Đào tạo

Viện Dược liệu tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS. Ngô Sỹ Thịnh

Sáng ngày 27/04/2023, Viện Dược liệu tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho Nghiên cứu sinh Ngô Sỹ Thịnh, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền (mã số: 9720206) với tên đề tài: Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của cây Lãnh công rợt (Fissistigma pallens (Fin. & Gagnep.) Merr.), Họ Na (Annonaceae)”. dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thu và PGS.TS. Nguyễn Xuân Nhiệm.

Thành phần tham dự buổi lễ có Hội đồng đánh giá luận án, đại diện Viện Dược liệu, đại diện Bệnh viện Quân Y 354 - cơ quan làm việc của Nghiên cứu sinh, phòng Khoa học và Đào tạo, gia đình, một số nghiên cứu sinh và cán bộ chuyên môn của Viện Dược liệu quan tâm đến dự.

Tại buổi bảo vệ NCS Ngô Sỹ Thịnh đã trình bày các kết quả đạt được của luận án như: Luận án là tài liệu đầu tiên mô tả chi tiết đặc điểm hình thái thực vật, đặc điểm vi phẫu thân, lá và bột thân, lá của cây Lãnh công rợt (Fissistigma pallens (Fin. & Gagnep.) Merr. Đã xác định được các nhóm hợp chất chủ yếu và phân lập được 23 hợp chất từ mẫu nghiên cứu thu hái tại Quế Phong - Nghệ An, trong đó có 9 hợp chất mới và 12 hợp chất lần đầu phân lập được từ chi Fissiistigma Griff., 02 hợp chất lần đầu phân lập được từ loài nghiên cứu. Đã sàng lọc một số tác dụng của các hợp chất phân lập được và sơ bộ xác định được: + 07 hợp chất (FP1-FP7) có tác dụng trên một số dòng tế bào ung thư trong đó có 5 hợp chất có tác dụng tốt; + 09 hợp chất (FP15-FP23)  thể hiện tác dụng chống oxy hóa mạnh trong đó có 3 có tác dụng tương đương 6,9-10,2 mM Trolox và 3 hợp chất có khả năng khử mạnh ion Cu++; + 04 hợp chất có khả năng ức chế sản sinh NO của RAW 264.7 khi bị kích thích, 03 hợp chất ức chế mạnh sản sinh cytokin tiền viêm TNF-a và 03 hợp chất có khả năng ức chế sản sinh IL-6, trong đó FP2 và FP3 có cả 3 khả năng trên.

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ đạt yêu cầu theo quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo và của Viện Dược liệu. Luận án có ý nghĩa khoa học, sử dụng các phương pháp thường quy có độ tin cậy và đã có những đóng góp mới về dược liệu Đan sâm trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hội đồng cũng đã đưa ra những điểm cần sửa chữa để nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện hơn luận án của mình, trước khi nộp lại cho Thư viện Quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thu, là cán bộ hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Ngô Sỹ Thịnh cũng ghi nhận sự kiên trì, nỗ lực học tập vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình học tập nghiên cứu để đạt được những kết quả của luận án.

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra trang trọng, kết thúc với 100% số phiếu đồng ý đề nghị Viện trưởng Viện Dược liệu công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS Ngô Sỹ Thịnh sau khi sửa chữa hoàn thiện luận án theo góp ý của Hội đồng và nộp lưu luận án tại thư viện Quốc gia.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)