Tin tức

Trung tâm Tài nguyên dược liệu - Viện Dược liệu tổ chức “Giới thiệu nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động Thăm quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam”

              

Chiều ngày 20/5/2022, Trung tâm Tài nguyên dược liệu - Viện Dược liệu tổ chức Giới thiệu nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động Thăm quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học năm 2022 với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống.

Tham dự hội nghị có TS. Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, các đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn học sinh Lớp 10 chuyên sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, Câu lạc bộ Sinh học Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, Trường Vinschool Harmony, Công ty TNHH Giáo dục Ad Astra, đại diện lãnh đạo các đơn vị Viện Dược liệu, các cán bộ Trung tâm Tài nguyên Dược liệu, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các đơn vị truyền thông Báo nhân dân, Truyền hình nhân dân, VTV Cáp, VCT16, Báo  Lao động …

Phát biểu khai mạc và chào mừng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học,  PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu cho biết: Chủ đề Ngày Đa dạng sinh học năm 2022 là "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống", với mục đích tiếp tục xây dựng, tạo động lực và hỗ trợ trong khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu thông qua 22 hành động vì đa dạng sinh học. Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Theo Báo cáo đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam thuộc khuôn khổ sáng kiến BIODEV2030, ở nước ta đã ghi nhận hơn 50.000 loài, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Một số lượng không nhỏ trong số các loài động-thực vật kể trên, đặc biệt là nhóm các loài thực vật, đã được người dân Việt Nam sử dụng trong chăm sóc sức khỏe. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu tính đến năm 2016 đã ghi nhận 5.117 loài/thứ thực vật bậc cao có mạch, một số taxon nấm và tảo được dùng làm thuốc. Và con số này sẽ còn tăng lên nếu tiếp tục điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên cả nước. Trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc (cây dược liệu) của ngành Y tế. Đã xây dựng được mạng lưới và bảo tồn hơn 1.500 nguồn gen của gần 900 loài cây thuốc. Trong đó, tại Viện Dược liệu hiện có 5 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau: Vườn cây thuốc Hà Nội đại diện vùng đồng bằng sông Hồng, Vườn cây thuốc Tam Đảo đại diện vùng Trung du miền núi phía Bắc, Vườn cây thuốc Sa Pa đại diện vùng núi cao phía Bắc, Vườn cây thuốc Thanh Hóa đại diện vùng Bắc Trung Bộ và Vườn cây thuốc Thuận Kiều – TP.HCM đại diện vùng Đồng Nam Bộ. Sự đa dạng sinh học về cây thuốc luôn có mối tương quan chặt chẽ với sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc và tri thức y dược học của mỗi quốc gia. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc. Mỗi dân tộc lại có tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Viện Dược liệu đã và đang điều tra, thu thập tri thức truyền thống và kiến thức bản địa trong sử dụng các loại cây thuốc/bài thuốc. Kết quả này góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Để hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học năm 2022 với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống, Trung tâm Tài nguyên dược liệu thuộc Viện Dược liệu tổ chức Giới thiệu nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động Thăm quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam. Tại buổi giới thiệu, các bạn học sinh và các đại biểu đã được tham quan Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu) và được cung cấp, bổ sung kiến thức và thông tin về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Trải qua 61 năm xây dựng và phát triển, hiện Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu)  đang lưu giữ gần 40.000 tiêu bản và mẫu dược liệu cùng các thông tin dữ liệu về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Tại đây có nhiều mẫu chuẩn, mẫu có giá trị của các loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài có giá trị kinh tế cao… Phòng Trưng bày còn lưu giữ nhiều loài cây thuốc, bài thuốc, đồ dùng của một số dân tộc có kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc, bài thuốc để chữa bệnh.

PGS. TS. Phạm Thanh Huyền hy vọng qua buổi tham quan và trải nghiệm này, góp phần nâng cao nhận thức về sự đa dạng cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm Tài nguyên Dược liệu sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, thăm quan, trải nghiệm liên quan đến nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học để gắn kết với công tác nghiên cứu, đào tạo và kết nối với cộng đồng.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)