Sáng ngày 29/11/2024, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu, chuyên ngành Dược liệu, Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng ung thư in vitro của loài Nghệ đắng (Curcuma zedoaroides Chaveer. & Tanee), họ Gừng (Zingiberaceae)”; Tập thể hướng dẫn gồm: PGS. TS. Đỗ Thị Hà và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Tuấn.
Thành phần tham dự buổi bảo vệ gồm: Hội đồng đánh giá, PGS. TS. Đỗ Thị Hà – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, đại diện phòng Khoa học và Đào tạo – Viện Dược liệu, tập thể hướng dẫn Nghiên cứu sinh, Viện Y học cổ truyền Quân đội - cơ quan công tác của NCS, cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Dược liệu cùng các NCS Viện Dược liệu, gia đình, bạn bè quan tâm tới dự.
Tại buổi bảo vệ, NCS Nguyễn Thị Thu đã trình bày tóm tắt những kết quả đạt được của luận án, cụ thể: Về thành phần hóa học: Đã xác định hàm lượng và các thành phần hóa học có trong tinh dầu của thân rễ (EOR), thân giả (EOPS) và lá (EOL) cây Nghệ đắng. + Đã phân lập và xác định được cấu trúc của 14 hợp chất từ Nghệ đắng, bao gồm: Phaeocaulisin E (R1), (1R,4S,5S,10R)-zedoarondiol (R2), (1S,4S,5S,10R) zedoarondiol (R3), isoprocurcumenol (R4), neoprocurcumenol (R5), procurcumenol (R6), 1-epi-procurcumenol (R7), aerugidiol (R8), curcumenol (R9), curcumenon (R10), curcuminol E (R11), zerumin A (R12), curdion (AP1) và β-sitosterol (AP2). Đã xác định được các thành phần bay hơi trong cao n-hexan của thân rễ (RH) và phần trên mặt đất (APH) Nghệ đắng. Hàm lượng (1R,4S,5S,10R)-zedoarondiol (R2) trong mẫu Nghệ đắng khảo sát dao động từ 0,017 – 0,071% và hàm lượng curdion (AP1) đạt trong khoảng từ 0,322 – 0,502%. Về hoạt tính kháng ung thư: Tinh dầu thân rễ (EOR, IC50: 23,14 - 83,67 µg/mL) và tinh dầu lá (EOL, IC50: 43,88 - 81,32 µg/mL) thể hiện hoạt tính gây độc tế bào ung thư in vitro yếu. Cao n-hexan thân rễ Nghệ đắng (RH, IC50: 5,43 - 11,96 µg/mL) thể hiện hoạt tính gây độc tế bào ung thư in vitro mạnh nhất, trong khi, các cao EtOAc (RE, IC50: 7,61 - 11,96 µg/mL) và cao nước (RW, IC50: 7,53 - 11,88 µg/mL) thể hiện hoạt tính gần tương đương nhau. Ngược lại, cao n-hexan của phần trên mặt đất (APH, IC50: 49,76 - 86,30 µg/mL) có hoạt tính yếu hơn. 10 hợp chất (R1-R9, R11 và R12) đều thể hiện hoạt tính gây độc tế bào in vitro mạnh nhất trên dòng tế bào A549 (IC50: 3,13 - 13,54 µM). Ngoài ra, R2 (IC50: 3,64 - 11,91 µM), R8 (IC50: 7,22 - 12,03 µM) và R11 (IC50: 3,13 - 10,98 µM) thể hiện hoạt tính mạnh hơn. Hợp chất R8 (aerugidiol, 0,3 - 1 µM) làm tăng biểu hiện của các protein p53 và p21. Tác dụng trên p53 tăng theo nồng độ thử nghiệm. Ngoài ra, hợp chất này cũng thể hiện ái lực liên kết mạnh trên cả EGFR (∆G = -7,209 kcal/mol) và HER2 (∆G = -8,613 kcal/mol).
NCS đã có tổng số 04 công trình công bố liên quan đến luận án, trong đó có 03 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế (trên các tạp chí Biochemical Systematics and Ecology, Journal of Essential Oil Bearing Plants, Journal of Biologically Active Products from Nature), 01 bài trên Tạp chí Dược liệu).
PGS. TS Nguyễn Hoàng Tuấn, đại diện tập thể hướng dẫn của NCS cũng biểu dương về tinh thần học tập nghiên cứu, những nỗ lực vượt qua khó khăn trong suốt quá trình học và thực nghiệm của NCS. Thầy cảm ơn các thầy cô trong Hội đồng đánh giá luận án đã làm việc vô cùng nghiêm túc, có những ý kiến đóng góp xác đáng để Nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án trước khi nộp lưu tại Thư viện Quốc gia.
Kết thúc buổi lễ, NCS tặng hoa bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ hướng dẫn khoa học, Hội đồng đánh giá luận án, và Viện Dược liệu. Đồng thời về phía Viện Dược liệu, PGS. TS Đỗ Thị Hà phát biểu chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thu đã hoàn thành xuất sắc quá trình học tập, đạt được những kết quả mới đóng góp cho mã ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền và động viên NCS tiếp tục cống hiến, phát triển cho công tác chuyên môn tại Viện Dược liệu. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền cho NCS Nguyễn Thị Thu.
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)