Tin tức

Trà hoa vàng

VÀI NÉT VỀ CÁC LOÀI TRÀ HOA VÀNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN & NHÂN TRỒNG         

Trà hoa vàng (Yellow Camellia) là tên gọi chung cho các loài có hoa màu vàng, thuộc chi Trà (Camellia L.) thuộc họ Chè (Theaceae). Ở Trung Quốc, nhiều loài Trà hoa vàng được dùng làm thuốc bởi tác dụng bảo vệ gan, thải độc, hạ cholesterol máu, chống béo phì, tốt cho hệ tim mạch, giúp cho tâm trí tỉnh táo và tăng cường sinh lực … Trong số các loài Trà hoa vàng ở Quốc gia này, có loài Camellia nitidissima được coi là cây thuốc đặc biệt quý giá, nên có tên gọi là “Kim hoa trà” (Golden Camellia) (Dai, L., et al., 2016; Huang, Y.L., et al., 2009a; Qi, J.et al., 2016).

Theo World checklist of selected plant families (2020), chi Camellia trên thế giới có khoảng 185 tên loài được chấp nhận. Trung Quốc có 97 loài, trong đó có tới 76 loài là đặc hữu nhưng về Trà hoa vàng ở Quốc gia này chỉ có khoảng 30 loài (Ming, T.L., Bartholomew, B., 2007). Các loài Trà hoa vàng còn có ở Lào, Campuchia và một số nước khác ở Đông Nam Á, song hiện không có tư liệu chính xác về số loài hiện có ở mỗi Quốc gia (Sealy, J.R., 1958; Ming, T.L., Bartholomew, B., 2007).

Theo Lê Nguyệt Hải Ninh (2017), Chi Camellia ở Việt Nam hiện có 68 loài và 1 thứ, trong đó có tới 42 loài Trà hoa vàng. Với số loài đã biết, Việt Nam trở thành một trong những Quốc gia sở hữu nhiều loài Trà hoa vàng nhất trên thế giới. Trong số 42 loài này, có 32 loài được coi là đặc hữu Việt Nam, hoặc cho đến nay mới chỉ được công bố có ở Việt Nam. Trong đó loài Camellia nitidisma C.W. Chi - Kim hoa trà Theo các Tác giả Trung Quốc, loài này có ở Việt Nam (Lạng Sơn, Quảng Ninh). Song qua nhiều nỗ lực điều tra khảo sát, các Tác giả Việt Nam chưa phát hiện lại được loài này. Kim hoa trà trồng ở Đà Lạt hiện nay là do nhập cây giống từ Trung Quốc (Lê Nguyệt Hải Ninh, 2017).

        Căn cứ vào các điểm phân bố cho thấy, các loài Trà hoa vàng ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở 2 vùng: (1) Vùng Đông Bắc, gồm các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc – Vùng này có 25 loài, (2) vùng Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên gồm tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước hiện có 16 loài. Vùng Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Đồng Nai) chỉ có 2 loài. Theo đánh giá của một số nhà thực vật học nước ngoài, vùng Đông Bắc Việt Nam được coi như là nơi phát sinh của chi Camellia nói chung và của các loài Trà hoa vàng nói riêng của thế giới (Orel, G. và Marchant, A., 2007).

       Nghiên cứu bảo tồn đi đôi với phát triển nhân trồng: Ngay từ những năm trà hoa vàng chưa được chú ý nhiều, nhưng căn cứ vào hiện trạng phân bố đã biết, các nhà thực vật ở nước ta đã đưa 3 loài Trà hoa vàng mọc tự nhiên (Camellia fleuryi, C. gilberti và C. pleurocarpa) vào Sách Đỏ Việt Nam, phần II – Thực vật, 1996 và 2007, nhằm khuyến cáo bảo tồn. Mở đường cho việc nhân trồng Trà hoa vàng ở Việt Nam, trong Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về Trà hoa vàng, tổ chức ở nước ta năm 2002, Trần Ninh đã đưa ra ấn phẩm bản dịch tiếng Việt Cách nhân giống Trà hoa vàng, từ bản tiếng Anh của Tác giả Nhật Bản Shuho Kirino. Theo tài liệu này, các loài Trà hoa vàng đều có thể nhân giống thành công từ hom thân, cành và gieo hạt (Trần Ninh và Shuho Kirino, 2002). Trong khuôn khổ đề tài cấp ngành, VQG Tam Đảo đã thu thập được 6 loài Trà hoa vàng mọc tự nhiên ở VQG, đưa vào trồng bảo tồn chuyển vị tại Vườn thực vật. Đồng thời đề tài còn tiến hành nghiên cứu về một số đặc điểm lâm học và nhân giống vô tính 2 loài Trà vàng pêtêlô (Camellia petelotii) và Trà vàng tam đảo (C. tamdaoensis). Các cây con nhân giống được đã đem ra trồng, bước đầu cây sinh trưởng phát triển tốt (Đỗ Văn Tuân, 2015). Gần trùng hợp với đề tài này, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Lâm nghiệp và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cũng tiến hành nghiên cứu sơ bộ về đặc điểm lâm học và nhân giống bằng hom 6 loài trà hoa vàng: Camellia cucphuongensis, C. euphlebia, C. flava, C. petelotii, C. tamdaoensis, C. tonkinensis (Ngô Thị Minh Duyên, et al., 2011).

         Thông tin từ sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2014, Công ty Cổ phần Đầu tư DIA (gọi tắt là Công ty DIA), đã tiến hành thu thập và nghiên cứu nhân trồng một số loài Trà hoa vàng ở vùng Tam Đảo (Nguyễn Vũ Băng, 2014; Nguyễn Vũ Băng, Lành Tuấn Nghĩa, et al., 2014). Được sự hỗ trợ và khích lệ của sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty DIA đang tiến hành đề tài nghiên cứu bảo tồn đi đôi với phát triển nhân trồng Trà hoa vàng trên diện tích lớn, tại xã Ngọc Thanh, huyện Tam Đảo. Sau 2 năm thực hiện (2015 và 2016), đề tài đã thu thập được 15 loài Trà hoa vàng, đưa về trồng, dưới hình thức bảo tồn chuyển vị (Camellia euphlebia, C. hakodae, C. hirsute, C. phannii, C. tiennii, C. tamdaoensis, C. Luongii, C. crassiphylla, C. thanxaensis, C. petelottii, C. cucphuongensis, C. rossmanniiC. gilbertii, Camellia sp.1 và Camellia sp.2), mỗi loài có từ 5-30 cá thể. Bằng phương pháp nhân giống vô tính, công ty đã trồng được gần 5 ha với khoảng 12.000 cây, thuộc 8 loài (kế hoạch hết năm 2019 sẽ trồng 15 ha, với khoảng 30.000 cây). Một số cây trồng năm 2015 đã ra hoa lứa đầu (http://sokhcn.vinhphuc.go.vn). Có lẽ đây là Dự án bảo tồn và nhân trồng Trà hoa vàng được thực hiện một cách đồng bộ và có bài bản nhất ở nước ta hiện nay.

         Bên cạnh các hoạt động có tính nghiên cứu trên, từ nguồn thông tin trên mạng internet cho thấy, ở nước ta còn có nhiều doanh nghiệp và cá nhân, đã nhân trồng thành công một số loài Trà hoa vàng. Ví dụ như: Ông Nịnh Văn Trắng ở xã Đạp Thanh, huyện Ba chẽ, tỉnh Quảng Ninh, bắt đầu trồng Trà hoa vàng năm 2013, đến năm 2017 đã trồng được 5 ha. Từ năm 2014 đến nay đã cho thu hoạch hoa và lá. Hiện tại toàn huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh đã có khoảng vài chục ha trồng Trà hoa vàng. Ở Bắc Giang (Lục Ngạn) có hộ dân trồng được gần 1.000 cây Trà hoa vàng, một số cây bắt đầu cho thu hoạch hoa. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp và cá nhân ở huyện Tam Đảo, Tam Dương tỉnh tỉnh Vĩnh phúc và tỉnh Quảng Ninh … cũng có nhiều người trồng và bán cây giống Trà hoa vàng.

        Vài năm gần đây, sản phẩm Trà hoa vàng Việt Nam đã bắt đầu được giới thiệu trên thị trường nước. Sản phẩm Trà hoa vàng, gồm có cây giống, dược liệu lá và hoa khô. Thực hiện chương trình “Mỗi xã – phường Một sản phẩm” (OCOP - One Commune One Product Program), năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã cấp chứng nhận cho 39 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm là hoa khô Trà hoa vàng. Năm 2017, tại thị trấn huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội chợ Trà hoa vàng. Hội chợ có nhiều hoạt động giới thiệu về tiềm năng và quảng bá sản phẩm Trà hoa vàng của địa phương. Với “Thương hiệu” này, Trà hoa vàng ở Quảng Ninh được giao bán với giá từ 14-15,0 triệu đồng/kg hoa khô. Tuy nhiên, hiện chưa thấy có công bố khoa học nào về thành phần loài cũng như thành phần hóa học của các loài Trà hoa vàng đang được trồng và thương mại hóa ở tỉnh Quảng Ninh. Ngoại trừ một trang mạng ghi chung tên cây Trà hoa vàng ở địa phương này là Camellia chrysantha.

         Như vậy, việc nghiên cứu bảo tồn, nhân trồng Trà hoa vàng ở nước ta, nhìn chung chưa có chủ trương hay chiến lược phát triển đồng bộ ở mức vĩ mô. Trà hoa vàng đang được nghiên cứu, đưa vào phát triển, sử dụng như là một cây thuốc có giá trị kinh tế cao tại Trung Quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia có số loài Trà hoa vàng nhiều nhất trên thế giới, do vậy việc nghiên cứu Trà hoa vàng một cách toàn diện, từ đó lựa chọn ra những loài có giá trị sử dụng cao, đưa vào phát triển trồng để sử dụng, đang là một yêu cầu cần thiết được đặt ra ở nước ta hiện nay.

Trà hoa vàng trồng ở Tiên Yên, Quảng Ninh

 

Nguyễn Tập, Nguyễn Quỳnh Nga

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Tiến Bân (chủ tịch HĐ) và nhiều Đồng tác giả khác(2007). Sách Đỏ Việt Nam, phần II- Thực vật. Nxb. KHTN & CN, Hà Nội.
  2. Nguyễn Vũ Băng (2015). Bảo tồn và phát triển bền vững Trà hoa vàng – Một cách tiếp cận mới của Công ty Đầu tư Phát triển DIA. Trong: Sở KH & CN tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyển tập báo cáo KH, Hội thảo Trà hoa vàng tam đảo lần thứ nhất, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc; 1/2015.; tr. 3-7.
  3. Nguyễn Vũ Băng, Lành Tuấn Nghĩa, Bùi Văn Tình, Cấn Văn Thơ, Phạm Văn Tranh, Trần Ninh (2015). Kết quả bước đầu nhân giống một số loài Trà hoa vàng. Sở KH & CN tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyển tập báo cáo KH, Hội thảo Trà hoa vàng tam đảo lần thứ nhất, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc; 1/2015.; tr. 21-25.
  4. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn thị Nhu, Nguyễn Tập & Trần Toàn  (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB. Khoa học và Kỹ thuật; T. I: 419-422 & T.II: 749-751.
  5. Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam; NXB. Y học; T. II: 1024-1026.
  6. Ngô Thị Minh Duyên, Ngô Quang Hưng, Lê Sỹ Danh, Ngô Quý Công và Nguyễn Văn khương (2011). Đánh giá tình hình sinh trưởng và khả năng tái sinh tại một số tỉnh phía Bắc. Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, số 2/2011.
  7. Nguyễn Hữu Hiến (2003). Camellia L., Theaceae. Trong: Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), et al., Danh lục các loài thực vật Việt Nam, T.II; Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
  8. Phạm Hoàng Hộ (1999). Cây cỏ Việt Nam, Quyển I; Nxb. Trẻ, tp. HCM
  9. Shuho Kirino (2002), (Trần Ninh dịch). Cách nhân giống Trà hoa vàng Việt Nam; Hội Trà Quốc tế & Trường ĐH.KHTN, ĐH.QG.Hà Nội xuất bản.
  10. Lê Nguyệt Hải Ninh (2017). Nghiên cứu phân loại chi Camellia L. Thuộc họ chè – Theaceae ở Việt Nam. Luận án TS Sinh học Thực vật, trường ĐHKHTN, ĐH.QG.Hà Nội
  11. Trần Ninh (2001). Các loài trà hoa vàng thuộc chi Camellia ở Việt Nam. Tạp chí sinh học, Số 23 (3a), tr. 12 
  12. Trần Ninh & Hakoda (eds.) et al., (2009); Các loài trà của Vườn Quốc Gia Tam Đảo. Hội Trà Quốc tế & Trường ĐH.KHTN, ĐH.QG.Hà Nội xuất bản.
  13. Phạm Xuân Trung, Phạm Hồng Ban & Đỗ Ngọc Đài (2016). Dẫn liệu loài Trà hoa vàng ở Quế Phong – Nghệ An. Tạp chí KH & CN Nghệ An, số 3 / 2016, tr. 1-3.
  14. Đỗ Văn Tuân (2015). Một số kết quả bảo tồn hai loài Trà hoa vàng tam đảo (Camellia tamdaoensis Hakoda et Ninh) và Trà vàng pêtêlô (Camellia petelotii (Merr.) Sealy), thuộc chi Chè (Camellia L.) tại VQG Tam Đảo. Tuyển tập báo cáo khoa học Hội nghị KH toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ 6, Hà Nội; tr.1791-1797.

Tiếng Anh

  1. Dai, L., Li, J. L., Liang, X. Q., Li, L., Feng, Y., Liu, H. Z., Zhang, L. T. (2016). Flowers of Camellia nitidissima cause growth inhibition, cell-cycle dysregulation and apoptosis in a human esophageal squamous cell carcinoma cell line.  Molecular medicine reports, 14(2): 1117-1122.
  2. Hakoda, N., Kirino, S. and  Tran, N. (2007): New Species of Genus Camellia L. in Vietnam: Inter. Camellia Jour., Nº39: 54-57.
  3. Huang, Y. L., Chen, Y. Y., Wen, Y. X., Li, D. P., Liu, J. L., Wei, X. (2009a). Analysis of volatile components in Camellia nitidissima by GC-MS. Food Science and Technology, 8: 078.
  4. Huang, Y. L., Chen, Y. Y., Wen, Y. X., Li, D. P., Liang, R. G., Wei, X. (2009b). Effects of the extracts from Camellia nitidssima leaves on blood lipids. Lishizhen Medicine and Materia Medica Research, 20(4): 776-777.
  5. Ming, T.L. (1998); The classification, diffierentiation and distribution of  the genus Camellia sect. Camellia: Acta Bot. Yunnan, Nº 20(2): 127-148.
  6. Ming, T.L. & Bartholomew, B. (2007); Theaceae. In: Wu, Z.Y. & Raven P.H. (eds.); Flora of China, vol. 12; Science Press, Beịing and Missouri Bot. Garden press, St. Louis: 367-412.
  7. Orel, G. (2006.a); A new species of Camellia Section Piquetia (Theaceae) from Vietnam: Novon, Nº 16(2): 244-247.
  8. Qi, J., Shi, R. F., Yu, J. M., Li, Y., Yuan, S. T., Yang, J. Z., et al. (2016). Chemical Constituents from Leaves of Camellia nitidissima and Their Potential Cytotoxicity on SGC7901 Cells. Chinese Herbal Medicines, 8(1): 80-84.

Tiếng Pháp và tiếng La Tinh

  1. Chevalier, M.A. (1919); Premier inventaire des bois et autres produits fores du Tonkin: Bull. Écon. Indochine, 21: 495-552.
  2. Gagnepain, F. (1910); Theaceae: Lecomte, H. (ed.), Flore  Gén. des L᾽Indo-Chine, T.III, France, Paris: 341-346.
  3. Lanessan, J.M.A. (1886); Fl. Util. Colon. France, Paris: 296.
  4. Loureiro, J.(1790); Fl. Cochinchi.; Ulyssipone, T.I: 338-339 & T.II: 411

(Nguồn tin: Viện Dược Liệu)