Tin tức

Tiềm năng phát triển dược liệu các tỉnh Bắc Trung Bộ

Khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích chiếm 23,25% tổng diện tích cả nước được coi là một trong những trung tâm đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Với 5 Vườn Quốc gia và 11 Khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn 6 tỉnh, đây là vùng có tài nguyên thiên đa dạng và phong phú với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm và có giá trị trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc. Theo ghi nhận và thống kê trong khu vực có khoảng 4.133 loài thực vật có mạch, thuộc về 1211 chi của 224 họ và có nhiều loài cây thuốc quý hiếm như: Đảng sâm (Codonopsis javanica), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), Ba kích (Morinda officinalis), Sâm Puxailaileng (Panax sp.), Bảy lá một hoa (Paris spp.), Hoàng tinh vòng (Polygonatum kingianum), …

Từ những năm 2015 trở lại đây, trên địa bàn khu vực đã có một số đề tài điều tra đánh giá về nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn như tại Quảng Bình (2015), Thanh Hóa (2016-2017), Nghệ An (2016-2017)... các kết quả điều tra đã ghi nhận 24 loài/nhóm loài trong tổng số 70 loài/nhóm loài có tiềm năng khai thác trong tự nhiên như: Bách bộ (Stemona tuberosa), Bán hạ (Typhonium trilobatum), Bình vôi (Stephania spp.), Ngũ gia bì chân chim (Shefflera spp), Nhân trần - Bồ bồ (Adenosma spp.)...

Cùng với vấn đề khai thác và thu hái cây thuốc ngoài tự nhiên, việc trồng cây thuốc thành vùng phục vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang được phát huy và dần đẩy mạnh. Một số nhóm cây thuốc được trồng với quy mô trên 10 ha như: Ba kích (Morinda officinalis How), Bạch chỉ (Angelica dahurica), Cỏ ngọt (Stevia rebaudiana), Gừng (Zingiber officinale), Nghệ (Curcuma longa)... Cây dược liệu được trồng tập trung và phổ biến ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Từ năm 2016-2018, thực hiện chương trình phát triển dược liệu, các đơn vị chức năng của tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Dược liệu tiến hành xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Đến năm 2018, bản quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt, trong đó quy hoạch vùng trồng tập trung 14 loài cây dược liệu (Thảo đậu khấu nam,  Hoàng tinh vòng, Bảy lá một hoa, Sâm Puxailaileng, Sa nhân tím, Trà hoa vàng, Ý dĩ, Bồ bồ, Hành tăm, Nghệ…). Đây là những cây thuốc có thế mạnh của 3 vùng sinh thái cây dược liệu bao gồm vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng thuộc 11 huyện và thị xã của tỉnh Nghệ An (Con Cuông, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, TX. Hoàng Mai, Tân Kỳ, Tương Dương, Yên Thành).

Có thể thấy, tiềm năng về phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc tại khu vực Bắc Trung Bộ khá lớn, song để phát huy thế mạnh của toàn khu vực nói chung và từng tỉnh trong khu vực nói riêng cần lưu ý giải quyết một số vấn đề trọng tâm. Đó là, việc lựa chọn đối tượng cây dược liệu cho đầu tư và phát triển trong khu vực phải căn cứ theo nhu cầu của thị trường, cụ thể là nhu cầu tiêu thụ dược liệu của địa phương cũng như các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Đối tượng, quy mô phát triển dược liệu cũng phải được lựa chọn tùy theo từng điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển giữa các địa phương trong khu vực còn nhiều khác biệt và chưa thống nhất.

Để giải quyết các vấn đề đó cần các cơ chế chính sách phù hợp và thống nhất trong định hướng phát triển dược liệu của khu vực, áp dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu và sản xuất giống dược liệu. Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu tại các tỉnh có điều kiện thuận lợi nhằm phát triển kinh tế bền vững kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu vực.

(Nguồn tin: Khoa TNDL - Viện Dược liệu)