Thông tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 5/2021

TT

BẢN TIN SỐ 5/2021

1.

CAO ETHANOL TỪ VỎ NGOÀI HẠT Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI L. VAR. MA-YUEN STAPF.) VÀ CÁC HOẠT CHẤT CÓ TÁC DỤNG CHỐNG TĂNG SINH TẾ BÀO UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG THEO CƠ CHẾ DỪNG CHU KỲ TẾ BÀO

 

Huang YJ và cs.

Molecules, 2021, 26(7): 1966

Ung thư nội mạc tử cung là khối u ác tính phổ biến nhất của bệnh ung thư phụ khoa ở phương Tây. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung đã tăng lên và đã trở thành loại ung thư phụ khoa phổ biến thứ ba ở nữ giới (sau ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung) ở Đài Loan. Ý dĩ (Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen Stapf.) đã được chứng minh là có chứa các thành phần có hoạt tính sinh học như các polyphenol, flavonoid, phytosterol và các chất dinh dưỡng thiết yếu có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả tác dụng chống ung thư ở người. Tuy nhiên, tác dụng của hạt ý dĩ đối với bệnh ung thư nội mạc tử cung ít được biết. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát tác dụng ức chế tăng trưởng tiềm năng của một số phân đoạn từ hạt ý dĩ, bao gồm phân đoạn ethyl acetat (ATE-EA) và các thành phần hoạt tính sinh học của nó, trên các tế bào ung thư nội mạc tử cung - HEC-1A (phosphatase and tensin homolog-dương) và RL95-2 (phosphatase and tensin homolog-âm)-và xác định các thành phần hoạt tính liên quan. Ngoài ra, các phân đoạn có hoạt tính tiềm năng và các hợp chất hóa học đã được xác định. Kết quả cho thấy hoạt tính vượt trội của ATE-EA với khả năng ức chế tăng sinh tế bào in vitro đáng kể, đặc biệt là phân đoạn C.D.E.F của nó. Hơn nữa, định lượng dựa trên HPLC và GC/FID của các phân đoạn ATE-EA cho thấy rằng các hợp chất phenol (acid caffeic, acid protocatechuic và p-hydroxybenzaldehyd), các flavonoid, steroid và acid béo có tác dụng chống tăng sinh trong mô hình tế bào. Cuối cùng, kết quả cho thấy sự ngừng tăng trưởng tế bào và sự bắt giữ chu kỳ tế bào xảy ra đáng kể nhất trong giai đoạn G1 hoặc G2/M khi sử dụng ATE-EA. Tổng hợp, kết quả của nghiên cứu chứng minh tác dụng chống tăng sinh của ATE-EA đối với các tế bào ung thư nội mạc tử cung, gợi ý một kết quả tích cực cho sức khỏe phụ nữ từ việc sử dụng các hợp chất này.

Nguyễn Thị Thu, Trần Thị Hồng Vân

2.

MỘT HỢP CHẤT PHÂN LẬP TỪ THÂN VÀ LÁ CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.VÀ TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ

 

Yu Q và cs.

Food Bioscience, 42:101047

 

Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) là một loại thuốc truyền thống của Trung Quốc và đã được nghiên cứu để điều trị các bệnh viêm nhiễm và bệnh thấp khớp. Một hợp chất có hoạt tính chống khối u đã được phân lập từ thân và lá của ý dĩ. Trọng lượng phân tử của hợp chất này là 410 bằng cách sử dụng phân tích phổ khối. Việc xác định cấu trúc của hợp chất tinh khiết được xác định bằng cách sử dụng quang phổ tử ngoại, quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier và phổ cộng hưởng từ hạt nhân, và cho thấy rằng hợp chất mới này là (20R)-22E-24-ethylcholesta-4,22-dien-3-on. Tác dụng của hợp chất mới này trên sự sống sót của các dòng tế bào ung thư HeLa, HepG2 và SGC-7901 với các giá trị IC50 tối thiểu tương ứng là 23,8; 67,6 và 25,5 μg/mL. Hợp chất này có tác dụng gây apoptosis trên ba dòng tế bào ung thư này và có tác dụng ức chế ADN topoisomerase I. Tác dụng này phụ thuộc vào nồng độ, nhưng hợp chất mới này không gây phân mảnh ADN. Mối quan hệ cấu trúc - tác dụng và cơ chế tác động đã được phát hiện góp phần cung cấp nền tảng đặc hiệu cho việc tổng hợp và phát triển các thuốc kháng ung thư.

Nguyễn Thị Thu, Lâm Bích Thảo, Trần Thanh Hà

3.

CÁC CAO CHIẾT TỪ ​VỎ Ý DĨ LÀM GIẢM ĐỘC TÍNH THẦN KINH DO β –AMYLOID GÂY RA VÀ GIẢM STRESS OXY HÓA TRONG TẾ BÀO PC12 THÔNG QUA CÁC TÁC ĐỘNG CHỐNG OXY HÓA, CHỐNG VIÊM VÀ CHỐNG APOPTOSIS

 

Tsay GJ và cs.

Biochemistry and Biophysics Reports, 26: 101020

 

Bệnh Alzheimer (AD) được đặc trưng bởi sự tích tụ của β-amyloid (Aβ) trong các mảng lão hóa, góp phần gây ra stress oxy hóa, các bệnh về ty thể và teo synap, do đó dẫn đến suy giảm chức năng não bộ. Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) là một loài thực vật hàng năm. Ở đây, cao ethanol 95% của vỏ ý dĩ (AHEE) được phân đoạn bằng ethyl acetat (AHEAE), n-butanol (AHBUE) và nước (AHWE) và tác động của các cao chiết này lên dòng tế bào RAW264.7 bị cảm ứng bởi lipopolysaccharid (LPS) và tế bào PC12 bị cảm ứng bởi Aβ như các mô hình thí nghiệm về độc tính thần kinh đã được đánh giá. Sự biểu hiện của các protein liên quan đến kháng viêm và kháng apoptosis đã được nghiên cứu và AHEE, AHEAE và AHWE được phát hiện có tác dụng chống viêm. AHWE thể hiện tác dụng chống apoptosis và ức chế sự biểu hiện nitric oxide synthase cảm ứng (iNOS) và sự sản sinh nitric oxid. Chúng tôi đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ của AHWE chống lại độc tính thần kinh do Aβ gây ra trong các tế bào dPC12 và khám phá cơ chế cơ bản. Tiền xử lý với AHWE làm giảm đáng kể tỷ lệ chết tế bào và làm giảm sự tăng qua trung gian Aβ trong tỷ lệ của protein kháng apoptosis B cell lymphoma (Bcl)-2/Bax. AHWE ức chế đáng kể nồng độ Aβ và tăng nồng độ protein kinase B (Akt) trong các tế bào dPC12, gợi ý rằng tác dụng bảo vệ của AHWE chống lại quá trình apoptosis do Aβ gây ra trong tế bào dPC12 được thực hiện qua trung gian điều chỉnh tăng con đường tín hiệu phosphoinositid 3-kinase (PI3K)/Akt. Các cao chiết này và hợp chất có hoạt tính sinh học K36-21 có tiềm năng hữu ích để điều trị các rối loạn do thoái hóa tế bào thần kinh.

Nguyễn Thị Thu, Đinh Thị Minh

4.

CAO ETHANOL TỪ VỎ NGOÀI HẠT VÀ VỎ Ý DĨ  VÀ CÁC PHÂN TỬ SINH HỌC CÓ HOẠT TÍNH LÀM GIẢM CO THẮT CƠ TỬ CUNG THÔNG QUA VIỆC NGĂN CHẶN DÒNG CALCI NGOẠI BÀO TRONG NGHIÊN CỨU EX VIVOIN VIVO

 

Huang YJ và cs.

Biomolecules, 2021, 11(6):887

 

Đau bụng kinh là một trong những rối loạn phổ biến trong phụ khoa. Về mặt lịch sử, ý dĩ (Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen Stapf.) đã được nghiên cứu về tác dụng chống khối u, chống viêm và giảm đau. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng của hạt ý dĩ đối với việc ức chế co bóp tử cung và do đó giảm đau bụng kinh in vitroin vivo. HPLC-MS và GC được sử dụng để xác định thành phần của phân đoạn ethyl acetat từ cao ethanol vỏ ngoài hạt ý dĩ (ATE-EA) và phân đoạn ethyl acetat từ cao ethanol vỏ ý dĩ (AHE-EA). Kết quả cho thấy sự hiện diện của các flavonoid, phytosterol và acid béo. Các khối u xơ tử cung và mô cơ tử cung lân cận bình thường được khảo sát bằng các thử nghiệm gây co bóp tử cung bởi oxytocin và prostaglandin (PG). ATE-EA và AHE-EA ức chế cơn co tử cung gây ra bởi prostaglandin F2 alpha (PGF2α), oxytocin, carbachol và dung dịch KCl nồng độ cao trong nghiên cứu ex vivo. Ngoài ra, sự co thắt gây bởi sự đi vào của calci ngoại bào (Ca2+) và sự tăng nồng độ Ca2+ đã bị ức chế bởi ATE-EA và AHE-EA trên cơ trơn tử cung của chuột cống trắng. Hơn nữa, ATE-EA và AHE-EA làm giảm hiệu quả trên sự co bóp của các mô cơ tử cung bình thường hơn so với trên u xơ tử cung lân cận trong đáp ứng với PGF2α. Hai hợp chất 3,5,6,7,8,3′,4′-heptamethoxyflavon và chrysoeriol cho tác dụng ức chế đáng kể với các giá trị IC50 tương ứng là 24,91 và 25,59 µM. Kết quả thử nghiệm in vivo cho thấy điều trị với ATE-EA ở liều 30 mg/ngày làm giảm tần suất quặn đau một cách hiệu quả trên cả hai thử nghiệm gây đau xoắn bụng ở chuột chủng ICR bằng oxytocin và acid acetic.

Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Văn Hiệp

5.

COIXLACHRYSID B: MỘT BENZOXAZINOID GLYCOSID MỚI TỪ RỄ CỦA Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI VAR. MA-YUEN, GRAMINEAE)

 

Choi YH và cs.

Journal of Asian Natural Products Research, 2019, 21(8): 806-812

 

Ý dĩ (Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen) là một nguồn thực phẩm và vị thuốc y học dân gian truyền thống ở một số vùng của châu Á trong hàng ngàn năm; tuy nhiên, rễ của cây này vẫn chưa được nghiên cứu về hóa thực vật. Trong bài báo này, chúng tôi báo cáo sự phân lập của một benzoxazinoid glycosid mới, coixlachrysid B (1), cùng với mười hợp chất đã biết (2–11) từ rễ của ý dĩ sử dụng các phương pháp sắc ký. Trong số các hợp chất đã biết, cấu hình tuyệt đối của hợp chất 4 đã được xác định. Cấu trúc của tất cả các hợp chất đã được xác định bằng các dữ liệu phổ NMR và quang phổ lưỡng sắc tròn điện tử thực nghiệm và tính toán.

Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Nhật Minh

6.

XÁC ĐỊNH CÁC TRIACYLGLYCEROL TRONG CAO CHIẾT TỪ HẠT Ý DĨ BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ LỚP MỎNG ĐIỀU CHẾ VÀ SẮC KÝ LỎNG KHỐI PHỔ SỬ DỤNG NGUỒN ION HÓA HÓA HỌC TẠI ÁP SUẤT KHÍ QUYỂN

 

Hee-Jung Sim và cs.

Analytical Science & Technology, 2017, 30(2):102-111

 

Trong bài báo này chúng tôi báo cáo một phương pháp xác định thành phần các triacylglycerol (TAGs) và diacylglycerol (DAGs) trong hạt ý dĩ bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng điều chế (prep-TLC) và sắc ký lỏng pha đảo không dùng nước (NARP LC) ghép nối detetctor khối phổ hai lần (MS/MS) sử dụng nguồn ion hóa hóa học tại áp suất khí quyển (APCI). Thành phần lipid được chiết xuất từ ​​hạt ý dĩ bằng cách chiết hồi lưu với dung môi n-hexan trong 3 giờ. TAGs và DAGs trong cao chiết từ hạt ý dĩ được tinh chế và tách khỏi các chất ảnh hưởng trong nền mẫu bằng phương pháp pre-TLC và sau đó được phân tích bằng LC-APCI-MS và MS/MS. Các hợp chất TAG được xác định dựa trên cơ chế lưu giữ trong hệ LC, các mảnh phổ APCI-MS và phổ MS/MS của các ion [DAG]+. Trong phổ MS/MS của TAGs, các mảnh ion diacylglycerol-like [DAG]+ có thể dùng để xác định các hợp chất TAGs với các ion phân mảnh đẳng áp. Dựa trên phương pháp thiết lập được, 27 hợp chất TAGs và 8 hợp chất DAGs đã được xác định trong cao chiết xuất từ hạt ý dĩ. Trong đó, 15 hợp chất TAGs và 8 hợp chất DAGs lần đầu tiên được tìm thấy có trong hạt ý dĩ. Điều thú vị là một số hợp chất TAGs phân lập được bằng phương pháp pre-TLC bị biến đổi thành các hợp chất DAGs, điều này có thể do sự quang phân trong quá trình lưu giữ ở nhiệt độ phòng. Chính vì vậy, hiện tượng giảm hàm lượng các chất TAGs cần được chú ý trong đánh giá chất lượng và đặc tính dinh dưỡng của hạt ý dĩ. LC-APCI-MS/MS kết hợp với pre-TLC là phương pháp khả thi, có thể phân tích chính xác các hợp chất TAGs và DAGs trong các đối tượng dược liệu khác.

Nguyễn Thị Hà Ly

7.

PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG “XANH” KẾT HỢP CHEMOMETRIC CÁC TRIGLYCERID TRONG CÁC LOẠI HẠT SỬ DỤNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN TRUNG QUỐC

 

Jin-Jun Hou và cs.

Planta Med, 2018; 84: 457–464

 

Các triglycerid là thành phần chính của một số loại hạt, nhân hạt được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Việc kiểm tra chất lượng các hạt, nhân hạt vốn chứa nhiều thành phần, bằng phương pháp định lượng “Xanh” (thân thiện với môi trường) là không thể thiếu trong quy trình thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng (được gọi là chuyên luận trong Dược điển). Lấy ví dụ với hạt ý dĩ (Semen Coicis), nghiên cứu này đã đề xuất một phương pháp định lượng thân thiện với môi trường, trong đó sử dụng pha tĩnh là hạt C8 core-shell kết hợp với một chuẩn đơn duy nhất để xác định đa thành phần, nhằm định lượng đồng thời bảy triglycerid. Cột core-shell được sử dụng là  Halo C8 (3,0 × 100 mm, 2,7 µm), pha động là methanol với tốc độ dòng 0,3 mL/phút, sử dụng detector UV để phát hiện các chất được rửa giải ra khỏi cột. Bảy chất triglycerid được tách tốt trong 20 phút và được định lượng đồng thời với chất chuẩn duy nhất là triolein. Hệ số chuyển đổi cho từng chuẩn được đặt là 1,0 khi sử dụng ELSD. Khi sử dụng bước sóng 203 nm, hệ số chuyển đổi sẽ tăng lên tương ứng với sự giảm số nhóm linoleat. Các giá trị hiệu suất thu hồi đều đạt trong khoảng 97-107% (RSD < 3,0%). Các giá trị RSD của độ chính xác, bao gồm độ chính xác trong ngày và độ chính xác trung gian, là < 3,0% khi tính toán hàm lượng triglycerid tổng. Độ tuyến tính đạt r ≥ 0,9990, giới hạn định lượng đạt 40 - 70 ng. 49 mẫu hạt ý dĩ thu thập từ 4 khu vực khác nhau và tám mẫu của các loại hạt khác đã được đánh giá và phân loại bằng phương pháp phân tích cấu tử chính. Ngoài ra, phương pháp thiết lập được đã áp dụng thành công để định lượng bảy triglycerid có trong nhân hạt của quả đào (Semen Persicae), hạnh nhân (hạt mơ, Semen Armeniacae Amarum) và hạt đào (Semen Pruni).

Nguyễn Thị Hà Ly

8.

CHẤT ỨC CHẾ SỰ HÌNH THÀNH HẮC TỐ TRÊN DÒNG TẾ BÀO HẮC TỐ B16-F10 CHIẾT TỪ HẠT Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI)

 

Yhiya Amen và cs.

Natural Product Research, 2017 Dec;31(23):2712-2718

 

Một dẫn xuất mới của adenin là 9-β-D-glucopyranosyl adenin cùng với 9 hợp chất đã biết được phân lập từ hạt của Ý dĩ (Coix lacryma-jobi). Cấu trúc của chúng được làm sáng tỏ dựa trên các nghiên cứu hóa học và các phương pháp phổ. Các hợp chất và cao chiết ethanol được thử tác dụng ức chế melanin trên dòng tế bào hắc tố B16-F10. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng ứng dụng của hạt ý dĩ như là tác nhân làm trắng da và là nguồn nguyên liệu giàu các hợp chất quan trọng có tác dụng ức chế sự hình thành hắc tố. Trong số các hợp chất phân lập được, coixol (2) và 2-O-β-glucopyranosyl-7-methoxy-2H-1,4-benzoxazin-3(4H)-one (8) thể hiện hoạt tính ức chế mạnh sự hình thành hắc tố mà không có độc tính với tế bào hắc tố. Các hợp chất còn lại cho thấy tác dụng từ yếu đến trung bình.

Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Văn Trí

9.

CHIẾT XUẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CYCLOARTENOL PHÂN LẬP TỪ CÀNH VÀ LÁ Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.) VÀ TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO

 

Qiaorong Yu và cs.

Research Square, 23 Jun 2021, DOI: https://doi.org/10.21203/rs.3.rs-611931/v1.

 

Giới thiệu: Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) là một loại thực phẩm bổ dưỡng và là vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền của Trung Quốc để điều trị chứng đau dây thần kinh, các bệnh viêm nhiễm và bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, có rất ít hiểu biết về khả năng chống khối u của nó. Nghiên cứu này đánh giá tác dụng gây độc tế bào của Coix lacryma-jobi L. trên các dòng tế bào HeLa, HepG2 và SGC-7901.

Phương pháp: Các hợp chất có hoạt tính gây độc tế bào được chiết xuất phân lập từ ​​thân và lá của cây ý dĩ.  Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng cách sử dụng các phương pháp quang phổ tử ngoại, quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier và phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Hoạt tính gây độc tế bào in vitro của hợp chất được xác định bằng cách sử dụng Cell Counting Kit – 8 (CCK-8), đo dòng chảy tế bào (Flow cytometry), và các thí nghiệm ức chế DNA Topo I

Kết quả: Hợp chất F2 được phân lập và tinh chế từ cao chiết ether dầu hỏa của cành, lá ý dĩ được xác định là cycloartenol. Giá trị IC50 tối thiểu của hợp chất này trên các dòng tế bào HeLa, HepG2 và SGC-7901 lần lượt là 500; 537,7 và 336,8 μg/mL. Hợp chất có tác dụng gây apoptosis trên ba dòng tế bào ung thư và có tác dụng ức chế đáng kể DNA topoisomerase I.

Kết luận: Nghiên cứu này chứng minh rằng cycloartenol có hoạt tính gây độc tế bào in vitro tốt, gợi ý tiềm năng như là một ứng viên kháng ung thư có nguồn gốc thiên nhiên.

Nguyễn Thị Hằng

10.

ĐÁNH GIÁ SỰ ĐA DẠNG DI TRUYỀN, THÀNH PHẦN HOẠT CHẤT VÀ TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ TỪ DẦU HẠT Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Xiu-Jie Xi và cs.

Plos One, 2016 Apr 12;11(4):e0153269

 

Hạt ý dĩ (Coix lachryma-jobi L.) là một loại dược liệu quan trọng được sử dụng làm thực phẩm và thuốc thảo dược ở các nước Châu Á. Một loại thuốc làm từ dầu hạt ý dĩ đã được ứng dụng lâm sàng để điều trị nhiều bệnh ung thư. Trong nghiên cứu này, sự đa dạng di truyền của hạt ý dĩ được lấy mẫu ở các vùng khác nhau và thành phần acid béo, thành phần triglycerid và tác dụng chống tăng sinh của dầu hạt ý dĩ được phân tích bằng các đặc điểm hình thái, các dấu hiệu ISSR, GC-MS, HPLC-ELSD và phương pháp MTT. Phân tích ISSR cho thấy tính đa dạng di truyền thấp của hạt ý dĩ ở cấp loài (h = 0,21, I = 0,33), mức gia nhập (h = 0,07, I = 0,10) và có sự khác biệt di truyền mạnh mẽ (GST = 0,6702). 11 mẫu hạt ý dĩ được lấy ở các vùng khác nhau được phân cụm thành ba nhánh thực vật tương ứng với vị trí địa lý và hai nhánh thực vật hoang dại có phân kỳ rõ ràng. Các mô hình nhóm dựa trên đặc điểm hình thái và dữ liệu hóa học phù hợp với các nhóm được phân tích bằng ISSR. Sự khác biệt đáng kể về đặc điểm hình thái, thành phần acid béo, thành phần triglycerid và tỷ lệ ức chế của dầu hạt ý dĩ đã được phát hiện trong các mẫu được lấy ở các vùng khác nhau, cho thấy mối tương quan thuận có ý nghĩa cao với sự biến đổi di truyền. Kết quả cho thấy rằng các đặc điểm hình thái hạt, thành phần acid béo và thành phần triglycerid liên quan chủ yếu đến các yếu tố di truyền. Tỉ lệ giữa acid palmitic, acid linoleic với acid oleic trong dầu hạt ý dĩ tương quan thuận điển hình với mức độ ức chế của dầu hạt ý dĩ trên dòng tế bào gây ung thư bàng quang T24, do đó đây là một chỉ số quan trọng để kiểm soát chất lượng hạt ý dĩ.

Lâm Bích Thảo

11.

CÁC HỢP CHẤT POLYSACCHARID TRONG VỎ HẠT Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI L.) CÓ TÁC DỤNG CẢI THIỆN RỐI LOẠN CHỨC NĂNG HÀNG RÀO BIỂU MÔ RUỘT GÂY BỞI TNF-α Ở TẾ BÀO CACO-2 THÔNG QUA ỨC CHẾ ĐÁP ỨNG VIÊM

 

Yanlong Li và cs.

Food Funct., 2019, 10(5): 2906-2913

 

Rối loạn chức năng của hàng rào biểu mô ruột đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của một số bệnh đường ruột, bao gồm bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten), bệnh viêm ruột và hội chứng ruột kích thích. Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát tác dụng bảo vệ của các hợp chất polysaccharid trong vỏ hạt ý dĩ (TPA) trên chứng rối loạn chức năng hàng rào biểu mô ruột gây bởi TNF-α trong tế bào đơn lớp Caco-2. Các tế bào Caco-2 được tiền xử lý hay không xử lý với TPA khi không có hoặc có tiếp xúc với TNF-α. Chức năng hàng rào biểu mô ruột được đánh giá qua thử nghiệm điện trở xuyên biểu mô (TEER) và sự di chuyển của đỏ Phenol. Kết quả cho thấy TPA có tác dụng ức chế sự phóng thích các yếu tố gây viêm gây bởi TNF-α. Mặt khác, TPA đảm bảo cả sự gia tăng tính thấm gian bào và làm giảm TEER trong tế bào Caco-2 có tiếp xúc TNF-α. Hơn nữa, TPA đã điều chỉnh tăng mức độ biểu hiện của của IL-8 và IL-6, điều chỉnh giảm biểu hiện occludin và ZO-3 gây bởi TNF-α, và ức chế rõ rệt sự hoạt hóa và biểu hiện protein của NF-κB p65. Kết quả nghiên cứu cho thấy TPA cải thiện rối loạn chức năng của hàng rào biểu mô ruột gây bởi TNF-α bằng cách ức chế đáp ứng viêm qua trung gian NF-κB p65.

                                                                            Nguyễn Nhật Minh

12.

CÁC PEPTID CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP MỚI TỪ GLUTELIN CỦA HẠT Ý DĨ (COIX LARCHRYMA-JOBI L. VAR. MA-YUEN STAPF)

 

Bin Li và cs.

Molecules 2017, 22(1), 123

 

Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã chỉ ra rằng glutelin thủy phân bẳng pepsin của ý dĩ có hiệu quả ức chế hoạt động của enzym chuyển hóa angiotensin (ACE) in vitro. Mục đích chính của nghiên cứu này là thu nhận các peptid chống tăng huyết áp mạnh từ glutelin của ý dĩ. Các glutelin thủy phân (CGH) được điều chế với xúc tác pepsin và sau đó được phân tách tiếp bằng hệ thống siêu lọc (UF), sắc ký lọc gel (GFC) và sắc ký lỏng hiệu năng cao pha đảo (RP-HPLC). Kết quả cho thấy, phân đoạn F5-3 có hoạt tính ức chế ACE cao nhất. Sáu peptid có hoạt tính ức chế ACE được xác định bằng sắc ký lỏng nano ghép khối phổ. Peptid có hoạt tính mạnh nhất GAAGGAF (IC50 = 14,19 µmol.L-1) được thu nhận bằng phương pháp sàng lọc mô phỏng phân tử, chuỗi phân mảnh và tối ưu hóa. Với một liều uống duy nhất 15 mg/kg (BW) trên chuột bị tăng huyết áp tự phát (SHR), peptid được tổng hợp GAAGGAF có hiệu quả làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 27,50 mmHg và tác dụng kéo dài ít nhất 8 giờ. Nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh rằng peptid GAAGGAF có khả năng ức chế ACE thu được từ glutelin của ý dĩ có tác dụng chống tăng huyết áp đáng kể và là dược chất tự nhiên tiềm năng cho sản xuất dược phẩm có tác dụng chống tăng huyết áp và điều trị các bệnh liên quan.

Nguyễn Nhật Minh

13.

XÂY DỰNG VÀ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI NHANH CHÓNG VÀ HIỆU QUẢ CÁC ĐỘC TỐ NẤM MỐC TRONG HẠT Ý DĨ BẰNG PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT MỘT BƯỚC KẾT HỢP UHPLC-HRMS

 

Yu Wu và cs.

Food Additives & Contaminants: Part A, 2021, 38(1): 148-159

 

Ý dĩ là một loại thực phẩm và dược liệu quan trọng trong y học cổ truyền Trung Quốc và một số nước châu Á. Đáng chú ý, hiện nay ý dĩ đang được sử dụng làm thuốc dược liệu để điều trị COVID-19 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ý dĩ thường bị nhiễm độc tố nấm mốc và nguy cơ này không thể bỏ qua. Trong bài báo này, chúng tôi đã phát triển một phương pháp liên quan đến việc chiết xuất trực tiếp kết hợp với phân tích UHPLC-HRMS để phát hiện đồng thời 24 độc tố nấm mốc trong hạt ý dĩ. Quy trình phân tích UHPLC-HRMS và các thông số thu thập dữ liệu, tiền xử lý mẫu đã được tối ưu hóa. Quy trình chiết xuất một bước cho thấy các ưu điểm so với ba phương pháp tinh chế chiết pha rắn thương mại như: dễ sử dụng, giảm thời gian chuẩn bị mẫu, chi phí thấp, độ thu hồi tốt và hiệu ứng ma trận chấp nhận được. Kết quả thẩm định phương pháp cho thấy các độc tố nấm mốc đều thỏa mãn độ tuyến tính và độ nhạy. Hiệu suất thu hồi có giá trị từ 74,2-101,1%, và RSD từ 0,1-5,8%. Giới hạn định lượng (LOQ) của 24 độc tố mycotoxin nằm trong khoảng 0,5-100 µg/kg. Để khảo sát mức độ nhiễm các độc tố này trong hạt ý dĩ thương mại, hơn 70 mẫu được thu thập từ thị trường Trung Quốc và được phân tích bằng phương pháp được phát triển này. Zearalenone (tỷ lệ dương tính: 98,7%, LOQ: 1,1-1562 µg / kg), deoxynivalenol (tỷ lệ dương tính: 87%, LOQ: 8,4-382,5 µg / kg), nivalenol (tỷ lệ dương tính: 85,7%, LOQ: 26,8-828,2 µg / kg), fumonisin B1 (tỷ lệ dương tính: 84,4%, LOQ: 2,5-314,5 µg / kg), fumonisin B2 (tỷ lệ dương tính: 75,3%, LOQ: 1,6-72,8 µg / kg), fumonisin B3 (tỷ lệ dương tính: 48%, LOQ: 1,0-203,6 µg / kg), aflatoxin B1 (tỷ lệ dương tính: 29,9%, LOQ: 0,39-14,7 µg / kg), sterigmatocystin (tỷ lệ dương tính: 29,9%, LOQ: 1,4-51,6 µg/kg), và acid tenuazonic (tỷ lệ dương tính: 19,5%, LOQ: 36,1-105,7 µg/kg) là các độc tố nấm mốc nhiễm thường gặp nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự quan trọng cấp thiết trong việc theo dõi và kiểm soát thường xuyên các độc tố nấm mốc trong hạt ý dĩ.

Nguyễn Nhật Minh

 

14.

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CỦA CÁC HỢP CHẤT PHENOL VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC PHÂN ĐOẠN GIÀU PHENOL TỪ BỘT HẠT Ý DĨ ĐƯỢC LOẠI CHẤT BÉO (COIX LACHRYMA-JOBI L.VAR.MA-YUEN STAPF)

 

Lifeng Wang cs.

Food Chemistry 196 (2016): 509–517

 

Nghiên cứu này hướng tới việc tìm ra hoạt tính chống oxy hóa của các chiết xuất khác nhau từ bột hạt ý dĩ được loại chất béo (DASM) dựa trên phân tích khả năng hấp thu gốc tự do oxy (OARC), khả năng bắt gốc tự do peroxyl (PSC) và hoạt tính chống oxy hóa của tế bào (CAA). Trong các phân đoạn, phân đoạn n-butanol thể hiện hoạt tính chống oxy hóa cao nhất, theo sau là phân đoạn aceton thô và phân đoạn nước. Trong 3 phân đoạn tiếp theo được thu nhận từ sắc ký cột Sephadex LH-20, phân đoạn 3 thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa và hàm lượng hợp chất phenol tổng cao nhất. Dựa trên phân tích HPLC-DAD-ESI-MS/MS, hợp chất acid phenol có nhiều nhất trong phân đoạn 3 của DASM là acid ferulic với 67,28 mg/g, trong khi đó hợp chất flavonoid chiếm ưu thế là rutin với 41,11 mg/g. Trong những hợp chất chính trong phân đoạn 3, acid p-coumaric cho giá trị ORAC cao nhất, và quercetin cho giá trị PSC và CAA cao nhất.

                                                                                 Nguyễn Văn Trí

15.

CÁC THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA RỄ Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI VAR.  MA-YUEN)  VÀ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ TYROSINASE

 

YUN-HYEOK Choi và cs.

Journal of Applied Biological Chemistry, 2017, 60(1):49-54

 

Trong quá trình sàng lọc hoạt tính ức chế tyrosinase, phân đoạn EtOAc của rễ ý dĩ (Coix lachryma-jobi var. ma-yuen Stapf.) (Gramineae) cho sự ức chế đáng kể. Phân đoạn tiếp của phân đoạn EtOAc dẫn đến sáu hợp chất, được xác định là (+)- icariol A2 (1), zhepiresionol (2), 4-hydroxybenzaldehyde (3), acid trans-ρ-coumaric (4), N - (2-hydroxy-4-methoxyphenyl) -2-hydroxyacetamide (5), và coixol (6). Cấu trúc hóa học của các hợp chất này được xác định dựa trên phương pháp quang phổ (MS, 1D và 2D NMR) và so sánh với các tài liệu. Hợp chất 1 được báo cáo lần đầu tiên từ cây này. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên hợp chất 5 được phân lập từ thiên nhiên. Trong số các hợp chất được phân lập, hợp chất 46 thể hiện hoạt tính ức chế tyrosinase, với giá trị IC50 tương ứng là 6,5 và 62,4 μM, so với giá trị của đối chứng dương là arbutin.

 

Đỗ Quang Thái

16.

TÁC DỤNG CỦA DỊCH CHIẾT NƯỚC NÓNG TỪ Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L. VAR. MA-YUEN STAPF) CÙNG VỎ TRẤU TRONG CHĂM SÓC DA

 

SHIZUKA Uehara và cs.

Japanese Journal of Complementary and Alternative Medicine (2019): 33-38

 

Chúng tôi đã kiểm tra tác dụng của dịch chiết nước nóng của hạt ý dĩ  (Coix lacryma-jobi L. var. Ma-yuen Stapf) với vỏ trấu trên da mặt. Mười phụ nữ (28-58 tuổi) sử dụng dịch chiết nước nóng từ hạt ý dĩ với vỏ trấu 1 g / ngày trong 8 tuần, và các thông số da khác nhau được đo. Kết quả cho thấy tổng lượng phản xạ ánh sáng xanh dưới bề mặt, là chỉ số đánh giá độ trắng mịn của da, tăng đáng kể sau 8 tuần sử dụng (p = 0,011). Ngoài ra, kết cấu da được cải thiện đáng kể sau 4 và 8 tuần sử dụng (p = 0,007, p = 0,042). Ngoài ra, tình trạng lớp sừng dày dạng dải băng cũng cho thấy có sự cải thiện đáng kể sau 4 và 8 tuần sử dụng (p = 0,0002, p = 0,020). Những kết quả này cho thấy rằng dịch chiết nước nóng từ hạt ý dĩ với vỏ trấu có tác dụng ngay cả ở 1 g / ngày, ít hơn so với các báo cáo trước đây.

Đỗ Thị Thùy Linh

17.

MỘT NEOLIGNAN MỚI TỪ Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI VAR. MAYUEN)

 

SUN Young Kim và cs.

Natural Product Communications 11.2 (2016)

 

Một neolignan mới, có tên coixid A (1), cùng với 15 hợp chất đã biết, (7R, 8S) -3′-demethyl-dehydrodiconiferyl alcohol-3′-O-β-glucopyranoside (2), (7R, 8S) -3 ′ -Demethyl-9′-butoxy-dehydrodiconiferyl-3′-O-β-glucopyranosid (3), adenosin (4), 2-O-caffeoyl isocitric acid (5), pseudolarosid A (6), 2-hydroxy-7- metoxy- (2H) -1,4-benzoxazin-3 (4H) -on (7), 2-O-β-glucopyranosyl-7-metoxy-2H-1,4-benzoxazin-3 (4H) -on (8), 2-O-β-glucopyranosyl-4-hydroxy-7-metoxy-2H-1,4-benzoxazin-3 (4H) -one (9), 2-O-β-D-glucopyranosyl-7-hydroxy- 2H-1,4-benzoxazin-3 (4H) -on (10), acid p-coumaric ethyl este (11), acid caffeic ethyl este (12), acid p-coumaric (13), cis-N-p-coumaroyl tyramin (14) trans-N-p-coumaroyl tyramin (15), và coixol (16) đã được phân lập từ ý dĩ (Coix lachryma-jobi var. mayuen). Các cấu trúc hóa học của chúng đã được làm sáng tỏ trên cơ sở dữ liệu quang phổ và MS, cũng như so sánh với những dữ liệu được báo cáo.

Trần Thanh Hà

18.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA DỊCH CHIẾT DẦU HẠT Ý DĨ (COIXLACHRYMA-JOBI L.) TỪ BỒN VÙNG SẢN XUẤT CHÍNH Ở TRUNG QUỐC

 

 CHAOJUN He và cs.

Journal of Food Science 85.1 (2019): 123-131

 

Dầu ý dĩ (AO) là một thành phần quan trọng của hạt ý dĩ có nhiều chức năng có lợi cho sức khỏe con người. Trong nghiên cứu này, thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa của các AO chiết xuất từ ​​các mẫu ý dĩ thu được từ bốn vùng sản xuất chính của Trung Quốc lần đầu tiên được khảo sát. Kết quả cho thấy AO của các mẫu ý dĩ thay đổi từ 7,398 ± 0,486% đến 8,464 ± 0,725%. Hàm lượng cao nhất của acid béo tổng, triolein, phenol tổng và flavonoid tổng được ghi nhận trong AO ở Xingren, trong khi hàm lượng coixol được tìm thấy cao nhất ở AO ở Pucheng. Các mẫu AO đã được phân nhóm theo nguồn gốc bằng cách phân tích bình phương nhỏ nhất - phân biệt một phần và phân tích cụm thứ bậc dựa trên hàm lượng của các thành phần hóa học. Hơn nữa, các AO thể hiện rõ hoạt tính dọn gốc 2,2′-azino-bis (3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic) (ABTS) (IC50, 0,924 ± 0,113 đến 1,116 ± 0,109 mg / mL), năng lực khử sắt (FRAP) (EC50, 0,019 ± 0,002 đến 0,028 ± 0,002 mg / mL) và hoạt tính làm mất màu acid β-carotene-linoleic (IC50, 0,233 ± 0,008 đến 0,414 ± 0,012 mg / mL). Hàm lượng phenolic tổng và flavonoid tổng đều thể hiện mối tương quan cao nhất với các giá trị ABTS (tương ứng r = −0,952 và r = −0,960). Các kết quả thu được từ các nghiên cứu trên cho thấy nguồn gốc địa lý có ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc hóa học và hoạt tính chống oxy hóa của các mẫu dầu ý dĩ.

Hoàng Thành Dương

19.

TỔNG QUAN: Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Patel và cs.

Research journal of Pharmacognosy and Phytochemistry,

2017 (9)4: 248-252

 

Rễ và hạt của cây ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) đã được sử dụng trong y học, dược học, mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung. Có hai thứ ý dĩ đó là thứ hoang dại và thứ trồng trọt. Thứ ý dĩ hoang dại (Coix lacryma-jobi var. lacryma-jobi) có vỏ hạt cứng, màu trắng ngà, hình ô van, được sử dụng để làm chuỗi hạt, vòng cổ và những đồ trang sức khác. Thứ trồng trọt (Coix lacryma-jobi var. ma-yuen) được thu hoạch như những loài ngũ cốc khác, với vỏ hạt mềm, được sử  dụng trong y học tại nhiều khu vực ở châu Á. Trên thế giới, cây ý dĩ được biết đến nhiều bởi hình dạng hạt của chúng, với lỗ ở hai đầu nên chúng được dùng để làm chuỗi hạt. Chuỗi hạt của ý dĩ được biết đến là “Tràng hạt” ("VAIJANTI MALA"). Nhân hạt ý dĩ được sử dụng làm thực phẩm. Ý dĩ là tên thông dụng của một dược liệu Trung Quốc, đó là hạt của loài Coix lacryma-jobi L. Nhân hạt ý dĩ có chứa 50-79% tinh bột, 16-19% protein, 2-7% dầu, chất béo (5,67% glycolipid, 1,83% phospholipid, sterol), acid béo [Palmitic acid (PubChem CID:985), acid steric (PubChemCID:5281), acid oleic (PubChem CID: 445639), và acid linoleic (PubChem
CID: 5280450)]. Cây ý dĩ được dùng phổ biến trong y học cổ truyền để làm giảm lượng cholesterol máu, kháng viêm, chống oxi hóa, giảm lipid máu, chống ung thư và điều hòa rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ...Ý dĩ là cây thuốc có giá trị y học điển hình với con người. Tổng quan này giúp đánh giá và đưa ra những tác dụng y học đa dạng của cây ý dĩ với nhiều bệnh khác nhau.

 Đào Thu Huế

20.

CAO CHIẾT Ý DĨ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG VIÊM VÀ STRESS OXY HOÁ TRÊN MÔ HÌNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP GÂY BỞI CHẤT BỔ TRỢ FREUND HOÀN CHỈNH

 

Chunfang Zhang và cs.

Pharm Biol 2019 Dec;57(1):792-798

 

Giới thiệu: Hạt ý dĩ [Job's tears, Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen Stapf (Poaceae)] là một thuốc cổ truyền của Trung Quốc, đã được nghiên cứu để điều trị các bệnh viêm nhiễm và bệnh thấp khớp.

Mục tiêu: Nghiên cứu này đánh giá tác dụng cải thiện của cao chiết hạt ý dĩ (ASE) ở chuột bị viêm khớp dạng thấp (RA) gây bởi chất bổ trợ Freund hoàn chỉnh (CFA).

Vật liệu và phương pháp: Gây mô hình viêm khớp dạng thấp trên chuột cống trắng chủng Sprague-Dawley và chia ngẫu nhiên thành sáu nhóm không được điều trị hoặc được điều trị với ASE (liều 50, 100 hoặc 200 mg / kg). Sau 28 ngày điều trị, tiến hành đánh giá các triệu chứng, các thông số sinh hóa và cơ chế phân tử.

Kết quả: Các giá trị phù chân chuột, PGE2 và MMP-3 đều giảm, tương ứng giảm từ 1,46 ± 0,04 xuống 0,66 ± 0,07 cm3, từ 126,2 ± 11,48 xuống 79,71 ± 6,8 pg / mL và từ 142,7 ± 8,36 xuống 86,51 ± 5,95 ng / mL. Trọng lượng chuột tăng từ 177,25 ± 5,94 lên 205 ± 6,52 g ở nhóm ASE. Ngoài ra, điều trị ASE làm giảm mức độ các cytokin tiền viêm (IL-1β, TNF-α, IL-6, MCP-1), và tăng hoạt tính của enzym chống oxy hóa (GSH-Px, SOD, và CAT). Hơn nữa, ASE ức chế biểu hiện mRNA của COX-2 và CHI3L1; đồng thời cải thiện sự biểu hiện mRNA của CAT và GPx-1 trong các mô khớp chân của chuột RA.

Bàn luận và kết luận: Kết quả của chúng tôi lần đầu tiên chứng minh cao chiết hạt ý dĩ có tác dụng chống viêm khớp dạng thấp thông qua con đường ức chế các yếu tố gây viêm và làm giảm stress oxy hóa. Kết quả này đã cung cấp các bằng chứng trong việc nghiên cứu và phát triển thực phẩm chức năng chống viêm khớp dạng thấp từ hạt ý dĩ.

Đinh Thị Minh

21.

TÁC DỤNG BẢO VỆ DẠ DÀY CỦA CHẾ PHẨM KÊ ĐỎ VÀ Ý DĨ CHỐNG LẠI CÁC TỔN THƯƠNG NIÊM MẠC DẠ DÀY CHUỘT CỐNG GÂY BỞI STRESS

 

Hui-Ching Lin và cs.

J Tradit Complement Med. 2020 Jan 17;10(4):336-344

 

Kê đỏ (Setaria italica (L.) P. Beauv) và hạt ý dĩ (Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen  Stapf.) có giá trị về thực phẩm và dinh dưỡng, dễ chế biến và sản xuất thực phẩm. Đặc tính dinh dưỡng của chúng là các hoạt chất chống oxy hoá giúp ngăn ngừa sự suy giảm sức khoẻ và được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Trung Hoa làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Nghiên cứu này được thiết kế để khảo sát tác dụng bảo vệ dạ dày của chế độ ăn có kê đỏ và có ý dĩ (APP) trên thực nghiệm gây loét ở chuột cống trắng do stress bất động ngâm nước (WIRS). Nghiên cứu khảo sát hiệu quả của việc dùng chế độ ăn AIN-93G chứa một trong 2 sản phẩm kê đỏ (10,20 và 40%, 4 tuần) hoặc APP (15 và 30%, 5 tuần) trên các tiêu chí chỉ số vết loét đại thể (UI), nồng độ calci huyết tương, sản phẩm peroxid hoá lipid (định lượng các chất phản ứng với acid thiobarbituric, TBARS), sulfhydryl không protein (NPSH), hoạt độ enzym tiêu hoá và giải phẫu mô bệnh học. Kết quả cho thấy điều trị dự phòng bằng chế độ ăn chứa kê đỏ và ý dĩ giúp hạn chế đáng kể sự phát triển của các vết loét niêm mạc dạ dày. Hơn nữa, ở  các chuột bị loét dạ dày do stress có sự giảm mạnh NPSH trong khi ở chuột bị stress được điều trị với kê đỏ và ý dĩ thì sự suy giảm NPSH bị đảo ngược. Kết quả mô bệnh học giúp khẳng định kết quả rõ hơn. Nghiên cứu gợi ý chế độ ăn có kê đỏ và có ý dĩ cho tác dụng bảo vệ dạ dày bằng giảm chỉ số loét, giảm các giá trị TBARS và tăng nồng độ NPSH. Chế độ ăn chứa kê đỏ và ý dĩ thể hiện nhiều lợi ích của một sản phẩm từ thiên nhiên giúp bảo vệ dạ dày chống hình thành các vết loét.

Trần Nguyên Hồng

22.

TỔNG QUAN VỀ HỢP CHẤT HOÁ HỌC VÀ TÁC DỤNG TĂNG CƯỜNG SỨC KHOẺ CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI)

 

Ramya D.Devaraj và cs.

Food Bioscience; Vol 34, April 2020, 100537

 

Ý dĩ (Coix lacryma-Jobi L.) là loài thuộc họ Graminae có tên thường gọi là “adlay”, “coix” hoặc “Job’s tear”. Hạt của cây có hình quả lê, có màu nâu đen sáng tới ghi đen. Hạt ý dĩ khá phổ biến trong y học cổ truyền Trung Hoa. Ở Trung Quốc, hạt ý dĩ được sử dụng để nấu súp và làm đồ uống. Hạt ý dĩ chứa các hợp chất phenol, flavonoid, polysaccharid, protein, chất xơ, các vitamin và dầu béo. Hạt của ý dĩ thường được mài nhẵn hoặc nghiền thành bột sử dụng làm thành phần của thức ăn. Ở Trung Quốc, ý dĩ là một thuốc chống ung thư được bán với tên Kanglaite. Ý dĩ có chứa nhiều thành phần hoá học ức chế mạnh enzym cyclooxygenase (COX), enzym tổng hợp acid béo, enzym huỷ cấu trúc nền (matrix metalloproteinases) và ức chế tổng hợp cholesterol ở gan. Hạt ý dĩ chứa nhiều hoạt chất chống oxy hoá, chống viêm, hoạt tính chống béo phì, kích thích hormon sinh sản, tăng cường co thắt tử cung và điều hoà hệ vi khuẩn đường ruột. Cao chiết từ ý dĩ ức chế hoạt hoá NF-𝜅B thông qua ức chế hoạt động của protein Kinase-C. Đánh giá tầm quan trọng của ý dĩ trong các tác dụng có lợi cho sức khoẻ là mục tiêu mà bài tổng quan này tập trung vào.

Trần Nguyên Hồng 

23.

COXIXOL ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG NF-κB, MAPKSỰ HOẠT HÓA THỂ GÂY VIÊM NLRP3 TRÊN TẾ BÀO RAW 264.7 BỊ CẢM ỨNG BỞI LIPOPOLYSACCHARID

 

Yusheng Hu và cs.

Molecules 2020 Feb 18;25(4):894

 

Coixol, một polyphenol thực vật được chiết xuất từ ý dĩ (Coix lachryma-jobi L.var.ma-yuen Stapf) chưa được nghiên cứu về tác dụng chống viêm. Trong nghiên cứu này, bằng cách sử dụng mô hình gây viêm tế bào đại thực bào bằng lipopolysaccharid, chúng tôi quan sát thấy coixol có thể làm giảm biểu hiện của interleukin (IL)-1β, IL-6, IL-18, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α, nitric oxid, nitric oxid synthase (iNOS) và cyclooxygenase (COX)-2 nhưng không ảnh hưởng trên biểu hiện của chất trung gian kháng viêm IL-10. Hơn nữa chúng tôi thấy rằng coixol ức chế con đường protein kinase hoạt hóa mitogen (MAPKs), yếu tố phiên mã NF-κB và ức chế sự hoạt hóa thể gây viêm NLRP3 (NOD-like receptor protein 3). Tóm lại, nghiên cứu chứng minh coixol có tác dụng chống viêm nhất định bằng cách ức chế sự biểu hiện của các chất trung gian gây viêm in vitro. Cơ chế tác dụng có liên quan phần nào đến khả năng ức chế sự hoạt hoá các con đường gây viêm NF-κB, MAPKs và thể gây viêm NLRP3.

Nguyễn Thị Lý

24.

CAO CHIẾT TỪ MẦM Ý DĨ (COIX LACHRYMA-JOBI L. VAR.MA-YUEN STAPF.) LÀM DỪNG CHU KỲ TẾ BÀO GÂY APOPTOSIS TRÊN DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

 

Eun Suk Son và cs.

BMC Complement Altern Med. 2019 Nov 15;19(1):312

 

Đặt vấn đề: Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong do ung thư ở phụ nữ. Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L. var. ma-yuen (Rom.Caill.) Stapf ex Hook. f.) là dược liệu được biết đến rộng rãi nhất với những tác dụng như chống viêm, chống rối loạn chức năng hệ nội tiết, điều trị các bệnh như mụn cóc, nứt nẻ da, thấp khớp, đau dây thần kinh, bên cạnh đó ý dĩ cũng là một loại thực phẩm bổ dưỡng.

Phương pháp: Thử nghiệm CCK-8 (Cell Counting Kit-8) được tiến hành nhằm đánh giá tác dụng của cao chiết mầm ý dĩ (CLSE) trên sự tăng sinh của tế bào ung thư cổ tử cung HeLa. Tác dụng điều hòa chu kỳ tế bào và gây apoptosis của CLSE trên tế bào HeLa được đánh giá thông qua các phân tích dòng chảy tế bào và kỹ thuật Western blot.

Kết quả: Chúng tôi thấy rằng CLSE đã ức chế đáng kể sự tăng sinh tế bào ung thư. Hơn nữa, CLSE thúc đẩy sự dừng chu kỳ tế bào tại pha phụ G1/S trên tế bào HeLa theo kiểu phụ thuộc liều khi được phát hiện bằng phương pháp nhuộm bromodeoxyuridine (BrdU). Tác dụng dừng chu kỳ tế bào của CLSE trên tế bào HeLa liên quan đến sự điều hòa giảm của cyclin D1 và các kinase phụ thuộc vào cyclin  (CDKs) 2, 4 và 6. Ngoài ra, CLSE gây apoptosis được phát hiện thông qua kỹ thuật dòng chảy tế bào và sự phân mảnh của DNA nhân khi nhuộm với Annexin V/propidium iodide (PI) và 4'6'-diamidino-2-phenylindole (DAPI).  CLSE gây cảm ứng apoptosis thông qua việc ức chế protein kháng apoptosis B-cell lymphoma 2 (Bcl-2) và điều hòa tăng các protein apoptosis p53, poly (ADP-ribose) polymerase (PARP), caspase-3, và caspase-8 ở dạng đã được phân cắt. Cuối cùng, CLSE được ghi nhận đã bất hoạt con đường tín hiệu phosphoinositide 3-kinase (PI3K) và protein kinase B (AKT).

Kết luận: CLSE gây ra sự dừng chu kỳ tế bào và gây chết tế bào theo chương trình thông qua bất hoạt con đường PI3K/AKT trên tế bào HeLa, gợi ý rằng CLSE là một tác nhân điều trị tiềm năng bệnh ung thư cổ tử cung dựa vào tác dụng kháng ung thư.

Trần Thị Hồng Vân

25.

CAO CHIẾT VỎ Ý DĨ ADLAY (COIX LACHRYMA-JOBI L. VAR.MA-YUEN STAPF.) VÀ CÁC HOẠT CHẤT CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ SỰ TĂNG SINH TẾ BÀO U XƠ TỬ CUNG NGUYÊN PHÁT NGƯỜI VÀ BẢO VỆ CHỐNG LẠI SỰ TĂNG SINH CƠ TRƠN CHUỘT NHẮT GÂY BỞI HORMON SINH DỤC

 

Po-Han Lin và cs.

Molecules, 2019 Apr 19;24(8):1556

 

U xơ tử cung, còn gọi là nhân xơ, là loại u lành tính của tử cung và có tỷ lệ mắc cao ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cắt bỏ tử cung hoặc bóc tách nhân xơ là phương pháp điều trị ban đầu, nhưng u xơ sẽ tái phát nếu bệnh nhân vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ tương tự. Do đó, việc phát triển các phương pháp điều trị mới là cấp thiết. Trong nghiên cứu này, tác dụng chống tăng sinh của các cao chiết phân đoạn từ vỏ hạt ý dĩ đã được đánh giá trên u xơ tử cung và các thành phần hóa học tiềm năng đã được xác định. Chúng tôi nhận thấy rằng phân đoạn chiết ethyl acetat của vỏ hạt ý dĩ (AHE-ea) có hiệu quả cao chống tăng sinh dòng tế bào ELT3 gây u xơ tử cung ở chuột và dòng tế bào gây u xơ tử cung nguyên phát ở người (hUL). Sự tăng sinh của cơ trơn tử cung nguyên phát bình thường ở người (UtSMC) và tế bào cơ tử cung bình thường (hUM) cũng bị ức chế bởi AHE-ea. Hai phytosterol là stigmasterol và β-sitosterol, đã được tinh chế từ phân đoạn AHE-ea. Nghiên cứu đã chứng minh rằng chuột được điều trị bằng AHE-ea và stigmasterol đơn trị biểu thị giảm tăng sản cơ tử cung gây bởi diethylstilbestrol / medroxyprogesterone 17-acetate (DES/MPA)- đây là bước quan trọng đối với sự phát triển u xơ tử cung. Tổng hợp, kết quả của chúng tôi gợi ý rằng phần đoạn chiết ethyl acetat của vỏ hạt ý dĩ có thể được coi là thuốc có nguồn gốc thực vật tự nhiên để ngăn ngừa hoặc điều trị sự phát triển của u xơ tử cung.

Nguyễn Văn Hiệp

26.

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CỦA CÁC QUẦN THỂ Ý DĨ ĐỊA PHƯƠNG TẠI PHÍA ĐÔNG KALIMANTAN

 

Handayani và cs.

Pros Sem Nas Masy Biodiv Indon 5: 228-233

 

Ý dĩ (Coix lacryma-jobi) được coi là lúa mạch (jelai-trong tiếng Indonesia) ở phía Đông Kalimantan, và có nhiều tên gọi địa phương ở khắp Indonesia. Trong cộng đồng Dayak, ý dĩ có giá trị về văn hóa khi chúng được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống. Hạt ý dĩ có chỉ số glycemic thấp nên chúng có thể được sử dụng làm thực phẩm chức năng thay thế lúa gạo. Phía Đông Kalimantan có nhiều quần thể ý dĩ địa phương. Mục đích của nghiên cứu này là đưa ra các đặc trưng về đặc điểm hình thái của 3 giống ý dĩ địa phương từ Kutai Kartanegara bao gồm PJRS 1, PJRS 2 và PJRS 3. Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện tại vườn thực nghiệm Lempake của BPTP Kalimantan Timur ở Samarinda từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2018. Các đặc điểm về hình thái của các giống này tương đồng. Sự khác biệt rõ ràng là sắc tố antocyanin của thân và gân chính, trong đó giống PJRS 2 có sắc tố antocyanin đậm nhất. PJRS 1 và PJRS 2 có thời gian thu hoạch ngắn hơn (5 tháng) và có năng suất cao hơn (5 tấn/ha) so với giống PJRS 3 (với thời gian thu hoạch 6 tháng và năng suất 4 tấn/ha). Hạt và nhân hạt của giống PJRS 1 có màu nâu sáng, trong khi hạt của giống PJRS 2 có màu nâu đậm. Cá biệt, giống PJRS3 có hạt màu nâu nhạt và nhân hạt màu nâu đậm. Gạo (dược liệu) của giống PJRS 1 có độ dính ít, trong khi giống PJRS 2 độ dính nhiều hơn và độ dính cao nhất ở giống PJRS3.

 Đào Thu Huế

27.

HÌNH THÁI PHẤN HOA, SỰ NẢY MẦM TRONG ỐNG NGHIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP NUÔI CẤY KHÁC CỦA CÁC GIỐNG Ý DĨ (COIX LACHRYMAL-JOBI L)

 

Li G và cs.

SM Journal of Medicinal Plant Studies 4(8)2021

 

Để xác định các điều kiện in vitro tối ưu cho sự nảy mầm của hạt phấn, Nuôi cấy bao phấn và sự tăng sinh, biệt hóa mô sẹo của các giống ý dĩ (Coix lachrymal-jobi L), các đặc điểm hiển vi của hạt phấn ở các giai đoạn nở hoa khác nhau đã được quan sát nhằm xác định sự nảy mầm của hạt phấn và nuôi cấy bao phấn để xác định các điều kiện hình thành và phân hóa mô sẹo. Sức sống và tỷ lệ nảy mầm của hạt phấn được xác định và so sánh. Kết quả cho thấy rằng các hạt phấn có một, hai và ba nhân cùng tồn tại trong giai đoạn đầu khi hoa nở; và các hạt phấn có hình cầu đồng nhất và sức sống cao nhất ở giai đoạn hoa nở rộ. Sự nảy mầm của ống phấn đã được quan sát. Các điều kiện tối ưu cho sự nảy mầm của phấn hoa là dung dịch 10 - 15% sucrose + 0,01% boric ở 25oC trong 5 - 7 giờ. Tỷ lệ hình thành mô sẹo từ bao phấn đơn nhân khác nhau đáng kể giữa các giống ý dĩ. Mô sẹo được tạo ra thành công trong môi trường Murashige-Skoog +2, 4-dichlorophenoxyacetate1 ~ 2 mg / L + Kinetin 1,5 mg / L, một số được phân hóa thành cụm chồi ngắn trong môi trường Murashige-Skoog + axit indole-3-acetic 0,5 mg / L + Kinetin 2 mg / L. Đây là báo cáo đầu tiên về hình thái, sức sống, điều kiện nảy mầm tối ưu cho hạt phấn của loài C.lachrymal-jobi L, một loài cây thực phẩm và cây thuốc quan trọng nhưng lại ít được nghiên cứu và sử dụng.

Vàng Mí Nhù

 

28.

VẬT HẬU HỌC, SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.) ĐƯỢC TRỒNG TRONG ĐIỀU KIỆN KHÍ HẬU BẤT THUẬN

 

Agripina Rana-Aradilla

International Journal of Research & Review (www.ijrrjournal.com) 16 Vol.5; Issue: 3; March 2018

 

Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) là một đối tượng trong cơ cấu cây trồng ở Philippines để giúp đạt được an ninh lương thực. Các nghiên cứu về sinh trưởng và năng suất đã được thực hiện, tuy nhiên kết quả khác nhau giữa các mùa vụ. Nghiên cứu này được thực hiện tại Trung tâm Thực nghiệm Nông nghiệp, Đại học Central Mindanao, University Town, Musuan, Bukidnon, Philippines để đánh giá đặc điểm vật hậu học và sự sinh trưởng trên đồng ruộng của ý dĩ trong các điều kiện khí hậu. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) với sáu giống ý dĩ (V1-Gulian, V2-Ginampay, V3-Tapol, V4-Pulot, V5-Kiboa và V6-Dwarf), bốn lần nhắc và được thực hiện từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 9 năm 2016. Mỗi giống được trồng trên ô 16m2, với khoảng cách giữa các hàng là 90cm và khoảng cách giữa các hốc là 60cm, mỗi hốc gieo 2 hạt. Trong số 14 chỉ tiêu theo dõi, 4 thông số khác biệt đáng kể (chiều cao cây khi trưởng thành, số hạt trên bông, số hạt chắc trên bông và năng suất hạt trên ha). Trong điều kiện không thuận lợi, thời gian sinh trưởng của cây ý dĩ được kéo dài thêm từ hai đến ba tháng. Kết quả cho thấy tất cả các giống ý dĩ đều có khả năng chịu hạn, ngoại trừ giống Pulot.

Vàng Mí Nhù

29.

ẢNH HƯỞNG CỦA BIỆN PHÁP XEN CANH VÀ CHẾ ĐỘ BÓN PHÂN ĐẾN SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CHẤT XANH CỦA CÂY Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Nello D. Gorne

Int J Agric For Life Sci (2020) 4(1): 124-130

 

Ý dĩ có tiềm năng trong việc thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Philippin vì ​​nó vừa có thể trồng để thu hạt, vừa trồng để làm cây thức ăn gia súc. Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá sự tăng trưởng, năng suất và chất lượng thức ăn thô xanh của ý dĩ ở các phương pháp xen canh và bón phân khác nhau. Thí nghiệm ô chính ô phụđược bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) với ba ô chính và năm ô phụ được lặp lại bốn lần. Phương pháp xen canh không ảnh hưởng đáng kể đến các thông số thu thập được. Tuy nhiên, công thức bón phân ảnh hưởng đáng kể đến chiều cao, số nhánh cấp1, năng suất tươi và năng suất chất khô của ý dĩ. Mức bón 120 kg N/ ha cho hiệu quả tốt hơn đáng kể đối với các thông số nói trên so với không bón phân và bón 2 tấn phân gà/ha nhưng ngang bằng với các công thức được bón phân còn lại. Đối với chất lượng thức ăn thô xanh, ý dĩ trồng xen cỏ napier tỷ lệ 1:1 có tỷ lệ protein thô (CP), chất xơ không hòa tan trong axit (ADF) và tro không tan trong axit (AIA) thấp nhất nhưng có hàm lượng chất khô (DM) cao nhất. Ý dĩ được bón với lượng 120 kg N/ha có tỷ lệ CP và DM tương ứng cao nhất và thấp nhất trong số các phương pháp bón phân trong khi những cây không bón phân có tỷ lệ ADF và AIA thấp nhất.

Vàng Mí Nhù

30.

ĐÁNH GIÁ KINH TẾ-KỸ THUẬT CỦA CÁC LOẠI BÁNH SẢN XUẤT TỪ BỘT Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI) BỔ SUNG BỘT LÁ CÂY CHÙM NGÂY (MORINGA OLEIFERA)

 

A Indriati và cs.

IOP Conference Series: Earth and Environmental Science 672 (2021)

 

Nhu cầu thị trường của các sản phẩm bánh quy tăng lên hàng năm. Tại Indonesia, mức tiêu thụ bánh quy tăng trưởng bình quân trên đầu người đạt 33,34%. Việc tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế được sử dụng làm bánh quy là một vấn đề quan trọng vì thành phần chính để sản xuất bánh quy ở Indonesia là bột mì đang được nhập khẩu. Bột ý dĩ (Coix lacryma-jobi) là nguồn nguyên liệu tiềm năng có thể được phát triển trong sản xuất bánh quy do hàm lượng dinh dưỡng của nó. Trong nghiên cứu này, phân tích kinh tế kỹ thuật trong việc thành lập nhà máy nhỏ để sản xuất bánh quy làm từ bột ý dĩ có bổ sung lá chùm ngây (Moringa oleifera) đã được thực hiện. Từ cách tiếp cận về công nghệ, các sản phẩm bánh quy đã cho hàm lượng nước, tro, protein, chất béo và carbohydrate lần lượt là 4,78; 8,24; 8,75 và 51,73. Từ phân tích tính khả thi về tài chính, một số tiêu chí khả thi bao gồm giá trị hiện tại thuần (NPV), tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) và thời gian hoàn vốn (PBP) cho thấy nhà máy nhỏ này khả thi với các giá trị lần lượt là 372.694.093 IDR; 1,17; 53% và 28 tháng. Nghiên cứu này cho thấy việc thành lập một nhà máy nhỏ để sản xuất bánh quy từ bột ý dĩ có bổ sung bột lá chùm ngây là khả thi về mặt kinh tế.

                                               Chu Thị Thúy Nga, Nguyễn Hải Văn

31.

NHỮNG DẤU VẾT TIẾN HÓA VÀ THUẦN HÓA CHƯA ĐƯỢC PHÁT HIỆN TỪ GENOME CỦA Ý DĨ

HongbingLiu và cs.

Molecular Plant, Vol 13, Issue 2, 3 February 2020: 295-308

 

Coix lacryma-jobi, một loài thực vật có quan hệ gần với ngô và cao lương, là một loại cây lương thực và dược liệu quan trọng ở châu Á. Tuy nhiên, không có bộ gen tham chiếu nào của loài này được báo cáo và sự phát sinh loài chính xác của nó trong bộ phụ Andropogoneae vẫn chưa được giải đáp. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tạo ra một tổ hợp gen chất lượng cao của ý dĩ bao gồm ∼1,73 Gb với 44 485 gen mã hóa protein được dự đoán. Chúng tôi nhận thấy ý dĩ là một loài thực vật lưỡng bội điển hình có mối quan hệ tổng thể 1 đối 1 với bộ gen của cây cao lương, mặc dù bộ gen của nó mở rộng mạnh mẽ (∼2,3 lần) chủ yếu là do hoạt động của các yếu tố có thể chuyển vị. Phân tích phát sinh loài cho thấy rằng ý dĩ đã tách ra với cao lương khoảng 10,41 triệu năm trước, muộn hơn ∼1,49 triệu năm so với sự tách biệt giữa cao lương và ngô. Trình tự lặp lại 27 nguồn gen cho thấy rằng chúng có thể bị tách biệt rõ ràng thành loài hoang dại và loài trồng trọt, và cho rằng ý dĩ đã trải qua hiệu ứng cổ chai mạnh về di truyền, dẫn đến mất khoảng một nửa sự đa dạng di truyền trong quá trình thuần hóa, mặc dù nhiều đặc điểm vẫn chưa được thuần hóa. Dữ liệu của chúng tôi không chỉ cung cấp những so sánh về bộ gen và tiến hóa của Andropogoneae, mà còn là nguồn thông tin quan trọng mang lại lợi ích to lớn cho việc chọn giống ở cấp độ phân tử phân tử của loại cây trồng quan trọng này.

Chu Thị Thúy Nga, Nguyễn Hải Văn

32.

ĐÁNH GIÁ TÍNH TRẠNG NĂNG SUẤT HẠT CỦA CÁC DÒNG Ý DĨ (COIX LACRYMA JOBI L.)

 

Yadav Rajendra Kumar và cs.

International J. Farm Sciences, 2021, Vol:11, No 3: 96 – 97

 

Ý dĩ (Coix lacryma jobi L), một loại cây trồng cũ, ít được biết nhưng vượt trội hơn hẳn về giá trị dinh dưỡng so với các loại cây trồng chính như lúa mì, ngô, gạo... Hơn nữa, đây là loài cây trồng có sự đa dạng về di truyền và được khai thác để sử dụng hiệu quả và bền vững. Có rất ít thông tin nghiên cứu về loại cây trồng này. Nghiên cứu này được thực hiện để so sánh các đặc điểm biến động về năng suất hạt của các nguồn gen cây ý dĩ trồng tại Indira Gandhi Krishi Vishwavidyalaya, Raipur, Chhattisgarh trong giai đoạn 2020–2021. Số ngày thành thục nằm trong khoảng từ 102 ngày (IGJT 20-2) đến 162 ngày (IGJT 20–28). Chiều cao cây trung bình thay đổi từ 92 cm (IGJT-2) đến 168 cm (IGJT 20–23). Số nhánh trên mỗi cây cao nhất (15 nhánh) ở IGJT 20–22 và thấp nhất 3 nhánh ở IGJT 20–19. Năng suất hạt trung bình trên mỗi cây nằm trong khoảng 11g (IGJT 20–29) và 95 g (IGJT 20–16).

Chu Thị Thúy Nga, Nguyễn Hải Văn

33.

CẤU TRÚC HỆ GEN VÀ DIỄN GIẢI LỚP VỎ MỀM CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI VARIETY MA-YUEN), MỘT LOẠI CÂY NGŨ CỐC VÀ CÂY THUỐC TRONG HỌ HOÀ THẢO

 

Sang-Ho Kang và cs.

Front. Plant Sci., 18 May 2020; https://doi.org/10.3389/fpls.2020.00630

 

Coix lacryma-jobi, còn được gọi là “adlay” hoặc “Job’sears”, là một loại cây thảo mộc hàng năm thuộc họ Hoà thảo đã được trồng làm ngũ cốc và cây thuốc ở châu Á. Mặc dù nó có tầm quan trọng rất lớn nhưng các nguồn tài nguyên di truyền giúp hiểu rõ hơn về loài thực vật này ở cấp độ phân tử và cung cấp thông tin cho các chiến lược nhân giống cải tiến vẫn còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tạo ra một bộ gen dự thảo của giống C. lacryma-jobi ma-yuen (vỏ mềm) giống Johyun của Hàn Quốc, bắt đầu từ việc tái tổ hợp, sử dụng dữ liệu giải trình tự PacBio và Illumina. Tổng số 3,362 trình tự, chiều dài 1,28 Gb, đã được tái tổ hợp, chiếm 82,1% kích thước bộ gen ước tính (1,56 Gb). Tính hoàn chỉnh của bộ gen đã được xác nhận bởi sự hiện diện của 91,4% gen BUSCO hạt kín và tỷ lệ là 98,3% số lần đọc kết thúc cặp Illumina. Chúng tôi phát hiện ra rằng khoảng 77,0% bộ gen được chiếm bởi các trình tự lặp lại, hầu hết trong số đó là các kiểu Gypsy và Copia, và chú thích bộ gen dựa trên bằng chứng dự đoán 39,574 gen mã hóa protein, 85,5% trong số đó được chú thích về mặt chức năng. Chúng tôi dự đoán thêm rằng lớp phủ vỏ mềm tách ra từ tổ tiên chung với lúa miến 9,0–11,2 MYA. Hồ sơ phiên mã cho thấy 3.988 gen được biểu hiện khác biệt trong hạt so với các chuỗi khác, trong đó 1.470 gen được điều chỉnh mạnh mẽ trong hạt và các thuật ngữ Gene Ontology phong phú nhất được gán cho quá trình chuyển hóa carbohydrate và protein. Ngoài ra, chúng tôi đã xác định được 76 gen protein lưu trữ bao gồm 18 gen coixin đặc trưng cho hạt và 13 gen ứng cử viên liên quan đến sinh tổng hợp benzoxazinoid (BXs) bao gồm coixol, một hợp chất BX duy nhất được tìm thấy ở loài C. lacryma-jobi. Việc mô tả đặc tính của những gen đó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về những đặc điểm độc đáo của lớp vỏ mềm, chẳng hạn như hàm lượng protein hạt cao và quá trình sinh tổng hợp hợp chất thuốc. Kết hợp với nhau, dữ liệu trình tự bộ gen của chúng tôi sẽ cung cấp một nguồn tài nguyên quý giá cho việc nhân giống phân tử và nghiên cứu dược lý của loài thực vật này.

Trần Thị Kim Dung

34.

TÌM HIỂU CƠ CHẾ BIẾN ĐỔI CẤU TRÚC HÌNH THÁI, ĐẶC ĐIỂMTRỰC QUAN VÀ ĐẶC TÍNHLÝ HÓA CỦA HẠT Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.): VAI TRÒ CỦA QUÁ TRÌNH XỬ LÝ NHIỆT

 

Yangyue Ding và cs.

Journal of Cereal Science; Volume 91, January 2020, 102892

 

Ngâm nhiệt là yếu tố cần thiết quyết định đến chất lượng cuối cùng của các loại hạt khó nấu. Trong nghiên cứu này, cấu trúc hình thái, đặc điểm hình ảnh và đặc điểm hóa lý của hạt ý dĩ ngâm ở 30–70 ° C được khảo sát so với gạo sáp (dễ nấu). Hình thái của các đại phân tử và vết nứt mặt cắt được quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét và kính hiển vi ánh sáng vì đây là những yếu tố quan trọng đối với sự xâm nhập của nước, điều này cho thấy hạt tinh bột bị ăn mòn nhẹ khi ngâm hạt adlay ở 70 ° C. Hình ảnh MRI cho thấy ở nhiệt độ ngâm cao hơn, độ ẩm của hạt ý dĩ ngâm được phân bố đều hơn trên một độ dốc. Trong khi đó, ngâm nhiệt có ảnh hưởng nhỏ đến hàm lượng tinh bột và protein của hạt ý dĩ, và tỷ lệ nước liên kết của hạt ý dĩ giảm nhẹ sau khi ngâm nhiệt. Hơn nữa, phân tích độ cứng và đo độ nhão cho thấy những thay đổi về cấu trúc và sự chuyển đổi độ nhớt trong hạt. Tuy nhiên, sự đóng góp của quá trình ngâm nhiệt đối với quang phổ hồng ngoại và độ kết tinh tương đối của hạt ý dĩ là không đáng kể. Nghiên cứu này cung cấp các phương pháp hiệu quả để đánh giá những thay đổi của hạt ý dĩ trong quá trình ngâm nhiệt và giải thích tại sao nó khó nấu.

Trần Thị Kim Dung

35.

ĐA DẠNG DI TRUYỀN VÀ CẤU TRÚC CỦA COIX LACRYMA-JOBI L. TỪ TRUNG TÂM ĐA DẠNG THỨ CẤP THẾ GIỚI, TÂY NAM TRUNG QUỐC

 

Yu-Hua Fu và cs.

International Journal of Genomics;Vol 2019, Article ID 9815697, 9 pages

https://doi.org/10.1155/2019/9815697

 

Coix lacryma-jobi L. là một loại ngũ cốc phụ quan trọng có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao ở các nước Châu Á. Vùng đồi núi ở phía Nam Trung Quốc là trung tâm đa dạng thứ cấp của loài Coix lacryma-jobi L. Trong nghiên cứu này, chúng tôi lấy mẫu gồm 139 kiểu gen Coix lacryma-jobi L. từ bốn vùng địa lý ở Tây Nam Trung Quốc và phân tích sự đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể. Bằng cách sử dụng các điểm đánh dấu AFLP. Sáu tổ hợp mồi đã phát hiện tổng số 743 (89,52%) locus đa hình. Tỷ lệ các dải đa hình trong bốn quần thể địa lý dao động từ 56,02% (Quảng Tây) đến 86,75% (Quý Châu). Sự đa dạng di truyền tổng thể của 139 Coix lacryma-jobi L. là tương đối thấp (h dao động từ 0,1854 đến 0,2564). Phương pháp kết hợp đã nhóm tất cả các kiểu gen Coix lacryma-jobi L. thành hai cụm không có ái lực địa lý được quan sát thấy giữa các kiểu gen trong cùng một nhóm. Fst chỉ ra hai cụm tồn tại sự khác biệt lớn về gen. Phân tích AMOVA cho thấy sự biến đổi phân tử trong quần thể cao hơn nhiều so với giữa các quần thể của các vùng địa lý và các quần thể con có nguồn gốc từ cấu trúc. Các hoạt động của con người và hệ thống lai xa tự nhiên của Coix lacryma-jobi L. có thể có ảnh hưởng lớn đến sự phân bố, đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của nó. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thông tin hữu ích cho các chương trình nhân giống của Coix lacryma-jobi L. tại địa phương.

Trần Thị Kim Dung, Đinh Thanh Giảng, Tô Minh Tứ, Chu Thị Thuý Nga, Nguyễn Hải Văn

36.

THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA ĐỒNG THỜI CỦA  RIBOFLAVIN VÀ COIXOL TRONG MẦM COIX LACRYMA-JOBI VAR. MA-YUEN STAPF SPROUTS

 

Ji Yeon Lee và cs.

한작지(Korean J. Crop Sci.), 64(4): 452~458(2019);DOI : https://doi.org/10.7740/kjcs.2019.64.4.452

 

Coix lacryma-jobi var. ma-yuen (Rom. Caill.) Stapf (CL), có chứa riboflavin và coixol, theo truyền thống được sử dụng để điều trị ung thư và viêm khớp. Tuy nhiên, chưa có phương pháp xác định đồng thời riboflavin và coixol trong mầm CL. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã thiết lập và xác nhận phương pháp phát hiện mảng diode-sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC-DAD) để xác định và định lượng hai chất đánh dấu tham chiếu, riboflavin và coixol, trong chiết xuất từ ​​mầm CL. Mầm CL (toàn bộ mầm và lá) được chiết xuất với 70% ethanol ở nhiệt độ phòng và ở 80 ° C trong điều kiện hồi lưu. Hai chiết xuất đã được xác nhận về tính đặc hiệu, độ chính xác, độ chính xác và độ tuyến tính. Hàm lượng của hai chất đánh dấu tham chiếu cao nhất trong lá chiết xuất trong điều kiện hồi lưu (riboflavin, 8,23 ± 0,32 mg / g; coixol, 5,95 ± 0,04 mg / g). Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hoạt động chống oxy hóa của các chất chiết xuất thông qua các thử nghiệm nhặt rác 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và 2,2′-azino-bis (3-thylbenzothiazolin-6-sulfonic acid) (ABTS +). Kết quả chỉ ra rằng chất chiết xuất từ ​​mầm trong điều kiện hồi lưu có tác dụng chống oxy hóa mạnh nhất (nồng độ ức chế nửa tối đa DPPH [IC50], 68,9 ± 4,1 g / mL; và ABTS, IC50, 34,9 ± 0,1 g / mL). Những kết quả này có thể là dữ liệu cơ sở để xác định đồng thời hai hợp chất đánh dấu tham chiếu, riboflavin và coixol, đồng thời phát triển các nguyên liệu thực phẩm chức năng sử dụng mầm CL.

Trần Thị Kim Dung

37.

GIỐNG Ý DĨ ‘TAICHUNG NO. 5’ CÓ CHIỀU CAO CÂY THẤP VỚI NĂNG SUẤT HẠT CAO

 

Yi-Lun Liao và cs.

HortScience, 2019, 54( 4):761–762

 

Coix lacryma-jobi L., được trồng và ứng dụng rộng rãi làm thực phẩm và thuốc thảo dược, đặc biệt là ở Châu Á (Aradilla, 2018; Arora, 1977). Sự đa dạng di truyền thấp ở các loài và mức độ gia nhập nhưng có sự biến đổi di truyền mạnh mẽ giữa tất cả các phép lai được kiểm tra bằng các dấu hiệu lặp lại trình tự đơn giản đã được chỉ ra trong một nghiên cứu trước đây (Xi và cộng sự, 2016). Các tác giả cũng báo cáo rằng tỷ lệ chất béo trung tính trong xét nghiệm gia nhập có thể là một chỉ số hữu ích để kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, giống lúa Thái đen Loei của công việc, có hoạt tính chống tăng sinh và quá trình chết rụng, đã được chứng minh là một loại thuốc tiềm năng để điều trị ung thư (Manosroi và cộng sự, 2016).

Ở Đài Loan, các đặc điểm sinh thái của cây ý dĩ là một lĩnh vực được chú trọng trong các chương trình nhân giống, chẳng hạn như năng suất ngũ cốc cao hơn, hạt to hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, kháng sâu bệnh hiệu quả và thu hoạch cơ học dễ dàng hơn (Tseng và Chen, 2007; Tseng và cộng sự, 2009; Tseng và Kao, 1995). ‘Taichung No. 3’, một giống cây ý dĩ ưu tú, thuộc giống Coix lacryma-jobi var. ma-yuen, cho thấy các đặc điểm tốt, bao gồm thân cây chắc hơn để chống chịu và năng suất hạt cao hơn (3500 kg / ha), và thường được trồng như một loại cây ngũ cốc nhỏ và được áp dụng như một loại thực phẩm lành mạnh (Bhavna và cộng sự, 2017; Kuo và cộng sự ., 2012; Tseng và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, chiều cao cây của ‘Taichung số 3’ là 2 m cao hơn mong đợi, đó là một trở ngại để thu hoạch cho nông dân. Như vậy, sự phát triển của một loạt ngắn phù hợp cho thu hoạch cơ khí với năng suất hạt lớn hơn là dự án chính của bo bo giống tại Đài Loan. Trạm Khuyến nông và Nghiên cứu Nông nghiệp Đài Trung (TDARES) đã công bố phát hành giống ý dĩ ‘Taichung số 5’ (Coix lacryma-jobi L.), một giống cây cho năng suất hạt cao hơn và chiều cao cây ngắn hơn, thích hợp cho thu hoạch cơ giới. Giống cây trồng này được phát triển bằng cách sử dụng một loạt quá trình lai tạo, chọn lọc và đánh giá bằng cách sử dụng các biểu diễn thực địa như đã thảo luận trong các phần tiếp theo.

Trần Thị Kim Dung

38.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LOẠI KHÍ HẬU VÀ KHOẢNG CÁCH ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.) Ở PHÍA TÂY ĐẢO JAVA INDONESIA

 

Ruminta và cs.

Journal of Agronomy;2017; Vol 16; No 2: 76-82; Accepted: February 22, 2017; Published: March 15, 2017

 

Tổng quan: Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.) là một trong những cây trồng chủ lực tiềm năng để cải thiện an ninh lương thực thay thế cho lúa gạo. Năng suất của ý dĩ cần được tăng và cải thiện thông qua việc điều chỉnh môi trường và kỹ thuật canh tác. Khí hậu và khoảng cách trồng trong canh tác ý dĩ chưa được nghiên cứu rộng rãi. Cần phải biết khí hậu lý tưởng và khoảng cách cây trồng để tăng trưởng về năng suất của ý dĩ. Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng trong kỹ thuật nông học để cải thiện năng suất của ý dĩ.

Vật liệu và phương pháp: Thí nghiệm này sử dụng một giống ý dĩ, được lấy từ phía tây đảo Java Indonesia có đặc điểm năng suất cao và tuổi thọ ngắn hơn. Ba kiểu khí hậu và khoảng cách ba hàng đã được lựa chọn và thiết kế để điều tra tác động tương tác của các kiểu khí hậu và khoảng cách hàng lên sự tăng trưởng và năng suất của nó. Thiết kế thử nghiệm là thiết kế thử nghiệm tách ô với ba kiểu phân loại khí hậu (C2, C3 và D3) được sử dụng làm toàn bộ ô và ba loại khoảng cách hàng (50, 75 và 100 cm) phân ô và ba lần lặp lại. Một số đặc điểm nông học của ý dĩ như chiều cao cây trồng, sinh khối cây trồng, số lượng chồi, số bông, chỉ số diện tích lá, tỷ lệ rễ chồi, khối lượng 100 hạt và chỉ số thu hoạch đã được ghi lại.

Kết quả: Nghiên cứu này cho thấy ảnh hưởng tương tác đáng kể của kiểu khí hậu và khoảng cách hàng lên số bông, chỉ số diện tích lá và tỷ lệ rễ chồi. Kết quả cũng cho thấy các tác động không tương tác của kiểu khí hậu và khoảng cách hàng lên chiều cao, sinh khối, số lượng chồi, khối lượng 100 hạt, khối lượng hạt mỗi vụ, khối lượng hạt trên m2 và chỉ số thu hoạch. Tuy nhiên, các kiểu khí hậu khác nhau và khoảng cách hàng cho thấy các ảnh hưởng độc lập đáng kể đến các thông số này, nhưng không độc lập đáng kể đến khối lượng 100 hạt.

Kết luận: Dựa trên các kết quả, kết luận rằng kiểu khí hậu và khoảng cách hàng có ảnh hưởng tương tác đáng kể đến sự tăng trưởng và năng suất của ý dĩ.

Nguyễn Bá Hưng, Trịnh Minh Vũ, Trần Thị Kim Dung

39.

XÁC ĐỊNH SỰ ỔN ĐỊNH NĂNG SUẤT Ý DĨ (COIX LACRYMA – JOBI L.) DỰA VÀO THƯỚC ĐO PHI THAM SỐ

 

H.L. Raiger  và cs.

International Journal of Agriculture Innovations and Research; Vol 7, Issue 5; Accepted on: 28/02/2019; Published: 16/03/2019

 

Thử nghiệm đa môi trường (MET) đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các kiểu gen vượt trội để nhân giống quy mô lớn trong tương lai bằng cách đánh giá hiệu suất ổn định của kiểu gen được cải thiện trên các môi trường trước khi đưa ra giống. Mục đích của nghiên cứu này là chọn ra các kiểu gen của ý dĩ có năng suất hạt cao và hiệu suất ổn định trong các môi trường khác nhau. Kiểm tra ý nghĩa đối với sự tương tác của kiểu gen x với môi trường (GE) và tám phép đo phân tích độ ổn định phi tham số đã được sử dụng để xác định kiểu gen ổn định năng suất hạt cao trên mỗi môi trường. Các thước đo phi tham số cho GxE tương tác có ý nghĩa cao (p <0,05), gây ra thứ tự thay đổi giữa các kiểu gen với môi trường thử nghiệm. Dựa trên giá trị thấp của các phép đo phi tham số, H-2279 được xác định là kiểu gen ổn định nhất cũng như năng suất cao. Các biện pháp phi tham số này được quan sát thấy có liên quan đến năng suất hạt trung bình cao. Hệ số tương quan thứ hạng được tính toán được sử dụng để đo lường mối quan hệ giữa các thông số ổn định. Mối quan hệ giữa các phương pháp phi tham số được đánh giá bằng phân tích cụm thứ bậc dựa trên các giá trị phi tham số của kiểu gen. Tám biện pháp ổn định được chia thành bốn nhóm.

Trịnh Minh Vũ

 

40.

PHÂN TÍCH NẤM TRÊN HẠT GIỐNG Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI) VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA DUNGDỊCH CHIIẾT Ý DĨ ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG CỦA NẤM ASPERGILLUS FLAVUS

 

Xuemei Luo và cs.

Journal of Food Protection;Vol 82, Issue 10, 1 October 2019

 

Hạt ý dĩ (Coix lacryma-jobi) dễ bị nhiễm nấm, làm cho nấm bề ​​mặt của chúng trở nên phức tạp và đa dạng. Một số loại nấm có thể tạo ra độc tố nấm mốc trong những điều kiện thích hợp, và sự phát triển của nấm có liên quan mật thiết đến việc sản sinh độc tố nấm mốc. Trong nghiên cứu này, các loại nấm bề ​​mặt của hạt ý dĩ được xác định bằng phương pháp giải trình tự thông lượng cao Illumina HiSeq. Đồng thời, nấm nuôi cấy trên môi trường nhân tạođược xác định bằng kính hiển vi và mã vạch DNA; các loài nấm đã được xác định một cách chính xác và đáng tin cậy bằng cách kết hợp ba phương pháp. Nước dịch chiết của hạt ý dĩ được nuôi cấy với bào tử Aspergillus flavus, và mối quan hệ giữa nước dịch chiết và sự phát triển của A. flavus đã được nghiên cứu với trọng lượng khô của sợi nấm như một chỉ thị. Kết quả cho thấy có 89 chi và 96 loài nấm trên hạt ý dĩ, phân bố chủ yếu ở Ascomycota (81,48%) và Basidiomycota (4,08%), Xeromyces (8,50%), Gibberella (7,25%) và Aspergillus ( 4,74%) là các chi chiếm ưu thế. Bốn loại nấm được phân lập từ hạt Ý dĩ bằng phương pháp nuôi cấy đĩa và được xác định là Aspergillus fumigatus, A. flavus, Aspergillus oryzae, và Rhizopus oryzae bằng kính hiển vi và mã vạch DNA. Nước dịch chiết của hạt ý dĩ ở nồng độ thấp có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của A. flavus. Khi nồng độ là 3,125%, hiệu quả xúc tiến là rõ rệt nhất, và tỷ lệ xúc tiến là 29,17%. Những kết quả này cho thấy sự đa dạng của các loại nấm trên hạt ý dĩ, có thể cung cấp tài liệu tham khảo cho việc phòng ngừa và kiểm soát các loại nấm gây hại trên hạt ý dĩ.

Trịnh Minh Vũ, Nguyễn Bá Hưng

41.

PHÂN TÍCH ĐA DẠNG LÝ THUYẾT VÀ THÀNH PHẦN NGUYÊN TỬ CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Gang Shen và cs.

Chilean journal of agricultural research; Received: September 01, 2018; Accepted: November 22, 2018

 

Phân tích sự đa dạng của ý dĩ (Coix lacryma-jobi L.), một loại cây lương thực lý tưởng cho sức khỏe, là điều kiện tiên quyết trong các chương trình nhân giống và sử dụng nguồn giống. Mục đích của nghiên cứu này là xác định đặc điểm kiểu hình của 94 con giống ý dĩ (40 loài trồng và 54 loài hoang dã) được thu thập từ các khu vực địa lý khác nhau ở Trung Quốc. Các phân tích thành phần chính (PC) và đa dạng di truyền được thực hiện trên 12 đặc điểm hình thái: số nút thân, số nhánh bông, nút nhánh mồi, bông trên cây, số hạt trên cây, chiều cao cây, khối lượng 100 hạt, đặc điểm bề mặt lá bắc, tổng số kết cấu lá bắc, hình dạng lá bắc, màu sắc lá bắc, và màu sắc của lá bắc. Kết quả cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các vật liệu được nghiên cứu. Mối quan hệ giữa các tính trạng chỉ ra rằng một số đặc điểm có thể được sử dụng để chọn lọc gián tiếp để đánh giá các lần tiếp cận. Dựa trên phân tích PC, bảy PC đầu tiên trong thử nghiệm có thể tóm tắt phần lớn thông tin về các đặc điểm nông học của 94 loài ý dĩ. Tỷ lệ đóng góp tích lũy chiếm 87,31% tổng biến động. Phân tích tổng thể đã nhóm tất cả các sự tiếp cận thành bảy cụm và điều này cho thấy rằng sự biến đổi di truyền dựa trên các loại giống, phân bố địa lý và đặc điểm hình thái.

Hoàng Thuý Nga, Chu Thị Thuý Nga, Nguyễn Hải Văn

42.

NĂNG SUẤT GIỐNG Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Annibelle Joy A Mendoza và cs.

NMSCST Research Journal,Vol 3 No 1; Published: 2017-01-03

 

Nghiên cứu này nhằm xác định năng suất của các giống ý dĩ được trồng ở Caniangan, thành phố Tangub. Nghiên cứu thử nghiệm này được thực hiện trên tổng diện tích 286 mét vuông bao gồm cả kênh đào. Khu vực này được chia thành chín (9) mảnh đất. Mỗi ô đo được 3 mét x 6 mét. Nghiên cứu được đặt trong Thiết kế khối hoàn chỉnh ngẫu nhiên (RCBD) với 3 phương pháp điều trị được lặp lại 3 lần. Các nghiệm thức thí nghiệm là: Giống T1-Gulian, Giống T2- Pulot, và Giống T3- Ginampay. Dữ liệu được phân tích thông qua Phân tích phương sai. Kết quả nghiên cứu cho thấy 3 giống không có sự khác biệt đáng kể về chiều cao cây, chu vi thân cây và số lá trung bình. Gulian và Ginampay được thu hoạch ở ngày thứ 162 trong khi Pulot bị chậm thời gian chín và nó được thu hoạch vào đúng 6 tháng hoặc 184 ngày. Giống Ginampay cho năng suất cao nhất là 3,413 kg / ha. Mặt khác, Gulian đạt năng suất 2.631 kg/ ha. Pulot có sản lượng thấp nhất với chỉ 1,796 kg / ha. Tất cả các giống đều phù hợp trong khu vực. Ginampay có lợi nhuận cao nhất và có lợi tức đầu tư cao nhất.

Hoàng Thuý Nga

43.

ẢNH HƯỞNG CỦA SỐ LƯỢNG HẠT GIỐNG VÀ KHOẢNG CÁCH TRỒNG ĐẾN HÌNH THÁI THỰC VẬT CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Irawan J. và cs.

 Indian Journal of Agricultural Research; 2018, Vol 52, Issue : 4; Published on 17 September, 2018.

 

Nghiên cứu này nhằm mục đích quan sát sự xuất hiện của Coix lacryma-jobi L. bị ảnh hưởng bởi số lượng hạt và khoảng cách của cây. Thiết kế khối ngẫu nhiên bao gồm 2 yếu tố (số hạt, J; khoảng cách cây, T) với 3 lần lặp lại được sắp xếp, trong khi các thông số bao gồm chiều cao cây, đường kính thân, số lá, chiều dài và chiều rộng của lá. Thí nghiệm được tiến hành tại cánh đồng thực nghiệm của Khoa Nông nghiệp, Đại học Teuku Umar, Meulaboh, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2017. Kết quả cho thấy số lượng hạt ảnh hưởng đáng kể đến chiều cao cây trong 49 ngày sau khi trồng, 63 ngày sau khi trồng, và cũng cho thấy một lượng đáng kể ảnh hưởng đến chiều dài lá trong 77 ngày sau khi trồng. Phân tích thống kê cho thấy tác động tương tác giữa các yếu tố. Tác động đáng kể nhất được quan sát thấy ở chiều cao cây và chiều dài lá trong 21 ngày sau khi trồng.

Kết luận: Số lượng hạt giống mỗi lỗ đã ảnh hưởng đáng kể chiều cao của cây ý dĩ. Có sự tương tác góp phần ảnh hưởng đáng kể đến chiều cao và chiều dài lá của cây. Vì vậy, J2T3 (2 hạt mỗi lỗ, khoảng cách cây 25 cm × 20 cm) được khuyến nghị để có được kết quả tốt nhất.

Hoàng Thuý Nga, Phan Thị Lâm

44.

TRỒNG XEN CANH VÀ CHẾ ĐỘ BÓN PHÂN Ý DĨ VÀ CỎ VOI LÀ CHIẾN LƯỢC THÔNG MINH VỀ KHÍ HẬU ĐỐI VỚI SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

 

Nello D. Gorne và cs.

Annals of Tropical Research; Submitted: 13 February 2019; Accepted: 24 March 2020

 

Ý dĩ được coi là một loại cây lương thực thay thế ở Philippin trong khi cây cỏ voi là một loại cây thức ăn gia súc đa năng. Hiệu quả của chiến lược xen canh và bón phân đối với sản xuất các loại cây này có thể giúp giải quyết các vấn đề về nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm. Mục tiêu của nghiên cứu là 1) đánh giá sự tăng trưởng và năng suất của ý dĩ với cây cỏ voi ở các chế độ bón phân khác nhau; 2) xác định cách trồng xen canh thích hợp và bón phân thích hợp để tạo ra sản lượng tối đa; 3) xác định hiệu quả của phương án xen canh; và 4) đánh giá lợi nhuận của việc trồng xen ý dĩ với cỏ voi ở các chế độ bón phân khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện theo mô hình tách thửa với 3 sơ đồ xen canh (C1 = toàn bộ ý dĩ, C2 = ý dĩ với cỏ voi tỉ lệ hàng 1:1 và C3 = ý dĩ với cỏ voi ở tỉ lệ hàng 2: 1) và 5 mức phân bón  (F0 = Không bón, F1 = 120kg ha-1 N phân vô cơ, F2 = 60kg ha-1 N phân vô cơ + 1t ha-1 phân gà, F3 = 30kg ha-1 N phân vô cơ + 1,5t ha-1 phân gà, và F4 = 2t ha-1 phân gà). Chế độ bón phân ảnh hưởng đáng kể đến  sự ra hoa và trưởng thành, đẻ nhánh sinh dưỡng, chiều cao cây, số nhánh có năng suất và không năng suất, chiều dài bông, năng suất hạt và hạt của ý dĩ cũng như số nhánh, năng suất hạt của cỏ voi cũng như các tỷ lệ tương đương về đất đai và tương đương về thời gian diện tích. Bón phân bằng phân vô cơ nguyên chất hoặc kết hợp với phân gà có ROI từ 1,31 đến 1,44 trên mỗi peso được đầu tư.

Kết luận:

1. Các phương án xen canh khác nhau  ảnh hưởng không đáng kể đến sự tăng trưởng và năng suất giữa xen canh ý dĩ và cỏ voi.Tuy nhiên, việc bón 30kg ha N -1 phân bón vô cơ + 1,5t ha phân gà đã cho năng suất tối ưu là 1,657t ha.-1 -1 .

2. Hiệu quả xen canh ở mức bón phân N cao hơn không có triển vọng.

3. Lợi tức đầu tư cao hơn so với khi bón 120kg ha N -1 phân vô cơ, nhưng chi phí sản xuất thấp hơn có thể thu được từ cây bón 30kg ha N + phân gà 1,5 tấn ha.-1 -1 4.Nên bón 30kg ha N + 1,5t ha phân gà đặc biệt ở những khu vực -1 -1 có nguồn cung cấp phân hữu cơ dồi dào.

Phan Thị Lâm

45.

XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ TRỒNG Ý DĨ Ở PHÍA NAM BUKIDNON, MIDANAO, PHILIPPIN

 

Agripina R. Aradilla

International Journal of Education and Research; Published: 5 May 2016

 

Chính phủ Philippin thông qua Bộ Nông nghiệp - Cục Nghiên cứu Nông nghiệp dẫn đầu việc tìm kiếm các mặt hàng chủ lực bổ sung để giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Ý dĩ được xác định và đẩy mạnh từ năm 2011. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để trồng cây  là một vấn đề, do đó việc trồng / thử nghiệm theo từng giai đoạn (so le) được tiến hành tại CMU-AES từ năm 2013 đến năm 2015. Các thử nghiệm đã được thực hiện theo phương pháp RCBD với sáu giống cây trồng (Gulian, Tapol, Ginampay, Kiboa, Pulot và Dwarf) với bốn lần lặp lại. Các giống ý dĩ đã phát triển tạo ra 13 đến 14 nhánh/cụm, đẻ nhánh nhiều hơn khi trồng từ tháng 2 đến tháng 5; tạo ra từ 120 đến 186 hạt / bông trên các giống cây trồng, và 90 đến 235 ở các thử nghiệm, với khối lượng hạt tương đương (77g đến 83g). Năng suất ngũ cốc trên các giống dao động từ 1,9 tấn / ha đến 3,4 tấn / ha, cho năng suất cao hơn khi trồng vào mùa mưa mùa, nhưng năng suất khác nhau giữa các thử nghiệm do điều kiện thời tiết thay đổi. Ý dĩ là một cây trồng có triển vọng và có thể trồng bất cứ lúcnào trong năm với điều kiện đất có độ ẩm.

Kết luận và kiến nghị: Sáu giống ý dĩ  có thể trồng bất cứ lúc nào trong năm ở Southern Bukidnon, miễn là đất có đủ độ ẩm. Tất cả các giống đều rất có triển vọng, tuy nhiên giống Dwarf thu được năng suất cao nhất ở 4/5 thử nghiệm thành công. Mặt khác, năng suất hạt của ý dĩ được ghi nhận là cao hơn khi trồng vào mùa mưa và với điều kiện là phát triển ngũ cốc đồng bộ với lúa để giảm thiểu thiệt hại do chim gây ra, đặc biệt là ở những vùng gần ruộng lúa thấp.

Phan Thị Lâm, Nguyễn Bá Hưng, Chu Thị Thuý Nga, Nguyễn Hải Văn

46.

ẢNH HƯỞNG CỦA LIỀU LƯỢNG PHÂN BÓN VÀ GIỐNG ĐẾN HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH GLYCERYL TRIOLEATE CỦA Ý DĨ

 

Chung Tien Nghiem  và cs

AGRIVITA Journal of Agricultural Science. 2016. 38(3): 261-268;Received: April 27, 2016;Accepted: July 28, 2016

 

Để cung cấp một phương pháp kiểm tra chất lượng glyceryl trioleate đối với ý dĩ , bài báo này tập trung vào việc phân biệt hợp chất glyceryl trioleate ở 14 giống và ảnh hưởng của nitơ đối với glyceryl trioleate trong hạt ý dĩ bằng cách phân nhóm Sắc ký lỏng hiệu suất cao ( HPLC). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra một giống có hoạt chất glyceryl trioleate với hàm lượng cao nhất và khảo sát ảnh hưởng của nitơ đến các thành phần hoạt tính của glyceryl trioleate trên ý dĩ. và ảnh hưởng của nó trên ý dĩ. Phương trình đường cong hồi quy chuẩn của glyceryl trioleate thu được bằng cách sử dụng HPLC là: Y = (7,106) X- 495293, R² = 0,9997. Kết quả thí nghiệm tái lập trung bình của glyceryl trioleate là 0,097, RSD (độ lệch chuẩn tương đối) là 1,95%; tỷ lệ phục hồi là 97,69% và RSD là 0,89%. Thí nghiệm đo hàm lượng glyceryl trioleate của 14 giống ý dĩ bằng sử dụng Qianyin # 1 (C14). Kết quả cho thấy kết hợp phân bón N10F2 (4: 1: 2: 3) tạo ra hàm lượng glyceryl trioleate cao nhất ở ý dĩ. Như vậy, lượng đạm trong phân bón 150kg ha-1 và tỷ lệ bón trước khi trồng bao gồm bón lót, bón thúc đẻ nhánh và bón thúc đòng được tối ưu hóa theo tỷ lệ 4: 1: 2: 3.

Kết luận và kiến nghị: Trong nghiên cứu này, hàm lượng glyceryl trioleate trong tất cả 14 giống ý dĩ đều trên 0,69%. Qianyin # 1 (C14) và Pinzhong # 11 (C8) có hàm lượng glyceryl trioleate cao nhất. Vì thời gian sinh trưởng của Pinzhong # 11 (C8) dài hơn, Qianyin # 1 (C14) đã được chọn cho thí nghiệm quản lý nitơ. Thí nghiệm quản lý nitơ cho thấy nghiệm thức N10F2 (4: 1: 2: 3) có hàm lượng glyceryl trioleate cao nhấttrong dầu ý dĩ. do đó việc quản lý nitơ được thực hiện ở 150 kg ha -1, và tỷ lệ bón trước khi trồng: bón lót: bón thúc: bón thúc đã được tối ưu hóa theo tỷ lệ 4: 1: 2: 3. Bằng cách tối ưu hóa hạt giống ý dĩ và xử lý giống, nó có thể đạt được mục tiêu phát triển để nâng cao hàm lượng glyceryl trioleate như một chức năng trong y học cổ truyền. Các hợp chất khác có trong hạt ý dĩ cũng cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, khả năng của họ trong điều trị y tế cần được nghiên cứu thêm trong tương lai.

Phan Thị Lâm

47.

TỔNG QUAN VỀ CÂY Ý DĨ (COIX LACHRYMA - JOBI L.)

 

Patel Bhavna và cs.

Research Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry; 2017, Vol 9, Issue: 4; First page: (248), Last page: (252)

 

Rễ và hạt của ý dĩ được sử dụng để làm thuốc, dược phẩm, chế phẩm, mỹ phẩm và chất bổ sung chế độ ăn uống. Có hai giống chính của loài, một loài hoang dã và một loài trồng trọt. Sự đa dạng của loài ý dĩ hoang dã có vỏ cứng, màu trắng như ngọc trai, cấu trúc hình bầu dục được sử dụng làm chuỗi hạt để làm tràng hạt, vòng cổ và các đồ vật khác. Giống ý dĩ trồng cho thu hoạch có vỏ mềm và được sử dụng làm thuốc ở các vùng của Châu Á. Trên toàn thế giới, loài thực vật này được biết đến nhiều nhất với đặc điểm trên mỗi đầu quảcó một lỗ tự nhiên, khiến chúng trở thành nguồn hạt hữu ích để xâu chuỗi. Chuỗi hạt được biết đến là "Chuỗi hạt Mala". Hạt của ý dĩ được sử dụng như một nguồn thực phẩm. Hạt ý dĩ là tên gọi chung của dược liệu Trung Quốc (Lợi ích sức khỏe của cây ý dĩ). Hạt của cây ý dĩ chứa 50–79% tinh bột, 16–19% Protein, 2–7% dầu cố định, Lipid (5,67% Glycolipid, 1,83% Phospholipid, Sterol), Axit béo (Axit Palmitic (PubChem CID: 985), axit Steric (PubChemCID: 5281), axit oleic (PubChem CID: 445639) và axit Linoleic (PubChem CID: 5280450). Loại cây này có nhiều công dụng truyền thống như giảm cholesterol trong máu, chống viêm, chống oxy hóa, rối loạn cường hóa máu, chống ung thư máu ở phụ nữ, v.v. Cây ý dĩ có giá trị y học đáng kể đối với con người. Tổng quan này giúp đánh giá và củng cố thêm công dụng làm thuốc khác nhau của cây trong các bệnh khác nhau.

Nguyễn Bá Hưng

48.

KHẢ NĂNG SẢN XUẤT VÀ TRIỂN VỌNG CỦA Ý DĨ TRONG VIỆC THAY THẾ THỰC PHẨM CHÍNH Ở ĐÔNG KALIMANTAN CỦA INDONESIA

 

Suyadi và cs.

Russian Journal of Agricultural and Socio-Economic Sciences; RJOAS, 12(96), December 2019

 

 Ý dĩ là một loại cây lương thực bản địa đa dạng sinh học ở Đông Kalimantan, loại cây này thường được trồng hoàn toàn như lúa nương theo phương thức canh tác sàng lọc. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Indonesia thực hiện chương trình thâm canh lúa, cây ý dĩ đã bị người nông dân bỏ lại cùng với việc giảm tập quán canh tác lúa nương. Triển vọng phát triển ý dĩ như một loại cây lương thực chính ở Đông Kalimantan được xác định bởi các đặc điểm sinh học của nó là C4 và thích nghi với hệ sinh thái vùng cao. Đây là nghiên cứu ban đầu trong kế hoạch nghiên cứu dài hạn về sự phát triển của ý dĩ ở Đông Kalimantan, nhằm đánh giá một số thí nghiệm về năng suất của ý dĩ theo phương pháp canh tác và bón phân truyền thống. Năng suất ý dĩ được xác định bằng cách sử dụng một số chỉ số gồm năng suất cây trồng, số nhánh, số hạt trên bông và khối lượng hạt. Kết quả của nghiên cứu cho thấy năng suất trung bình của ý dĩ theo phương pháp canh tác truyền thống là khoảng 5 tấn/ha và thay đổi trong khoảng 3 - 8 tấn/ha. Bón phân hỗn hợp với liều lượng 200 kg/ha đã làm tăng khối lượng 1.000 hạt trên 15% và cũng làm tăng năng suất hạt trên 25%. Những dữ liệu đó cho thấy năng suất của ý dĩ có thể được cải thiện thông qua quản lý độ phì nhiêu của đất và nó có triển vọng phát triển như một loại cây lương thực thay thế cây lương thực chính cho chương trình đa dạng hóa lương thực ở Đông Kalimantan. 

 

Nguyễn Bá Hưng

49.

ĐẶC ĐIỂM PHÂN LOẠI VÀ TRẠNG THÁI NẢY MẦM CỦA HẠT Ở BA THỨ CỦA LOÀI (COIX LACRYMA-JOBI L.)

 

Gupta Veena và cs.

Medicinal Plants-International Journal of Phytomedicines and Related Industries10(2), 106-110.

Published: 2018 May 25.

 

Job’s tear, một nguồn năng lượng tiềm năng, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc dân gian để điều trị các khối u và các vấn đề về đường tiêu hóa. Các cuộc điều tra hiện tại về các loài Coix hoang dại và được trồng tại Ngân hàng gen Quốc gia để bảo tồn lâu dài đã được thực hiện để phát triển các quy trình phá vỡ trạng thái ngủ đông. Dựa trên các đặc điểm hình thái hạt định tính, tình trạng loài của một lần gia nhập đã được xác nhận là Coix hoang dại, Coixlacrymajobi var. stenocarpa. Trong số tám phương pháp xử lý tạo vảy khác nhau, xử lý bằng axit 100% trong 120 phút. Đã ghi nhận khả năng nảy mầm tối đa ở hai loài hoang dại Coixlacrymajobi var. Lacrymajobi Coixlacrymajobi var. Stenocarpa trong khi xử lý axit 50% trong 30 phút. Cho khả năng nảy mầm tối đa ở các loài trồng trọt, Coixlacrymajobi var. mayuen. Sau khi phá bỏ trạng thái ngủ đông, cây con đã được phát triển tốt trên các cánh đồng. Vì vậy, để sử dụng tốt hơn loài này, loại bỏ trạng thái ngủ đông của hạt là điều cần thiết và quy trình phá bỏ trạng thái ngủ đông này sẽ được sử dụng nhiều trong tương lai để sử dụng các loài Coix.

 

Tô Minh Tứ

50.

TRÌNH TỰ BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA (COIX LACRYMA-JOBI L.) (POACEAE), MỘT LOẠI NGŨ CỐC VÀ CÂY THUỐC

 

Sang-Ho Kanget và cs.

Mitochondrial DNA Part B, 3(2), 980-981, Published: 2018 Oct 23

 

Coixlacryma-jobi là một loại ngũ cốc và cây thuốc thuộc họ Hòa thảo (Poaceae). Nghiên cứu này mô tả trình tự bộ gen lục lạp hoàn chỉnh của giống Johyun Hàn Quốc thuộc loài C. lacryma-jobi var. ma-yuen thông qua lắp ráp các đoạn trình tự lai với phép đọc bộ gen Illumina và PacBio. Bộ gen lục lạp dài 140,863 bp và bao gồm bản sao đơn lớn (82,827 bp), bản sao đơn nhỏ (12,522 bp), và một cặp lặp lại ngược (mỗi lần 22.757 bp). Tổng số có 123 gen bao gồm 87 gen mã hóa protein, 32 gen tRNA và 4 gen rRNA đã được dự đoán trong bộ gen. Phân tích phát sinh loài đã xác nhận mối quan hệ chặt chẽ của C. lacryma-jobi với các loài trong phân họ Panicoideae của họ Hòa thảo.

Chu Thị Thuý Nga, Nguyễn Hải Văn, Tô Minh Tứ

51.

GIÁ TRỊ THỰC PHẨM VÀ LÀM THUỐC CỦA (COIX LACRYMA-JOBI L.) VÀ CÁC KỸ THUẬT CANH TÁC CHÍNH CHO NĂNG SUẤT CAO VÀ ỔN ĐỊNH

 

YieldLi Feng và cs.

Natural Resources, Vol.11 No.12, December 2020

 

Trong bài báo này, người ta đã giới thiệu Coixlacryma-jobi là một loại cây vừa có tác dụng làm cây thuốc và vừa có thể làm thực phẩm được sử dụng lâu đời ở Trung Quốc và mô tả được các thành phần dinh dưỡng và giá trị y học của Coixlacryma-jobi. Dựa trên các tài liệu đã xuất bản trong và ngoài nước, rất nhiều các thành phần hóa học được tìm thấy trong Coixlacrymajobi và tác dụng y học của chúng đã được nghiên cứu. Đồng thời, những vấn đề tồn tại trong quá trình sản xuất Coixlacrymajobi cũng đã được nêu ra. Cùng với việc nâng cao mức sống của người dân, giá trị dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của Coixlacryma-jobi ngày càng được chú trọng. Các vấn đề của Coixlacryma-jobi trong sản xuất đã được phân tích. Một số đặc điểm sinh học của Coixlacryma-jobi, đặc biệt là đặc tính cây ở nước của nó, đã được công nhận, điều này rất quan trọng để tăng năng suất của Coixlacryma jobi. Trong bài báo cũng tóm tắt các kỹ thuật canh tác chính để cho năng suất cao và ổn định của Coixlacryma-jobi. Để có được chất lượng cao, năng suất cao và ổn định, chúng ta nên áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới “hai ướt, hai khô và hai nước” trong quản lý nước. Đồng thời, nếu thụ phấn nhân tạo được áp dụng trong thời kỳ ra hoa rộ, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống và năng suất sẽ tăng lên.

Bùi Thị Xuân, Tô Thị Ngân, Trịnh Minh Vũ

52.

Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.): HẠT GIỐNG, SỰ NẢY MẦM VÀ TIỀM NĂNG CỦA NÓ

 

Rony Irawantovà cs.

Pros Sem NasMasyBiodivIndon, Volume 3, Nomor 1, Februari 2017 ISSN: 2407-8050 Halaman: 147-153

 

Irawanto R, Lestari DA, Hendrian R. 2017. Jali (Coixlacryma-jobi L.): Hạt giống, sự nảy mầm và tiềm năng của nó. Tạp chí ProsSem NasMasyBiodivIndon3: 147-153. Jali (Coixlacryma-jobi L.) thuộc họ Hòa thảo (Poaceae). Loại cây này được tìm thấy tự nhiên ở các khu vực đất ngập nước bên bờ sông/ven sông. Ý dĩ đã được xếp vào loại thực vật thủy sinh, được thu thập ở vườn bách thảo Purwodadi một nơi có bộ sưu tập đáng chú ý là bộ sưu tập thực vật thủy sinh. Mặt khác, khu vực ven sông/vùng sông nước là môi trường sống của Ý dĩ. thường bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm do các hoạt động khác nhau của con người. Ô nhiễm do nước thải từ nông nghiệp, sinh hoạt, đô thị, công nghiệp có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe của con người. Ý dĩ thường mọc hoang và chưa được đánh giá đúng về tiềm năng. Mặc dù rất hiếm khi được sử dụng nhưng có một số nghiên cứu lại khuyên bạn nên sử dụng ý dĩ.  Công nghệ thực vật được sử dụng trong xử lý nước thải được xây dựng trên hệ thống đất ngập nước. Công nghệ thực vật là một khái niệm đề cập đến vai trò của thực vật như một công nghệ tự nhiên để giải quyết các vấn đề môi trường. Sử dụng ý dĩ trong công nghệ thực vật rất phù hợp với các nước đang phát triển vì nó đơn giản, dễ dàng, rẻ tiền và có tiềm năng phát triển trên diện rộng. Vì vậy, nghiên cứu về sự nhân giống (hạt giống và sự nảy mầm) và tiềm năng của nó trong công nghệ thực vật môi trường là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2014 trong nhà kính của Environmental Engineering - ITS với vật liệu là hạt giống ý dĩ. từ Vườn bách thảo Purwodadi - LIPI. Kết quả cho thấy hạt giống ý dĩ là đúng giống – vỏ rất cứng, nảy mầm sau khoảng 1-2 tuần và giai đoạn nảy mầm có thể kéo dài khoảng một tháng. Cây trồng được 1-3 tháng tuổi cần bóng râm và nhiều nước. Cây trồng được thu khi được hơn 90 ngày (> 3 tháng) với 3-10 lá, 1-4 đoạn trên thân và chiều cao trung bình là 30,5 cm.

Bùi Thị Xuân

53.

ĐẶC ĐIỂM PHIÊN MÃ VÀ BIỂU HIỆN CẤU TRÚC CỦA Ý DĨ (COIX LACRYMA-JOBI L.) TRONG PHẢN ỨNG  VỚI HẠN HÁN

 

Guidong Miao và cs.

RESEARCH ARTICLE, Published: September 3, 2021

 

Coix lacryma-jobi L. là một loại cây kinh tế rất quan trọng được trồng rộng rãi ở Đông Nam Á. Hạn hán ảnh hưởng đến hơn bốn triệu km vuông mỗi năm, và là một yếu tố hạn chế đáng kể đến năng suất nông nghiệp. Tuy nhiên, tương đối ít người biết về Coix lacryma-jobi L. có phản ứng chống chịu hạn hán. Để có được một sự hiểu biết chi tiết và toàn diện về các cơ chế điều chỉnh các phản ứng phiên mã của Coix lacryma-jobi L. với thí nghiệm chống chịu hạn hán, nhóm tác giả đã sử dụng trình tự đoạn ngắn sắp xếp chuỗi của cDNA được chuẩn bị từ RNA polyadenyl hóa để khảo sát toàn bộ sự biểu hiện gen sau 7 ngày thí nghiệm gây hạn hán. Nhóm tác giả một lần nữa tạo một bộ phiên mã được lắp ráp bao gồm 65.480 trình tự duy nhất. Phân tích biểu hiện khác biệt dựa trên sự đa dạng đánh giá  bản sao RSEM đã xác định được 5.315 gen biểu hiện khác biệt (DEG) khi so sánh các mẫu từ cây trồng sau khi xử lý khô hạn và từ các kiểm tra thích hợp. Trong số này, các bản sao cho 3.460 gen có sự đa dạng được tăng lên, trong khi đó 1.855 gen bị giảm đi. Thời gian thực định lượng PCR cho 5 bản sao đã xác nhận những thay đổi được xác định bởi RNA-Seq. Kết quả cung cấp tổng quan về những thay đổi phiên mã trong Coix lacryma-jobi L. để chống chịu với hạn hán, và sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu chức năng của các gen liên quan và lựa chọn chỉ thị phân tử của Coix lacryma-jobi L trong tương lai.

Tô Thị Ngân

54.

ẢNH HƯỞNG CỦA CHIẾU XẠ TIA γCOBALT60 ĐẾN ĐẶC TÍNH HÓA LÝ CỦA Ý DĨ TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN

 

Guolin Li và cs.

International Journal of Food Engineering;Published: 5.2019

 

Chiếu xạ γ được áp dụng cho nhiều sản phẩm nông nghiệp như một phương pháp để kiểm soát chất lượng. Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của chiếu xạ γ đến các đặc tính hóa lý của ý dĩ. Các mẫu ý dĩ được xử lý chiếu xạ γ ở dải từ 0-4.0kGy 60Co và sau đó được bảo quản ở nhiệt độ mát 8-10oC. Độ cứng của hạt ở tất các các nhóm xử lý không có thay đổi rõ rệt ở 0 kGy nhưng có sự thay đổi ở 2,0 và 4,0 kGy. Axit linoleic (C18:2) nhạy cảm với chiếu xạ nhất trong 11 loại axit béo. Hàm lượng axit béo bão hòa (SFA) tăng lên, trong khi axit béo không bão hòa giảm khi tăng liều chiếu xạ. Các loại hợp chất dễ bay hơi tăng từ 15 lên 21, hợp chất chính n-hexanol đã tăng 80,41% sau khi chiếu xạ 4 kGy. Những biến đổi về mùi gây ra bởi liều chiếu xạ đáng chú ý hơn trong 12 tháng bảo quản. Do đó, kết luận rằng chiếu xạ 1,0 kGy hầu như không ảnh hưởng đến các đặc tính hóa lý trong quá trình bảo quản; nó có thể là biện pháp thay thế để kiểm soát chất lượng ý dĩ trong quá trình bảo quản.

Cù Thị Hằng

55.

NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ MẤT MÙI PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN HẠT Ý DĨ

 

Chen GuangJing và cs.

Food and Fermentation Industries; Published: 2017

 

Hàm lượng chất béo, tính axit của chất béo, thành phần axit béo, các chỉ số oxy hóa phổ biến (bao gồm peroxit, anisidine, tổng giá trị oxy hóa và hàm lượng MDA) và hàm lượng aldehyde của hạt ý dĩ trong quá trình bảo quản đã được so sánh và khảo sát. Hơn nữa, các mối tương quan tương ứng giữa mùi vị của hạt ý dĩ và hàm lượng axit béo không bão hòa, tổng giá trị oxy hóa, hàm lượng MDA và hàm lượng aldehyde dễ bay hơi đã được phân tích. Kết quả cho thấy sau 24 tuần bảo quản, hàm lượng chất béo của hạt ý dĩ giảm từ 6,362% xuống 5,420%, hàm lượng axit béo không no giảm từ 82,89% xuống 75,42%, axit béo tăng từ 20,901mg KOH/100g lên 46,893 mg KOH/100g, hàm lượng các axit béo bão hòa tăng từ 16,94% lên 22,84%, giá trị peroxide, giá trị anisidine, tổng giá trị oxy hóa và hàm lượng MDA tăng tương ứng từ 1,26 meq/kg, 0,36, 2,89, 0,99 µmol/g lên 8,47 meq/kg, 5,34, 22,27, 1,46 µmol/g; giá trị tương đối của hàm lượng andehyde tăng từ 2,28 lên 36,44. Tất cả các chỉ số trên cho thấy chất béo trong hạt ý dĩ bị oxy hóa mạnh trong quá trình bảo quản. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy mối tương quan đáng kể giữa sự mất mùi của ý dĩ  với hàm lượng axit béo không bão hòa, tổng giá trị oxy hóa, hàm lượng MDA và hàm lượng aldehyde dễ bay hơi, các hệ số tương quan lần lượt là -0,934, 0,974, 0,952 và 0,893. Tóm lại sự mất mùi của hạt ý dĩ trong quá trình bảo quản chủ yếu do quá trình oxy hóa lipid. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất hương vị trong quá trình bảo quản là do andehyde, sản phẩm oxy hóa thứ cấp gây ra bởi quá trình oxy hóa lipid trong hạt ý dĩ.

Cù Thị Hằng

56.

ẢNH HƯỞNG CỦA TIỀN XỬ LÝ AXIT ĐẾN CÁC ĐẶC TÍNH HÓA LÝ VÀ CHỐNG OXY HÓA CỦA Ý DĨ NẢY NẦM (COIX LACHRYMA - JOBI L.)

 

Lei Xu và cs.

Journal of Food Processing and Preservation; Published: 25.10.2017

 

Hạt ý dĩ nảy nầm đã được chú ý nghiên cứu do cấu trúc được cải thiện và lượng chất chuyển hóa thứ cấp lớn hơn so với hạt ý dĩ thô. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định tác động của tiền xử lý axit đối với các đặc tính hóa lý và chống oxy hóa của ý dĩ nảy mầm. Sự nảy mầm dù có hay không xử lý axit đều không cho thấy ảnh hưởng nào đáng kể trên quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier và các mẫu nhiễu xạ tia X. Tuy nhiên, tiền xử lý bằng axit đã làm giảm sự phân hủy của protein dự trữ trong ý dĩ và tinh bột trong quá trình nảy mầm. Quá trình xử lý bằng axit xitric làm tăng hàm lượng axit amin tự do trong ý dĩ. Bột ý dĩ nảy mầm xử lý bằng axit có độ nhớt cao hơn so với đối chứng, đặc biệt ở mẫu xử lý bằng axit lactic. Hơn nữa, tiền xử lý bằng axit citric làm tăng đáng kể hàm lượng phenolic (18,3%) và flavonoid (17,0%) cũng như hoạt tính chống oxy hóa (39,1%) so với đối chứng, trong khi xử lý bằng axit lactic làm giảm đáng kể, các thông số này lần lượt là 14,9; 9,0 và 16,8%. Ứng dụng thực tế của sự nảy mầm đã được công nhận là một công nghệ rẻ và hiệu quả để cải thiện giá trị dinh dưỡng và đặc tính hóa lý của ý dĩ. Hạt ngũ cốc thể hiện một số loại phản ứng sinh lý và sinh hóa khi môi trường bị ức chế, và một số axit ở nồng độ thích hợp được báo cáo là có tác dụng tăng cường sự nảy mầm. Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của việc xử lý sơ bộ axit xitric và axit lactic 1% (m/v) đối với các đặc tính hóa lý và chống oxy hóa của ý dĩ nảy mầm. Các kết quả chỉ ra rằng axit xitric là một chất kích thích thích hợp để cải thiện các đặc tính dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của ý dĩ nảy nầm.

Cù Thị Hằng

57.

ĐẶC TÍNH CỦA TINH BỘT BIẾN TÍNH TỪ Ý DĨ (COIX LACHRYMA - JOBI L.)

 

Alfee B Capule và cs.

Journal of Experimental Food Chemistry; Published: 01.2016

 

Ý dĩ (Coix lacryma jobi L.) là một loại cây ngũ cốc hiện sử dụng chưa đúng mức cho thấy đây là một nguồn tinh bột tiềm năng. Ở dạng tinh bột, việc sử dụng nó có thể phát triển ở dạng biến tính. Tuy nhiên, những nghiên cứu còn hạn chế về tinh bột biến tính và đặc tính của nó. Nghiên cứu nhằm xác định đặc tính của tinh bột biến tính xử lý bằng nhiệt ẩm xét trên khía cạnh thành phần dinh dưỡng, tính chất và đặc điểm vật lý. Thành phần dinh dưỡng, tính chất và đặc điểm vật lý được phân tích bằng các phương pháp tiêu chuẩn và so sánh với bột bắp biến tính và tinh bột sắn biến tính. Sự biến tính làm giảm hàm lượng ẩm, tăng lượng protein, tro và tinh bột kháng. Tinh bột biến tính được tạo ra có màu trắng với độ sáng (L) có giá trị nằm trong khoảng từ 95,70-93,98. Các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) cho thấy hình dạng và đặc điểm bề mặt của tinh bột là hình bầu dục đến đa giác với nhiều vết nứt, và vết lõm khác nhau trên bề mặt. Khả năng hút nước tăng lên trong khi độ trương nở và độ hòa tan giảm. Những thay đổi đáng kể về đặc tính nhão và hồ hóa cũng được quan sát thấy. Đường cong của độ nhão cũng tương tự như đối chứng. Tóm lại, tinh bột biến tính được tạo ra từ ý dĩ thông qua xử lý nhiệt ẩm cho thấy các đặc tính có thể có khả năng ứng dụng trong các sản phẩm thực phẩm đóng hộp, nước sốt, mì và bánh mì.

Cù Thị Hằng

 

(Nguồn tin: )