Giới thiệu

Chi Kim ngân - Lonicera L. ở Việt Nam

Kim ngân là tên gọi chung cho một số loài thuộc chi Lonicera L. thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae). Trên thế giới có khoảng 180 loài thuộc chi, phân bố ở vùng Bắc Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Ở Việt Nam, có 11 loài Lonicera phân bố tự nhiên từ miền Bắc cho tới Tây Nguyên bao gồm: Lonicera acuminata, L. annamensis, L. bournei, L. cambodiana, L. confusa, L. dasystyla, L. hildebrandiana, L. hypoglauca, L. japonica, L. macrantha, L. calcarata. Hầu hết các loài thuộc chi này ở Việt Nam đều có công dụng làm thuốc. Trong đó được trồng và sử dụng phổ biến nhất là loài Kim ngân - Lonicera japonica Thunb.. Theo y học cổ truyền, Lonicera japonica Thunb. dùng để chữa các chứng bệnh như mụn nhọt, lở ngứa, mày đay, viêm mũi dị ứng, sốt nóng, sốt rét, ban sởi, đậu, ỉa chảy, lỵ, thấp khớp. Loài đã được quy định trong Dược điển Việt Nam và có tên trong Danh mục vị thuốc cổ truyền thiết yếu do Bộ Y tế ban hành (Thông tư 19/2018/TT-BYT).

Đặc điểm hình thái của các loài Lonicera khá đa dạng, trong đó những đặc điểm đặc trưng giúp phân biệt 11 loài thuộc chi ở Việt Nam bao gồm: dạng cây, sự phân bố lông ở bề mặt lá, bầu; chiều dài ống hoa, tỷ lệ giữa chiều dài ống hoa và phiến tràng hoa, sự có mặt của điểm tuyến ở bề mặt lá, hình thái lá bắc. Khóa phân loại các loài Lonicera ở Việt Nam cụ thể như sau:

Khóa phân loại các loài thuộc chi Lonicera L. hiện có ở Việt Nam

1a. Cây bụi trườn. Lá nhẵn.

2a. Ống hoa có chiều dài trên 7cm........................................................................................L. hildebrandiana

2b. Ống hoa có chiều dài dưới 7 cm (khoảng 3-6 cm). Hoa có phần phụ dạng cựa dài đến 12mm ở gốc tràng hoa........................................................................................................................................................L. calcarata

1b. Cây bụi trườn. Lá có lông.

3a. Điểm các tuyến màu vàng cam ở mặt dưới lá..................................................................L. hypoglauca

3b. Không có điểm tuyến ở hai mặt lá.

          4a. Phiến của tràng hoa ngắn hơn nhiều so với ống tràng.

                   5a. Bầu có lông rậm............................................................................................L. cambodiana

                   5b. Bầu không lông hoặc rất hiếm khi có lông.

                            6a. Đài hoa hình mác (2mm)......................................................................L. macrantha

                            6b. Đài hoa hình tam giác (1mm)...............................................................L. bournei

         4b. Phiến của tràng hoa tương đương với ống tràng

                   7a. Lá bắc không giống lá, ≤ 10mm

                               8a. Bầu nhẵn...........................................................................................L. dasystyla

                               8b. Bầu có lông.......................................................................................L. confusa

                                    9a. Phát hoa ngắn ở nách lá...............................................................L. annamensis

                                    9b. Phát hoa ngắn ở đầu cành và nhánh.............................................L. acuminata

                   7b. Lá bắc giống như lá nhưng nhỏ hơn (ít nhất 15mm).....................................L. japonica

Ảnh: Loài Kim ngân - Lonicera japonica Thunb..

Nhâm Minh Phúc

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Huy Bích và nhiều Đồng tác giả khác, 2003; Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, T. II; NXB. KH & KT, Hà Nội; 106-112.

2. Đỗ Tất Lợi (1999), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội. 75-77;

3. Hoàng Văn Toán, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Quỳnh Nga, Nguyễn Xuân Nam, Phan Văn Trưởng (2013), “Bổ sung loài Lonicera calcarata Hemsl. (họ Kim ngân - Caprifoliaceae) cho hệ thực vật Việt Nam”, Tạp chí dược liệu, số 6 (18): 351-354.;

4. Nguyễn Đình Ngỗi, Võ Văn Chi, Nông Văn Tiếp (1964), “Bảng phân tích các loài cây và giống cây Việt Nam”. NXB. Khoa học và kỹ thuật.;

5. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) (2005), “Danh lục các loài thực vật Việt Nam”. Nhà xuất bản Nông nghiệp.;

6. Nguyễn Tập (2006), “Điều tra cây thuốc và nghiên cứu bảo tồn”, Nghiên cứu thuốc từ thảo dược, NXB. Khoa học và kỹ thuật, tr. 33 - 109.;

7. Phạm Hoàng Hộ. (2000), Cây cỏ Việt Nam tập III, NXB Trẻ. 226-228.;

8. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội. 1243-1247;

9. Wu Zheng-yi, Peter Hamilton Raven & Hong De-Yuan (2011). Flora of China, volume 19: 616-641. Science Press, Beijing & Missouri Botanical Garden Press, Saint Louis.   

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)