Theo y học cổ truyền, nhiều loài trong chi Mộc hương (Aristolochia) được sử dụng làm thuốc chữa các chứng bệnh như thủy thũng, phong thũng và viêm xương khớp. Trên thế giới, Aristolochia gồm khoảng 600 loài phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, 25 loài thuộc chi được ghi nhận có phân bố rải rác khắp cả nước. Trong đó tập trung nhiều ở 3 vùng: Tây - Đông Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ - Ninh Bình và Tây Nguyên.
Các loài Mộc hương là những cây thân gỗ hay thảo thường leo, trườn hay quấn. Thân thường có khía nông hay rãnh sâu. Lá đơn, mọc cách, hiếm khi mọc đối, mép lá nguyên hay chẻ 2-3 thùy. Bao hoa thẳng hay uốn cong dạng chữ U, móng ngựa; gốc bao hoa hình chuông, hình trụ, hình trứng hay hình cầu, phân biệt hay không phân biệt với ống bao hoa. Ống bao hoa thẳng hay uốn cong ở giữa. Cánh môi thường 1 hay 3 thùy, rời hay hợp; cánh môi dạng hình thuôn, hình đĩa, hình khiên hay hình chuông, phần trên các thùy nhọn hay có đuôi dài, vặn xoắn. Bộ nhị - nhụy hình trụ, 3 hay 6 thùy. Bao phấn 6, không có chỉ nhị, bao phấn thường đính trực tiếp với bộ nhị - nhụy. Bầu 6 ô, noãn hợp. Quả nang hình trứng hay hình trụ, chẻ từ đỉnh hay từ gốc. Hạt nhỏ, nhiều, hai mặt lồi hay dẹt, có cánh hay không có cánh.
Ở Việt Nam, trong vài năm gần đây các nhà khoa học đã công bố một số loài mới cho khoa học như: Mộc hương tà đùng - A. tadungensis; Mộc hương núi chúa - A. nuichuaensis; Mộc hương bình thuận - A. binhthuanensis; Mộc hương bidoup - A. bidoupensis… Cho đến nay các loài này hiện mới chỉ ghi nhận điểm phân bố hẹp ở Việt Nam.
Về mặt Thực vật học đã có những phát hiện và ghi nhận mới về thành phần loài và phân bố của chi Mộc hương ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn thiếu những đánh giá quan trọng về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của các loài trong chi đặc biệt đối với những loài mới được công bố và ghi nhận.
Lại Việt Hưng
Tài liệu tham khảo:
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)