VTV.vn - Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu; lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Đây là nội dung trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều ý kiến đã được các địa phương cùng các doanh nghiệp, HTX thảo luận tại Diễn đàn dược liệu Việt Nam diễn ra sáng 25/7.
Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều loại dược liệu như quế, hồi, thảo quả... nhưng đến nay vẫn riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.
Để phát triển kinh tế dược liệu, các đại biểu chỉ ra, rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân; đồng thời, phát huy khu vực kinh tế tập thể như HTX, Tổ hợp tác thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.
(Nguồn tin: Đài Truyền hình Việt Nam)