Sách mới

Sách mới: Giới thiệu một số cây thuốc, vị thuốc thay thế Cao hổ cốt

Trong dân gian, Cao hổ cốt được biết đến với tác dụng bổ thận, giảm đau, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt, dùng để chữa các chứng đau nhức, tê thấp, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, thoái hóa xương khớp, suy nhược cơ thể, loãng xương. Tuy nhiên, con người đã và đang tự ý sử dụng cao hổ cốt với nhiều mục đích chữa bệnh khác nhau, thậm chí là thể hiện đẳng cấp xã hội một cách không đúng đắn. Hành vi này không chỉ đe dọa nghiêm trọng tới sự sinh tồn của giống loài này trong tương lai, mà còn khiến nhu cầu sử dụng và buôn bán cao hổ gia tăng, nằm ngoài sự kiểm soát của các cấp có thẩm quyền. Hiện nay, pháp luật Việt Nam và thế giới hoàn toàn nghiêm cấm các hoạt động buôn bán, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm từ hổ và các động vật hoang dã khác nói chung.
Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời, có nguồn tài nguyên cây thuốc đa dạng với hơn 5.000 loài đã được ghi nhận, trong đó, nhiều loài cây thuốc có tác dụng thay thế cao hổ cốt đã được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh đau nhức, tê thấp, thoái hóa xương khớp và suy nhược cơ thể từ bao đời nay như Hy thiêm, Đỗ trọng, Độc hoạt, Tang ký sinh, Thiên niên kiện... Việc sử dụng dược liệu bền vững, có nguồn gốc rõ ràng, có bằng chứng khoa học không chỉ góp phần bảo tồn loài hổ, nâng cao nhận thức về những qui định sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng, mà còn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ động vật hoang dã bởi các sản phẩm cao hổ lưu hành trên thị trường đều là sản xuất trái phép, không rõ nguồn gốc.
Với mong muốn góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về việc tuân thủ pháp luật bảo vệ động vật hoang dã đồng thời phát triển ngành y học cổ truyền theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả Viện Dược liệu đã tổ chức biên soạn tài liệu này với vốn tài trợ từ Chính phủ Vương quốc Anh (UKaid) thông qua Quỹ Phòng chống buôn bán trái phép Động, thực vật hoang dã và Bảo tồn đa dạng sinh học (IWT Challenge Fund) và được Văn phòng Dự án Tổ chức TRAFFIC International Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Nội dung trong tài liệu do Viện Dược liệu cung cấp; Thông tin về hổ và các thông điệp liên quan do Dự án Truyền thông thay đổi hành vi giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam cung cấp.
Xin trân trọng giới thiệu để độc giả có nhu cầu tham khảo và nghiên cứu.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)