Tin tức

Các loài tầm gửi ký sinh trên cây dâu

MỘT SỐ LOÀI TẦM GỬI KÝ SINH TRÊN CÂY DÂU

Tang ký sinh là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong nền y học cổ truyền cổ truyền của nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ và cả ở Việt Nam, Tang ký sinh được dùng chữa phong thấp, gân cốt nhức mỏi, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi đẻ không có sữa [3,4]. Dược điển Việt Nam V (2017) đã quy định, dược liệu Tang ký sinh được lấy từ loài Tầm gửi - Scurrula parasitica L. (Loranthaceae) ký sinh trên cây Dâu (Morus alba L.) [1].

Kết quả thu thập và nghiên cứu các mẫu Tầm gửi trên cây Dâu đã ghi nhận 3 loài đều thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae), gồm có: Tang ký sinh (Scurrula parasitica L.); Đại cán nam (Macrosolen cochinchinensis (Lour.) Tieghem) và Đại cán ba màu (Macrosolen tricolor (Lec.) Danser.). Trên thực tế, cả 3 loài này đang được người dân sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền. Do đó, việc phân biệt các loài này trong tự nhiên có vai trò trong việc sử dụng đúng dược liệu, đảm bảo kết quả trong điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Dựa vào các đặc điểm hình thái của lông, cách mọc lá, hình dạng lá, lá bắc, hoa và quả có thể nhận biết đặc điểm các loài này.

            Loài

 

Đặc điểm

Scurrula parasitica L.

Macrosolen cochinchinenesis (Lour.) Tieghem

Macrosolen tricolor (Lec.) Danser

 
 
 

Lông bảo vệ

Lông hình sao dày ở những bộ phận non, ít hơn ở những bộ phận trưởng thành

Không có

Không có

 

Cách mọc lá

Mọc đối

Mọc đối

Mọc đối

 

Hình dạng lá

Hình bầu dục; mỏng; kích thước 2.3 – 9.5 x 1.0 – 6.1 cm

Hình mác; dày; kích thước 4.7 – 10.4 x 2.0 – 5.1cm

Hình trứng ngược hoặc trứng thuôn; dày; kích thước 3.2 – 7.6 x 2.0 – 5.1cm

 

Lá bắc

1 lá bắc hình tam giác, có lông ở mép

2 lá bắc con đính đối nhau ở gốc bầu, lá bắc thường tròn ở đỉnh hoặc một trong hai lá bắc con có hình tam giác với màu đỏ ở đỉnh

2 lá bắc con đính đối nhau ở gốc bầu, lá bắc thường tròn ở đỉnh

 

Hoa

Mọc thành cụm, chung gốc, mẫu 4, có lông, tràng hoa: đỏ - xanh hoặc vàng trắng – xanh

Mọc thành cụm, mẫu 6, nhẵn, ống tràng phình ở gốc, tràng hoa: vàng ở gốc – xanh ở giữa – vàng với chóp đỏ ở đỉnh

Mọc thành cụm, mẫu 6, tràng hoa: màu đỏ ở gốc – vàng ở giữa – xanh ở đỉnh, màu xanh ở đỉnh

 

Quả

Có lông bảo vệ, trái hình lê, màu đỏ - xanh

Quả tròn, mọng, nhẵn, màu vàng là chủ yếu khi chín

Quả tròn, mọng, nhẵn, khi chín có màu đỏ sậm

 
 

Những đặc điểm  này là cở sở nhận biết một số loài Tầm gửi ngoài tự nhiên, là tiền đề cho các hướng nghiên cứu mới liên quan đến đến nhóm đối tượng này, từ đó giúp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng cây thuốc trong điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền.

Tang ký sinh - Scurrula parasitica

Lại Việt Hưng

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế - Hội đồng dược điển, Dược điển Việt Nam V, QĐ số 5358 QĐ-BYT, NXB Y học, Hà Nội, 2017
  2. Nguyễn Tiến Bân, “Họ Tầm gửi (Loranthaceae Juss.) trong hệ thực vật Việt Nam”, Tạp chí Sinh học 16(4), (1994): 47-54.
  3. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam 2: 138, NXB.Y học.
  4. Đỗ Tất Lợi (1995), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: 900-903. NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Nghĩa Thìn (2007), Các phương pháp nghiên cứu thực vật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 
  6. Nguyễn Viết Thân (2003), Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi, tập I, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
  7. Barlow, B. A. (1964), “Classification of the Loranthaceae and Viscaceae”. Proceeding of the Linneae Society of  New South Wales. 89: 268-272.
  8. Barlow, B. A. (1983), In Calder D.M. & Bernhardt P. (editor). Biogeography of Loranthaceae and Viscaceae: 19-45. New York: Academic Press.
  9. Barlow, B. A. (1997), Flora of Malesiana 13: 336.
  10. Bentham, G. & Hooker, J. D. (1880), “Loranthaceae”, Genera Plantarum 3(1):205-217. London

(Nguồn tin: )