SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ PHÂN BIỆT PHẦN TRÊN MẶT ĐẤT CỦA HAI LOÀI BẢY LÁ MỘT HOA PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS VÀ PARIS POLYPHYLLA VAR. CHINENSIS BẰNG PHƯƠNG PHÁP UHPLC-QTOF MS KẾT HỢP PHÂN TÍCH DỮ LIỆU ĐA BIẾN
Liang Y và cs.
Phytochemical Analysis (2019), 1-10
Giới thiệu: Nguồn nguyên liệu thân rễ chi Paridis đang bị cạn kiệt vì khai thác không kiểm soát. Do đó, phần trên mặt đất của P. polyphylla (bảy lá một hoa) được xem là nguồn nguyên liệu thay thế bổ sung. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn những nghiên cứu về thành phần hóa học của bộ phận trên mặt đất để đánh giá sự khác biệt giữa 2 loài P. polyphylla Smith var. yunnanensis (PPY) và P. polyphylla var. chinensis (PPC).
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm thiết lập một nền tảng toàn diện để mô tả các saponin steroid hiện diện trong phần trên mặt đất của PPY và PPC, từ đó phân biệt 2 loài này.
Phương pháp: Sử dụng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng đầu dò tứ cực thời gian bay ghép khối phổ (UHPLC-QTOF-MS) để phân tích đặc điểm của các saponin steroid có trong phần trên mặt đất của 2 loài PPY và PPC. Mặt khác, phương pháp thống kê đa biến được sử dụng để phân biệt 2 loài và sàng lọc các thông số khác biệt. Thêm vào đó, kĩ thuật giải thuật di truyền tối ưu bởi mô hình hóa vector (GA-SVM) được phát triển nhằm dự đoán các mẫu P. polyphylla. Sự phân bố các saponin steroid trong 2 loài PPY và PPC được hiển thị trên một bản đồ nhiệt.
Kết quả: Xác định được đặc điểm 102 hợp chất có trong phần trên mặt đất của hai loài PPY và PPC. Một quy trình phân biệt rõ ràng giữa hai loài PPY và PPC được thiết lập, và đã sàng lọc được 35 saponin làm chất đánh dấu. Mô hình GA-SVM được xây dựng đã cho kết quả dự đoán chính xác đến 100%.
Kết luận: Nhiều saponin steroid được báo cáo trong thân rễ chi Paridis cũng hiện diện trong phần trên mặt đất của loài P. polyphylla. Các mẫu thử phần trên mặt đất của 2 loài PPY và PPC được phân biệt dựa trên nền tảng nghiên cứu đã xây dựng.
Nguyễn Nhật Minh
CẤU TRÚC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG LÃO HÓA CỦA POLYSACCHARID TỪ LÁ PARIS POLYPHYLLA
Shen S và cs.
International Journal of Biological Macromolecules, 107: 1613-1619, 2018
Để tận dụng tối ưu nguồn nguyên liệu Paris polyphylla (bảy lá một hoa), từ lá của loài này đã thu nhận được một polysaccharid đồng nhất (PPLP). Hợp chất này có khối lượng phân tử trung bình là 2,95×104 Da, phân tích thành phần monosaccharid cho thấy PPLP có chứa L-arabinose và D-galactose với tỉ lệ mol là 4,2:5,8. Dữ liệu methyl hóa và phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) cho thấy khung sườn của PPLP bao gồm liên kết (1→6)-β-D-galactan với phần nhánh chứa nhóm arabinosyl liên kết kiểu (1→3). Ngoài ra, hoạt tính chống lão hóa của PPLD được đánh giá trên mô hình chuột nhắt trắng bị lão hóa gây bởi D-galactose. So sánh với nhóm chứng mô hình, nhóm thử PPLP có thể hiện sự ngăn cản hình thành malondialdedyd (MDA) có ý nghĩa thống kê và cải thiện nồng độ các enzym chống oxi hóa và khả năng chống oxi hóa tổng (TAOC) trong huyết thanh và trong gan chuột. Kết quả cho thấy tiềm năng chống lão hóa của PPLP.
Bùi Thế Vinh
ĐỊNH LƯỢNG NHANH CHÓNG, ĐƠN GIẢN POLYPHYLLIN I, II, VI VÀ VII Ở CÁC THỜI ĐIỂM THU HOẠCH KHÁC NHAU CỦA BẢY LÁ MỘT HOA [PARIS POLYPHYLLA SMITH VAR. YUNNANENSIS (FRANCH.) HAND.-MAZZ] BẰNG PHƯƠNG PHÁP UPLC-MS/MS VÀ FT-IR
Wu Z và cs.
Journal of Natural Medicines, 71(1): 139-147, 2016
Bảy lá một hoa [Paris polyphylla Smith var. yunnanensis (Franch.) Hand.-Mazz, tên tiếng Hoa là "Dian Chonglou"] là dược liệu nổi tiếng của Trung Quốc, được biết đến với các hoạt tính kháng ung thư, chống đông máu và gây độc tế bào. Trong nghiên cứu này, phương pháp quang phổ hổng ngoại biến đổi (FT-IR) được kết hợp với phương pháp phân tích thành phần (PCA), phương pháp bình phương tối thiểu (PLSR) nhằm phân biệt các mẫu bảy lá một hoa ở các độ tuổi khác nhau và xác định hàm lượng của các hợp chất polyphyllin I, II, VI, and VII trong bảy lá một hoa. Bên cạnh đó, phương pháp UPLC-MS/MS được sử dụng để nghiên cứu sự thay đổi động học của bảy lá một hoa thu hoạch ở các độ tuổi khác nhau (4, 5, 7, 8, 9, 12 và 13 tuổi). Theo kết quả phân tích UPLC-MS/MS, thời gian thu hoạch tối ưu của bảy lá một hoa là 8 năm tuổi, tương ứng với hàm lượng của 4 hoạt chất cao nhất. Đối với kết quả mô hình PCA, độ tuổi của bảy lá một hoa được phân biệt một cách chính xác, ngoại trừ 2 mẫu 8 tuổi bị phân loại nhầm thành mẫu 9 tuổi. Kết quả dự đoán hàm lượng các hoạt chất polyphyllin I, II, VI và VII đạt độ chính xác cao với hệ số tương quan định lượng (R2) cao, các sai số bình phương trung bình RMSEE, RMSECV, RMSEP thấp. Như vậy, FT-IR kết hợp với hệ thống phân tích dữ liệu hóa học là phương pháp tốt cho độ chính xác cao để phân biệt các mẫu bảy lá một hoa ở các độ tuổi khác nhau và xác định hàm lượng các hoạt chất polyphyllin I, II, VI và VII trong bảy lá một hoa.
XÁC ĐỊNH STEROID SAPONIN TOÀN PHẦN CỦA CÁC LOÀI PARIS KHÁC NHAU SỬ DỤNG FTIR KẾT HỢP VỚI HÓA TRẮC HỌC
Yuangui Yang và cs.
China Journal Of AOAC International Vol. 101, No. 3, 2018
Các hợp chất saponin của Paris spp. có tác dụng sinh học như hoạt tính kháng vi sinh vật, tăng cường miễn dịch và kháng ung thư. Trong nghiên cứu này, phổ hồng ngoại (FTIR) và sắc ký lỏng siêu hiệu năng (UHPLC) được sử dụng để xác định saponin steroid toàn phần ở các loài Paris khác nhau ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với 52 mẫu được chuẩn bị, 26 mẫu được thực hiện với phương trình hồi quy bình phương nhỏ nhất từng phần (PLSR) và 26 mẫu còn lại thực hiện với thiết bị hồi quy support vector (SVMR) kết hợp với FTIR và UHPLC được nghiên cứu. Các thông số tối ưu C và γ đã được sàng lọc bởi thuật toán grid search với độ chính xác của thuật toán gần bảy lần. Kết quả cho thấy rằng việc tiền xử lý mẫu với sự kết hợp của biến số bình thường tiêu chuẩn, dẫn xuất 2 lần, hiệu chỉnh tín hiệu trực giao thì cho hiệu suất tốt nhất. Khi so sánh giữa mô hình SVMR và PLSR, tuyến tính PLSR thể hiện tốt hơn không tuyến tính SVMR trong việc xác định saponin steroid toàn phần ở các loài Paris khác nhau. Nồng độ saponin cao nhất được tìm thấy ở loài P. axialis của thành phố Bảo Sơn (40,92 ± 9,06 mg/g). Kết quả chỉ ra rằng sự tiếp cận này có thể sẽ cung cấp một quy trình phân tích nhanh và chính xác cho việc kiểm soát chất lượng của các loài Paris trong tương lai.
Nguyễn Văn Trí
CÁC SAPONIN STEROID MỚI TỪ THÂN RỄ CỦA PARIS VIETNAMENSIS (BẢY LÁ MỘT HOA) VÀ ĐỘC TÍNH TẾ BÀO
Yang Liu và cs.
Molecules, 23(3), 588, 2018
Bốn saponin spirostanol mới, được đặt tên là pavitnosides A-D (1 -4), với sáu saponin steroid được biết đến (5-10) đã được phân lập từ thân rễ của loài bảy lá một hoa (Paris vietnamensis). Cấu trúc hóa học của chúng được xác định dựa trên các nghiên cứu quang phổ và phương pháp hóa học. Các aglycon của pavitnosid B và pavitnosid C chưa được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây. Độc tính gây độc tế bào của tất cả các saponin được đánh giá trên các dòng tế bào ung thư não người U87MG và U251. Spirostanol saponin 1 mới cho thấy hoạt tính chống tăng sinh yếu đối với dòng tế bào U87MG và các saponin đã biết 8 và 9 có độc tính tế bào điển hình trên hai dòng tế bào khối u, với các giá trị IC50 từ 2,16 đến 3,14, nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của dịch nuôi cấy sơ cấp tế bào thần kinh đệm hình sao (astrocyte) ở người.
POLYPHYLLOSIDE A - F, SÁU SPIROSTANOL SAPONIN MỚI TỪ THÂN VÀ LÁ CỦA PARIS POLYPHYLLA VAR.CHINENSIS
Xu-Jie Qin và cs.
Bioorganic Chemistry 99 (2020) 103788
Nghiên cứu hóa thực vật đầu tiên về saponin steroid từ thân và lá của Paris polyphylla var. chinensis đã phân lập và xác định cấu trúc của sáu spirostanol saponin mới, được đặt tên là polyphyllosid A- F (1 -6), cùng với bốn hợp chất đã biết (7 -10). Cấu trúc của chúng được xác định thông qua dữ liệu phổ và phương pháp hóa học. Cả hai polyphyllosid A và B đều có một aglycon có liên kết đôi C-4 / C-5 và một nhóm hydroxy tại C-6, trong khi polyphyllosid C là saponin đầu tiên có một aglycon duy nhất có liên kết đôi C-6 / C-7 và một nhóm hydroxy ở vị trí C-5. Tất cả các saponin này được đánh giá hoạt tính gây độc tế bào trên năm dòng tế bào ung thư ở người được chọn. Trong số này, các saponin đã biết 7 và 10 thể hiện tác dụng gây độc tế bào đáng kể trên các tế bào HeLa với giá trị IC50 tương ứng là 4,16 và 4,45 μM. Mối tương quan cấu trúc-hoạt tính (SAR) của các chất được phân lập cũng đã được nghiên cứu. Phân tích tế bào học dòng cũng chỉ ra rằng saponin 7 có thể gây chết tế bào MDA-MB-231 phụ thuộc nồng độ. Saponin 7 đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến sự phân bố chu kỳ tế bào và gây ra sự ngừng pha G2/M trong các tế bào MDA-MB-231.
Nguyễn Thị Ngọc Đan, Nguyễn Thị Thu
PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG VÀ ĐÁNH GIÁ DƯỢC LIỆU BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS) THEO THỜI GIAN THU HÁI BẰNG PHƯƠNG PHÁP UPLC-UV-MS VÀ PHỔ FT-IR KẾT HỢP THUẬT TOÁN BÌNH PHƯƠNG TỐI THIỂU TỪNG PHẦN
Yang YG và cs.
Biomed Chromatography, 2017 Jul; 31(7)
Một phương pháp định lượng nhanh đồng thời paris saponin I, paris saponin II, paris saponin VI và paris saponin VII đã được xây dựng và được thẩm định bằng UPLC-UV-MS. Phân tích bằng thuật toán PLS-DA dựa trên nền tảng UPLC và quang phổ hồng ngoại biến đổi (FT-IR) đã được áp dụng để đánh giá hàm lượng hoạt chất trong các mẫu Paris polyphylla var. yunnanensis (PPY) theo thời gian thu hái khác nhau. Kết quả định lượng cho thấy sự biến đổi hàm lượng các hoạt chất trong các mẫu PPY theo thời gian thu hái khác nhau có thể dẫn đến những tác dụng dược lý khác nhau; hàm lượng saponin tổng số của các mẫu PPY 8 năm tuổi cao hơn so với các mẫu khác. Kết quả phân tích PLS-DA dựa trên dữ liệu phổ FT-IR hiệu quả hơn UPLC khi phân biệt các mẫu PPY theo thời gian thu hái khác nhau.
Nguyễn Thị Hà Ly
PHÂN TÍCH ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG CÁC SAPONIN CHÍNH TRONG PARIS FORRESTII
Huang YY và cs.
China Journal of Chinese Materia Medica, 2017, 42(18):3452-3460
Thành phần hóa học của P. forrestii và P. polyphylla var. yunnanensis được nghiên cứu bằng phương pháp UPLC-Q-TOF MS với mục đích tìm ra loài Paris forrestii có thể thay thế thân rễ Paridis được hay không. Hàm lượng của 8 saponin steroid chính của 77 mẫu P. forrestii từ các vùng khác nhau được định lượng đồng thời bằng phương pháp HPLC-UV. Kết quả đã chỉ ra rằng, P. forrestii và P. polyphylla var. yunnanensis tương đồng về thành phần hóa học, có 22 pic chính chung là các dẫn xuất steroid. Trong quá trình phân tích đó, cũng tìm ra sự khác nhau về hàm lượng các saponin của các mẫu P. forrestii từ các vùng khác nhau. Hàm lượng của 4 saponin steroid trong Dược điển Trung Quốc dao động từ 0,068% - 3,30%, và hàm lượng cao nhất của 8 loại saponin steroid là 6,18%, trong khi thấp nhất là 0,71%. Hơn nữa, 78% các mẫu P. forrestii đạt yêu cầu Dược điển Trung Quốc, có chất lượng tương đối ổn định và có thể được nghiên cứu thêm để thay thế cho thân rễ Paridis.
Hoàng Thị Tuyết
SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP UHPLC-UV-MS TRONG ĐỊNH LƯỢNG KẾT HỢP VỚI KỸ THUẬT DẤU VÂN TAY VÀ PHÂN TÍCH HÓA TRẮC HỌC ĐỂ ĐÁNH GIÁ 6 LOÀI THUỘC CHI PARIS
Yang Y và cs.
Journal of Analytical Methods in Chemistry, 2016: 1 – 9
Nghiên cứu đã phát triển một phương pháp phân tích nhanh sử dụng sắc ký lỏng siêu hiệu năng (UHPLC) để xác định đồng thời polyphyllin I và polyphyllin II. Các phân tích hóa trắc học gồm phân tích thành phần chính (PCA) và thuật toán đa biến phân tích biệt thức kết hợp với bình phương tối thiểu từng phần (PLS – DA) kết hợp với phương pháp UHPLC được sử dụng để đánh giá 38 mẫu từ 6 loài Paris khác nhau. Phép chiếu biến quan trọng được áp dụng để lựa chọn các pic quan trọng. Trong khi đó, phương pháp phân tích sự tương đồng về dấu vân tay UHPLC cũng được sử dụng để đánh giá mẫu Paris polyphylla yunnanensis (PPY) và P. axialis (PA). Kết quả cho thấy rằng hàm lượng saponin trong PPY và PA thu được từ thành phố Bảo Sơn thuộc tỉnh Vân Nam khoảng trên 8,07 mg/g cao hơn so với các mẫu còn lại thuộc khu vực khác. Kết quả phân tích PLS-DA cho sự phân nhóm tốt hơn PCA khi phân loại các mẫu. Với kết quả UHPLC, khoảng thời gian lưu từ 20 – 27 phút được quét để xác định các píc điển hình dùng để phân nhóm các loài Paris khác nhau và phân theo nguồn gốc địa lý. Cả hai loài PPY và PA đều cho giá trị tương đồng về dữ liệu vân tay lớn hơn 0,80. Điều đó chỉ ra rằng việc phân tích định lượng kết hợp với phân tích hóa trắc học và phân tích tương đồng về dấu vân tay có thể dùng để đánh giá sự khác biệt giữa các loài Paris khác nhau một cách hiệu quả và toàn diện.
Vi Thị Tuyến
CÁC SAPONIN STEROID PHÂN LẬP TỪ THÂN VÀ LÁ BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA VAR YUNNANENSIS)
Phytochemistry, 2016, 121: 20-29
Nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học thân và lá loài Paris polyphylla var. yunnanensis đã phân lập 12 hợp chất saponin steroid mới: chonglouosid SL-9–SL-20 cùng với 13 hợp chất đã biết. Cấu trúc các hợp chất được xác định dựa trên phân tích phổ kết hợp các phương pháp hóa học. 4 trong số 12 saponin có khung steroid aglycon mới. Các hợp chất saponin steroid được đánh giá tác dụng gây độc tế bào trên 2 dòng tế bào ung thư người HepG2 và HEK293 và tác dụng chống HCV. Một trong số các hợp chất saponin steroid đã biết có tác dụng gây độc tế bào tốt nhất với giá trị IC50 trên 2 dòng tế bào HepG2 và HEK293 lần lượt là 2,9 ± 0,5 μM and 5,0 ± 0,6 μM. Không có hợp chất nào thể hiện tác dụng chống HCV ở nồng độ 20 μM.
Nguyễn Thị Hằng
PHƯƠNG PHÁP LC-MS/MS ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI 9 SAPONIN STEROID TỪ PARIS POLYPHYLLA VAR. TRONG HUYẾT TƯƠNG CHUỘT CỐNG TRẮNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU DƯỢC ĐỘNG HỌC
Yang G. và cs.
Journal of Pharmaceutical and Biomedical Analysis, 2017, 145: 675-681
Bảy lá một hoa (Paris polyphylla var) là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc. Mục đích của nghiên cứu này là phát triển phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng ghép với detector khối phổ (UPLC–MS) để định lượng các thành phần chính (ví dụ, 9 saponin) từ P. polyphylla trong các mẫu huyết tương. Pha tĩnh được sử dụng là cột UItra BiPh (100 × 2,1 mm, 5 μm) và hệ dung môi pha động là acetonitril/acid formic 0,1% trong nước. Các chất phân tích được định lượng bằng máy quang phổ khối Waters XEVO TQ với chế độ MRM scan dương. Phương pháp kết tủa protein đã được sử dụng để chiết xuất các chất phân tích từ huyết tương chuột. Độ chính xác trung gian (trong ngày/khác ngày), độ lặp lại, độ thu hồi, ảnh hưởng nền và độ ổn định được đánh giá theo hướng dẫn của FDA. Kết quả cho thấy khoảng tuyến tính nằm trong khoảng nồng độ từ 2,4 - 1250 ng/mL. RSD của độ lặp lại và độ chính xác trung gian của các chất phân tích ở 3 nồng độ khác nhau đều dưới 15,0%. Độ thu hồi của các chất phân tích nằm trong khoảng từ 83,8% đến 109,4% và ảnh hưởng nền dao động từ 87,4% đến 105,4%. Độ ổn định của các hợp chất này trong huyết tương được đánh giá bằng cách phân tích ba nồng độ khác nhau sau khi bảo quản ở 25 oC trong 6 giờ và −80 oC trong 30 ngày. Tất cả các mẫu đều cho RSD nhỏ hơn 15,0%. Phương pháp được thẩm định đã được sử dụng thành công trong nghiên cứu dược động học (PK) sử dụng chuột Sprague Dawley (SD) với tiêm tĩnh mạch (i.v.) và uống (p.o.) chiết xuất P. polyphylla. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp này có thể được sử dụng để phân tích các saponin steroid chính từ P. polyphylla trong các mẫu sinh học.
Nguyễn Đình Quân
POLYPHYLLIN VII GÂY APOPTOSIS TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI A549 THÔNG QUA ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG PI3K/AKT VÀ NF-ΚB
Hao He và cs.
Molecular Medicine Reports, 2020, 21.2: 597-606
Polyphyllin VII là hoạt chất được phân lập từ Paris polyphylla (bảy lá một hoa), hay còn gọi là Chonglou ở Trung Quốc. Nghiên cứu này được thiết kế để tìm hiểu cơ chế tác dụng chống ung thư của polyphyllin VII trên các tế bào ung thư phổi người. Tác dụng độc tế bào của polyphyllin VII trên dòng tế bào ung thư phổi người A549 đã được phân tích, kết quả cho thấy giá trị IC50 là 0,41 ± 0,10 µM ở 24 giờ. Cơ chế liên quan được nghiên cứu bằng kính hiển vi tương phản pha, kính hiển vi huỳnh quang, đếm dòng chảy tế bào và phân tích Western blot. Xử lý tế bào A549 với polyphyllin VII dẫn đến apoptosis. Pyrrolidin dithiocarbamat (PDTC), một chất ức chế NF-κB và wortmannin, một chất ức chế PI3K đều làm giảm tỷ lệ tế bào A549 sống khi được xử lý với polyphyllin VII. Tỷ lệ của tế bào A549 bị apoptosis tăng khi có sự hiện diện của wortmannin và PDTC. Phân tích Western blot cho thấy việc xử lý tế bào với polyphyllin VII cho tác dụng điều hòa giảm PI3K, phosphorylated (p) -PI3K, Akt, p-Akt, NF-κB và p-NF-κB. Polyphyllin VII làm tăng hoạt tính caspase-3, tăng phân cắt poly-(ADP-ribose) polymerase, điều hòa giảm chất ức chế DNase được hoạt hóa bởi caspase và những tác dụng này được tăng cường khi có mặt của wortmannin hoặc PDTC. Kết quả cho thấy polyphyllin VII có thể gây apoptosis ở các tế bào ung thư phổi ở người A549 thông qua ức chế các con đường PI3K/Akt và NF-κB.
Lê Thị Loan
PARIS SAPONIN H ỨC CHẾ UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN NGƯỜI (HCC) THÔNG QUA BẤT HOẠT CON ĐƯỜNG WNT/Β-CATENIN IN VITRO VÀ IN VIVO
Chen Tiezhu và cs.
International Journal of Clinical and Experimental Pathology, 2019, 12.8: 2875
Đặt vấn đề: Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới. Paris polyphylla (Bảy lá một hoa), hay còn được gọi là Chonglou ở Trung Quốc, được sử dụng trong dân gian như một vị thuốc trị ung thư. Paris saponin H (Ps H) đã được báo cáo là một hoạt chất tiềm năng có tác dụng chống ung thư từ Paris polyphylla. Tuy nhiên, vai trò của Ps H trong ung thư biểu mô tế bào gan chưa rõ ràng.
Phương pháp: Các tế bào PLC/PRF/5 và Huh7 được tiếp xúc với Ps H. Khả năng tồn tại, di chuyển và xâm lấn của tế bào được đánh giá bằng xét nghiệm CCK-8, EMT và Transwell tương ứng. Phương pháp Western blot được sử dụng để đánh giá biểu hiện của caspase 3, E-cadherin, vimentin, β-catenin, p-GSK-3β và GSK-3β. Apoptosis được đánh giá bằng phương pháp dòng chảy tế bào và xét nghiệm hoạt tính caspase 3. Đối với các thử nghiệm in vivo, các khối u ghép dị loài (xenograft) được tạo ra từ các dòng tế bào PLC/PRF/5.
Kết quả: Ps H làm giảm khả năng sống sót và gây ra quá trình apoptosis ở tế bào HCC một cách phụ thuộc liều; ức chế EMT và khả năng xâm lấn. Ps H làm giảm sự biểu hiện của β-catenin và p-GSK-3β; ngoài ra, sự giảm biểu hiện của β-catenin do Ps H gây ra làm ức chế chu trình tế bào của tế bào PLC/PRF/5. In vivo, việc điều trị bằng Ps H có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u trong mô hình ghép dị loài ung thư biểu mô tế bào gan (HCC xenograft).
Kết luận: Ps H ngăn chặn sự phát triển của tế bào HCC thông qua làm giảm biểu hiện β-catenin in vitro và ức chế sự phát triển của khối u ghép dị loài in vivo, gợi ý rằng Ps H là ứng viên tiềm năng để điều trị ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng.
XÂY DỰNG VÀ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP LS-MS/MS NHANH VÀ NHẠY ĐỂ PHÁT HIỆN POLYPHYLLIN II TRONG HUYẾT TƯƠNG CHUỘT CỐNG TRẮNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU DƯỢC ĐỘNG HỌC
Yang Qiaoling và cs.
Biomedical Chromatography, 2019, e4780
Polyphyllin II, một hợp chất saponin steroid chính được phân lập từ Paris polyphylla (bảy lá một hoa), có nhiều hoạt tính sinh học đáng chú ý. Trong nghiên cứu này, phương pháp sắc ký lỏng khối phổ nhanh và nhạy đã được xây dựng và thẩm định để xác định polyphyllin II trong huyết tương. Polyphyllin II và polyphyllin VII (chuẩn nội) được phân tách bằng cột Waters Acquity™ HSS T3 và phân tích bằng máy quang phổ tứ cực ion hóa. Kết quả cho thấy phương pháp này có độ nhạy cao (giới hạn định lượng thấp hơn 0,5 ng/ml), độ chính xác (< 15 %) và khoảng tuyến tính từ 0,5 – 500 ng/ml (r > 0,99). Điều thú vị là độ nhạy trong nghiên cứu này cao hơn khoảng 10 lần so với nghiên cứu trước đây. Kết quả nghiên cứu dược động học của polyphyllin II trên chuột gợi ý rằng hợp chất này được hấp thu vào máu kém và đạt nồng độ cao nhất sau 3,67 – 5 giờ với thời gian bán thải chậm, khoảng 8,34 – 13,37 giờ. Sinh khả dụng là 6,1 – 8,2%. Kết quả chỉ ra rằng sự hấp thu polyphyllin II có thể chủ yếu dựa vào khuếch tán thụ động ở chuột. Nghiên cứu này đã cung cấp nhưng thông tin hữu ích cho những nghiên cứu dược động học của các saponin steroid khác.
POLYPHYLLIN I KÍCH HOẠT AMPK ĐỂ ỨC CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ THÔNG QUA CẢM ỨNG TỰ THỰC BÀO
Wu và cs.
Archives of Biochemistry and Biophysics (2020): 108285
Polyphyllin I (PPI), một hoạt chất được phân lập từ thân rễ Paris polyphylla (Bảy lá một hoa), gây độc tế bào trên một số dòng tế bào ung thư. Nghiên cứu này được thiết kế để đánh giá PPI có ngăn ngừa sự phát triển của ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) hay không và nghiên cứu cơ chế phân tử. Protein kinase được kích hoạt bởi AMP (AMPK) liên quan đến sự hoạt hóa tự thực bào (autophagy) ở các mô khác nhau. Trong môi trường nuôi cấy tế bào NSCLC, PPI gây autophagy thông qua hoạt hóa AMPK và sau đó ức chế tín hiệu mTOR theo cách phụ thuộc nồng độ. Ngoài ra, sự kích hoạt autophagy gây ra bởi PPI đã bị đảo ngược bởi hợp chất C, là một chất ức chế AMPK. Tính toán docking trên phần mềm vi tính cho thấy PPI tương tác trực tiếp với thuốc có cấu trúc dị lập thể và vị trí chuyển hóa của AMPK nhằm ổn định hoạt tính của nó. Nghiên cứu in vivo chỉ ra rằng PPI ngăn chặn sự phát triển của NSCLC, làm tăng nồng độ của LC3-II (marker của autophagy), tăng phosphoryl hóa AMPK ở khối u phân lập được từ mô hình ghép dị loài (xenograft) NSCLC ở chuột. Ngoài ra, PPI có dược động học thuận lợi ở chuột. Tóm lại, PPI hoạt động như một chất hoạt hóa trực tiếp AMPK, gây autophagy dẫn đến ức chế sự phát triển của các tế bào NSCLC. Trong tương lai, PPI có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.
POLYPHYLLIN VI GÂY APOPTOSIS VÀ TỰ THỰC BÀO TRONG U TẾ BÀO THẦN KINH ĐỆM THÔNG QUA SỰ HOẠT HÓA JNK VÀ P38 ĐƯỢC TRUNG GIAN BỞI CÁC GỐC TỰ DO OXY
Li và cs.
OncoTargets and Therapy, 2020, 13, 2275
Đặt vấn đề: Polyphyllin VI (PPVI), một hoạt chất được chiết xuất từ một dược thảo truyền thống của Trung Quốc Paris polyphylla (bảy lá một hoa), có hoạt tính kháng u tiềm năng chống lại ung thư biểu mô tế bào gan, cũng như ung thư vú và phổi. Tuy nhiên, tác dụng của PPVI đối với bệnh u tế bào thần kinh đệm vẫn chưa được biết rõ.
Phương pháp: Năm dòng tế bào u thần kinh đệm (U251, U343, LN229, U87 và HEB) và một mô hình động vật đã được sử dụng trong nghiên cứu. Tác dụng chống tăng sinh của PPVI được xác định đầu tiên bằng thử nghiệm tăng sinh tế bào CCK-8 và xét nghiệm hình thành dòng vô tính, sau đó là các gốc tự do oxy (ROS), tiến trình chu kỳ tế bào và hiệu ứng apoptosis được đo bằng phương pháp đo dòng chảy tế bào. Ảnh hưởng của PPVI đến biểu hiện protein đã được định lượng bằng phân tích Western blot.
Các kết quả: Dữ liệu cho thấy PPVI ức chế sự tăng sinh của các dòng tế bào u thần kinh đệm bằng cách điều hòa pha G2/M. Ngoài ra, việc ủ các tế bào với PPVI đã thúc đẩy quá trình apoptosis, autophagy, tăng tích lũy ROS và kích hoạt các con đường JNK và p38 được điều hòa bởi ROS. Mặt khác, N-acetyl cystein, một chất ức chế ROS, làm giảm tác dụng PPVI. Hơn nữa, các chất ức chế JNK và p38 làm mất tác dụng của PPVI-gây ra sự tự thực bào và apoptosis trong các tế bào u thần kinh đệm. Các thử nghiệm in vivo cho thấy PPVI ức chế sự phát triển khối u của dòng tế bào U87 ở chuột nude.
Kết luận: Nhìn chung, những dữ liệu này cho thấy PPVI có thể là một tác nhân trị liệu hiệu quả cho bệnh u tế bào thần kinh đệm.
Nguyễn Thị Thu
POLYPHYLLIN VII LÀM GIẢM SỰ BIỆT HÓA TẾ BÀO HỦY XƯƠNG DO RANKL GÂY RA THÔNG QUA ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG TRAF6/C-SRC/PI3K VÀ SẢN SINH GỐC TỰ DO OXY
Zhou và cs.
BMC Musculoskeletal Disorders, 2020, 21(1): 1-10
Đặt vấn đề: Loãng xương là một bệnh xương nghiêm trọng trên toàn thế giới. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng của polyphyllin VII đối với sự hình thành các tế bào hủy xương từ các đại thực bào của tủy xương (BMM) và tiềm năng của nó như là một loại thuốc điều trị bệnh loãng xương.
Phương pháp: BMM được tạo ra để biệt hóa thành các tế bào hủy xương bằng RANKL và M-CSF. Các tế bào sau đó được điều trị với các nồng độ polyphyllin VII khác nhau. Xét nghiệm đo các gốc tự do oxy nội bào (ROS), xét nghiệm hình thành hố tái hấp thu (pit forming assay), nhuộm acid phosphatase kháng tartrat (TRAP) và đánh giá hoạt động TRAP, xét nghiệm khả năng sống của tế bào, xét nghiệm GTPase pull-down, nhuộm miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch điện di và RT-PCR đã được thực hiện.
Kết quả: RANKL + M-CSF làm tăng đáng kể hoạt động TRAP, số lượng tế bào hủy xương, số lượng và diện tích khe lõm (lacunae), hàm lượng ROS nội bào, nồng độ protein của Nox1, TRAF6, c-Src và p-PI3K cũng như hàm lượng GTP-Rac1 được hoạt hóa đã bị ức chế đáng kể bởi polyphyllin VII theo cách phụ thuộc nồng độ.
Kết luận: Những phát hiện này cho thấy polyphyllin VII đã ức chế sự biệt hóa BMM thành các tế bào hủy xương thông qua việc ngăn chặn quá trình tổng hợp ROS mà được điều hòa bằng con đường dẫn truyền tín hiệu TRAF6-cSrc-PI3k bao gồm GTP-Rac1 và Nox1. Polyphyllin VII có tiềm năng là một loại thuốc điều trị loãng xương.
SOX7 CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC POLYPHYLLIN D LÀM NGỪNG CHU KỲ TẾ BÀO G0/G1 THÔNG QUA ĐIỀU HÒA GIẢM CYCLIN D1
Zheng và cs.
Acta Pharmaceutica, 2020, 70(2): 191–200
Tỷ lệ tử vong của ung thư tuyến tiền liệt (PCa) có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Nghiên cứu trước đây của chúng tôi cho thấy, vùng Y-box 7 xác định giới tính (SOX7) có biểu hiện thấp và hoạt động như một chất ức chế khối u trong các tế bào PCa. Trong nghiên cứu này, chúng tôi mô tả các tác động của polyphyllin D (PD) đối với sự tăng sinh và điều chỉnh chu kỳ tế bào của các tế bào PCa và liệu SOX7 có tham gia vào quá trình này hay không. Các tế bào PC-3 được nuôi cấy trong môi trường chứa PD trong 12, 24 và 48 giờ. Xét nghiệm MTT đã được sử dụng để nghiên cứu các tác động gây độc tế bào của PD. Chu trình tế bào được phân tích bằng cách sử dụng nhuộm propidium iodide (PI) và nồng độ protein được khảo sát bằng phương pháp phân tích Western blot. Kết quả của chúng tôi cho thấy biểu hiện thấp của SOX7 trong các mô/tế bào PCa so với các tế bào không có khối u / tế bào RWPE-1 của chúng. Hơn nữa, PD đã ức chế sự tăng sinh của các tế bào PC-3 theo cách phụ thuộc vào liều và thời gian. PD gây ra ngừng chu kỳ tế bào G0/G1, trong khi cùng điều trị với RNA can thiệp ngắn nhắm mục tiêu SOX7 (siSOX7) đã đảo ngược tác dụng này. PD điều hòa giảm SOX7, cyclin D1, kinase 4 phụ thuộc cyclin (CDK4) và biểu hiện kinase 6 phụ thuộc cyclin (CDK6) theo cách phụ thuộc vào liều, trong khi kết hợp điều trị bằng siSOX7 và PD đã phục hồi biểu hiện cyclin D1 bị ức chế bởi PD. Tuy nhiên, không có sự thay đổi rõ ràng được quan sát trong biểu hiện CDK4 hoặc CDK6. Những kết quả này chỉ ra rằng SOX7 có liên quan đến việc PD gây ngừng chu kỳ tế bào PC-3 thông qua việc điều hòa giảm cyclin D1.
CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA POLYPHYLLIN I GÂY APOPTOSIS TRONG TẾ BÀO HEPG2 THÔNG QUA SỰ CHẾT FAS VÀ CÁC CON ĐƯỜNG TY THỂ
Zeng và cs.
Toxicology Mechanisms and Methods, 2020: 1-26
Mục đích: Polyphyllin I, một saponin steroid trong thân rễ Bảy lá một hoa, có triển vọng ứng dụng rộng rãi trong phòng ngừa và điều trị ung thư. Mục đích của nghiên cứu này là để xác định khả năng gây độc tế bào và cơ chế của Polyphyllin I trong các tế bào HepG2.
Phương pháp chính: Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng thử nghiệm MTT để đánh giá sự sống sót của tế bào. Tỷ lệ apoptosis của tế bào, sự phân bố chu kỳ tế bào, điện thế màng ty thể và mức độ gốc tự do oxy (ROS) được đo bằng phương pháp dòng chảy tế bào và biểu hiện của các protein liên quan đến apoptosis được xác định bằng phân tích Western blot.
Những phát hiện chính: Polyphyllin I làm giảm đáng kể khả năng sống của tế bào và gây ra apoptosis tế bào HepG2 phụ thuộc liều lượng và thời gian tiếp xúc. So với nhóm đối chứng, polyphyllin I có thể gây sản sinh ROS và sự khử cực của matrix metalloproteinase (MMP) trong các tế bào gan. Phụ thuộc vào liều polyphyllin I làm tăng sự giải phóng cytochrom c ty thể và nồng độ Fas, p53, p21 và tỷ lệ Bax/ Bcl-2, cũng như kích hoạt caspase-3, -8, -9 và sau đó phân hủy poly (ADP-ribose) polymerase (PARP). Việc làm ngừng chu kỳ tế bào pha G2/M được gây ra bằng cách tăng biểu hiện của p21 và cyclin E1 và làm giảm đáng kể biểu hiện của cyclin A2 và CDK2.
Ý nghĩa: Kết quả của nghiên cứu cho thấy polyphylin I ức chế sự tăng sinh và tăng trưởng tế bào bằng cách kích hoạt gây ngừng chu kỳ tế bào G2/M và gây ra apoptosis thông qua con đường apoptosis nội bào và ngoại bào để gây chết tế bào bằng cách tạo ra các gốc tự do oxy.
ĐỘC TÍNH TRÊN TẾ BÀO GAN CỦA PARIS SAPONIN I, II, VI VÀ VII TRÊN HAI DÒNG TẾ BÀO GAN HL-7702 VÀ HEPARG VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG
Wang và cs.
Cells 8.7 (2019): 690
Thân rễ bảy lá một hoa là một loại thuốc được sử dụng phổ biến trên lâm sàng ở Trung Quốc, dựa trên các đặc tính dược lực học của các thành phần saponin. Bốn saponin chính trong thân rễ bảy lá một hoa được xác định là saponin I, II, VI và VII. Hiện nay, nhiều chú ý tập trung vào tác dụng chống ung thư của thân rễ bảy lá một hoa qua hoạt tính gây độc tế bào trên nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu độc tính tế trên bào gan của bốn saponin trong thân rễ bảy lá một hoa và cường độ tương đối của tác dụng độc tế bào của chúng. Kết quả thấy rằng bốn saponin này có độc tính với hai dòng tế bào gan-HL-7702 và HepaRG. Độc tính tế bào của bốn saponin trên hai mô hình tế bào đã được so sánh. Một trong những saponin có độc tính tế bào mạnh nhất là paris saponin I (PSI). PSI được sử dụng để xác định cơ chế gây độc tính trên tế bào gan. Kết quả từ các thử nghiệm MTT đã chứng minh rằng bốn saponin gây ra apoptosis ở hai mô hình tế bào gan, tác dụng phụ thuộc liều và thời gian. Bên cạnh đó, nhuộm huỳnh quang 4′,6-diamidino-2-phenylindole (DAPI) được sử dụng để quan sát sự thay đổi hình thái của các tế bào HepaRG sau khi xử lý với saponin PSI. Ngoài ra, khi nồng độ tăng lên, sự giải phóng lactat dehydrogenase (LDH) từ tế bào do PSI gây ra cũng tăng lên dần dần. Ngoài ra, PSI làm tăng nồng độ của các gốc tự do oxy (ROS) và chặn pha S và pha G2 của chu kỳ tế bào trong các tế bào HepaRG. Thử nghiệm Western blot chỉ ra rằng PSI tăng cường điều chỉnh mức độ biểu hiện protein của p53, p21 và Fas. Hơn nữa, những thay đổi do PSI gây ra trong protein p53 đã làm tăng tỷ lệ Bax/bcl-2, dẫn đến việc tăng cường giải phóng cytochrom c ty thể, kích hoạt caspase-3, -8 và -9, poly-ADP ribose polymerase (PARP), và cuối cùng là gây apoptosis. Tăng hoạt hoá caspase-8 bởi protein Fas, dẫn đến việc kích hoạt caspase-3 và protein PARP xuôi dòng của nó, dẫn đến gây apoptosis tế bào. Các kết quả này cho thấy PSI gây ra apoptosis trong tế bào HepaRG thông qua con đường kích hoạt ROS và thụ thể tự hủy. Các kết quả trong nghiên cứu này cho thấy độc tính trên tế bào gan của các saponin trong thân rễ bảy lá một hoa nên được xem xét trong ứng dụng lâm sàng của vị thuốc này. Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu còn cung cấp một tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu trong tương lai về tác dụng chống ung thư của thân rễ Bảy lá một hoa.
Vũ Thị Diệp
PARIS SAPONIN II ỨC CHẾ SỰ PHÁT SINH UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG THÔNG QUA ĐIỀU HÒA SỰ PHÂN CHIA CỦA TY THỂ VÀ CON ĐƯỜNG NF-ΚB
Chen và cs.
Pharmacological Research 139 (2019): 273-285
Ung thư đại trực tràng (CRC) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Bằng chứng thu được cho thấy các chức năng của ty thể có liên quan chặt chẽ đến sự phát sinh ung thư bao gồm CRC. Paris Saponin II (PSII), một saponin chính được chiết xuất từ thân rễ bảy lá một hoa (Paris polyphylla), nổi lên là một tác nhân kháng ung thư tiềm năng. Tuy nhiên, tác dụng của PSII trên CRC và cơ chế tác dụng vẫn chưa được biết rõ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng PSII gây ra apoptosis và ức chế sự hình thành cụm tế bào trong các tế bào HT 29 và HCT 116, và làm gián đoạn chu kỳ tế bào ở pha G1. PSII đã ức chế quá trình phosphoryl hóa ERK1/2 và sự chuyển vị của ty thể của protein liên quan đến chức năng 1 (Drp1) bằng cách khử phosphoryl hóa Drp1 tại Ser616, dẫn đến ức chế chức năng phân chia của ty thể (mitochondrial fission). PSII cũng ức chế hoạt hóa NF-κB do ức chế chuyển vị IKKβ và p65. Sự phá hủy Drp1 đã làm giảm đáng kể sự biểu hiện hạt nhân của p65 và các gen đích của nó là cyclin D1 và c-Myc trong tế bào HCT 116, xác nhận mối liên hệ giữa chức năng phân chia của ty thể và con đường NF-κB. Sự bất hoạt Drp 1 đã tăng cường tác dụng ức chế của PSII đối với sự phosphoryl hóa p65 và sự biểu hiện của cyclin D1 và c-Myc, cho thấy tác dụng ức chế của PSII trên cyclin D1 và c-Myc có liên quan đến sự ức chế hoạt hóa Drp1 và NF-κB. Một nghiên cứu in vivo đã chứng minh PSII giảm đáng kể kích thước khối u cấy ghép và ức chế sự phosphoryl hóa ERK1/2 và Drp1 tại Ser616. Tóm lại, các kết quả của chúng tôi cho thấy PSII có thể ức chế sự phát sinh ung thư đại trực tràng, ít nhất là một phần, thông qua điều hòa chức năng phân chia của ty thể và con đường NF-κB
Hình ảnh tóm tắt:
PARIS SAPONIN VII TĂNG CƯỜNG SỰ NHẠY CẢM CỦA TẾ BÀO HEPG2/ADR VỚI ADRIAMYCIN THÔNG QUA ĐIỀU HÒA CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU PI3K/AKT/MAPK
Tang Gong‐En và cs.
The Kaohsiung Journal of Medical Sciences 2020 Feb; 36(2):98-106
Để nghiên cứu ảnh hưởng của Paris saponin VII (PS VII) qua trung gian là con đường truyền tín hiệu PI3K/AKT/MAPK đối với độ nhạy của tế bào HepG2 kháng adriamycin (HepG2/ADR) đối với adriamycin (ADR). Tỷ lệ ức chế sự tăng sinh được phát hiện bằng thử nghiệm MTT. Kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy được sử dụng để kiểm tra sự tích lũy nội bào của ADR. Các biểu hiện của gen kháng thuốc (P-gp, MRP và BCRP) đã được phát hiện bằng qRT-PCR, apoptosis tế bào bằng nhuộm màu Annexin-V-FITC/PI và biểu hiện các protein liên quan đến kháng thuốc, các protein liên quan đến apoptosis và các protein liên quan đến con đường PI3K/AKT/MAPK được xác định bằng phương pháp Western blot. Các tế bào HepG2/ADR và HepG2 được ủ với PS VII (0,88, 1,32, 1,98 và 2,97 μM) trong 48 giờ cho thấy tăng tỉ lệ ức chế sự tăng sinh tế bào phụ thuộc liều. Các tế bào HepG2 / ADR được ủ với PS VII (0,88, 1,32, 1,98 μM) trong 48 giờ cho thấy IC50 của ADR giảm. So với các tế bào HepG/ ADR được ủ với ADR (5 nM), những tế bào được ủ với PS VII (≤1,98 μM) và ADR (5 nM) cho thấy tăng tích lũy ADR, giảm biểu hiện của gen kháng thuốc, tăng apoptosis tế bào với Bax không được kiểm soát và phân giải caspase-3 và điều hòa giảm Bcl-2, cũng như ức chế con đường PI3K/AKT/MAPK. Ngoài ra, sự kết hợp của ADR (5 nM), PS VII (1,98 μM) và LY294002 (chất ức chế PI3K/AKT, 20 μM)/SB203580 (chất ức chế P38, 20 μM) trong 48 giờ có thể làm giảm thêm khả năng sống sót của tế bào HepG2/ADR, nhưng gây ra apoptosis tế bào, kèm với giảm biểu hiện của các gen kháng thuốc. PS VII có thể điều hòa giảm biểu hiện của các gen kháng thuốc, tăng tích lũy ADR nội bào, kích thích apoptosis tế bào và tăng nhạy cảm của tế bào HepG2/ADR với ADR thông qua PI3K/AKT/MAPK.
TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ CỦA POLYPHYLLIN I TRONG UNG THƯ BIỂU MÔ VÒM HỌNG THÔNG QUA ĐIỀU HÒA TÍN HIỆU LNCRNA ROR VÀ P53
Hong và cs.
Journal of Drug Targeting 27.7 (2019): 806-811
Ung thư biểu mô vòm họng (NPC) là ung thư biểu mô tế bào vảy xâm lấn phổ biến nhất trong các bệnh ung thư đầu và cổ. Mặc dù phương pháp xạ trị tiên tiến đã được áp dụng, tiên lượng của bệnh nhân NPC vẫn còn kém do tái phát tại chỗ và di căn ra xa. Polyphyllin I (PP I) được chiết xuất từ thảo mộc tự nhiên Bảy lá một hoa Paris polyphylla đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư và các phân tử RNA không mã hóa có kích thước dài (lncRNA) đã được báo cáo đóng vai trò chính trong hoạt động chống khối u của PP I. Trong nghiên cứu này, người ta đã phát hiện ra rằng PP I đã ức chế sự tăng sinh và gây ra apoptosis của các tế bào NPC phụ thuộc vào liều. Yếu tố điều hòa lncRNA của biểu hiện lập trình lại (ROR) được xác định có nồng độ cao hơn trong dòng tế bào NPC so sánh với dòng tế bào biểu mô vòm họng thông thường và PP I điều hòa giảm đáng kể sự biểu hiện của lncRNA ROR. Tín hiệu LncRNA ROR/P53 cần thiết cho sự phát triển của NPC bị ức chế bởi PP I. Những dữ liệu này chỉ ra rằng PP I đã ngăn chặn sự phát triển của khối u và gây apoptosis NPC trong nghiên cứu in vitro và in vivo thông qua điều hòa giảm lncRNA-ROR, sau đó điều hòa tăng tín hiệu P53. LncRNA ROR có thể là đích điều trị tiềm năng và PP I sẽ là ứng viên đầy triển vọng cho điều trị ung thư biểu mô vòm họng.
POLYPHYLLIN I ỨC CHẾ VIÊM IN VITRO GÂY BỞI PROPIONIBACTERIUM ACNES
Zhu và cs.
Inflammation 42.1 (2019): 35-44
Propionibacterium acnes (P. acnes) có liên quan đến sự phát triển của viêm do mụn trứng cá. Vì các thuốc trị mụn hiện nay có nhiều tác dụng phụ khác nhau, cần thiết phải nghiên cứu các loại thuốc thay thế có hoạt tính chống viêm chống lại P. acnes. Chúng tôi đã nghiên cứu in vitro tác dụng ức chế của polyphyllin I (PPI) trên tình trạng viêm do P. acnes gây ra. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá tác dụng của PPI đối với việc sản xuất các cytokin gây viêm ở các tế bào biểu mô sừng HaCaT được ủ với P. acnes đã được xử lý bằng nhiệt. Việc xử lý các tế bào biểu mô sừng HaCaT với P. acnes cho thấy có sự tăng biểu hiện của Toll-like receptor 2 (TLR2) và sản xuất các cytokin gây viêm. PPI đã ngăn chặn đáng kể sự tiết của các cytokine gây viêm, bao gồm interleukin (IL) -6, IL-8 và yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α, và biểu hiện của TLR2 trong các tế bào nhiễm P. acnes. Ngoài ra, chúng tôi đã nghiên cứu ảnh hưởng của PPI đến yếu tố hạt nhân-κB (NF-κB) và các con đường truyền tín hiệu protein kinase (MAPK) trong các tế bào biểu mô sừng HaCaT nhiễm P. acnes. PPI làm giảm sự kích hoạt của NF-κB. Mức độ phosphoryl hóa p38 tăng rõ rệt sau khi ủ tế bào HaCaT với P. acnes đã xử lý nhiệt nhưng giảm sau khi điều trị bằng PPI, trong khi hiệu quả của PPI đối với phosphoryl hóa ERK là không đáng kể. P. acnes đã xử lý nhiệt và PPI không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quá trình phosphoryl hóa JNK. Hơn nữa, chúng tôi xác định được rằng tác nhân ức chế NF-κB p65 (BAY11-7082), tác nhân ức chế p38 MAPK (SB203580) và PPI đã ức chế sự biểu hiện của IL-8 trong các tế bào HaCaT được ủ với P. acnes đã xử lý nhiệt. Những kết quả này đã chứng minh rằng PPI có tiềm năng trong phát triển một phương pháp điều trị viêm do mụn trứng cá.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC ĐỊA LÝ PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS SỬ DỤNG PHỔ ATR-FTMIR VỚI BA THUẬT TOÁN TOÁN HỌC
Yi-Fei Pei và cs.
Anal. Methods, 2019
Paris polyphylla đã được nhiều dân tộc sử dụng như một loại thảo dược truyền thống để điều trị bệnh ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc. Vì chất lượng các cây thuộc chi Paris bị ảnh hưởng bởi các khu vực địa lý, nên một phương pháp truy xuất nguồn gốc địa lý nhanh chóng và hiệu quả là cần thiết. Trong nghiên cứu của chúng tôi, sự phân biệt nguồn gốc địa lý của 789 loài P. yunnanensis từ miền trung, tây, tây bắc, đông nam và tây nam Vân Nam từ 3 đến 8 năm tuổi được thực hiện bằng phương pháp hóa học phân tích phân biệt bình phương nhỏ nhất một phần (PLSDA), lựa chọn rừng ngẫu nhiên (RF) và phân tích cụm phân cấp (HCA) kết hợp với Quang phổ - Chuyển đổi hồng ngoại FTIR tại chỗ (ATR-FTMIR). Kết quả chỉ ra rằng phân tích thành phần chính (PCA) đã được sử dụng thành công như một phương pháp phân tích dữ liệu thăm dò để loại bỏ các ngoại lệ. Ngoài ra, khả năng phân loại của mô hình PLS-DA, được thiết lập theo tầm quan trọng thay đổi đối với phép chiếu (VIP), tương tự như mô hình PLS-DA, chỉ ra rằng phổ ATR-FTMIR thô chứa thông tin dư thừa để phân loại mẫu. Đối với mỗi mô hình, phạm vi giá trị VIP của PLS-DA rộng hơn phạm vi của các biến quan trọng của RF và PLS-DA hiệu quả hơn về thời gian và khả năng cao hơn mô hình RF. Ngoài ra, mô hình phân loại PLS-DA có nguồn gốc địa lý với tất cả các mẫu được thu thập đã được sử dụng để xác minh kết quả với tỷ lệ chính xác của bộ hiệu chuẩn và bộ xác nhận lần lượt là 98,34% và 93,78%. HCA xác minh rằng tác động của nguồn gốc địa lý đến đặc điểm của P. yunnanensis lớn hơn so với tuổi cây trồng. Nói tóm lại, mô hình PLS-DA có thể đảm bảo độ chính xác và giới hạn thời gian phân tích nhận dạng của đánh giá chất lượng P. yunnanensis được trồng từ các nguồn gốc địa lý khác nhau.
Trần Thị Kim Dung, Đặng Minh Tú
SO SÁNH PHÂN TÍCH PHIÊN MÃ CHO THẤY CÁC GEN QUY ĐỊNH SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT POLYPHYLLA PARIS NGỦ NGHỈ HÌNH THÁI – SINH LÝ TRONG PHÂN TẦNG ẤM
Dengqun Liao và cs.
PLOS ONE, 2019
Trước đây chúng tôi đã phân tích sự biểu hiện của các gen liên quan đến sự trưởng thành của hạt Paris polyphylla var. yunnanensis và sự thoát khỏi ngủ đông; tuy nhiên, chúng tôi không thể làm rõ mối quan hệ giữa mức độ biểu hiện gen và các quá trình này. Để tiết lộ các cơ chế phân tử cơ bản của sự ngủ đông của hạt P. polyphylla var. yunnanensis trong phân tầng ấm, các phiên mã của ngủ đông và nảy mầm của hạt P. polyphylla var. yunnanensis được phân tích riêng biệt bằng cách giải trình tự RNA và cũng được so sánh với các bản phiên mã của các mô lá và rễ được thu hoạch trong giai đoạn trưởng thành của hạt. Trình tự ARN của năm mô tạo ra 233,331 đơn vị gen, trong đó 10,137 (4,33%) được biểu hiện khác biệt giữa các mô được phân tích. 6,619 đơn vị gen có biểu hiện khác nhau giữa các hạt trưởng thành, nhú mầm và nảy mầm bao gồm 95 gen chuyển hóa và 62 gen báo hiệu liên quan đến axit abscisic, gibberellin, auxin, Brassinosteroid, cytokinin, ethylene, axit jasmonic và axit salicylic. Ngoài ra, 243 gen biểu hiện khác nhau được chú thích là các gen liên quan đến ngủ đông/nảy mầm của hạt giống. Trong số các gen này, 109 gen được điều khiển bởi hoóc môn hoặc liên quan đến hormone truyền tinh trạng. Cuối cùng, 310 yếu tố phiên mã không có nguồn gốc, bao gồm 71 gen tương đồng của các gen liên quan đến sự ngủ đông/nảy mầm đã biết, được quan sát thấy được biểu hiện khác biệt trong quá trình phân tầng ấm. Những kết quả này xác nhận rằng nhiều hormon và các yếu tố phiên mã ảnh hưởng đến giải phóng hạt P. polyphylla var. yunnanensis ngủ đông và nảy mầm trong một phân tầng ấm. Nghiên cứu này đã xác định các gen thích hợp (ví dụ: ABI5) cần được nhân bản và đặc trưng hóa chức năng liên quan đến tác động của chúng đối với việc phát hành hình thái học trạng thái ngủ đông của hạt P. polyphylla var. yunnanensis.
Trần Thị Trạng, Trần Thị Kim Dung, Đặng Quốc Tuấn
ĐA DẠNG HÓA THỰC VẬT VÀ VI NHÂN GIỐNG THÂN RỄ PARIS POLYPHYLLA RHIZOMES TỪ ĐÔNG BẮC ẤN ĐỘ
KhumuckchamSangeeta Devel và cs.
IOSR Journal of Biotechnology and Biochemistry (IOSR-JBB), ISSN: 2455-264X, 2017
Sự phát hiện cây thuốc cho các kiểu gen ưu tú đòi hỏi sự đánh giá sự đa dạng hóa thực vật trên các quần thể khác nhau. Nghiên cứu này là nền tảng cho quy mô hơn nữa của tài nguyên thực vật cũng như phát triển thuốc tiếp theo để điều trị bệnh cho con người. Nghiên cứu hiện tại được đưa ra để đánh giá sự đa dạng của saponin steroid ở bảy lá một hoa (Paris polyphylla) trên khắp khu vực Đông Bắc của Ấn Độ. Từ nghiên cứu, cho thấy thấy rằng quần thể P. polyphylla từ Khonoma có hàm lượng saponin tổng số cao nhất, ghi nhận trung bình 32,06mg / g DW so với tất cả các quần thể đang nghiên cứu. Những phát hiện của nghiên cứu đã được bắt đầu để vi nhân giống quần thể Khonoma nhằm nhân giống hàng loạt thân rễ của loại cây có giá trị cao này. Hiệu quả của hai loại cytokinin với nồng độ sucrose khác nhau đối với sự hình thành minirhizome đã được nghiên cứu và người ta thấy rằng 0,5mg / l BAP + 6% sucrose và 1,0mg / l 2iP + 6% mang lại phản ứng tốt nhất cho phản ứng 88,6% và 89,2% với 1,27 ± 0,02g trọng lượng tươi và 1,36 ± 0,10g trọng lượng tươi minrhizome tương ứng.
Phan Thị Lâm, Đăng Quốc Tuấn, Dương Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Xuyên
NHỮNG MỐI ĐE DỌA VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN CÂY BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA) CÂY THUỐC XẾP HẠNG NGUY CẤP, BỊ KHAI THÁC NHIỀU Ở KHU VỰC DÃY NÚI HIMALAYA ẤN ĐỘ
Ashish Pau và cs.
Department of Botany, Rajiv Gandhi University, Rono Hills, Doimukh-791112, Arunachal Pradesh, India, 2015
Vùng Himalaya Ấn Độ là nơi tập trung nhiều cây thuốc quan trọng toàn cầu. Paris polyphylla Smith là một loại cây dược liệu quan trọng được sử dụng chủ yếu trong y học cổ truyền, có các đặc tính y học như chống ung thư, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống khối u, gây độc tế bào, saponin v.v. Nghiên cứu hiện tại nhấn mạnh việc sử dụng, tình trạng quần thể và các mối đe dọa đối với P. polyphylla ở Arunachal Pradesh. P. polyphylla phân bố ở vùng nhiệt đới đến ôn đới của Đông Nam Á, đặc biệt là ở Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam. Ở Ấn Độ, nó được phân bố ở bang Arunachal Pradesh, Himachal Pradesh, Jammu và Kashmir, Manipur, Meghalaya, Mizoram, Nagaland, Sikkim và Uttarakhand. Ở bang Arunachal Pradesh, miền Đông Hy Lạp, các loài được tìm thấy đang xảy ra với các biến thể hình thái khác nhau về hình thái. Trong 5 năm qua, nhu cầu thị trường của các loài tăng lên rất nhiều, cuối cùng dẫn đến việc khai thác quá mức các loài và buôn bán bất hợp pháp với số lượng lớn. Nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra mật độ quần thể rất kém, dao động trong khoảng 0,42 cá thể m-2 đến 1,48 cá thể m-2. Trong khi đó, chỉ số giá trị quan trọng của các loài nằm trong khoảng từ 3,37 đến 8,45. Do sự khai thác không bền vững và sự tái sinh tự nhiên của loài này kém, các quần thể hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng và do đó nó đã được liệt kê là một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thân rễ là phương thức tái sinh chính, mặc dù loài này có thể tái sinh từ hạt. Do nhu cầu thương mại của thân rễ, quần thể của loài này hoàn toàn có thể bị loại bỏ nếu các sáng kiến bảo tồn thích hợp chưa được thực hiện. Chiến lược bảo tồn hiệu quả cả tại chỗ và bên ngoài có thể giúp bảo vệ loài khỏi sự tuyệt chủng của nó. Việc đưa các loài vào danh sách các loài ưu tiên của cả Hội đồng cây thuốc quốc gia và tiểu bang để trồng trọt có thể hữu ích cho việc quản lý và bảo tồn lâu dài. Nhận thức đại chúng và sự tham gia tích cực của người dân địa phương cho canh tác quy mô lớn có thể làm giảm áp lực đối với quần thể hoang dã. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường và thúc đẩy nền kinh tế nông thôn và cũng sẽ giúp bảo tồn các loài
Phan Thị Lâm
BÁO CÁO VỀ BỘ SƯU TẬP KHÔNG BỀN VỮNG CỦA PARIS POLYPHYLLA (SMITH, 1813) TRONG TỰ NHIÊN Ở THUNG LŨNG DIBANG, ARUNACHAL PRADESH, ẤN ĐỘ
Jayanta K. Roy và cs.
Department of Life Science & Bioinformatics, Assam University, Diphu Campus, Karbi Anglong, Assam 782460, India – 21 July 2018
Cây bảy lá một hoa (Paris polyphylla (Smith, 1813)) tên địa phương là Tam Tamma trong tiếng Idu-Mishmi có nghĩa là “thuốc”, là một loài thực vật châu Á dễ bị tổn thương ở Nepal (Madhu et al. 2010). Thân rễ của loài này rất giàu các hợp chất hóa với đặc tính dược liệu cao (IUCN 2004; Sharma et al. 2015); buôn bán trái phép với nhu cầu quốc tế cao, đặc biệt là từ sản xuất thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (Negi et al. 2014; Paul et al. 2015). Việc sử dụng truyền thống của loại cây này được biết đến bởi người dân địa phương cư trú ở vùng lân cận của các địa điểm có bảy lá một hoa phát triển tự nhiên tại Thung lũng Dibang. Nó được sử dụng trong Hệ thống Y học Cổ truyền Trung Quốc (TCM) để điều trị ung thư (Mao et al. 2009). Việc khai thác nguyên liệu làm thuốc đe dọa sự nhân giống sinh dưỡng của loài này. Báo cáo này đề cập đến bộ sưu tập P. polyphylla không bền vững ở quy mô lớn trong vài năm nay tại Thung lũng Dibang. P. polyphylla là một loài thực vật lâu năm có lá rộng (Họ: Melanthiaceae); mọc cao từ 10 đến 100cm; lá 5 -10 hiếm khi lên tới 22. Thân cây mập mạp, thân rễ mọc bò và phân đốt; hoa trông giống mạng nhện, phần cuối, màu xanh lục ở đỉnh, lưỡng tính, được phụ thuộc bởi 4 – 9 nhánh giống như lá dài. Loài này phân bố từ vùng nhiệt đới đến ôn đới của Tiểu lục địa Ấn Độ, đặc biệt là ở Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam (Paul et al. 2015). Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016 tại Thung lũng Dibang Arunachal Pradesh (28042'N & 95042′E) nằm ở chân đồi phía đông dãy Himalaya. Sự phân bố loài đã được ghi nhận tại các khu rừng khác nhau trong phạm vi chiều cao 2.000-3.500 m. Cây phát triển trong rừng ẩm với tán rừng dày; đất giàu mùn; ở rừng đỗ quyên và rừng tre với cường độ ánh sáng thấp; và các khu vực đất dốc gần bờ suối. Lá mới mọc vào đầu tháng ba kéo dài đến tháng năm. Thời gian ra hoa từ cuối tháng 5 đến tháng 6, sau đó là giai đoạn hình thành hạt trong tháng 7 và tháng 8; lá rụng trong tháng 8 đến tháng 9. Cây lụi trong tháng chín đến tháng mười. Vào tháng 11, các bộ phận phía trên mặt đất của cây trên bị lụi và cây rơi vào trạng thái ngủ nghỉ trong bốn tháng (tháng 11 đến tháng 2).
PHÂN TÍCH AFLP VỀ ĐA DẠNG DI TRUYỀN CỦA P. POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS
Yanbing Li et al.,
Botanical Research, 2018
Mục tiêu: Đánh giá sự đa dạng di truyền nguồn gen P. polyphylla var. yunnanensis và cung cấp dẫn liệu sinh học phục vụ bảo vệ nguồn gen, phân tích mối quan hệ di truyền, chọn giống, di thực và trồng P. polyphylla var. yunnamensis.
Phương pháp: Sự đa hình chiều dài đoạn gen khuếch đại (AFLP) đã được phát triển để phân tích sự đa dạng di truyền trong số 15 mẫu P. polyphylla var. yunnanensis từ các môi trường sống khác nhau trong khu vực Vân Nam, và phân tích cụm và phân tích tọa độ chính đã được thực hiện sử dụng phần mềm NTSYS.
Kết quả: Ở cấp độ loài, tỷ lệ phần trăm locus đa hình (PPL) là 88,15%. Chỉ số thông tin Shannon (I) là 0,4158. Chỉ số đa dạng di truyền Nei là 0,2533. Tổng đa dạng di truyền (Ht) là 0,2519, đa dạng di truyền trong quần thể (Hs) là 0,188 và sự khác biệt di truyền giữa các quần thể (Gst) là 0,2583.
Kết luận: Kết quả cho thấy sự khác biệt chủ yếu từ nội bộ quần thể trong khi mức độ khác biệt giữa các quần thể lại nhỏ. Dòng gen (Nm) giữa các nhóm là 0,7178 cho thấy sự trao đổi gen giữa các nhóm ít hơn.
Trần Thị Kim Dung, Lại Việt Hưng
ĐÁNH GIÁ QUẦN THỂ VÀ MÔ HÌNH PHÂN BỐ LOÀI CỦA BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA) TẠI SIKKIM HIMALAYA, ẤN ĐỘ
Dawa Lhendup Lepcha và cs.
Biodiversitas, Volume 20, Number 5, May - 2019:1299-1305
Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith) là một cây thuốc quan trọng mọc ở vùng Sikkim Himalaya, Ấn Độ. Ở Sikkim, sự sống sót của loài này đang bị đe dọa bởi việc khai thác bất hợp pháp bộ phận thân rễ của cây. Do đó, sáng kiến bảo tồn ngay lập tức là cần thiết để bảo tồn quần thể loài hiện có trong tự nhiên. Đánh giá quần thể thông qua khảo sát thực địa theo ENM cho thấy mối tương quan thuận giữa môi trường sống phù hợp được dự đoán với các địa điểm phân bố thực tế, ngoại trừ trong môi trường sống bị xáo trộn. Lượng mưa của tháng khô nhất (Bio14) và độ dốc là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đóng góp lần lượt 41,9% và 30% cho mô hình MaxEnt. Khảo sát thực địa cho thấy mật độ cây dao động trong khoảng 0,45 (pl / m2) và 3,89 (pl / m2) và tần số thay đổi từ 36% đến 76%. IVI cho bảy lá một hoa dao động trong khoảng từ 2,68 đến 8,66 dựa trên các vị trí. Mặt khác, IVI của các loài liên quan thay đổi từ 3,57 đến 18,14 tuỳ thuộc vào loài. Bảy lá một hoa là một loài thực vật dễ bị tổn thương ở Sikkim Himalaya và nó đang đối mặt với một mối đe dọa tuyệt chủng sắp xảy ra. Trong tình hình này, điều bắt buộc là làm việc trên mô hình dự đoán sẽ giúp bảo tồn các loài. Nghiên cứu này đã xác định môi trường sống tiềm năng của bảy lá một hoa ở vùng cao hơn của Sikkim Himalaya nơi nó có thể được đưa trả lại tự nhiên để bảo tồn.
Nguyễn Bá Hưng, Đặng Minh Tú, Phan Thị Lâm, Đinh Thị Thu Trang
GIÁ TRỊ Y HỌC VÀ CƠ SỞ HÓA HỌC CỦA CHI PARIS
Wang YH và cs.
Journal of Chinese Materia Medica, 01 Mar 2015, 40(5):833-839
Giá trị y học và cơ sở hóa học của chi Paris (Trilliaceae) được tổng hợp. Chi Paris bao gồm 40 loài và giống. Trong số đó, 18 loài là những cây thuốc có sự tương đồng trong cách sử dụng truyền thống. 14 loài đã được nghiên cứu về hoá thực vật, từ đó phân lập được 207 hợp chất bao gồm 121 saponin steroid. Các saponin này là thành phần hoạt chất chính từ chi Paris, có thể giải thích các công dụng truyền thống của cây để điều trị ung thư, nhọt ác tính, chảy máu, viêm dạ dày, v.v. Sự tương đồng trong sử dụng dược liệu và thành phần hóa học của chi Paris cho thấy khả năng thay thế tài nguyên giữa các loài này. Cần có nghiên cứu thêm về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, đặc tính sinh học và độc tính.
Nguyễn Bá Hưng
PARIS LIHENGIANA (HỌ: MELANTHIACEAE), MỘT LOÀI MỚI TỪ VÂN NAM, TRUNG QUỐC
Zhun Xu, et al.
Phytotaxa 392 (1): 045–053, 2019
Paris lihengiana (Melanthiaceae), một loài mới từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được mô tả và minh họa dựa trên đặc điểm hình thái và phân tích phả hệ. Loài này khác với các loài Paris khác ở đặc điểm bề mặt thân cây, cuống và mặt lá có lông cũng như một số đặc điểm khác. Phân tích phả hệ của 33 loài trong chi Paris được thực hiện dựa trên ITS ribosome nhân và sáu dấu hiệu plastid. Paris lihengiana được xác định là loài mới bởi cả các đặc điểm hình thái và dữ liệu phân tử.
Lại Việt Hưng, Nguyễn Bá Hưng
CÁC MỐI ĐE DỌA VÀ BẢO TỒN BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA): CÂY THUỐC XÊP HẠNG SẼ NGUY CẤP Ở KHU VỰC RỪNG PHÒNG HỘ PANCHASE, NEPAL
Geeta Pokhrel và cs.
Forestry: Journal of Institute of Forestry, Nepal,Vol 16 (2019)
Chính phủ Nepal đã đưa loài bảy lá một hoa là cây thuốc ưu tiên cho sự phát triển kinh tế của đất nước do giá cả và nhu cầu thị trường cao. Nhưng ở khu bảo tồn Panchase thì giá trị của nó không được đánh giá cao. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện với nhằm khảo sát sự phân bố của cây, đánh giá các mối đe dọa và các biện pháp can thiệp để bảo tồn và thúc đẩy phát triển tại khu vực Bhadaure Tamagi của quận Kaski. Lập bản đồ tài nguyên có sự tham gia, bảng câu hỏi bán cấu trúc và phỏng vấn được thực hiện để thu thập dữ liệu. Loài này được phân bố tại chín khu vực khác nhau trong rừng ở các vị trí ẩm ướt, màu mỡ, nhiều mùn và chỉ được phát hiện ở hai khu vực phía Bắc và phía Đông. Trong số 10 yếu tố đe dọa, việc thu thập bất hợp pháp với giá trị chỉ số mức độ nghiêm trọng của yếu tố đe dọa tương đối (RTFSI) là 0,90 là mối đe dọa chính đối với cây và mối đe dọa ít ảnh hưởng nhất là cháy rừng với giá trị 0,25. Quản lý yếu kém và các yếu tố thể chế không được người dân địa phương hiểu trực tiếp. Mặc dù cây có giá trị thị trường cao, nhưng chỉ có 6 % người dân địa phương sử dụng cây này để kiếm thu nhập trực tiếp, trong khi phần còn lại sử dụng cho mục đích gia đình vì họ không biết cách tiêu thụ. Cần thiết phải trao quyền và hỗ trợ người dân địa phương canh tác và tiêu thụ sản phẩm ở quy mô thương mại, kỹ thuật thu hoạch bền vững và kết hợp tất cả các bên liên quan của PPF để hợp tác hiệu quả nhằm bảo tồn và thúc đẩy loại thảo dược tuyệt vời này.
Nguyễn Bá Hưng, Trần Văn Lộc
BẢY LÁ MỘT HOA - MỘT LOÀI XẾP HẠNG NGUY CẤP, BỊ KHAI THÁC MỨC ĐỘ CAO Ở KHU VỰC HIMALAYAN ẤN ĐỘ
Arbeen Ahmad Bhat và cs.
Journal of Chemical and Pharmaceutical Sciences, Volume 10 Issue 3, July - September 2017, 1202-1210
Ấn Độ, bao gồm 15 vùng khí hậu nông nghiệp, có một di sản cây dược liệu phong phú, được sử dụng trong nhiều y học dân gian và hệ thống y học khác, như Ayurveda, Siddha, Unani và Homeopathy. Tuy nhiên, trong thị trường thảo dược đang phát triển của Ấn Độ là không đáng kể bởi vì không được đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và xác nhận kiến thức di sản cũ của chúng ta dưới sự phát triển của khoa học hiện đại. Bảy lá một hoa, một loài quan trọng của chi, đã được gọi là 'kích của tất cả các ngành nghề' do tính chất của nó trong việc chữa một số bệnh như tiêu chảy và ung thư. Bài báo hiện nay đánh giá các cách sử dụng dân gian và truyền thống của nhiều loại bảy lá một hoa cùng với giá trị dược lý. Điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu đặc biệt ở Ấn Độ suy nghĩ về hiệu quả và tiềm năng của loại thảo dược kỳ diệu này. Do tầm quan trọng ở cấp độ thương mại, thân rễ của loại thảo dược này được buôn bán bất hợp pháp ra khỏi biên giới Ấn Độ. Việc khai thác trái phép loài này sẽ có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có bước thích hợp được thực hiện để bảo tồn. Cả chiến lược bảo tồn hiệu quả tại chỗ và ngoài hiện trường có thể giúp bảo vệ loài này khi nó đang ở bờ vực tuyệt chủng.
Nguyễn Bá Hưng, Trần Đại Hải, Phạm Ngọc Khánh, Vàng Mí Nhù
PARIS VARIABILIS (MELANTHIACEAE), MỘT LOÀI MỚI TỪ TÂY NAM TRUNG QUỐC
Zhenyan yang và cs
Phytotaxa, Vol 401, No 3, 15 April 2019
Paris variabilis, một loài mới từ vùng núi Wumengshan, Tây Nam Trung Quốc, được mô tả và minh họa. Loài mới này được đặt trong chi Paris nhánh Euthyra. Taxon mới được xác định có hình thái tương tự với P. vietnamensis nhưng khác biệt ở phiến lá thuôn với đỉnh nhọn, nhị 2-4 × số lượng tràng, chỉ nhị màu vàng lục, gốc vòi nhụy mở rộng màu đỏ hơi tía. Vị trí phát sinh của loài này được đánh giá dựa trên dữ liệu trình tự ADN ITS của ribosome nhân. Các kết quả phân tích hình thái và phát sinh loài xác định taxon này là một loài mới.
Tô Minh Tứ
NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH CÂY PARIS POLYPHYLLA SMITH, MỘT LOẠI CÂY THUỐC XẾP HẠNG NGUY CẤP Ở KHU VỰC NÚI HIMALAYA
Kavita Danu và cs.
International Journal of Current Microbiology and Applied Sciences, ISSN: 2319-7706 Volume 4 Number 6 (2015): 660-665
Nhân giống vô tính cây Paris polyphylla Sm. một loại cây thuốc quan trọng của vùng núi Himalaya đang cần được bảo tồn khẩn cấp, vượt qua được áp lực từ môi trường sống tự nhiên của nó. Việc nhân giống loài này được thực hiện tại Pithoragarh (độ cao 1700 m trên mặt nước biển) ở phía Tây của dãy Himalaya, Uttarakhand, Ấn Độ. Nghiên cứu này đánh giá về tỷ lệ nảy mầm và ra rễ của Paris polyphylla Smith. khi sử dụng các thành phần đất khác nhau kết hợp với các hoocmon IBA và GA3 được xử lý ở các nồng độ khác nhau (50, 100 và 150 mg / l). Kết hợp 100mg / l GA3 và 100 mg / l IBA cho thấy tỷ lệ nảy mầm và ra rễ đạt cao nhất cùng với thành phần tốt nhất là đất: sét: cát (3:2:1).
Bùi Thị Xuân
SẢN XUẤT VẬT LIỆU ĐỂ TRỒNG VÀ NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH CÂY PARIS POLYPHYLLA SMITH VAR. POLYPHYLLA BẰNG CÁCH TÁCH THÂN RỄ
Sakutemsu L. Jamir và cs.
European Journal of Biotechnology and Bioscience Volume: 3, Issue: 9, 43-46, Sep 2015
Nhân giống đại trà rất quan trọng đối với việc sản xuất hàng hóa của cả loài hoang dã đang bị đe dọa và cả cây trồng thuần hóa. Paris polyphylla Smith var. polyphylla, một loài cây thuốc dễ bị tổn thương ở Đông Bắc, Ấn Độ có thể được nhân giống vĩ mô thông qua việc cắt/ tách thân rễ và phân chia thân rễ. Chuẩn bị luống đất trồng cao và áp dụng các quy trình thích hợp để trồng các hom sau khi cắt. Giá trị trung bình thu được trong ba năm nghiên cứu: Tỷ lệ chồi nảy mầm từ thân rễ bị cắt đã đạt được là 49,33% trong khi để cả đoạn thân rễ đạt 75%.
Bùi Thị Xuân, Phạm Ngọc Khánh, Trần Đại Hải, Vàng Mí Nhù
TỔNG QUAN VỀ PARIS POLYPHYLLA, MỘT LOẠI CÂY DƯỢC LIỆU XẾP HẠNG SẼ NGUY CẤP Ở KHU VỰC PHÍA ĐÔNG CỦA DÃY NÚI HIMALAYA NHẰM KHAI THÁC BỀN VỮNG
Arcadius Puwein và cs.
The Natural Products Journal, 2019, 9: 1-12
Paris polyphylla là một loài trong họ Melanthiaceae (trước đó là Trilliaceae hoặc Liliaceae). Nó được biết đến với tên gọi là “Love Apple” trong tiếng Anh. Cây thân thảo và thẳng đứng này được tìm thấy chủ yếu ở Đông Nam Á và được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1985 trong dược điển Trung Quốc. Đây là một loại thảo dược truyền thống được biết đến là có nhiều tác dụng dược lý như chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, gây độc tế bào, ... Mục tiêu của bài viết này là làm nổi bật các nghiên cứu chính về loại thảo dược kỳ diệu này bao gồm cập nhật thông tin về sự phát triển của nó diễn ra trong những năm gần đây. Đã có những cách tiếp cận mới trong nỗ lực phân loại cây bằng công nghệ high-throughput RNA-Seq, nhân giống quy mô lớn và bảo tồn bằng phương pháp nuôi cấy mô, hiểu cơ chế hoạt động của nhóm steroid saponin như một hoạt tính chống ung thư chính và các hợp chất có hoạt tính sinh học mới đã được được thêm vào trong hóa thực vật. Bài báo hiện tại cố gắng đưa ra một cái nhìn bao quát về P. polyphylla từ phân loại, đặc điểm hình thái, môi trường sống, phương thức sinh sản, cách sử dụng truyền thống, phân bố, nhân giống, hóa thực vật, hoạt tính sinh học, phân tích phân tử và bảo tồn.
Đinh Thị Thu Trang, Bùi Thị Xuân
ĐA DẠNG VI SINH VẬT TRONG THÂN RỄ PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS Ở CÁC ĐỘ TUỔI KHÁC NHAU
Y. Yang và cs.
Genetics and Molecular Research 14 (4): 17612-17621 (2015)
Các vi sinh vật nội sinh (endophytes) sống bên trong thực vật mà không gây ra bất kỳ thiệt hại rõ ràng nào. Gần đây, các vi sinh vật nội sinh đã thu hút sự chú ý bởi vì chúng có thể tạo ra các hợp chất có hoạt tính sinh học được quan tâm về công nghệ sinh học. Các vi sinh vật nội sinh ở Paris polyphylla var. yunnanensis (Liliaceae) - một loài được sử dụng từ thời cổ đại trong y học cổ truyền Trung Quốc - đang được xem xét kỹ lưỡng bởi vì chúng có thể sản xuất các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học liên quan đến cây. Mức độ các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học trong thân rễ của P. polyphylla tăng theo tuổi thân rễ. Để làm rõ vai trò của vi sinh vật nội sinh trong quá trình tích lũy các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học, chúng tôi đã nghiên cứu cấu trúc quần thể và sự đa dạng của các vi sinh vật nội sinh ở thân rễ P. polyphylla ở các độ tuổi khác nhau (4, 6 và 8 năm) bằng cách phân tích trình tự 16S rRNA và internal transcribed spacer (ITS). Kỹ thuật pyrosequencing khuếch đại 16S rDNA cho thấy số lượng đơn vị phân loài trong các mẫu 8 tuổi thấp hơn so với các mẫu khác. Tổng cộng có 28 ngành đã được quan sát trong các mẫu P. polyphylla và vi khuẩn chiếm ưu thế là ngành Cyanobacteria và Proteobacteria . Hơn nữa, tỷ lệ vi khuẩn Cyanobacteria tăng theo tuổi thân rễ. Tương tự như vậy, kỹ thuật pyrosequencing khuếch đại ITS1 đã xác định những thay đổi phát triển trong các lớp nấm là phong phú nhất; một số lớp phổ biến hơn ở thân rễ 8 tuổi so với thân rễ non, cho thấy tầm quan trọng trong chuyển hóa thứ cấp ở thân rễ già. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự đa dạng và sự phổ biến của vi sinh vật nội sinh phụ thuộc vào tuổi thân rễ của P. polyphylla. Ngoài ra còn có một dấu hiệu cho thấy một số vi sinh vật nội sinh đóng góp vào hàm lượng saponin cao hơn trong các mẫu P. polyphylla nhiều năm tuổi.
Trần Đại Hải, Bùi Thị Xuân
PARIS NITIDA (MELANTHIACEAE): XEM XÉT LẠI CÁC ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, ĐỊA SINH HỌC VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ PHÁT SINH LOÀI.
Wen-xia Rao và cs.
Phytotaxa, Vol 424, No 3, 20 November 2019
Paris nitida là một loài mới được công bố, nhưng ít được biết về đặc điểm hình thái, phân bố và mối quan hệ phát sinh loài. Trong nghiên cứu này, điều tra thực địa, nghiên cứu tài liệu, quan sát hình thái và phân tích trình tự nrITS phân tử đã được sử dụng để bổ sung tài liệu về loài này. Đặc điểm hình thái của loài P. nitida được tìm thấy giống với Paris fargesii var. brevipetalata hơn là Paris caobangensis như công bố trước đây; hơn nữa, một ghi nhận về điểm phân bố mới ở trung tâm cao nguyên Vân Nam-Quý Châu đã được tìm thấy; thêm vào đó, P. nitida được nhóm với Paris fargesii var. fargesii, P. fargesii var. brevipetalata và P. caobangensis trong cây phân loài dựa trên trình tự ITS. Theo đó, P. nitida có liên quan gần gũi hơn với P. nhánh Fargesianae hơn là P. caobangensis; môi trường sống của loài P. nitida được xác định từ phía nam sông Dương Tử đến phía bắc của dãy núi Nanling, chủ yếu bao gồm phần trung tâm của cao nguyên Vân Nam - Quý Châu và vùng núi miền trung Trung Quốc. Nó được tách biệt về mặt địa lý với P. caobangensis tập trung ở miền bắc Việt Nam. Phần trung tâm của cao nguyên Vân Nam - Quý Châu có thể là khu vực nguồn gốc của loài này.
LỰA CHỌN XUẤT XỨ VÀ NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT TRỒNG TRỌT PARIS POLYPHYLLA
GONG Fanwu và cs.
Hunan Forestry Science & Technology, 2015-03
Lựa chọn xuất xứ bằng cách thu thập 5 loại Paris linn phân bố hoang dại ở các vùng khác nhau được thực hiện ở vùng ngoại ông Qunfeng của thành phố Hồng Giang ở Hồ Nam. Sử dụng những hạt giống và những lát thân rễ của Paris polyphylla ở vùng núi bamian của thành phố Hồng Giang làm vật liệu nhân giống, kỹ thuật nhân giống trong vườn ươm và trồng trong rừng thường xanh, rừng rụng lá rộng và rừng cây bụi đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, Paris polyphylla có khả năng kháng bệnh tốt và năng suất cao tại núi Bamian ở thành phố Hồng Giang, nên rất có triển vọng để đưa vào trồng trọt. Hạt giống của Paris polyphylla được xử lý nhiệt độ thấp và điều chỉnh nhiệt độ ở các khu vực rừng cây có tán khác nhau dựa trên sức sống của hạt. Bảo quản hạt trong điều kiện lạnh tốt hơn so với bảo quản bằng cát cả về tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ sống và đạt cao nhất là rừng óc chó, sau đếnrừng thông Trung Quốc ở vị trí thứ hai và thấp nhất là rừng kim ngân hoa. Tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ sống của cây giống gốc đạt hơn 80 trăm% không có khác biệt giữa lát cắt đầu mầm và lát cắt không phải đầu mầm. Trọng lượng củ trên mỗi cây của rễ cây cắt thẳng trong ba năm cao hơn so với gieo hạt trực tiếp. Năng suất củ trên mỗi cây của hạt và thân rễ của cây Paris polyphylla trong ba năm cao nhất là trong rừng óc chó, rừng thông Trung Quốc ở vị trí thứ hai, thấp nhất trong rừng cây kim ngân hoa.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG PHÙ HỢP LÀM TĂNG KHẢ NĂNG ĐẬU QUẢ VÀ BẢO TỒN CÂY THUỐC XẾP HẠNG SẼ NGUY CẤP, PARIS POLYPHYLLA SMITH
Puwein Arcadius và cs.
Medicinal Plants - International Journal of Phytomedicines and Related Industries, 2019, Volume 11, Issue 4
Paris polyphylla thuộc họ Melanthiaceae. Cây thuốc này có nhiều đặc tính y học như khả năng chống ung thư, kháng khuẩn và kháng nấm. Điều này đã dẫn đến sự tận thu thân rễ trong tự nhiên và đẩy cây thuốc này đến bờ vực nguy cấp. Do đó, việc nhân giống cải tiến và hiệu quả cả in vivo và in vitro là vấn đề cấp thiết trong công tác bảo tồn. Bài viết trình bày một phương pháp hiệu quả và đơn giản về giai đoạn nảy mầm và hình thành quả để bảo tồn loài này thông qua nhân giống vô tính bằng cách sử dụng các loại hormone tăng trưởng thực vật khác nhau như axit indole-3-butyric (IBA), axit axetic naphthalene (NAA), 6-benzylaminopurine (BAP), kết hợp BAP và NAA ở các nồng độ khác nhau (0, 50, 100, 150 mg / l), nhân giống trong tự nhiên và trong phòng sử dụng gỗ mục, đất đen và cát theo tỷ lệ 2: 2: 1. Kết quả là khi kết hợp của 100 mg / l BAP và 100 mg / l NAA cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất (93,33%) và đậu quả cao nhất (53,33%). Trồng cây trong nhà kính đã cho tỷ lệ nảy mầm (93,46%) và đậu quả (83,56%) của loài này ở mức sai khác có ý nghĩa.
Bùi Thị Xuân, Trần Văn Lộc
ẢNH HƯỞNG CỦA POLYETYLEN GLYCOL (PEG) ĐỐI VỚI SỰ NẢY MẦM NHANH CỦA HẠT GIỐNG PARIS POLYPHYLLA
HUANG Zonghua và cs.
Guizhou Agricultural Sciences: 2017 -07
Hạt P. polyphylla được ngâm với khối lượng phân tử và các phần thể tích khác nhau của PEG được nuôi cấy trong tủ ấm ở 20oC trong 24 giờ để nghiên cứu về ảnh hưởng của PEG đối với sự nảy mầm của hạt giống P.polyphylla. Hạt giống P. polyphylla mới đã được sử dụng để nghiên cứu hiệu quả của việc loại bỏ một phần vỏ hạt hoặc nội nhũ đối với sự phát triển của lá mầm và ảnh hưởng của việc loại bỏ thân cây đối với sự phát triển của chồi bên. Kết quả PEG có tác dụng thúc đẩy sự nảy mầm nhanh chóng của hạt P. polyphylla. Xử lý PEG 25% với khối lượng phân tử 4.000 về sự nảy mầm của hạt P.polyphylla mới trong số tất cả các phương pháp xử lý và tỷ lệ nảy mầm của hạt P. polyphylla mới ngâm với PEG 25% với khối lượng phân tử 4.000 sau 30 ngày, 40 ngày, 50 ngày và 60 ngày tương ứng là 12,61%, 44,85%, 64,38% và 78,86%, 2,88% %, 29,69%, 17,97% và cao hơn 5,33% so với CK (xử lý nước cất). Tỷ lệ nảy mầm và chiều dài rễ con dài nhất của hạt P. polyphylla mới ngâm với PEG 25% với khối lượng phân tử 4.000 sau 70 ngày và 80 ngày tương ứng là 85,71% và 1cm, trên 90% và 3cm. Loại bỏ một phần vỏ hạt và cắt phần thân trong thời kỳ nuôi cấy hạt P. polyphylla để có thể đạt được tác dụng tốt hơn.
NGHIÊN CỨU VỀ CÁC KỸ THUẬT CANH TÁC NHẰM NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA LOÀI BẢY LÁ MỘT HOA PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS.
Su ZeChun và cs.
Acta Agriculturae Jiangxi, 2015, Vol.27 No.1 :61-65 ref.13
Trong các nghiên cứu về kỹ thuật canh tác cho bảy lá một hoa, sự gia tăng năng suất là một điểm nóng chính, trong khi nội dung đưa vào thường bị bỏ qua. Để thực hiện các mục tiêu cho năng suất cao và chất lượng tốt của loài bảy lá một hoa, chúng tôi đã trồng loại cây này trên các cánh đồng giống với môi trường sống ban đầu của nó và phân tích mối quan hệ giữa sự gia tăng năng suất và hàm lượng hoạt chất của bảy lá một hoa và các yếu tố môi trường dựa trên lý thuyết hệ thống màu xám. Sự gia tăng năng suất đã được chứng minh không tương quan tỷ lệ thuận với hàm lượng hoạt chất. Trong số 14 yếu tố môi trường, 6 yếu tố đất (nitơ có sẵn, chất hữu cơ, nitơ tổng số, phốt pho tổng số, phốt pho có sẵn và hàm lượng kali có sẵn) có liên quan chặt chẽ đến cả mức tăng năng suất trung bình và hàm lượng. Hàm lượng nitơ có sẵn và hàm lượng nitơ tổng số trong đất chủ yếu ảnh hưởng đến sự gia tăng trung bình của rễ và thân cây bảy lá một hoa, trong khi hàm lượng phốt pho và phốt pho tổng số có sẵn trong đất ảnh hưởng lớn đến hàm lượng. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tổng hợp của sự gia tăng năng suất trung bình và hàm lượng hoạt chất.
NGHIÊN CỨU SO SÁNH VỀ DI TRUYỀN QUẦN THỂ CỦA LOÀI BẢY LÁ MỘT HOA HOANG DẠI VÀ TRỒNG TRỌT DỰA TRÊN CÁC DẤU HIỆU ĐA HÌNH ĐOẠN DÀI KHUẾCH ĐẠI
Yu Huang và cs.
Ecology and Evolution, Volume9, Issue18, September 2019: 10707-10722
Bảy lá một hoa là một trong những cây ban đầu được sử dụng để làm thuốc y học cổ truyền. Các cá thể hoang dại đã được khai thác quá mức trong những thập kỷ gần đây, do đó, ngày càng trở nên nguy cấp. Trồng trọt là một phương pháp chính để bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên hoang dại. Trong nghiên cứu này, các dấu hiệu đa hình chiều dài đoạn khuếch đại đã được sử dụng trong phân tích di truyền của 15 quần thể hoang dại và 17 quần thể trồng trọt loài bảy lá một hoa . Nghiên cứu này tiết lộ rằng quần thể trồng trọt sở hữu sự đa dạng di truyền cao hơn so với quần thể hoang dại ở cấp độ loài ( H = 0,2636 so với 0,2616, tương ứng). Tuy nhiên, hầu hết các biến thể di truyền đã được tìm thấy trong các quần thể cho cả hai nhóm này (Φ ST = 18,83% so với 19,39%). Theo cây phả hệ được tạo bằng UPGMA, 32 quần thể được chia thành ba nhóm (I, II và III). Trong nhóm II, cả hai quần thể hoang dại và trồng trọt được đưa vào, nhưng vẫn ở trong các cụm khác biệt trong nhóm này, điều này cho thấy sự tách biệt đáng kể giữa các quần thể trồng trọt và hoang dã. Hơn nữa, các quần thể hoang dã cũng được phân thành ba nhóm nhỏ (W ‐ I, W II và W III), với cấu trúc địa lý rõ ràng. Ngược lại, mặc dù các quần thể được canh tác được đặt tương tự trong ba nhóm nhỏ (C I, C II và C ‐ III), hai nhóm sau không được phân tách dựa trên địa lý. Cuối cùng, quần thể hoang dại ở Quý Châu, Trung Quốc (W ‐ I), sở hữu sự đa dạng di truyền cao hơn so với những quần thể ở Vân Nam (W ‐ II và W III). Do P. polyphylla var. yunnanensis là một cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng, thực tế về sự đa dạng di truyền phong phú hơn trong quần thể hoang dại ở Quý Châu khẳng định khu vực này cần được ưu tiên bảo vệ và được sử dụng để lựa chọn xuất xứ. Hơn nữa, các quần thể trồng trọt cũng cho thấy sự biến đổi di truyền cao, có thể là do chúng có xuất xứ từ các nguồn gốc hỗn hợp, cho thấy rằng việc sàng lọc lựa chọn các nguồn gốc vượt trội nên được tiến hành càng sớm càng tốt.
Nguyễn Bá Hưng, Đặng Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Thuý
TỔNG QUAN VỀ THƯƠNG MẠI, BẢO TỒN VÀ CÁC CƠ HỘI TRONG VIỆC CHUYỂN ĐỔI TỪ THU HOẠCH TỰ NHIÊN SANG TRỒNG TRỌT CỦA LOÀI BẢY LÁ MỘT HOA PARIS POLYPHYLLA (TRILLIACEAE)
A.B.CunninghamabJ.A.BrinckmanncY và cs.
Journal of Ethnopharmacology,Vol 222, 10 August 2018: 208-216
Sự liên quan đến dân tộc học: P. polyphylla Smith được sử dụng trong y học cổ truyền ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal và có khả năng được sử dụng tương tự trong hầu hết phạm vi địa lý của nó. Trung Quốc là trung tâm có nhu cầu về P. polyphylla, nơi nó được sử dụng như một thành phần trong một số công thức thảo dược rất thành công của Trung Quốc. Ví dụ, nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc 'alibaba.com' liệt kê 97 các mặt hàng P. polyphylla được cung cấp bởi 46 nhà cung cấp châu Á, trong đó 21 ở Trung Quốc, 12 ở Nepal, 7 ở Ấn Độ, 2 ở Pakistan và 1 ở Bhutan, Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam. Các sản phẩm được cung cấp bao gồm thuốc thô (khô toàn bộ hoặc cắt thân rễ), chiết xuất và công thức có chứa thuốc thảo dược này.
Mục đích: Mục đích của bài tổng quan này là đánh giá quy mô buôn bán P. polyphylla, xem xét bằng chứng về tác động của việc thu hoạch hoang dại đối với quần thể P. polyphylla và về vai trò của canh tác thay thế cho thu hoạch hoang dại.
Nguyên liệu và phương pháp: Đầu tiên, chúng tôi đã xem xét thông tin được công bố về sinh học quần thể loài Paris và các nghiên cứu về tác động của việc thu hoạch P. polyphylla hoang dại từ khắp phạm vi địa lý của loài này. Thứ hai, dữ liệu thương mại toàn cầu cho P. polyphylla đã được phân tích. Thứ ba, chúng tôi đã xem xét thông tin được công bố về canh tác P. polyphylla và thực hiện các chuyến thăm thực địa đến các khu vực canh tác P. polyphylla ở Vân Nam và Tứ Xuyên.
Kết quả: Kể từ những năm 1980, giá thị trường dược liệu thân rễ P. polyphylla ở Trung Quốc đã tăng gấp 400 lần so với thị trường, từ 2,7 Yuan Yuan (CNY) mỗi kg trong những năm 1980 lên tới 1100 CNY / kg trong năm 2017. Thương mại giữa các nước đối với thân rễ P. polyphylla khô ở ba quy mô khác nhau. Thứ nhất, trao đổi thương mại thân rễ P. polyphylla trong nội bộ các quốc gia (như Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc). Thứ hai, buôn bán thân rễ P. polyphylla từ Nepal (và có thể từ Bhutan) đến hai quốc gia có thương mại y học cổ truyền lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Ấn Độ. Ba là, buôn bán các sản phẩm thảo dược chế biến. Ví dụ, ở Trung Quốc, P. polyphylla được sử dụng rộng rãi như một thành phần trong một số sản phẩm thảo dược rất thành công, bao gồm cả một phương pháp điều trị sơ cứu nổi tiếng để cầm máu. Một số sản phẩm này được xuất khẩu trên toàn cầu, ngoài việc tham gia vào thương mại khu vực. Dữ liệu thương mại trong đánh giá của chúng tôi cho thấy rằng 800 - 1050t thân rễ P. polyphylla được bán hàng năm, nhiều hơn đáng kể so với ghi nhận trong các nghiên cứu trước đó. Trung Quốc là quốc gia duy nhất nơi P. polyphylla được trồng ở quy mô lớn, mặc dù việc trồng trọt quy mô nhỏ đang diễn ra ở Ấn Độ và Nepal.
Kết luận: Dựa trên các tiêu chí để đưa các loài vào Phụ lục II của Công ước II (Điều IV 2 (a)), có bằng chứng thuyết phục cho việc thêm Paris polyphylla. Đồng thời, việc trồng P. polyphylla bên ngoài môi trường sống có giá trị bảo tồn cao cần được khuyến khích và hỗ trợ. Một cách để làm điều này có thể là phát triển các chuỗi cung ứng riêng biệt, có thể theo dõi cho các nguồn cung cấp được canh tác để phân biệt chúng với các khu dự trữ tự nhiên.
Hoàng Thúy Nga, Đinh Thị Thu Trang, Trần Văn Lộc
BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ BỆNH ĐỐM LÁ GÂY RA BỞI COLLETOTRICHUM SPAETHIANUM Ở CÂY PARIS POLYPHYLLA Ở TRUNG QUỐC
Jie Zhong và cs.
Plant Disease,The American Phytopathological Society (APS) Publication. Vol. 104, No. 3, March 2020
Paris polyphylla Sm. (Satuwa), thuộc họ Trilliaceae, là một cây thuốc lâu năm quan trọng. Thân rễ rất hữu ích trong y học cổ truyền Trung Quốc vì tác dụng chống viêm và cầm máu (Zhao et al. 2010). Vào mùa xuân và mùa hè năm 2018 và 2019, khoảng 50% trong số 300 P. polyphylla var. yunnanensis được khảo sát trong hai vườn ươm của Changsha (28 ° 13′N; 112 ° 56′E) ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc cho thấy các triệu chứng đốm lá nghiêm trọng. Các triệu chứng ban đầu xuất hiện dưới dạng vết đốmmọng nước, biến vàng, dần trở thành các vết bệnh hình elip hoặc hình bất định màu nâu. Khi bệnh tiến triển, các vết bệnh lan rộng, thủng lỗ và lá bị ảnh hưởng chuyển sang màu vàng và khô héo. Các phần lá nhỏ (5 mm2) ở rìa tổn thương đã được cắt bỏ, khử trùng bề mặt bằng ethanol 70% trong 10 giây sau đó là 0,1% HgCl2 trong 2 phút, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ba lần, mạ trên môi trường thạch khoai tây (PDA), và được ủ ở 26 ° C trong bóng tối. Sáu phân lập có hình thái tương tự được lấy liên tục từ sáu lá bị ảnh hưởng. Loại nấm phát triển trên PDA tạo ra sợi nấm màu trắng và chuyển sang màu xám đến xám đen theo tuổi. Bào tử cong hoặc hơi cong, trong suốt, không có vách ngăn, với đỉnh hơi tròn và đế ngắn, chứa các hạt dầu và có chiều dài 12,5 đến 22,5m và chiều rộng từ 3.0 đến 4.0 (n = 50). Giác hút có màu nâu sẫm, hình dạng bất định, dài 5,8 đến 10,0 μm và rộng 4,5 đến 8,0 μm. Bào tử thẳng và nâu sẫm, hai đến ba vách ngăn và dài 72,5 đến 140,4 μm (n = 50). Những đặc điểm hình thái này là điển hình của Colletotrichum spaethianum (Damm et al. 2009). Để xác định phân tử, DNA bộ gen của một mẫu đại diện, GQCL1-1, được tách từ sợi nấm tươi bằng phương pháp CTAB và vùng spacer được phiên mã nội bộ (ITS) của rDNA, actin (ACT), chitin synthase (CHS-1), và các gen glyceraldehyd-3-phosphate dehydrogenase (GAPDH) đã được khuếch đại và giải trình tự bằng cách sử dụng các cặp mồi như mô tả trước đây (Weir et al. 2012). Các trình tự của ITS, ACT, CHS-1 và GAPDH đã được gửi vào GenBank (lần lượt là MN394364, MN400659, MN400658 và MN400657). Phân tích BLASTn cho thấy sự tương đồng 99 đến 100% với các chuỗi tương ứng của các chủng C. spaethianum (mã số KU572437, KC598114, KC598116 và KT321125, tương ứng). Để xác nhận khả năng gây bệnh, cây con 2 tháng tuổi của P. polyphylla var. yunnanensis được trồng trong chậu và lá được lây bệnh bằng dịch bào tử (1 × 105 conidia / ml) được tạo ra từ tản nấm 7 ngày tuổi trên môi trường PDA. Cây đối chứng được phun nước lã vô trùng. Cây trồng được bọc bằng túi nhựa trong 48 giờ và được giữ trong nhà kính ở 25°C với chu kỳ sáng / tối 12 giờ / 12 giờ cho đến khi bệnh phát triển. Thí nghiệm được thực hiện hai lần với ba lần lặp lại. Mười ngày sau khi lây bệnh, các triệu chứng của vết đốm nâu, hoại tử tương tự như vết bệnh được quan sát ban đầu xuất hiện trên cây lây bệnh, trong khi đó cây đối chứng vẫn không có triệu chứng. C. spaethianum đã được phân lập lại và được xác định từ các lá có triệu chứng của tất cả các cây được lây bệnh bằng phương pháp như mô tả ở trên, do đó đáp ứng quy tắc Koch. Trước đây ở Trung Quốc C. spaethianum đã được ghi nhận trên các cây khác bao gồm Peucesanum praeruptorum (Guo et al. 2013), Atractylodes japonica, Phaseolus vulgaris và Anemarrhena asphodeloides (Okorley et al. 2019). Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên của C. spaethianum gây ra đốm lá trên P. polyphylla ở Trung Quốc. Bệnh có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sản xuất P. polyphylla và nghiên cứu này có thể cung cấp cơ sở để thực hiện các chiến lược quản lý thích hợp cho bệnh.
Hoàng Thúy Nga
BOTRYTIS POLYPHYLLAE: MỘT LOÀI BOTRYTIS MỚI GÂY BỆNH MỐC XÁM TRÊN BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA)
Shan Zhong và cs.
Plant Disease,The American Phytopathological Society (APS) Publication. Vol. 103, No. 7, 16 May 2019
Paris polyphylla là một cây thuốc lâu năm quan trọng ở Trung Quốc. Một bệnh tương tự như bệnh mốc xám trên P. polyphylla đã xuất hiện ở giai đoạn cây con vào tháng 3 năm 2016 và 2017 tại thành phố Tengchong, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Bệnh nặng có thể dẫn đến tỷ lệ cây chết lên tới 50%. Nấm phân lập từ cây bị bệnh phát triển 10,6 mm / ngày ở 20°C trên môi trường PDA. Sau 21 ngày, tản nấm xuất hiện hạch nấm có dạng hình cầu đến hình elip (0,4, 2,5 × 0,3 0,8 mm). Bào tử phân sinh từ các mô bị bệnh đã không màu hoặc màu nâu nhạt, dài, hình trứng, đơn bào và có kích thước 15,1 - 24,5 × 8,8 -13,4 μm; cành bào tử 526 - 1,064 × 12 -15 μm. Các mẫu nấm không hình thành cành bào tử phân sinh hay bào tử phân sinh trên PDA hoặc MYA. Một phân tích phát sinh loài dựa trên dữ liệu trình tự chuỗi G3PDH, RPB2 và HSP60 của 3 mẫu đại diện cho thấy đây là loài Botrytis mới. Dựa trên các đặc điểm hình thái, phát sinh loài và nguyên tắc Koch, tác nhân gây bệnh nấm mốc xám trên P. polyphylla, Botrytis polyphyllae được xác định là một loài mới.
Trịnh Minh Vũ
SỰ KHÁC BIỆT TRONG MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA KHU HỆ NẤM Ở VÙNG RỄ VÀ NẤM NỘI SINH TRÊN CÂY BẨY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA SM.) HOANG DẠI
Yan Wang1,2,3 và cs.
PeerJ 8:e8510, 2020. https://doi.org/10.7717/peerj.8510
Vi sinh vật thực vật là một trong những yếu tố chính quyết định đến việc tạo nên chất chuyển hóa và sức khỏe của cây. Hệ vi sinh vật thực vật ảnh hưởng đến sự hấp thụ các yếu tố dinh dưỡng của cây, cải thiện khả năng chịu đựng của cây đối với các yếu tố môi trường bất thuận, làm tăng sự tích lũy của các thành phần hoạt động và làm thay đổi kết cấu mô. Cộng đồng vi sinh vật cũng rất quan trọng đối với sự tích lũy các chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về môi trường sống khác nhau của các vi sinh vật cộng sinh của thực vật, đặc biệt là ở các độ cao khác nhau.
Phương pháp: Chúng tôi đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng của độ cao đến thành phần của các cộng đồng nấm nội sinh và sự phân biệt của các vi sinh vật nội sinh giữa các môi trường sống khác nhau ở cây bảy lá một hoa. Đất ở vùng rễ, rễ, thân rễ và lá của cây bẩy lá một hoa mọc hoang dại ở các mẫu ở độ cao khác nhau và các cộng đồng nấm của tất cả các mẫu được phân tích bằng trình tự phiên mã tổng hợp ITS.
Kết quả nghiên cứu: Kết quả cho thấy trong vùng rễ, số lượng đơn vị phân loại theo sự hoạt động (OTU) có thể được phân loại hoặc xác định là giảm đáng kể khi độ cao tăng lên, đối với nấm nội sinh, tổng số (OTU) ở độ cao trung gian cao hơn so với các độ cao khác. Hơn nữa, sự biến động trong cấu trúc trong cộng đồng nấm ở vùng đầu rễ là thấp hơn đáng kể so với so với cộng đồng nấm sống trong mô thực vật. Ngoài ra, kết quả của chúng tôi đã xác nhận sự hiện diện ở môi trường sống khác nhau giữa các thành phần trong cộng đồng vi khuẩn nội sinh. Cuối cùng, chúng tôi cũng xác định rằng chi trội hơn trong khu hệ nấm trong thân rễ là Cadophora. Nghiên cứu này cho thấy cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa vi khuẩn nội sinh và cây trồng và điều này có thể giúp việc hướng canh tác nhân tạo của loại cây này.
Đặng Văn Hùng
PHÂN TÍCH GIÁ CỦA PARIS POLYPHYLLA SMITH DỰA TRÊN MÔ HÌNH CHUỖI THỜI GIAN ARIMA
Yan Guo và cs.
E3S Web of Conferences 131, 01099 (2019), ChinaBiofilms 2019
Paris polyphylla Smith, được biết đến là cây thuốc có giá trị tại Vân Nam, Tứ Xuyên và một phần của Quý Châu. Trong nhiều năm, các học giả trong và ngoài nước đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu dự đoán về các sản phẩm nông nghiệp và dược liệu. Tuy nhiên, có rất ít dự đoán về Paris polyphylla Smith. Bài viết này thiết lập mô hình chuỗi thời gian ARIMA dựa trên giá thị trường của Paris polyphylla Smith từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 8 năm 2018 và dự báo giá từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019. So với giá từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, hệ số R tương thích là 0,954 và sai số tương đối là trong khoảng 0,072. Tăng cường nghiên cứu dự đoán biến động về giá của Paris polyphylla Smith và giảm thiểu khả năng chống lại rủi ro do biến động giá của Paris polyphylla Smith, cho phép người sản xuất cải thiện doanh thu. Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự ổn định của thị trường dược phẩm cũng như đảm bảo thu nhập của nông dân.
Đinh Thị Thu Trang
MỨC ĐỘ NẤM NỘI SINH TRONG RỄ PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS Ở CÁC TUỔI CÂY KHÁC NHAU
Tao Liu và cs.
Plant Diversity, 2017, (39):60-64
Paris polyphylla var. yunnanensis là một cây thuốc quan trọng với hàm lượng saponin cao, được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dược. Chưa rõ được nguyên nhân tại sao hàm lượng hoạt chất tăng lên cùng với độ tuổi của cây. Chúng tôi đã suy đoán rằng sự tập trung của các hoạt chất trong rễ qua trung gian là các của nấm nội sinh. Để kiểm tra giả thuyết này, chúng tôi đã tiếp cận cả hai phương pháp nuôi cấy phụ thuộc và độc lập (metagenomics – Di truyền học quần thể) để phân tích các quần thể nấm nội sinh sống trong thân rễ ở các cây thuộc các lứa tuổi khác nhau (bốn, sáu và tám tuổi). Tổng cộng, đã phân lập 147 dòng đại diện cho 18 loài nấm được lấy từ 270 phân đoạn (90 phân đoạn ở mỗi lớp tuổi). Dựa trên các đặc điểm hình thái và di truyền, Fusarium oxysporum (tần suất xuất hiện 46,55%) là nấm nội sinh chiếm ưu thế, tiếp theo là Leptodontidium sp. (8,66%) và Trichoderma viride (6,81%). Sự xâm lấn của nấm nội sinh đạt cao nhất trong thân rễ tám tuổi (33,33%) khi so sánh với thân rễ bốn tuổi (21,21%) và thân rễ sáu tuổi (15,15%). Một số loài nấm chỉ có mặt ở độ tuổi cụ thể. Ví dụ, Alternaria sp., Xylinndrocarpon sp., Chaetomium sp., Paraphaeosphaeria sporulosa, Pyrenochaeta sp., Penicillium swiecickii, T. viride và Truncatella angustata chỉ được tìm thấy ở những cây lâu đời nhất. Phân tích nhóm DNA (metagenomics) được chiết xuất từ các mẫu tuổi khác nhau cho thấy, ở cấp độ lớp, phần lớn các loại nấm có trình tự tương đồng cao nhất thuộc lớp Sordariomycetes, tiếp theo là Eurotiomycetes và Saccharomycetes. Những kết quả này hầu hết phù hợp với những gì chúng tôi thu được bằng phương pháp nuôi cấy. Sự đa dạng và phong phú của nấm cũng thay đổi theo thời gian. Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự đa dạng của nấm trong thân rễ của P. polyphylla var. yunnanensis bị thay đổi ở các tuổi cây và những phát hiện của chúng tôi cung cấp nền tảng cho việc kiểm tra các hợp chất hữu ích trong tương lai.
Đinh Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Thúy
BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ ĐỐM LÁ GÂY RA BỞI ALTERNARIA ALTERNATA TRÊN PARIS POLYPHYLLA VAR. CHINENSIS Ở TRUNG QUỐC
Rongtao Fu và cs.
Joural of Pathology, 2019, 167 (I7-8): 440-444
Paris polyphylla Smith var. chinensis (Franch.) Hara (họ Liliaceae) là một cây thuốc lâu năm, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Quảng Châu ở phía tây nam Trung Quốc. Ở Trung Quốc, thân rễ của P. polyphylla, được gọi là Chong-lou, được sử dụng trong nhiều phương thuốc y học cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc (TCM) như: “Baiyao Vân Nam”, “Viên nang Gongxuening” (Lee et al. 2005). Trong những năm gần đây, P. polyphylla đã được trồng ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Vào tháng 4 năm 2017, một bệnh đốm lá mới đã được quan sát trên ruộng sản xuất ở huyện Mân Xuyên (30 ° 45 đến 31 ° 43 N; 102 ° 51 đến 103 ° 44 ′ E), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chín mươi cây đã được quan sát và hơn 30% số cây này bị nhiễm bệnh. Triệu chứng đầu tiên thường là các vết đốm màu nâu, đường kính 0,5 đến 3 mm, dần dần chuyển sang màu đen, được bao quanh bởi một quầng sáng màu vàng. Các vết bệnh thường bắt đầu ở mặt trên của lá già, ở rìa và chóp lá. Cuối cùng, các tổn thương cũng ảnh hưởng đến gân lá và cuống lá. Các mô có triệu chứng điển hình được khử trùng bề mặt 45 giây trong ethanol 75% và rửa ba lần trong dung dịch nước cất vô trùng và để làm khô trong không khí. Sau đó, mẫu cấy được đặt trên môi trường khoai tây, đường sucrose, thạch (PSA) để phân lập và nuôi ở 25 ° C trong bóng tối. Sau 4 ngày, sợi nấm mọc lên từ các mẫu cấyđược cấy chuyển trên môi trường PSA. Đã phân lập được sáu mẫu nấm của cùng một loài. Hình thái của nấm lúc đầu có màu nâu nhạt trên PSA và dần dần chuyển sang màu nâu sẫm. Mười hai ngày sau, một số lượng lớn bào tử phân sinh (Codinia) được hình thành trên môi trường. Bào tử có màu nâu, hình trứng ngược, hình trái lê ngược, hình trứng hoặc hình elip, thường có mỏ ngắn và dài 14,6 đến 47 μm và rộng 5,9 đến 18 μm. Conidia có một đến bảy vách ngăn ngang và từ 0 đến 3 vách ngăn dọc. Dựa trên các đặc điểm hình thái của nó, loại nấm này được xác định là Alternaria spp (Woudenberg et al. 2013). DNA được tách ra từ hai phân lập đại diện, khuếch đại bằng PCR và giải trình tự ba vùng gen từ vùng đệm phiên mã DNA nội bào (ITS), nấm gây nhiễm Alternaria (Alta1) và gen phiên mã RNA polymerase II (RBP2) Carbone và Kohn (1999). Các trình tự nucleotide của hai mẫu đại diện đã được gửi vào GenBank (việc gia nhập MG199091 cho ITS, MG199093 cho Alta1 và MG199094 cho RBP2). BLAST trong ba trình tự cho thấy 100% giống với mẫu Po2C (KY883349), các chủng QK14091823 (KT315515) và MFLUCC 16-0595 (KX938348) tương ứng với A. alternata. Đểlây bệnh nhân tạo, các cây Chong-lou (Bảy lá một hoa) khỏe mạnh 3 năm tuổi đã được phun một hỗn hợp dung dịch với tỷ lệ 1 × 105 bào tử / ml. Cây dùng làm đối chứng được phun với nước vô trùng. Tất cả các cây được cách ly riêng bằng túi nhựa trong 48 giờ để duy trì độ ẩm và được đặt trong nhà kính ở 25°C. Ba chậu (hai cây mỗi chậu) đã được sử dụng cho mỗi công thức. Các triệu chứng điển hình đã được quan sát thấy trên tất cả các công thức sau 7 ngày, trong khi cây đối chứng vẫn khỏe mạnh. Thử nghiệm lây bệnh được thực hiện hai lần. A. alternata đã được phân lập lại từ các lá có biểu hiện triệu chứng bệnh, xác nhận tuân theo quy tắc Koch. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về sự gây hại của A. alternata trên P. polyphylla ở Trung Quốc và các nơi khác.
MÔ HÌNH DỰ BÁO PHÂN BỐ CỦA CÂY THUỐC BỊ KHAI THÁC QUÁ MỨC PARIS POLYPHYLLA TẠI NAGALAND, ẤN ĐỘ VÀ GIỚI THIỆU VỀ MỘT MÔ HÌNH MỚI (MÔ HÌNH KHẢM)
DEB và cs.
International Journal of Conservation Science, 2018,9 (3):565-576
Paris polyphylla Smith là một loại thảo dược lâu năm, được khai thác quá mức làm thuốc và các hoạt động nhân tạo khác như phương pháp canh tác truyền thống của Slash và Burn' (Jhuming) đã làm giảm phần lớn môi trường sống của nó. Vì vậy, cần thiết phải mô tả môi trường sống tiềm năng của nó; điều này được thực hiện trên mô hình phù hợp với khí hậu. Mô hình được phát triển sử dụng 12 điểm hiện diện. Nhiệt độ của quý lạnh nhất và lượng mưa của quý ấm nhất đóng vai trò là yếu tố quyết định quan trọng trong quá trình phát triển của mô hình, các biến khí hậu này tương ứng với điều kiện khí hậu ở các khu vực dự đoán cần thiết cho sinh trưởng của hạt. Khảo sát hiện trạng được thực hiện nhằm xác định các khu vực và cây trồng được dự đoán cao cũng như đưa ra các các khu vực được dự đoán là phù hợp và không phù hợp để xác nhận tính hữu dụng của mô hình. Mô hình cũng đánh giá với một thí nghiệm về sự nảy mầm của hạt bằng cách phân tầng nhiệt độ. Nghiên cứu đưa ra một cách tiếp cận khác nhau về xác nhận mô hình môi trường sống bên cạnh ý nghĩa thống kê bằng cách quan sát phản ứng của thực vật được giới thiệu ở các khu vực dự đoán phù hợp và không phù hợp cũng như phù hợp với sinh lý thực vật và ảnh hưởng của các biến khí hậu đối với nó. Công trình này giới thiệu một mô hình khái niệm mới có tên 'Mô hình khảm' cho những loài nhạy cảm với các điều kiện khí hậu khác nhau. Trong mô hình khái niệm này, một khu vực lớn có thể được phân chia thành các khu vực nhỏ tùy thuộc vào các điều kiện khí hậu khác nhau. Mô hình nhỏ có thể được chuẩn bị cho từng khu vực, sau đó ghép các mô hình nhỏ này thành một mô hình (mô hình khảm). Mô hình này sẽ có thể dự đoán sự phân bố của một loài phát triển trong điều kiện môi trường đa dạng.
XÁC ĐỊNH ALTERNARIA TENUISSIMA GÂY RA ĐỐM LÁ NÂU TRÊN PARIS POLYPHYLLA VAR. CHINENSIS Ở TRUNG QUỐC
Fu Rongtao và cs.
Phytopathologische Zeitschrift 2019 ,167 (7-8):440-444
Bệnh đốm nâu nghiêm trọng đã được quan sát trên Paris polyphylla var. chinensis ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào năm 2017 và 2018. Các triệu chứng ban đầu là nhiều đốm nhỏ màu nâu nhạt với các trung tâm hoại tử, hình tròn hoặc không đều, trở thành màu nâu sẫm, mở rộng dần và cuối cùng đông lại, gây ra sự già nua của lá. Một loại nấm được phân lập từ lá bệnh cho thấy các triệu chứng điển hình của đốm lá nâu. Các phân lập được nuôi cấy trên môi trường thạch sucrose và đặc điểm hình thái của mầm bệnh này được quan sát dưới kính hiển vi quang học. Kết quả lây bệnh nhân tạo cho thấy nấm Alternaria tenuissima chính là tác nhân gây bệnh. Các phân tích phân tử về trình tự DNA ribosome ITS, translation elongation factor 1‐alpha (TEF) và RNA polymerase II (RBP2) đã được tiến hành để xác nhận kết quả định danh. Cây phát sinh đa gen chỉ ra rằng tác nhân gây bệnh là Alternaria tenuissima. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về A. tenuissima gây bệnh đốm lá nâu trên P. polyphylla var. chinensis ở Trung Quốc
PHÂN TÍCH HỆ PHIÊN MÃ ĐẶC TRƯNG CHO CON ĐƯỜNG SINH TỔNG HỢP SAPONIN STEROID CỦA PARIS POLYPHYLLA VAR. CHINENSIS, YPSILANDRA THIBETICA VÀ POLYGONATUM KINGIANUM
Yang và cs.
Fitoterapia, 135: 52-63, 2019
Saponin steroid, một trong những nhóm sản phẩm thiên nhiên có nguồn gốc thực vật đa dạng nhất, tác động tới các hoạt động sinh học và dược lý; tuy nhiên, các gen liên quan đến sinh tổng hợp của chúng và con đường sinh tổng hợp tương ứng trong cây một lá mầm vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu này nhằm xác định các gen liên quan đến sinh tổng hợp saponin steroid bằng cách thực hiện phân tích so sánh giữa các bản phiên mã của Paris polyphylla var. chinensis (PPC), Ypsilandra thibetica (YT) và Polygonatum kingianum (PK). Lắp ráp De novo hệ phiên mã đã tạo ra 57,537, 140,420 và 151,773 unigene từ PPC, YT và PK, tương ứng, trong đó 56,54, 47,81 và 44,30% được chú thích thành công. Trong số hệ phiên mã từ PPC, YT và PK, chúng tôi đã xác định 194, 169 và 131; 17, 14 và 26; và, 80, 122 và 113 unigenes tương ứng với sinh tổng hợp cấu trúc terpenoid; sinh tổng hợp sesquiterpenoid và triterpenoid; và, con đường sinh tổng hợp steroid, tương ứng. Những gen này có liên quan chính đến quá trình sinh tổng hợp cholesterol là tiền chất chính của saponin steroid. Các phân tích phát sinh loài chỉ ra rằng enzyme lanosterol synthase có thể là được chọn lọc cho các loài thực vật hai lá mầm, và các unigene cytochrom P450 có liên quan chặt chẽ với các cụm CYP90B1 và CYP734A1, đó là UDP-glycosyltransferase. Do đó, các unignen của β-glucosidase có thể là gen xúc tác điều chỉnh thời kỳ sau của cấu trúc saponin steroid. Dữ liệu của chúng tôi cung cấp bằng chứng để hỗ trợ cho giả thuyết rằng cây một lá mầm sinh tổng hợp saponin steroid từ cholesterol thông qua con đường cycloartenol.
PHÂN TÍCH MỐI TƯƠNG QUAN VỀ CHẤT LƯỢNG, NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM KIỂU HÌNH CỦA PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNAMENSIS
Wang Q và cs.
China Journal of Chinese Materia Medica, 44(15):3203-3212, 2019
Để hướng dẫn bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên, kiểm soát chất lượng và nhân giống các giống cải tiến, chúng tôi đã so sánh các đặc điểm kiểu hình chính và chất lượng của Paris polyphylla var yunnanensis được trồng và P. yunnanensis hoang dại thu thập từ các khu vực sản xuất khác nhau. Bảy ký tự kiểu hình của 33 mẫu P. polyphylla var. yunnanensis thu thập từ Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên được xác định bằng các phương pháp thông thường, và phân tích thành phần chính và phân tích cụm được sử dụng để phân tích sự đa dạng của các mẫu. Hàm lượng parissaponin (polyphyllin, Ⅱ, Ⅵ, Ⅶ) của các mẫu được phát hiện bằng HPLC và được phân tích bằng phân tích cụm. Phân tích tương quan của các đặc điểm kiểu hình và hàm lượng parissaponin đã được thực hiện. Có sự khác biệt đáng kể về bảy đặc điểm kiểu hình giữa các mẫu P. polyphylla var hoang dại và trồng trọt từ các môi trường sống khác nhau, với sự đa dạng kiểu hình cao và biến thể di truyền phong phú. Kết quả phân tích thành phần chính cho thấy chỉ số hình dạng lá là yếu tố chính của biến đổi hình thái của P. polyphylla var. yunnamensis. Phân tích cụm cho thấy không thể hoàn toàn dựa vào cácđặc điểm kiểu hình của P. polyphylla var. yunnanensis để phân biệt. Hàm lượng saponin trong các mẫu hoang dã và trồng từ các môi trường sống khác nhau là khá khác nhau. Hàm lượng saponin của 93. 94% mẫu đáp ứng tiêu chuẩn Dược điển Trung Quốc 2015, và chất lượng tổng thể tương đối ổn định. Kết quả kiểm tra mẫu độc lập cho thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể về tất cả các thành phần hoạt chất giữa mẫu hoang dại và mẫu trồng và không thể sử dụng chỉ thị này để phân biệt giữa mẫu hoang dại và mẫu trồng, giống như kết quả phân tích cụm. Kết quả phân tích tương quan cho thấy các đặc điểm kiểu hình của P. polyphylla var. yunnanensis tương quan với chất lượng thuốc và tổng hàm lượng saponin tỷ lệ thuận với chiều dài lá và chỉ số hình dạng lá (r = 0. 389,0. 441; P <0. 05). Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên thích hợp cho sự phát triển của P. polyphylla var. yunnamensisvà dược liệu P. polyphylla var. yunnanensis có thể được sử dụng như dược liệu thu hoạch tự nhiên hoàn toàn. Các kết quả cung cấp bằng chứngcho việc bảo vệ và chọn giống P. polyphylla var. yunnamensis.
Trần Thị Trang
PHÂN TÍCH TRÌNH TỰ TOÀN BỘ HỆ GEN CỦA VIRUS PARIS 1: THÀNH VIÊN CỦA CHI POTYVIRUS LÂY NHIỄM CHO PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS
Lu chen và cs.
Archives of Virology, 2020, 165: 985–988
Trình tự bộ gen hoàn chỉnh của một loại vi rút potyvirus mới, có tên dự kiến là virus Paris 1 (ParV1, GenBank mã số MN549985), lây nhiễm Paris polyphylla var. yunnanensis được xác định trong nghiên cứu này. Một khung đọc lớn duy nhất (nt 96-9818) mã hóa một polyprotein 3240 aa được dự đoán sẽ phân cắt thành 10 protein trưởng thành đã được phát hiện trong bộ gen ParV1. Phân tích so sánh trình tự bộ gen ParV1 với các loại potyvirus khác đã xác định chín vị trí phân cắt và các chi tiết được bảo tồn là những đặc điểm điển hình của potyvirus. So sánh trình tự theo cặp cho thấy rằng polyprotein ParV1 chia sẻ 49,6-65,1% nucleotide và 47,1-68,9% nhận dạng trình tự axit amin với virus thuộc chi Potyvirus. Phân tích BLAST cho thấy ParV1 chia sẻ 65,1% nucleotide và 68,9% nhận dạng trình tự axit amin với virus khảm Thunberg fritillary (TFMV, mã số CAI59123), họ hàng gần nhất của nó. Những kết quả này cho thấy virus paris 1 (ParV1) là thành viên mới của chi Potyvirus.
CÁC YẾU TỐ BIỂU SINH THAY ĐỔI TRONG BAO PHẤN BỊ MẤT TƯƠNG QUAN VỚI NGỦ ĐÔNG HẠT GIỐNG Ở PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS
Xia cheng và cs.
Agricultural Sciences 2019, 10 (12): 1517-1533
Paris polyphylla var. yunnanensis (Franch.), một trong những cây thuốc được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc, có một bao phấn tự nhiên hoạt động trong quá trình thụ phấn, tuy nhiên, bao phấn tự nhiên luôn đóng để thích ứng với bóng tối mỗi ngày và tưới nước hoặc mưa. Để khám phá việc thường xuyên đóng và đặc điểm sinh lý không rõ ràng của nó, trình tự thế hệ tiếp theo đã được thực hiện, và bản phiên mã đã được lắp ráp. Giải trình tự RNA được thực hiện trong 15 mẫu bao gồm bảy mẫu mở, bốn mẫu kín do bóng tối hoặc tưới nước, và các mẫu mô (lá, cánh hoa, đài hoa và nhụy) được sử dụng để đối chứng. Chúng tôi đã thu được 72,75 GB dữ liệu, được tập hợp thành 79.815 mẫu bản địa. Sự khác biệt được biểu thị khác nhau (DEG) giữa các mẫu bao phấn mở và đóng là 6231 và DEG giữa mẫu bao phấn và mẫu đối chứng là 2831. So sánh giữa hai DEG bằng cách làm giàu KEGG cho thấy con đường truyền tín hiệu hoocmon thực vật này là con đường quan trọng nhất đối với DEG đóng bao phấn so với bao phấn mở và mô hình biểu hiện của DEG trong quá trình này có thể gợi ra sự thay đổi trong quá trình nảy mầm và ngủ nghỉ của hạt. Kiểm tra thêm về hoạt động của đường dẫn tín hiệu đối với sinh lý học cho thấy chức năng gắn kết chromatin của NST là nổi bật trong chức năng gắn kết DNA của các DEG được chú thích giữa các bao phấn mở và đóng kín của 215 nhiễm sắc thể liên kết với nhiễm sắc thể, 120 có liên quan đến im lặng biểu sinh, và 50 trong số những mẫu bản địa biểu sinh có liên quan trực tiếp đến sự nảy mầm hoặc ngủ nghỉ của hạt, liên quan chặt chẽ đến việc đóng bao phấn để điều chỉnh biểu sinh và ngủ đông hạt giống. Những kết quả này đã được xác minh rằng ít nhất ba chất bổ trợ liên quan đến ngủ đông hạt giống cho thấy các kiểu biểu hiện giống nhau xảy ra trong bao phấn và phôi hạt bất thường ở Paris polyphylla var. yun namensis. Tóm lại, thông tin từ phiên mã chỉ ra rằng việc đóng bao phấn bất thường thường xuyên có thể chuyển tác động đến ngủ đông hạt giống, và sửa đổi biểu sinh xảy ra khi đóng cửa có thể là nguyên nhân.
ĐA DẠNG VI KHUẨN TRONG RỄ, THÂN VÀ LÁ CỦA CÂY THUỐC TRUNG QUỐC PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNAMENSIS
Tian Hao Luu và cs.
Polish Journal of Microbiology 69 (1): 91–97, 2020
Rễ của Paris polyphylla var. yunnanensis, một loại thảo mộc truyền thống nổi tiếng và có nguy cơ tuyệt chủng của Trung Quốc, có giá trị y học đáng kể. Mục đích của nghiên cứu này là phân tích thành phần và đặc điểm chức năng của vi khuẩn nội sinh trong rễ, thân và lá của P. polyphylla var. yunnamensis. Trình tự gen 16S rRNA và dự đoán chức năng của các vi khuẩn nội sinh trong rễ, thân và lá của P. polyphylla var. yunnanensis đã được tiến hành. Chỉ số Chao và Shannon của vi khuẩn trong rễ cao hơn đáng kể so với chỉ số trong thân và lá. Các vi khuẩn nội sinh chiếm ưu thế là Cyanobacteria, Proteobacteria, Bacteroidetes, Firmicutes và Actinobacteria. Các chi chính được phát hiện trong rễ là Cyanobacteria, Rhizobium, Flavobacterium và Sphingobium; các chi chính trong thân cây là Cyanobacteria, Bacillus và Pseudomonas; các chi chính trong lá là Cyanobacteria và Rhizobium. Các microbiota trong rễ được làm phong phú đặc biệt trong các loại chức năng Cấu trúc ngoại bào của chúng và so với cytoskeleton trực tiếp so với thân cây và lá (p <0,05). Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các đặc điểm cấu trúc và chức năng của vi khuẩn nội sinh ở rễ, thân và lá của P. polyphylla var. yunnanensis, hỗ trợ cho sự hiểu biết khoa học về loại cây này.
SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT VÀ NUÔI CẤY MÔ CÂY BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA SMITH)
Huang Zong-hua và cs.
Journal of Anhui Agricultural Sciences, 2016-27
Mục tiêu: Để nghiên cứu tối ưu nồng độ GA3 và tối ưu hóa môi trường nuôi cấy cho sự nảy mầm hạt bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith).
Phương pháp: Hạt bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith) được xử lý với các nồng độ GA3 khác nhau. Nồng độ GA3 tối ưu để kích thích hạt nảy mầm nhanh và cho tỷ lệ nảy mầm cao đã được nghiên cứu. Sau đó các hạt có rễ mầm dài 3-4 cm được đem trồng trên đất. Trong điều kiện chiếu sáng và nuôi trồng tự nhiên, sự phát triển của lá đầu tiên đã được quan sát, theo dõi. Cảm ứng hình thành callus từ hạt bởi các nồng độ 6-BA khác nhau.
Kết quả: Xử lý GA3 nồng độ 150 mg/l cho tỷ lệ hạt nảy mầm cao nhất. Môi trường tối ưu cảm ứng tạo callus với mẫu hạt là ½ MS + 0,1 mg/l 6-BA + 0,5 mg/l NAA.
Kết luận: Đây là phương pháp cho hiệu quả nảy mầm nhanh của cây bảy lá một hoa (P. polyphylla)
Nguyễn Thị Xuyên
TÁI SINH CÂY BẢY LÁ MỘT HÓA (PARIS POLYPHYLLA SM.) THÔNG QUA NUÔI CẤY LỚP MỎNG TẾ BÀO
VÀ TĂNG HÀM LƯỢNG SAPONIN STEROID TRONG NUÔI CẤY THÂN RỄ NHỎ BẰNG CÁCH SỬ DỤNG CÁC CHẤT KÍCH THÍCH SINH TRƯỞNG ELICITOR
Raoma và cs.
Plant Growth Regulation (2015) 75: 341 - 353
Một phương pháp tái sinh hiệu quả cho cây dược liệu, Paris polyphylla Sm. được phát triển thông qua việc hình thành các đoạn thân rễ nhỏ (MRs) bằng cách sử dụng kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng tế bào (tTCL). MR được tạo ra từ nuôi cấy mô tTCL có nguồn gốc từ các phần gốc và phần giữa trong khi phần đỉnh không thể hiện bất kỳ loại phản ứng nào. Tỷ lệ đáp ứng cao nhất (86,6%) của sự hình thành MR với trọng lượng tươi tối đa (1,05 ± 0,08 g) đã đạt được trên môi trường nền ½ MS được bổ sung 0,5ml BAP. Các MR tạo chồi và được chuyển sang môi trường không có chất điều hòa sinh trưởng để tái sinh thành cây con và cây con khi đưa ra điều kiện nhà kính đã đạt tỷ lệ sống 95% khi được chuyển sang môi trường không có chất điều hòa sinh trưởng đã tạo ra các chồi cuối cùng được tái sinh thành cây con và được thích nghi thành công với tỷ lệ sống hơn 95% trong điều kiện nhà kính. Định lượng hoạt chất thông qua HPLC pha đảo ngược cho thấy hàm lượng saponin tổng số cao gấp 1,41 lần trong MR được nuôi cấy trên môi trường bổ sung 0,5 mg/l BAP so với thân rễ được phát triển tự nhiên. Ứng dụng nuôi cấy trên môi trường lỏng MRs với chitosan, axit salicyclic (SA) và chiết xuất nấm men đã tăng cường sản xuất saponin steroid nhưng dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng. Hàm lượng saponin tổng số cao nhất (87,66 ± 1,66 mg / g DW) đã đạt được trong nuôi cấy được xử lý bằng SA ở mức 50 mg / l sau 30 ngày nuôi cấy, cao hơn 3,6 lần so với thân rễ in vivo. Các phương pháp được phát triển sẽ tạo điều kiện cho việc bảo tồn cây thuốc quý này và có thể được sử dụng như một nguồn dự trữ sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp dược phẩm để sản xuất saponin steroid.
Dương Thị Ngọc Anh
NGHIÊN CỨU ĐA DẠNG DI TRUYỀN CỦA QUẦN THỂ PARIS POLYPHYLLA TỪ VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Hoang Tan Quang và cs.
Plant Cell Biotechnology and Molecular Biology, 2016,17(1&2):57-63
Chúng tôi đã nghiên cứu đa dạng di truyền của 55 mẫu cây dược liệu Paris polyphylla có giá trị từ các vùng sinh thái khác nhau (Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Lào Cai (Việt Nam) và Cát Lâm (Trung Quốc)) bằng kỹ thuật RAPD. Chúng tôi đã thu được tổng cộng 125 băng đa hình DNA, trung bình 15,63 băng đa hình mỗi mồi được sử dụng. Bộ khuếch đại mỗi mồi thay đổi 9 - 23 băng và kích thước của chúng dao động trong khoảng từ 257 đến 2.448 bp. Trong bốn vùng, Thừa Thiên Huế có mức độ đa dạng di truyền cao nhất (Ho = 0,351) trong khi Lào Cai là thấp nhất (Ho = 0,198). Mức độ khác biệt di truyền giữa các quần thể là cao (Gst = 0,301). Các giá trị hệ số tương đồng Jaccard là từ 0,021 đến 0,910 với giá trị trung bình là 0,302. Cây phân loại được chia thành 4 nhóm chính. Nhóm một là quần thể Thừa Thiên Huế với hệ số tương đồng di truyền xấp xỉ là 0,42 và nhóm II chứa quần thể từ Vĩnh Phúc, nhóm III bao gồm quần thể từ Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Cát Lâm, trong khi nhóm IV liên quan đến quần thể từ Thừa Thiên Huế và Cát Lâm. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng mối quan hệ di truyền và mức độ đa dạng của P. polyphylla là rất cao.
Hoàng Thị Như Nụ
XÁC ĐỊNH CÁC NGUYÊN TỐ VÔ CƠ TRONG THÂN RỄ PARIS POLYPHYLLA SMITH VAR. CHINENSIS (FRANCH.) HARA BẰNG PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ NGUỒN PLASMA CẢM ỨNG CAO TẦN KẾT NỐI KHỐI PHỔ
Tiezhu Chen et al
J Anal Methods Chem, 2019 Jun 92019.4946192
Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra nồng độ các nguyên tố vô cơ trong thân rễ của Paris polyphylla Smith var. chinensis (Franch.) Hara với các tuổi cây và điều kiện canh tác khác nhau. Hai mươi lăm nguyên tố vô cơ bao gồm Al, As, B, Ba, Be, Bi, Ca, Cd, Co, Cr, Cu, Fe, K, Li, Mg, Mn, Na, Ni, P, Pb, Se, Sr, Ti, V và Zn trong thân rễ được xác định bằng cách sử dụng phương pháp quang phổ nguồn plasma cảm ứng cao tần kết nối khối phổ. (ICP-MS). Phương pháp phân tích được xác thực bằng cách đo một số tham số bao gồm tuyến tính, hệ số tương quan, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ) và thu hồi. Ba phạm vi làm việc tuyến tính: 0-300 μ g / L, 0-500 μ g / L, và 0-1000 μg / L và các giá trị hệ số tương quan ( r ) cao hơn 0,998. LOD dao động từ 0,001 μ g / L (Be) để 11,957 μ g / L (P), và LOQ dao động từ 0,003 μ g / L (Be) để 35,870 μ g / L (P). Việc phục hồi kéo dài từ 95,2 (Co) đến 105,3% (Pb). Các tham số xác nhận cho thấy khả năng sử dụng toàn bộ các quy trình chuẩn bị mẫu được sử dụng trong nghiên cứu này. Dựa trên các kết quả được xác định, chỉ ra rằng các yếu tố độc hại As, Cd và Pb không có nguy cơ hấp thu phải. Tuổi cây và điều kiện canh tác có ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ của các nguyên tố vô cơ của P. polyphylla var. chinensis. Nồng độ các nguyên tố vô cơ trong các mẫu dược liệu trồngkhác với nồng độ trong các mẫu hoang dại. Kết quả có thể cung cấp cơ sở lý luận hữu ích cho việc kiểm soát chất lượng và sử dụng hợp lý P. polyphylla var. chinensis .
Nguyễn Thị Thúy
ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN TẦNG NHIỆT ĐỘ THẤP VÀ ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG NẢY MẦM CỦA HẠT PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS
Ligang Zhou và cs.
J Anhui Agric Sci 45:129–130, 2017
Những hạt giống của Paris polyphylla var. yunnanensis ngủ sâu, và chúng không hoạt động trong 18 tháng hoặc lâu hơn trong môi trường tự nhiên của chúng. Sự tiếp xúc định kỳ của hạt với nhiệt độ thấp 4°C đã phá vỡ tình trạng ngủ đông trong khoảng 16 tuần (112 ngày). Sơ đồ phân tầng nhiệt độ hiệu quả nhất là khoảng thời gian 14 ngày ở 4°C và 14 ngày ở 22°C. Cả GA3 và ethephon đều tăng cường đáng kể tỷ lệ nảy mầm trong quá trình xử lý phân tầng. Vỏ hạt, đặc biệt là lớp vỏ ngoài ức chế mạnh sự nảy mầm. Với việc loại bỏ vỏ hạt và phơi nhiễm hạt không bọc tới 600 mg / l GA3 trong 48 giờ trước khi phân tầng nhiệt độ 14 ngày ở 4°C và 14 ngày ở 22°C trong 112 ngày, tỷ lệ nảy mầm cao tới 95,3 % đã đạt được trong khoảng 160 ngày.
PARIS QILIANGIANA (MELANTHIACEAE), MỘT LOÀI MỚI TỪ HỒ BẮC, TRUNG QUỐC
Jun Yang và cs.
Phytotaxa 2017; 329 (2): 193-196
Paris Linnaeus (1753 : 367) gồm 28 loài thường là cây thân thảo lâu năm, phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á. Một số loài được biết đến với tên Trọng lâu ở Trung Quốc và được sử dụng trong nền y học cổ truyền ; thân rễ được sử dụng như thuốc giảm đau, cầm máu, phòng ngừa ung thư, chống viêm. Chi này trước đây được xếp trong họ Liliaceae hoặc Trilliaceae với hai chi chính là Trillium và Paris. Chi Paris đã được sắp xếp lại vào họ Melanthiaceae dựa vào hệ thống phát sinh chủng loại (Ji et al. 2006), APG IV 2016, Kim et al. 2016). Tháng 5/2017, trong quá trình điều tra quanh núi Daba đã tìm thấy một loài Paris với đặc điểm lá đài xiên, tuyến tính, cánh hoa dựng đứng, số lá đài, cánh hoa, nhụy, nhị trên 2 vòng (2 lần số lá đài), phần tự do dài 0.1 – 0.2 cm, vàng xanh hoặc tía, phần xung quanh đỉnh và gốc vòi nhụy luôn trắng đôi khi xanh xám đến đỏ tía. Những đặc điểm khác với các loài đã được biết trong chi này sau khi đã kiểm tra cẩn thận các tiêu bản từ KUN và nguồn tài liệu chính thức (Li 1984, 1998; Zomlefer 1997; Ji và cs 2006, 2017; Li và cs 2017; Wang và cs 2017). Chúng tôi kết luận không có những đặc điểm hình thái giống với những loài đã được biết đến. Chúng tôi nhận định đây là một loài thực vật mới.
Lại Việt Hưng
MỘT LOÀI MỚI CỦA CHI PARIS, PHÂN CHI AXIPARIS (MELANTHIACEAE) TỪ TỈNH VÂN NAM, TRUNG QUỐC
Yunheng Ji và cs.
Phytotaxa, 2017 306(3): 234-236
Chi Paris Linnaeus (1573: 367) với khoảng 27 loài là những cây thân thảo lâu năm phân bố ở vùng Eurasia ((Li 1998, Ji et al. 2007). Phân bố nhiều nhất ở vùng Đông Á trong đó có Trung Quốc (19 loài) với cao nguyên Guizhou tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam của Trung Quốc là trung tâm đa dạng của các loài này. (Li 1998). Paris được biết đến là cây thuốc có giá trị của Trung Quốc. Thân rễ của nhiều loài được sử dụng như thảo dược hơn 2.000 năm qua ở Trung Quốc với tác dụng giảm đau, cầm máu, chống u nhọt, và chống viêm (Long và cs 2003). Có hơn 40 dược phẩm thương mại và chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc được phát triển từ nguồn nguyên liệu của chi Paris (Li và cs. 2015). Phân chi Axiparis Li (1984: 359) là nhóm duy nhất trong chi có thân rễ mập, bầu từ 4 – 7 ô, noãn đính trụ, quả mọng không chẻ. Phân tích phát sinh loài trên gen ITS trong nhân và trnL-F, psbA-trnH trong lục lạp đã khẳng định phân chi này là một nguồn gốc riêng (Ji và cs. 2006). Trong quá trình khảo sát tại Tengchong, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc năm 2015, đã phát hiện một quần thể khác thường với các đặc điểm hình thái đặc biệt. Sau khi nghiên cứu với các mẫu tiêu bản tại các phòng tiêu bản CDBI, E, IBSC, KUN, K, LE, PE, SM, SYS, SZ và so sánh với các bản mô tả và khóa định loại của Hara (1969), Takhtajan (1983), Li (1998), Mitchell (1987, 1988), Liang & Soukup (2000) và Ji cùng cộng sự (2007), nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng nhóm này là một loài mới đối với khoa học với những đặc điểm được cung cấp và mô tả chính thức.
HOÀN THIÊN TRÌNH TỰ GEN LỤC LẠP CỦA CÂY THUỐC PARIS POLYPHYLLA (MELANTHIACEAE)
Fei-Ya Zhao và cs.
Mitochondrial DNA Part B, 2019, vol 4, No. 2: 3971 – 3972
Paris polyphylla là cây thuốc thông dụng được sử dụng ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Trong nghiên cứu này chúng tôi đã giải trình tự hoàn chỉnh hệ gen lục lạp của loài P. polyphylla để nghiên cứu mối quan hệ phát sinh trong chi Paris. Hệ gen lục lạp của P. polyphylla có chiều dài 163,533 bp với 37.1% G-C bao gồm một vùng bán sao đơn lớn (LSC) chứa 84,272 bp; một vùng bản sao đơn nhỏ (SSC) chứa 12,899 bp và một vùng sao chép (IRs) chứa 33.181 bp. Hệ gen bao gồm 114 gen, bao gồm 79 gen mã hóa protein, 30 gen tARN và 4 gen rARN. Phân tích sự phát sinh cho thấy P. polyphylla có mối quan hệ với P. mamorata
BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA PARIS POLYPHYLLA VAR. CHINENSIS , MỘT LOÀI THẢO DƯỢC ĐẶC HỮU TỪ TRUNG QUỐC
Junsheng Liang và cs.
Jounal Mitochondrial DNA 4(2): 3888-3889, 2019
Paris polyphylla var. chinensis là một loài thực vật có hoa thuộc họ Hành phân bố rộng rãi ở 12 tỉnh của Trung Quốc. Nó đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Bộ gen của lục lạp (cp) của P. polyphylla var. chinensis, được giải trình tự dựa trên nền tảng thế hệ tiếp theo (NEOSAT), có kích thước 164.429 bp. Bộ gen cp mã hóa 133 gen, bao gồm 8 gen rRNA, 87 gen mã hóa protein (PCGs) và 38 gen tRNA. Phân tích mối quan hệ phát sinh gen dựa trên trình tự bộ gen cp hoàn chỉnh cho thấy P. polyphylla var. chinensis liên quan nhiều nhất đến Daiswa forrestii.
Đặng Minh Tú, Nguyễn Thị Thuý
HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ HÀM LƯỢNG POLYPHENOL ĐỐI VỚI CÂY BẢY LÁ MỘT HOA (PARIS POLYPHYLLA SM) TRIỂN VỌNG TRONG BẢO TỒN NGUYÊN VỊ
Warepam Jesmi Devi và cs.
International Journal of Current Microbiology and Applied Sciences
ISSN: 2319-7706 Volume 7 Number 05 (2018)
Ung thư đang là gánh nặng y tế cộng đồng lớn ở các nước phát triển và đang phát triển. Hoạt chất nguồn gốc từ thực vật đã và đang được sử dụng để điều trị ung thư. Các loại cây thảo dược được sử dụng trong y học truyền thống dân gian trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ. Các khu vực Đông Bắc của Ấn Độ được coi là một trong những vùng có sự đa dạng sinh học lớn. Paris polyphylla Smith là một trong những cây thuốc bản địa vùng Manipur đã được sử dụng làm thuốc trong nhiều năm. Rễ khô loài Paris polyphylla làm tăng tốc độ chiết xuất khi sử dụng rượu ethanol và tinh dầu. Hoạt tính chống oxy hóa bằng DPPH (1,1- diphenyl- 2picrylhydrazyl) cho thấy 68μg/ml chiết xuất bằng ethanol với hàm lượng phenol tổng số của thuốc thử Folin Ciocalteu cho thấy có sự xuất hiện chất chống oxy hóa với tổng nồng độ phenol là 0,68mg/g catechol 0,47mg/g catechol với chiết xuất bằng ethanol, cũng như trong tinh dầu tương ứng. Để tăng số lượng loài Paris polyphylla, việc nuôi cấy mô nhân tạo từ thân rễ đã được tiến hành trên môi trường Murashige và Skoog (MS) trung tính được bổ sung 20,0 g/l sucrose, 8,0g/l agar với nồng độ 6benzylaminopurine (BAP) axit khác nhau (NAA) và Kinetin (KIN) để tìm một quy trình chuẩn cho sản xuất hàng loạt sau này. Môi trường MS trung tính+ 2mg/l BAP+ 2mg/l NAA+ 2,5g/l Than hoạt tính, cho kết quả tốt nhất trong quá trình tái sinh chồi. Phát hiện cho thấy khả năng sản xuất đồng loạt các cá thể cây giống từ phương pháp vi nhân giống in vitro quy mô lớn có thể đáp ứng nhu cầu để sản xuất nguyên liệu dược cho các công ty dược phẩm.
Đặng Quốc Tuấn
ẢNH HƯỞNG NỒNG ĐỘ CO2 TRONG TĂNG TRƯỞNG VÀ HÀM LƯỢNG SAPONIN CỦA PARIS POLYPHYLLA VAR. YUNNANENSIS.
Qi Qiang và cs.
Industrial Crops & Products, 147 (2020) 112124
Paris polyphylla var. yunnanensis là dược liệu có giá trị cao trong điều chế diosgenin và pennogenin và là một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển công nghiệp y sinh. Nỗ lực đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của chất chuyển hoá thứ cấp từ loài này đã bị cản trở bởi tốc độ tăng trưởng chậm, và hậu quả là các quần thể tự nhiên ngày càng bị đe dọa và đòi hỏi tăng sản lượng từ các vùng trồng quy mô lớn. Do đó, việc thử khả năng thích ứng của P. polyphylla trongđiều kiện môi trường nhân tạo có ý nghĩa quan trọng về sinh học và công nghiệp. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm phản ứng của hai giống P. polyphylla với CO2 có nồng độ cao. Giống WY có nguồn gốc từ môi trường khô, lạnh (miền tây Vân Nam) cho thấy hoạt động quang hợp mạnh hơn và hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học cao hơn giống CY có môi trường môi trường sống ẩm ướt và được điều chỉnh theo kiểu ấm (trung tâm Vân Nam). Ngoài ra, hàm lượng hoạt chất diosgenin của WY cũng tăng lên khi tăng nồng độ CO2 làm cho hàm lượng saponin tổng được duy trì, phù hợp với sự tăng trưởng. Các kết quả hiện tại cho thấy rằng phản ứng của các giống P. polyphylla đối với nồng độ CO2 cao có thể là do ảnh hưởng của môi trường sống tự nhiên của chúng. Quang hợp, tăng trưởng và tích lũy diosgenin trong giống WY rất nhạy cảm với nồng độ CO2 cho thấy giống WY là một loài tiềm năng cho canh tác quy mô công nghiệp trong môi trường có CO2 nồng độ cao.
Lâm Bích Thảo, Trần Thị Trang, Nguyễn Thị Thuý
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)