Chi Sả Cymbopogon thuộc họ Lúa – Poaceae có khoảng 70 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới nhưng tập chung chủ yếu ở châu Á. Sau này Sả còn được nhập trồng vào một số nước châu Mỹ.
Sả là loại cây được con người biết tới từ rất sớm. Hầu hết các loài Sả đều chứa tinh dầu thơm được dùng làm gia vị và hương liệu từ hàng ngàn năm nay. Sả còn là vị thuốc rất phổ biến trong Y học cổ truyền của nhiều nước dùng chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, trẻ em kinh phong, ho, viêm phổi, thủy thũng, ngộ độc rượu... Tinh dầu sả có tác dụng trừ muỗi, côn trùng và thường được dùng phối hợp trong liệu pháp tinh dầu để xoa bóp, giảm đau nhức. Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy tinh dầu Sả có tác dụng kháng khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn in vitro. Citronellal và geraniol là 2 thành phần chính có tác dụng kháng khuẩn. Các thành phần citral và citronella có hoạt tính kháng nấm tốt... Với đặc tính an toàn, độc tính thấp, ngày nay tinh dầu Sả được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa mỹ phẩm sản xuất nước hoa, xà phòng, mỹ phẩm, cho tới các chất tẩy rửa. Trong đó đáng chú ý nhất là 5 loài quan trọng đã được thương mại hóa đó là:
Năm 2011 ước tính sản lượng tinh dầu citronella trên toàn thế giới từ 2 loài Cymbopogon winterianus và Cymbopogon nardus đạt khoảng 1.500 tấn và tinh dầu lemongrass từ 2 loài Cymbopogon flexuosus và Cymbopogon citratus vào khoảng 400 tấn. Trung Quốc và Indonesia là 2 nước cung cấp khối lượng tinh dầu Sả lớn nhất (chiếm 40% sản lượng của thế giới).
Ở Việt Nam, chi Sả có khoảng 15 loài phân bố ở khắp các tỉnh trên cả nước. Sả là cây sống lâu năm, mọc thành bụi, rễ chùm lan rộng nên khả năng chịu hạn tốt. Thân có đốt ngắn được bao kín bởi các bẹ lá, tạo thành các tép sả. Phiến lá hẹp dài, với các bẹ lá cuốn chặt vào nhau, mép lá nhám. Cụm hoa chùm, có hai loại hoa trên cùng một cây bao gồm hoa lưỡng tính và hoa đực.
Trước đây nhiều địa phương đã trồng Sả ở qui mô nông trường như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Kon Tum, Đồng Nai, Tây Ninh nhưng nhìn chung sản lượng tinh dầu Sả của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong số 5 loài Sả có giá trị thương mại trên thị trường thế giới kể trên, ở Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của 4 loài đó là: Cymbopogon nardus (L.) Rendle, Cymbopogon citratus (DC.) Stapf, Cymbopogon flexuosus (Nees ex Steud.) J.F. Watson và Cymbopogon martini (Roxb.) W.Watson. Trong đó, Viện Dược liệu đang lưu giữ nguồn gen của cả 3 loài Sả cho tinh dầu có giá trị thương mại trên thị trường là citronella, lemongrass và palmarosa.
Ảnh: Loài Sả chanh - Cymbopogon citratus (DC.) Stapf
Nguyễn Quỳnh Nga
Tài liệu tham khảo:
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)