Tin tức

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học, biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Bát giác liên (Dysosma tonkinense (Gagnep.) M. Hiroe) tại Sapa, Lào Cai

Sáng ngày 28/04/2023, tại Hội trường C, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Học viện cho Nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Ngọc Khánh, chuyên ngành Khoa học cây trồng với đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học, biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Bát giác liên (Dysosma tonkinense (Gagnep.) M. Hiroe) tại Sapa, Lào Cai”.

Tham dự buổi bảo vệ của NCS Phạm Ngọc Khánh có GS. TS. Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện cơ sở đào tạo. Về phía đơn vị công tác của NCS có TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện Trưởng, Viện Dược liệu; tập thể người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ninh Thị Phíp và PGS.TS. Phạm Thanh Huyền. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của NCS. Dưới sự chủ trì của GS. TS. Vũ Văn Liết –  Chủ tịch Hội đồng; Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Phạm Ngọc Khánh.

Trước tập thể Hội đồng, NCS. Phạm Ngọc Khánh đã trình bày những kết quả nghiên cứu chính của luận án. Theo đó, Luận án (1) đã đánh giá được đặc điểm nông sinh học của 20 mẫu giống Bát giác liên đã thu thập và chọn được mẫu giống M11 (thu thập tại Vị Xuyên – Hà Giang) có năng suất 11,75 tạ/ha và hàm lượng podophyllotoxin 3,51%; (2) Đã nghiên cứu xây dựng biện pháp kỹ thuật nhân giống hữu tính, nhân giống vô tính cây Bát giác liên bằng hom thân ngầm và bằng hom rễ; (3) Đã xây dựng được biện pháp kỹ thuật trồng cây Bát giác liên tại Sa Pa, Lào Cai.

Phát biểu kết luận buổi bảo vệ Luận án, GS.TS. Vũ Văn Liết – Chủ tịch Hội đồng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của NCS Phạm Ngọc Khánh, đồng thời khẳng định, kết quả nghiên cứu của Luận án là công trình công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao.  Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp dẫn liệu khoa học mới có giá trị về mẫu giống Bát giác liên M11 có tiềm năng về năng suất và chất lượng; khả năng nhân giống hữu tính bằng hạt, nhân giống vô tính bằng hom thân ngầm, hom rễ; biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng trọt sơ bộ cho cây Bát giác liên góp phần bảo tồn, khai thác và và phát triển có hiệu quả nguồn gen Bát giác liên. Đây là nghiên cứu đầu tiên và toàn diện về đặc điểm nông sinh học, đa dạng di truyền, biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Bát giác liên ở Việt Nam. Hội đồng nhất trí thông qua kết quả nghiên cứu của NCS Phạm Ngọc Khánh với kết quả 7/7 phiếu tán thành và đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam hoàn thiện các bước tiếp theo để cấp bằng Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng cho NCS. Phạm Ngọc Khánh.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)