Hội nghị - Hội thảo

Hội thảo khoa học "Phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế"

Ngày 28/12, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến nhu cầu thị trường dược liệu Việt Nam; thực trạng và nhu cầu phát triển ngành dược liệu của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ đó, đề ra các giải pháp phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu; phát triển vùng dược liệu phù hợp từng địa phương và thị trường tiêu thụ; khai thác dược liệu tự nhiên gắn với bảo tồn nguồn gen dược liệu quý; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.


PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, do đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng nên tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi hội tụ các loài cây thuốc; trong đó, có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế về nguồn tài nguyên dược liệu, thời gian tới tỉnh cần tập trung xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù cho từng địa phương nhằm khuyến khích phát triển dược liệu. Đồng thời, xác định nhóm cây dược liệu có thế mạnh để ưu tiên đầu tư phát triển thành sản phẩm thương mại hóa có giá trị cao.

Cùng đó, đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng; bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế; đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, chế biến và chiết xuất tại các vùng dược liệu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nhân giống, trồng trọt và chế biến dược liệu.
Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm quốc gia, để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần xây dựng trục văn hóa - nông sản - thảo dược.

Cùng đó, tiến hành khảo sát tổng thể tài nguyên dược liệu - văn hóa - cảnh quan của tỉnh, từ đó xác định các tiềm năng, hiện trạng phát triển để có giải pháp triển khai phù hợp; vận động cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.

PGS.TS Trần Văn Ơn cũng đề xuất thúc đẩy khởi nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nguyên liệu, sản phẩm, điều kiện nhà sản xuất để sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, dịch vụ du lịch đồng thời xây dựng các mô hình điểm tại mỗi địa phương như phát triển vùng dược liệu an toàn, sạch, vùng đất organic, làng văn hóa du lịch thảo dược...
Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với hơn 5.000 loài cây thuốc. Theo Cục quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 60 nghìn tấn dược liệu sử dụng vào việc chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên Việt Nam mới tự cung cấp 25 - 30% nguyên liệu phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước.
Thừa Thiên - Huế có nguồn dược liệu đa dạng từ dược liệu thực vật, động vật, khoáng chất, dược liệu rừng, biển, đầm phá. Tỉnh hiện có 1.126 loài thực vật, 59 loài động vật có thể dử dụng làm dược liệu.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý về khai thác bảo tồn và phát triển dược liệu ở Thừa Thiên - Huế còn nhiều bất cập; người dân chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu dược liệu quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, bảo tồn và sản xuất đại trà cây thuốc còn hạn chế; chưa tạo được sản phẩm dược liệu địa phương tạo thành hàng hóa thương mại.../.

(Nguồn tin: TTXVN)