Hội nghị “Kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu năm 2024” nhằm tạo cơ hội giao lưu, kết nối giữa các hợp tác xã sản xuất dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại. Đồng thời, quảng bá sản phẩm dược liệu Việt Nam, phát triển thương hiệu và mở rộng kênh phân phối.
Các địa phương cũng chia sẻ các mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dược liệu trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, ngành dược liệu được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển với những chính sách đặc thù, nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo quản, chế biến và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu xây dựng các vùng trồng dược liệu quy mô lớn và bền vững, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thuốc sản xuất trong nước.
Giới thiệu các sản phẩm từ dược liệu của Viện Dược liệu tại Hội nghị.
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dược liệu. Cả nước có hơn 600 hợp tác xã sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Những sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao như sâm Ngọc Linh, bạch quả, cà gai leo, tam thất, rau má... đã không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn mở ra cơ hội lớn trên thị trường quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý Y Dược cổ truyền ( Bộ Y tế) cũng cho rằng, để dược liệu Việt Nam tham gia được thị trường dược liệu toàn cầu, cần đầu tư khoa học, công nghệ, vốn, phát triển vùng trồng trên quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu; phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu; có quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo yêu cầu về sản xuất dược liệu hữu cơ, sản xuất dược liệu sạch (GACP-WHO).
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa, gia tăng các chuỗi giá trị của các sản phẩm về dược liệu, bao gồm các sản phẩm về thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản phẩm về sức khỏe hay hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu; tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển đối với mỗi loại dược liệu…
Về giải pháp phát triển kinh tế dược liệu bền vững khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, các đại biểu nhấn mạnh việc phát triển kinh tế dược liệu gắn du lịch và bảo tồn văn hoá thảo dược; thúc đẩy mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tối ưu hoá công suất sử dụng cây dược liệu…
(Nguồn tin: Nhân dân)