắc và được coi là cây thuốc quý giá nhất ở Việt Nam. Nhưng Panax vietnamensis và Panax vietnamensis var. fuscidiscus có nhiều đặc điểm tương tự và khiến mọi người thường nhầm lẫn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng mã vạch ADN để xác thực Panax vietnamensis. Chúng tôi đã giải trình tự 4 vùng ADN lục lạp bao gồm các vùng MatK, rbcL, rpoB và 1 vùng ADN nhân ITS để so sánh và chọn vùng tốt nhất để xác định loài Panax. Kết quả của chúng tôi cho thấy ITS-rDNA là chỉ thị tốt nhất cho các loài Panax đích thực. MatK là tốt cho việc xác định ở cấp loài nhưng rpoB tốt để xác định ở cấp phân loài. Trình tự của MatK, rbcL, rpoB, rpoC, ITS của Panax vietnamensis và Panax vietnamensis var. fuscidiscus được công bố trên ngân hàng gen (Genebank) với mã số tương ứng: KJ 418201, KJ 418206, KT 154685, KT 194325, KT154583, KT 194326, KJ 418194, KJ 418193.

Trần Văn Lộc

ĐẶC ĐIỂM CỦA TOÀN BỘ HỆ GEN LỤC LẠP CỦA NHÂN SÂM CÁT LÂM (PANAX GINSENG C. A. MEYER) SỬ DỤNG GIẢI TRÌNH TỰ GEN THẾ HỆ MỚI

Wang K và cs

Mitochondrial DNA Part B, 2018 3(2):685-686

Nhân sâm Cát Lâm, Panax ginseng C. A. Meyer, thuộc họ Araliaceae. Nó được biết đến như một loài cây thuốc số một và một trong ba báu vật bản địa ở miền Bắc Trung Quốc và đã được trồng ở Trung Quốc trong hơn 2000 năm. Nhân sâm Cát Lâm là nhân sâm chủ yếu ở Trung Quốc, đóng góp tới 85% sản lượng nhân sâm trong nước, do đó nó trở thành một trong những ngành công nghiệp tăng nhanh và quan trọng nhất ở cả tỉnh Cát Lâm và Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, toàn bộ hệ gen lục lạp của Panax ginseng C. A. Meyer đã được xác định bởi phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới. Toàn bộ hệ gen lục lạp của nhân sâm Cát Lâm (P. ginseng CA Meyer) dài 156,286 bp có cấu trúc tứ giác điển hình với các vùng mã hóa đơn lớn (LSC, 87,127 bp) và nhỏ (SSC, 18,329 bp), cách nhau bởi một cặp vùng lặp ngược (IR, 25,415 bp mỗi vùng). Nó chứa 132 gen chức năng, bao gồm 132 gen mã hóa protein, 37 gen RNA vận chuyển và 8 gen RNA ribosom. Thành phần nucleotid tổng thể là: 30,6% A, 31,3% T, 19,4% C và 18,7% G, với tổng hàm lượng G + C là 38,1%. Phân tích mối quan hệ phát sinh loài cho thấy rằng P. ginseng có quan hệ gần với Panax quinquefolius L.

Trần Văn Lộc

ĐẶC ĐIỂM TẾ BÀO HỌC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN  BAO PHẤN CỦA NHÂN SÂM (PANAX GINSENG MEYER)

Yu- Jin Kim và cs

Protoplasma (2016) 253:1111- 1124

Nhân sâm (Panax ginseng), một loại thảo dược có giá trị, là một loại cây sinh trưởng chậm, sau 3 năm sinh trưởng cây bắt đầu ra hoa với sự hình thành một cụm hoa đơn độc hình tán. Tuy nhiên, các thông tin về tế bào học trong quá trình sinh sản nhân sâm ít được biết đến, chẳng hạn như sự phát triển của cơ quan sinh dục đực, nhị hoa. Để hiểu rõ hơn cơ chế kiểm soát sự phát triển cơ quan sinh sản đực ở nhân sâm, ở đây, chúng tôi đã nghiên cứu cấu trúc cụm hoa và hoa của nhân sâm. Hơn nữa, chúng tôi đã tiến hành phân tích tế bào học về hình thái bao phấn và chỉ ra các hoạt đônghj tế bào học phổ biến và đặc biệt bao gồm sự hình thành bốn lớp tế bào đồng tâm xung quanh các tế bào sinh sản đực tiếp theo sự phân hóa tế bào và thoái hóa tế bào cũng như sự hình thành của hạt phấn hoa trưởng thành qua giảm phân và nguyên phân trong quá trình phát triển của nhân sâm. Đặc biệt, quan sát mặt cắt ngang qua kính hiển vi chúng tôi thấy rằng lớp nhân sâm biểu hiện sự phân chia tế bào rõ ràng là không đồng bộ bằng cách quan sát một hoặc hai lớp sắc tố thường thấy trong một thùy bao phấn, cho thấy sự kiểm soát thống nhất của sự phân chia tế bào. Để tạo thuận lợi cho nghiên cứu trong tương lai về nuôi cấy bao phấn nhân sâm, chúng tôi nhóm lại sự phát triển của bao phấn vào 10 giai đoạn phát triển theo các sự kiện tế bào học đặc trưng.

Trần Thị Trang

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC GIAI ĐOẠN TRỒNG VÀ PHƯƠNG THỨC CANH TÁC ĐẾN SỰ ĐA DẠNG VI SINH VẬT

TRONG ĐẤT VÙNG RỄ CỦA NHÂN SÂM PANAX GINSENG

Chunphing Xiao và cs.

Journal of Ginseng Research, 2016,  40,1:28-37

Tổng quan: Nhân sâm Panax không thể được trồng trên cùng một mảnh đất liên tục trong một thời gian dài, và cơ chế cơ bản liên quan đến vi sinh vật vẫn đang được khám phá.

Phương pháp: Phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR) và điện di gel gradient biến tính (PCR-DGGE) và phương pháp BIOLOG được sử dụng để đánh giá đa dạng di truyền và chức năng của vi sinh vật gắn với đất vùng rễ của nhân sâm ở các giai đoạn trồng và phương thức trồng khác nhau.

Kết quả: Phân tích sự đa dạng vi sinh vật bằng PCR-DGGE cho thấy các quần thể vi sinh vật có sự thay đổi đáng kể về thành phần, trong đó có sáu loại vi khuẩn và 7 lớp nấm được phát hiện trong đất trồng sâm  P. ginseng. Trong số đó, Proteobacteria và Hypocreales chiếm phần lớn. Fusarium oxysporum, một tác nhân gây bệnh trong đất, được tìm thấy trong tất cả các mẫu đất của nhân sâm P. ginseng trừ R0. Kết quả từ đa dạng chức năng cho thấy sự đa dạng sinh học của đất không canh tác bị bỏ hoang năm 2003 là cao nhất và đất đưa cây ra trồng cao hơn đất gieo trực tiếp và đất rừng nhân sâm P. ginseng không canh tác, trong khi sự gia tăng về tuổi trồng trọt trong cùng một chế độ giảm sự đa dạng vi sinh vật trong đất trồng sâm P. ginseng. Carbohydrat, axit amin và polyme là nguồn cacbon chính được sử dụng. Hơn nữa, chỉ số đa dạng vi sinh và so sánh đa biến cho thấy sự gia tăng tuổi thọ của nhân sâm đã làm giảm sự đa dạng vi khuẩn và tăng tính đa dạng của nấm, trong khi sự đa dạng vi sinh vật được cải thiện đáng kể trong đất cấy và đất bỏ hoang trong ít nhất một thập kỷ.

Kết luận: Các yếu tố quan trọng cho việc trồng nhân sâm không liên tục là thiếu sự cân bằng trong các quần thể vi sinh vật trong rễ và sự bùng nổ của các bệnh do đất gây ra bởi sự tích tụ của dịch tiết rễ.

Trần Thị Trang

PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH TRÌNH TỰ PHIÊN MÃ CHUỖI RNA CỦA PANAX JAPONICUS VỚI CÁC LOÀI PANAX KHÁC ĐỂ XÁC ĐỊNH CÁC GEN TIỀM NĂNG THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH SINH TỔNG HỢP SAPONIN

Rai1 A và cs.

Front. Plant Sci., 2016, 7:489

Chi Panax đã là một nguồn thuốc tự nhiên, mang lại lợi ích sức khỏe con người qua nhiều năm, trong đó Panax japonicus là một loài quan trọng. Sự hiểu biết của chúng ta về quá trình tổng hợp, các enzym tham gia vào quá trình sinh tổng hợp ginsenosid và thành phần hóa học chính trong dịch chiết thân rễ của các loài Panax còn hạn chế. Hạn chế về thông tin di truyền, và thiếu nghiên cứu về sự khác nhau trong quá trình phiên mã giữa các loài trong chi Panax đã hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về cơ chế sinh tổng hợp các hoạt chất và nhiều hiểu biết quan trọng khác của các chất hóa thực vật. Ở đây, chúng tôi mô tả trình tự chuỗi RNA dựa trên phần mềm Illumina để mô tả hệ phiên mã và biểu hiện của gen trong năm kiểu mô của P. japonicus, và so sánh nó với các loài Panax khác. Trình tự RNA và quá trình phiên mã P. japonicus dẫn đến tổng cộng 135.235 đơn phân với 78.794 (58,24%) đơn phân được chú thích bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu NCBI-nr. Kết quả phiên mã, và phân tích làm giàu bản thể luận gen cho năm mô của P. japonicus cho thấy rằng mặc dù tổng thể các quy trình trên tất cả các mô là như nhau nhưng mỗi mô có sự đặc trưng riêng, đặc biệt là ở lá. Một phân tích so sánh quá trình phiên mã của P. japonicus với các kết quả phiên mã có sẵn từ các loài Panax khác, cụ thể là nhân sâm, tam thất, và P. quinquefolius cũng cho thấy sự tương đồng cao trên tất cả các loài chi Panax, với P. japonicus cho thấy sự tương đồng cao nhất với nhân sâm. Sự hiểu biết của hệ phiên mã P. japonicus dẫn đến việc xác định các gen giả định mã hóa tất cả các enzym từ con đường sinh tổng hợp triterpene, và xác định 24 và 48 gen mã hóa như cytochrom P450 (CYP) và glycosyltransferases (GT), tương ứng. Những CYPs và GTS không tồn tại trên tất cả các loài Panax. Các đơn phân xác định trong nghiên cứu này tham gia vào quá trình sinh tổng hợp ra saponin, và có thể đóng vai trò như một cơ sở cho việc nghiên cứu nhận dạng trong tương lai.

                        Trịnh Minh Vũ

THÀNH TỰU MỚI ĐẠT ĐƯỢC TRONG NGHIÊN CỨU LOÀI SÂM NGỌC LINH

Duong Tan Nhut và cs.

Biotechnology of Neglected and Underutilized Crops, 2013:43-57

Sâm Ngọc Linh thuộc chi Panax, một chi đặc hữu của Việt Nam, là một chi sâm phổ biến ở Việt Nam (sâm Ngọc Linh) giàu hoạt chất, quan trọng nhất là saponin. Thời gian canh tác khá dài, thường là 5-7 năm, và cần tăng cường kiểm soát chất lượng trong các điều kiện khắc nghiệt về mặt môi trường bao gồm đất, sự che bóng, khí hậu, tác nhân gây bệnh và sâu hại. Kỹ thuật in vitro đã được thăm dò rộng rãi để nhanh chóng và hiệu quả sản xuất sinh khối sâm và ginsenosid. Việc phân lập tế bào và môi trường ra rễ của P. vietnamensis mở ra một hướng đi mới trong thương mại. Sự biến động về thông số sinh lý và sinh hóa ảnh hưởng đến việc sản xuất sinh khối và sự tích lũy ginsenoside đã được khảo sát. Những thông số này bị ảnh hưởng của nhiều chất điều hòa sinh trưởng, đường và than hoạt tính (AC) trên tái sinh chồi và sự nảy mầm từ mô sẹo, và sự hình thành rễ phụ. Phân tích saponin của mô sẹo và rễ cho thấy sự hiện diện của ginsenosid-Rg 1, majonosid-R 2, và ginsenosid-Rb 1. Các kết quả này chỉ ra rằng sinh khối P. vietnamensis có tiềm năng lớn để sản xuất saponin như một nguồn nguyên liệu mới cho dược phẩm và ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Nhữ Thu Nga

NHÂN GIỐNG VÀ SẢN XUẤT CÂY GIỐNG VÔ TÍNH CỦA LOÀI PANAX PSEUDOGINSENG WALL.

Sakutemsu Lolen Jamir et al

Open Journal of Forestry, 2016, 6, 135-141

Panax pseudoginseng Wall. là một loại cây thuốc quý, thân thảo sống lâu năm, sinh trưởng dưới tán rừng có độ che bóng thấp. Loài cây này đang trở nên nguy cấp trong môi trường tự nhiên do tình trạng khai thác thân rễ làm thuốc không bền vững và sự phá hủy môi trường sống của chúng. Panax pseudoginseng thích nghi kém trong môi trường nhân tạo và không thể sinh trưởng, nhân giống. Nghiên cứu này được thực hiện để phát triển kỹ thuật nhân giống phù hợp với chi phí thấp bằng cách tách đoạn thân rễ và cắt rễ. Thân rễ và rễ được cắt thành các đoạn và giâm trong giá thể phối trộn bột gỗ hoai mục, cát và lớp đất mặt với tỷ lệ 1:1:3, trong nhà nilon được che sáng. Khi giâm thân rễ, 55% đoạn thân rễ không có biểu hiện nảy mầm, giữ nguyên hình thái của đoạn thân rễ khi giâm trong năm đầu tiên và có biểu hiện tích cực trong những năm tiếp theo. Năm thứ ba, 51% đoạn thân rễ nảy mầm. Hầu hết cắt giâm các đoạn rễ ngang đều giữ nguyên hình thái trong khi cắt giâm các đoạn rễ nghiêng có biểu hiện tốt hơn. Các phản ứng hình thái của đoạn rễ khi giâm kém hơn đoạn thân rễ. Cây con được nhân từ rễ và thân rễ được duy trì trên nền giâm trong 3 năm sau đó mới chuyển ra các khu đất trồng.

Phạm Ngọc Khánh

PHÂN TÍCH SINH THÁI HỌC TOÀN CẦU CỦA TAM THẤT

VỀ SỰ PHÙ HỢP VÀ CHẤT LƯỢNG

MENG Xiang-xiao và cs.

Acta PharmaceuticaSinica 2016, 51 (9): 1483 −1493

Trong nghiên cứu này, hệ thống thông tin địa lý cho cây thuốc toàn cầu (GMPGIS) được sử dụng để đánh giá sự sản xuất và thích ứng sinh thái trên toàn cầu của Tam thất. Dựa trên các yếu tố khí hậu và loại đất của Tam thất  từ 326 địa điểm lấy mẫu, bao gồm cả các vùng sản xuất chính truyền thống và hiện tại, cũng như kết quả phân tích tính toán tương đồng sinh thái, chúng tôi thu được các khu vực trồng tam thất có điểu kiện sinh thái tương đồng tối đa trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy Trung Quốc là khu vực sinh thái và canh tác phù hợp nhất trên toàn cầu cho Tam thất , chiếm hơn 70% tổng diện tích canh tác trên thế giới. Hoa Kỳ, Brazil, Bồ Đào Nha và 22 quốc gia khác cũng có diện tích sản xuất phù hợp tiềm năng. Trung Quốc có 8 tỉnh sản xuất thích hợp tiềm năng, đại diện như Yunnan, Fujian, Guangxi, Guizhou, vv.. Kết quả dự báo cũng phù hợp với những huyện mới trồng tam thất được báo cáo trong những năm gần đây, khẳng định tính chính xác của dự báo GMPGIS. Chúng tôi đã tiến hành phân tích tài liệu về tái sinh tài nguyên và sinh thái liên quan đến chất lượng đối với tam thất và tóm tắt các mô hình canh tác, trồng bán tự nhiên và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến chất lượng của tam thất. Kết quả này cung cấp cơ sở khoa học cho việc lựa chọn tam thất, cũng như giới thiệu, canh tác và sản xuất tam thất trên toàn thế giới.

                             Nguyễn Hải Văn

NGHIÊN CỨU VỀ ĐA DẠNG VI SINH VẬT VÙNG RỄ TRONG HỆ THỐNG CANH TÁC ĐỘC CANH NHIỀU NĂM

 CỦA CÂY TAM THẤT

FU Lina và cs.

云南农业大学学(自然科学,2018332:198−207

Mục đích: Nghiên cứu này nhằm vào vấn đề gia tăng bệnh thối củ có nguồn gốc từ đất của tam thất tái canh nhằm phát hiện mối tương quan giữa đa dạng sinh vật, thành phần của các quần thể vi sinh vật và hoạt động trao đổi chất với bệnh thối rễ.

Phương pháp: Phương pháp phân tích đa dạng chức năng trao đổi chất đã được sử dụng để nghiên cứu các loại đất vùng rễ có cây khỏe mạnh và cây thối gốc được canh tác độc canh  liên tục trong 3 năm và 4 năm. Vi sinh vật trong đất và rễ đã được phân lập và nuôi cấy bằng các môi trường nuôi cấy khác nhau, phân tích PCR dựa trên các mồi đồng thuận của trình tự 16S rDNA và vùng ITS, so sánh tương đồng Blast và phân tích cây phát sinh loài.

Kết quả: Shannon và McIntcosh của các quần thể vi sinh vật có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm cây khỏe mạnh và nhóm thối gốc (P <0,05), và hoạt động sinh lý của các quần thể vi khuẩn trong đất của cây khỏe mạnh cao hơn cây thối củ. Có 172 chủng phân lập được từ đất vùng rễ, Bacillus, Pseudomonas, Arthrobacter như là nhóm vi sinh chiếm ưu thế trong đất trồng có cây khoẻ, và Flavobacterium, Mucor và Fusarium chiếm ưu thế trong hệ vi sinh đất trồng có cây bị thối củ. Có 121 chủng phân lập được ở rễ, Bacillus và Pseudomonas là những vi sinh chiếm ưu thế trong rễ cây khỏe mạnh, và Fusarium, Rahnella và Erwinia là những vi sinh chủ yếu trong rễ cây bị thối.

Kết luận: Bệnh có nguồn gốc từ đất trên tam thất tái canh có liên quan chặt chẽ đến cấu trúc quần thể vi sinh vật và đa dạng chức năng trao đổi chất. Từ quan điểm của sinh thái vi mô, nghiên cứu này cung cấp một cơ sở lý thuyết khoa học để cải thiện tình trạng sức khoẻ của đất và kiểm soát sự thối rễ của tam thất.

                                                Lê Văn Giỏi

         NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC SAPONIN TRITERPEN TRONG CÁC MẪU DƯỢC LIỆU TÊN SÂM

Shu Zhu và cs.

Planta Med., 2014, 70: 666-677

Nghiên cứu so sánh thành phần saponin của 47 mẫu dược liệu Sâm thuộc 12 loài chi Panax được tiến hành sử dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Mười một hợp chất ginsenosid thuộc 4 hợp nhóm sapogenin, đã được lựa chọn làm chất chuẩn để định lượng nhằm mô tả đặc điểm thành phần hóa học của mỗi dược liệu Sâm và nghiên cứu mối quan hệ giữa giống di truyền và thành phần hóa học. Kết quả chỉ ra rằng các hợp chất ginsenosid có sự khác biệt đáng kể giữa các loài Sâm có nguồn gốc khác nhau. Hàm lượng saponin tổng số giữa mẫu có hàm lượng cao nhất so với mẫu có hàm lượng thấp nhất khác nhau đến 10 lần. Chikusetsu-ninjin từ P. japonicus (Nhật Bản) có hàm lượng cao nhất (192,80 – 296,18 mg/g) và nhân sâm từ P. ginseng có hàm lượng thấp nhất (5,78 – 15,63 mg/g). Dữ liệu hóa thực vật gợi ý phân các loài thành 2 nhóm chính: nhóm I có thành phần chính là các saponin khung dammaran, bao gồm: Pginseng, P. quinquefolius, P. notoginseng, P. vietnamensis và P.  vietnamensis var. fuscidiscus; nhóm II có thành phần chính là các saponin khung acid oleanolic, bao gồm: Pjaponicus (Nhật Bản), P. zingiberensis, Pjaponicus (Trung Quốc), P. japonicus var. angustifolius, P. japonicus var. major, P. japonicus var. bipinnatifidus và P. stipuleanatus. Tỷ lệ saponin damaran tổng số và saponin khung acid oleanolic tổng số (D/O) ở nhóm I và nhóm II tương ứng là > 1,9 và < 0,25. Các mẫu nghiên cứu từ cùng một nguồn gốc thực vật có thành phần hóa học tương tự nhau, hay nói cách khác, mỗi loài thuộc chi Panax có đặc điểm thành phần hóa học đặc trưng, thể hiện ở đồ thị hệ thống 11 chiều được xây dựng dựa trên kết quả định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tương đồng về thành phần hóa học giữa các loài có quan hệ gần gũi về mặt thực vật học, bao gồm P. ginseng và P. quinquefolius, P. vietnamensis  P. vietnamensis var. fuscidiscus, P. japonicus (China) và các thứ của nóngoại trừ P. japonicus (Nhật Bản) và P. zingiberensis.

Lê Thị Loan

CÁC SAPONIN NHÂN SÂM TRONG CÁC BỘ PHẬN DÙNG KHÁC NHAU CỦA SÂM VIỆT NAM

Thi Hong Van Le và cs.

Chem. Pharm. Bull., 2015, 63:950–954

Kể từ khi Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis) được phát hiện năm 1973, đã có rất nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của loài này. Tuy nhiên, hàm lượng của từng saponin trong các bộ phận dùng khác nhau của Sâm Việt Nam chưa được công bố. Trong nghiên cứu này, 17 hợp chất ginsenosid trong các bộ phận dưới mặt đất của P. vietnamensis đã được phân tích bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao kết nối detector tán xạ bay hơi (HPLC-ELSD). Tổng hàm lượng của chúng trong thân rễ, rễ củ và rễ con tương ứng là 195, 156, và 139 mg/g, rất cao so với các loài khác thuộc chi Panax. Hàm lượng của các saponin khung protopanaxatriol (PPT) trong các bộ phận dưới mặt đất không khác nhau nhiều, tuy nhiên hàm lượng các hợp chất saponin khung protopanaxadiol (PPD) và ocotillol (OCT) khác nhau rõ rệt. Đáng chú ý là thành phần ginsenosid trong rễ con khác với các phần dưới mặt đất khác. Cụ thể, mặc dù hàm lượng saponin khung PPD cao nhất trong rễ con, tương tự như trong các loài Panax khác, hàm lượng saponin tổng số trong rễ con lại thấp nhất, khác so với các loài Panax khác. Tỷ lệ saponin khung PPT: PPD: OCT trong thân rễ, rễ củ và rễ con tương ứng là 1 : 1,7 : 7,8, 1 : 1,6 : 5,5, và 1 : 4,8 : 3,3. Saponin nhóm OCT chiếm 36-75% tổng hàm lượng saponin và góp phần lớn vào sự khác biệt hàm lượng saponin tổng số trong các bộ phận khác nhau của Sâm Việt Nam.

Lê Thị Loan

 TRITERPEN KHUNG DAMMARAN GINSENOSID RG18 ỨC CHẾ SỰ TĂNG SINH TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI TẾ BÀO KHÔNG NHỎ A549 THÔNG QUA NGỪNG PHA G1

Dong‑Gyu Leem và cs.

Oncology Let., 2018, DOI: 10.3892/ol.2018.8057

Trong một nghiên cứu trước đây, ginsenosid Rg18 – một hợp chất triterpen saponin khung dammaran có nguồn gốc từ thân rễ Panax ginseng, có hoạt tính dọn gốc tự do, kháng vi sinh vật và có tác dụng độc tế bào. Tuy nhiên, cơ chế phân tử của tác dụng chống tăng sinh dòng tế bào ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC) A549 vẫn chưa rõ ràng. Trong nghiên cứu này, Rg18 đã được xác định có khả năng ức chế sự gia tăng của tế bào A549 với IC50­ là 150 µM. Phân tích đếm dòng chảy tế bào cho thấy Rg18 ức chế sự phát triển của chu kỳ tế bào A549 ở pha G1, đồng thời làm giảm của cyclin‑dependent kinase 2 (CDK2), CDK4, CDK6, cyclin D1, cyclin D2, cyclin E và sự biểu hiện của protein phosphorylated retinoblastoma ở mức độ protein. Thêm vào đó, các chất ức chế CDK (CDKNs), CDKN1A và CDKN1B tăng lên trong quá trình điều trị bằng Rg18. Hơn nữa, điều trị bằng Rg18 dẫn đến sự tích tụ nội bào của các loại oxy hóa phản ứng (ROS) và sự ức chế phụ thuộc liều p38 mitogen hoạt hóa protein kinase (p38), c‑Jun N‑terminal kinase (JNK), yếu tố hạt nhân κB (NF‑κB)/p65 phosphoryl hóa. Kết hợp với nhau, sự ngăn chặn pha G1 thông qua trung gian Rg18 có liên quan chặt chẽ với sự hình thành ROS nội tế bào, p38, JNK và ức chế NF‑κB/p65 ở tế bào ung thư phổi tế bào không nhỏ A549.

Lê Thị Loan

 TÁC DỤNG CỦA HAI LIỀU DÙNG NHÂN SÂM (PANAX GINSENG) TRÊN THÀNH PHẦN LIPID HUYẾT THANH

CỦA THỎ BÌNH THƯỜNG VÀ THỎ TĂNG CHOLESTEROL

Dlawer Abdul Hameed Ahmed Al Jaff và cs.

 Pharm. Glob. (IJCP) 2015, 01 (02)

Tác dụng của Panax ginseng trên thành phần lipid huyết thanh của cả thỏ bình thường lẫn thỏ tăng cholesterol đã được nghiên cứu. Năm mươi con thỏ đực được chia ngẫu nhiên thành 5 nhóm. Nhóm I được cho ăn bình thường (nhóm đối chứng âm); nhóm II và III được cho ăn chế độ ăn bình thường kết hợp Panax ginseng liều tương ứng 50 mg/kg và 400 mg/kg; trong khi đó nhóm IV và V được cho ăn chế độ ăn giàu cholesterol điều trị bằng Panax ginseng với liều tương ứng 50 mg/kg và 400 mg/kg. Mẫu máu của từng động vật được thu riêng và xác định nồng độ lipid. Kết quả chỉ ra rằng sử dụng Panax ginseng làm giảm một cách có ý nghĩa (< 0,05) cholesterol tổng số, triglycerid và lipoprotein tỷ trọng thấp và làm tăng lipoprotein tỷ trọng cao. Những kết quả này chỉ ra tiềm năng của Panax ginseng trong ngăn ngừa và điều trị tăng cholesterol.

Lê Thị Loan

 

  CÁC SAPONIN TRITERPENOID MỚI TỪ QUẢ CỦA LOÀI PANAX JAPONICUS ĐƯỢC THU THẬP

Ở QUẬN TOYAMA VÀ HOKKAIDO

Kouichi Yoshizaki và cs.

 Chem. Pharm. Bull., 2012, 60(6): 728-735

Bảy  saponin triterpenoid khung dammaran mới, chikusetsusaponin FK1 (1), chikusetsusaponin FK2 (2), chikusetsusaponin FK3 (3), chikusetsusaponin FK4 (4), chikusetsusaponin FK5 (5), chikusetsusaponin FK6 (6) và chikusetsusaponin FK7 (7) và mười một saponin triterpenoid, ginsenosid Rb3 (9), ginsenosid Rc (10), chikusetsusaponin VI (11), ginsenosid Re (12), ginsenosid Rg1 (13), pseudo-ginsenosid RS1 (14), notoginsenosid R1 (15) , chikusetsusaponin L5 (17), chikusetsusaponin L10 (18), chikusetsusaponin IVa (19), và chikusetsusaponin V (20), được phân lập từ  quả của Panax japonicusthu thập ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản và hai dammaran mới triterpenoid saponin khung dammarangồm chikusetsusaponin FK5 (5) và chikusetsusaponin FM1 (8), và năm saponin triterpenoid đã biết, ginsenosid Rb3 (9), ginsenosid Rc (10), ginsenosid Re (12), ginsenosid Rg1 (13) và floralquinquenosid E (16), được phân lập từ quả của P. japonicus, được thu thập tại tỉnh Miyazaki, Nhật Bản. Cấu trúc của các chikusetsusaponin mới được xác định dựa trên cơ sở các dữ liệu hóa học và hóa lý.

Nguyễn Thị Hồng Anh

SO SÁNH TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA  PANAX GINSENG  VÀ PANAX  QUIQUEFOLIUM

Chen Chieh-fu và cs.

Acta Pharmacol. Sin., 2008, 29: 1103-1108

Công dụng của nhân sâm (Panax ginseng) lần đầu tiên được tìm thấy trong cuốn “Thần nông bản thảo” vào khoảng năm 200 sau công nguyên, Panax quinquefolium được giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn “Essential of Materia Medica” vào năm 1694 ở Trung Quốc. Các thành phần hoạt chất quan trọng nhất chứa trong nhân sâm và P quinquefolium là các ginseng saponin (GS). Hàm lượng ginsenosid Rb1, Re và Rd trong P quinquefolium cao hơn so với trong nhân sâm. Trong nhân sâm hàm lượng Rg1, Rb2 và Rc cao hơn so với trong loài P. quinquefolium. Tỷ lệ Rg1: Rb1 trong nhân sâm cao hơn trong loài P. quinquefolium. Sau khi hấp trong vài giờ, hàm lượng GS toàn phần giảm. Tuy nhiên, hàm lượng một số ginsenosid (Rg2, 20R-Rg2, Rg3, Rh1 và Rh2) tăng, trong khi hàm lượng những chất (Rb1, Rb2, Rb3, Rc, Rd, Re và Rg1) giảm. Tuy nhiên, sự biến đổi, đặc biệt là trong loài P. quinquefolium là rất cao. Nhân sâm và loài P quinquefolium là những vị thuốc bổ. Thành phần hợp chất Rg1 và Rb1 có tác dụng tăng cường các hoạt động của hệ thần kinh trung ương (CNS), nhưng sau đó tác dụng của nó lại yếu hơn. Do đó, hợp chất Rg1 có hàm lượng cao trong nhân sâm là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, trong khi hợp chất này trong P. quinquefolium chủ yếu làm dịu hệ thần kinh trung ương. Re, Rg1, panaxan A và B từ nhân sâm là thành phần có tác dụng tốt cho bệnh tiểu đường. Re và Rg1 tăng cường sự hình thành mạch máu, trong khi Rb1, Rg3 và Rh2 ức chế sự hình thành mạch máu. Rh2, một chất chống ung thư, có thể thu được từ Rb1 bằng cách hấp. Hàm lượng Re trong P. quinquefolium cao hơn trong nhân sâm 3-4 lần. Các tác dụng chống oxy hóa, hạ huyết áp, và hình thành mạch máu của Re được báo cáo. Vì vậy, nhân sâm có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, chữa lành vết thương và tác dụng hạ đường huyết, giảm sức căng thành mạch máu, tăng sinh mạch máu tốt hơn P. quinquefolium. Đối với tác dụng chống ung thư, P. quinquefolium thể hiện hoạt tính tốt hơn.

Nguyễn Thị Hồng Anh

ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT, TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

VÀ THÀNH PHẦN DƯỢC TÍNH CỦA PANAX GINSENG C A MEYER HÀN QUỐC

Kwangtae Choi

Acta Pharmacol. Sin., 2008, 29(9):1109-1118

Sâm Hàn Quốc hay là nhân sâm (Panax ginseng C A Meyer) được sử dụng chủ yếu để duy trì sự cân bằng nội môi của cơ thể, và tác dụng dược lý của sâm Hàn Quốc được xác định bằng các mô hình khoa học hiện đại bao gồm tác dụng cải thiện chức năng não bộ, tác dụng giảm đau, tác dụng ngăn ngừa chống khối u, tác dụng tăng cường chức năng hệ miễn dịch, tác dụng chống tiểu đường, tăng cường chức năng gan, điều hòa huyết áp, chống mệt mỏi và chống stress, cải thiện các rối loạn ở giai đoạn mãn kinh và cải thiện chức năng tình dục, cũng như các tác dụng chống oxy hóa và chống lão hóa. Các thử nghiệm lâm sàng sâu hơn về các tác dụng dược lý này sẽ tiếp tục được thực hiện. Nhân sâm được xác định là có chứa các nhóm chất chính là ginsenosid, polyacetylen, acid -olysaccharid, các hợp chất thơm chống oxy hóa, và các acid peptid giống insulin. Số lượng các loại ginsenosid trong sâm Hàn Quốc (38 ginsenosid) nhiều hơn đáng kể so với trong sâm Mỹ (19 ginsenosid). Hơn nữa, sâm Hàn Quốc được xác định là chứa nhiều hợp chất chính không phải saponin, các hợp chất phenol, polysaccharid acid và polyethylen hơn so với sâm Mỹ và tam thất.

Vũ Thị Diệp

NOTOTRONESID A-C, BA SAPONIN TRITERPENE CÓ VÒNG 6/6/9 TẠO THÀNH KHUNG TRICYCLIC TETRANORDAMMARAN TỪ LÁ TAM THẤT

 

Liu XY và cs.

 Organic letters, 2018

Ba triterpenesaponin chưa từng thấy, nototronesid A-C (1-3), có chứa 3 vòng 6/6/9 tạo thành nhân tricyclic tetranordammaran, phân lập từ lá của tam thất. Cấu trúc hóa học xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu quang phổ, và cấu trúc của sapogenin (1a) được xác nhận thêm bằng kỹ thuật X-ray. Sự tồn tại của 1-3 cung cấp thêm một cánh nhìn nhận mới về tính đa dạng của khung triterpen. Hơn nữa, hợp chất 2 cho thấy ảnh hưởng bảo vệ tế bào thần kinh ở mức trung bình khi thiếu hụt huyết thanh-gây tổn thương tế bào với dòng PC12.

Hoàng Lê Sơn

NGHIÊN CỨU CẢI THIỆN SINH KHẢ DỤNG ĐƯỜNG UỐNG CỦA SAPONIN TỪ QUẢ SÂM

BẰNG HỆ PRO-LIPOSME SỬ DỤNG SODIUM DEOXYCHLAT

Fei Hao và cs.

Saudi Journal of Biological Sciences Vol 23, No 1, Supplement, January 2016: S113-S125

Saponin chiết xuất từ quả sâm (GFS) là các saponin triterpenoid có hoạt tính sinh học. Mục tiêu của nghiên cứu là phát triển hệ đưa thuốc proliposome sử dùng muối mật natri deoxycholat (NaDC) để cải thiện sinh khả dụng đường uống của GFS trên chuột cống. Liposome chứa GFS (P-GFS) được bào chế bằng phương pháp quy ước là tiêm ethanol, sau đó được rắn hóa tạo proliposome bằng cách sấy phun sử dụng tá dược mang là mannitol. Công thức của P-GFS được tối ưu hóa bằng phương pháp đáp ứng bề mặt. Các đặc tính hóa lý của hỗn dịch liposome bao gồm hiệu suất bao thuốc, khả năng giải phóng in vitro, và đánh giá kích thước tiểu phân của liposome tái lập. Nghiên cứu đặc tính của trạng thái rắn bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử quét (FE-SEM), phổ hồng ngoại (FT-IR), và phân tích nhiệt quét vi sai (DSC) để đánh giá trạng thái phân tử của P-GFS và chỉ ra sự liên kết giữa các thành phần trong công thức. Nghiên cứu giải phóng in vitro cho thấy ginsenosid Re (GRe) được giải phóng chậm khỏi hệ liposome. Nghiên cứu in- vivo được tiến hành trên chuột cống trắng chủng Wistar. Nồng độ GRe trong huyết tương và các thông số dược động học sau khi chuột uống các mẫu GFS, P-GFS và viên Zhenyuan (một sản phẩm thương mại có chứa GFS) được xác định bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao ghép hai lần khối phổ. Kết quả cho thấy, đường cong biểu diễn nồng độ GRe trong huyết tương theo thời gian khi chuột uống các mẫu GFS, P-GFS và viên Zhenyuan khác nhau rất lớn. Đường cong biểu diễn nồng độ GRe trong huyết tương khi uống mẫu P-GFS có 2 đỉnh hấp thu. Các thông số dược động học của GFS, viên Zhenyuan và P-GFS lần lượt là: Tmax 0.25 h, Cmax 474,96 ± 66,06 ng/ml,AUC0−∞733,32 ± 113,82 ng/ml h; Tmax 0,31 ± 0,043 h, Cmax 533,94 ± 106,54 ng/ml, AUC0−∞ 1151,38 ± 198,29 ng/ml h và Tmax 0,5 h,  Cmax 680,62 ± 138,051 ng/ml, AUC0−∞ 2082,49 ± 408,33 ng/ml h. Sinh khả dụng khi uống P-GFS bằng 284% và 181% so với GFS và viên Zhenyuan. Do đó có thể kết luận rằng, proliposome làm tăng đáng kể sinh khả dụng của GRe, tăng hấp thu ở đường tiêu hóa, giảm thời gian thải trừ của GRe ở chuột cống và có tiềm năng ứng dụng làm hệ đưa thuốc đường uống chứa GFS.

Đào Anh Hoàng

TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA VÀ BẢO VỆ GAN, TUYẾN TỤY VÀ MÔ THẬN TRÊN CHUỘT BỊ TIỂU ĐƯỜNG GÂY BỞI ALLOXAN CỦA SÂM CAU

Elumalai Anandakirouchenane và cs.

Drug invention today 5 (2013):192-200

Bối cảnh: Mục tiêu của nghiên cứu này là để điều tra hoạt động chống oxy hóa của Curculigo orchioides trong chuột bị bệnh tiểu đường gây ra bởi alloxan.

Phương pháp: Bệnh tiếu đường được gây ra bằng thí nghiệm trên chuột nhịn ăn 12 giờ, tiêm phúc mạc alloxan (120mg / kg thể trọng.) và C. orchioides (200mg / kg thể trọng.) được dùng đường uống trong 21 ngày.

Kết quả: Chuột tiểu đường không được điều trị so sánh với chuột bình thường cho thấy hoạt độ trung bình thấp hơn đáng kể của các enzym chống oxy hóa (superoxide dismutase, catalase, glutathione peroxidase), mức độ  trung bình chất chống oxy hóa không enzyme cũng thấp hơn (giảm glutathione, vitamin C, vitamin E), malondialdehyde tuyến tụy (MDA) tăng, hoạt độ của alanine aminotransferase huyết thanh (ALT), aspartate aminotransferase (AST) và phosphatase kiềm (ALP) tăng cao. Sau khi cho chuột uống C. orchioides (200 mg / kg thể trọng/ngày) trong 21 ngày liên tục đã thể hiện sự cải thiện đáng kể các thông số trên. Các nghiên cứu mô bệnh học cho thấy những thay đổi đáng kể như không bào chất tế bào của tế bào gan, thâm nhiễm bạch cầu và phù nề ở gan và thận của chuột tiểu đường do alloxan gây ra. Những bất thường mô bệnh học được tìm thấy đã được bình thường hóa sau khi điều trị bằng chiết xuất của C. orchioides.

Kết luận: Những kết quả này cho thấy rằng chiết xuất methanol của C. orchioides tăng cường khả năng chống oxy hóa, chống lại các phản ứng oxy hóa được gây ra dưới điều kiện tăng đường huyết, vì thế nó bảo vệ gan, mô thận và tuyến tụy khỏi những tổn thương.

Lê Ngọc Duy

 

ẢNH HƯỞNG CỦA PANAX GINSENG LÊN CON CỦA CHUỘT TRƯỞNG THÀNH BỊ STRESS TRƯỚC KHI SINH

Young Ock Kim* và cs.

International Journal of Molecular Medicine 35: 103 -109, 2015

Sản phụ phơi nhiễm với stress trong giai đoạn quan trọng của hình thành não bộ thai nhi là yếu tố nguy cơ do môi trường tới sự phát triển của chứng tâm thần phân liệt trên người con khi trưởng thành. Tâm thần phân liệt là một nhóm các rối loạn tâm thần phổ biến có nguồn gốc không rõ ràng, ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số toàn cầu, thường phát bệnh ở giai đoạn trưởng thành. Trong nghiên cứu này, một mô hình với các tác nhân gây stress khác nhau, lặp đi lặp lại được áp dụng trên chuột mang thai trong tuần cuối cùng của thai kỳ. Ảnh hưởng của dịch chiết Panax ginseng C.A. Meyer (PG) đến chuột phơi nhiễm với stress trước khi sinh (PNS) đã được nghiên cứu về hành vi trong các hoạt động và phân tích biểu lộ protein. Trong các thử nghiệm về hành vi, hành vi chải chuốt trong thử nghiệm tương tác xã hội, hành vi đi chéo trong thử nghiệm mở lồng và hoạt động bơi trong thử nghiệm bắt buộc bơi đã giảm ở nhóm chuột có mẹ tiếp xúc với stress trước sinh so với nhóm mẹ không bị tiếp xúc stress trước sinh; những biến đổi hành vi trong hoạt động của chuột đã đảo ngược khi điều trị bằng PG (300 mg / kg). Tiếp theo, phân tích western blot và nhuộm màu miễn dịch của vỏ não trước và hồi hải mã tiết lộ rằng sự giảm so với bình thường của một số gen phát triển thần kinh xảy ra sau khi phơi nhiễm với PNS đã bị đảo ngược khi điều trị bằng PG. Bằng chứng này chứng minh rằng sự giảm so với bình thường của một vài gen sau khi phơi nhiễm với PNS có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi sau này, và những hiện tượng này đảo ngược khi điều trị với PG trong giai đoạn thai kỳ. Kết quả của chúng tôi đề nghị rằng điều trị với PG qua đường uống làm giảm tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt.

  Nguyễn Thị Thu Hoài   

KHẢ NĂNG CHỐNG ÔXY HÓA VÀ CHỐNG TĂNG SINH CỦA CÂY SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES) TRONG STRESS OXY HOÁ GÂY ĐỘC TẾ BÀO: NGHIÊN CỨU IN VITROEX VIVO VÀ IN SILICO

Hejazi II và cs.

Food and Chemical Toxicology, 2018, 115: 244-259

Các thành phần hóa học trong thực vật là nguyên liệu tiềm năng làm thuốc chống ung thư. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng chống ôxy hóa và tác dụng chống ung thư của các cao chiết từ thân rễ sâm cau (Curculigo orchioides). Kết quả cho thấy, các cao phân đoạn chiết xuất từ sâm cau đều có tác dụng dập tắt gốc tự do trên 04 mô hình thử nghiệm DPPH, nitric oxid, superoxid và hydro peroxid. Trong đó, cao chiết ethyl acetat (EA) thể hiện tác dụng tốt nhất trên mô hình DPPH với giá trị IC50 là 52,93±0,66μg/ml. Các cao chiết EA, cao chiết ethyl acetat-nước (AEA) của sâm cau có tác dụng làm giảm sự tăng nồng độ các enzym chống oxy hóa SOD, CAT, GPx, GST và GR trong quá trình stress oxy hóa. Kết quả khảo nghiệm MTT trên 03 dòng tế bào ung thư HepG2, HeLa và MCF-7 cho thấy, cao chiết EA và AEA có tác dụng tốt nhất. Giá trị IC50 của EA trên 03 dòng tế bào lần lượt là 171,23±2,1μg/ml, 144,80±1,08μg/ml và 153,51μg/ml, trong khi đó giá trị IC50 của AEA lần lượt là 133,44±1,1μg/ml, 136,50±0,8μg/ml và 145,09μg/ml. Ngoài ra, trong thử nghiệm western blot, cao chiết EA và AEA cũng được chứng minh có khả năng giảm sự biểu hiện của gen kháng apoptosis Bcl-2 và tăng sự biểu hiện của các protein caspase-3 và caspase-8 (các protein chống ưng thư).

Nguyễn Thị Lê/Vũ văn Tuấn

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ DỰ ĐOÁN TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA CÁC HỢP CHẤT

TRONG CAO CHIẾT METHANOL TỪ DƯỢC LIỆU SÂM CAU CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN

Brintha S và cs.

Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry, 2017, 6(4): 192-197

Curculigo orchioides Gaertn. là dược liệu có nhiều công dụng quí, được coi là một cây thần kỳ đối với những nhà nghiên cứu về thảo dược. Nghiên cứu này đã sàng lọc thành phần hóa học cao chiết thân rễ và lá sâm cau bằng các phép thử định tính. Kết quả phân tích GC-MS cao chiết methanol từ lá và rễ sâm cau cho thấy sự có mặt của một số hợp chất. Các chất này được định danh dựa trên thư viện NIST-Wiley. Kỹ thuật phân tích dự đoán PASS cho phép khẳng định tác dụng sinh học của các hợp chất có trong các cao chiết từ sâm cau. Với cao chiết lá sâm cau, hợp chất 2-myristynoyl pantethein chiếm 32,72% (tính theo phần trăm diện tích peak). Cũng trong cao chiết lá, hợp chất 4-acetyloxyimino-6,6-dimethyl-3-metylsulfanyl-4,5,6,7 tetrahydro benzo [c] thiophen-1 carboxylic acid methyl ester được tìm thấy và được dự đoán có tác dụng trong điều trị bệnh Alzheimer, bệnh thoái hóa thần kinh và rối loạn nhận thức. Đối với cao chiết từ thân rễ sâm cau, hợp chất pyritazin 2,7-Diphenyl-1,6-dioxopyridazino [4,5: 2 ', 3'] pyrrolo [4 ', 5'-d] chiếm khoảng 18,36% (tính theo phần trăm diện tích peak) và được dự đoán có tác dụng chống động kinh, điều trị bệnh thận, suy tim và bệnh Alzheimer.

Nguyễn Thị Hà Ly

XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG CÁC THÀNH PHẦN HÓA HỌC TRONG SÂM CAU

(CURCULIGO ORCHIOIDES) BẰNG PHƯƠNG PHÁP UHPLC-ESI-Q-TOF/MS

He Yj và cs.

Journal of pharmaceutical and biomedical analysis, 2015, 102: 236-245.

Nghiên cứu này đã xây dựng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng ghép nối với detector tứ cực và thời gian bay (UHPLC-ESI-Q-TOF/MS) để định tính và định lượng thành phần hóa học trong thân rễ sâm cau (Curculigo orchioides). Phương pháp được tiến hành với cột Waters ACQUITY UHPLC @ HSS T3 column (1.8 μm 100 × 2.1 mm), pha động bao gồm acid formic 0,1% và acetonitril, rửa giải theo chế độ gradient tối thiểu 20 phút. Khối phổ TOF/MS chạy theo chế độ full scan và extracted ion để định tính và định lượng các thành phần hóa học. Dựa trên nguyên lý phân mảnh và kết quả UHPLC-ESI-Q-TOF-MS, nhóm nghiên cứu đã dự đoán cấu trúc hóa học của 45 chất trong thân rễ sâm cau đã được phát hiện bao gồm: 19 phenol và phenolic glycosid, 16 lignan và lignan glycosid, 8 triterpen saponin, 1 flavon và 1 sesquiterpen mà không cần tiến hành quá trình phân lập. Thêm vào đó, 8 phenolic glycosid bao gồm 5-(2-hydroxyethyl) phenyl-β-d-glucopyranosid (HPG), anacardosid (ACD), orcinol glucosid (OGD), orcinol-1-O-β-d-apiofuranosyl-(1 → 6)-β-d-glucopyranosid (OAG), 2,6-dimethoxybenzoic acid (DBA), curculigosid (CUR) và curculigin A (CCL) đã được định lượng trong 11 mẫu thu hái và 10 mẫu mua trên thị trường từ những nhà cung cấp khác nhau. Các kết quả thu được cho thấy UHPLC-ESI-Q-TOF-MS là một phương pháp khả thi có thể dùng để phân tích và đánh giá chất lượng các thành phần trong thân rễ sâm cau.

Nguyễn Đình Quân

PHÂN TÍCH VÂN TAY VÀ ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI CÁC HOẠT CHẤT PHENOLIC TRONG DỊCH CHIẾT DƯỢC LIỆU SÂM CAU BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPLC-DAD

Bian Q và cs.

Chemical and Pharmaceutical Bulletin, 2013, 61(8): 802-808.

Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) là một trong những vị thuốc lâu đời trong Y học cổ truyền Trung Hoa, và một vị thuốc Rasayana quan trọng ở Ấn Độ. Hiện nay, để kiểm soát chất lượng sâm cau thường định lượng curculigosid đơn lẻ do đó chưa thể đánh giá được chất lượng của dược liệu này. Nghiên cứu này đã phát triển phương pháp HPLC-DAD để đánh giá chất lượng của dược liệu sâm cau bằng cách thiết lập sắc ký vân tay và định lượng đồng thời 4 hợp chất phenolic bao gồm orcinol glucosid, orcinol, 2,6-dimethoxybenzoic acid và curculigosid. Trên sắc ký vân tay cho thấy 11 píc chung và hệ số đồng nhất giữa các mẫu đạt từ 0,890 đến 0,977. Trong thẩm định phương pháp định lượng, độ thu hồi nằm trong khoảng từ 96,03 đến 102,82 %, độ lặp lại và độ lặp lại trung gian đều nhỏ hơn 2 %. Phương pháp xây dựng có thể kết hợp xác định sắc ký vân tay và định lượng và có thể ứng dụng để đánh giá chất lượng dược liệu sâm cau.

 Nguyễn Đình Quân

CÁC HỢP CHẤT PHENOL GLYCOSID PHÂN LẬP TỪ SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN.)

Zhen-HuiWang và cs.

Fitoterapia, 2013, 86: 64-69

5 hợp chất chlorophenolic glucosid mới: curculigin E (1), curculigin F (2), curculigin G (3), curculigin H (5), curculigin I (6) và 1 hợp chất phenolic glycosid mới, orcinosid H (4) cùng với 8 phenolic glycosid đã biết (7-14) được phân lập từ sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn). Cấu trúc của các hợp chất được xác định dựa trên phân tích dữ liệu phổ (UV, IR, MS, 1D và 2D NMR). Các phenolic glycosid này được đánh giá tác dụng chống loãng xương trên dòng tế bào MC3T3-E1 bằng thử nghiệm MTT. Kết quả, các hợp chất 1, 2, 3 và 5 cho thấy tác dụng chống loãng xương vừa phải, mức độ tăng sinh tế bào là 10,1–14,1%.

Nguyễn Thị Hằng

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC GLYCOSID PHÂN LẬP TỪ SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES GAERTN.)

Zhen-HuiWang và cs.

Phytochemistry Letters, 2014, 9: 153-157

3 hợp chất chlorophenolic glucosid mới: curculigin K (1), curculigin L (2), curculigin J (3) và 1 hợp chất phenolic glycosid mới, curculigosid I (4) cùng với 2 phenolic glycosid đã biết (56) được phân lập từ rễ sâm cau Curculigo orchioides Gaertn). Cấu trúc của các chất này được xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu phổ IR, UV, MS, phổ NMR 1 chiều và 2 chiều. Các chlorophenolic glycosid được đánh giá tác dụng chống loãng xương trên dòng tế bào MC3T3-E1 bằng thử nghiệm MTT. Hợp chất  2 cho thấy tác dụng chống loãng xương trung bình, mức độ tăng sinh tế bào là 10.6–13.9%.

Nguyễn Thị Hằng

CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC GLYCOSID MỚI TỪ SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES) VÀ KHẢ NĂNG ỨC CHẾ ENZYM XANTHIN OXIDASE CỦA CHÚNG

XinglongChen và cs.

Fitoterapia, 2017, 122: 144-149

7 hợp chất phenolic glycosid mới bao gồm 2 dẫn xuất phenolic dị vòng là orcinosid I-J (1-2) và 5 hợp chất chlorophenolic glycosid là curculigin J-N (3-7) cùng với 19 hợp chất đã được biết đến trước đó được phân lập từ thân rễ cây sâm cau. Cấu trúc của các hợp chất mới này được xác định dựa trên phân tích các dữ liệu phổ (UV, IR, HRESIMS, 1D và 2D NMR). Orcinosid I (1) và J (2) cho thấy khả năng ức chế enzym xanthin oxidase với IC50 lần lượt là 0,25 và 0,62 mM.

Trịnh Thị Nga

SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES) BẢO VỆ TỔN THƯƠNG TẾ BÀO DO CISPLATIN GÂY RA

Kang TH và cs.

The American journal of Chinese medicine, 2013, 41(2):425-41

Cisplatin thường được dùng trong hóa trị liệu để điều trị ung thư. Tuy nhiên cisplatin tạo ra các gốc tự do có nhóm oxy hoạt động (ROS), gây tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm độc tính trên tai. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rễ sâm cau được sử dụng để điều trị các bệnh về thính giác như ù tai, mất thính lực. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm hiểu tác dụng bảo vệ của cao chiết ethanol từ rễ sâm cau (COR) đến tổn thương tế bào do cisplatin gây ra trong tế bào thính giác (HEI-OC1). COR (2,5-25 μg / ml) ức chế tổn thương tế bào HEI-OC1 do cisplatin gây ra, tác dụng này phụ thuộc liều. Để nghiên cứu cơ chế bảo vệ của COR đối với độc tính cisplatin trong tế bào HEI-OC1, chúng tôi đã đánh giá ảnh hưởng của COR đến ROS và quá trình peroxy hóa lipid trong các tế bào được điều trị bằng cisplatin cũng như tác dụng dọn gốc tự do superoxid, gốc hydroxyl, hydrogen peroxide, và các gốc DPPH. COR (1-25 μg / ml) có tác dụng dọn các gốc tự do superoxide, các gốc hydroxyl, hydrogen peroxide và các gốc DPPH, cũng như giảm quá trình peroxy hóa lipid. Trong các thí nghiệm in vivo, COR làm giảm thiểu các khiếm khuyết chức năng thính giác trên mô hình chuột bị gây tổn thương thính giác bởi cisplatin. Những kết quả này chỉ ra rằng COR bảo vệ khỏi tổn thương thính giác do cisplatin gây ra bằng cách ức chế quá trình peroxy hóa lipid và khả năng dọn gốc tự do.

Hoàng Thị Tuyết

CẤU TRÚC HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG CHỐNG LOÃNG XƯƠNG IN VITRO CỦA O-ACETYL-GLUCOMANNAN PHÂN LẬP TỪ THÂN RỄ SÂM CAU (CURCULIGO ORCHIOIDES)

Wang X và cs.

Carbohydrate Polymers, 2017, 174: 48-56

Bệnh loãng xương đặc trưng bởi suy giảm khối lượng xương và mật độ khoáng trong xương, làm xương suy yếu. Thuốc điều trị loãng xương hiện nay thường có tác dụng phụ nên nhiều nghiên cứu chuyển hướng tập trung phát triển sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Đặc biệt, các polysaccharid chiết xuất từ thảo dược Trung Quốc ngày càng được quan tâm. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phân lập một polysaccharid (COP90-1) từ thân rễ sâm cau (Curculigo orchioides), một dược liệu được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc. Hợp chất này được xác định cấu trúc dựa trên kết hợp phân tích đặc trưng hóa lý và dữ liệu phổ. Đồng thời, chúng tôi đã đánh giá tác dụng của COP90-1 trên sự tăng sinh và biệt hóa tế bào xương chuột nguyên phát. Kết quả cho thấy, COP90-1 có tác dụng thúc đẩy tăng sinh và biệt hóa tế bào xương nguyên phát in vitro. Cần tiến hành các nghiên cứu in vivo tiếp theo để đánh giá sâu hơn tác dụng của hợp chất này.

Nguyễn Thị Nụ

HÀM LƯỢNG GINSENOSID CHÍNH TRONG THÂN RỄ CỦA PANAX SOKPAVENSIS VÀ PANAX BIPINNATIFIDUS

Gurung Bhusan và cs.

Natural Product Research (2018) 32(2): 234-238

Nghiên cứu này so sánh 8 loại ginsenosid chính (Rg1, Rg2, Rf, Re, Rd, Rc, Rb1 và Rb2) giữa Panax sokpayensis và Panax bipinnatifidus được thu thập từ Sikkim Himalaya, Ấn Độ. Phân tích sắc ký lỏng hiệu năng cao cho thấy tất cả các ginsenosid chính đều có mặt trong thân rễ của P. sokpayensis ngoại trừ ginsenosid Rc, trong khi ginsenosid Rf, Rc và Rb2 không phát hiện được ở P. bipinnatifidus.

Lại Việt Hưng

SAPONIN MỚI KHUNG DAMMARAN TỪ LÁ CỦA LOÀI PANAX NOTOGINSENG

Jiwu Huang và cs.

Chinese Chemical Letters (2018)

Hai saponin triterpenoid mới có tên là notoginsenosid-Ng3 và notoginsenosie-Ng4 cùng với ba saponin đã biết, được phân lập từ dịch chiết nước của lá loài tam thất. Cấu trúc của những chất này đã được làm sáng tỏ bằng kỹ thuật HRESIMS, NMR, X quang và thủy phân acid. Ngoài ra, hợp chất Notoginsenosid-Ng4 được đặc trưng bởi chuỗi liên kết đôi liên hợp, hiếm khi được tìm thấy trong loài cây này. Cấu hình tuyệt đối của notoginsenosid Fa (3) với năm đường đã được xác định bằng nhiễu xạ tia X đơn tinh thể lần đầu tiên. Các thí nghiệm hoạt tính ức chế acetylcholinesterase cũng được tiến hành, tất cả các saponin phân lập có tác dụng ức chế yếu ở nồng độ cuối cùng là 0,16 mmol / L.

Lại Việt Hưng

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)