Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: tỉnh Thanh Hóa có trên 914.700 ha đất nông nghiệp, đứng thứ 6 cả nước. Trong đó, đất lâm nghiệp có trên 650 nghìn ha. Đây là khu vực lưu giữ, là môi trường sống của trên 5 nghìn loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có các chương trình, đề án hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị. Hiện Thanh Hoá có 47 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp sát vai cùng gần 400 nghìn hộ nông dân tham gia vào các khâu liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm sâu, nhất là lĩnh vực hóa dược để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững.
Ngày 25/7, tại thành phố Sầm Sơn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức diễn đàn Kinh tế dược liệu Việt Nam - thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã. Tham dự diễn đàn có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự và phát biểu chào mừng tại diễn đàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang mong muốn thông qua diễn đàn này, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đơn vị nghiên cứu; các nhà khoa học và các doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có những cơ chế chính sách về đất đai để đồng bào miền núi phát triển dược liệu ổn định, bền vững; quan tâm, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng nhiều hơn, nhanh hơn các tiến bộ kỹ thuật mới trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nói chung và lĩnh vực dược liệu nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế dược liệu, tăng thu nhập cho người dân.
Tại diễn đàn, bám sát chủ đề "Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã", các đại biểu đã tham luận, trình bày về thực trạng, những vấn đề đặt ra trong phát triển ngành thảo dược; các giải pháp bảo tồn và phát triển một số dược liệu quý, tiềm năng ở Việt Nam cũng như chính sách pháp luật về lao động, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại và chế biến dược liệu...
Thông qua diễn đàn, các đại biểu, Hợp tác xã, doanh nghiệp được cung cấp những thông tin cần thiết, quảng bá, hợp tác và liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị của các Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, nhất là vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng hợp các vấn đề chính sách, pháp luật để báo cáo Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Hợp tác xã và doanh nghiệp ngành dược liệu.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, hơn 100 Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược liệu tiêu biểu, hiệu quả cao trong toàn quốc đã tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thị trường và người tiêu dùng.
(Nguồn tin: Bản tin Thời sự tối ngày 25/07/2023)