Thông tin dược liệu

Bản tin Dược liệu số 1/2018: Gấc

NGHIÊN CỨU SỰ BIẾN ĐỔI HÀM LƯỢNG LYCOPEN VÀ BETA-CAROTEN TRONG QUẢ GẤC SAU KHI THU HOẠCH

Apinya Bhumsaidon, Montip Chamchong

Agriculture and Natural Resources, 50 (4), 257-263 (2016)

Quá trình nghiên cứu sự biến đổi hàm lượng lycopen và beta-caroten trong quả gấc sau khi thu hoạch của 3 yếu tố khác nhau gồm: thời gian thu hoạch và bảo quản, phương pháp chuẩn bị mẫu trước khi chiết xuất. Kết quả thu được cho thấy, sau khi thu hoạch và bảo quản ở nhiệt độ 260C (±10C) và 24±1% RH trong khoảng 15 ngày thì hàm lượng lycopen trong 3 mẫu quả gấc (mẫu thu ở giai đoạn vỡ màu-M1; mẫu thu ở giai đoạn chín trung bình-M2; mẫu thu ở giai đoạn hoàn toàn chín-M3) trồng ở Thái Lan lần lượt là: 0,11-8,99 mg/100g quả tươi (M1); 3,88-22,94 mg/100 g quả tươi (M2); 18,95-50,11 mg/100 g quả tươi (M3). Trong khi đó, hàm lượng β-caroten nằm trong khoảng 0,002-4,82 mg/100 g quả tươi (M1); 0,31-13,59 mg/100 g quả tươi (M2); 22,68-39,16 mg/100 quả tươi (M3). Kết quả khảo sát ảnh hưởng điều kiện chuẩn bị mẫu cho thấy cả hai phương pháp chuẩn bị mẫu trước khi chiết xuất bằng kỹ thuật trộn (WBM) và nghiền bi (BMM) đều ảnh hưởng không đáng kể đến hàm lượng lycopen và beta-caroten trong quả gấc (p> 0,05). Quả gấc thu ở giai đoạn chín hoàn toàn sau 6 ngày bảo quản cung cấp hàm lượng lycopen cao nhất đạt 50,11± 1,59 mg/100 g quả tươi, trong khi  hàm lượng β-caroten được xác định đạt cao nhất trong mẫu quả chín hoàn toàn sau 15 ngày lưu trữ hoặc khi quả gấc đã bị hỏng. Phương pháp định lượng lycopene và beta-caroten trong quả gấc dùng trong nghiên cứu này là phương pháp UV-VIS. Nếu bỏ qua yếu tố mức độ chín khi thu hoạch, các phương trình biểu diễn giữa nồng độ lycopene, beta-caroten trong màng hạt gấc có hệ số tương quan lần lượt là 0,77 và 0,89 với sai số chuẩn ước lượng lần lượt là 16,09 và 6,39.

N.T.H.Ly/N.T.Nga

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐIỀU KIỆN CHIẾT XUẤT ĐẾN HIỆU SUẤT CHIẾT CAROTENOID, NHÓM CHẤT PHENOLIC VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CAO CHIẾT TỪ VỎ QUẢ GẤC

Hoang V. Chuyen, Xuan T. Tran, Minh H. Nguyen, Paul D. Roach, Sophie E. Parks, and John B. Golding

Journal of Advanced Agricultural Technologies, 2017, 4(1):87-91

Quả gấc (Momordica conchinchinensis Spreng.) là một loại quả rất giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học, đáng kể đến là các hợp chất carotenoid. Cho đến nay, mới chỉ có hạt quả gấc (gồm cả phần màng hạt) là được quan tâm và chế biến, vỏ quả bị loại mặc dù có hàm lượng carotenoid và phenolic tương đối cao. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát ảnh hưởng của loại dung môi, tỷ lệ dung mô/nguyên liệu chiết, thời gian chiết xuất, nhiệt độ chiết xuất sao cho hiệu suất chiết carotenoid, phenolic và khả năng chống oxy hóa trong sản phẩm chiết xuất từ vỏ gấc là tối ưu. Cao chiết bằng dung môi ethyl acetat cho hiệu quả chiết carotenoid, phenolic và khả năng chống oxy hóa cao nhất. Hàm lượng carotenoid và hoạt tính chống oxy hóa đạt tối ưu sau khi chiết trong khoảng thời gian 2 giờ với tỷ lệ dung môi chiết/nguyên liệu là 20:1 (ml/g). Hàm lượng phenolic đạt tối ưu sau khi chiết trong khoảng thời gian 2,5 giờ. Điều kiện về nhiệt độ chiết tối ưu xác định được là 500C. Với các điều kiện chiết xuất khảo sát được, cao chiết từ vỏ Gấc thu được cho hàm lượng carotenoid, phenolic và khả năng chống oxy hóa là tối ưu.

N.T.H.Ly

NGHIÊN CỨU SO SÁNH HÀM LƯỢNG CAROTENOID TRONG MOMORDICA COCHINCHINENSI (HỌ BẦU BÍ) ĐƯỢC THU HÁI TẠI AUSTRALIA, THÁI LAN VÀ VIỆT NAM

Dilani Wimalasiri, Robert Brkljača, Terrence J. Piva

Journal of Food Science and Technology, 54(9):2814-2824 (2017)

Momordica cochinchinensi (họ Bầu bí) là nguồn cung cấp lycopen và β-caroten lớn nhất trong tất cả những loài cây trái đã biết, tuy nhiên sự ảnh hưởng các các yếu tố như vùng thu hái, giống và môi trường đến hàm lượng carotenoid trong cây thì chưa được nghiên cứu. Nghiên cứu này đã phân tích hàm lượng carotenoid của 44 mẫu M. cochinchinensis được thu hái tại Australia, Thái Lan và Việt Nam, sử dụng phương pháp HPLC, quang phổ UV-Vis và được so sánh với phương pháp so màu. Hàm lượng lycopen cao nhất được tìm thấy trong các mẫu thu hái tại Hà Nội – Miền Bắc Việt Nam (7,76 mg/g), tỉnh Lâm Hà (6,45 mg/g) và Lâm Đồng (6,64 mg/g) – thuộc Miền Trung Việt Nam. Hàm lượng β-caroten cao nhất được tìm thấy trong 1 mẫu của Nam Định – thuộc Miền Bắc Việt Nam (9,60 mg/g), trong khi 1 giống gấc tại Hòa Bình – Miền Bắc Việt Nam có hàm lượng cả lycopen (5,17 mg/g) và β-caroten (5,66 mg/g) đều khá cao. Hàm lượng lycopen trong các mẫu được thu hái từ những vùng có nhiệt độ thấp (<14oC) tương đối cao hơn các vùng khác. Trong khi đó, β-caroten có hàm lượng cao nhất tại vùng có nhiệt độ từ khoảng 27oC tới 33oC. Việc cải tạo giống cây trồng nhằm nâng cao hàm lượng lycopen và β-caroten cần yêu cầu những phương pháp định lượng nhanh, chính xác. Cả 3 phương pháp phân tích được sử dụng đã được chấp nhận để định lượng lycopen. Giá trị màu thay đổi (a*/b*) thể hiện mối quan hệ tuyến tính nhiều hơn đối với lycopene đã cho thấy rằng phương pháp đo màu có khả năng phát triển nhằm lựa chọn những trái cây giàu lycopene.

Đ.N.T.Đạt/N.T.Hương

ĐỊNH LƯỢNG NHANH LYCOPENE VÀ β -CAROTEN TRONG GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG.)

P.Wihong, Patcharin Songsri, Bhalang Suriharn

Pakistan Journal of Botany, 49(2): 493-497, 2017

Một phương pháp đo quang đơn giản đã được phát triển để phân tích hàm lượng lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số trong gấc. Lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số được chiết từ các mẫu màng hạt gấc bằng 3 phương pháp chiết tăng cường dung môi. Phần nổi phía trên của các mẫu chiết sau đó được dùng để phân tích hàm lượng carotenoids bằng việc sử dụng đo quang phổ ở các bước sóng 450, 470 và 502 nm. Phương pháp đề xuất đã được thẩm định bằng các thông số bao gồm: tính chính xác, sự đơn giản và hiệu quả. Phương pháp được áp dụng để xác định lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số trong 43 kiểu gen gấc. Trên tất cả các kiểu gen, lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số được xác định bằng phương pháp đo quang không có sự khác biệt đáng kể so với việc sử dụng phương pháp HPLC. Một kiểu gen gấc có hàm lượng lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số cao được xác nhận bằng phương pháp HPLC, và nó cũng cho kết quả tương tự khi sử dụng phương pháp đo quang. Hệ số tương quan cao nhất được ghi nhận giữa phương pháp HPLC và đo quang III là: lycopen (r = 0.94; p≤0.01), β- caroten (r = 0.92; p≤0.01) and carotenoid tổng số (r = 0.93; p≤0.01). Các kết quả đã chỉ ra rằng phương pháp đo quang hiện nay có thể được sử dụng là giải pháp thay thế cho phân tích sắc ký để xác định hàm lượng lycopen, β-caroten và carotenoid tổng số trong gấc. Phương pháp này là đáng tin cậy, nhanh chóng, không tốn kém và có thể được dùng để theo dõi 1 số lượng lớn các mẫu trong chương trình nhân giống gấc.

Đ.N.T.Đạt

CHIẾT XUẤT DẦU  ARIL TỪ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) BẰNG PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT CO2 SIÊU TỚI HẠN

Suthida Akkarachaneeyakorn, Apinya Boonrattanakom, Pornchanok Pukpin, Samaporn Rattanawaraha,

Nakarin Mattaweewong

 Journal of Food Processing and Preservation, 41 (5), 2016.

Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra điều kiện phù hợp và phương trình toán học để mô tả hiệu quả của quá trình chiết xuất dầu gấc từ quả Gấc bằng phương pháp chiết CO2 siêu tới hạn, thông qua  hàm lượng các hoạt chất  β-caroten, lycopen, chỉ số iốt, độ acid và peroxide trong dầu gấc. Thực nghiệm được thiết kế theo mô hình phức hợp trung tâm (CCD) với hai nhân tố là nhiệt độ (31, 35, 45, 55, and 600C) và áp suất (130, 150, 200, 250 và 271 bar).  Kết quả hiệu suất chiết đạt 80-100% với điều kiện tối ưu nhiệt độ chiết là 50-600C và  áp suất 200–250 bar. Trong 100 g dầu gấc có chứa 30–50 mg β-caroten, 10–20 mg lycopen, 60-80% iốt, 0-4 mg KOH. So sánh hiệu  suất chiết dầu, hàm lượng β caroten, lycopen,  iốt,  độ acid thì có sự chênh lệch (% D) <10% giữa các giá trị thực nghiệm và các giá trị dự đoán từ mô hình toán học ở 550C và 220 bar, điều này chỉ ra rằng mô hình toán học phù hợp để dự đoán được hiệu suất chiết và hàm lượng β caroten, lycopen,  iốt, độ acid . Hơn nữa, khi áp suất tăng, hiệu suất chiết cũng tăng. Tại áp suất 150-200 bar, khi nhiệt độ tăng thì hiệu suất chiết giảm. Sự tăng nhiệt độ và áp suất này giúp cho hàm lượng β-caroten và lycopen trong dầu gấc cũng tăng theo.

H.T.Tuyết

TÁC DỤNG CHỐNG OXI HÓA VÀ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA DỊCH CHIẾT VỎ HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TRÊN CHUỘT ĐƯỢC GÂY TĂNG ĐƯỜNG HUYÊT BỞI MÔ HÌNH TỔN THƯƠNG SẢN SINH INSULIN BẰNG STREPTOCOZIN (STZ)

Apichakan Sampannang; Supatcharee Arun; Wannisa Sukhorum; Jaturon Burawat; Somsak Nualkaew; Chanwit Maneenin; Bungorn Sripanidkulchai & Sitthichai Iamsaard

Int. J. Morphol., 35(2):667-675, 2017

Nghiên cứu được tiến hành nhằm mục đích khảo sát ảnh hưởng của dịch chiết vỏ hạt gấc (GA) lên hệ thống sinh sản của chuột đực bị gây tăng đường huyết (HG) bởi streptocozin (STZ). Vỏ hạt gấc được chiết xuất bằng nước cất và đánh giá tác dụng chống oxi hóa in vitro. Chuột nhắt đực được chia thành 7 nhóm, nhóm 1: chứng; nhóm 2: nước cất; nhóm 3: GA 1000 mg/kg; nhóm 4: HG; nhóm 5: HG + glibenclamide; nhóm 6,7:HG + GA 500 và 1000 mg/kg tương ứng (7 con chuột/nhóm). Trong nhóm HG, chuột được gây tăng đường huyết bằng STZ liều đơn (150 mg/kg ). Những con chuột này được điều trị trong 35 ngày liên tiếp. So sánh các nhóm chuột về các chỉ tiêu: nồng độ glucose trong máu, trọng lượng, mô bệnh học của các cơ quan sinh sản, nồng độ tinh trùng bao gồm các mẫu protein phosphoryl tyrosin tinh hoàn bằng xét nghiệm miễn dịch Immuno-Western blotting. Kết quả cho thấy, GA có tác dụng chống oxi hóa, làm giảm đáng kể nồng độ glucose máu và làm tăng nồng độ tinh trùng ở chuột HG. Hơn nữa, GA còn thay đổi mật độ của protein 70 kDa trong tinh hoàn. Như vậy, dịch chiết GA có thể cải thiện tình trạng tăng đường huyết và tổn thương về sinh sản ở chuột nhắt đực do STZ gây ra.

Lê Ngọc Duy

TÁC DỤNG CHỐNG OXI HÓA CỦA HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) TRÊN TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI CỦA NGƯI VÀ PHÂN LẬP MỘT SỐ THÀNH PHẦN CHÍNH

Jae Sik Yu, Hyun-Soo Roh, Seul Lee, Kiwon Jung, Kwan-Hyuck Baek, Ki Hyun Kim

Revista Brasileira de Farmacognosia, vol.27 no.3 Curitiba May/June 2017

Gấc có tên khoa học là Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng., thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), là một loại quả dùng làm thực phẩm của người Nam Á và cũng được sử dụng trong y học cổ truyền. Những nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng hạt gấc (Momordicae Semen) có rất nhiều tác dụng sinh học như chống oxi hóa, chống loét và chất chuyển hóa của nó có tiềm năng chống ung thư như các triterpenoid và saponin. Tuy nhiên, hoạt tính chống ung thư của loài cây này vẫn chưa được nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra dịch chiết ethanol của hạt gấc làm giảm sự tăng sinh tế bào trên 4 dòng tế bào ung thư phổi ở người: A549, H1264, H1299 và Calu-6. Nghiên cứu thành phần hóa học dịch chiết ethanol đã phân lập và xác định cấu trúc 2 hợp chất saponin chính là gypsogenin 3-O-β-d-galactopyranosyl(1 → 2)-[α-l-rhamnopyranosyl(1 → 3)]-β-d-glucuronopyranosid (1) và quillaic acid 3-O-β-d-galactopyranosyl(1 → 2)-[α-l-rhamnopyranosyl(1 → 3)]-β-d-glucuronopyranosid (2). Những hợp chất này (1 và 2) làm giảm sự tăng sinh tế bào ở tất cả các dòng tế bào ung thư phổi trên. Ngoài ra, chúng còn làm giảm sự phát triển tế bào màng trong ung thư phổi nguyên phát. Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy hạt gấc có hoạt tính chống tăng sinh tế bào ung thư phổi cũng như tác dụng trên mạch máu với tế bào màng trong phổi.

Lê Ngọc Duy

TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CỦA CÁC SAPONIN TRITERPENOID PHÂN LẬP TỪ HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) TRÊN ĐCH Src/syk

Jae Sik Yu, Jun Ho Kim, Seulah Lee, Kiwon Jung, Ki Hyun Kim, Jae Youl Cho
The American Journal of Chinese Medicine, 2017;45(3):459-473

Gấc hay còn gọi là dưa đỏ có tên khoa học là Momordica cochinchinensis Spreng., thuộc Họ Bí - Cucurbitaceae, là trái cây có giá trị dinh dưỡng và làm thuốc ở Đông Nam Á. Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng hạt gấc để trị nhọt, đau thấp khớp, co thắt cơ, trĩ và u mạch máu. Nghiên cứu này đã khảo sát thành phần hóa học dịch chiết ethanol của hạt gấc, phân lập 3 saponin triterpenoid (1-3) và thử tác dụng chống viêm của các hợp chất này. Kết quả cho thấy, momordica saponin I (hợp chất 3) làm giảm sản xuất oxit nitric (NO) trong tế bào RAW264.7 bị kích hoạt bằng LPS mà không gây độc tế bào. Momordica saponin I làm giảm nồng độ mRNA của iNOS và cyclooxygenase (COX) -2 đồng thời ức chế đáng kể sự dịch chuyển p65 và p50 (tiểu đơn vị của yếu tố phiên mã NF- κB) vào hạt nhân. Hơn nữa, mức phosphoryl hoá các protein báo hiệu viêm (IκBα, Src và Syk) đã giảm khi điều trị bằng momordica saponin I. Các mục tiêu phân tử của momordica saponin I đã được xác định trong thí nghiệm biểu hiện quá mức và thông qua phân tích miễn dịch Src và Syk. Nghiên cứu này đã chứng minh momordica saponin I có thể điều trị hiệu quả các bệnh viêm và có thể là một tác nhân điều hòa miễn dịch sinh học có tính chống viêm.

Nguyễn Thị Hằng

HAI TRITERPENOID KHUNG OLEAN MỚI PHÂN LẬP TỪ DỊCH CHIẾT SAPONIN ĐÃ METHANOL PHÂN CỦA GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS)

Fan R, Cheng RR, Zhu HT, Wang D, Yang CR, Xua M, Zhang YJ.

Natural Product Communications, 2016, 11(6):725-8
 Hai saponin triterpenoid khung olean mới (1 và 2) cùng với 16 hợp chất đã biết (3-18) được phân lập từ saponin tổng số đã methanol phân của hạt cây gấc (Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.). Cấu trúc của chúng được xác định dựa trên phổ NMR 1 chiều và 2 chiều, phổ khối, methanol phân và phân tích LC-MS. Tất cả các chất phân lập được thử tác dụng gây độc tế bào trên 5 dòng tế bào ung thư ở người (HL-60, SMMC-7721, PANC-1, A-549, và SW-480) và tác dụng hấp thu glucose. Kết quả, hợp chất 6 có tác dụng gây độc trên dòng tế bào HL-60 với giá trị IC50 là 18,1 μM, còn hợp chất 10 có tác dụng gây độc tế bào đối với các dòng tế bào SMMC-7721 và A-549, với giá trị IC50 lần lượt là 34,4 và 32,8 μM. Ngoài ra, hợp chất mới 2 cho thấy tác dụng hấp thu glucose với lượng glucose tiêu thụ là 0,29 μM ở nồng độ 10 μM.

Nguyễn Thị Hằng

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC PHẦN KHÁC NHAU CỦA QUẢ GẤC THÁI (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.)

Jittawan Kubola, Sirithon Siriamornpun

Food chemistry, 127(3), 1138-1145, 2011

Tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học (lycopen, beta-caroten, lutein và các hợp chất phenolic) và tác dụng chống oxy hóa của ba phần của quả Gấc (vỏ quả, thịt và màng hạt). Kết quả cho thấy phần màng hạt có chứa hàm lượng lycopen và beta-caroten cao nhất, trong khi phần vỏ quả chứa hàm lượng lutein cao nhất. Hai nhóm acid phenolic chính đã được phát hiện và định lượng là acid  hydroxybenzoic và hydroxycinnamic. Acid gallic và acid p-hydroxybenzoic được tìm thấy ở cả ba phần. Acid ferulic và acid p-hydroxybenzoic được tìm thấy nhiều nhất trong phần thịt quả. Myricetin là flavonoid duy nhất được tìm thấy ở tất cả các phần. Apigenin là flavonoid có hàm lượng cao nhất trong phần thịt quả, trong khi đó rutin và luteolin cho hàm lượng cao nhất trong phần màng gấc. Đánh giá khả năng chống oxy hóa cho thấy dịch chiết của mỗi phần thể hiện tác dụng chống oxy hóa khác nhau. Phần dịch chiết màng gấc cho giá trị FRAP cao nhất. Khả năng chống oxy hóa của dịch chiết vỏ và thịt gấc lớn nhất khi quả gấc chưa chín, trong khi dịch chiết từ hạt tăng lên khi quả bắt đầu chín cho đến khi chín muồi. Hàm lượng acid phenolic và flavonid tổng số trong vỏ và thịt gấc giảm dần theo giai đoạn chín của quả (chưa chín > chín), và tác dụng chống oxy hóa cũng giảm theo trừ phần hạt.

Nguyễn Đình Quân

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐIỀU KIỆN VI SÓNG ĐẾN HIỆU SUẤT CHIẾT DẦU GẤC VÀ HÀM LƯỢNG β -CAROTEN VÀ LYCOPEN

Tuyen C. Kha, Minh H. Nguyen, Paul D. Roach, Costas E. Stathopoulos

Journal of Food Engineering117(4), 486-491.

Nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện chiết xuất dầu gấc như cường độ vi sóng, thời gian vi sóng, thời gian hấp và áp suất thủy tĩnh. Kết quả cho thấy, hiệu suất chiết dầu gấc cũng như hàm lượng  β-caroten và lycopen có thể tăng lên trong các điều kiện chiết xuất thích hợp. Khi xử lý mẫu, sấy khô bằng vi sóng cho thấy tốt hơn so với sấy khô bằng không khí. Độ ẩm sau khi sấy và hấp khoảng từ 8% đến 11 % là tốt nhất trước khi tiến hành ép dầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, điều kiện cho hiệt suất cao nhất khi tiến hành chiết dầu gấc từ 900 g mẫu là cường độ vi sóng 630W, thời gian vi sóng 65 phút, thời gian hấp là 20 phút và áp suất thủy tĩnh là 170 kg/cm2. Trong điều kiện như trên, hiệu suất chiết đạt tới 93% và dầu gấc chiết được chứa hàm lượng β-caroten và lycopen cao nhất lần lượt là 140 và 414 mg/ 100 ml.

Nguyễn Đình Quân/Lê Xuân Thảo

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT SẢN XUẤT GẤC LAI ĐEN

THƯƠNG PHẨM TẠI NGHỆ AN

  Nguyen Dinh Thi

Hue University Journal of Science,  2017, Vol. 126, No. 3C, pp: 33-42

 Những năm vừa qua, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất gấc lai đen thương phẩm cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao tại vùng trồng gấc nguyên liệu tập trung của công ty Cổ phần Nafoods Group, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đến nay chúng tôi đã xác định được: 1) Trồng gấc ghép và gấc giâm cành vào tháng 11–12 có tỷ lệ sống và năng suất quả năm đầu cao hơn trồng vào tháng 2 hoặc các tháng khác; 2). Mật độ trồng 500 cây/ha là phù hợp nhất; 3) Liều lượng bón NPK cho 1 ha trên nền 15 tấn phân chuồng + 400 kg vôi bột là 120 kg N + 80 kg P2O5 + 150 kg K2O; 4) Phun phân bón lá Zanon 3&6 hoặc Blago có tác dụng tốt cho gấc; 5) Làm cỏ gốc 1 tháng/1 lần kết hợp tưới nước 1 tháng/2 lần và 6) Cắt tỉa cành 1 tháng/1 lần kết hợp thụ phấn để cây gấc sinh trưởng và phát triển, giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.

L. X. Thảo

THAY ĐỔI CHẤT LƯỢNG VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG

OXY HÓA CỦA QUẢ GẤC TRONG ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Ở NHIỆT ĐỘ THẤP

S. Win, S. Kanlayanarat, M. Buanong, C. Wongs-Aree

ISHS Acta Horticulturae 1088: II Southeast Asia Symposium on Quality Management in Postharvest Systems, 30 June 2015, pages: 231-236

Nhiệt độ bảo quản là một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và duy trì thời hạn sử dụng của các sản phẩm tươi. Do trái gấc ít được mọi người biết đến nên không có nhiều thông tin về bảo quản sau thu hoạch, do đó thời hạn sử dụng của trái gấc rất ngắn sau khi thu hoạch. Để lựa chọn nhiệt độ bảo quản tối ưu cho việc kéo dài thời gian sử dụng và duy trì chất lượng quả gấc sau khi thu hoạch, gấc đã được giữ ở ba mức nhiệt độ bảo quản khác nhau lần lượt là 4°C, 13°C và 25°C. Kết quả chỉ ra rằng bảo quản quả gấc ở nhiệt độ 4°C và 13°C quả ít bị giảm trọng lượng, ít bị mềm, thay đổi màu sắc, tốc độ hô hấp và sản sinh ethylen ít hơn là bảo quản ở 25°C. Tuy nhiên, quả bảo quản ở nhiệt độ 4°C không đạt được độ chín và một số quả còn bị héo. Hoạt tính chống oxy hóa cao nhất được quan sát ở cùi quả, tiếp theo là màng hạt gấc và cuối cùng là thịt quả. Hoạt tính chống oxy hóa không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bảo quản nhưng thời gian bảo quản lại làm giảm hoạt tính này.

L. X. Thảo/ Đ.T.Anh

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC GIỐNG GẤC LAI ĐEN TẠI NGHỆ AN
Nguyen Dinh Thi

Hue University Journal of Science, 2016, Vol. 124, No. 10

Nghiên cứu được tiến hành trên vùng nguyên liệu Gấc tập trung 100 ha của công ty cổ phần Nafoods Group tại Nghệ An. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống gấc gồm 45 tiêu chí định tính thông qua mức độ biểu hiện từng tính trạng và cho điểm, 22 tiêu chí định lượng về đặc điểm nông sinh học. Đánh giá giống Gấc lai đen thông qua các chỉ tiêu định tính cho thấy giống có một số đặc điểm nổi bật là chiều dài lóng và độ dày thân trung bình, lá lớn có màu xanh đậm, chiều dài và chiều rộng lá gần bằng nhau, lá xẻ 3 thùy với độ sâu và gân trung bình, cuống lá dài, quả to hình bầu dục, gai quả trung bình nhưng nhọn, vỏ quả màu xanh đậm (xanh đen) và khi chín có màu đỏ thẫm, màng thịt quanh hạt dày, khi chín màu đỏ sẫm. Giống có khả năng chống chịu bệnh thán thư và héo rũ tốt, chịu hạn tốt và chịu úng khá. Đánh giá đặc điểm nông sinh học qua các chỉ tiêu định lượng của giống Gấc lai đen cho thấy giống có chiều dài lóng 6,51 cm, đường kính lóng 2,45 cm, chiều dài lá 19,86 cm và chiều rộng lá 19,05 cm, chiều dài cuống lá 7,8 cm và đường kính cuống lá 0,48 cm, đường kính hoa đực 10,08 cm và chiều dài cánh hoa đực 8,09 cm, đường kính hoa cái  9,20 cm và chiều dài cánh hoa cái 7,00 cm, chiều dài bầu quả 3,66 cm và đường kính bầu quả 1,69 cm, thời gian từ ra hoa đến quả chín là 85 ngày, đường kính quả 20,32 cm, chiều dài quả 24,05 cm, khối lượng quả 3,12 kg, tỷ lệ vỏ quả 68%, tỷ lệ màng hạt 20% và tỷ lệ hạt 12%, hàm lượng lycopen 971,87mg/kg màng hạt và hàm lượng β-carotene 1.042,96mg/kg màng hạt .

Lê Xuân Thảo

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘ CHÍN TỚI CÁC TÍNH CHẤT HÓA LÝ CỦA QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.)

Xuan T. Tran, Sophie E. Parks, Paul D. Roach, John B. Golding, and Minh H. Nguyen

Food Science & Nutrition, 2016 Mar; 4(2): 305–314

 Lớp màng bao quanh hạt gấc rất giầu các acid béo và carotenoid (lycopen và β‐caroten). Hiểu rõ các yếu tố chất lượng này bị ảnh hưởng như thế nào bởi độ chín của quả tại thời điểm thu hoạch có thể xác định các chỉ số đánh giá chất lượng quả. Một số đặc tính vật lý và hóa học của quả đã được xác định đối với quả thu hoạch từ 8-16 tuần sau khi thụ phấn. Tốc độc hô hấp và khả năng sản sinh ethylen của quả được đánh giá sau khi thu hoạch và bảo quản quả trong thời gian 20 ngày ở điều kiện 20oC. Quả thu hoạch vào khoảng 14 tuần sau khi thụ phấn cho hàm lượng dầu (0.27 ± 0.02 g/g khối lượng chất khô), hàm lượng lycopen (0.45 ± 0.09 mg/g khối lượng tươi) và hàm lượng β‐caroten (0.33 ± 0.05 mg/g khối lượng tươi) cao nhất, các chỉ tiêu này giảm đi khi thu hoạch quả ở tuần thứ 16 sau khi thụ phấn. Màu sắc lớp vỏ ngoài của quả và tổng lượng chất rắn hòa tan ở màng vỏ hạt gấc là các chỉ tiêu xác định hàm lượng dầu và hàm lượng carotenoids trong vỏ hạt. Chất lượng của quả gấc có thể được xác định bằng màu sắc vỏ quả, tổng lượng chất rắn hòa tan và độ cứng của quả. Thu hoạch quả chín ở độ tuổi 12 tuần sau khi thụ phấn sẽ thiết thực hơn vì quả còn cứng, thuận tiện cho vận chuyển, tuy nhiên, chất lượng quả trong suốt quá trình chín sau thu hoạch có thể bị ảnh hưởng. Quả tiếp tục chín sau khi thu hoạch và sản sinh ra nhiều ethylen nhất ở quả thu hoạch sớm nhất. Điều này có thể phản ánh một trạng thái suy giảm nào đó nhưng cần được khảo sát thêm.

L. X. Thảo

NGHIÊN CỨU NHÂN GIỐNG VÀ SẢN XUẤT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TRONG NHÀ LƯỚI

Sophie E. Parks, Carly T. Murray, David L. Gale, Basem Al –Khawaldeh, Lorraine J. Spohr

Experimental Agriculture,

Volume 49, Issue 2 April 2013, pp. 234-243

Việc các hộ dân nghèo mở rộng sản xuất cây gấc (Momordica cochinchinensis), một loại thực phẩm chưa được sử dụng đúng mức, là cơ hội để cải thiện sinh kế và ở một quy mô lớn hơn sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe này. Các phương pháp trồng trọt cần phải được xây dựng phù hợp với sản xuất ở cả quy mô nhỏ và lớn, cần phải xem xét tỷ lệ cây đực, cây cái ngẫu nhiên khi trồng từ hạt và hiện tượng cây sinh trưởng chậm khi trồng ở nhiệt độ mát. Ở nghiên cứu này, chúng tôi đã kiểm tra phản ứng của cây đối với các kỹ thuật nhân giống và canh tác trong nhà lưới để xác định phương pháp tối ưu cho sản xuất gấc. Cây nảy mầm từ hạt giống gieo trên giá thể ươm cây ở điều kiện ấm, ẩm đã được trồng thủy canh đến khi trưởng thành trong điều kiện nhà lưới có kiểm soát khí hậu trong suốt mùa đông ôn đới đến khi quả chín cho thu hoạch ở tuần thứ 44 (tính từ khi gieo hạt). Những cành cắt từ cây cái được nhúng vào bột hoặc gel hoóc môn kích thích ra rễ indole-3-butyric, hoặc không được xử lý, sau đó đặt vào len đá (bông khoáng cách nhiệt), hỗn hợp đóng bầu, nước hoặc túi giá thể trồng cây. Tất cả các công thức phối trộn, ngoại trừ công thức không được xử lý, đều cho thấy cây phát triển khỏe mạnh khi trồng trong nhà kính thứ hai. Nhân giống gấc ban đầu từ hạt, sau đó nhân giống vô tính tăng thêm số lượng bằng việc giâm hom từ cành cây cái có thể tăng quy mô sản xuất gấc trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Sản xuất gấc sử dụng công nghệ nhà kính như được mô tả lần đầu tiên ở đây, có thể được áp dụng cho các vùng ôn đới khác. Việc phát hiện ra những trái gấc lớn có tỷ lệ phần màng hạt gấc ăn được nhiều hơn những trái nhỏ gợi ý một hướng nghiên cứu mới nhằm việc tăng sản lượng gấc.

L. X. Thảo

ẢNH HƯỞNG CỦA HẠN MẶN ĐẾN MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM

SINH LÝ CỦA CÂY GẤC

(MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG.)

Thitiwan Jumpa, Wattana Pattanagul

 and Patcharin Songsri

KHON KAEN AGR. J. 45 SUPPL. 1 : (2017). 255-260

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định ảnh hưởng của hạn mặn đến một số đặc điểm sinh lý của cây gấc. Cây con gấc được trồng trong khoảng 2 tháng trước khi tưới NaCl với lượng 0, 50, 100, 150 và 200 mM. Kết quả theo dõi sau 2 tháng chỉ ra rằng: hạn mặn không có ảnh hưởng đến tổng hàm lượng đường và hoạt động của enzym superoxid dismutase (SOD). Mặt khác, 200 mM NaCl làm tăng họat động của emzym guaiacol peroxidase (GPX) và enzym catalase (CAT) nhưng lại giảm hàm lượng diệp lục hơn so với các nhóm khác. Khi tăng nồng độ NaCl kết quả làm tăng mức độ rò rỉ điện giải, đặc biệt ở mức độ 200 mM. Từ đó có thể kết luận rằng gấc có thể trồng trong đất có nồng độ NaCl không quá 150 mM để duy trì hàm lượng diệp lục, độ rò rỉ điện giải và hoạt động của các enzym chống oxy hóa.

Lê Xuân Thảo

TRÁI GẤC: DINH DƯỠNG, THÀNH PHẦN HÓA LÝ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHO CHẾ BIẾN

Tuyen C. Kha , Minh H. Nguyen , Paul D. Roach , Sophie E. Parks  & Constantinos Stathopoulos

Journal of Food Reviews International

 Volume 29, 2013 - Issue 1, Pages 92-106

 Quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là một loại quả giàu dinh dưỡng, bao gồm các carotenoid, acid béo, vitamin E, các hợp chất polyphenol và flavonoid. Các hợp chất có tác dụng chữa bệnh được tìm thấy trong hạt gấc tuy nhiên những lợi ích từ các sản phẩm truyền thống cũng cần được làm rõ thêm. Cây gấc là cây có tiềm năng cho giá trị cao, đặc biệt là phần quả có thể chế biến thành các chất bổ sung dinh dưỡng và các chất tạo màu cam và màu vàng tự nhiên. Tuy nhiên, cây này có nhiều tác dụng chưa được nghiên cứu. Thông tin về yêu cầu trong việc sản xuất gấc vẫn còn nhiều hạn chế và công tác chế biến những sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ trái gấc sẽ là một lĩnh vực mới cần đầu tư nghiên cứu. Sản phẩm từ quả rất đa dạng, được thể hiện qua các dạng chế biến như màng hạt gấc, hạt gấc, phần thịt gấc, vỏ gấc với các sản phẩm dạng bột và viên nang dầu gấc. Những sản phẩm từ trái gấc này rất có tiềm năng sử dụng trong các loại đồ uống như nước trái cây và sữa tiệt trùng, sữa chua, mì ống, gạo nếp và nước chấm.

Lê Xuân Thảo

SỰ THAY ĐỔI HÀM LƯỢNG CAROTENOID TỔNG SỐ TRONG SẢN PHẨM BỘT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) KHI TĂNG NHIỆT ĐỘ BẢO QUẢN ĐẾN NHIỆT ĐỘ THÍCH HỢP VÀ THỜI GIAN BẢO QUẢN SẢN PHẨM

Le Khac Lam Dien, Nguyen Phuoc Minh, Dong Thi Anh Dao

International Research Journal of Natural Sciences, June 2014,

Vol. 2, No.2, pp.31-37

Gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là cây bản địa của Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Phần thịt hạt gấc có chứa nồng độ cao carotenoid, đặc biệt là tiền vitamin A, beta-caroten. Do quy định và nhu cầu của người tiêu dùng nên các sản phẩm thực phẩm công nghiệp hoá hiện nay cần phải nêu rõ thời hạn sử dụng - thời gian mà các đặc tính của chúng khi được bảo quản trong bao bì vẫn được giữ ở mức chấp nhận được. Ngày nay người tiêu dùng yêu cầu các sản phẩm có vẻ ngoài ưa nhìn, kết cấu, mùi vị và hương vị tốt trong khi vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng. Chính vì vậy, các công ty thực phẩm cần phải thực hiện các nghiên cứu về sự thay đổi bất cứ khi nào một sản phẩm mới hoặc sản phẩm cải tiến của họ sẽ được đưa ra thị trường. Mục đích của nghiên cứu này là phát triển một phương pháp để điều tra sự thay đổi hàm lượng carotenoid tổng số trong sản phẩm bột gấc khi tăng nhiệt độ để tìm ra nhiệt độ và thời hạn bảo quản sản phẩm thích hợp. Kết quả cho thấy tổng hàm lượng carotenoid duy trì ở mức 70% so với hàm lượng ban đầu khi bảo quản trong vòng ba tháng ở 10oC hoặc năm tháng ở 5oC trong điều kiện không có oxy và ánh sáng.

 

Lê Xuân Thảo

CÁC TÍNH CHẤT HÓA LÝ VÀ DINH DƯỠNG CỦA PHẦN VỎ GẤC, THỊT GẤC VÀ MÀNG VỎ HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) TRỒNG TẠI MALAYSIA

Mohd Nazri Bin Abdul Rahman

 31st Scientific Conference of Nutrition Society of Malaysia, At Hotel Istana, Kuala Lumpur, May 2016

Nghiên cứu này thực hiện để xác định tính chất hóa lý và dinh dưỡng của các phần vỏ gấc, phần thịt quả gấc và phần màng bao quanh hạt gấc (Momordica cochinchinensis) khi được trồng lần đầu tiên ở Malaysia. Các chỉ tiêu về lý tính được xác định trước khi quả được cắt ra thành từng phần. Các thành phần của vỏ, thịt quả và màng bao hạt gấc được thực hiện theo phương pháp AOAC. Màu sắc của vỏ quả gấc (L*, a*, b*) lần lượt là 40,69 ± 0,82, 43,93 ± 0,59 và 37,38 ± 1,67. Khối lượng quả từ 245g đến 762g, tỷ lệ độ dài/chu vi 0,39cm đến 0,44cm. Phần thịt quả chiếm phần trăm cao nhất (39% ± 0,02) so với trọng lượng quả trong khi hạt chỉ chiếm (23% ± 0,02), vỏ (19% ± 0,02) và màng hạt gấc (19% ± 0,01). Độ pH của phần ăn được của quả gấc (thịt quả và màng bao quanh hạt gấc) lần lượt là 5,65 ± 0,02 và 5,54 ± 0,02 và acid có thể định lượng lần lượt là 0,02g /L và 0,03 đến 0,05g /L. Ngoài ra, phần màng hạt gấc có chứa tổng lượng chất rắn hòa tan cao hơn so với phần thịt gấc với 11,57% ± 0,52 và 4,90% ± 0,33 ° Brix. Chỉ số màu cho thấy phần thịt quả có màu sáng hơn so với phần màng bao quanh hạt gấc, phần màng này có màu đỏ đậm hơn màu của thịt quả. Phần thịt quả có độ ẩm cao nhất (94,94% ± 0,26), so với phần màng hạt gấc (90.67% ± 0.12) và phần vỏ gấc (88,10% ± 0,25). Hơn nữa, trái gấc có hàm lượng tro cao, đặc biệt là phần thịt quả, dao động từ 17,29 đến 23,45, tiếp đến là vỏ quả (13,99 đến 15,91) và cuối cùng là phần màng hạt gấc (6,31 đến 13,12). Gấc cũng được tìm thấy có chứa carbohydrat cao với giá trị lần lượt là 55,62%, 30,93% và 19,29% trong các phần màng hạt gấc, thịt quả và vỏ quả. Trong khi đó, vỏ chứa hàm lượng protein cao nhất (6,16% ± 0,26), tiếp theo là màng hạt gấc (5,76 ± 0,32) và thịt quả (4,57% ± 0,22). Tuy nhiên, phần màng hạt gấc có chứa hàm lượng chất béo đáng kể từ 14,55% ± 0,27 đến 29,97% ± 6,86 và trong khi vỏ quả tỷ lệ phần trăm thấp hơn (0,96% đến 2,17%) và thấp nhất là phần thịt quả (0,69% đến 2,47%). Tổng lượng chất xơ được tìm thấy cao nhất trong vỏ quả (68,56%), phần thịt chứa (43,53%) và màng hạt gấc chứa thấp nhất (20,55%). Nghiên cứu sơ bộ này chỉ ra rằng phần thịt quả và phần màng hạt gấc là nguồn cung cấp carbohydrat và khoáng chất quan trọng cho sự tiêu dùng của con người, trong khi đó phần màng hạt gấc có nguồn tiềm năng rất tốt cho các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe.

Lê Xuân Thảo

CÁC ACID BÉO TỰ DO CHUỖI DÀI TỪ LÁ GẤC -  CHẤT DẪN DỤ CÔN TRÙNG GÂY HẠI AULACOPHORA FOVEICOLLIS LUCAS (BỘ CÁNH CỨNG COLEOPTERA: HỌ ÁNH KIM CHRYSOMELIDAE)
Abhishek Mukherjee, Nupur Sarkar, Anandamay Barik
Journal of Asia-Pacific Entomology
Volume 17, Issue 3, September 2014, Pages 229-234

Dịch chiết từ lá gấc non, bánh tẻ và lá già sử dụng phương pháp phân tích sắc ký lớp mỏng và sắc ký khí khối phổ đã phát hiện 13 acid béo tự do, chiếm tổng số lần lượt là 82,29%, 91,30% và 68,52% acid béo ở lá non, lá bánh tẻ và lá già. Acid palmitic là acid béo chiếm tỷ lệ vượt trội, tiếp đó là acid stearic trong ba loại lá. Các acid béo tự do từ lá gấc non, lá gấc bánh tẻ và lá gấc già thu hút các con cái trưởng thành loài Aulacophora foveicollis Lucas (Bộ cánh cứng Coleoptera, họ Ánh kim: Chrysomelidae) với nồng độ tối thiểu 4, 2 và 8 μg; trong khi hỗn hợp acid béo tổng hợp tương tự với các acid béo tự do của lá non, lá bánh tẻ và lá già đã chỉ ra rằng sự thu hút ở nồng độ nhỏ nhất là 4, 2 và 10 μg dùng khứu lực kế bằng phép thử sinh học với ống thủy tinh hình chữ Y trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các kết quả cho thấy A. foveicollis có thể sử dụng các acid béo tự do chuỗi dài như một tín hiệu khứu giác cho vị trí mà nó bị hấp dẫn. Từng acid béo tổng hợp có tỷ lệ giống hệt như tỷ lệ các acid béo phát hiện trong dịch chiết của 3 loại lá gấc cũng được đánh giá bằng thí nghiệm sinh học về khứu giác. Tuy nhiên chỉ có acid palmitic liều tối thiểu là 2,17 μg thu hút được côn trùng. Hỗn hợp các acid béo tổng hợp nhân tạo có tỷ lệ tương ứng trong dịch chiết của lá bánh tẻ với nồng độ 8 μg hoặc hàm lượng acid palmitic 5,42 μg có sức thu hút nhất đối với loài A. foveicollis. Do đó có thể sử dụng acid palmitic nồng độ 5,42 μg trong chương trình quản lý sâu hại như biện pháp dùng bẫy bắt mồi.

Lê Thị Thu

SỰ THAY ĐỔI CHẤT LƯỢNG SAU THU HOẠCH CỦA QUẢ GẤC KHI THU HOẠCH Ở CÁC THỜI KỲ KHÁC NHAU VÀ ĐƯỢC XỬ LÝ CHITOSAN

Soe Win; Mejunpet, N.; Buanong, M.; Kanlayanarat, S.; Wongs-Aree, C.

International Food Research Journal, 2015, Vol. 22, Issue 6, p 2219-2224

 Giống gấc địa phương của Thái Lan có vòng đời ngắn sau khi thu hoạch được tiến hành điều tra về sự thay đổi các thuộc tính của quả trong quá trình tăng trưởng quả và sau thu hoạch. Thời gian từ giai đoạn gấc hình thành quả đến giai đoạn chín hoàn toàn là 9 tháng. Những thay đổi về khối lượng tươi và thể tích của quả đang phát triển được thể hiện dưới dạng đường cong đơn hình sigma và độ cứng của quả giảm đi sau 5 tuần quả phát triển. Hơn nữa, lượng ethylene tăng lên trong suốt quá trình phát triển của quả. Quả thu hoạch ở 4 giai đoạn trưởng thành khác nhau từ khi quả còn xanh đến vàng, cam và chín đỏ được bảo quản ở điều kiện phòng 25°C và độ ẩm 65-70% . Quả ở giai đoạn vàng đạt đến giai đoạn chín thông thường vào cuối thời gian bảo quản 12 ngày khi quả xanh không chín được và quả đỏ bị thối. Lượng phenolic cao nhất đã được quan sát thấy trong màng hạt gấc chủ yếu trong giai đoạn quả vàng ở 6 ngày bảo quản, tiếp theo là ở vỏ và ở phần thịt quả và sau đó giảm trong tất cả các phần của quả trong suốt quá trình bảo quản. Sau đó, quả thu hoạch ở giai đoạn màu vàng được nhúng trong chitosan nồng độ 0%, 0,5%, và 1,0% và được bảo quản ở nhiệt độ 10°C, độ ẩm 90-95%. Mặc dù quả ở tất cả các thí nghiệm không có sự khác biệt đáng kể về tốc độ hô hấp, độ cứng của quả, và một số đặc tính chất lượng khác, việc xử lý chitosan ở nồng độ 0,5% và 1,0% đã làm chậm quá trình nhiễm nấm và cải thiện mẫu mã quả.

Nguyễn Bá Hưng

CÁC ANKAN CÓ TRONG PHẤN HOA GẤC CÓ TÁC DỤNG THU HÚT LOÀI AULACOPHORA FOVEICOLLIS LUCAS (COLEOPTERA: CHRYSOMELIDAE)
A Mukherjee, N Sarkar, A Barik
Neotropical Entomology
August 2013, Volume 42, Issue 4, pp 366–371

Dịch chiết từ phấn hoa gấc sử dụng phương pháp phân tích sắc ký lớp mỏng và sắc ký khí khối phổ đã phát hiện 15 loại ankan chiếm tổng số 97,14% tổng số ankan có trong phấn hoa gấc. Ankan nonacosan là loại ankan phổ biến hơn cả, tiếp đến là ankan hexatriacontan, ankan nonadecan, ankan heptacosan và ankan hentriacontan tương ứng 39.08%, 24.24%, 13.52%, 6.32%, và 5.12% hàm lượng ankan tổng số.  Những ankan chiết xuất từ phấn hoa gấc cũng như  hỗn hợp ankan tổng hợp tương tự trong phấn hoa gấc cho thấy có sự thu hút con cái loài Aulacophora foveicollis Lucas (Coleoptera: Chrysomelidae) ở mức nồng độ từ 2 đến10-μg/mL trong thí nghiệm sinh học về khứu giác sử dụng ống thủy tinh hình chữ Y trong điều kiện phòng thí nghiệm. Ankan tổng hợp nonadecan với lượng khoảng 178.28–891.37 ng, heptacosan khoảng 118.14–590.72 ng, và nonacosan từ 784.73 ng cho thấy có thể hấp dẫn côn trùng. Hỗn hợp ankan tổng hợp của nonadecan 534.82 ng, heptacosan 354.43 ng, và nonacosan 2,354.18 ng có sức thu hút lớn nhất với loài  A. foveicollis.

Lê Thị Thu

NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG PHÁP TIỀN XỬ LÝ KHÁC NHAU VÀ TỶ LỆ CỦA CÁC VẬT LIỆU MANG ĐỐI VỚI HÀM LƯỢNG CAROTENOID TRONG BỘT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TRONG QUÁ TRÌNH SẤY KHÔ

Le Khac Lam Dien, Nguyen Phuoc Minh, Dong Thi Anh Dao

International Journal of Scientific & Technology Research

Volume 2, Issue 12, December 2013, Pages 360 - 371

Sự sẵn có của quả gấc theo mùa vụ, ba tháng trong năm, gấc được thu hoạch bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài đến tháng 12. Ở Việt Nam, cây gấc được trồng chủ yếu ở các khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng. Quả gấc được thu hái khi chúng đạt tối ưu về kích cỡ, cân nặng và màu sắc. Việc xử lý và vận chuyển sau thu hoạch kém sẽ làm giảm tuổi thọ của quả. Sau khi thu hoạch, nếu không bảo quản đúng cách, quả sẽ bị hỏng nhanh chóng và mất đi cơ hội trên thị trường chỉ sau một tuần ở các chợ khu vực thành thị. Quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) có chứa hàm lượng carotenoid rất cao, đặc biệt là β caroten và lycopen, và hàm lượng α-tocopherol (vitamin E) và các acid béo không bão hòa tương đối cao. Mục tiêu của nghiên cứu này là để hiểu sâu hơn các điều kiện thích hợp để chế biến quả gấc, với ba phương pháp tiền xử lý: chần, chần trong dung dịch acid citric và hấp; cũng như để khảo sát các tỷ lệ khác nhau của vật liệu mang nhằm tìm ra một tỷ lệ thích hợp có thể giữ được hàm lượng caroten trong bột gấc. Kết quả cho thấy việc hấp chín trong 6 phút là phương pháp tiền xử lý tốt nhất để bảo vệ và duy trì tổng hàm lượng carotenoid trong bột gấc và tỉ lệ thích hợp nhất của vật liệu mang : gấc là 1 : 1 (chất khô), trong đó tỷ lệ maltodextrin : gelatin là 0,5 : 0,5 (w/w). 

Nguyễn Thị Nga

SỰ THAY ĐỔI Β-CAROTEN VÀ LYCOPEN TRONG PHẨM MÀU TỰ NHIÊN TỪ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TRONG QUÁ TRÌNH SẤY
YARDFON TANONGKANKIT và cs.

2014 3r  International Conference on Nutrition and Food Sciences IPCBEE vol. 71 (2014)

Việc sử dụng phẩm màu tự nhiên gần đây được quan tâm từ quan điểm về lợi ích sức khoẻ. Màng hạt gấc cho thấy là một nguyên liệu tiềm năng để sản xuất chất màu thực phẩm vì nó chứa một lượng đáng kể β-caroten và lycopen có màu đỏ vàng. Tuy nhiên, sấy khô là một bước quan trọng để sản xuất phẩm màu và có thể làm giảm các hợp chất này trong màng hạt gấc. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu ảnh hưởng của nhiệt độ sấy không khí nóng (60-80°C) đối với sự thay đổi và duy trì β-caroten và lycopen ở gấc. Màu sắc của gấc sấy khô cũng được xác định. Kết quả cho thấy rằng cả β-caroten và lycopen đều bị giảm đáng kể trong quá trình sấy. Nhiệt độ sấy cao hơn làm tỷ lệ phân huỷ β-caroten và lycopene cao hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ sấy không ảnh hưởng đáng kể đến màu sắc của mẫu sấy khô. Sấy gấc bằng không khí nóng ở 60°C cho sản xuất phẩm màu tự nhiên giúp duy trì hàm lượng β-caroten và lycopen cao nhất.

Trần Danh Việt

NUÔI CẤY IN VITRO CÂY MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG. (CUCURBITACEAE)
Valerie K. Tokhtar, Liudmila А Tokhtar, Zhang Doang, Galina I Safronova, Oleg I Korotkov

Research Journal of Pharmaceutical, Biological and Chemical Sciences. Vol. 7 (No. 6), pp: 3243-3246

M. cochinchinensis (Lour.) Spreng. (cây gấc) (Cucurbitaceae) thuộc nhóm cây đơn tính khác gốc, các hạt giống của cây có một lớp vỏ gỗ rất cứng bao bọc. Các thí nghiệm về về khả năng sinh sản của các loài Momordica đơn tính khác gốc trước đây như trồng cây từ hạt, thu thập từ tự nhiên không cho kết quả khả quan do khả năng nẩy mầm của chúng thấp. Để nghiên cứu khả năng vi nhân giống của cây M. cochinchinensis, các thí nghiệm được thực hiện bằng cách đưa loại cây này vào nuôi cấy trong ống nghiệm, và lựa chọn phương pháp nhân giống phù hợp nhất. Kết quả cho thấy mẫu đưa vào được khử trùng thành công trong dung dịch lysoformin 7% trong 10 phút. Cây M. cochinchinensis, được đưa ra ngoài môi trường nuôi cấy, sau đó đã thích nghi với đất trồng, hình thành những mầm cây phát triển tốt cho thấy khả năng nhân giống của cây này trong nuôi cấy in vitro.

Nguyễn Thị Duyên

ĐA DẠNG DI TRUYỀN DỰA TRÊN ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC VÀ HÀM LƯỢNG HOẠT CHẤT TRONG QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG.)
N. Bootprom, P. Songsri, B. Suriharn, K. Lomthaisong and K. Lertrat

SABRAO Journal of Breeding and Genetics 47 (3) 278-290, 2015

Gấc là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vì nó chứa hàm lượng cao các thành phần hoá học, đặc biệt là -lycopen và beta caroten. Thông tin về biến đổi di truyền trong nguyên sinh chất có vai trò quan trọng trong nghiên cứu tạo giống mới. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá sự đa dạng di truyền của cây gấc dựa trên đặc điểm nông sinh học và hàm lượng hoạt chất. Hai mươi sáu mẫu gấc thu được từ các vùng khác nhau của Thái Lan và Việt Nam đã được đánh giá trên đồng ruộng theo thiết kế khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần lặp lại tại trang trại nghiên cứu Orchard Fruit, Khoa Khoa học thực vật và Tài nguyên Nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp, Đại học Khon Kaen, Thái Lan từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2010. Tính đa dạng di truyền của 26 mẫu gấc được xác định dựa trên những tính trạng về nông học (trọng lượng quả tươi, trọng lượng màng hạt, thời gian quả chín và số lượng hạt) và hàm lượng hoạt chất (carotenoid, lycopene, beta- caroten tổng số và lycopen trên quả). Sự biến đổi lớn về cả đặc điểm nông học và hàm lượng hoạt chất đã được quan sát thấy trong các mẫu gấc. Phân tích cụm cho thấy 26 mẫu gấc có thể được phân thành 6 nhóm khác biệt. Kết quả này rất hữu ích đối với bảo tồn nguồn gen, sử dụng và quản lý để chọn giống gấc trong tương lai.

Trần Thị Kim Dung

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ ĐẶC TÍNH HÓA LÝ CỦA QUẢ GẤC TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN
Xuan T. Tran, Sophie E. Parks, Minh H. Nguyen, Paul Daniel Roach, Tuyen C. Kha
AJCS 11(04):447-452 (2017)

Đánh giá sự thay đổi chi tiết về chất lượng màng hạt gấc trong quá trình bảo quản (hàm lượng lycopen, β-caroten và dầu). Mối liên quan giữa chỉ tiêu chất lượng  với độ rắn của quả, màu vỏ và tổng chất tan (TSS) của màng hạt cũng được khảo sát. . Quả chín đã được thu hoạch và phân loại theo kích cỡ từ hai ruộng trồng ở Việt Nam và một nhà lưới ở Úc. Quả được giữ trong hộp nhựa ở điều kiện phòng cho đến khi quả được coi là không thể bán được (7 ngày ở nhiệt độ  30°C - Việt Nam và 21 ngày ở 21°C - Úc). Bảo quản trong một tuần cải thiện chất lượng màng hạt thể hiện bằng việc tăng hàm lượng lycopen (lên đến 4,3 mg g⁻¹ trọng lượng khô), β-caroten (lên đến 1,5 mg g⁻¹ trọng lượng khô) và dầu (lên đến 0,4 g g-1 trọng lượng khô) và những kết quả này có mối tương quan chặt chẽ với độ rắn của quả (lycopen -0,923, β caroten -0,754, dầu -0,764, p <0,01) và TSS (lycopen -0,747, β caroten -0,664, dầu -0,672, p <0,01). Tuy nhiên, chất lượng giảm dần theo thời gian lưu trữ thêm. Màu vỏ không liên quan gì đến chất lượng màng hạt nhưng độ rắn của quả và TSS của màng hạt là những đặc điểm quan trọng trong việc xây dựng các chỉ tiêu đơn giản để quản lý chất lượng quả gấc thương mại.

Trần Thị Kim Dung

NẤM MỐC GÂY HẠI TRÊN QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG.)

Shamim shamsi, Sarowar hosen, MD.Al-Mamun and momtaz begum

Bangladesh J. Plant Taxon. 23 (2): 181-188, 2016

Mười một loài nấm có liên quan đến triệu chứng của bệnh thán thư và thối quả của cây gấc. (Ban Kakrol) đã được mô tả. Các loại nấm liên quan là Aspergillus niger Van Tieghem, Colletotrichum gloeosporioides (Penz) Sacc, C. orbiculare (Berk. & Mont.) Arx, Corynespora cassiicola (Berk và Curt) Wei, Curvularia clavata Jain, Dendryphiella vinosa (Berk và Curt.) Reisinger, Fusarium moniliforme J. Sheld, Lasidiodiplodia theobromae (Pat.) Griff. & Maubl., Pestalotiopsis guepinii (Desm.) Stey., Penicillium digitatum Sacc. và Xylohypha pinicola D. Hawksw. Xylohypha pinicola mới được ghi nhận ở Bangladesh.

                                                                                     Đặng Thị Hà

SINH THÁI HỌC CỦA LOÀI BỌ BẦU VÀNG AULACOPHORA FOVEICOLLIS (COLEOPTERA: CHRYSOMELIDAE) HẠI GẤC

Abhishek Mukherjee; Amarnath Karmakar; Anandamay Barik

Proceedings of the Zoological Society, 2017, 70, 1, pp 81-87

Ảnh hưởng của việc cho ấu trùng của bọ bầu vàng Aulacophora foveicollis Lucas (Coleoptera: Chrysomelidae) ăn rễ và trưởng thành của loài này ăn 3 loại lá gấc Momordica cochinchinensis Spreng. (Cucurbitaceae) (lá non, lá bánh tẻ và lá già) đã được nghiên cứu trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tổng thời gian sinh trưởng của ấu trùng là 19,7±0,2 khi cho ăn rễ non. Trưởng thành đực sống  28,4±1 ngày, 65,7±1,1 ngày và 22,8±1 ngày tương ứng khi cho ăn lá non, lá bánh tẻ và lá già. Khả năng sinh sản cao nhất khi cho bọ bầu vàng ăn lá bánh tẻ (202,2 ± 10,6). Tổng hàm lượng các chất carbohydrat, protein, lipid, nitrogen và amino acid cao hơn ở trong rễ, sau đó đến hàm lượng những chất này trong lá bánh tẻ, tiếp đến là lá non và lá già. Hàm ẩm có trong lá bánh tẻ cao hơn là trong rễ, lá non và lá già. Hàm lượng các hợp chất phenol nhiều nhất trong lá non, tiếp đến trong lá bánh tẻ và ít nhất trong lá già và rễ của cây yếu. Hoạt chất flavonol cao hơn ở lá non và ít nhất ở rễ. Kết quả này đã chỉ ra rằng trưởng thành của bọ bầu vàng A. foveicollis hoạt động tốt hơn khi ăn lá bánh tẻ so với ăn lá non và lá già.

Chu Thị Mỹ

CẤU TRÚC HÌNH THÁI CỦA HAI LOÀI RUỒI ĐỤC QUẢ BACTROCERA TAU (DIPTERA: TEPHRITIDAE) GÂY HẠI GẤC MOMORDICA COCHINCHINENSIS (CUCURBITACEAE) Ở THÁI LAN VÀ LÀO

Dujardin, J. P.; Kitthawee, S.

Zoology, 2013, 116, 2, pp 129-138

Sự khác nhau về hính thái với sự đánh giá qua gân cánh đã được nghiên cứu qua 777 mẫu ruồi đục quả được thu thập ở Thái Lan (9 tỉnh) và Lào (một khu vực). Cấu trúc hình thái của nhóm loài ruồi đục quả B. tau  A và C đã được định loại dựa trên hình dạng cánh tương tự như những hình ảnh tham khảo đã được công bố. Ở Thái Lan, nhóm loài ruồi đục quả B. tau A đã được tìm thấy ở 4 tỉnh và nhóm loài B. tau C ở 6 tỉnh và cả hai nhóm loài này được đều được tìm thấy ở một tỉnh của Lào. Mục đích của nghiên cứu này nhằm giải thích sự khác biệt hình dạng và kích thước về cấu trúc hình thái của hai nhóm loài ruồi đục quả được thu thập trên cùng một cây ký chủ là gấc (Momordica cochinchinensis) ở các vùng địa lý khác nhau. Mặc dù được thu thập trên cùng một cây ký chủ nhưng đặc điểm hình thái của hai loài này khác nhau. Nhóm loài ruồi đục quả B. tau A có khả năng gây hại trên nhiều loại quả khác nhau, nhóm loài ruồi đục quả B. tau C chỉ gây hại trên gấc. Hơn thế nữa, hai nhóm loài ruồi đục quả này có cấu trúc quần thể khác nhau. Sự cách ly bằng mô hình khoảng cách được thể hiện rõ ràng ở cả hai giới tính của nhóm loài C, trong khi sự cách ly này không được phát hiện ở nhóm loài A. Vì vậy, sự khác biệt về khoảng cách phù hợp với hành vi đã được biết đến của những nhóm loài này, cả nhóm loài phổ biến ( nhóm loài A) hoặc nhóm loài đặc biệt (nhóm loài C), và cho mỗi loài dữ liệu của chúng tôi gợi ý các nguồn khác nhau về sự đa dạng hình dạng: Sự trôi dạt di truyền cho nhóm loài C, sự đa dạng về cây ký chủ (và cũng có thể là mối quan hệ giữa loài gây hại và ký chủ) đối với nhóm loài A. Ngoài các đặc điểm khác biệt trên, nhóm loài lớn hơn, B. tau C, có kích thước cơ quan sinh sản nhỏ hơn và có nhiều hình dạng khác nhau. Các dữ liệu được trình bày ở đây khẳng định sự khác biệt về hình dạng cánh giữa cấu trúc hình thái của hai nhóm loài. Sư biến đổi về hình thái đã được thảo luận có thể là nguồn gốc của sự đa dạng của các nhóm loài khác nhau này. Việc bổ sung các dữ liệu được công bố trước đây trên nhóm loài ruồi đục quả A gây hại các ký chủ khác nhau cho phép thử nghiệm các giả thuyết về sự biến đổi về hình thái. Giả thuyết đã bị bác bỏ đối với sự khác biệt về hình dạng nhưng được duy trì đối với sự khác biệt về kích thước.

Chu Thị Mỹ

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC ĐIỀU KIỆN CHẾ BIẾN MÀNG GẤC

BẰNG VI SÓNG ĐẾN HIỆU QUẢ TÁCH CHIẾT DẦU VÀ HÀM LƯỢNG β-CAROTEN VÀ LYCOPEN

Tuyen C. Kha, Minh H. Nguyen, Paul D. Roach, Costas E. Stathopoulos
Journal of Food Engineering
Volume 117, Issue 4, August 2013, Pages 486-491

 Ảnh hưởng của các điều kiện tách chiết dầu gấc bao gồm công suất vi sóng, thời gian vi sóng, thời gian hấp và áp suất thủy lực tới hiệu suất tách chiết và hàm lượng β-caroten và lycopen đã được nghiên cứu. Nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả tách chiết, hàm lượng β-caroten và lycopen có thể tăng lên khi điều kiện tách chiết phù hợp. Làm khô bằng vi sóng trước khi xử lý cho kết quả tốt hơn làm khô bằng không khí. Hàm lượng ẩm sau khi sấy và hấp từ 8-11% là tốt nhất cho việc ép dầu. Kết quả chỉ ra rằng điều kiện phù hợp nhất cho tách chiết dầu gấc với lượng mẫu 900g là: công suất vi sóng 630W, thời gian vi sóng 65 phút, thời gian hấp 20 phút và áp suất thủy lực 170 kg/cm2. Dưới những điều kiện trên, hiệu suất tách chiết đạt cao nhất 93%, hàm lượng β-caroten và lycopen trong dầu gấc đạt lần lượt là 140 và 414 mg/100 mL.

 Phan Thị Lâm

NG CAO HIU SUT CHIT LYCOPEN T GC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) BNG PHƯƠNG PHÁP GÂY ĐỒNG PHÂN HÓA Z QUA BƯỚC TIỀN XỬ LÝ BẰNG SÓNG VI BA

HONDA và cs.

European Journal of Lipid Science and Technology

Nghiên cứu này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả chiết xuất lycopen từ gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) bằng cách gây đồng phân hóa Z qua bước tiền xử lý với sóng vi ba.  Mặc dù 93.6% lycopen tổn tại dưới dạng đồng phần E trong màng hạt gấc khô, nhưng tổng lượng đồng phân Z có thể đạt được 35,6% và 58,5% bằng phương pháp chiếu sóng vi ba ở 900W trong 40s và 1050W trong 60s. Bước xử lý này đã nâng cao hàm lượng chiết xuất lycopen (hơn 6,0 hoặc 8,5 lần đối với chiết ép; 7,8 hay 13,5 lần đối với chiết xuất ethanol; và 4.5 hoặc 6.1 lần đối với chiết xuất dùng CO2 siêu tới hạn) so với không dùng sóng viba. Ngoài ra, dịch chiết chứa lượng đồng phần Z có hoạt tính sinh học và khả năng chống oxy hóa cao hơn so với các đồng phân E-lycopen.

Đỗ Quang Thái

NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT ĐỂ TÌM RA CÁC DUNG MÔI CÓ ƯU THẾ CHO QUÁ TRÌNH TÁCHCYSTIN KNOT PEPTID TỪ HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS)

MAHATMANTO và cs.

Fitoterapia, 2014, 95: 22-33.

MCoTI-I và MCoTI-II (viết tắt của Momordica cochinchinensis Trypsin Inhibitor-I và -II, tương ứng) là những hoạt chất hấp dẫn để phát triển các loại thuốc mới hướng đến đích nội bào vì cả hai đều khá bền vững và có thể hấp thụ vào trong tế bào. Các cystine knot peptid có nguồn gốc từ quá trình chuyển hóa hạt giống là ví dụ của những nỗ lực khám phá ra các sản phẩm tự nhiên có ứng dụng trong y sinh học. Tuy nhiên, quá trình này đôi khi bị cản trở do sự giới hạn khả năng phát hiện trong hạt, do đó cần thiết phải có các phương pháp chiết xuất hiệu quả. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá năm phương pháp chiết xuất hạt Gấc, một nguồn cystine knot peptid tốt. Phương pháp chiết xuất 9 loại cystine knot peptid cho hiệu quả tốt nhất là sử dụng hệ dung môi acetonitril/nước/formic acid (25: 24: 1), tiếp theo là natri acetat (20 mM, pH 5,0), amoni bicarbonat (5 mM, pH 8,0), và nước sôi. Trung bình, hiệu suất thu được của bốn phương pháp này cao gấp 250 lần so với cách chiết xuất sử dụng hỗn hợp dung môi dichloromethan / methanol (1: 1), một phương pháp chuẩn đã áp dụng trước đây. Chiết bằng hỗn hợp acetonitril/nước/formic acid (25:24:1) mang lại hiệu suất cao nhất thu được phần lớn các cystine knot peptid trong thực vật nhưng chỉ chiếm khoảng 50% so với tổng số khối lượng các peptid, điều đó cho thấy bất kỳ phương pháp chiết xuất đơn lẻ nào có thể thu được dưới số lượng chất. Áp dụng chiết lần lượt với acid acetonitril/nước/acid formic (25:24:1), nước sôi, và ammonium bicarbonat (5 mM, pH 8.0) hoặc riêng rẽ từng dung môi làm tăng đáng kể lượng chất. Nói chung hỗn hợp acid acetonitril/nước/acid formic (25:24:1) có thể là phương pháp chiết xuất hiệu quả để tách chiết cystine knot peptid từ hạt gấc nhưng chỉ sử dụng cho mục đích phát hiện, trong thực tế nên sử dụng sự kết hợp các phương pháp để chiết xuất

Đỗ Quang Thái

ẢNH HƯỞNG CỦA DUNG MÔI CHIẾT XUẤT VÀ PHƯƠNG PHÁP SẤY ĐẾN HÀM LƯỢNG LYCOPEN VÀ BETA CAROTEN TRONG DẦU GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.)

KUBOLA và cs.

Food Research International, 2013, 50.2: 664-669.

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của dung môi chiết xuất và phương pháp sấy đến hàm lượng lycopen và beta caroten trong dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.). Các dung môi được sử dụng để tối ưu chiết xuất nhóm carotenoid là cloroform:methanol (2:1), ete dầu và n-hexan. Ba phương pháp sấy khô được nghiên cứu bao gồm: sấy khí nóng (HA), sấy khí khô (LRH) và sấy hồng ngoại (FIR). Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng dung môi chiết xuất khác nhau thì hàm lượng lycopen và beta-caroten trong sản phẩm thu được cũng khác nhau. Theo đó, sử dụng dung môi chiết xuất cloroform/methanol (2:1) cho hàm lượng lycopen và beta-caroten cao nhất lần lượt là (0,49 và 1,18 mg/g) trong màng gấc và (0,045 và 0,009 mg/g) trong màng hạt tươi. Trong các phương pháp sấy, phương pháp HA cho hàm lượng lycopen trong màng gấc (tính theo mẫu khô) cao nhất (0,82 mg/g), tiếp theo là FIR (0,67 mg/g) và LRH (0,56 mg/g). Điều thú vị là sấy bằng phương pháp HA cho hàm lượng lycopen trong màng gấc cao hơn trong mẫu tươi. Như vậy, các phương pháp xử lý được biết là có tác động biến đổi các hợp chất hoạt tính sinh học trong thực vật. Ảnh hưởng này có thể làm thay đổi hoạt tính oxy hóa từ ít hoặc không thay đổi tới giảm đáng kể, hoặc thậm chí là tăng. 

Đỗ Quang Thái/Trần Hữu Khánh Tân

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP SẤY KHÁC NHAU LÊN ĐẶC TÍNH KHÔ, HÀM LƯỢNG CAROTENOID, TÍNH CHẤT HÓA HỌC VÀ VẬT LÝ CỦA PHẦN THỊT QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS L.)

TRIRATTANAPIKUL và cs.

International Journal of Food Engineering, 2016, 12.4: 395-409.

Phần thịt quả gấc (Momordica cochinchinensis L.) có nhiều carotenoid và chất xơ; tuy nhiên nó bị vứt đi trong quá trình xử lý. Cả hai giai đoạn chín của quả gấc có thể sử dụng trong các thí nghiệm sấy. Thịt quả gấc được sấy khô bằng các phương pháp khác nhau bao gồm:  sấy khay (40-600C), sấy hỗ trợ máy bơm nhiệt (40-600C), sấy vi sóng (450-900W), sấy kết hợp dùng năng lượng mặt trời và sấy lạnh. Mô hình Henderson hiệu chỉnh đã cho thấy sự phù hợp nhất của quá trình giải hấp phụ đẳng nhiệt. Mô hình mới được đề xuất là mô hình sấy tốt nhất. Đánh giá bằng hàm lượng β-caroten, lycopen, lutein,  phenol tổng và hoạt tính chống oxy hoá cho thấy phương pháp sấy hỗ trợ máy bơm nhiệt ở 60oC cho hàm lượng lutein, phenol tổng và hoạt động chống oxy hoá cao nhất và có thể làm giảm thời gian sấy xuống 25% và tăng hàm lượng lutein, phenol tổng và hoạt động chống oxy hóa lần lượt 12,6%, 32,0% và 0,3% và đây là phương pháp sấy cho nhiều hứa hẹn trong tương lai đối với thịt gấc.

Đỗ Quang Thái

CHIẾT DẦU VÀ CAROTENOID TỪ MÀNG HẠT GẤC ĐÃ ĐƯỢC SẤY VI SÓNG BẰNG DUNG MÔI NƯỚC HỖ TRỢ SIÊU ÂM (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.)

TUYEN C Kha và cs.

International Journal of food engineering, 2015, 11.4: 479-492.

Nghiên cứu này nhằm mục đích tối ưu hóa phương pháp chiết dung môi nước hỗ trợ siêu âm để thu được dầu, β-caroten và lycopen từ màng hạt gấc đã được sấy vi sóng. Các thông số được nghiên cứu bao gồm: công suất siêu âm, thời gian chiết, kích thước bột, tỷ lệ nước/bột dược liệu, lực ly tâm để thu các thành phần trong dịch chiết. Việc sấy vi sóng rồi chiết với nước mà không hỗ trợ siêu âm và làm khô trong không khí rồi chiết với nước có hoặc không có siêu âm cũng được thực hiện để so sánh. Bột dược liệu sau khi chiết xong được nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM). Kết quả cho thấy với công suất siêu âm 32 W/g bột dược liệu, thời gian chiết 20 phút, kích cỡ bột 0,3-0,5 mm, tỷ lệ nước/bột 9 g/ g và lực ly tâm 6.750 x g cho hiệu quả khai thác tối ưu: dầu (90%), β caroten (84%) lycopene (83%), và chỉ số oxy hóa (PV) thấp 2,2 meq/kg. Phân tích SEM đã khẳng định sự kết hợp của quá trình sấy vi sóng trước chiết với nước hỗ trợ siêu âm tạo ra sự phá hủy tế bào màng hạt gấc mạnh mẽ, phù hợp với việc chiết xuất dầu, β caroten và lycopen. Kết luận: dầu gấc có hàm lượng β-caroten và lycopen cao, chỉ số PV thấp có thể được chiết xuất bằng phương pháp sấy vi sóng và chiết nước hỗ trợ siêu âm.

Đỗ Quang Thái

PHÂN LẬP CAROTENOID TỪ DẦU QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.)

MAI H. C. và cs

Journal of Food Engineering, 2016, 172: 2-8.

Mục đích của nghiên cứu này là tối ưu hóa quy trình phân lập và tinh chế carotenoid từ dầu quả dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.). Carotenoid đã được phân lập và tinh chế bằng cách xà phòng hoá sử dụng glycol propylen. Quy trình tối ưu hóa gồm có 2 bước. Bước đầu tiên, đánh giá lần lượt tác động của từng thông số lên quy trình. Kết quả cho thấy sử dụng Tween 80 (từ 0,01 đến 0,05 mL/g dầu) có thể làm tăng thu hồi carotenoids. Kết hợp 0.4 mL/g dầu kali hydroxyd và 0.8 mL/g dầu propylen glycol cho kết quả thu hồi carotenoid đạt tối đa. Ba thông số (tốc độ khuấy, nhiệt độ và thời gian phản ứng) được thiết kế theo phương án cấu trúc có tâm. Các điều kiện tối ưu đã được ước tính bằng mô hình đáp ứng bề mặt đa thức bậc hai như sau: tốc độ khuấy 1094 vòng/phút, nhiệt độ 460C và thời gian phản ứng 228 phút, hiệu suất thu được ước tính khoảng 93%.

Đặng Tuấn Anh

SỬ DỤNG ENZYM HỖ TRỢ CHIẾT XUẤT DẦU GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TỪ MÀNG HẠT GẤC SẤY KHÔ

Tran Thi Yen Nhi và cs.

Journal of Food and Nutrition Sciences, 2016, 4, 1-6

Mục đích của nghiên cứu này là để cải thiện năng suất chiết xuất dầu từ ​​màng quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) bằng cách ứng dụng enzym thủy phân đồng thời đánh giá tính chất của dầu Gấc thu được sau khi bị tác động của các yếu tố nồng độ enzym, thời gian ủ và nhiệt độ sấy. Gấc tươi được xử lý bằng enzym thương mại (Viscozyme L) (0-0,2%) trong một khoảng thời gian (40-120 phút), sấy khô ở nhiệt độ nhất định (40-70oC) và sau đó chiết xuất với hexane để lấy phần dầu. Các điều kiện tối ưu để chiết xuât màng gấc là nồng độ enzym 0,15%, thời gian ủ 100 phút và nhiệt độ sấy 60oC. Trong các điều kiện này, tỷ lệ thu hồi dầu đạt 96,39% với tổng hàm lượng carotenoid là 196,47 mg/100g. Tỉ lệ thu hồi dầu (89,74%) và tổng hàm lượng carotenoid (132,16 mg/100g) cao hơn đáng kể so với mẫu không có xử lý bằng enzym. Chỉ số peroxid (8,73 meqO2/kg) và chỉ số acid béo tự do (3,58 mg KOH/g dầu) của dầu gấc chiết xuất tương đương với dầu chiết xuất bằng các phương pháp khác. Dầu Gấc giàu acid béo không no (acid oleic 48.99%, acid linoleic 21.09% và acid linolenic 0.86%), acid palmitic cao (24,18%) nhưng acid stearic thấp (3,52%). Việc sử dụng viscozyme L đã giúp tăng đáng kể hiệu suất chiết dầu và tổng khối lượng carotenoid trong dầu, trong khi đó dầu có chất lượng tốt về chỉ số độ ổn định oxy hoá.

Đặng Tuấn Anh

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐIỀU KIỆN SẤY PHUN TỚI THÀNH PHẦN VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA BỘT MÀNG QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS)

TUYEN C. Kha và cs.

Journal of Food Engineering, 2010, 98.3: 385-392.

Màng quả gấc có màu đỏ cam hấp dẫn và hàm lượng carotenoids rất cao, mang đến khả năng chống oxy hóa đặc biệt. Tuy nhiên, việc sấy phun màng gấc đã không thành công và maltodextrin được coi như là phụ gia làm khô phù hợp để bảo vệ màu sắc và tính chất chống oxy hoá. Bài báo này báo cáo ảnh hưởng của nhiệt độ sấy đầu vào (120, 140, 160, 180 và 2000C) và lượng maltodextrin bổ sung (10%, 20% và 30%) tới tính chất lý hóa và hoạt tính chống oxy hóa của bột màng gấc. Lượng hàm ẩm và khối lượng riêng đống, đặc điểm màu sắc, tổng hàm lượng carotenoid (TCC), hiệu suất bao gói và hoạt động chống oxy hoá tổng thể (TAA) đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi nồng độ maltodextrin và nhiệt độ khí vào. Tuy nhiên, chỉ số pH, aw và độ tan trong nước không bị ảnh hưởng đáng kể bởi điều kiện sấy phun. Nói chung, bột gấc có chất lượng tốt về màu sắc, TCC và TAA có thể được sản xuất bằng cách phun sấy ở nhiệt độ đầu vào của 1200C và thêm nồng độ maltodextrin ở 10% w/v.

Đặng Tuấn Anh

CHIẾT XUẤT DẦU GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) SỬ DỤNG CO2 SIÊU TỚI HẠN

AKKARACHANEEYAKORN và cs.

Journal of Food Processing and Preservation, 2017, 41.5.

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các điều kiện và phương trình toán học phù hợp để dự đoán hiệu quả việc chiết xuất dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.), bao gồm hàm lượng β-carotene, lycopene, chỉ số iốt, độ acid và peroxid trong dầu, sử dụng CO2 siêu tới hạn. Các thí nghiệm được lên kế hoạch bằng cách sử dụng thiết kế trung tâm (CCD) cho hai yếu tố: nhiệt độ (31, 35, 45, 55, và 60oC) và áp suất (130, 150, 200, 250 và 271 bar). Điều kiện tối ưu cho chiết xuất là nhiệt độ 50-60oC và áp suất 200-250 bar hiệu suất chiết đạt 80 – 100%, β caroten 30-50 mg/100g, lycopen 10-20 mg/100g, 60-80% chỉ số iốt, và độ acid từ 0-4mg KOH. Để so sánh hiệu quả chiết suất dầu và lượng β-caroten lycopen, chỉ số iốt, độ acid, có sự chênh lệch (%D) <10% giữa các giá trị thực nghiệm và các giá trị dự đoán từ mô hình toán học ở 550C và 220 bar, chỉ ra rằng mô hình toán học đã có thể tiên đoán được hiệu quả khai thác và lượng β caroten, lycopen, chỉ số iốt, và chỉ số acid rất tốt. Hơn nữa, khi áp suất tăng hiệu suất chiết tăng, và khi nhiệt độ tăng ở áp suất t150-200 bar thig hiệu suất chiết giảm. Sự tăng nhiệt độ và áp suất này dẫn đến thu được lượng lớn β-caroten và lycopen trong dầu gấc.

 

Đặng Tuấn Anh

ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG DỊCH CHIẾT TỪ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) TRONG CÔNG THỨC KEM CHỐNG LÃO HÓA

Leevutinun P và cs.

Journal of Cosmetic Science, 2015, 66(3):175-87

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa và kháng tyrosinase của dịch chiết từ gấc (Momordica cochinchinensis) và đánh giá lâm sàng kem chống lão hóa được chế biến từ Gấc. Dịch chiết từ Gấc ức chế hoạt ính kháng oxy hóa cao hơn vitamin C hay E, được đánh giá bằng phương pháp DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl; 41,25 ± 0,34 mg TEAC/ml dịch chiết), phương pháp ABTS (2, 2'-azinobis 3-ethylbenzothialin-6-sulfonic acid; 47,70 ± 0,18 mg TEAC/ml dịch chiết), và  phương pháp FRAP (lực chống oxy hóa bằng phương pháp khử sắt; 105,03 ± 2,326 mg TEAC/ml dịch chiết). Hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết từ gấc lần lượt cao hơn gấp 5,85 lần và 11,75 lần so với vitamin E trong thử nghiệm DPPH và ABTS. Phương pháp FRAP cho thấy rằng hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết gấc cao hơn 2.91 lần so với vitamin C. Bên cạnh đó, dịch chiết từ gấc cũng ức chế hoạt động của enzym tyrosinase (62,83% ± 1,99%). Hoạt động kháng tyrosinase của dịch chiết từ Gấc lần lượt cao gấp 1.51 và 2,06 lần so với của vitamin C và E. Tính an toàn và hiệu quả của kem làm từ dịch chiết Gấc như một thành phần chống nhăn nheo, dưỡng ẩm da, làm mềm da được đánh giá. Thử nghiệm đánh giá mức độ dung nạp da cấp tính không thể hiện sự kích ứng da. Một nghiên cứu lâm sàng thể hiện sự tăng hydrate hóa da. Độ sần sùi trung bình của da giảm, trong khi độ mịn tăng lên. Những kết quả này chỉ ra rằng sản phẩm kem làm từ chiết xuất của gấc là một loại kem chống lão hóa da hiệu quả.

L. V. Minh/ N. L. Tuyen

ẢNH HƯỞNG CỦA BỐN PHƯƠNG PHÁP SẤY KHÁC NHAU LÊN THÀNH PHẦN CAROTENOID VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HOÁ CỦA VỎ GẤC KHÔ

Chuyen HV và cs.

Journal of the Science of Food and Agriculture, 2017, 97(5):1656-1662

TỔNG QUAN:

Gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là một nguồn carotenoid phong phú để sản xuất bột, dầu và viên nang trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hiện nay, chỉ có hạt quả gấc được chế biến, trong khi vỏ, cũng như các thành phần khác bị loại bỏ, mặc dù có hàm lượng carotenoid cao, có thể chiết xuất cho mục đích thương mại. Trong nghiên cứu này, bốn phương pháp sấy khác nhau (không khí nóng, chân không, bơm nhiệt và sấy khô), nhiệt độ và thời gian sấy khô khác nhau đã được nghiên cứu để chế biến vỏ gấc khô thích hợp để chiết xuất carotenoid.

KẾT QUẢ:

Các phương pháp sấy và nhiệt độ sấy ảnh hưởng đáng kể đến thời gian sấy, hàm lượng carotenoid và khả năng chống oxy hoá của vỏ gấc khô. Trong số các phương pháp sấy đã được khảo sát, phương pháp sấy không khí nóng ở 80oC và sấy chân không tại 50oC cho vỏ gấc khô có mức lưu giữ carotenoid cao nhất và khả năng kháng oxy hoá mạnh nhất.

KẾT LUẬN:

Phương pháp sấy sử dụng không khí nóng ở 80oC và sấy chân không ở 50oC được khuyến khích sử dụng để sấy vỏ gấc.

L. V. Minh/ N. L. Tuyen

SRC/SYK- MỤC TIÊU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG KHÁNG VIÊM CỦA SAPONIN TRITERPENOID TỪ HẠT GẤC

(MOMORDICA COCHINCHINENSIS)

Yu JS và cs.

The American journal of Chinese medicine, 2017, 45(3): 459 – 473

Momordica cochinchinensis Spreng. (họ Cucurbitaceae), còn được gọi là gấc, hay dưa đỏ, là một loại quả ăn được ở Đông Nam Á có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh. Cụ thể, Momordicae Semen, hạt của quả gấc, được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để trị bệnh nhọt, đau thấp khớp, co thắt cơ, trĩ và bướu mạch máu ở gan. Trong nghiên cứu này, ba saponin triterpenoid (1-3) được phân lập từ chiết xuất ethanol hạt gấc và được đánh giá tác dụng kháng viêm. Trong các saponin, momordica saponin I (hợp chất 3) làm giảm việc sản xuất oxid nitric (NO) trên dòng tế bào RAW264.7 được kích hoạt bằng LPS mà không gây ra độc tính. Mức độ mRNA của inducible NO synthase (iNOS) và cyclooxygenase (COX)-2 được làm giảm bởi momordica saponin I. Ngoài ra, sự dịch chuyển của p65 và p50 (tiểu đơn vị của yếu tố phiên mã NF-κB) vào trong nhân được ức chế đáng kể. Hơn nữa, mức độ phosphoryl hóa của các protein tín hiệu viêm (IκBα, Src và Syk) được biết đến là các phân tử điều hòa thượng nguồn (upstream) của p65 được làm giảm khi xử lý bằng saponin momordica I. Các mục tiêu phân tử của momordica saponin I được xác định trong các thí nghiệm biểu hiện quá mức và thông qua các phân tích immunoblot với Src và Syk. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rằng momordica saponin I có thể có lợi trong điều trị các bệnh viêm và là một tác nhân điều hòa miễn dịch có đặc tính kháng viêm.

L. V. Minh/L. H. Trieu

TÁC DỤNG BẢO VỆ VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC SAPONIN ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG DO CISPLATIN GÂY RA TRÊN TẾ BÀO THẬN LLC-PK1

Jung K và cs.

Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters, 2016, 26(5): 1466-1470

Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát hiệu quả và cơ chế bảo vệ thận của Momordicae Semen, hạt gấc, chống lại tổn thương do cisplatin gây ra trên tế bào thận LLC-PK1. Để xác định các thành phần có hoạt tính, ba saponin được phân lập từ dịch chiết hạt gấc, gypsogenin 3-O-β-D-galactopyranosyl(1→2)-[α-L-rhamnopyranosyl(1→3)]-β-D-glucuronopyranosid (1), acid quillaic 3-O-β-D-galactopyranosyl(1→2)-[α-L-rhamnopyranosyl(1→3)]-β-D-glucuronopyranosid (2) và momordica saponin I (3). Hợp chất 12 cải thiện độc tính thận do cisplatin gây ra lên đến 80% ở nồng độ 5 và 25 µM. Sự phosphoryl hoá MAPKs được làm giảm khi xử lý bằng hợp chất 12 ở nhóm gây độc bằng cisplatin. Các kết quả cho thấy việc ngăn chặn các tín hiệu MAPKs đóng một vai trò trung gian quan trọng trong tác động bảo vệ thận của chiết xuất Momordicae Semen và hợp chất 12.

L. V. Minh, L. H. Trieu

CHIẾT XUẤT HẠT MOMORDICA COCHINCHINENSIS NGĂN CHẶN SỰ DI CƯ VÀ XÂM LẤN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ VÚ NGƯỜI ZR-75-30 THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH MMP-2 VÀ MMP-9

Zheng L và cs.

Asian Pacific Journal of Cancer Prevention, 2014, 15(3): 1105 – 1110

Mục tiêu: Di căn và xâm lấn là những lý do chính của sự thất bại trong điều trị u. Momordica cochinchinensis (Mu Bie Zi ở Trung Quốc) đã được sử dụng cho nhiều mục đích và cho thấy hoạt động kháng ung thư. Trong bài báo này, chúng tôi tập trung vào các tác dụng trên di căn và xâm lấn của tế bào ung thư vú ZR-75-30 bởi các chất chiết xuất từ hạt Momordica cochinchinensis (ESMCs).

Phương pháp: Ảnh hưởng của ESMC đối với sự tăng sinh của tế bào ung thư vú người ZR-75-30 được đánh giá bằng thực nghiệm MTT, xâm lấn và di căn bằng thử nghiệm wound-healing và matrigel invasion chamber. Sự biểu hiện và hoạt tính protease của hai protein matrix metalloproteinase (MMPs), MMP-2 và MMP-9, được phân tích bằng phương pháp Western blotting và zymography gelatin.

Kết quả: ESMC cho thấy hiệu quả ức chế tăng trưởng mạnh đối với các tế bào ZR-75-30 và ức chế hiệu quả sự xâm lấn của tế bào ZR-75-30 phụ thuộc liều. Phân tích Western blot và zymography gelatin cho thấy ESMC ức chế đáng kể sự biểu hiện và tiết của MMP-2 và MMP-9 trong các tế bào ZR-75-30.

Kết luận: ESMC có khả năng ngăn chặn sự di cư và xâm lấn của các tế bào ung thư ZR-75-30 và chứng tỏ sự quan tâm trong việc phát triển các chất ức chế mới cho bệnh ung thư vú.

L. V. Minh/ L. H. Trieu

CAROTENOIDS TỪ MÀNG HẠT GẤC CÓ ĐỘ HẤP THU SINH HỌC (BIOACCESSIBLE) TỐT HƠN SO VỚI TỪ CÀ RỐT VÀ CÀ CHUA

Muller-Maatsch J và cs.

Schweiggert RM. Food Res Int 2017;99(Pt 2):928-935

Sử dụng phương pháp mô phỏng tiêu hóa in vitro, sự giải phóng và hấp thu sinh học của β-caroten (29,5 ± 1,7% và 22,6 ± 0,9%) và lycopen (51,3 ± 2,6% và 33,2 ± 3,1%) từ màng hạt gấc cao hơn hẳn so với củ cà rốt (β caroten, 5,2 ± 0,5% và 0,5 ± 0,2%) và trái cà chua (lycopen, 15,9 ± 2,8% và 1,8 ± 0,5%). Màng hạt gấc tự nhiên chứa nhiều lipids hơn đáng kể (11% trọng lượng tươi) so với cà rốt và quả cà chua (<1%). Tuy nhiên, khi thử nghiệm các bữa ăn được bổ sung với nhũ tương dầu/nước để phù hợp với hàm lượng trong màng hạt gấc, sự hấp thu sinh học của carotenoids vẫn thấp hơn đáng kể so với màng hạt gấc. Carotenoids trong màng hạt gấc được lưu trữ trong các lạp thể tròn nhỏ. Mặc dù hàm lượng chất béo cao, những carotenoid này không có khả năng xảy ra ở trạng thái hòa tan lipid theo tính hòa tan, mà có thể hình thành dưới dạng các tinh thể nhỏ. Ngược lại, carotenoids từ cà rốt và trái cà chua được lưu trữ trong lạp thể dưới dạng các tinh thể lớn hình kim. Do đó, chúng tôi đưa ra giả thuyết dạng kết tinh tự nhiên chịu trách nhiệm chính đối với sự khác biệt trong sự hấp thu sinh học. Tỷ lệ phù hợp giữa bề mặt và thể tích của dạng kết tinh trong màng hạt gấc có thể cho phép micellization nhanh hơn trong suốt quá trình tiêu hóa, và do đó tăng khả năng hấp thu sinh học. Bất luận cuối cùng, màng quả gấc cung cấp một hình thức hấp thụ sinh học cao với lycopene và provitamin A (β-carotene), do đó cung cấp một nguồn thực phẩm có giá trị nhất của carotenoids. Hiện nay, gấc chủ yếu được trồng ở Đông Nam Á, nơi tiêu thụ của nó có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu vitamin A nghiêm trọng. Cuối cùng, quả gấc có thể góp phần làm giảm các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của việc thiếu vitamin A, như thiếu máu và xerophthalmia, nguyên nhân phổ biến của chứng mù lòa có thể phòng ngừa ở trẻ em, cũng như tử vong do các bệnh truyền nhiễm.

                                                             L. V. Minh/Minh-Quang Bui

 

TÁC DỤNG CHỐNG LẠI QUÁ TRÌNH TĂNG SINH CỦA HẠT MOMORDICA COCHINCHINENSIS TRÊN TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI CỦA NGƯỜI MÀ PHÂN LẬP CÁC HỢP CHẤT CHÍNH.

Yu JS và cs.

Brasileira de Farmacognosia 2017;27(3): 329-333

Gấc, Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng., Cucurbitaceae, là một loại trái cây ăn được ở Nam Á và đã được sử dụng điều trị trong y học cổ truyền Trung Quốc. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hạt M. cochinchinensis (Momordicae Semen) có nhiều dược tính khác nhau như chất chống oxy hoá và các tác động chống loét cũng như chứa các chất chuyển hóa thứ sinh với các hoạt tính chống ung thư như triterpenoids và saponins. Tuy nhiên, các hoạt tính sinh học trên bệnh ung thư vẫn chưa được nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng chiết xuất ethanol của nó làm giảm sự gia tăng tế bào trên 4 dòng tế bào ung thư phổi ở người, A549, H1264, H1299 và Calu-6. Nghiên cứu thành phần hóa thực vật từ cao chiết ethanol đã được tiến hành, kết quả cô lập được hai hợp chất saponins chính, được xác định là gypsogenin 3-O-β-d-galactopyranosyl (1 → 2) - [α-l-rhamnopyranosyl (1 → 3) ] -β-d-glucuronopyranosid (1) và acid 3-O-β-d-galactopyranosyl (1 → 2) - [α-l-rhamnopyranosyl (1 → 3)] - β-d-glucuronopyranosid (2). Điều trị bằng các hợp chất cô lập (1 và 2) làm giảm sự tăng sinh ở tất cả các dòng tế bào ung thư phổi ở người được kiểm tra. Ngoài ra, các hợp chất làm suy yếu sự phát triển tế bào màng trong phổi nguyên phát. Kết hợp với nhau, những phát hiện này cho thấy hạt M. cochinchinensis có hoạt tính chống tăng sinh trên tế bào ung thư phổi của người cũng như tác dụng angiostatic đối với tế bào màng trong phổi.

                                                                L. V. Minh/Minh-Quang Bui

ẢNH HƯỞNG  CỦA BỐN PHƯƠNG PHÁP SẤY KHÁC NHAU LÊN THÀNH PHẦN CAROTENOID VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HOÁ CỦA VỎ GẤC KHÔ

Chuyen HV1,2Roach PD1Golding JB1,3Parks SE1,3Nguyen MH1,4

  1. School of Environmental and Life Sciences, University of Newcastle, Ourimbah, NSW, 2258, Australia.

  2. Faculty of Agriculture and Forestry, Tay Nguyen University, Buon Ma Thuot, Daklak, Vietnam.

  3. NSW Department of Primary Industries, Ourimbah, NSW, 2258, Australia.

  4. School of Science and Health, Western Sydney University, Penrith, NSW, 2751, Australia.

2017 – Mar/ J Sci Food Agric.

KHÁI QUÁT

Gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là một loại trái cây có hàm lượng carotenoid phong phú để sản xuất bột, dầu và viên nang dùng cho thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hiện nay, chỉ có hạt quả Gấc được chế biến và vỏ cũng như các thành phần khác bị loại bỏ, mặc dù nó có hàm lượng carotenoid cao, có thể được chiết xuất cho mục đích thương mại. Trong nghiên cứu này, bốn phương pháp sấy khác nhau về nhiệt độ và thời gian (không khí nóng, chân không, bơm nhiệt và sấy khô) đã được nghiên cứu để sấy vỏ gấc khô có chứa hàm lượng carotenoid cao nhất.

KẾT QUẢ

Trong các phương pháp sấy, nhiệt độ sấy ảnh hưởng đáng kể đến thời gian sấy, hàm lượng carotenoid và khả năng chống oxy hoá của vỏ Gấc khô. Trong số các phương pháp sấy đã được khảo sát, sấy vỏ Gấc khô  bằng không khí nóng ở 80oC và phương pháp sấy chân không tại 50oC là các phương pháp lưu trữ được carotenoid cao nhất và khả năng chống oxy hoá mạnh nhất trong vỏ gấc khô.
KẾT LUẬN
Phương pháp sấy không khí nóng ở 80oC và phương pháp sấy chân không tại 50oC được đề nghị là các phương pháp để sấy vỏ gấc.
Lâm Bích Thảo

SO SÁNH HÀM LƯỢNG CAROTENOID TRONG MOMORDICA COCHINCHINENSIS (CUCURBITACEAE) THU ĐƯỢC TỪ ÚC, THÁI LAN VÀ VIỆT NAM

Wimalasiri D và cs.

  1. School of Applied Sciences (Biotechnology), RMIT University, PO Box 71, Bundoora, 3083 Australia.

  2. School of Applied Sciences (Chemistry), Health Innovations Research Institute (HIRi), RMIT University, GPO Box 2476V, Melbourne, VIC 3001 Australia.

  3. School of Medical Sciences, Health Innovations Research Institute (HIRi), RMIT University, PO Box 71, Bundoora, 3083 Australia.

Momordica cochinchinensis (Cucurbitaceae) là loài giàu lycopene và β carotene nhất trong các loại trái cây nhưng chưa được biết đến các ảnh hưởng về địa điểm thu hái, sự đa dạng và ảnh hưởng môi trường dẫn đến sự tích tụ carotenoid. Nghiên cứu này phân tích hàm lượng carotenoid của 44 mẫu hạt M. cochinchinensis lấy từ Úc, Thái Lan và Việt Nam sử dụng các phương pháp phân tích hàm lượng như: HPLC, quang phổ UV - Vis và so sánh với phương pháp đo màu. Hàm lượng lycopene cao nhất đã được tìm thấy trong các mẫu thu được từ miền Bắc Việt Nam như Hà Nội (7,76 mg / g) và các tỉnh miền Trung Việt Nam là Lâm Hạ (6,45 mg / g) và Lâm Đồng (6,64 mg / g). Hàm lượng β-carotene cao nhất lại được tìm thấy trong một mẫu từ ở miền Bắc Việt Nam là Nam Ðịnh (9,60 mg/g), trong khi một giống ở Hòa Bình có hàm lượng cao cả lycopene (5,17 mg/g) và β carotene 5,66 mg / g). Hàm lượng lycopene cao hơn trong các mẫu thu thập được từ nhiệt độ thấp (<14°C) , trong khi hàm lượng β-carotene lớn nhất trong các mẫu thu thập ở nhiệt độ từ 27 đến 33°C. Cải tạo cây trồng để tăng lycopene và β carotene đòi hỏi phải có các phương pháp định lượng nhanh và chính xác. Tất cả ba phương pháp phân tích trên đều được sử dụng để định lượng lycopen. Tuy nhiên, giá trị biến đổi màu (a*/b*)2 đã tạo ra mối quan hệ tuyến tính cho lycopen cho thấy phương pháp đo màu có thể được phát triển để chọn các trái cây giàu lycopen tại hiện trường.

Lâm Bích Thảo

 

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)