Sáng ngày 7/10/2022, tại Hà Nội, Viện Dược liệu đã tổ chức “Lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ” cho toàn thể cán bộ viên chức người lao động của Viện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu khai mạc Hội nghị
Tham dự Lớp tập huấn về phía Viện Dược liệu có đồng chí PGS.TS. Phạm Thanh Huyền – Phó Bí thư Đảng ủy, TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, ThS. Đỗ Thị Phương – Trưởng phòng Tổ chức hành chính – Chủ tịch công đoàn Viện. Đồng chí Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đồng chí Nguyễn Văn Lâm - Phòng Sinh học - Nông nghiệp, Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đồng chí Nguyễn Thế Hùng – Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ và toàn thể cán bộ viên chức người lao động của Viện.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, TS. Phan Thúy Hiền nhấn mạnh: Viện Dược liệu sau 61 năm xây dựng và phát triển, Viện đã có bộ máy tổ chức nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh và là viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước về Dược liệu. Hiện nay Viện có 18 đơn vị: 04 phòng chức năng, 14 đơn vị chuyên môn (06 Khoa nghiên cứu, 06 Trung tâm nghiên cứu, 01 Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu và 01 Trạm nghiên cứu), với 230 viên chức người lao động đang công tác cùng với nhiều học viên, sinh viên học tập tại Viện. Hằng năm, Viện thực hiện trên 200 nhiệm vụ các cấp, trong đó khoảng 70-80 nhiệm vụ cấp bộ/tỉnh trở lên. Kết quả từ các nhiệm vụ KHCN, ngoài sản phẩm dạng III là các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước (trên 100 bài, trong đó 20-25% bài Quốc tế), còn có nhiều sản phẩm KHCN dạng I, dạng II có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Viện còn khá lúng túng trong vấn đề về đăng ký sở hữu trí tuệ như bản quyền tác giả, phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, tra cứu, tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ… Để làm tốt công tác này, Viện luôn bám sát các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hôm nay Viện phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ tổ chức Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của viên chức, người lao động về các vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Đối với các học viên dự Hội nghị hãy nâng cao tình thần trách nhiệm, tích cực trao đổi trong thời gian học tập nhằm nắm bắt được các quy định về Sở hữu trí tuệ, áp dụng trong công tác hiệu quả.
Đồng chí Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày chuyên đề 1
Tại hội nghị, đồng chí Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày Chuyên đề 1: “Bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược”; Nội dung trình bày từ các vấn đề tổng quan: Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế ở Việt Nam; thông tin sáng chế, bản mô tả sáng chế; Quy trình thẩmđịnh đơn đăng ký sáng chế ; Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế trong quá trình đăng ký sáng chế; Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế; Một số nội dung mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Đơn đăng ký sáng chế liên quan đến dược phẩm đầu tiên là của Viện Dược liệu, nộp ngày 20/10/1984, Đơn số: 1-1984-00064, với tên sáng chế: Phương pháp điều chế diosgenin. Đơn này đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 22. Đây cũng là bằng độc quyền sáng chế đầu tiên được cấp cho sáng chế liên quan đến dược phẩm… Đồng chí Nguyễn Văn Lâm - Phòng Sinh học-Nông nghiệp, Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày chuyên đề 2: “Sáng chế trong lĩnh vực dược liệu”. Nội dung trình bày liên quan đến các vấn đề Tra cứu tình trạng kỹ thuật; Xác định đối tượng cần bảo hộ; Chuẩn bị hồ sơ đơn; Quyền nộp đơn và quyền tác giả ; Ngoài ra, các học viên còn thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tình hình hoạt động bảo vệ quyền SHTT nhìn từ góc độ quản lý nhà nước và những vướng mắc khi áp dụng các quy định trong lĩnh vực SHTT...
Thông qua lớp tập huấn, học viên đã được trang bị những thông tin cơ bản về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng và đặc biệt là tình hình thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở trong nước, hệ thống văn bản pháp luật về thực thi quyền SHTT để từ đó có thể vận dụng vào thực tế tại Viện Dược liệu.
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)