Phương hướng, kết quả hoạt động

Định hướng phát triển khoa học công nghệ của Viện Dược liệu giai đoạn 2016-2020


Trong giai đoạn tới, Viện xác định tập trung xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất phòng thí nghiệm và bổ sung các trang thiết bị hiện đại theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn nghiên cứu và công nghệ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, Viện cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp mới trong công tác quản lý để cải thiện môi trường nghiên cứu và hỗ trợ tối đa các cán bộ trong nghiên cứu khoa học nhằm giải phóng sức sáng tạo của cả tập thể Viện, tạo ra được nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đáp ứng được yêu cầu cấp bách của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong công tác phát triển dược liệu.
1.1. Khối Nghiên cứu tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.
1.1.1. Điều tra tổng thể, đánh giá tiềm năng, hiện trạng và tư vấn cho công tác quản lý nguồn tài nguyên dược liệu.
· Điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên d­ược liệu các tỉnh thành trong cả n­ước.   
· Nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn thực hiện quy trình khai thác, nuôi trồng và chế biến dược liệu theo nguyên tắc GACP - WHO. Xây dựng bộ Atlas cây thuốc quốc gia, xuất bản cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam.
1.1.2. Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc:
· Bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quí có tiềm năng phát triển tạo thuốc mới.
· Bảo tồn và phát triển tri thức và bài thuốc cổ truyền của các dân tộc Việt Nam.
1.1.3. Nghiên cứu về giống cây thuốc:
· Tập trung nghiên cứu chọn tạo giống dược liệu có giá trị: năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh (sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, đan sâm, ba kích, đảng sâm Việt Nam...)
· Nhập nội giống cây thuốc để bổ sung nguồn gen một cách định hư­ớng, lưu ý điều kiện sinh thái, vùng xuất xứ và nhu cầu sử dụng.
1.1.4. Nghiên cứu hoàn thiện và xây dựng các quy trình sản xuất dược liệu theo tiêu chí GACP, xây dựng vùng trồng và phát triển dược liệu
1.2. Khối Nghiên cứu tạo thuốc mới
Đầu tư và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại cho nghiên cứu và sản xuất thuốc, các sản phẩm từ dược liệu để tạo ra một số sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.
· Nghiên cứu phát triển thuốc mới từ dược liệu như: nghiên cứu sàng lọc hóa học theo định hướng tác dụng sinh học, nghiên cứu các tác dụng sinh học định hướng tập trung các nhóm bệnh có xu hướng tăng cao ở Việt Nam hiện nay như tiểu đường, tim mạch, ung thư, thần kinh, béo phì...; nghiên cứu xây dựng quy trình chiết xuất quy mô phòng thí nghiệm định hướng quy mô công nghiệp, nghiên cứu chiết xuất các cao định chuẩn dựa trên nhu cầu thực tiễn góp phần vào công tác nâng cao chất lượng các sản phẩm nguồn gốc dược liệu. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra đánh giá chất lượng dược liệu: Xây dựng bộ dược liệu chuẩn, dược liệu đối chiếu, ngân hàng chất đối chiếu phục vụ cho công tác kiểm tra đánh giá chất lượng dược liệu.
· Nghiên cứu các dạng bào chế hiện đại từ thuốc dược liệu và hiện đại hoá dạng bào chế thuốc y học cổ truyền.
· Phát triển đa dạng hóa sản phẩm mới theo đặt hàng của thị trường.

(Nguồn tin: )