Hội nghị - Hội thảo

Hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu”

Tình trạng buôn lậu dược liệu không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là vận chuyển qua biên giới và tình trạng trộn lẫn giữa dược liệu nhập lậu với dược liệu đảm bảo chất lượng trong các cơ sở khám chữa bệnh đang diễn biến phức tạp...
Sáng ngày 14/9/2016, tại Khách sạn La Thành – Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu”. Báo cáo của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã đưa ra những con số báo động trong Hội nghị: Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp. Ngoài số dược liệu không rõ nguồn gốc thì hiện người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những loại dược liệu kém chất lượng, giả do lòng tham của một số cá nhân, đơn vị gây ra. Để quản lý nguồn dược liệu tốt hơn, vấn đề quan trọng nhất là các nhà sản xuất phải có khả năng nuôi trồng dược liệu. Tuy nhiên, hiện tại việc nuôi trồng, khai thác dược liệu ở nước ta vẫn còn manh mún, công tác quy hoạch còn thiếu quy củ.

Hiện nay, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy nên không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền còn gặp nhiều khó khăn như: Không có qui định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền; giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường; giá trúng thầu của các tỉnh chênh lệch nhau nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện để chế biến dược liệu cũng tham dự đấu thầu các vị thuốc cổ truyền...
Thời gian tới, Bộ Y tế cần nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu; tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu tại các cơ sở kinh doanh dược liệu. Đồng thời, ngành y tế tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao đối với một số dược liệu chủ yếu...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để nâng cao chất lượng dược liệu cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc, kiểm soát dược liệu NK qua đường tiểu ngạch. Đồng thời Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh các đối tượng dù vô tình hay cố ý tiếp tay cho các đơn vị kinh doanh dược liệu giả thì phải xử lý hình sự.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ quan quản lý y, dược cổ truyền cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách nhằm khuyến khích hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu, đồng thời, thu hút nguồn đầu tư của cac doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu; phát huy vai trò của Ủy ban Nhân dân xã, phường trong giám sát, quản lý nguồn gốc của dược liệu theo địa chỉ nuôi trồng; tăng cường nghiên cứu khoa học hộ trợ nuôi trồng dược liệu; phát triển các hội nghề nghiệp giúp đỡ cho các thành viên, tăng cường hợp tác giữa 3 nhà  (nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp) nhằm xây dựng ngành nuôi trồng dược liệu. Đặc biệt, cần bảo tồn nguồn các gien để phục vụ phát triển ngành nuôi trồng dược liệu bền vững.

(Nguồn tin: )