Tin tức

Hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5/2022)

              

HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ ĐA DẠNG SINH HỌC (22/5/2022)

Suy giảm đa dạng sinh học về sâu xa là hệ quả của quá trình khai thác thiên nhiên không bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế của con người với những tác động tiêu cực mạnh mẽ và khó đảo ngược lên chính sự sinh tồn của chúng ta trong tương lai.

Với mục tiêu bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên sinh học và chia sẻ một cách đúng đắn và công bằng lợi nhuận thu được do sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền, ngày 22/5/1992 các quốc gia trên thế giới đã thông qua một Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Công ước CBD) tại Nairobi. Công ước CBD có hiệu lực từ ngày 29/12/1993 và tính đến nay đã có 196 nước thành viên tham gia Công ước này. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước khi ký kết tham gia ngày 28/5/1993, được phê chuẩn vào ngày 16/11/1994 và trở thành thành viên chính thức vào ngày 14/02/1995.

Với mục đích tăng cường sự hiểu biết và nhận thức của con người về các vấn đề đa dạng sinh học, đồng thời kỷ niệm ngày thông qua Công ước, ngày 22/5 hàng năm được lựa chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Chủ đề Ngày Đa dạng sinh học năm 2022 là "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống", với mục đích tiếp tục xây dựng, tạo động lực và hỗ trợ trong khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu thông qua 22 hành động vì đa dạng sinh học, đó là:

1. Dọn dẹp một khu vực xung quanh bạn

2. Tham gia các dự án khôi phục hệ sinh thái

3. Tôn trọng các loài động vật khi tham quan

4. Giúp đỡ các loài động vật

5. Ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh zoonotic từ động vật

6. Tham gia các dự án trồng cây xanh

7. Tiêu dùng có trách nhiệm, hạn chế tối đa phát sinh chất thải sinh hoạt, tích cực sử dụng vật dụng tái chế

8. Tiết kiệm năng lượng, tắt đèn và các thiết bị điện khi không sử dụng đến

9. Chia sẻ, quyên góp cho các tổ chức từ thiện những vật dụng không sử dụng đến

10. Mua bán, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

11. Kêu gọi không hút thuốc lá

12. Xây dựng không gian sống xanh

13. Kêu gọi các nhà máy, cơ sở sản xuất không xả chất thải hoá học ra môi trường

14. Thay đổi một thói quen tiêu cực đối thói quen sử dụng nhựa dùng một lần

15. Yêu cầu doanh nghiệp tìm nguồn có trách nhiệm

16. Giảm thiểu chất thải

17. Tìm hiểu về an toàn sinh học

18. Hỗ trợ, ửng hộ các công ty sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường

19. Hỗ trợ các tổ chức môi trường hoạt động

20. Nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học

21. Kêu gọi mọi người cùng hành động

22. Kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học

Với chủ đề năm 2022 "Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống" thì việc lan toả và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động ngay hôm nay là điều vô cùng cần thiết.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Theo Báo cáo đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam thuộc khuôn khổ sáng kiến BIODEV2030, ở nước ta đã ghi nhận hơn 50.000 loài, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Một số lượng không nhỏ trong số các loài động-thực vật kể trên, đặc biệt là nhóm các loài thực vật, đã được người dân Việt Nam sử dụng trong chăm sóc sức khỏe. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu tính đến năm 2016 đã ghi nhận 5.117 loài/thứ thực vật bậc cao có mạch, một số taxon nấm và tảo được dùng làm thuốc. Và con số này sẽ còn tăng lên nếu tiếp tục điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên cả nước.

Trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc (cây dược liệu) của ngành Y tế. Đã xây dựng được mạng lưới và bảo tồn hơn 1.500 nguồn gen của gần 900 loài cây thuốc. Trong đó, tại Viện Dược liệu hiện có 5 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau: Vườn cây thuốc Hà Nội đại diện vùng đồng bằng sông Hồng, Vườn cây thuốc Tam Đảo đại diện vùng Trung du miền núi phía Bắc, Vườn cây thuốc Sa Pa đại diện vùng núi cao phía Bắc, Vườn cây thuốc Thanh Hóa đại diện vùng Bắc Trung Bộ và Vườn cây thuốc Thuận Kiều - TP.HCM đại diện vùng Đồng Nam Bộ.

Các loài cây thuốc/cây dược liệu phân bố rộng khắp trên cả nước với 8 vùng trọng điểm là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; Tập trung chủ yếu ở 5 trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên.

Sự đa dạng sinh học về cây thuốc luôn có mối tương quan chặt chẽ với sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc và tri thức y dược học của mỗi quốc gia. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc. Mỗi dân tộc lại có tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Viện Dược liệu đã và đang điều tra, thu thập tri thức truyền thống và kiến thức bản địa trong sử dụng các loại cây thuốc/bài thuốc. Kết quả này góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trải qua 61 năm xây dựng và phát triển, hiện nay tại Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu) đang lưu giữ gần 40.000 tiêu bản và mẫu dược liệu cùng các thông tin dữ liệu về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nơi đây có nhiều mẫu chuẩn, mẫu có giá trị của các loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài có giá trị kinh tế cao… Phòng Trưng bày còn lưu giữ nhiều loài cây thuốc, bài thuốc, đồ dùng của một số dân tộc có kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc, bài thuốc để chữa bệnh… Trong nhiều năm, nơi đây là địa chỉ yêu thích của các bạn học sinh, sinh viên các Trường Cao đẳng, Đại học về Y Dược, Sinh học, Nông nghiệp; đã đón tiếp nhiều đoàn khách thăm quan trong và ngoài nước. Hiện Viện đang từng bước hình thành Bảo tàng Dược liệu Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn về quy mô và nhanh về tốc độ. Từ các dữ liệu phân tích, báo cáo cho thấy 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 7% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch bị đe doạ ở các cấp độ khác nhau. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 1 triệu ha diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, như khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược quốc gia và nhiều dự án, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học năm 2022 với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống", Trung tâm Tài nguyên dược liệu thuộc Viện Dược liệu tổ chức Giới thiệu nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động Thăm quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam. Hy vọng rằng, thông qua hoạt động ngày hôm nay, sẽ cung cấp, bổ sung kiến thức và thông tin về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam cho các bạn học sinh yêu thích môn sinh học. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về sự đa dạng cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Trung tâm Tài nguyên Dược liệu sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, thăm quan, trải nghiệm liên quan đến nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học để gắn kết với công tác nghiên cứu, đào tạo và kết nối với cộng đồng.

 

                                        TRUNG TÂM TÀI NGUYÊN DƯỢC LIỆU

                                        (Viện Dược liệu - Bộ Y tế)

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)