Tin tức

Hội nghị Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ

Sáng 22/6, tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Chu Ngọc Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ; Cùng sự có mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Thị Hiền – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã có đường Hồ Chí Minh đi qua.

Hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ là một vùng rộng lớn, gồm 24 huyện, thị xã với diện tích trên 2.000ha, có tiềm năng lớn về đất đai, chủ yếu là đất đỏ bazan để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Trong vùng đã có nhiều doanh nghiệp lớn tiên phong đầu tư một cách bài bản, phát triển theo chuỗi giá trị và được xem là các mô hình phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa như: TH True Milk, Vinamilk, FLC...

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghiệp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận về tiềm năng, lợi thế và các thách thức của hành lang đường Hồ Chí Minh trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, các đại biểu đã chỉ ra các thách thức chủ yếu trong phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ, đó là: Hạn chế về phương thức sản xuất; Thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý; Biến đổi khí hậu; Thiếu các phát minh sáng chế và công nghiệp chế tạo; Phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch chưa kết hợp với phát triển nông nghiệp. Hội nghị được nghe ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo các địa phương, đại diện các doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh. Trong đó, theo ý kiến của các đại biểu để phát triển nông nghiệp hành lang đường Hồ Chí Minh trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời cần xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo sự liên kết đồng thuận chính quyền - người dân- doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ý kiến lãnh đạo các tỉnh đề nghị cần tạo sự liên kết giữa các tỉnh dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ NN&PTNT thiết lập chương trình phát triển kinh tế - xã hội, có chính sách đặc thù đối với các địa phương dọc hành lang đường Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Nghệ An đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 trong đó, đất đai, khí hậu vùng miền Tây hành lang đường Hồ Chí Minh có điều kiện để áp dụng tiến bộ KH&CN tạo ra cơ hội sản xuất mới.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Nghệ An dài 132 km, đi qua vùng trung du giàu tiềm năng của tỉnh với 3.210,6284 km2 diện tích tự nhiên thuộc 5 huyện, thị với 119 xã, thị trấn, chiếm 19,47% diện tích toàn tỉnh.  Đây là vùng trung du địa hình đồi núi thấp, trong đó có vùng đất đỏ ba zan, phù hợp với việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị quy mô lớn.

 “Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp hành lang đường Hồ Chí Minh và miền Tây của tỉnh, thu hút hình thành các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp quy mô lớn kết nối chuỗi giá trị với chế biến”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết tỉnh đang tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch, ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển thương mại công nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, KH&CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất; đưa nhiều giống mới, biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến vào áp dụng, đẩy mạnh cơ giới hóa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản một số cây trồng chính của vùng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu

Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình phát triển cây chanh leo của Công ty cổ phần NAFOODS, Tập đoàn TH ở Nghệ An, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa với sự đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành KH&CN thì trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân ở một số nơi còn thấp.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, vấn đề đặt ra là cần phải đưa KH&CN vào cuộc sống gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh liên kết vùng đưa KH&CN thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hành lang đường Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của Viện Dược liệu

Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần đến sự sáng tạo, chịu làm và làm đến cùng của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy để phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh cần có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân.

 

 

 

(Nguồn tin: Tổng hợp)