Thông tin dược liệu

Bản tin Dược liệu số 6 /2018: Đinh lăng và rau đắng đất

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 6/2018

  1.  

TÁC DỤNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA TRITERPENOID SAPONIN PFS

PHÂN LẬP TỪ LÁ LOÀI POLYSCIAS FRUTICOSA

Nguyen Thi Luyen và cs.

An Acad Bras Cienc, 90(3):2881-2886, 2018 Jul-Sep

Bài báo này đánh giá hiệu quả ức chế α-amylase và α-glucosidase của 3-O- [β-d-glucopyranosyl- (1 → 4) -β-d-glucuronopyranosyl] acid oleanolic 28-O-β-d-glucopyranosyl este (PFS), một saponin được phân lập từ lá cây đinh lăng (Polyscias fruticosa) và tiềm năng hạ đường huyết sau bữa ăn trên chuột nhắt trắng. Trong các thực nghiệm ức chế enzym, PFS ức chế mạnh α-amylase từ tụy heo và α-glucosidase từ nấm men. Sử dụng công thức Lineweaver - Burk, PFS thể hiện hoạt tính ức chế α-amylase tụy tạng và α-glucosidase nấm men theo kiểu ức chế không cạnh tranh. Trong thử nghiệm dung nạp đường sucrose, PFS ở liều 100 mg/kg thể trọng làm giảm đáng kể mức đường huyết sau bữa ăn giàu sucrose ở chuột nhắt trắng. Những phát hiện này cho thấy rằng lá đinh lăng và saponin chính PFS có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường và các biến chứng

Bùi Thế Vinh

  1.  

STEROL BẤT ĐỐI XỨNG PHÂN LẬP TỪ POLYSCIAS FRUTICOSA (L.) HARMS (ARALIACEAE)

Nguyen Thi Thu Tram và cs.

Khảo sát các hợp chất trên dịch chiết dầu ether- diethyl ether (v/v 1:1), phân lập được một sterol có cấu trúc bất đối xứng:  22-dehydro-24-isopropylcholesterol (1), và một triterpenoid nhóm olean (2). Hợp chất 1 là một sterol đã được phân lập từ các loài không xương sống ở biển, tuy nhiên đây là lần đầu tiên nó được phân lập từ phần trên mặt đất của Polyscias fruticosa. Cấu trúc được xác đinh bằng phương pháp X-ray, dữ liệu phổ, và so sánh với dữ liệu chuẩn.

Bùi Thế Vinh

 

  1.  

TRITERPEN MỚI ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ RAU ĐẮNG ĐẤT GLINUS OPPOSITIFOLIUS.

Consolaction Y. Ragasa và cs.

Chinese Journal of Natural Medicines, vol 10, 284-286, 2012.

Mục đích: Tìm hiểu các thành phần hóa học của cây rau đắng đất Glinus oppositifolius.

Phương pháp: Các hợp chất được phân lặp bằng phường pháp sắc ký với pha tĩnh là silica gel. Cấu trúc của triterpen được làm rõ bằng phương pháp phổ 1D và 2D-NMR.

Kết quả: Từ cao chiết dicloromethan bột lá khô Glinus oppositifolius phân lập được một triterpen mới, oppositifolon (1), spinasterol (2), squalen (3) và lutein (4). Cấu trúc của chất (1) được xác định cấu trúc bằng phổ NMR, trong khi chất (2) đến (4) được xác định cấu trúc nhờ vào so sánh dữ liệu phổ 13C-NMR với các bài báo khác có trong tài liệu

Kết luận: Một triterpen mới được phân lập từ Glinus oppositifolius.
Nguyễn Đức Nhân, Nguyễn Văn Trí
  1.  

ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH VÀ ỨC CHẾ KÝ SINH TRÙNG LEISHMANIA CỦA SPERGULIN-A - MỘT SAPONIN TRITERPENOID TÁCH CHIẾT TỪ CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS)

Saswati Banerjee và cs.

BioRxiv, 2018 (pre-printed version), https://doi.org/10.1101/458653

Bệnh bạch cầu nội tạng (VL) là một căn bệnh suy giảm miễn dịch do ký sinh trùng thuộc chi Leishmania gây ra, hiện nay bệnh được điều trị chủ yếu bằng phương pháp hóa trị liệu, tuy nhiên phương pháp này còn gặp nhiều hạn chế và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặc dù, các loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu được quan tâm và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tuy nhiên nhóm thuốc chữa trị bệnh về ký sinh trùng vẫn còn hạn chế. Rau đắng đất đã được báo cáo có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch trong các bài thuốc y học cổ truyền. Một phương pháp mới được sử dụng để trị bệnh bạch cầu nội tạng là tăng kích thích miễn dịch của cơ thể kết hợp tiêu diệt ký sinh trùng Leishmania. Spergulin-A là một saponin triterpenoid được phân lập từ cao phân đoạn n-BuOH của cây rau đắng đất, có hoạt tính ức chế L. donovani nội và ngoại bào, ngoài ra spergulin-A còn có tác dụng tăng cường miễn dịch thông qua việc tăng hàm lượng TNF-α và giải phóng NO ngoại bào thông qua quá trình xử lý MOs mà không gây độc đối với các tế bào chủ. Cấu trúc của spergulin-A được xác định bằng phân tích quang phổ ESI-MS, 13C và 1H NMR. Spergulin-A chưa cho thấy hiệu quả ức chế đối với ký sinh trùng ngoại bào, trong khi ở nội bào, tác dụng này lại thể hiện rõ rệt, ở nồng độ 30 μg/ml số lượng ký sinh trùng giảm 92,6% sau 72 giờ. Hơn nữa, sperulin-A tăng cường ROS và giải phóng nitric oxid (NO) và thay đổi Gp91-phox, i-NOS, protein và các cytokine kháng viêm, tạo nên khả năng chống lại ký sinh trùng nội bào gây bệnh bạch cầu nội tạng. Kết quả cho thấy, G. oppositifolius và spergulin-A có tiểm năng để phát triển các loại thuốc thay thế chống lại ký sinh trùng gây bệnh bạch cầu nội tạng.

Nguyễn Nhật Minh

  1.  

HOẠT TÍNH KHÁNG OXY HÓA VÀ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA CAO CHIẾT METHANOL TỪ LÁ RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS)

Nazia Hoque và cs.

Journal of Applied Pharmaceutical Science 01(07):50-53, 2011

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá khả năng kháng oxy hóa và chống đái tháo đường của cao chiết methanol từ lá rau đắng đất. Khả năng kháng oxy hóa đã được khảo sát bởi thực nghiệm bắt gốc tự do DPPH, thực nghiệm dập tắt nitric oxid (NO), xác định hàm lượng flavonoid toàn phần và thử nghiệm khả năng kháng oxy hóa toàn phần. Hoạt tính chống tăng đường huyết được nghiên cứu bằng thí nghiệm dung nạp glucose qua đường uống (OGTT) ở chuột bình thường và chuột bị gây đái tháo đường bằng alloxan. Trong thực nghiệm bắt gốc tự do DPPH giá trị IC50 của cao chiết methanol > 1000 mg/ml (acid ascorbic, IC50 = 14,45 mg/ml) trong khi giá trị này là 269 mg/ml trong thực nghiệm với nitric oxid (quercetin, IC50 = 15,24 mg/ml). Hàm lượng flavonoid toàn phần trong rau đắng đất là 25,46 mg/g và hoạt tính kháng oxy hóa toàn phần là 79,48 mg/ml tính theo tương đương với quercetin và acid ascorbic. Kết quả có ý nghĩa (p<0,05) đối với thực nghiệm dung nạp glucose đường uống được ghi nhận ở liều 200 mg/kg và 400 mg/kg trên trọng lượng cơ thể chuột. Ở liều tương tự, cao chiết làm giảm có ý nghĩa (p<0,05) nồng độ glucose trong máu của chuột bị đái tháo đường gây bởi alloxan so với thuốc đối chiếu là Metformin. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng cao chiết methanol của lá rau đắng đất có hoạt tính kháng oxy hóa trung bình và có tác dụng hạ đường huyết điển hình.

Nguyễn Nhật Minh, Lâm Bích Thảo

  1.  

RAU ĐẮNG ĐẤT: MỘT DƯỢC LIỆU TIỀM NĂNG

Tania Chakraborty và cs.

International Journal of Phytomedicine, 9:543-557, 2017

Dược liệu đã được sử dụng trong điều trị bệnh ở người từ nhiều thế kỷ nay. Nhờ các tác dụng quý của dược liệu, hơn 80% dân số trên thế giới sử dụng dược liệu như là nguồn cung cấp chính thuốc điều trị các căn bệnh ở người. Các nước thường sử dụng dược liệu trong y học cổ truyền như tiểu lục địa Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pakistan, Indonesia, Myanmar, và ở lục địa Châu Phi. Ngày nay, thuốc có nguồn gốc từ thực vật đang được chấp nhận rộng rãi hơn ngay cả ở các nước phát triển của phương Tây. Hơn 50% tất cả các loại thuốc hiện đang được sử dụng trong lâm sàng có nguồn gốc từ tự nhiên. Do đó, dược liệu thiên nhiên đang phát triền trở thành nguồn thuốc mới và mở ra viễn cảnh mới trong nghiên cứu điều trị bằng thuốc dược liệu. Rau đắng đất (Glinus oppositifolius (L.).Aug.DC., họ Molluginaceae) được trình bày trong tổng quan này là thực vật hạt kín có tiềm năng điều trị, được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền các nước và có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh kinh nghiệm sử dụng dân gian. Trong nhiều năm gần đây, một vài hoạt chất có tác dụng dược lý trong rau đắng đất đã được tách chiết và hoạt tính sinh học của những hợp chất này được tóm tắt trong bài viết. Hoạt tính kháng ung thư trên nhiều dòng tế bào của các hợp chất này đã được công bố. Những hợp chất mới từ dược liệu này là tiền đề cho nghiên cứu tiếp các hiệu quả điều trị bệnh và tính an toàn của rau đắng đất.

Nguyễn Nhật Minh, Lâm Bích Thảo

  1.  

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS)

Consolacion Y. Ragasa và cs.

Pharmacognosy Res, 7(2):138-147, 2015

Mục tiêu: Để cô lập các chất chuyển hóa thứ cấp từ cao chiết dichloromethan (DCM) của rau đắng đất; kiểm tra độc tính tế bào của một triterpen mới, oppositifolon (1); và để thử nghiệm tác dụng hạ đường huyết, giảm đau và hoạt tính kháng khuẩn của hợp chất 1, cao DCM và cao chiết nước của lá rau đắng đất.

Phương pháp: Các hợp chất được phân lập bằng sắc ký cột cổ điển và xác định cấu trúc bằng quang phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Độc tính tế bào của hợp chất 1 được đánh giá bằng  thử nghiệm với 3-(dimetylthiazol-2-yl)-2,5-diphenyltetrazolium bromua. Triterpen 1, cao DCM và cao chiết nước từ lá đã được đánh giá tiềm năng hạ đường huyết bằng thử nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống; tác dụng giảm đau bằng cách sử dụng các thử nghiệm đập đuôi chuột và khả năng kháng khuẩn bằng cách sử dụng phương pháp khuếch tán đĩa.

Kết quả: Từ cao chiết DCM của rau đắng đất  đã phân lập được: triterpen 1, squalen, spinasterol, acid oleanolic, phytol và lutein từ lá; squalen và spergulagenin A từ thân cây; và spinasterol từ rễ. Hợp chất triterpen 1 thể hiện độc tính trên dòng tế bào ung thư trực tràng người với giá trị IC50 là 28,7μg/ml nhưng không biểu hiện độc tính với dòng tề bào A549. Cao chiết nước từ lá ở liều 200 mg/kg thể trọng (BW) thể hiện tác dụng hạ đường huyết với mức giảm rõ rệt, % lượng đường trong máu là 70,76% ± 17,4% trong vòng 0,5 giờ sau khi uống. Cao chiết DCM từ lá cho thấy tỉ lệ lượng đường trong máu thấp hơn 18,52 ± 13,5% ở mức 200 mg/kg BW trong vòng 1,5 giờ sau khi uống, trong khi hợp chất 1 không biểu hiện tác dụng hạ đường huyết. Các mẫu không có tác dụng giảm đau và không thể hiện hoạt tính kháng khuẩn trên các dòng vi khuẩn kháng thuốc.

Kết luận: Các hợp chất có tác dụng hạ đường huyết của rau đắng đất có tác dụng nhanh (0,5 giờ) được tìm thấy trong dịch chiết nước từ lá.

Nguyễn Đức Nhân, Nguyễn Văn Trí

  1.  

ĐÁNH GIÁ DƯỢC LIỆU, HÓA THỰC VẬT VÀ GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG

CỦA LOÀI GLINUS OPPOSITIFOLIUS (L.) AUG . DC

Shantha Thirumalai Ramaseshan và cs.

 Pharmacognosy Journal,2016,8,1,31-36.

Mục tiêu: Mục đích chính của nghiên cứu là thiết lập các tiêu chuẩn dược liệu cùng với các giá trị dinh dưỡng của cây thuốc quan trọng Glinus oppositifolius (L.) Aug . DC., thường được gọi là Parpata ở Nam Ấn Độ.

Vật liệu và phương pháp: Đánh giá dược liệu, hóa thực vật, giá trị dinh dưỡng cùng với việc dữ liệu sắc ký lớp mỏng (TLC) và sàng lọc sơ bộ hóa thực vật đã được thực hiện.

Kết quả: Nghiên cứu mô học của các bộ phận khác nhau của cây cho thấy sự hiện diện của các cấu trúc tế bào khác nhau. Thân cây cho thấy sự hiện diện của lông đa bào đến lông đơn bào, bó mạch dẫn bên trong, hạt tinh bột, vv. Lục lạp của lá được tẩm với các hạt tinh bột, tinh thể oxalat canxi và tinh thể hình lăng trụ. Khí khổng bất thường hiện diện trên hai mặt biểu bì của lá. Soi bột qua kính hiển vi cho thấy lông đa bào, tinh thể oxalat canxi, dạng sợi, vv Các nghiên cứu hóa lý và hóa mô cho thấy sự hiện diện của các chất chuyển hóa thứ cấp và các khoáng chất khác nhau trong giới hạn nhất định. Dữ liệu sắc ký lớp mỏng cho thấy nhiều vết khác nhau gợi ý sự hiện diện của các hợp chất đặc thù trong các dịch chiết khác nhau. Toàn cây cho giá trị dinh dưỡng tốt với giá trị calo khoảng 245 kcal/100g; Vitamin C 112 mg / 100 g và hàm lượng canxi khá cao vv

Kết luận: Các kết quả từ nghiên cứu này có ích cho việc thiết lập các thông số kiểm soát chất lượng của loài thực vật này và có thể được sử dụng như là tài liệu tham khảo trong tương lai cho việc định danh, tiêu chuẩn hóa nguyên liệu thô cùng với việc sử dụng cây này trong bổ sung dinh dưỡng.

Cao Ngọc Giang

  1.  

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG KHÁNG VIÊM VÀ TÍNH AN TOÀN CỦA CAO CHIẾT LÁ ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUCTICOSA (L.) HARMS) TRÊN MÔ HÌNH HEN GÂY BỞI OVALBUMIN

   George Asumeng Koffuor* và cs.

Phytopharmacology 2014; 3 (5): 337-342

Đinh lăng (Polyscias fruticosa) là một loại cây được sử dụng để kiểm soát bệnh hen theo truyền thống ở Ghana.

Mục đích: Nghiên cứu này đánh giá tính chất chống viêm và tính an toàn của cao chiết cồn từ lá của cây đinh lăng (PFE) trong mô hình gây hen suyễn bằng ovalbumin (OVA).

Phương pháp luận: Số lượng và sự biệt hóa bạch cầu, hàm lượng protein C phản ứng và tỷ lệ lắng đọng hồng cầu được xác định trên mẫu máu thu được từ chuột lang Duncan Hartley sau khi được gây mẫn cảm (150 µg OVA + 100 mg hydroxid nhôm, tiêm phúc mạc), cho sử dụng nhắc lại OVA dạng khí dung và được điều trị bằng 2 ml/kg nước muối thông thường (lô chứng), 10 mg/kg prednisolon (lô thuốc đối chiếu) và 100, 250 hoặc 500 mg/kg cao chiết (lô thử). Nghiên cứu độc tính cấp tính và độc tính bán trường diễn cũng được tiến hành.

Kết quả: Số lượng và sự biệt hóa bạch cầu tăng điển hình (P ≤ 0,05) sau khi bị gây hen suyễn bởi OVA. Điều trị bằng cao chiết hay prednisolon làm giảm đáng kể (P≤0.05) sự tăng bạch cầu và sự biệt hóa bạch cầu. Protein C phản ứng (≥ 6,0 ± 0,00 mg/l) giảm về mức bình thường và tỷ lệ lắng đọng hồng cầu giảm đáng kể (P ≤ 0,01) trong các lô chuột bị gây hen suyễn bởi OVA và được điều trị bằng PFE hay prednisolon. PFE không có tác dụng độc hại ở các liều thấp (NOAEL: <1000 mg/kg)

Kết luận: Cao chiết cồn từ lá đinh lăng làm giảm số lượng và sự biệt hóa bạch cầu trong máu tương tự như prednison, do đó có tác dụng chống viêm; một đặc tính hữu ích trong điều trị hen suyễn.

Cao Ngọc Giang

  1.  

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TÁC ĐỘNG GÂY ĐỘC CỦA CAO CHIẾT LÁ ĐINH LĂNG [POLYSCIAS FRUTICOSA]

LÊN CHUỘT CÁI MANG THAI

Alex Boye và cs.

Journal of Complementary Medicine Research. 7(2):178-189, 2018

Tổng quan: Đinh lăng [Polyscias fruticosa (L.)] đã được sử dụng như là một loại dược liệu dân gian ở các quốc gia thuộc khu vực châu Á. Sự an toàn của việc sử dụng đinh lăng trong thời kỳ mang thai hoàn toàn chưa được biết rõ mặt dù chúng được sử dụng rộng rãi.

Mục tiêu: Nghiên cứu đánh giá mức độ tác động gây độc và gây sảy thai của cao chiết lá đinh lăng (PFE) lên chuột cái mang thai

Phương pháp: Chuột cái Wistar và chuột đực khỏe mạnh được nuôi chung với nhau theo tỉ lệ (6 chuột cái:2 chuột đực). Chuột mang thai sẽ được chia ngẫu nhiên thành lô chứng (uống 5 ml/kg nước muối sinh lý), lô acid folic (uống liều 5 mg/kg), lô cao chiết lá đinh lăng (uống liều 100, 200 và 500 mg cao/kg) và chuột được cho uống một lần/ngày trong vòng 15 ngày kể từ lúc mang thai. Độc tính lên chuột mang thai sẽ được quan sát dựa trên sự tiêu thụ thức ăn, sự giảm cân, trọng lượng tương đối các cơ quan, đánh giá sinh hóa chức năng gan và thận, tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong. Độc tính trên bào thai được khảo sát trên đại thể phôi thai, sự hấp thu của phôi thai và khảo sát vi thể mô não/tủy sống.

Kết quả: Hai chuột mang thai tử vong ở lô PFE (500 mg/kg). Sự tiêu thụ thức ăn cũng giảm ở tất cả các lô chuột thí nghiệm trong thời kỳ mang thai. Không ghi nhận sự giảm trọng lượng ở tất cả các lô chuột thí nghiệm. Aspartate transaminase tăng và alkalin phosphatase giảm trong lô PFE (200 và 500 mg/kg) so với lô chứng (P ≤ 0,05). Bilirubin trực tiếp tăng trong các lô PFE so với lô chứng. Chỉ số ure giảm trong các lô PFE so với lô chứng. Creatinin giảm trong lô PFE (100 mg/kg) nhưng lại tăng lên trong lô PFE (500 mg/kg) so với lô chứng. Sự sảy thai tăng khi dùng PFE (500 mg/kg) so với lô chứng.

Kết luận: Chuột mang thai được cho uống cao chiết lá đinh lăng ở liều >100 mg/kg có nguy cơ gây sảy thai và gây tổn thương thận, do đó nên tránh sử dụng cao chiết lá đinh lăng trong thời kỳ mang thai.

Lê Đức Thanh

 

  1.  

PHÂN LẬP VÀ NGHIÊN CỨU HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA HAI NHÓM TRITERPEN GLYCOSID

 TỪ CAO CHIẾT LÁ VÀ RỄ ĐINH LĂNG

M.C. Divakar. N.R. Pillai  và cs.

Indian J. Nat. Prod. 21 (3), 7, 2005

 

Hai nhóm triterpen glycosid mới được phân lập và xác định từ cao chiết lá và rễ của đinh lăng. Cấu trúc saponin được xác định bằng phương pháp hóa học, quang phổ và kỹ thuật sắc ký. Các nghiên cứu hoạt động miễn dịch in vitroin vivo cho thấy rằng tất cả thành phần hợp chất đều có tác động đáng kể đến việc kích thích hệ miễn dịch so với cao chiết thô.

Nguyễn Minh Hùng

  1.  

NGHIÊN CỨU CÁC THÔNG SỐ HÓA LÝ VÀ GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT: MỘT RAU ĂN LÁ

Rizniya MNF và cs.

Rizniya MNF, SF J Herb Med, 2017, 1:1

Tổng quan: Rau đắng đất  thuộc họ cỏ bình cu là một loại rau có lá màu xanh được tiêu thụ rộng rãi bởi cư dân Sri Lanka. Nó cũng được các thầy thuốc sử dụng như một loại dược liệu. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học nào đã được thực hiện để đánh giá tầm quan trọng của rau đắng đất được trồng ở Sri Lanka. Vì vậy, nghiên cứu này tiến hành khảo sát (a) các thông số lý hoá và (b) hàm lượng dinh dưỡng của rau đắng đất được trồng ở Sri Lanka nhằm đánh giá giá trị của nó như một loại rau truyền thống.

Vật liệu và phương pháp: Thông số hóa lý và thành phần dinh dưỡng được thực hiện theo Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội các cộng đồng phân tích tương ứng.

Kết quả: Các thông số lý hóa từ cao chiết nước và cồn (cả nóng và lạnh), như hàm lượng tro tổng, tro không tan trong acid và tro tan trong nước đã được phân tích. Qua sàng lọc các thông số hóa lý cho thấy sự hiện diện của các saponin, hợp chất phenolic, tannin, steroid và các flavonoid ở cao chiết nước và cồn (cả nóng và lạnh). Hơn nữa rau đắng đất chứa lượng lớn protein (20,9 ± 0,7%), vitamin A (20,7 ± 0,3%) và sắt (27,5 ± 0,1%).

Kết luận: Rau đắng đất là một nguồn dược liệu tốt cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và có thể được đưa vào chế độ dinh dưỡng để bổ sung nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

Nguyễn Minh Hùng, Phạm Thị Thúy

  1.  

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CAO CHIẾT LÁ ĐINH LĂNG POLYSCIAS FRUTICOSA (L.) HARM (ARALIACEAE) LÊN KHẢ NĂNG SINH SẢN CỦA CHUỘT ĐỰC WISTAR

Alex Boye và cs.

Journal Of Intercultural Ethnopharmacology, 7( 1) 10.5455, 2018

Tổng quan: Đinh lăng được sử dụng rộng rãi như một loại thực phẩm, được sử dụng làm thuốc hoặc làm cây cảnh ở các nước Á-Phi. Từ lâu đời, đinh lăng đã được sử dụng như một vị thuốc chữa hen suyễn, ho và trầm cảm tại Ghana. Mặc dù đã có rất nhiều các nghiên cứu về các cơ sở dược lý trong việc sử dụng đinh lăng, tuy nhiên hiệu quả của chúng đối với hệ thống sinh sản vẫn còn là điều bí ẩn

Mục đích của nghiên cứu: Đánh giá ảnh hưởng của cao chiết lá đinh lăng (PFE) đối với khả năng sinh sản và độc tính đối với chuột đực Wistars trưởng thành.

Vật liệu và phương pháp nghiên cứu: Cao chiết lá đinh lăng được tiến hành định tính hóa thực vật, phân tích sắc ký lớp mỏng (TLC)  và sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Ảnh hưởng của cao chiết lá đinh lăng lên khả năng sinh sản và độc tính đối với con đực được tiến hành trên chuột cống trắng đực Wistars trưởng thành. Chuột sẽ được chia ngẫu nhiên thành lô chứng (uống 5 ml/kg nước muối sinh lý,  n = 5), lô clomiphene citrate (uống liều 50 mg/kg; n = 5), lô PFE (uống các liều 100, 200 and 500 mg/kg; n = 5 mỗi liều) và và chuột được cho uống một lần/ngày trong 21 ngày. Vào ngày thứ 22, chuột được giết và các thông số sinh sản của con đực được thu thập (bao gồm: trọng lượng tinh hoàn trái, trọng lượng tinh hoàn tương đối, trọng lượng mào tinh hoàn, số lượng tinh trùng tại mào tinh hoàn, sự di chuyển của tinh trùng, hình thái tinh trùng và đánh giá hormone giới tính chuột đực và mô học tinh hoàn) đã được đánh giá.

Kết quả: Không có sự thay đổi đạt ý nghĩa thống kê về trọng lượng cơ thể, trọng lượng của tinh hoàn trái, trọng lượng của mào tinh hoàn phải và trái giữa các lô điều trị (PFE và clomiphen citrat) so với lô chứng. So sánh với lô chứng cho thấy số lượng tinh trùng tại mào tinh hoàn tăng lên sau khi được điều trị với PFE (100 và 500 mg/ kg). Tính di động tinh trùng tăng tương đối ở chuột được điều trị bằng PFE so với lô chứng. Sự bất thường của tinh trùng giảm ở chuột được điều trị bằng PFE, đặc biệt là trong lô PFE (100 mg/kg) so với lô chứng. Nồng độ testosteron huyết thanh giảm tỷ lệ nghịch với nồng độ hormon luteinizing huyết thanh (LH) ở chuột được điều trị bằng PFE so với lô chứng. Có ít hoặc không thay đổi trong các mẫu khảo sát vi thể tinh hoàn, ngoại trừ có sự hóa không bào ở giai đoạn tinh bào sơ cấp. Các chất glycosid, saponin, cyanogenic glycosid, sterol và alkaloid được tìm thấy trong PFE.

Kết luận: Cao chiết lá đinh lăng cải thiện số lượng tinh trùng của mào tinh hoàn và có thể có ích trong việc tăng cường khả năng sinh sản nam giới nhưng các nghiên cứu chi tiết về độ an toàn đối với các cơ quan sinh dục nam quan trọng cần phải được thực hiện.

Nguyễn Thu Hằng

  1.  

TÁC DỤNG LỢI TIỂU CỦA ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA (L.) HARMS)

*R. Varadharajan  và cs.

College of Pharmacy, Ayyampalayam, Tiruvannamalai, Tamil Nadu - 606 603.

Đinh lăng Polyscias fruticosa (L.) Harm (họ: Nhân sâm) có nguồn gốc từ Malaysia, nhưng hiện nay đã được trồng rộng rãi ở khu vực nhiệt đới và là một cây trồng thâm canh. Ở Fiji, rễ đinh lăng được sử dụng làm thuốc lợi tiểu. Nước ép từ vỏ cây được dùng trị bệnh tưa miệng, loét lưỡi, viêm họng. Thuốc đắp làm từ vỏ cây được sử dụng chữa vết lở trong bệnh giang mai. Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát tác dụng lợi tiểu của cao ete dầu chiết xuất từ đinh lăng (PEPF) trên chuột cống trắng. Nghiên cứu độc tính cấp đường uống được thực hiện theo hướng dẫn của OECD. Trong nghiên cứu độc tính cấp tính đường uống, không ghi nhận được tỷ lệ tử vong ở liều uống PEPF lên đến 2000 mg/kg trọng lượng chuột. PEPF được cho uống ở liều 250 và 500 mg/kg. Furosemide (liều uống 500 mg/kg) được sử dụng là thuốc đối chiếu. Tác dụng lợi tiểu của PEPF được đánh giá qua các thông số như thể tích nước tiểu và hàm lượng natri và kali trong nước tiểu. Thể tích nước tiểu tăng điển hình ở hai liều PEPF 250 & 500 mg/kg. Sự đào thải natri, kali tăng bởi PEPF. Tác dụng lợi tiểu của PEPF tương tự như furosemide. PEPF có thêm ưu điểm là tác dụng giữ clo. Nghiên cứu này cho thấy PEPF có tác dụng lợi tiểu rõ và đã được so sánh tương đương với thuốc lợi tiểu chuẩn furosemide. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở định lượng để làm rõ việc sử dụng đinh lăng như là một tác nhân lợi tiểu trong y học dân gian.

Đặng Quốc Tuấn

  1.  

ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA), MỘT VẬT CHỦ MỚI CỦA CHỦNG 16SRVII-B

DƯỚI NHÓM PHYTOPLASMA Ở BRAZIL

Pereira TBC và cs.

Plant Disease 2016,100(3):645

Năm 2013, một bệnh, có tên gọi là bệnh đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa), được quan sát thấy trong các vườn ở Sao Paulo, Brazil. Biểu hiện những lá nhỏ mầu vàng, không bình thường là bằng chứng đầu tiên chỉ ra nhiễm Phytoplasma. Tác nhân gây bệnh được phát hiện là dưới nhóm Phytoplasma chủng 16SrVII-B trên cơ sở phân tích phân tử khác nhau (PCR và RPLP). Phát hiện này được coi là thông báo đầu tiên đinh lăng P. fruticosa là vật chủ của dưới nhóm Phytoplasma chủng 16SrVII-B ở Brazil.

Nguyễn Thị Thúy

  1.  

TÁC DỤNG AN THẦN VÀ GIẢI LO ÂU, CĂNG THẲNG CỦA DỊCH CHIẾT ETHANOL TỪ LÁ CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS  OPPOSITIFOLIUS (LINN,) AUG. DC.

Md. Moniruzzaman và cs.

Evidence – Based Complementary and Alternative Medicine Volume 2016, Article ID 8541017

Rau đắng đất (Glinus opposotifolius) là một loại thảo dược nhỏ, sử dụng rộng rãi trong nền y dược học cổ truyền Bangladesh để điều trị một số bệnh và triệu chứng rối loạn của cơ thể như mất ngủ, đau, viêm, vàng da và sốt. Nghiên cứu này đánh giá tiềm năng tác dụng an thần và giải lo âu của cao chiết ethanol từ lá của G. oppositifolius (EEGO) trên các mô hình khác nhau để đánh giá hành vi của chuột.

Tác dụng an thần của EEGO ở liều uống 50, 100 và 200 mg/kg được khảo sát thông qua các thực nghiệm khám phá lỗ hổng, môi trường mở, rotarod và giấc ngủ thiopental natri; trong khi đó, thực nghiệm chữ thập nâng cao (EPM) và thực nghiệm hai ngăn sáng tối (LDB) được dùng để chứng minh tác dụng giải lo âu ở chuột. Các kết quả chứng minh rằng EEGO ức chế phụ thuộc vào liều hành vi khám phá của động vật điển hình trong cả 2 thực nghiệm khám phá lỗ hổng và môi trường mở. EEGO cũng làm giảm sự phối hợp vận động và hiệp đồng với tác dụng gây ngủ ngắn hạn của thiopental natri ở chuột. Ngoài ra, EEGO có tiềm lực giải lo âu bằng cách làm tăng số lần và thời gian khám phá nhánh mở của EPM, và kết luận này được nhấn mạnh hơn khi EEGO cũng làm tăng tổng thời gian ở ngăn sáng trong thí nghiệm LDB. Do đó, nghiên cứu này đề xuất đặc tính an thần và giải lo âu của lá của G. oppositifolius và làm cơ sở cho việc sử dụng dược liệu này trong điều trị các rối loạn tâm thần khác nhau bao gồm chứng mất ngủ.

Nguyễn Thị Thu Hoài, Nguyễn Thị Thu

  1.  

KHẢ NĂNG GIẢM ĐAU VÀ CHỐNG VIÊM CỦA CAO CHIẾT METHANOL CỦA CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS L.)

Nazia Hoque và cs.

Australian Journal of Basic and Applied Sciences, 5(8): 729-733, 2011

Rau đắng đất có thể được tìm thấy ở nhiều vùng khác nhau tại Bangladesh và đang được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị đau khớp, viêm, tiêu chảy, sốt, nhọt và các chứng rối loạn trên da. Nghiên cứu này đánh giá việc sử dụng rau đắng đất theo kinh nghiệm dân gian trong các tình trạng đau và viêm. Hoạt tính giảm đau được khảo sát bằng thực nghiệm gây đau xoắn bụng bằng acid acetic và thực nghiệm nhúng đuôi chuột trong khi hoạt tính chống viêm được khảo sát bằng thực nghiệm carrageenan gây phù chân chuột. Tác dụng giảm đau ngoại vi và trung ương được biểu hiện tại liều của cao chiết 200 mg/kg (p < 0,05) và 400 mg/kg (p < 0,001). Cao chiết (500 mg/kg) cũng làm giảm tình trạng phù nề của chân chuột (p < 0,001) do carrageenan gây ra. Những kết quả này cho thấy cao methanol của rau đắng đất có tác dụng giảm đau trung ương, ngoại biên và tác dụng chống viêm, và đã cung cấp cơ sở khoa học việc sử dụng dược liệu này theo kinh nghiệm dân gian trong điều trị đau và viêm.

Nguyễn Thị Thu Hoài, Nguyễn Thị Duyên 

  1.  

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU VỀ TÁC DỤNG GIẢM ĐAU VÀ KHÁNG VIÊM CỦA HAI LOẠI DỊCH CHIẾT TỪ CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIS (L.)  AUG. DC.)

Vasincu A

Rev Med Chir Soc Med Nat lasi 2014, Jul-Sep; 118 (3): 866-72

Tại Mali, Rau đắng đất (Glinus oppositifolius) (Aizoaceae) được sử dụng để điều trị viêm và đau khớp.

Mục đích: Nghiên cứu này thiết kế để đánh giá tác dụng giảm đau và kháng viêm của cao chiết nước và ethanol của phần trên mặt đất của cây.

Nguyên vật liệu và phương pháp: Cao chiết nước và ethanol (G-A1 và G-E1, tương ứng) được nghiên cứu về độc tính cấp. Các cao này tiếp tục được đánh giá tác dụng sinh học trên các mô hình khác nhau bằng cách kích thích đau (hóa học, nhiệt, cơ) và kích thích viêm. Các thử nghiệm được thực hiện theo các quy định quốc tế trong thí nghiệm trên động vật.

Kết quả và bàn luận: Không có độc tính cấp tính nào được ghi nhận cho hai loại cao chiết này. Các giá trị ED50 (mg/kg) xác định trong các mô hình kích thích đau khác nhau: Thực nghiệm đáp ứng co thắt bụng (G-A1: 229,00 ± 53,30; G-E1: 146,38 ± 31,75), thực nghiệm tấm nóng (G-A1: 278,59 ± 73,00; G-E1: 383,52 ± 89,69), thực nghiệm Randall-Selitto (G-A1: 207,14 ± 26,15), thực nghiệm đánh giá viêm phù nề (G-A1: 228,31 ± 13,84; G-E1: 62,55 ± 89,69).

Kết luận: Các kết quả giảm đau và kháng viêm của nghiên cứu cho thấy rằng cao G-E1 có hiệu quả cao hơn so với G-A1 trong thực nghiệm đáp ứng co thắt bụng. Ngoài ra, đối với cùng mức độ hoạt tính chống viêm, cao G-E1 mạnh hơn G-A1. Những kết quả cho thấy cần có các nghiên cứu sâu hơn để phân lập và xác định các hoạt chất chính quyết định tác dụng giảm đau và chống viêm của rau đắng đất.

Nguyễn Thị Thu Hoài   

  1.  

SAPONIN TRITERPENOID MỚI TỪ RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS) CÓ TÁC DỤNG ỨC CHẾ ENZYME α-GLUCOSIDASE

Deepak Kumar và cs.

Natural Product Research 2013, Vol 27, No.7 624-630

Đánh giá tác dụng ức chế hoạt tính α-glucosidase của sáu saponin triterpen từ phần trên mặt đất của Glinus oppositifolius bao gồm một chất mới và năm chất cũ được báo cáo trong nghiên cứu này. Cấu trúc của saponin mới, glinoside C (1), đươc thiết lập là 16-O- (β-D-glucopyranosyl) -3β, 12β, 16β, 21α, 22-pentahydroxy hopane thông qua sử dụng các dữ liệu 1,2-D NMR và phổ khối. Các thành phần khác được xác định là 3-O-(β-D-xylopyranosyl)-spergulagenin A (2), spergulacin (3), spergulin A (4), spergulacin A (5) và spergulin B (6). Hợp chất 1 biểu hiện ức chế mạnh nhất trên enzym thử nghiệm với giá trị IC50 127 ± 30 µM. Nghiên cứu dược động học của hợp chất 1 chứng minh về mô hình ức chế phối hợp (Ki = 157,9 µM).

Hoàng Lê Sơn

  1.  

CÁC TIẾN BỘ GẦN ĐÂY TRONG NGHIÊN CỨU RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS)

Shi-Yuan Sheu và cs.

Pharmaceutical Biology 2014 Aug;52(8):1079-84

Nội dung: Glinus oppositifolius (L.) Aug. DC. (Molluginaceae), là một loại cây bụi lâu năm, mọc ở độ cao thấp ở phía nam của Đài Loan, và được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị zona thần kinh và bệnh Herpangina.

Mục tiêu: Nghiên cứu này mô tả tiềm năng dinh dưỡng và điều trị của Glinus oppositifolius và tóm tắt bằng chứng khoa học chứng minh các cách sử dụng loài này trong y học cổ truyền; các tiến bộ gần đây trong nghiên cứu của loài này cũng được xem xét.

Nguyên vật liệu và phương pháp: Tài liệu được tập hợp từ các hệ thống trực tuyến dựa trên web bao gồm PubMed, Medline và Google Scholar. Các bài viết liên quan đến hóa hợp chất tự nhiên, sinh dược học và ethnopharmacology cũng được loại trừ.

Kết quả và bàn luận: Trong nghiên cứu lâm sàng, dược liệu này được nghiên cứu nhiều để cung cấp bằng chứng khoa học cho cách sử dụng y học cổ truyền hoặc để tìm kiếm các khả năng điều trị mới. Bài viết này có thể tạo ý tưởng cho các nghiên cứu liên quan và tạo ra một cái nhìn tổng thể khoa học hơn cho cây thuốc bản địa Đài Loan.

Hoàng Lê Sơn

  1.  

TIỀM NĂNG HOẠT TÍNH CHỐNG UNG THƯ VÀ OXY HÓA

CỦA CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT ẤN ĐỘ GLINUS OPPOSITIFOLIUS

Tania Chakraborty và cs.

Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry 2017; 6(5): 464-468

Glinus oppositifolius (L.) Aug. DC. là thảo dược thân cỏ thuộc họ Molluginaceae. Thông qua khảo cứu các tài liệu cho thấy cây này đã sử dụng lâu đời ở một số dân tộc tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Nghiên cứu mục đích xác định khả năng chống oxy hóa của dược liệu này và nghiên cứu ảnh hưởng gây độc với một số dòng tế bào ung thư. Phần cao chiết methanol từ lá khô được sử dụng cho nghiên cứu. Quét gốc tự do DPPH, ức chế quá trình oxy hóa lipid, sàng lọc quét gốc superoxid, sàng lọc quét gốc nitric oxid, định lượng tổng polyphenol và flavonoid đều được thực hiện trong nghiên cứu và chỉ ra rằng cao chiết methanol có khả năng chống oxy hóa ở mức độ vừa phải. Cao chiết methanol của rau đắng đất cho thấy hiệu quả tăng cường quá trình chống lại sự tăng sinh trên các dòng tế bào ung thư người khi so sánh với các tế bào máu bình thường ngoại biên đơn nhân (PBMCs). Từ đó có thể thấy Glinus oppositifolius là một dược liệu tiềm năng để đi vào nghiên cứu tìm ra hoạt chất chống ung thư.

Hoàng Lê Sơn

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG HEN SUYỄN VÀ CƠ CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA CAO CHIẾT ETHANOL

TỪ LÁ ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA)

Asumeng Koffuor G và cs.

Pharm Biol. 2016 Aug; 54(8):1354-1363

Bối cảnh: Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms) được sử dụng như một dược liệu điều trị hen suyễn trong y học cổ truyền ở Ghana.

Mục đích: Nghiên cứu này hướng tới chứng minh tác dụng chống hen và cơ chế tác động của cao chiết ethanol từ lá đinh lăng (PFE).

Nguyên vật liệu và phương pháp:  Các thông số thời gian (phút) của cơn khó thở tiền co giật, và thời gian phục hồi được ghi nhận trên chuột lang Dunkin-Hartley bị gây nhạy cảm với liều 150 μg ovalbulmin (OVA) và gây kích ứng co thắt phế quản với 1% acetylcholin hoặc histamin sau đó được điều trị bằng cao chiết ethanol từ lá đinh lăng (PFE) với liều 100, 250, và 500 mg / kg cân nặng. Ảnh hưởng atropin (0,1 mg), mepyramin (0,1 mg), và PFE (1 mg) với phản ứng co bóp gây ra bởi liều 2,0×10-2 μg/mL acetylcholin và 5.8 × 10-2 μg/mL histamin trên hồi tràng tách ra từ chuột lang được nghiên cứu. Các nghiên cứu về tế bào học và mô học được tiến hành bằng cách sử dụng dưỡng bào (tế bào mast) phúc mạc và màng treo ruột của chuột lang nhằm khảo sát ảnh hưởng của PPE trên hợp chất 48/80 gây ra sự mất hạt của tế bào mast.

Kết quả: PFE (100-500 mg / kg) kéo dài sự khởi phát của cơn khó thở tiền khi co giật khoảng 76,1-180,2% (p ≤ 0,01-0,001), và giảm thời gian phục hồi 71,9-78,5% (p ≤ 0,01-0,001). Nó cũng tăng cường tỷ lệ phần trăm bảo vệ chống lại co thắt phế quản do histamin gây ra khoảng 15,8-80,1 lần (p ≤ 0,05-0,01), và giảm tỷ lệ phần trăm thời gian phục hồi 2,5-3,3 lần (p ≤ 0,05-0,01). PFE ức chế đáng kể (60,4 ± 8,3%) phản ứng co bóp của histamin và tạo ra sự ức chế đáng kể (56-79%: p ≤ 0,001) của sự mất hạt tế bào mast.

Kết luận: PFE có tác dụng chống hen suyễn, kháng histamin và duy trì sự ổn định của tế bào mast, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị hen suyễn theo y học cổ truyền.

Lê Ngọc Duy, Dương Ngọc Anh

  1.  

TÁC DỤNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA TRITERPENOID SAPONIN PFS

PHÂN LẬP TỪ LÁ ĐINH LĂNG (POLYCIAS FRUTICOSA)

Luyen NT và cs.

PubMed, 2018 Jul – Sep; 90(3): 2881 – 2886

Bài báo này đánh giá tác dụng ức chế của 3-O-[β-d-glucopyranosyl-(1→4)-β-d-glucuronopyranosyl] oleanolic acid 28-O-β-d-glucopyranosyl ester (PFS), một saponin chính được phân lập từ lá cây đinh lăng (Polyscias fruticose, trên α-amylase và α-glucosidase, và khả năng giảm đường huyết sau khi ăn trên chuột. Trong thử nghiệm ức chế enzym, PFS ức chế mạnh α-amylase tuyến tụy của lợn và α-glucosidase trong men. Sử dụng mô hình tính toán Lineweaver-Burk, chúng tôi thấy rằng PFS ức chế α-amylase tuyến tụy của lợn bằng một cơ chế không cạnh tranh hỗn hợp, và α-glucosidase trong men qua sự ức chế không cạnh tranh. Trong kiểm tra dung nạp sucrose, ở mức liều 100 mg/kg cân nặng, PFS làm giảm đáng kể đường huyết sau ăn trên chuột được cho ăn chế độ sucrose cao. Những phát hiện này là cơ sở để sử dụng lá đinh lăng và saponin chính PFS trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường và các biến chứng của nó.

Nguyễn Thị Lê

  1.  

ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG GIẢM TIẾT DỊCH, GIẢM HO VÀ SỰ AN TOÀN CỦA ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA) TRONG ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN

George Asumeng Koffuorvà cs..

British Journal of Medicine & Medical Research. 2015; 10(1):1-11

Bối cảnh: Đinh lăng (Polyscias fruticose) được sử dụng trong y học cổ truyền Ghana để điều trị hen suyễn và các biến chứng có liên quan.

Mục đích: Nghiên cứu này đánh giá khả năng giảm tiết dịch, giảm ho và sự an toàn của dịch chiết ethanol lá đinh lăng trong điều trị hen suyễn.

Phương pháp:  Sàng lọc sơ bộ hóa thực vật được tiến hành trên dịch chiết. Sự tiết dịch đỏ phenol ở màng nhầy khí quản gây bởi amoni clorid trên chuột ICR và sự ức chế ho gây ra bởi acid citric trên chuột lang Dunkin-Hartley được xác định sau khi cho động vật thí nghiệm uống 100 mg/kg natri cromoglycate, hoặc 20 mg/kg dihydrocodeine, cũng như 100, 250, hoặc 500 mg/kg dịch chiết. Các liều dịch chiết 100, 250, và 500 mg/kg được sử dụng hàng ngày trong 28 ngày trên chuột lang để xác định tính an toàn và độc tính bán trường diễn.

Kết quả: Sự sàng lọc hóa thực vật cho thấy sự có mặt của các saponin và cyanogenetic glycoside, alkaloid, và sterol. Dịch chiết ức chế đáng kể (P ≤ .01 - 0.001) sự tiết dịch đỏ phenol ở màng nhầy khí quản và ức chế ho gây ra bởi acid citric. Không có sự thay đổi đáng kể về cân nặng, huyết học cũng như chức năng gan, thận trong đánh giá độc tính bán trường diễn.

Bàn luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết ethanol lá đinh lăng có tác dụng giảm tiết dịch, giảm ho và an toàn khi sử dụng. Do vậy đinh lăng có thể là môt sự lựa chọn phù hợp trong điều trị hen suyễn.

Nguyễn Thị Lê

  1.  

 THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT

Ragasa CY et al.

Pharmacognosy Res, 2015, 7(2):138-47

Mục tiêu:  Phân lập các chất chuyển hóa thứ cấp từ cặn chiết dichloromethan (DCM) của rau đắng đất Glinus oppositifolius; đánh giá hoạt tính gây độc tế bào của một triterpen mới (oppositifolon; 1) và thử nghiệm tác dụng hạ đường huyết, giảm đau, và khả năng kháng khuẩn của chất này cùng với các cặn chiết DCM và nước từ lá rau đắng đất.

Phương pháp: Các hợp chất được phân lập bằng phương pháp sắc ký silica gel và xác định cấu trúc bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Tác dụng độc tế bào của chất 1 đã được đánh giá bằng thử nghiệm 3- (dimetylthiazol-2-yl) -2,5-diphenyltetrazolium bromua. Hợp chất 1, cặn chiết DCM và nước của lá Rau đắng đất đã được đánh giá tác dụng hạ đường huyết bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống và tác dụng giảm đau  bằng phương pháp tail-flick, và khả năng kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch.

Kết quả: Các chất phân lập từ ​​cặn chiết DCM của rau đắng đất bao gồm oppositifolon (1), squalen, spinasterol, acid oleanolic, phytol và lutein từ lá; squalen và spergulagenin A từ thân; và spinasterol từ rễ. Hợp chất 1 có tác dụng gây độc tế bào ung thư đại tràng người 116 với giá trị IC50 là 28,7 nhưng không biểu hiện độc tính với tế bào ung thư phổi A549. Cao chiết nước lá cây này ở mức liều 200 mg/kg thể trọng (BW) thể hiện tác động hạ đường huyết với % giảm rõ rệt lượng đường trong máu là 70,76% ± 17,4% trong vòng 0,5 h sau uống. Cao chiết DCM lá rau đắng đất có tác dụng giảm lượng đường trong máu 18,52% ± 13,5% ở liều điều trị 200 mg/kg BW trong vòng 1,5 h sau khi dùng thuốc, trong khi chất 1 không thể hiện tác dụng hạ đường huyết. Các mẫu không có tác dụng giảm đau và bất hoạt với nhiều tác nhân gây bệnh do vi khuẩn kháng thuốc.

Kết luận: Các hợp chất đại diện cho tác dụng hạ đường huyết của G. oppositifolius có tác dụng nhanh (0,5 h) được tìm thấy trong cao chiết nước của lá cây này.

Trần Thanh Hà

  1.  

 TÁC DỤNG DỌN GỐC TỰ DO VÀ CÁC CHẤT CHUYỂN HÓA THỨ CẤP CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ CÁC DỊCH CHIẾT KHÁC NHAU CỦA CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT

Juliana Janet R. Martin-Puzon và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical Disease, 2015,  5(9):711-715

Mục tiêu: Nhằm đánh giá hoạt tính chống oxy hóa in vitro của rau đắng đất (G. oppositifolius) và để xác định thành phần hóa học của các cao chiết ethanol, methanol và cloroform của rễ, thân, lá cây rau đắng đất.

Phương pháp: Các cao chiết được đánh giá tác dụng chống oxy hóa in vitro thông qua hoạt tính dọn gốc tự do [2,2 – diphenyl – 1 – picrylhydrazyl (DPPH)] và sàng lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học, như là alcaloid, flavonoid, glycosid, saponin, sterol, tannin, và terpen. Hàm lượng phenolic tổng số được xác định bằng phương pháp Folin – Ciocalteu và hàm lượng flavonoid tổng số được định lượng bằng phương pháp nhôm clorua.

Kết quả: Kết quả cho thấy tất cả các bộ phận của cây như rễ, thân và lá đều thể hiện tác dụng thu dọn gốc tự do, điều này có thể được giải thích là do sự có mặt của các hợp chất có trong các cao chiết chiết khác nhau. Cao chiết cloroform của rễ rau đắng đất có hoạt tính thu dọn gốc tự doDPPH mạnh nhất tương ứng 70% tính theo acid gallic, tiếp theo là cao chiết ​​methanol và ethanol có hoạt tính thu dọn gốc tự do DPPH lần lượt là 37% và 28%.

Kết luận: Đây là công bố đầu tiên về hoạt tính chống oxy hóa in vitro của các bộ phận rễ và thân rau đắng đất. Kết quả này hứa hẹn một nguồn nguyên liệu tiềm nằng mới dùng để làm thực phẩm chức năng, thuốc và các nguyên liệu hoặc thành phần khác phục vụ cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Trần Thanh Hà

  1.  

DẤU VÂN TAY SẮC KÝ LỚP MỎNG (TLC) VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN CỦA CAO CHIẾT LÁ VÀ THÂN CỦA CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT TRÊN CÁC CHỦNG VI KHUẨN GÂY BỆNH RĂNG MIỆNG

Juliana Janet R. Martin-Puzon và cs.

Asian Pacific Journal of Tropical Disease, 2015, 5(7): 569–574

Mục tiêu: Nhằm xác định hoạt tính kháng khuẩn và dấu vân tay sắc ký lớp mỏng (TLC) của các cao chiết từ lá và thân rau đắng đất.

 Phương pháp nghiên cứu: Lá và thân rau đắng đất được chiết bằng các dung môi cloroform, ethanol và methanol. Hoạt tính kháng khuẩn của các dịch chiết được đánh giá thông qua các thử nghiệm khuếch tán trên đĩa thạch, nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu trên các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin, Enterococcus kháng vancomycin, vi khuẩn sinh men β-lactamase phổ mở rộng, Enterobacteriaceae kháng carbapenem, và Pseudomonas aeruginosa sản sinh enzym metallo-β-lactamase, Acinetobacter baumanii. . Sắc ký lớp mỏng TLC được thực hiện trên các dịch chiết ethanol lá và thân Rau đắng đất với hệ dung môi ethyl acetat: n-hexan. Vết sắc ký được quan sát dưới ánh sáng khả kiến, UV 254 nm, UV 366 nm và sau khi phun với thuốc thử vanillin-acid sulfuric

Kết quả: Các dịch chiết từ ​​lá rau đắng biển thể hiện hoạt tính kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Gram âm không kháng thuốc và đa kháng thuốc Escherichia coli, P. aeruginosaA. baumanii. Dấu vân tay TLC cho thấy sự có mặt của các hợp chất khác nhau trong các dịch chiết từ ​​lá và thân Rau đắng đất. Các dịch chiết từ ​​lá thể hiện sự đa dạng về thành phần hóa học hơn so với dịch chiết từ ​​thân cây, tuy nhiên có một số thành phần giống nhau ở cả hai bộ phận của cây.

Trrna

 Kết luận: Các dịch chiết của lá cây G. oppositifolius có thể được sử dụng như các nguồn kháng sinh thay thế mới chống lại các chủng kháng kháng sinh và đa kháng của vi khuẩn Gram âm Escherichia coli, P. aeruginosaA. baumanii. Dấu vân tay TLC cho nét tổng quát về thành phần hóa học của các dịch chiết từ ​​lá và thân của G. oppositifolius, là một công cụ quan trọng và mạnh mẽ cho việc chuẩn hóa, xác thực, kiểm soát chất lượng và xác định các thành phần hoạt tính sinh học của bất kỳ dạng chiết nào của G. oppositifolius.

Trần Thanh Hà

  1.  

 TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA VÀ CÁC HỢP CHẤT PHENOLIC TỪ PHẦN CHIẾT BỘ PHẬN TRÊN MẶT ĐẤT CỦA CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT GLINUS OPPOSITIFOLIUS

Vasincu A và cs.

Rev Med Chir Soc Med Nat Iasi. 2014, 118(2),564-70

Tóm tắt: Trong y học cổ truyền Malian, bộ phận trên mặt đất của Glinus oppositifolius được sử dụng trong nhiều điều trị rối loạn, đặc biệt là viêm và đau khớp.
Mục đích: Nghiên cứu này được đề xướng nhằm nghiên cứu khả năng chống oxy hóa của Glinus oppositifolius.
Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Nguyên liệu là phần trên mặt đất được làm khô và chiết với dung môi là nước và ethanol. Hai phân đoạn chiết này sau đó được sử dụng để đánh giá hàm lượng phenolic và hoạt tính chống oxy hóa. Tổng hàm lượng phenol được định lượng bằng phương pháp Folin-Ciocalteu. Hoạt tính chống oxy hóa in vitro được nghiên cứu bằng cách đánh giá khả năng quét các gốc tự do khác nhau (các gốc ABTS, superoxid và hydroxyl, nitric oxid) và tạo phức với các ion sắt.
Kết quả: Phần chiết nước chứa hàm lượng phenol tổng cao hơn phần chiết xuất ethanol (1,27 +/- 0,04 so với 0,94 +/- 0,05 g GAE / 100 g). Cả hai phần đều không có khả năng quét gốc anion superoxid nhưng đã quét sạch các gốc ABTS và hydroxyl, oxit nitric và tạo phức với các ion sắt một cách phụ thuộc nồng độ. Qua các giá trị EC50, phần chiết nước cho thấy tác dụng chống oxy hóa mạnh hơn phần chiết ethanol (174.32 +/- 1.49 so với 276.76 +/- 1.52 microg / mL trong thử nghiệm quét gốc ABTS, 119.91 +/- 1.70 so với 240.57 +/- 0.97 microg / mL trong trong thử nghiệm quét gốc nitric oxid, 1,99 +/- 0,01 so với 6,54 +/- 0,08 mg / mL trong thử nghiệm tạo phức với ion sắt). Trong trong thử nghiệm quét gốc hydroxyl, dung dịch nước có giá trị EC50 là 0,86 +/- 0,00 mg/mL trong khi giá trị EC50 của phần chiết ethanol cao hơn nồng độ cao nhất đã được thử nghiệm (3,75 mg / mL).
Kết luận: Kết quả nghiên cứu này cho thấy một cách rõ nét tiềm năng chống oxy hóa của các bộ phận trên mặt đất cây rau đắng đất Glinus oppositifolius và cho thấy rằng hoạt tính chống viêm có thể liên quan một phần đến tiềm năng chống oxy hóa.

Trần Thanh Hà, Lê Ngọc Duy

  1.  

CÁC NGHIÊN CỨU DƯỢC LIỆU VÀ HÓA LÝ TRÊN LÁ CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT GLINUS OPPOSITIFOLIUS L.
S. K. Sahu và cs.
 Der Pharmacia Lettre, 2012
Tóm tắt: Rau đắng đất là một cây thuốc quan trọng thuộc họ Molluginaceae, được sử dụng trong dân gian để điều trị bệnh ngoài da, tăng sự thèm ăn, chữa trị trĩ, bệnh bạch bì, thuốc bổ tiêu hóa, nhiễm trùng tiết niệu, sốt, ho, bệnh gan và sử dụng như là chất chống oxy hóa do tính chất tuyệt vời và các thành phần có hoạt tính của dược liệu này. Nghiên cứu này cung cấp các chi tiết hữu ích về phân loại thực vật, dược liệu và hóa lý làm nền tảng cho tiêu chuẩn hóa và các thông số của dược điển. Các thông số quan trọng được nghiên cứu là nghiên cứu vi học, đặc điểm của bột dược liệu, nghiên cứu hóa mô, đặc điểm của bột với thuốc thử hóa học khác nhau và phân tích huỳnh quang khác nhau. Các nghiên cứu hóa lý cho thấy tổng hàm lượng độ ẩm (8%), tro toàn phần (16,10%), tro tan trong nước (12,5%), tro không tan trong acid (10%), tro sulfat (25,5%), dịch chiết các phân đoạn dầu ete (0,4%), cloroform (1,8%), aceton (3,4%), ethyl acetat (2,4%), methanol (9,8%) và dịch chiết nước (18,5%). Yếu tố vô cơ cho thấy sự hiện diện của sắt, sulfat, clorua và nitrat.
Nguyễn Thị Thu
  1.  

 TÁC DỤNG CHỐNG TIÊU CHẢY CỦA PHẦN TRÊN MẶT ĐẤT CỦA GLINUS OPPOSITIFOLIUS (L.) Ở ĐỘNG VẬT GẶM NHẤM

Pattanayak S. và cs.

Recent Advances in Pharmaceutical Science Research, 2012

Glinus oppositifolius là một loại dược thảo, thường được gọi là Jima, đã được báo cáo là có tác dụng kháng khuẩn, diệt giun sán, tiểu đường, sốt rét, chống tăng lipid máu, chống oxy hóa và giảm đau chống viêm nhưng chưa được nghiên cứu về tác dụng chống tiêu chảy. Tác dụng chống tiêu chảy của các dịch chiết khác nhau từ G. oppositifolius được đánh giá trên dầu thầu dầu, magie sulphat gây tiêu chảy và quá trình vận chuyển đường tiêu hóa ở chuột. Trong số ba dịch chiết, chỉ có dịch chiết methanol (ở liều 500 mg/kg) có tác dụng bảo vệ lần lượt 86% và 79% chống lại dầu thầu dầu và magie sulphat gây tiêu chảy so với chứng loperamid (3 mg/kg). Giảm đáng kể (p < 0,001) trong nhu động tiêu hóa trong thử nghiệm bữa ăn có than ở chuột được quan sát khi so sánh với nhóm chứng.
Nguyễn Thị Thu 
  1.  

TÁC DỤNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT VÀ HẠ LIPID MÁU CỦA CAO CHIẾT METHANOL

CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT GLINUS OPPOSITIFOLIUS

Ghanshyam P. và cs.

Int J Pharm, 2012

Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát tác dụng hạ đường huyết và hạ lipid máu của cao chiết methanol của cây rau đắng đất. Cao chiết methanol của rau đắng đất đã được thử nghiệm tác dụng chống tăng đường huyết ở chuột cống trắng có đường huyết cao do quá tải glucose và tác dụng hạ đường huyết ở chuột cống trắng bình thường được cho nhịn ăn qua đêm. Cao chiết cũng được đánh giá tác dụng chống tăng lipid máu ở chuột cống trắng bị cao lipid máu gây bởi triton. Tất cả các phương pháp được khảo sát ở ba mức liều cao chiết là 100, 200 và 400 mg/kg. Kết quả của nghiên cứu được biểu thị dưới dạng giá trị trung bình ± SEM (Sai số chuẩn của giá trị trung bình) với n = 6 và dữ liệu được phân tích thống kê bằng phép kiểm phương sai một chiều (ANOVA) và hậu kiểm bởi Bonferroni's Multiple Comparison Test với mức ý nghĩa 5% (P<0,05). Cao chiết methanol của rau đắng đất thể hiện hoạt tính chống tăng đường huyết có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) ở liều 200 và 400 mg/kg nhưng không làm hạ đường huyết ở chuột bình thường bị nhịn ăn. Cao chiết cũng làm giảm có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) các dữ liệu lipid trong huyết thanh như cholesterol toàn phần, triglycerid, lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) và làm tăng lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) ở chuột bị cao lipid máu so với lô chứng. Tất cả các tác dụng này là phụ thuộc liều. Nghiên cứu này góp phần chứng minh kinh nghiệm sử dụng dược liệu này trong dân gian và cao chiết methanol của rau đắng đất có tác dụng hạ đường huyết và hạ lipid máu điển hình, có thể được bổ sung vào trong các chế phẩm y học cổ truyền để điều trị các biến chứng liên quan đến tăng đường huyết và tăng lipid máu hoặc được sử dụng như một chất hỗ trợ với liệu pháp điều trị hiện có.

Nguyễn Thị Thu

  1.  

TÁC DỤNG KHÁNG DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ BIỂU MÔ CỔ TRƯỚNG EHRLICH ASCITES CỦA CAO CHIẾT METHANOL TỪ RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS) VÀ CỎ TAM KHÔI (TRIANTHEMA DECANDRA) TRÊN CHUỘT IN VIVO

Kandar C. C. và cs.

Journal of PharmaSciTech 2012; 2(1):26-30

Các thực vật, cỏ tam khôi (sam biển, Trianthema decandra) và rau đắng đất (Glinus oppositifolius) thường được sử dụng bởi các bộ lạc ở Ấn Độ cho việc điều trị ung thư. Hoạt tính chống ung thư của dịch chiết methanol của cỏ tam khôi (METD) và rau đắng đất (MEGO) được đánh giá trên chuột Swiss albino trưởng thành được tiêm vào màng bụng dòng tế bào ung thư biểu mô cổ trướng (EAC) với nồng độ 2x106 tế bào/ chuột. Thời gian sống trung bình, thể tích khối u, tuổi thọ, số lượng tế bào khối u, hàm lượng hemoglobin và số lượng hồng cầu (RBC) và bạch cầu (WBC) được đo lường để xác định tác dụng chống ung thư của METD và MEGO tại các liều 100, 200 và 400 mg/kg trọng lượng chuột. Tuổi thọ của các chuột mang khối u, tổng lượng RBC và hàm lượng haemoglobin tăng lên đáng kể. Trong công thức bạch cầu, tỉ lệ phần trăm tế bào lympo cũng tăng lên cùng với giảm mức độ của bạch cầu trung tính trong chuột được điều trị bằng METD và MEGO. Thể tích khối u và phần trăm tế bào sống trong dịch cổ trướng đã giảm đi đáng kể ở chuột được điều trị bằng METD và MEGO. Từ kết quả của các thông số trên, đề tài đã kết luận rằng METD và MEGO có hoạt tính chống ung thư điển hình khi được so sánh với thuốc chống ung thư 5- fluorouracil (5-FU) được tiêm màng bụng ở liều 2 mg/ kg trọng lượng chuột.

Nguyễn Thị Duyên

  1.  

HOẠT TÍNH DỌN GỐC TỰ DO VÀ ĐỊNH LƯỢNG HÀM LƯỢNG PHENOLIC CỦA GLINUS OPPOSITIFOLIUSSESBANIA GRANDIFILORA

Chhayakanta Panda và cs.

 International Journal of Phamacy, 2013, 3(4): 722-727

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá hoạt tính chống oxy hóa in vitro của dịch chiết methanol của toàn cây Glinus oppositifolius (MEGO) và lá Sesbania grandiflora (MESG). Tác dụng điều trị của các tannin và flavonoid chủ yếu do tính chất chống oxy hóa của chúng. Định lượng hàm lượng phenolic được đo bằng dụng phương pháp quang phổ UV. Hàm lượng phenolic tổng của MEGO là 12,2 ± 0,12 (w/w) và của MESG là 8,34 ± 0,08 (w/w) và hàm lượng flavonoid tổng của MEGO  và MESG tương ứng 4,9 ± 0,02% (w/w) và 1,2 ± 0,13% (w/w), và tương ứng 3,6 ± 0,18 % (w/w)  và 1,56 ± 0,09 % w/w khi sử dụng rutin làm tiêu chuẩn. Các kết quả chỉ ra rằng các cây này đều có hoạt tính chống oxy hóa. Hoạt tính chống oxy hóa của MEGO mạnh hơn MESG. Vì vậy, kết quả cho thấy cả hai loài thực vật này đều chứa các chất chống oxy hóa và có thể sử dụng cho điều trị các bệnh liên quan stress oxy hóa

Nguyễn Thị Duyên

  1.  

 ĐÁNH GIÁ THỰC NGHIỆM TÁC DỤNG KHÁNG NHUYỄN THỂ CỦA RAU ĐẮNG ĐẤT GLINUS OPPOSITIFOLIUS (L.) AUG. DC.(AIZOACEAE).

Denou và cs.

International Journal of New Technology and Research 2.4

Tác động có hại đối với môi trường và giá thành cao của các chất diệt nhuyễn thể tổng hợp đòi hỏi cần phải nghiên cứu tìm kiếm liệu pháp thay thế bằng việc sử dung các chiết xuất từ thực vật để kiểm soát bệnh nhiễm ký sinh trùng sán máng ở người. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng kháng nhuyễn thể của các cao chiết (butanol và ethyl acetat) và các chất tính khiết được phân lập từ phần trên mặt đất của cây rau đắng đất, chống lại vật chủ trung gian của ốc gây bệnh sán máng. Đánh giá tác dụng diệt nhuyễn thể đối với các loài ốc Bulinus truncatus Biomphalaria pfeifferi được tiến hành bằng phương pháp ngâm theo hướng dẫn của WHO. Kết quả tỉ lệ chết được phân tích thống kê bằng phần mềm excel. Sau khi ngâm 24 giờ, cao chiết BuOH cho LC50 thấp nhất, lần lượt là 64.3 và 91.7 ppm đối với Bulinus truncatusBiomphalaria pfeifferi. Ngoài ra cao chiết EtOAc có LC50 là 86.2 ppm đối với Bulinus tuncatus. Mặc dù các cao chiết thô có tác dụng tốt hơn, cả cao chiết và các chất tinh khiết từ rau đắng đất đều có tác dụng phụ thuộc liều đối với B.truncatusB. pfeifferi.. Các kết quả này cho thấy rau đắng đất có tác dụng diệt nhuyễn thể kháng lại các loài ốc B. truncatusB. pfeifferi. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu toàn diện hơn để có thể sử dụng rau đắng đất trị B.truncatusB. pfeifferi.

Vũ Thị Diệp

  1.  

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LOÀI GLINUS OPPOSITIFOLIUS (L.) AUG. DC.

Sadia Afrin Chhanda và cs.

Dhaka University Journal of Science, 2014, 62(1), 45-48

Các hợp chất dotriacontyl docosanoat và trilinolein đã được phân lập từ phân đoạn ete dầu hỏa và phân đoạn ethyl acetat tương ứng của loài Glinus oppositifolius (L.) Aug. DC. Các hợp chất được nhận dạng bằng phương pháp phổ. Tổng hàm lượng vitamin C đã được xác định và thành phần axit béo đã được phân tích bằng GLC.

Phạm Thị Thúy

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CỦA PHẦN TRÊN MẶT ĐẤT CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS L), CHỐNG LẠI SỰ QUÁ TẢI GLUCOSE VÀ BỆNH CẢNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY BỞI STREPTOZOTOCIN Ở CHUỘT CỐNG TRẮNG

Suman Pattanayak và cs.

International journal of natural products and marine biology, 2015, 1 (1), 29 – 34

Trong nghiên cứu về tiềm năng chống đái tháo đường, tác dụng của các cao chiết ether dầu hỏa, chloroform và methanol từ rau đắng đất được khảo sát trên mức độ đường huyết đo lúc đói và trên việc phân tích các chỉ số sinh hóa huyết thanh của chuột cống trắng bị đái tháo đường gây bởi streptozotocin. Trong số 3 cao chiết trên, cao chiết methanol với liều uống 500 mg/kg sau 15 ngày điều trị, đã làm giảm nồng độ glucose máu trên nhóm chuột bình thường, trên chuột bình thường bị quá tải glucose và trên chuột bị đái tháo đường gây bởi streptozotocin, trong khi cao chiết ether dầu hỏa và chloroform cũng với liều uống 500 mg/kg không thể hiện bất kỳ ảnh hưởng nào đối với 3 nhóm chuột trên. Các khảo sát đồng thời mô học của tuyến tụy những con vật này cho thấy khi dùng cao chiết methanol có sự phục hồi tương đối mô tụy bị hoại tử bởi streptozotocin. Kết quả cho thấy cao chiết methanol có tác dụng hạ đường huyết điển hình trong mô hình đái tháo đường thực nghiệm. Các tác dụng chống đái tháo đường của cao chiết methanol được dự đoán là do sự hiện diện của các hợp chất steroid, saponin glycosid, alkaloid và flavonoid.

Phạm Thị Thúy

  1.  

 TÁC DỤNG BẢO VỆ GAN CỦA PHẦN TRÊN MẶT ĐẤT CÂY RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS L) CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG GAN DO PARACETAMOL GÂY RA TRÊN CHUỘT CỐNG TRẮNG

Sahu S. K và cs.

Asian Journal of Pharmacy and Technolog, 2012, 2 (4),154-156

Cao chiết ethanol 80% từ phần trên mặt đất cây rau đắng đất được chuẩn bị để đánh giá tác dụng bảo vệ gan trên chuột cống trắng bị viêm gan do paracetamol. Sự thay đổi các chỉ số sinh hóa đặc hiệu của tổn thương gan như SGOT, SGPT, ALP, cholesterol và bilirubin đã được khảo sát ở cả nhóm được điều trị và không được điều trị. Paracetamol (2 g/kg) làm tăng các nồng độ SGOT, SGPT, ALP, cholesterol và bilirubin. Việc điều trị bằng cao chiết ethanol từ phần trên mặt đất cây rau đắng đất (liều 200 mg/kg và 400 mg/kg) đã phục hồi các giá trị sinh hóa này về gần mức bình thường theo cách phụ thuộc liều sử dụng.

Phạm Thị Thúy

  1.  

XÂY DỰNG QUY TRÌNH NHÂN GIỐNG CÂY ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA L. HARMS.), LOÀI CÂY THUỐC CÓ GIÁ TRỊ TẠI VIỆT NAM

Bui Dinh Thach và cs.

European Journal of Biotechnology and Genetic Engineering Vol. 3 No. 1, 2016

  Polysicas fruticosa (L.) Harm. là một trong những cây thuốc phổ biến được sử dụng bởi nhiều nhóm cộng đồng và bộ lạc có nền văn hóa khác nhau. Một quy trình hiệu quả cho việc nhân giống nhanh cây đăng linh, thuộc họ Araliaceae, được phát triển bằng cách sử dụng cấy ghép mô lá. Các mẫu mô lá cấy trên môi trường cơ bản Murashige và Skoog (MS) được bổ sung với các nồng độ khác nhau và sự kết hợp của auxin và cytokinin. Sự hình thành mô sẹo thu được trong vòng 4 tuần, với 2,4-D ở mức 3mg / l tạo thành ra nhiều mô sẹo với hiệu quả cao nhất (++++) trong tất cả các công thức. Phản ứng tốt nhất để hình thành chồi, với số lượng tối đa là 8,21 (số lượng thân trung bình trên mô cấy) thu được bằng cách sử dụng 6-benzyl aminopurine (BA) với nông độ 5,0 mg/l  kết hợp với Naphthalene Acetic Acid (NAA) với nồng độ 0,1 mg / l. Chồi in vitro được kích thích ra rễ bằng môi trường bổ sung NAA với nồng độ 0,5mg/l. Các chồi ra rễ đã được huấn luyện thành công và được trồng trong điều kiện tự nhiên, với tỷ lệ sống 74%.

Trần Thị Kim Dung

  1.  

NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY ĐINH LĂNG (POLYSCIAS FRUTICOSA)

Sakr và cs.

International Journal of Plant & Soil Science, 3(10): 1254-1265, 2014; Article no. IJPSS.2014.10.006

 Mục đích của nghiên cứu này là phát triển một quy trình được xác định rõ ràng để nhân giống in vitro cây đinh lăng Polyscias fruticosa. Tất cả các thí nghiệm đều được thiết kế theo một nhân tố, bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn. Phân tích phương sai được áp dụng để so sánh sự khác biệt thống kê giữa các nghiệm thức sử dụng L.S.D ở mức xác suất 5% bởi Snedecor và Cochran. Nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2011 nhằm xây dựng được các quy trình phù hợp nhất cho việc nhân giống in vitro cây đinh lăng trong phòng thí nghiệm về nuôi cấy mô, vườn thực vật Zohria, Viện nghiên cứu trồng trọt, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp. Các chồi non đã được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch clorox (chất tẩy trắng thương mại 5,25% sodium hypochlorite) với tỷ lệ 20, 25 và 30% trong 10, 15, 20 và 25 phút. Đỉnh chồi được nuôi cấy trên môi trường MS (Murashige và Skoog) được bổ sung BA (Benzylaminopurine) ở 0.0, 1.0, 3.0, hoặc 5.0 mg / l và kin (Kinetin) ở 0.0, 0.5, 1.0, 2.0 hoặc 4.0 mg / l, và 3 g / l (than hoạt tính) AC. Các chồi thu được từ giai đoạn hình thành được nuôi cấy trên môi trường nhân chồi. Ba thí nghiệm với sự kết hợp các loại hoóc-môn thực vật khác nhau để tái tạo chồi được thực hiện. Thí nghiệm thứ nhất bao gồm môi trường MS bổ sung BA ở 0.0, 1.0, 3.0 hoặc 5.0 mg / l và kin ở 0.0, 0.5, 1.0, 2.0 hoặc 4.0 mg / l và các kết hợp của chúng. Thí nghiệm thứ hai bao gồm môi trường dinh dưỡng cơ bản WPM bổ sung BA ở 0.0, 1.0, 3.0 hoặc 5.0 mg / l và kin ở 0.0, 0.5, 1.0, 2.0 hoặc 4.0 mg / l và các kết hợp của chúng . Thí nghiệm thứ ba bao gồm môi trường dinh dưỡng cơ bản B5 (môi trường Gamborg) bổ sung BA ở 0.0, 1.0, 3.0 hoặc 5.0 mg / l và kin ở 0.0, 0.5, 1.0, 2.0 hoặc 4.0 mg / l và kết hợp của chúng. Chồi được nuôi cấy trên môi trường tạo rễ cơ bản MS bổ sung NAA (axit axetic Naphthene) ở 0,0, 0,1, 0,5, 1,0, 2,0 và 4,0 mg / l hoặc IBA (axit indol butyric) ở 0,0, 0,1, 0,5, 1,0, 2,0 và 4,0 mg / l trong 45 ngày. Cây con có rễ được trồng vào các chậu nhựa đường kính 5 cm chứa đầy than bùn và cát với tỉ lệ 1:0, 1:1, 1:2 hoặc 1:3 (v: v).

Sự tương tác giữa 25% clorox trong 15 phút cho tỉ lệ sống cao nhất. Đối với giai đoạn hình thành, 3,0 mg/l BA và 2,0 mg/l kin cho chiều cao chồi lớn nhất. Đối với giai đoạn nhân nhanh, chiều dài chồi, số lượng chồi, số lá và mô sẹo cao nhất đạt được ở môi trường B5 bổ sung với 5,0 mg/l BA và 2,0 mg / l kin. Đối với giai đoạn hình thành rễ, số rễ và chiều dài rễ cao nhất đạt được trên môi trường được bổ sung NAA với nồng độ 1,0 mg / l. Tỉ lệ cây con sống cao nhất đạt được bằng cách chuyển cây con vào chậu chứa cát và than bùn với tỷ lệ 1: 1 (v / v).

Nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình phù hợp nhất cho nhân giống bằng nuôi cấy mô cây đinh lăng (Polyscias fruticosa Harms). Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về giai đoạn thuần hoá ex vitro để tăng hiệu quả quá trình ra cây trong nhà kính.

Trần Thị Kim Dung

  1.  

KÍCH THÍCH SẢN XUẤT HỢP CHẤT PHENOLIC TRONG THÂN CÂY (POLYSCIAS FRUTICOSA BAILEY) BẰNG PHƯƠNG PHÁP IN VITRO VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CHẤT CHIẾT XUẤT RA

Anita Agnieszka Śliwińska và cs.

Acta Soc Bot Pol. 2018;87(2):3586

Trong nghiên cứu này, một phương pháp hiệu quả để tăng cường sản xuất hợp chất phenolic trong các chồi nuôi cấy in vitro của Polyscias filicifolia đã được phát triển. Chưa có nghiên cứu nào được công bố trước đây về hàm lượng hợp chất phenolic trong P. filicifolia. Chồi được xử lý bằng methyl jasmonate (JM) hoặc axit salicylic (SA) ở nồng độ 50, 100 hoặc 200 μM. Kỹ thuật HPLC-UV-VIS và LC-MS được sử dụng để xác định các axit chlorogenic, caffeic và ferulic. Phenolics và flavonoid tổng số đã được định lượng, và khả năng chống oxy hóa của chất chiết xuất ra được xác định bằng phương pháp DPPH và ABTS. Cuối cùng, hoạt tính gây độc tế bào của các chất chiết xuất từ ​​P. filicifolia trong các tế bào bình thường (HaCaT) và ung thư (A549) đã được nghiên cứu. Hiệu quả của các chất chiết xuất trên cisplatin gây độc tế bào cũng đã được đánh giá.

Kết quả cho thấy các chất phenolic được tăng lên đáng kể so với chồi và lá của còn nguyên vẹn không được xử lý. Axit clorogenic là hợp chất nhiều nhất với hàm lượng cao nhất là 5,03 ± 0,25 mg / g DW sau khi xử lý bằng 50 μM SA. Hàm lượng flavonoid và phenol tổng số bị ảnh hưởng đáng kể với liều lượng thay đổi bởi JM. Khả năng chống oxy hóa cao nhất đã được ghi nhận trong các chất chiết xuất có nguồn gốc từ chồi trồng trên môi trường bổ sung 50 μM SA và 200 μM JM; những liều này được sử dụng để phục vụ những điều tra hoạt động gây độc tế bào tiếp theo. Chất chiết xuất từ ​​phương pháp xử lý JM hoặc SA làm giảm khả năng tồn tại của tế bào ung thư và tăng tỷ lệ tử vong của chúng, trong khi chất chiết được ​​xử lý JM thể hiện tác dụng bảo vệ trên tế bào bình thường. Hơn nữa, so sánh các tính chất gây độc tế bào của chất chiết và cisplatin chỉ ra rằng các hợp chất phenolic kết hợp với thuốc chống ung thư có thể làm giảm tác dụng bất lợi của chất này lên tế bào con người.

Trần Thị Kim Dung

  1.  

MỐI QUAN HỆ CHUNG GIỮA CÁC LOÀI TRONG HỌ RAU ĐẮNG ĐẤT (MOLLUGINACEAE)

DỰA TRÊN PHÂN TÍCH PHÁT SINH LOÀI SỬ DỤNG GEN MATK

M.A. Ali1 *, J. Lee2 * và cs.
Genet Mol Res. 2017 Jun 29;16(2)

Họ Molluginaceae (Bộ Caryophyllales) được coi là đa hình dựa trên những nghiên cứu về con đường quang hợp, sự tiến hóa C4, và phát sinh loài. Suy luận này được thực hiện dựa trên các bộ dữ liệu quang hợp, giải phẫu hình thái và phân tử. Các dấu hiệu chung của họ này đã được thay đổi rất nhiều do sự thay đổi vị trí của một số chi vào họ Caryophyllaceae, Microteaceae, Lophiocarpaceae, và Limeaceae. Tuy nhiên, các mối quan hệ chung hầu như chưa được biết đến. Nhờ có tỷ lệ thay thế cao trong các loài và khả năng giải quyết vị trí phát sinh loài của các loài và phức hợp loài có hình thái tương tự, gen matK nổi lên là một trong những marker phân tử ADN tiềm năng trong sinh học phân tử thực vật và các nghiên cứu mã vạch DNA. Chúng tôi đã sử dụng phân tích phát sinh loài phân tử của trình tự gen matK bằng cách sử dụng phương pháp phân tích maximum parsimony và maximum likelihood (hợp lý cực đại) để suy ra các mối quan hệ giữa các chi được công nhận hiện nay xếp trong họ Molluginaceae. Kết quả cây phát sinh loài xác nhận sự đa dạng của họ Molluginaceae. Chi Hypertelis được tìm thấy ở chân nhánh Molluginaceae. Chi Glinus gần với Glischrothamnus và Mollugo, Suessenguthiella gần với CoelanthumPharnaceum, trong khi Polpoda được nhóm lại với AdenogrammaPsammotropha. Nghiên cứu này đưa ra những kết quả điều tra quan trọng về mối quan hệ phát sinh loài phân tử giữa các thành viên của họ Molluginaceae. Nghiên cứu trong tương lai nên kết hợp phân tích đặc điểm hình thái và trình tự DNA nhân và lục lạp với mẫu lấy mẫu toàn diện hơn về họ Molluginaceae.

            Nguyễn Thị Thụ

 

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)

Tags: Bản tin