Bản tin dược liệu

Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc đặc biệt phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (2016), đã phát hiện và ghi nhận ở Việt Nam có trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Do đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng, vùng Tây Bắc có nguồn dược liệu phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

Từ nhiều năm qua, Viện Dược liệu đã tiến hành điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu và xác định được thành phần loài cây thuốc tại một số địa phương của vùng Tây Bắc như: Yên Bái (510 loài), Lào Cai (749 loài), Điện Biên (535 loài), Lai Châu (875 loài), Sơn La (562 loài), Hoà Bình (649 loài)... Trong tổng số 50 loài cây dược liệu được các địa phương trồng với diện tích trên 10 ha, thì Tây Bắc có 36 loài như: Đương quy, Cát cánh, Sa nhân tím, Thảo quả, Actiso, Ý dĩ, Hồi, Quế, Gấc, Đinh lăng, Ba kích… Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của các địa phương vùng Tây Bắc để phát triển kinh tế xã hội.

Nhằm phát huy lợi thế của vùng Tây Bắc, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phát triển dược liệu, ngày 15/12/2017 tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ban Kinh tế Trương ương, Bộ Y tế và tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị “Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc”.

Đồng chí Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ y tế báo cáo về công tác phát triển dược liệu ở vùng Tây Bắc tại Hội nghị “Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc”

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng về nguồn tài nguyên dược liệu, có điều kiện thuận lợi để phát triển, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển dược liệu và y dược cổ truyền. Chính phủ đã có các chương trình để phát triển dược liệu như: Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030… Tuy nhiên, dược liệu chưa thực sự trở thành ngành mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh cao; chưa phát huy hết tiểm năng và lợi thế của Việt Nam. Để phát triển dược liệu vùng Tây Bắc, cần đánh giá toàn diện về thực trạng, tiềm năng dược liệu trên địa bàn; xác định các loại dược liệu có ưu thế để phát triển; tìm các giải pháp toàn diện từ trồng trọt, chế biến, sản xuất đến tiêu thụ dược liệu; phát huy vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông trong công tác phát triển dược liệu.

Tại hội nghị, nhiều địa phương, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh dược liệu đã nêu những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển dược liệu. Trong đó, chủ yếu là những khó khăn về giống, vốn, điều kiện tự nhiên, quy trình kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đầu ra không ổn định, sự đầu tư chưa đồng bộ… Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề xuất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho phát triển dược liệu vùng Tây Bắc nhằm hướng tới mục tiêu đưa cây dược liệu phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Tây Bắc. Thông qua hội nghị, hy vọng rằng các địa phương vùng Tây Bắc sẽ có những chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước để đẩy mạnh công tác phát triển dược liệu, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)