Hội nghị - Hội thảo

Hội thảo đánh giá tình hình và bàn giải pháp phát triển dược liệu tại tỉnh Quảng Nam

Sáng ngày 26/10/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo phát triển cây dược liệu nhằm đánh giá tình hình phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, bàn định hướng, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo
Tới dự Hội thảo có đại diện các cơ quan trung ương, đại diện các chuyên gia, đại diện tỉnh Quảng Nam và các cơ quan báo đài phát thanh, truyền hình...
Theo báo cáo, diện tích cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam khoảng 500 ha. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dược liệu, thực hiện liên kết “4 nhà” để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, mở rộng vùng sản xuất gắn với chế biến để hình thành vùng nguyên liệu bền vững trong thời gian tới. Nhờ tập trung đầu tư, số lượng sâm trồng của các trại giống và trong dân đều tăng. Trong đó, Trạm dược liệu Trà Linh trồng được hơn 200 nghìn cây sâm, hằng năm gieo tạo hơn 3 vạn cây giống; diện tích sâm Ngọc Linh được các hộ dân các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam...khoảng 60 ha; tổng số sâm trồng trên địa bàn Tây Giang đạt 23 nghìn cây. Ngoài ra, nhiều loại dược liệu quý khác cũng đang phát triển rộng rãi như Ba kích (48 ha), Đảng sâm (296 ha), Sa nhân (40 ha)...Một số địa phương trồng các nhóm cây dùng làm thuốc khoảng hơn 100 loài.
Tuy nhiên, việc trồng và sản xuất cây dược liệu của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thúc đẩy được thị trường dược liệu. Tại hội thảo, tỉnh đề ra một số định hướng, giải pháp để phát triển dược liệu trong thời gian tới như: rà soát, lập quy hoạch cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, có chiến lược phát triển cụ thể cho từng loài; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các mô hình di thực để nhân rộng cây dược liệu; đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, mở rộng hợp tác, liên kết để đẩy nhanh tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ vào nhân giống, sản xuất và chế biến; thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu có giá trị cao, ổn định đầu ra, thúc đẩy phát triển dược liệu; giao đất, cho các hộ/nhóm hộ thuê đất để trồng dược liệu.
Tại Hội thảo lần này, các tham luận cũng đã đưa ra thực trạng và chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Quảng Nam, chia sẻ ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống chất lượng cao, kiểm nghiệm cao phục vụ cho phát triển cây dược liệu…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã kết luận: "Hội thảo lần này là dịp để địa phương và các chuyên gia đầu ngành trao đổi, phân tích về thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh; cùng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển dược liệu của các địa phương khác; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn và phát triển dược liệu... Qua đó, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nguyên liệu dược liệu phong phú, có giá trị chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

(Nguồn tin: )