Tin tức

Trung tâm Tài nguyên Dược liệu làm việc cùng đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam

CITES là tên viết tắt của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Convention on international trade in endangered species of wild fauna and flora). Công ước là thỏa thuận giữa các Chính phủ, nước thành viên với mục đích đảm bảo việc thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên và đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. Công ước được kí kết năm 1973 tại Washington và có hiệu lực từ năm 1975. Đến nay đã có trên 175 nước tham gia và Việt Nam trở thành viên của CITES từ năm 1994.

Để thực thi Công ước CITES, mới đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 và Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 22/09/2021 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam sẽ đánh giá lựa chọn và chỉ định các Cơ quan khoa học CITES là các đơn vị khoa học có năng lực phù hợp tham gia tư vấn cho Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam về các vấn đề liên quan đến thực thi các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước CITES.

Với hơn 5.000 loài cây thuốc đã được ghi nhận, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, trong đó có nhiều loài cây thốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị y tế và kinh tế cao. Do nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng gia tăng, nhiều loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm trong tự nhiên bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt và có nguy bị cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, nhiều loài cây thuốc đã được đưa vào danh mục CITES cũng như các văn bản quản lý của Việt Nam làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Viện Dược liệu là đơn vị nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu, trong đó điều tra, đánh giá hiện trạng và phân loại, giám định tính đúng các loài cây thuốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm có được cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu. Để phát huy năng lực và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và mong muốn đóng góp vào công tác quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững các loài cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của Việt Nam, Viện Dược liệu đã đăng ký và được Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam chính thức công nhận là Cơ quan khoa học CITES Việt Nam - lĩnh vực thực vật tại Quyết định số 4519/QĐ-BNN-TCLN ngày 22/11/2022.

Tham gia mạng lưới Cơ quan khoa học CITES Việt Nam, Viện Dược liệu sẽ thực hiện vai trò vụ tư vấn khoa học cho Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý liên quan về các vấn đề như: thực trạng quần thể, vùng phân bố, mức độ nguy cấp, quý, hiếm của các loài cây dược liệu hoang dã trong tự nhiên, xác định tên khoa học và giám định mẫu vật cây dược liệu và một số nội dung khác liên quan. Nhằm trao đổi định hướng hoạt động trong thời gian tới. Ngày 21/12/2022, Ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trung tâm Tài nguyên Dược liệu, đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động liên quan đến CITES của Viện Dược liệu. Trong buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Thanh Huyền -  Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu với đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cũng như những thành tựu của Viện Dược liệu, trong đó nhấn mạnh những kết quả liên quan đến nhóm cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm. Đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết, cây thuốc/cây dược liệu đang trở thành nhóm đối tượng thực vật mục tiêu của CITES và cần tiếp tục đánh giá bổ sung vào danh mục CITES nhằm quản lý, bảo tồn, khai thác bền vững trong tự nhiên. Đồng thời cũng ghi nhận Viện Dược liệu là đơn vị phù hợp cả về chuyên môn và chức năng nhiệm vụ cho việc thực thi các nội dung theo Công ước CITES cho nhóm cây thuốc. Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất một số định hướng triển khai trong thời gian tới bao gồm điều tra, đánh giá trữ lượng một số loài cây thuốc có trong danh mục CITES; hợp tác rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục; tham gia các hoạt động đào tạo liên quan đến nguồn tài nguyên dược liệu, …Kết thúc buổi làm việc, cán bộ Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cũng nhất trí đề xuất và xây dựng kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Đại diện cán bộ Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thăm phòng Trưng bày Tiêu bản và Mẫu dược liệu tại Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu)

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)

Tags: Cites