Tin tức

Chi Muồng truổng

GIỚI THIỆU VỀ CHI MUỒNG TRUỔNG ( ZANTHOXYLUM  L.) VÀ CÁC LOÀI LÀM THUỐC Ở VIỆT NAM

Chi Muồng truổng (Zanthoxylum L.) thuộc họ Cam (Rutaceae Juss.) có khoảng 250 loài, phân bố ở châu Á, châu Phi, Austrailia và Bắc Mỹ trong vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, một số ít ở ôn đới. Khu vực Đông Nam Á có khoảng trên 20 loài. Tại Việt Nam, 11 loài phân bố rải rác khắp cả nước [1,2,3,4] đã được thống kê và mô tả. Đáng chú ý là tất cả các loài thuộc chi này đều được sử dụng làm thuốc, có chứa nhiều hợp chất quan trọng, một số loài còm làm gia vị hoặc làm nguồn nguyên liệu để chiết tinh dầu. Chính vì vậy, bên cạnh những giá trị về khoa học, các taxon thuộc chi này còn có tiềm năng lớn về dược liệu.

Ảnh: Muồng truổng (Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC.)

Những taxon thuộc chi Muồng truổng là những cây gỗ, cây bụi hoặc bui trườn; thân cành có gai. Lá mọc cách, kép lông chim lẻ, một số ít có 3 lá chét; lá chét mọc cách hoặc mọc đối; mép lá nguyên hay có răng cưa nhỏ, khe các răng thường có điểm tuyến tinh dầu tương đối to. Cụm hoa hình chùy hoặc ngù, mọc ở đỉnh hoặc nách lá. Hoa đơn tính. Bao hoa xếp 1-2 vòng. Bộ nhị gồm 4-10 nhị. Bộ nhụy gồm 2-5 lá noãn rời; mỗi lá noãn có 1-2 noãn và khồng dính nhau hoàn toàn; vòi nhụy hợp hoặc rời nhau, hơi cong; núm nhụy dạng đầu. Quả nang, vỏ quả ngoài có nhiều tuyến tinh dầu; khi chín vỏ quả trong rời nhau, mỗi mảnh quả có 1-2 hạt, đính trên cuống noãn phình to; rốn hạt dạng sợi ngắn, phẳng, vỏ hạt giòn, màu nâu đen, bóng. Lá mầm dẹp, phôi rất ngắn.

Hiện nay, nhiều taxon thuộc họ Cam (Rutaceae Juss.) và chi Muồng truổng (Zanthoxylum L.) nằm trong đối tượng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu với  xu hướng là  tìm kiếm các hoạt chất có nguồn gốc từ tự nhiên, từ các bài thuốc truyền miệng theo y học dân tộc. Các hoạt chất từ tự nhiên có cấu trúc hóa học đa dạng và phong phú hơn nhiều so với hợp chất được tổng hợp. Ngoài ra, các hợp chất tự nhiên còn có các ưu điểm nổi bật khác như có khả năng tương thích cao do được tạo ra bởi các tế bào sống, hoạt tính sinh học được định hướng trước nhờ kinh nghiệm sử dụng thuốc được tích lũy và chứng thực tác dụng từ thực tiễn hàng nghìn năm trong dân gian. Trong số những taxon thuộc chi Muồng truổng ở Việt Nam, hai loài gồm Sẻn hôi (Z. rhetsa) và Muồng truổng (Z. avicennae) được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và có nhiều nghiên cứu: 

Sẻn hôi (Z. rhetsa): là loài cây bụi, các bộ phận khác nhau của cây đã được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Phần rễ và vỏ rễ của cây được sử dụng để điều trị sốt rét, thấp khớp, mất trương lực dạ dày; quả được sử dụng trong điều trị tiêu chảy và thấp khớp. Tinh dầu từ loài này có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư vú và khả năng chống oxy hóa tốt [5]. Năm 2020, nhóm tác giả từ Viện Dược liệu đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng ức chế sản xuất nitric oxide của tinh dầu từ quả loài Sẻn hôi. Nghiên cứu này cho kết quả rất khả quan, từ đó mở ra tiềm năng lớn của việc sử dụng quả Sẻn hôi làm nguyên liệu để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hiệu quả cho công tác phòng và chữa bệnh.[6]  

Muồng truổng (Z. avicennae) là cây mọc hoang ở khắp rừng núi ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhân dân thường lấy lá cây về nấu ăn, còn dùng chữa đòn ngã, tổn thương, viêm tuyến vú, nhọt, viêm mủ da, viêm thận; quả được dùng để chữa đau dạ dày, đau bụng,…[7]; một số địa phương còn sử dụng quả Muồng truổng để làm gia vị. Đây là vị thuốc có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian Việt Nam, là loài cây có nhiều tiềm năng để nghiên cứu và phát triển. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của cây, phát hiện nhiều hoạt chất với những hoạt tính sinh học nổi bật như chống viêm, chống ung thư,…[8]. Ở Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu về thành phần hóa học và đã công bố về loài này, trong đó nghiên cứu của tác giả Trần Thị Nữ (Đại học Dược Hà Nội) và cộng sự (năm 2019) đã sơ bộ xác định được trong cành và lá cây Muồng truổng có chứa carotenoid, phytosterol, alcaloid, saponin, coumarin, đường khử và polysaccharid; đặc biệt đã phân lập được 2 chất tinh khiết là MT2 (friedelin) và MT4 (glutinol). Đây là lần đầu tiên 2 chất này được phân lập từ cây Muồng truổng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trên đối tượng này [9].

Ngoài 2 loài kể trên, các loài khác thuộc chi Muồng truổng ở Việt Nam đều được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền như Hoàng lực (Z. nitidum), Hoàng mộc nhiều gai (Z. myriacanthum), Hoàng mộc leo (Z. scandens), Hoàng mộc sai (Z. laetum) và Sẻn gai (Z. armatum).

Nguyễn Văn Hiếu

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Kim Liên (2003), “Rutaceae”, Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2: 962-986. Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội.
  2. Hartley, T. G. (1966), “A Revision of the Malesian species of Zanthoxylum (Rutaceae)”, Journ. Arnold Arbor. 47(3): 171-221.
  3. Molino, J.F. (1994), “Resvision de genre Clausena Burm. F. (Rutaceae)”, Bull. Mus. Natl. Hist. nat. 16(1): 105-153.
  4. Engler, A. (1896), “Rutaceae”, “Die Naturlichen Pflanzenfamilien 3, 96-201.
  5. Wongkattiya N et al. (2018), Chemical compositions and biological properties of essential oils from Zanthoxylum rhetsa (Roxb.) DC. And Z. limonella Alston, African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, 15(2): 12-18.
  6. Hieu, N. V. et al. (2020), Inhibitory effect on nitric oxide production of essential oil from Zanthoxylum rhetsa (Roxb.) DC. fruits, Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry, 9(5): 67-70.
  7. Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, tr. 789- 790, 450-451, 1042-1043, 1355.
  8. Cho Jui-Ying, Hwang Tsong-Long, et al. (2012), "New coumarins and antiinflammatory constituents from Zanthoxylum avicennae", Food chemistry, 135(1), pp. 17-23.
  9. Trần Thị Nữ, Đỗ Thị Hà (2019), Nghiên cứu đặc điểm thực vật và chiết xuất, phân lập một số hợp chất trong lá và cành nhỏ cây Muồng truổng (Zanthoxylum avicennae), họ Cam (Rutaceae), Khóa luận tốt nghiệp Dược sĩ (Đại học Dược Hà Nội).

 

(Nguồn tin: )