Giới thiệu

Phương hướng, kết quả hoạt động

BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ KẾ HOẠCH 2016-2020

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2011-2015
1. Kết quả nghiên cứu KH&CN chủ yếu đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015
Trong 5 năm từ 2011-2015, Viện đã triển khai thực hiện 189 nhiệm vụ KHCN các cấp, bao gồm 27 nhiệm vụ cấp nhà nước (13 nhiệm vụ chủ trì; 14 nhiệm vụ phối hợp); 24 đề tài và dự án cấp bộ; 25 ĐT/DA cấp Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và 113 đề tài cơ sở. 
Sản phẩm đạt được:
+ 3 sản phẩm đăng ký thuốc được nâng cấp (Angobin, Somanimm, Agerhinin)
+ 4 sản phẩm thuốc chuyển giao cho doanh nghiệp (Bidentin, Cà gai leo, Ruvintat, Kem THC) và nhiều quy trình trồng trọt.
+ 3 patent đăng ký tại Nhật
+ Số công bố bài báo trong nước và quốc tế: Tổng 363 bài trong đó có 60 bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí ISI (năm 2011: 45/13; năm 2012: 52/11; năm 2013: 60/17; năm 2014: 72/11; năm 2015: 74/8). 
Một số kết quả cụ thể trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành:
Công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống cây thuốc
Viện là cơ quan đầu mối thực hiện dự án “Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc Việt Nam”, với 6 đơn vị trực thuộc Viện tham gia dự án và 3 đơn vị khác là Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật, Trung tâm bảo tồn & phát triển dược liệu Miền Trung và Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex, hiện đang bảo tồn và lưu giữ khoảng hơn 900 loài cây thuốc trên hệ thống vườn của các đơn vị thành viên. 
Điều tra tài nguyên cây thuốc
Viện chú trọng triển khai công tác điều tra nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, đặc biệt đối với các loài có nguy cơ bị đe dọa. Trong thời gian qua, Viện phối hợp với các địa phương thực hiện các đề tài về điều tra phân bố, đánh giá trữ lượng và chất lượng dược liệu của một số cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao như ở Hà Giang, Đồng Nai, Lạng Sơn, Tây Nguyên... Nhiều loài quý hiếm được tập trung điều tra thuộc các chi như chi Lonicera L. (họ Caprifoliaceae); chi Trichosanthes (họ Cucurbitaceae), chi Paris (họ Trilliaceae). 
Nghiên cứu sản xuất giống dược liệu
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Viện đã thực hiện nhiều đề tài các cấp liên quan đến công tác chọn, tạo giống như: nhân giống cây đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), cây húng chanh Ấn Độ (Coleus forskohlii), nhân giống sâm cau, dây thìa canh, vân mộc hương, xuyên tâm liên, bách bộ, ngưu bàng..., hay các đề tài liên quan đến khai thác và phát triển nguồn gen một số dược liệu như: ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, đặc biệt là nguồn gen cây thuốc quý sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn của xã hội từ người dân đến các doanh nghiệp, địa phương rất lớn. Đặc biệt, trong điều kiện nhiều giống chủ đạo như đương quy, bạch chỉ, xuyên khung... bị thoái hoá kém chất lượng, nên công tác giống sẽ được Viện ưu tiên hàng đầu đẩy mạnh nghiên cứu trong thời gian tới. 
Phát triển vùng trồng dược liệu
Nhiều đề tài, dự án chuyển giao xây dựng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP tại các tỉnh thành trong cả nước như đương quy, ngưu tất, actisô, cúc hoa, sâm báo, hy thiêm, chùm ngây, húng chanh Ấn Độ, đan sâm đã và đang được triển khai trong giai đoạn này. 
Phát triển công tác nhập nội
Song song với việc khai thác dược liệu trong nước, công tác nghiên cứu nhập nội đã được Viện triển khai từ những năm 1980 và từng có những ảnh hưởng nhất định góp phần thay đổi kinh tế xã hội ở địa phương. Hiện nay, công tác nhập nội các giống tiến bộ đang được Viện đẩy mạnh, ưu tiên như ban Âu, đan sâm, đương quy Nhật Bản, cát cánh, hoàng cầm, hoàng kỳ, hồng hoa, cúc trừ trùng, ngưu tất... 
Nghiên cứu thuốc mới từ dược liệu
Viện xác định phát triển sản phẩm thuốc mới từ dược liệu là hướng nghiên cứu trọng tâm nên đã chú trọng sàng lọc tìm các đối tượng tiềm năng có thể sử dụng điều trị các bệnh mang tính chất thời sự như các bệnh rối loạn chuyển hóa, các bệnh thần kinh, bệnh ung thư... 
- Nghiên cứu cơ bản thành phần hóa học các cây thuốc: Giai đoạn 2011-2016 đánh dấu bước đột phá của Viện Dược liệu đối với việc tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật nghiên cứu cổ điển và hiện đại như sắc ký cột pha thường, pha đảo, sắc ký lỏng hiệu năng cao, ứng dụng các phương pháp phổ hiện đại như phổ cộng hưởng từ hạt nhân, phổ khối lượng phân tử, phổ hồng ngoại... để nghiên cứu thành phần hóa học cây thuốc bản địa. Nhiều đề tài các cấp đã và đang được triển khai, ví dụ: Cấp nhà nước Nafosted (Nấm linh chi); đề tài phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuộc chương trình Hoá Dược Bộ Công Thương 2013-2015 (Nhánh: Nghiên cứu điều chế các chất chuẩn nguồn gốc dược liệu như resveratrol từ cốt khí củ, EGCG từ chè xanh, zerumbon từ gừng gió; charantin từ mướp đắng...); Đề tài phối hợp Khoa Y Dược-Đại học Quốc gia thuộc chương trình Tây Bắc 2014-2016 (nhánh: Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng chống ung thư ý dĩ) và 2015-2017 (nhánh: Nghiên cứu thành phần hóa học và xây dựng quy trình chiết cao định chuẩn sâm vũ diệp và tam thất hoang trồng ở Tây Bắc); Các đề tài cơ sở: mua bà, niệt gió, táo mèo, me rừng, sâm vũ diệp, đạm trúc diệp, tỏa dương, cam thảo dây... Các kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa học của các cây thuốc Việt Nam, góp phần trong công tác tiêu chuẩn hóa dược liệu và định hướng xây dựng các quy trình chiết xuất các nhóm hoạt chất hoặc hoạt chất mục tiêu theo hướng ứng dụng phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Kết quả nghiên cứu đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế góp phần quảng bá các thế mạnh về cây thuốc Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
- Nghiên cứu ứng dụng: tập trung nghiên cứu sàng lọc cây thuốc theo nhóm tác dụng sinh học nhằm lựa chọn các cây thuốc tiềm năng để tập trung nghiên cứu toàn diện định hướng ứng dụng, nghiên cứu xây dựng các quy trình chiết xuất quy mô phòng thí nghiệm định hướng nâng cấp quy mô sản xuất, nghiên cứu đánh giá các tác dụng dược lý của một số đối tượng tiềm năng định hướng phát triển thành thuốc, nghiên cứu hiện đại hóa các dạng bào chế thuốc YHCT. Giai đoạn này đã đánh dấu sự ra đời của các sản phẩm như RUVINTAT, ANGOBIN, SOMANIMM, sản phẩm kem thoa bảo vệ da THC, cao bán thành phẩm có tác dụng tăng cường trí nhớ từ ngũ gia bì hương, rau đắng biển, nhục đậu khấu, ban di thực, chùm ngây, me rừng, nghiên cứu bào chế hệ phân tán rắn cải thiện độ tan của curcuminoid, bào chế hệ tiểu phân nano andrographolid...
- Xây dựng phương pháp cho nghiên cứu thuốc mới:
+ Triển khai các mô hình dược lý và ứng dụng đánh giá tác dụng dược lý: mô hình gây viêm khớp, mô hình sàng lọc thuốc điều trị ung thư bằng thử nghiệm TRAIL, mô hình viêm cấp bằng phương pháp gây tràn dịch màng bụng, mô hình gây viêm khớp thực nghiệm, mô hình tăng acid uric máu trên chuột nhắt trắng…
+ Xây dựng được quy trình tổng hợp nhằm phát triển và sản xuất các thuốc hóa dược: với các đối tượng như anastrozol làm thuốc điều trị ung thư vú, alendronat làm thuốc điều trị bệnh loãng xương; clopidodrel, gefitinib, ternofovir, prasulgel, capecitabin, bosutinib...
Công tác tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng dược liệu
- Phân lập các chất tinh khiết làm chất đối chiếu: Steviosid từ cỏ ngọt, paeoniflorin từ bạch thược và paeonol từ mẫu đơn bì..., từng bước xây dựng ngân hàng chất đối chiếu phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng dược liệu.
- Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong tiêu chuẩn hóa và quản lý chất lượng dược liệu: Tiêu chuẩn hóa dược liệu bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp với kỹ thuật điểm chỉ vân tay, ứng dụng sắc ký khí khối phổ để phân tích dư lượng một số hóa chất bảo vệ thực vật. 
- Xây dựng Bộ dược liệu đối chiếu theo hướng xây dựng bộ mẫu dược liệu chuẩn Quốc gia: Bộ dược liệu đối chiếu và chất đối chiếu là một trong các nhiệm vụ Bộ Y tế phân công Viện để thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu theo quyết định 1976/QĐ-Ttg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
II. KẾ HOẠCH CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Định hướng phát triển khoa học công nghệ của Viện Dược liệu giai đoạn 2016-2020 
Trong giai đoạn tới, Viện xác định tập trung xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất phòng thí nghiệm và bổ sung các trang thiết bị hiện đại theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn nghiên cứu và công nghệ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, Viện cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp mới trong công tác quản lý để cải thiện môi trường nghiên cứu và hỗ trợ tối đa các cán bộ trong nghiên cứu khoa học nhằm giải phóng sức sáng tạo của cả tập thể Viện, tạo ra được nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đáp ứng được yêu cầu cấp bách của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong công tác phát triển dược liệu.
1.1. Khối Nghiên cứu tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.
1.1.1. Điều tra tổng thể, đánh giá tiềm năng, hiện trạng và tư vấn cho công tác quản lý nguồn tài nguyên dược liệu. 
Điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên d¬ược liệu các tỉnh thành trong cả n¬ước.   
Nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn thực hiện quy trình khai thác, nuôi trồng và chế biến dược liệu theo nguyên tắc GACP - WHO. Xây dựng bộ Atlas cây thuốc quốc gia, xuất bản cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam.
1.1.2. Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc: 
Bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quí có tiềm năng phát triển tạo thuốc mới.
Bảo tồn và phát triển tri thức và bài thuốc cổ truyền của các dân tộc Việt Nam.
1.1.3. Nghiên cứu về giống cây thuốc: 
Tập trung nghiên cứu chọn tạo giống dược liệu có giá trị: năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh (sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, đan sâm, ba kích, đảng sâm Việt Nam...)
Nhập nội giống cây thuốc để bổ sung nguồn gen một cách định hư¬ớng, lưu ý điều kiện sinh thái, vùng xuất xứ và nhu cầu sử dụng.
1.1.4. Nghiên cứu hoàn thiện và xây dựng các quy trình sản xuất dược liệu theo tiêu chí GACP, xây dựng vùng trồng và phát triển dược liệu
1.2. Khối Nghiên cứu tạo thuốc mới
Đầu tư và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại cho nghiên cứu và sản xuất thuốc, các sản phẩm từ dược liệu để tạo ra một số sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.
Nghiên cứu phát triển thuốc mới từ dược liệu như: nghiên cứu sàng lọc hóa học theo định hướng tác dụng sinh học, nghiên cứu các tác dụng sinh học định hướng tập trung các nhóm bệnh có xu hướng tăng cao ở Việt Nam hiện nay như tiểu đường, tim mạch, ung thư, thần kinh, béo phì...; nghiên cứu xây dựng quy trình chiết xuất quy mô phòng thí nghiệm định hướng quy mô công nghiệp, nghiên cứu chiết xuất các cao định chuẩn dựa trên nhu cầu thực tiễn góp phần vào công tác nâng cao chất lượng các sản phẩm nguồn gốc dược liệu. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra đánh giá chất lượng dược liệu: Xây dựng bộ dược liệu chuẩn, dược liệu đối chiếu, ngân hàng chất đối chiếu phục vụ cho công tác kiểm tra đánh giá chất lượng dược liệu.
Nghiên cứu các dạng bào chế hiện đại từ thuốc dược liệu và hiện đại hoá dạng bào chế thuốc y học cổ truyền. 
Phát triển đa dạng hóa sản phẩm mới theo đặt hàng của thị trường

(Nguồn tin: )