Đào tạo

Viện Dược liệu tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Lê Quốc Hùng

Sáng ngày 07/12/2022, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho Nghiên cứu sinh Lê Quốc Hùng, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng kháng một số dòng tế bào ung thư của rễ cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), họ Hoa môi (Lamiaceae)”. dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phương Thiện Thương và PGS.TS. Nguyễn Hữu Tùng.

Thành phần tham dự buổi lễ có Hội đồng đánh giá luận án, đại diện Viện Dược liệu, phòng Khoa học và Đào tạo, đại diện cơ quan làm việc của Nghiên cứu sinh, Chuyên viên của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, gia đình, một số nghiên cứu sinh và cán bộ chuyên môn của Viện Dược liệu quan tâm đến dự.

Trong gần 30 phút trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu thu được, NCS đã thể hiện được những nét nổi bật của luận án- Đã phân lập được 17 hợp chất có 03 hợp chất acid 7 beta, 24 dihydroxy ursolic (7), acid 24-hydroxy corsolic (8), iriflophenon 2-O-α-L-rhamnopyranosid (13) lần đầu tiên phân lập từ chi Salvia; 04 hợp chất maslinic (11) acid asiatic (12), ethyl rosmarinat (16) và ethyl salvianolat A (17) lần đầu tiên phân lập từ loài Salvia miltiorrhiza. Ngoài ra luận án cũng xây dựng một phương pháp phân tích đơn giản, dễ thực hiện và định lượng đồng thời được 3 hoạt chất tanshinon I, II và Cryptotanshinon trong dược liệu Đan sâm.- Đã nghiên cứu tác dụng ức chế sự phát triển trên 3 dòng tế bào ung thư máu HL60, Jukat và U937, 4 dòng tế bào ung thư đường ruột DLD-1; COLO 205, Caco-2; HCT-15, 02 dòng tế bào ung thư tuyến tiền liệt PC-03 và LNCap FGC, và dòng tế bào ung thư vú MCF-7 của trijuganon. - Đã nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư máu HL60 của hợp chất iriflophenon 2-O-α-L-rhamnopyranosid (13). - Đã nghiên cứu tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư  máu HL60 thông qua kích thích quá trình gây chết tế bào theo chương trình apoptosis của chất số 2. Cơ chết được xác định do khả năng hoạt hóa protein PARP và các caspase-3, 8 và 9 và gây rối loạn chức năng ty thể của trijuganon C (2).

Nghiên cứu sinh đã công bố 05 công trình liên khoa học liên quan đến luận án, trong đó có 02 công trình công bố quốc tế (trên tạp chí Phytotherapy Research và Natural Product Communications) và 03 công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước (Tạp chí Dược liệu, Tạp chí Hóa học).

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ đạt yêu cầu theo quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo và của Viện Dược liệu. Luận án có ý nghĩa khoa học, sử dụng các phương pháp thường quy có độ tin cậy và có những đóng góp mới trong nghiên cứu về dược liệu Đan sâm trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hội đồng cũng đã đưa ra những điểm cần sửa chữa để nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện hơn luận án của mình, trước khi nộp lại cho Thư viện Quốc gia.

PGS.TS. Phương Thiện Thương, là thầy hướng dẫn của nghiên cứu sinh Lê Quốc Hùng cũng ghi nhận sự kiên trì, nỗ lực học tập vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình học tập nghiên cứu để đạt được những kết quả của luận án.

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Lê Quốc Hùng sau khi sửa chữa hoàn thiện luận án theo góp ý của Hội đồng và nộp lưu luận án tại thư viện Quốc gia.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)