Hội nghị - Hội thảo

Hoạt động khoa học công nghệ trong công tác phát triển dược liệu

Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay đang đi theo định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế xã hội; bảo tồn, lưu giữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa

Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1976/QĐ-TTg là cơ sở triển khai các hoạt động của công tác phát triển dược liệu, đặc biệt là hoạt động khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu ở Việt Nam. Để phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu.
Trong những năm gần đây, dược liệu đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược để sản xuất thuốc từ dược liệu, nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT...
Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay đang đi theo định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế xã hội; bảo tồn, lưu giữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa. Một số kết quả nghiên cứu khoa học đã mang lại nhiều ứng dụng hữu ích, phcụ vụ thiết thực cho công tác phát triển dược liệu trên cả nước, như: Khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tự nhiên; Giống, quy trình kỹ thuật trồng và phát triển vùng trồng dược liệu; Chất lượng dược liệu; Chế biến và chiết xuất dược liệu; Phát triển các sản phẩm từ dược liệu.

Để khoa học công nghệ thật sự là động lực then chốt phát triển đất nước, trong đó có phát triển dược liệu, PGS.TSKH. Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu đã kiến nghị một số giải pháp tại buổi Tọa đàm “Phát triển Dược liệu bền vững” (diễn ra ngày 08/6/2016 do đ/c Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đ/c Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế chủ trì tọa đàm) : Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó có các giải pháp về khoa học công nghệ phục vụ phát triển dược liệu. Hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với hoạt động khoa học và cán bộ khoa học để thu hút, khuyến khích động viên sự đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học cho sự nghiệp khoa học nói chung và cho phát triển dược liệu nói riêng. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu cân đối nguồn kinh phí để đầu tư thích đáng, tập trung một số khâu then chốt để phát triển dược liệu, trọng tâm cho giống, công tác chế biến, tạo vùng trồng. Xây dựng các trung tâm mạnh, đủ năng lực trong nghiên cứu chọn tạo các giống dược liệu tiên tiến, có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Triển khai xây dựng những vùng trồng dược liệu tập trung có lợi thế cho từng loài dược liệu cụ thể. Tập trung rà soát, sớm ban hành các cơ chế, chính sách đòn bẩy, đột phá, như tạo đầu ra cho dược liệu, các sản phẩm, thuốc từ dược liệu, cơ chế gắn kết giữa cầu và cung, phải xuất phát từ cầu để đẩy cung, tìm lợi thế của cung để kích cầu. Triển khai đồng bộ các nội dung để phát triển dược liệu bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng.
Từ những kết quả nghiên cứu, nhiều loại thuốc, bài thuốc y học cổ truyền đã được sản xuất theo quy trình hiện đại, đáp ứng yêu cầu điều trị, bảo vệ sức khỏe nhân dân với mục tiêu phát triển bền vững.

(Nguồn tin: )