Đào tạo

Viện Dược liệu tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Đinh Thị Thanh Thủy

Sáng ngày 10/11/2023, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho Nghiên cứu sinh Đinh Thị Thanh Thủy, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của cây giảo cổ lam quả dẹt (Gynostemma compressum X. X. Chen & D.R. Liang)”, dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Phạm Thanh Kỳ và PGS.TS. Phạm Thanh Huyền.

Thành phần tham dự buổi lễ có Hội đồng đánh giá luận án, đại diện Viện Dược liệu, đại diện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, phòng Khoa học và Đào tạo, các cán bộ nghiên cứu của Viện Dược liệu, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và các nghiên cứu sinh của Viện Dược liệu quan tâm đến dự.

Trong gần 30 phút trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu thu được, NCS đã thể hiện được những nét nổi bật của luận án + Đã nghiên cứu chi tiết về đặc điểm hình thái, thẩm định tên khoa học và xác định đặc điểm vi phẫu thân, lá và đặc điêm bột dược liệu. + Đã phân lập và xác định cấu trúc được 17 hợp chất từ phần trên mặt đất, trong đó có 14 chất mới trong tự nhiên. + Đã xác định liều LD50 của cao nước là 20,4g cao đặc/kg và cao cồn là 23,78g/kg, tương ứng với 102 và 90,23g dược liệu. + Đã chứng minh phân đoạn n-hexan và butanol có tác dụng ức chế tích tụ lipid invitro trên tế bào HepG2 với tỷ lệ 13,97 và 19,73% so với đối chứng. + Đã chứng minh tất cả các cao chiêt (cao chiết tổng, phân đoạn n-hexan, ethylaxetat, butanol và cao nước) có tác dụng làm tăng hoạt hóa p-AMPK và p-ACC. + Đã chứng minh các hợp chất phân lập được có tác dụng chống ĐTĐ in vitro, thông qua các tác dụng hoạt hóa p-AMPK và p-ACC, trong đó riêng hợp gycomosid VN3 vừa hoạt hóa P-AMPK và p-ACC vừa ức chế FAS và SREBP-1c là các đích điều trị ĐTĐ. + Đã chứng minh cao chiết cồn 80% có tác dụng hạ đường huyết với liều 0,96 và 2,88 g/kg/ngày, hai liều này có tác dụng tương đương nhau và tương đương với gliclazid 80mg/kg/ngày.

Các kết quả thử này đã cung cấp cơ sở khoa học về đặc điểm thực vật, thành phần hóa học, độc tính cấp (đã xác định LD0, LD50, LD100) và tác dụng bảo vệ gan, chống oxi hóa, bảo vệ tế bào thần kinh. Do đó, luận án có ý nghĩa thực tiễn, góp phần phát triển sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong tương lai của cây giảo cổ lam quả dẹt.

Nghiên cứu sinh đã có tổng số 04 công trình công bố liên quan đến luận án, trong đó có 01 công trình công bố quốc tế (trên tạp chí Phytochemistry) và 03 công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước (Tạp chí Dược liệu, tạp chí Y Dược học, Tạp chí Y học Việt Nam – Đại học Y Hà Nội).

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ đạt yêu cầu theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Viện Dược liệu. Luận án có ý nghĩa khoa học, sử dụng các phương pháp thường quy có độ tin cậy và đã có những đóng góp mới về dược liệu đòn gánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hội đồng cũng đã đưa ra những điểm cần sửa chữa để nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện hơn luận án của mình, trước khi nộp lại cho Thư viện Quốc gia.

GS.TS. Phạm Thanh Kỳ và PGS. TS. Phạm Thanh Huyền là hai thầy cô hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Đinh Thị Thanh Thủy cũng phát biểu ghi nhận sự kiên trì, nỗ lực học tập vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình học tập nghiên cứu để đạt được những kết quả của luận án.

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Đinh Thị Thanh Thủy sau khi sửa chữa hoàn thiện luận án theo góp ý của Hội đồng và nộp lưu luận án tại thư viện Quốc gia.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)