Tin tức

Atiso

TÌM HIỂU VỀ DANH PHÁP LOÀI ÁC TI SÔ TRỒNG Ở VIỆT NAM

Chi Cynara L. (thuộc họ Cúc - Asteraceae) có nguồn gốc từ vùng Địa trung hải với khoảng 14 loài trong đó 2 thứ trồng trọt (cultivar.) có giá trị kinh tế cao, được biết đến nhiều nhất là ‘Các đun trồng’ (cardoon) và ‘Ác ti sô cầu’ (globe artichoke). Cả 2 nhóm này vốn là những cây trồng từ rất lâu đời. ‘Các đun trồng’ được phân biệt bởi lá lớn với bẹ lá dày, ra hoa vào mùa xuân, hình thức nhân giống bằng hạt trong khi ‘Ác ti sô cầu’ lại đặc trưng bởi cụm hoa đầu lớn, ra hoa vào mùa thu và mùa xuân, hình thức nhân giống vô tính bằng nhánh. Do sự khác nhau về các tính trạng này mà ‘Các đun trồng’ được trồng chủ yếu để lấy lá và bẹ lá còn ‘Ác ti sô cầu’ lại cho lá và cụm hoa. (Sonnante et al., 2007).

Linnaeus (1753) là tác giả đầu tiên mô tả và đặt tên loài Cynara cardunculus L. để chỉ nhóm ‘Các đun’ bao gồm cả dòng/giống hoang dại và trồng. Ông cũng đồng thời mô tả và đặt tên loài Cynara scolymus L. để chỉ nhóm ‘Ác ti sô cầu’. Tác giả Fiori sau đó coi ‘Ác ti sô cầu’ chỉ là một thứ (variety) của loài Cynara cardunculus L. và đặt tên thứ là: Cynara cardunculus var. scolymus (L.) Fiori. Tương tự như vậy, Fiori cũng chuyển loài ‘Các đun hoang dại’ (wild cardoon) - Cynara sylvestris Lamk thành thứ (var.): Cynara cardunculus var. sylvestris (Lamk) Fiori.

Căn cứ vào các dẫn liệu nghiên cứu về hình thái học, phát sinh chủng loại kết hợp với các phân tích lai giống, isozyme và sinh học phân tử các tác giả Wiklund (1992), Basnizki & Zohary (1994); Rottenberg & Zohary (1996), Rottenberg et al., (1996) đều ủng hộ quan điểm của Fiori cho rằng cả 3 nhóm ‘Các đun hoang dại’, Các đun trồng’ Ác ti sô cầu’ lần lượt là 3 thứ “var. sylvestris”, “var. altilis” và “var. scolymus” của loài Cynara cardunculus L.

Wiklund (1992) dựa trên đặc điểm hình thái, vi phẫu và địa lý thực vật đã phân chia lại các nhóm trong loài Cynara cardunculus L. thành 2 dưới loài chính. Dưới loài Cynara cardunculus L. subsp. cardunculus – gồm ‘Các đun trồng’ và cả ‘Ác ti sô cầu’ (syn. Cynara cardunculus var. scolymus (L.) Fiori, C. scolymus L.). Dưới loài còn lại Cynara cardunculus L. subsp. flavescens Wiklund gồm ‘Các đun hoang dại’ và một số ‘Ác ti sô gai’ khác (artichoke thistle) thường là những cây cỏ xâm lấn. Quan điểm này được David J. Keil (2006) ủng hộ và được Greuter, W. (2011) áp dụng khi xây dựng cơ sở dữ liệu họ Cúc của khu vực Châu Âu và Địa Trung Hải.

Ở Việt Nam, theo các công trình nghiên cứu về thực vật học của Phạm Hoàng Hộ (2000) và Lê Kim Biên (2007) chi Cynara L. gồm 2 loài nhập trồng là: Cynara scolymus L. được gọi là Atisô (Ác ti xô)  và Cynara cardunculus L. được gọi là Bẹ cải (cardon). Cynara scolymus L. được ghi nhận trồng ở Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lâm Đồng để lấy hoa làm rau ăn và cả hoa, lá, thân làm thuốc còn Cynara cardunculus L. trồng ở Lào Cai và Lâm Đồng để làm cảnh (?) và lấy bẹ lá (?). Cynara scolymus L. được đặc trưng bởi cụm hoa đầu lớn, các lá bắc ở tổng bao không hình thành gai cứng; ống tràng và mào lông trên đỉnh quả ngắn hơn trong khi Cynara cardunculus L. có bẹ lá lớn hơn; cụm hoa đầu nhỏ hơn, các lá bắc tổng bao dày cứng, đỉnh nhọn tạo thành gai rắn chắc; ống tràng và mào lông trên đỉnh quả dài hơn (Phạm Hoàng Hộ, 2000; Lê Kim Biên, 2007).

Thực tế điều tra, khảo sát tại 2 vùng trồng “Ác ti sô” lớn nhất ở Việt Nam là Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) cho thấy giống “Ác ti sô” trồng ở hai vùng có đặc điểm hình thái/sinh học khác nhau. Giống “Ác ti sô” trồng ở Sa Pa có các đặc điểm tương tự ‘Các đun trồng’ (cardoon) và giống “Ác ti sô” trồng ở Đà Lạt gần với ‘Ác ti sô cầu’ (globe artichoke). Như vậy theo quan điểm phân loại đã được chấp nhận rộng rãi gần đây, có thể xác định tên khoa học của các giống Ác ti sô trồng ở Việt Nam (Lào Cai, Lâm Đồng) là Cynara cardunculus L. subsp. cardunculus.


Tuy nhiên Dược điển Việt Nam IV (2009) cũng như các tài liệu về cây thuốc khác ở Việt Nam hiện mới chỉ mô tả và đề cập tới loài Cynara scolymus L. chính là loài/thứ ‘Ác ti sô cầu’ để chỉ tất cả các “nhóm Ác ti sô trồng ở Việt Nam”.

Nguyễn Quỳnh Nga

Tài liệu tham khảo

  • Lê Kim Biên (2007). Thực vật chí Việt Nam: Tập 7: Họ Cúc – Asteraceae Dumort, tr. 537-539. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội.
  • Phạm Hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam: Quyển 3, tr. 301. Nhà xuất bản trẻ. TP HCM.
  • David J. Keil  (2006). Cynara. In: Flora of North America Editorial Committee (eds), Flora of North America: Vol. 19: Magnoliophyta: Asteridae, Part 6: Asteraceae, Part 1, pp. 579. New York and Oxford.
  • Von Raab-Straube, E. (ed.) (2011). Compositae. Euro+Med Plantbase The Euro+Med PlantBase - the information resource for Euro-Mediterranean plant diversity http://ww2.bgbm.org/EuroPlusMed/query.asp.
  • Wiklund, A. 1992. The genus Cynara L. (Asteraceae–Cardueae). Bot. J. Linn. Soc. 109: 75–123.

 

(Nguồn tin: Viện Dược Liệu)