Tin tức

Viện Dược liệu tổ chức lớp Đào tạo về công tác Bảo tồn nguồn gen cây thuốc

Ngày 18/3/2021 Viện Dược liệu tổ chức lớp đào tạo về công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc theo Quyết định số 230/QĐ-VDL ngày 10/3/2021 của Viện trưởng Viện Dược liệu. Khóa học được diễn ra trong hai ngày 18/3 và 19/3/2021 tại Viện.

Học viên của khóa đào tạo là các cán bộ đang tham gia thực hiện công tác lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây thuốc tại các đơn vị trực thuộc Viện như: Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sapa, Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, Trung tâm Sâm và dược liệu Tp. Hồ Chí Minh. PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu, là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc, làm giảng viên chính của khóa học.

PGS. TS. Phạm Thanh Huyền giới thiệu về công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu

  Tại khóa đào tạo, các học viên được PGS. TS Phạm Thanh Huyền cập nhật và phổ biến các quy định mới tại Quyết định 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thông tư 17/2016/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Ngoài ra, các học viên cũng tích cực thảo luận một số các vấn đề tồn tại trong công tác bảo tồn nguồn gen tại các đơn vị, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Trong ngày thứ 2 của chương trình đào tạo (19/3/2021), PGS. TS. Phạm Thanh Huyền cùng các chuyên gia đã hướng dẫn các học viên xây dựng bộ câu hỏi, mẫu phiếu điều tra, thu thập và mô tả chi tiết các thông tin liên quan trong công tác dữ liệu hóa nguồn gen. Đồng thời, các chuyên gia cũng đã hướng dẫn các học viên thực hành nhập dữ liệu, xử lý, phân tích và tư liệu hóa trong hệ thống mạng lưới thông tin bảo tồn nguồn gen Quốc gia.

Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã được học hỏi, bổ sung nhiều kiến thức và kỹ năng trong công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc, góp phần hoàn thành tốt công tác được giao tại đơn vị.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)