Thông tin dược liệu

Đưa ngành dược liệu phát triển xứng với tiềm năng

VTV.vn - Giá trị ngành dược liệu trong nước mang về còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa thị trường.

 

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia khi nói về ngành kinh tế dược liệu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam là 1 trong 15 nước có trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời.

Với hơn 5.000 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Trong khi đó, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu ước khoảng 200 tỷ USD mỗi năm.

Tiềm năng và thị trường lớn nhưng ước tính xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới đạt khoảng 400 triệu USD/năm và dừng lại ở Quế, Hồi và Thảo quả là chủ yếu. Trong số hàng chục nghìn tấn dược liệu sử dụng mỗi năm thì trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25%, còn lại là phải nhập khẩu.

Đưa ngành dược liệu phát triển xứng với tiềm năng - Ảnh 1.

Một trong những nguyên nhân khiến dược liệu của Việt Nam bị lép vế trước các "đối thủ" thế giới đó là các sản phẩm dược liệu xuất khẩu phần lớn vẫn ở dạng nguyên liệu thô. Chế biến sâu đang là điểm yếu và giải quyết bài toán này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả hơn từ nhiều phía.

Ngành dược liệu Việt Nam hiện chưa mang tính định hướng thị trường, việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Đó là một sự lãng phí bởi với lợi thế riêng có, cùng sự tiếp sức hiệu quả, dược liệu của nước ta hoàn toàn có thể trở thành ngành hàng tỷ đô tiếp theo.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Tuy nhiên điều kiện là những vướng mắc hiện tại của ngành phải được giải quyết một cách triệt để và đồng bộ.

(Nguồn tin: Vtv.vn)