Tin tức

Viện Dược liệu tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Thị Hằng

Sáng ngày 31/08/2023, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hằng, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và tác dụng chống viêm in vitro của cây Dây đòn gánh (Gouania leptostachya DC.), họ Táo ta (Rhamnaceae)”. dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thu và PGS.TS. Trần Văn Ơn.

Thành phần tham dự buổi lễ có Hội đồng đánh giá luận án, đại diện Viện Dược liệu, phòng Khoa học và Đào tạo, Các cán bộ khoa Hóa Phân tích Tiêu chuẩn, đại diện các phòng ban của Viện Dược liệu, gia đình, bạn bè và các nghiên cứu sinh của Viện  Viện Dược liệu quan tâm đến dự.

Trong gần 30 phút trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu thu được, NCS đã thể hiện được những nét nổi bật của luận án - Về thực vật học: Đã xác định tên khoa học và mô tả được đặc điểm hình thái thực vật của mẫu nghiên cứu là Gouania leptostachya DC. var. tonkinensis Pitard, thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Đã mô tả đặc điểm vi phẫu thân, lá và đặc điểm bột thân và lá của mẫu Dây đòn gánh nghiên cứu. Các kết quả này là cơ sở cho việc phân loại loài này, cho xây dựng tiêu chí định tính trong kiểm nghiệm dược liệu đòn gánh. - Về hóa thực vật học: đây là phần có nhiều đóng góp mới của Luận án với mức độ tốt. Từ phần trên mặt đất loài Dây đòn gánh nghiên cứu, đã phân lập và xác định được cấu trúc của 05 hợp chất saponin mới thuộc nhóm damaran (gouaniasid VII-IX, joazeirosid C và gouaniosid A); 04 hợp chất flavonoid (quercitrin, isoquercitrin, catechin, kaempferol-3-O-[(6-O-E-caffeoyl)-β-ᴅ-galactopyranosyl]-(1→2)-α-ʟ-rhamnopyranosid) cùng với 1 hợp chất fructosid (n-butyl-β-ᴅ-fructopyranosid) lần đầu được phân lập từ chi Gouania; và 03 hợp chất triterpenoid (lupeol, acid alphitolic, acid epigouanic) lần đầu tiên được phân lập từ loài G. leptostachya. - Về tác dụng chống viêm: đã chứng minh được tác dụng ức chế enzyme COX-2 của các cao chiết, phân đoạn và các hợp chất phân lập được ở các nồng độ thử < 20 mg/ml, trên mô hình tế bào RAW264.7 bị kích thích viêm bởi LPS. Đã chứng minh tác dụng ức chế của các cao chiết và một số hợp chất phân lập được đối với sự tạo thành các tác nhân gây viêm NO, PGE2, IL-1b, IL6, và TNFa. NCS cũng đề xuất cơ chế tác dụng chống viêm ở mức độ tế bào trên mô hình tế bào RAW264.7 bị kích thích bởi LPS (sơ đồ 4.5, tr 135). Hợp chất GL7 (acid alphitolic) có tác tốt nhất trong số các hợp chất phân lập được thử tác dụng, ức chế sản sinh NO (nồng độ 2 µM); ức chế sản sinh PGE2, làm giảm biểu hiện mARN và protein của COX-2 ở nồng độ 3 µM; ức chế sự hoạt động COX-2 luciferase và ức chế sản sinh IL-1β, IL-6 (nồng độ 10 µM).

Các kết quả thử này có gợi ý giải thích cho việc sử dụng dược liệu trong y học dân gian: có các tác dụng chống viêm, giảm đau. Các kết quả nghiên cứu về tác dụng chống viêm của cao chiết và các hợp chất phân lập được là công bố đầu tiên về các tác dụng chống viêm của dây đòn gánh.

Nghiên cứu sinh đã có tổng số 04 công trình công bố liên quan đến luận án, trong đó có 02 công trình công bố quốc tế (trên tạp chí Natural Product Research, tạp chí Journal of Microbiology and Biotechnology) và 02 công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước (tạp chí Dược liệu).

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ đạt yêu cầu theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Viện Dược liệu. Luận án có ý nghĩa khoa học, sử dụng các phương pháp thường quy có độ tin cậy và đã có những đóng góp mới về dược liệu đòn gánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hội đồng cũng đã đưa ra những điểm cần sửa chữa để nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện hơn luận án của mình, trước khi nộp lại cho Thư viện Quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thu và PGS. TS. Trần Văn Ơn là hai thầy cô hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hằng cũng phát biểu ghi nhận những nỗ lực học tập của NCS để vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập nghiên cứu hoàn thiện luận án.

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Nguyễn Thị Hằng sau khi sửa chữa hoàn thiện luận án theo góp ý của Hội đồng và nộp lưu luận án tại thư viện Quốc gia.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)