Sáng ngày 24/04/2024, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Phạm Thị Lan, chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng (mã số: 9720205) với tên đề tài: “Nghiên cứu tác dụng chống đái tháo đường của lá cây xấu hổ (Mimosa Pudica L.) trên thực nghiệm "; Tập thể hướng dẫn gồm: PGS. TS. Bùi Thanh Tùng và PGS.TS. Phạm Thị Nguyệt Hằng.
Thành phần tham dự buổi bảo vệ gồm: Hội đồng đánh giá, PGS. TS. Đỗ Thị Hà – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, đại diện phòng Khoa học và Đào tạo – Viện Dược liệu, tập thể hướng dẫn Nghiên cứu sinh, Khoa Dược – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cơ quan công tác của NCS, cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Dược liệu cùng các NCS Viện Dược liệu, gia đình, bạn bè quan tâm tới dự.
Tại buổi bảo vệ, NCS Phạm Thị Lan đã trình bày tóm tắt những kết quả đạt được của luận án, cụ thể: Về tác dụng hạ đường huyết trên Thử nghiệm dung nạp glucose (OGTT): đã đánh giá tác dụng của cao ethanol toàn phần và 3 cao phân đoạn của cây xấu hổ với liều 100mg/kg, thấy cao phân đoạn EtOAc có tác dụng tốt nhất, sau đó kiểm tra lại trên 2 mức liều 50mg và 100mg/kg, nhận thấy ở cả 2 mức liều, cao EtOAc đều làm giảm đường huyết so với lô chứng (p<0,01). Thử nghiệm trên chuột bị gây đái tháo đường týp 2 do chế độ ăn giàu béo và STZ: cao EtOAc với mức liều 50 và 100mg/kg sau 60 ngày cho uống đã làm giảm đường máu, giảm mỡ máu (LDL, cholesterol, TG), tăng HDL, giảm microalbumin niệu (không có YNTK), giảm creatinin máu, tăng creatinin niệu, tăng hệ số thanh thải creatinin, giảm nồng độ TNF-a, IL-1b, giảm hàm lượng MDA, tăng SOD, tăng CAT, tăng GPx ở biểu mô thận, cải thiện các tổn thương mô học ở thận. Về cơ chế tác dụng, Thử nghiệm ức chế enzym a-glucosidase và PTB-1B của 2 hợp chất phân lập: nồng độ IC50 của 2 hợp chất trên in vitro khá cao: > 400 mM với a-glucosidase và từ 250 – 450 mM với PTB-1B. Trên in silico, tác giả đã đánh giá mô hình docking, đánh giá năng lượng liên kết của phối tử, đánh giá khả năng giống thuốc và phân tích thông số dược động học, động lực học của 2 hợp chất, nhận thấy tính ổn định của phức hợp enzym-phối tử cần nghiên cứu trong một khoảng thời gian dài hơn. Tác dụng bảo vệ đối với độc tính MGO: cao phân đoạn EtOAC và 2 chất tinh khiết acid protocatechuic, acid syringic với liều 25 và 50 mg/mL đã làm giảm sự hình thành AGEs gây ra bởi MGO, và phá vỡ liên kết giữa MGO với AGEs.
NCS đã có tổng số 03 công trình công bố liên quan đến luận án, trong đó có 02 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế (Tạp chí Bioactive Compounds; Tạp chí Letters and Drug design & Discovery) và 01 công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước (tạp chí Y Dược – Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS. TS Bùi Thanh Tùng, đại diện tập thể hướng dẫn của NCS cũng phát biểu khen ngợi về tinh thần học tập nghiên cứu, những nỗ lực vượt qua khó khăn trong suốt hơn 4 năm học, làm thực nghiệm của NCS. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Phạm Thị Lan.
Kết thúc buổi lễ, NCS tặng hoa bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ hướng dẫn khoa học, Hội đồng đánh giá luận án, và Viện Dược liệu. Đồng thời về phía Viện Dược liệu, PGS. TS Đỗ Thị Hà đã phát biểu cảm ơn các thầy cô trong Hội đồng đánh giá luận án đã làm việc vô cùng nghiêm túc, có những ý kiến đóng góp xác đáng để Nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án trước khi nộp lưu tại Thư viện Quốc gia. PGS. TS Đỗ Thị Hà chúc mừng NCS Phạm Thị Lan đã hoàn thành xuất sắc quá trình học tập, đạt được những kết quả mới đóng góp cho mã ngành dược lý, đồng thời căn dặn NCS tiếp tục giữ lửa trong đam mê nghiên cứu khoa học để cống hiến cho công tác giảng dạy tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong chặng đường tiếp theo.
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)