Sách mới

Viện Dược liệu trân trọng giới thiệu 4 ấn phẩm chào mừng kỷ niệm 61 năm thành lập Viện (13/4/1961-13/4/2022)

 

GIỚI THIỆU 4 ẤN PHẨM CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 61 NĂM THÀNH LẬP VIỆN DƯỢC LIỆU (13/4/1961-13/4/2022)

Việt Nam có một nền y học cổ truyền được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc. Từ xa xưa, nhân dân đã sử dụng nhiều phương thuốc từ cây cỏ để phòng và chữa bệnh. Ngày nay, y học cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng ngày càng được quan tâm, đầu tư, khẳng định được vị trí quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi thành lập năm 1961 đến nay, Viện Dược liệu đã thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu; tư vấn cho Bộ Y tế về công tác phát triển dược liệu; nghiên cứu hiện đại hóa thuốc cổ truyền; tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc và các chế phẩm khác từ dược liệu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành dược liệu.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm thành lập, nhằm ghi nhận và giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, Viện Dược liệu đã xuất bản 04ấn phẩm:

Kỷ yếu: “Viện Dược liệu 60 năm xây dựng và phát triển”

Công trình nghiên cứu khoa học  Viện Dược liệu 2016 – 2021

 Atlas cây thuốc Việt Nam

Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và sơ chế một số cây dược liệu theo GACP-WHO

  1. Kỷ yếu: “Viện Dược liệu 60 năm xây dựng và phát triển”

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống , Viện Dược liệu biên soạn và ban hành cuốn kỷ yếu này để ghi lại những sự kiện, những thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới như một món quà kỷ niệm và lời cảm ơn đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, viên chức, người lao động đã từng công tác tại đơn vị qua các thời kỳ, những người đã từng gắn bó, đóng góp, làm nên thành tích Viện Dược liệu ngày nay. Trên cơ sở kế thừa cuốn “Lịch sử Viện Dược liệu 50 năm xây dựng và phát triển”, cuốn kỷ yếu này nhấn mạnh các sự kiện nổi bật theo từng giai đoạn xây dựng phát triển, tập trung giới thiệu thành tựu chung của Viện trong giai đoạn 10 năm  gần đây và giới thiệu hoạt động của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện.

  1. Công trình nghiên cứu khoa học  Viện Dược liệu 2016 – 2021

Tài liệu này là tập hợp những công trình nghiên cứu khoa học của Viện trong 5 năm qua (2016 - 2021), phản ánh rõ nét các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện. Công tác nghiên cứu khoa học của Viện Dược liệu đã đạt được những thành tựu nhất định, từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nội dung được chia thành 3 phần (563 trang), cụ thể như sau:

- Phần 1: Hoạt động khoa học công nghệ của Viện Dược liệu giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến 2025.

- Phần 2: Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên, nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu

 - Phần 3: Nghiên cứu phát triển thuốc và dược liệu

3. Atlas cây thuốc Việt Nam

Cuốn sách dày 180 trang, cung cấp những thông tin, dữ liệu, hình ảnh chính xác và đầy đủ một cách có hệ thống về 50 loài cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao. Cuốn sách gồm 2 phần:

- Phần 1: Giới thiệu tóm tắt về nguồn tài nguyên cây thuốc Việt Nam và ý nghĩa của việc xây dựng Atlas cây thuốc Việt Nam

- Phần 2: Chuyên luận về 50 loài cây thuốc. Mỗi loài có các thông tin về: tên gọi của cây thuốc, họ thực vật, đặc điểm hình thái, mùa hoa quả, phân bố, bản đồ phân bố điểm, sinh thái, hiện trạng, bộ phận dùng, công dụng.

4. Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và sơ chế một số cây dược liệu theo GACP-WHO

Qua 391 trang, cuốn sách giới thiệu quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, sơ chế dược liệu theo hướng dẫn GACP-WHO cho 35 loài cây dược liệu được trồng phổ biến tại các vùng khác nhau trong cả nước. Mỗi một quy trình đều nêu rõ xuất xứ của quy trình và bao gồm 3 phần chính:

- Phần 1: Đặc điểm chung: bao gồm đặc điểm thực vật, nguồn gốc phân bố, điều kiện sinh thái và giá trị sử dụng của cây dược liệu.

- Phần 2: Kỹ thuật trồng: Mô tả chi tiết các biện pháp kỹ thuật cơ bản.

- Phần 3: Bao gồm các biện pháp kỹ thuật sơ chế sau thu hoạch.

Các ấn phẩm trênlà công trình khoa học tập thể, được biên soạn công phu; là thành quả nghiên cứu của nhiều tác giả Viện Dược liệu qua các thế hệ, cung cấp các thông tin giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học về dược liệu; điều tra, nghiên cứu phân loại, bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc Việt Nam và hỗ trợ các cơ sở trồng dược liệu trong cả nước sản xuất dược liệu bền vững, an toàn, đảm bảo chất lượng theo quy định. 

 

(Nguồn tin: Trung tâm Thông tin - Thư viện)