Định hướng NCKH

Kết quả hoạt động khoa học công nghệ Viện Dược Liệu giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng phát triển đến năm 2025

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Dược liệu được thành lập theo Quyết định số 324/QĐ-BYT ngày 13/4/1961 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Viện được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu, tư vấn về công tác phát triển dược liệu, nghiên cứu sản xuất thuốc và các chế phẩm từ dược liệu, nghiên cứu hiện đại hóa các dạng bào chế thuốc y học cổ truyền và đào tạo cán bộ chuyên ngành dược liệu.

Ngay từ khi thành lập, nghiên cứu khoa học luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Viện. Các nhiệm vụ khoa học của Viện tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, nâng cao trình độ nghiên cứu, tiếp cận với thế giới và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành y tế. Các cán bộ khoa học chủ động và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển Viện và đáp ứng yêu cầu phát triển dược liệu của đất nước.

            Trong giai đoạn 2016–2020, Viện thực hiện 518 nhiệm vụ, trong đó chủ trì và phối hợp thực hiện 151 nhiệm vụ cấp cao (chủ trì 70 nhiệm vụ, phối hợp 81 nhiệm vụ) và 367 nhiệm vụ KHCN cấp Viện. Các nghiên cứu của Viện tập trung ở các lĩnh vực: điều tra, đánh giá hiện trạng, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu; chọn tạo giống và phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc; kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu và phát triển một số sản phẩm, chế phẩm từ dược liệu.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác nghiên cứu khoa học, chất lượng nguồn nhân lực của Viện không ngừng được nâng lên. Tính đến 31/12/2020, Viện có 206 cán bộ, gồm 04 phó giáo sư, 29 tiến sĩ khoa học/tiến sĩ, 76 thạc sĩ, 72 cán bộ đại học và 29 trung cấp, hợp đồng 68. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu cũng được đầu tư, cải thiện nhằm hiện đại hóa môi trường nghiên cứu cho cán bộ của Viện.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA VIỆN DƯỢC LIỆU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

2.1. Công tác tài nguyên dược liệu

* Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu

- Giai đoạn 2016 - 2020, Viện Dược liệu hoàn thành điều tra nguồn tài nguyên dược liệu tại 13 tỉnh thuộc các vùng như sau: Vùng Tây Bắc (Khu vực lòng hồ thủy điện Lai Châu và thủy điện Sơn La thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái), vùng Đông Bắc (Lạng Sơn), vùng Đông Nam Bộ (Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát thuộc tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia Côn Đảo và Khu dự trữ thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ thuộc TP. Hồ Chí Minh); vùng Tây Nam Bộ (Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Rừng đặc dụng Hòn Đất – Kiên Hà thuộc tỉnh Kiên Giang) phục vụ công tác bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu.

- Phối hợp với 05 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hoá, Lạng Sơn xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu. Trong đó, 02 tỉnh Lào Cai, Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2030. Hiện Viện đang tiếp tục phối hợp triển khai với 03 tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông, Bắc Giang.

- Xác định được hơn 70 loài có tiềm năng khai thác, tập trung ở một số loài/nhóm loài: Các loài sâm, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, qua lâu, kim ngân, ngũ vị tử, sâm cau, muồng truổng, sa nhân, thiên niên kiện…

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và xuất bản Danh lục cây thuốc Việt Nam (năm 2016), gồm 5.117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch, một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn.

- Bổ sung và tái bản cuốn sách Cây thuốc Nghệ An với hơn 400 loài thực vật làm thuốc (năm 2018).

* Công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen và giống dược liệu

- Tiếp tục mở rộng và củng cố hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen do Bộ Y tế giao Viện Dược liệu làm đầu mối quản lý, gồm 5 đơn vị trực thuộc Viện Dược liệu và Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu miền Trung.

- Phối hợp với một số địa phương, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện công tác bảo tồn in situex situ nguồn tài nguyên cây dược liệu: Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hoáĐồng Nai, Vườn Quốc gia Bình Châu Phước Bửu, Vườn Quốc gia Côn Đảo,...

- Duy trì, củng cố hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen với 1.168 nguồn gen của 760 loài/dưới loài tại 5 vườn bảo tồn thuộc các vùng sinh thái khác nhau: vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo – Vĩnh Phúc), vùng núi cao phía Bắc (Sa Pa – Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa) và vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh).

- Trong số các loài đang được bảo tồn và lưu giữ có nhiều loài quí hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu; loài có giá trị kinh tế; loài có nguồn gốc từ nước ngoài đã thích nghi và có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất dược liệu ở Việt Nam.

* Công tác bảo tồn tri thức sử dụng cây thuốc/bài thuốc của đồng bào các dân tộc Việt Nam

- Điều tra, thu thập và lập danh mục các cây thuốc/ bài thuốc của một số cộng đồng dân tộc tại một số địa phương như cộng đồng dân tộc Mông, Dao tại các địa bàn thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên (thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái...), cộng đồng Sán Chay, Sán Dìu tại các địa bàn thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo (thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên).

- Hiện nay, trong hệ thống vườn bảo tồn của Viện đang lưu giữ các nguồn gen cây thuốc từ các bài thuốc YHCT của cộng đồng các dân tộc:

+ Vườn cây thuốc Y học cổ truyền tại Hà Nội: Lưu giữ 45 nguồn gen cây thuốc với diện tích 360 m2.

+ Vườn cây thuốc Y học cổ truyền tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc: Lưu giữ 60 nguồn gen cây thuốc với diện tích 360 m2.

+ Vườn cây thuốc Y học cổ truyền tại Sa Pa – Lào Cai: Lưu giữ 50 nguồn gen cây thuốc với diện tích 300 m2.

+ Vườn cây thuốc Y học cổ truyền tại Thanh Hóa: Lưu giữ 101 nguồn gen cây thuốc với diện tích 1000 m2.

+ Vườn cây thuốc Y học cổ truyền tại Tp. Hồ Chí Minh: Lưu giữ 50 nguồn gen cây thuốc với diện tích 400 m2.

2.2. Công tác phát triển giống và vùng trồng dược liệu tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc

* Công tác nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu

- Thu thập, đánh giá được đặc điểm nông sinh học của 54 loài cây dược liệu, trong đó có 15 nguồn gen nhập nội, phục vụ công tác nghiên cứu phát triển giống.

- Nghiên cứu, chọn lọc được 17 giống dược liệu (gấc, ngưu tất, bồ công anh, địa liền, hồng hoa, cúc hoa vàng, hương nhu tía, hy thiêm, cà gai leo, gấc, nhân nhần, xuyên tâm liên, địa hoàng, bạch truật, ngưu bàng, huyền sâm, bạch hoa xà thiệt thảo). Các giống này sẽ tiếp tục được khảo nghiệm để công bố lưu hành vào giai đoạn 5 năm tiếp theo.

- 04 giống dược liệu đã được cấp bằng bảo hộ bao gồm: đan sâm, đương quy, đảng sâm Trung Quốc, cát cánh.

- Đã xây dựng được 7 quy trình sản xuất giống và dự thảo 24 tiêu chuẩn kỹ thuật khảo nghiệm giống cho 24 đối tượng cây dược liệu.

* Xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt và phát triển vùng nguyên liệu

- Ban hành 195 quy trình và 21 tiêu chuẩn cây giống, hạt giống dược liệu, tiếp tục chuẩn hóa các quy trình để áp dụng vào sản xuất.

- Hỗ trợ chuyển giao cho 24 dự án của 28 đối tượng dược liệu tại 20 tỉnh/thành khắp cả nước (khoảng 500 ha trồng dược liệu theo GACP-WHO).

- Thẩm định 45 quy trình trồng và sơ chế dược liệu cho một số đơn vị như: Công ty CP Dược liệu Việt Nam, Công ty Traphaco, Nam Dược, công ty CP Dược Lâm Đồng …nhằm thực hiện quy trình thẩm định và đánh giá vùng trồng dược liệu đạt GACP-WHO.

2.3. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm thuốc dược liệu

2.3.1. Xuất phát từ các sản phẩm trước đây của Viện

- Hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cấp tiêu chuẩn các sản phẩm của Viện: Angobin (chuyển từ viên nén bao đường sang viên nén bao phim), Sotinin (chuyển từ viên nén bao đường sang viên nang), Abivina (chuyển từ viên nén bao đường sang viên nén bao phim), Somatan (chuyển từ viên nang cứng sang viên nén bao phim): là nghiên cứu của khoa BCCB nên chỉ dừng ở quy mô PTN.

- Xuất phát từ những NCKH giai đoạn trước để hoàn thiện cơ sở dữ liệu (về chiết xuất, bào chế, tác dụng tiền lâm sàng...) với 1 số đối tượng đã có dữ liệu nghiên cứu tiềm năng: Asphocitrin, thuốc ho (húng chanh, xạ can, cát cánh).

2.3.2. Nghiên cứu các sản phẩm mới

- Sản phẩm tập trung nghiên cứu vào nhóm bệnh: tăng cường trí nhớ từ cây rau đắng biển, hỗ trợ điều trị Alzheimer’s từ rau đắng biển.

- Chuỗi sản phẩm từ gừng: dầu gừng, TD gừng, trà tan, dầu xoa.

- Sản phẩm: gel nano Curcuminoid, gel nano THC, nanoeumugel capsaicinoid.

- Các sản phẩm khác: viên sủi ngâm chân, viên nang cứng Biohemotri, viên bao phim Ban âu, viên nang cứng Me rừng.

2.3.3. Hiện đại hóa bài thuốc Y học cổ truyền

- Hiện đại hóa bài thuốc YHCT: Hoắc đởm hoàn.

2.4. Nghiên cứu quy trình công nghệ

2.4.1. Quy trình công nghệ quy mô phòng thí nghiệm

- Ban hành quy trình tổng hợp và tinh chế (S)-clopidogrel bisulfate ở quy mô phòng thí nghiệm theo 3 con đường tổng hợp.

- Quy trình chiết xuất các cao: cao ban âu, cao rau đắng biển (ĐT cấp Bộ Ytế), cao bảy lá một hoa, cao hương nhu tía, cao định chuẩn: đan sâm, nhọ nồi, ngải đen, hoàng cầm, cát cánh.

-  Quy trình phân lập chất đối chiếu: vitexin, isovitexin và isoschaftosid từ kim tiền thảo; darutigenol và darutosid từ hy thiêm, bacoside A3, bacopasid I từ Rau đắng biển, catalpol và verbascosid từ địa hoàng, negundosid và agnusid từ ngũ trảo.

- Quy trình bào chế (08): quy trình bào chế viên nén bao phim từ rau đắng biển (5.000 viên/ mẻ), quy trình bào chế viên nén bao phim Angobin (2kg/ mẻ), quy trình bào chế viên nén bao phim Abivina (2kg/ mẻ), quy trình bào chế viên nén bao phim Somatan (5.000 viên/ mẻ), quy trình bào chế viên sủi ngâm chân, quy trình bào chế gel nano Curcuminoid (300g/mẻ), quy trình bào chế eumugel THC (300g/mẻ), quy trình bào chế dầu xoa từ gừng.

2.4.2. Quy trình công nghệ quy mô pilot

- Quy trình tổng hợp và tinh chế (S)-clopidogrel bisulfate ở qui mô trên 50kg/mẻ theo con đường tối ưu nhất ; Quy trình tổng hợp và tinh chế (S)-clopidogrel bisulfate dạng tinh thể xác định.

- QTCX các cao (10): cao rau đắng biển (>30% bacosid tổng), cao giàu saponin từ ngưu tất (> 40% saponin), cao giàu polysaccharid từ ngưu tất (> 20% polysaccharid), cao gừng (> 10% gingerol), quy trình chiết tinh dầu gừng, cao me rừng, chè xanh chứa EGCG > 20%, cao rau má (hàm lượng asiaticoside và madecassoside 55%), đẳng sâm, bách bệnh (eurycomanone 3%).

- Quy trình bào chế (3): Quy trình bào chế viên nang cứng từ cao định chuẩn me rừng, quy trình bào chế viên nang cứng Hemo-biotri, bào chế trà gừng.

2.5. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu và sản phẩm từ dược liệu

2.5.1. Dược liệu đối chiếu

- Đã và đang hoàn thiện xây dựng 51 dược liệu đối chiếu: actisô, bạch chỉ, bạch thược, cẩu tích, chi tử, cốt khí củ, cúc hoa, đan sâm, độc hoạt, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, hoàng bá, hoàng bá nam, hoàng cầm, hồng hoa, hy thiêm, ngưu tất, sâm cau, sinh địa, thổ phục linh, xuyên khung, kim ngân cuộng, kim ngân hoa, huyền sâm, tục đoạn, sen (lá), bạch truật, cỏ nhọ nồi, bách bộ, thương truật, trạch tả, ba kích , tỏi, cam thảo nam, tầm gửi, đỗ trọng, mộc hoa trắng, mã đề lá, mã đề hạt, me rừng, hòe bắc bộ, xạ can, táo mèo, quế chị, quế nhục, nụ vối, lá vối, hoàng đắng, hồ tiêu, đại hồi, gừng.

2.5.2. Xây dựng phương pháp định lượng dược liệu

- Đã xây dựng được phương pháp đánh giá hàm lượng hoạt chất trong 15 mẫu (actiso, hoài sơn, sâm cau, núc nác, hy thiêm, kim ngân cuộng, kim ngân hoa, cỏ nhọ nồi,  bạch truật, bách bộ, rau má, mã tiền, thương truật, huyền sâm, lá sen).

- Xây dựng phương pháp định lượng đồng thời (LY), xây dựng phương pháp định lượngaflatoxin trong dược liệu bằng LC-MS/MS, định lượng đồng thời vitexin và isovitexin trong dược liệu lạc tiên, phương pháp định tính, định lượng nystose trong dược liệu ba kích, phương pháp định lượng đồng thời emodin, polydatin và resveratrol trong cốt khí củ, dendrobin trong thạch hộc...

2.5.3 Xây dựng, nâng cấp tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu

- Xây dựng 22 TCCS: dược liệu ban âu, cao ban âu, viên bao phim ban âu; cao diếp cá giàu flavonoid, viên nang cứng Bio-Hemotri, dược liệu me rừng, cao tiêu chuẩn me rừng, viên nang cứng me rừng, dược liệu bảy lá một hoa, cao định chuẩn bảy lá một hoa, dược liệurau đắng biển, cao rau đắng biển, dược liệu ngưu tất, cao giàu saponin từ ngưu tất, cao gừng, tinh dầu gừng, cao giàu polysacharid từ ngưu tất, cao chè xanh ( > 20% EGCG), cao rau má, cao bá bệnh, dầu gừng, trà gừng.

- Nâng cấp 08 tiêu chuẩn: dược liệu cối xay, cao khô Sotinin và viên nén bao đường Sotinin, bồ công anh, bột Bidentin và viên nang Bidentin, bột Sp3 và thuốc xịt mũi.

2.6. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu dược liệu

2.6.1. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa học

- Thiết lập cơ sở dữ liệu về thành phần hóa học cho 16 dược liệu:  nấm linh chi, nấm cổ cò, nấm linh chi nhiệt đới, sâm đất, mảnh bát, trầu không, nghệ ten đồng, lá ngũ trảo, bù ốc leo, bảy lá một hoa, đại bi, nghể tăm, thiên niên kiện tía, dây đòn gánh, địa hoàng, tầm gửi năm nhị...

 - Điều chế 14 chất đối chiếu: 3 chất vitexin, isovitexin và isoschaftosid từ kim tiền thảo; darutigenol và darutosid từ hy thiêm, bacoside A3, bacopasid I từ rau đắng biển, catalpol và verbascosid từ địa hoàng, negundosid và agnusid từ ngũ trảo, 5,7-dimethoxyflavon (DMF) và 5,7,4’-trimethoxyflavon (TMF) từ ngải đen, wedelolacton từ nhọ nồi. Thiết lập 03 chất chuẩn từ bảy lá một hoa (paris H, gracillin và saponin I).

- Điều chế 14 cao định chuẩn: cao ban âu, cao rau đắng biển, cao giàu saponin từ ngưu tất, cao giàu polysaccharid từ ngưu tất, cao hương nhu tía, cao bảy lá một hoa, cao me rừng, cao gừng 10% gingerol, cao chè xanh chứa EGCG > 20%, cao cát cánh, cao hoàng cầm 50% baicalin, cao đan sâm, cao ngải đen, cao nhọ nồi.

2.7. Nghiên cứu xây dựng mô hình dược lý và đánh giá tác dụng dược lý

2.7.1. Mô hình dược lý

Đã xây dựng được một số mô hình về:

- Thần kinh: đánh giá trí nhớ ngắn hạn, dài hạn;

- Thiếu máu não cục bộ in vi vo in vitro;

- Hạ huyết áp in vitro;

- Ứng dụng trên ruồi giấm chuyển gen mang bệnh: tự kỷ, parkinson, tâm thần phân liệt.

2.7.2. Đánh giá tác dụng dược lý

- Các tác dụng trên thần kinh: tác dụng trên hệ TKTW (cây bồng bồng), bảo vệ thần kinh (tam thất, tam thất hoang), cải cần (giải lo âu, an thần, tăng cường trí nhớ), chống đột quỵ não trên mô hình MCAO, tác dụng trên trí nhớ (rau má, đinh lăng, cải cần, rau đắng biển).

- Tự kỷ (chè đắng), trầm cảm (hương nhu tía), đột quỵ não (lá hồng), kháng ung thư (bảy lá một hoa, trâm bầu, trâm mốc, thuốc thượng).

- Chuyển hóa: đường huyết (lá vối, lá đắng, mật gấu, trâm bầu và ngọc nữ biển phía Nam, vỏ quả thanh long, lá xa kê), giảm lipid máu (rau trai, vỏ sung), hạ acid uric (lá xa kê).

- Lành vết thương (lá nhàu), phì đại tiền liệt (chùm ngây), hen (lá diếp cá, sâm Việt Nam, bồng bồng), tác dụng giảm đau hạ sốt (lá sa sâm), bảo vệ gan (rau trai, lá vối, lá đắng).

- Tác dụng khác: kháng oxy hóa (cao mắc cỡ), kháng khuẩn và kháng nấm (chùm ngây), kháng viêm (sim phú quốc).

2.7.3. Sàng lọc tác dụng dược liệu

- Tác dụng trên hô hấp, ung thư, hạ huyết áp, cải thiện hội chứng tự kỷ

2.8. Nhiệm vụ hợp tác Quốc tế

- Hợp tác với Cu Ba:

+ Nghiên cứu thành phần hoá học vỏ thân chùm ngây; Tách chất tinh khiết: chất steviosid từ cỏ ngọt; Nghiên cứu chiết xuất cao chiết giàu phylanthyl và hypophylanthyl từ diệp hạ châu, cao chiết lá chùm ngây giàu isoquercetin; Xây dựng phương pháp định lượng: định lượng niazirin trong vỏ thân chùm ngây bằng HPLC, định lượng isoquercetin trong vỏ thân chùm ngây bằng HPLC.

+ Nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn, chống viêm (vỏ thân chùm ngây), tác dụng tăng lực, tác dụng điều hòa đường huyết và tác dụng kháng viêm (vỏ thân chùm ngây), độc tính cấp đường uống, độc tính bán trường diễn, khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa, tác dụng tăng lực, tác dụng ổn định đường huyết, tác dụng điều hòa lipid máu (lá chùm ngây), tăng cường trí nhớ (rau má và dược liệu của Cu Ba); Bào chế viên nang cứng và kem bôi da (chùm ngây).

- Hợp tác với Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan: Hợp tác trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực dược lý, hóa thực vật, kiểm nghiệm và bào chế phục vụ nâng cao kiến thức, cập nhật kỹ thuật mới, hiện đại trong nghiên cứu dược liệu.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

            Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Viện đã triển khai toàn diện các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển dược liệu phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.                  

            - Hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. So với giai đoạn trước (2011 - 2015), số lượng các nhiệm vụ cấp Quốc gia và cấp địa phương đều tăng gấp đôi, số nhiệm vụ cấp Viện tăng gấp ba lần. Chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu khoa học của ngành, của đất nước và hội nhập với khoa học thế giới.

            - Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đều bám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Viện và góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác phát triển dược liệu như: điều tra, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu; chọn tạo giống và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm xây dựng các vùng trồng dược liệu theo tiêu chí GACP-WHO; nghiên cứu các quy trình kỹ thuật và mô hình dược lý nhằm tạo ra các sản phẩm thuốc từ dược liệu…

            - Từ kết quả nghiên cứu của 518 nhiệm vụ KHCN các cấp, Viện Dược liệu đã công bố và tham gia công bố 557 bài báo khoa học, trong đó có 102 bài báo quốc tế, 455 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Tham gia gửi bài và tham dự 72 hội nghị/hội thảo trong và ngoài nước.

            - Đào tạo  nghiên cứu sinh thuộc hai chuyên ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền và Dược lý - Dược lâm sàng, đào tạo nhiều học viên cao học và nhiều sinh viên các trường Đại học như Đại học Dược Hà Nội, Học viện Quân y, trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia, Học viện Y Dược học cổ truyền....

            Những kết quả này chính là nền tảng quan trọng để Viện đề ra kế hoạch phát triển cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025

Trong giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025), Viện Dược liệu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu, phấn đấu nâng cao trình độ khoa học của Viện thuộc hàng tiên tiến trong nước, ngang bằng các đơn vị nghiên cứu khoa học tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. Tập trung đầu tư nghiên cứu tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh để phục vụ thị trường như giống, quy trình công nghệ, sản phẩm thuốc chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nâng cao chất lượng tư vấn cho Bộ Y tế về công tác phát triển dược liệu; tập trung nghiên cứu hiện đại hóa thuốc cổ truyền; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành dược liệu.

Công tác nghiên cứu KHCN của Viện tập trung ở các lĩnh vực chính như sau:

* Quản lý tài nguyên dược liệu:

- Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu tại 11 tỉnh vùng Tây Bắc; 01 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ (Bắc Giang); 3 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị) và 2 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên, Bình Định) phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững nguồn gen cây thuốc.

- Điều tra tri thức sử dụng cây thuốc/bài thuốc của 10 cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc trung du, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, mỗi dân tộc thu thập được 5-7  bài thuốc phục vụ công tác đánh giá, phát triển sản phẩm.

- Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh công tác số hóa để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn gen Quốc gia.

* Bảo tồn nguồn gen dược liệu:

- Tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống mạng lưới lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây thuốc lên 8 - 10 đơn vị tại các vùng sinh thái khác nhau, lưu giữ và bảo tồn được 1.500 nguồn gen của khoảng 900 loài.

- Đến năm 2025, phối hợp xây dựng được 2 - 3 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia. Dự kiến đến năm 2030, xây dựng được hệ thống 5 Vườn bảo tồn cây thuốc Quốc gia nhằm lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao ở các vùng sinh thái khác nhau.

- Xây dựng ngân hàng hạt giống dược liệu (seedbank) với mục tiêu bảo tồn được 1.000 - 1.500 mẫu hạt giống nguồn gen và giống dược liệu.

* Công tác phát triển giống và dược liệu:

- Tập trung nghiên cứu chọn, tạo và phục tráng giống dược liệu có chất lượng phục vụ công tác phát triển dược liệu tại các địa phương trên cả nước. Công bố lưu hành cho 10-15 giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao, di thực nhập nội 8-10 giống phục vụ nhu cầu thị trường.

- Xây dựng/hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, sản xuất giống của 20 loài cây thuốc; quy trình kỹ thuật trồng và sơ chế của 30 loài cây dược liệu phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển giao khoa học công nghệ.

- Đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt tại các vùng sản xuất lớn.

* Nghiên cứu phát triển thuốc từ dược liệu:

- Hoàn thiện nghiên cứu tiền lâm sàng ít nhất 5 sản phẩm, đưa ra 01-02 sản phẩm thuốc từ dược liệu và 8-10 thực phẩm bảo vệ sức khỏe phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị về thần kinh, điều trị các bệnh rối loạn chuyển hoá, thuốc xương khớp…

* Kiểm tra, đánh giá chất lượng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu:

- Nghiên cứu đánh giá chất lượng, nâng cấp tiêu chuẩn, xây dựng phương pháp định lượng hoạt chất (marker) trong dược liệu, nâng cấp tiêu chuẩn định tính, của 50 dược liệu vị Nam. Mỗi năm lựa chọn đánh giá 10-15 loại dược liệu.

- Phân lập khoảng 50 chất chuẩn, chất đối chiếu và bộ dược liệu đối chiếu phục vụ nghiên cứu, kiểm nghiệm và tiêu chuẩn hóa dược liệu cũng như chế phẩm từ dược liệu.

- Xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở và bộ mẫu chuẩn cho 103 vị thuốc cổ truyền sau chế biến nhằm kiểm soát chất lượng dược liệu.

* Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu :

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần hóa học của 30-50 dược liệu.

- Xây dựng 20-30 quy trình công nghệ chiết xuất cao chuẩn hóa dược liệu.

- Tổng hợp 8-10 dẫn xuất từ các hợp chất có hoạt tính sinh học để làm nguyên liệu làm thuốc.

- Triển khai 20-30 mô hình dược lý, đánh giá tác dụng sinh học làm sáng tỏ cơ chế tác dụng của các dược liệu để phát triển thuốc.

- Đẩy mạnh các nghiên cứu kỹ thuật bào chế phục vụ công tác sản xuất thuốc như: kỹ thuật vi nhũ hóa, liposome, tăng sinh khả dụng, che vị đắng cho các loại cao hoặc hoạt chất từ dược liệu...

* Dịch vụ khoa học công nghệ:

- Tăng cường đẩy mạnh các dịch vụ khoa học như: đánh giá chất lượng dược liệu, chuyển giao các quy trình kỹ thuật, các sản phẩm khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn trong phát triển dược liệu...

* Xuất bản, công bố:

- Xuất bản 7-10 ấn phẩm tài liệu tham khảo phục vụ công tác phát triển dược liệu.

- Công bố và tham gia trên 500 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó 25 - 30% là bài báo quốc tế (10-15% do cán bộ là tác giả chính).

- Đăng ký và cấp bằng 5-7 giải pháp hữu ích, sáng chế, phát minh...

* Công tác tư vấn cho Bộ Y tế:

- Tiếp tục thực hiện công tác tư vấn xây dựng các chiến lược, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện và tổ chức quản lý công tác phát triển d­ược liệu.

- Phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong công tác phát triển dược liệu thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án quy hoạch, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu, xây dựng các vùng tập trung phát triển các loài cây dược liệu có thế mạnh…

- Thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Y tế giao về nghiên cứu và phát triển dược liệu: xây dựng Bộ dược liệu đối chiếu, xây dựng Atlas cây thuốc quốc gia, thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, thực hiện công tác bảo tồn cây thuốc và tri thức sử dụng cây thuốc/bài thuốc của đồng bào các dân tộc Việt Nam…

- Xây dựng các quy trình kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan quản lý để hướng dẫn, tập huấn và kiểm tra, đánh giá việc thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chí GACP.

- Tư vấn công tác nhập nội giống và quản lý chất lượng giống cây thuốc.

- Tư vấn công tác đảm bảo chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, các giải pháp trong quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền …từ cơ sở nghiên cứu khoa học về xây dựng mới và nâng cấp tiêu chuẩn và các nghiên cứu về hóa thực vật cũng như đánh giá độ an toàn và tác dụng dược lý…

- Triển khai các nhiệm vụ thực hiện các Chương trình phát triển dược liệu như  “Chương trình phát triển y dược cổ truyển, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030” theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 dến năm 2025” theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác của Chính phủ, Bộ ngành có liên quan đến công tác phát triển dược liệu và thuốc từ dược liệu.

-Tư vấn cho Bộ các vấn đề đột xuất liên quan đến dược liệu.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)