GIỚI THIỆU VỀ CHI CURCULIGO Ở VIỆT NAM
Chi Curculigo Gaertner thuộc họ Hypoxidaceae phân bố rộng khắp khu vực nhiệt đới thuộc Châu Á, châu Phi, Australia và châu Mỹ với khoảng 15 loài. Trong đó Trung Quốc ghi nhận 8 loài, Pakistan 1 loài.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc loài Sâm cau (Curculigo orchioides) được sử dụng nhiều. Nước sắc thân rễ sâm cau tán bột được dùng làm thuốc bổ chung, thuốc hồi sức để điều trị suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mãn. Thuốc còn làm tăng huyết áp, điều kinh. Ở Ấn độ, Nepal và Philipin thân rễ được làm thuốc lợi tiểu và kích dục, bảo vệ thần kinh, chữa bệnh ngoài ra, loét dạ dày tá tràng, trĩ, lậu, bạch đới, hen, vàng da, tiêu chảy và nhức đầu. Thái Lan rẽ sâm cau làm thuốc lợi tiểu và trị tiêu chảy.
Ở Việt Nam chi Curculigo gồm 8 loài (Curculigo anamitica, C.capitulata, C.conoc, C.disticha, C.gracilis, C.latifolia, C.orchioides, C.tonkinensis.) phân bố rải rác khắp cả nước từ Hà Giang đến Kiên Giang, tập chung chủ yếu ở vùng đồi núi có khí hậu ẩm mát, độ cao phân bố có thể lên tới 2000m.
Đặc điểm thực vật của chi Curculigo: Các loài trong chi là những cây thảo sống một năm hay nhiều năm; thân rễ dạng củ, hình trụ; thân trên mặt đất hình trụ ngắn, có sợi bao ngoài. Lá mọc tập trung ở gốc; phiến lá hình dải, hình mũi giáo - dải, có gân song song nổi lên, thường có lông, xếp nếp ở gốc, có cuống hoặc không cuống. Hoa đơn độc học nhiều hoa tập hợp thành cụm hoa chùm, bông dạng đầu hoặc tán, mọc ở đố hay giữa các lá, cuống hoa thắng đứng hoặc cong xuống. Lá bắc to, hình mũi giáo, tồn tại. Hoa đều, lưỡng tính, phần lớn mầu trắng hoặc vàng. Bao hoa 6 mảnh, không bằng nhau, xếp 2 vòng; 3 mảnh vòng ngoài to hơn 3 mảnh vòng trong, trải ra hoặc cong ra ngoài, tồn tại. Nhị 6, xếp 2 vòng, một số ít 3; chỉ nhị rời nhau đính ở gốc mảnh hơn bao hoa; bao phân hướng trong, đính lưng, 2 ô, mở bằng khi dọc. Bầu hạ, 3 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, noãn ngược; vòi nhụy hình trụ, ngắn hoặc xẻ 3; đầu nhụy dạng đầu nhỏ. Quả mọng, có ống bao tồn tại hoặc không. Hạt nhỏ, màu đen có 1 rốn bên, nội nhũ nhiều, phôi nhỏ.
Theo các tài liệu đã ghi nhận, 5 loài thuộc chi Curculigo được sử dụng làm thuốc (Curculigo capitulata, C.disticha, C.gracilis, C.latifolia, C.orchioides) với các tác dụng: lợi tiểu, kích thích tiêu hoá, chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh dạ, kém ăn, tê thấp, lưng gối vận động khó khăn (thân rễ sắc hoặc ngâm rượu); còn dùng chữa hen và tiêu chảy, làm thuốc bổ; dùng ngoài chữa lở loét.
Trong đó loài Sâm cau - Curculigo orchioides được nghiên cứu khá đầy đủ về thành phần hóa học, tác dụng dược lý. Theo Y học cổ truyền Curculigo orchioides được sử dụng nhiều trong thuốc bổ dương, tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh da, kém ăn, tê thấp, lưng gối vận động khó khăn. Thân rễ của loài chứa nhóm Cycloartan triterpenic, Tripterpen penta cylic, Phenyl glucosid, Chlorophenyl glucosid curculigosid B, Aliphatich, Curculigo saponin A-F. Theo nghiên cứu của Chauhan NS và cộng sự (năm 2010), loài này đóng vai trò quan trọng trong bài thuốc kích dục, tăng tiết testosterone, kích thích miễn dịch, chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể, chống ung thư và chống đái. Cây còn chứa một số thành phần hóa học khác như chất nhầy, phenolic glycosides, saponin và các hợp chất béo từ thực vật.
Ở Việt Nam nạn phá rừng và khai thác bừa bãi thời gian dài gây suy giảm mạnh nguồn cung cấp dược liệu làm thuốc của Sâm cau. Loài Sâm cau (Curculigo orchioides) đã được Sách đỏ Việt Nam (2007) đưa vào với mức phân hạng EN A1a,c,d. Những sản phẩm Sâm cau trên thị trường thường bị giả mạo bằng một số loài rễ cây thuộc chi Bồng bồng - Dracaena. Vì vậy cần có những nghiên cứu sâu hơn giúp định danh, kiểm định các loài thuộc chi Curculigo ở Việt Nam.
Curculigo capitulata
Phan Văn Trưởng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(Nguồn tin: Viện Dược Liệu)