Danh lục cây thuốc Việt Nam
Cuốn sách Danh lục cây thuốc Việt Nam là một công trình khoa học tập thể của nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu, chuyên làm công tác điều tra sưu tầm dược liệu ở Khoa Tài nguyên dược liệu hiện nay, hay là Phòng Điều tra sưu tầm dược liệu trước kia và một số đơn vị trực thuộc Viện. Để có được công trình này, kể từ những năm tháng còn chiến tranh ác liệt cho đến ngày nay, những người làm công tác điều tra đã không quản khó khăn gian khổ, lặn lội đến các nơi rừng núi xa xôi, tiếp cận với mọi cộng đồng địa phương để tìm kiếm, thu thập được các cây thuốc hiện có. Từ kết quả của hàng ngàn đợt điều tra nghiên cứu đã được tổng hợp, biên soạn thành cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam.
Cuốn Danh lục cây thuốc gồm 1191 trang, gồm hai phần:
Phần một - Tóm tắt kết quả điều tra dược liệu ở Việt Nam của Viện Dược liệu từ khi thành lập (1961) đến nay. Phần này đề cập tóm tắt quá trình tổ chức và một số kết quả điều tra nghiên cứu về nguồn tài nguyên dược liệu trên phạm vi toàn quốc, trong đó chủ yếu là cây thuốc (bao gồm cả một số loài Rêu, Tảo và Nấm lớn).
Phần hai - Danh lục cây thuốc Việt Nam: Giới thiệu 5.117 loài và dưới loài, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành Thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn. Các loài cây thuốc được sắp xếp theo thứ tự vần ABC của tên Việt Nam thông dụng. Mỗi loài có các thông tin về: tên gọi của cây thuốc (gồm tên gọi theo tiếng Việt thông dụng, tên khác theo tiếng dân tộc hay tên gọi có tính địa phương (nếu có), tên khoa học hợp danh pháp và đồng danh (nếu có). Họ thực vật. Mùa hoa quả. Sơ bộ về xuất xứ và phân bố (cây mọc tự nhiên ở vùng nào, cây trồng bản địa hay nhập nội). Công dụng làm thuốc, kèm theo là bộ phận dùng (trong ngoặc đơn). Thông tin có tiêu bản đang lưu giữ tại Phòng Tiêu bản của Khoa Tài nguyên (Viện Dược liệu) - NIMM, được đánh dấu sao (*) ở tên gọi chính của loài cây thuốc.
Phần phụ lục : gồm 2 bảng tra cứu: Bảng I- Theo tên Việt Nam thông dụng, kèm theo chỉ dẫn ở trang nào của bảng Danh lục trên. Bảng II- Theo tên khoa học chính thức của loài cây thuốc, cũng kèm theo chỉ dẫn ở trang nào của bảng Danh lục trên.
Cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam được biên soạn một cách công phu và khoa học. Bên cạnh ý nghĩa là thành quả của một quá trình điều tra nghiên cứu nhiều năm, cuốn Danh lục còn là tài liệu phục vụ cho việc tra cứu, học tập và tìm hiểu về nguồn tài nguyên cây thuốc nói chung, cũng như về từng loài cây thuốc hiện đã biết ở Việt Nam nói riêng.
Viện Dược liệu xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PGS.TS. Nguyễn Minh Khởi
Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế)
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)