News

Viện Dược liệu tư vấn và tham gia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Thực hiện Quyết định số 1187/QĐ – UBND ngày 03/4/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 20/4, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An. Tới dự buổi lễ có Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền; đại diện lãnh đạo Viện Dược liệu; Về phía Sở Y tế Nghệ An có TTƯT, PGS.TS. Dương Đình Chỉnh, Quyền Giám đốc, các đồng chí trong Ban Giám đốc; Đại diện các Sở, ban, ngành liên quan va các doanh nghiệp Dược trên địa bàn tỉnh....

TS. Trần Minh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện  Dược liệu phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch 

Viện Dược liệu là đơn vị tư vấn, trực tiếp tham gia xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu quy hoạch vùng bảo tồn cây thuốc quý hiếm, đặc hữu của tỉnh Nghệ An và vùng khai thác cây thuốc tự nhiên, vùng cây trồng thuốc theo nhu cầu thị trường nhằm phát triển dược liệu thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, tăng dần tỷ lệ dược liệu có nguồn gốc trong nước, từng bước chủ động đảm bảo cung ứng đầy đủ chủng loại, số lượng dược liệu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh đồng thời tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân tỉnh nhà đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng Khoa Tài nguyên dược liệu báo cáo nội dung Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tăng cường bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu tại 3 vùng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt; xây dựng 3 khu bảo tồn chuyển vị một số cây thuốc đặc hữu quý hiếm tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn; quy hoạch các vùng rừng có cây dược liệu mọc tự nhiên tại 3 vùng sinh thái là vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng để khai thác bền vững 17 loài hoặc nhóm loài có tiềm năng tạo nguồn dược liệu làm thuốc. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu tập trung là 885 ha, 60% diện tích và sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đến năm 2030, tăng diện tích trồng lên 950 ha, 100% diện tích và sản lượng đạt GQCP-WHO, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh.

Theo đó, về quy hoạch vùng bảo tồn và khai thác cây dược liệu tự nhiên, đề xuất quy hoạch bảo tồn tại chỗ 38 loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn và các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Xây dựng 3 khu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu để bảo tồn và chuyển vị các loại thuộc diện bảo tồn và các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm của tỉnh Nghệ An gắn với những cơ sở, dự án đã có hoặc đã quy hoạch ở 3 huyện Quỳ Hợp, Quế Phong và Kỳ Sơn với tổng diện tích 15 ha. Quy hoạch 13 vùng khai thác tại 13 huyện, thị xã để khai thác bền vững 17 loài hoặc nhóm loài cây dược liệu mọc tự nhiên có trữ lượng tương đối lớn và đặc trưng ở Nghệ An, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.

Về quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, đề xuất tập trung phát triển 14 loài hoặc nhóm loài cây thuốc tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh theo 3 vùng gồm vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng với tổng diện tích trồng 905 ha. Rà soát lại diện tích trồng của 3 loài cây dược liệu đã được quy hoạch là chanh leo, gấc và quế tại 4 huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn. Tập trung chọn tạo giống (quế), hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh (chanh leo, quế, gấc) đảm bảo sản xuất dược liệu đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Ngoài 11 huyện, thị xã được quy hoạch, xác định 8 huyện, thị xã gồm: Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thái Hòa, Thanh Chương, Cửa Lò cũng có tiềm năng phát triển một số cây dược liệu với diện tích quy hoạch cho mỗi huyện, thị xã từ 20 - 50 ha. Sẽ quy hoạch cơ sở sản xuất giống cây dược liệu tại 5 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Nghi Lộc với quy mô 10 ha, công suất 5 - 7 triệu cây giống/năm.

Quy hoạch cơ sở sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm cây dược liệu ở 10 huyện, thị xã đưa vào quy hoạch trồng cây thuốc gồm Con Cuông, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, TX Hoàng Mai, Tân Kỳ, Tương Dương, Yên Thành. Xây dựng 1 nhà máy chiết xuất dược liệu cho toàn tỉnh với công suất đạt khoảng 10.000 tấn dược liệu thô/năm, lộ trình xây dựng từ năm 2018 - 2025; xây dựng 1 khu chế biến và bảo quản nông sản, dược liệu với diện tích dự kiến 0,7 ha tại TP Vinh.

Tập thế cán bộ và các chuyên gia tham gia xây dựng Quy hoạch

 

(Nguồn tin: )