Tin tức

Chi TRICHOSANTHES

GIỚI THIỆU VỀ CHI TRICHOSANTHES Ở VIỆT NAM

 

Chi Qua lâu - Trichosanthes thuộc họ Cucurbitaceae (Bầu bí) có khoảng 40 loài trên thế giới, phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, từ Srilanca, Ấn Độ, Pakistan, Mianma, Trung Quốc, đến các nước bán đảo Đông Dương, Thái Lan, Malaysia, vùng Bắc và Đông Australia, quần đảo Fiji ở Thái Bình Dương.

            Ở Việt Nam chi Qua lâu có 12 loài phân bố khắp cả nước tập chung ở những vùng có khí hậu mát mẻ, ở độ cao từ 300m (Thái Nguyên) đến 1500m ở (Lào Cai).

Các loài thuộc chi Trichosanthes có dạng cây thảo, thân leo, sống một năm hoặc lâu năm. Lá đơn, không phân thùy hoặc 3-7 thùy, hiếm khi là lá kép với 3-5 lá chét, mép lá thường có răng cưa. Tua cuốn thường 2-5 tua, hiếm khi đơn độc. Cây mang hoa phân tính khác gốc, hiếm khi cùng gốc; hoa thường màu trắng, hiếm khi hồng hoặc đỏ. Hoa đực thường mọc thành cụm, ít khi đơn độc, đôi khi cặp trong nách lá, hoa chóng tàn, nở lần lượt trong cụm; lá bắc nhiều hình dạng và kích thước, hiếm khi tiêu biến; ống đài hình trụ, thường xòe ra ở đầu, chia 5 thùy, nguyên, có răng cưa hoặc có khía; tràng phân 5 thùy, thường có tua dài ở rìa; nhị 3, đính trên ống đài; chỉ nhị rất ngắn, tự do; bao phấn hợp sinh. Hoa cái đơn độc, rất hiếm khi thành cụm; đài và tràng giống với hoa đực; bầu hạ, hình trứng hay hình thoi, 1 ô với 3 giá noãn; noãn nhiều, thường nằm ngang; đầu nhụy 3, nguyên hoặc chẻ đôi. Quả hình cầu, hình trứng hoặc hình thoi; quả dạng thịt, vỏ quả thường nhẵn và mịn, nhiều hạt, không nứt. Hạt được bao bởi thịt quả , 1 ô, thuôn dài hoặc hình trứng, và dẹp, hoặc 3 ô, phổng, với 2 ô phụ rỗng.

Năm loài thuộc chi Trichosanthes ở Việt Nam đã được ghi nhận công dụng làm thuốc là: Trichosanthes anguina; T.cucumerina; T. kirilowii; T. tricuspidata; T. villosa. Hạt (qua lâu nhân), vỏ quả (qua lâu bì), rễ củ (thiên hoa phấn hay qua lâu căn) của các loài Qua lâu đều là những vị thuốc trong Y học cổ truyền. Hạt Qua lâu được dùng trị táo bón, khô khan, thổ huyết, ung nhọt. Rễ chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lỡ ngứa, sưng tấy. Vỏ quả chữa phế nhiệt sinh ho, thổ huyết, ra máu cam, chữa sốt nóng, thủy thũng, vàng da. Theo thống kê chưa đầy đủ, vị thuốc Qua lâu có trong khoảng 17 bài thuốc được sử dụng rộng rãi. Hiện nay đã có một số chế phẩm từ loài Trichosanthe kirilowii như: Qua lâu thái sợi, qua lâu chưng, qua lâu chích mật, qua lâu sao vàng, qua lâu nhân sao thơm, qua lâu nhân sao cám, qua lâu nhân chích mật ong, qua lâu sương. Ngoài ra ngọn non loài này còn được dùng làm rau ăn.

                        

Lâu xác

Trichosanthes tricuspidata

 

Phan Văn Trưởng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đại học Quốc gia Hà Nội – Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường & Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Danh lục các loài thực vật Việt Nam – Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2005

2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

3. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, tập I, NXB Trẻ.

4. Viện Dược Liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập II, NXB Khoa học kỹ thuật.

5. Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

6. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1,2, NXB Y học, Hà Nội.

Tiếng nước ngoài

7. Wu, Z. Y., P. H. Raven & D. Y. Hong, eds. 2011. Flora of China. Vol. 19 (Cucurbitaceae through Valerianaceae, with Annonaceae and Berberidaceae). Science Press, Beijing, and Missouri Botanical Garden Press, St. Louis.

 

 

(Nguồn tin: Viện Dược Liệu)