Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 6 NĂM 2023: CHÈ VẰNG VÀ MẠCH MÔN

STT

Nội dung tin dịch

I

Cây chè vằng

1

MỘT HỢP CHẤT PHENYLPROPANOID GLYCOSID MỚI ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ CÂY CHÈ VẰNG JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME

Nguyen Thi Hong Huong và cs.

Journal of Asian Natural Products Research. 2008 Nov-Dec; 10(11-12): 1035-8

Từ cao chiết ethyl acetat của phần trên mặt đất của cây Jasminum subtriplinerve Blume (chè vằng), đã phân lập được các hợp chất bao gồm  6'-O-menthiafoloylverbascosid (1), rutin (2), isoverbascosid (4), isooleoverbascosid (6), apiosylverbascosid (7), astragalin (9), isoquercitrin (10), và verbascosid (11). Cấu trúc của các hợp chất này đã được xác định thông qua phổ MS và NMR. Trong số này, hợp chất  6'-O-menthiafoloylverbascosid (1) là một phenylpropanoid glycoside mới.

Phan Thanh Thủy

2

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC ĐIỀU KIỆN TRONG QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT ĐẾN HIỆU SUẤT CHIẾT, HÀM LƯỢNG POLYPHENOL TỔNG SỐ VÀ HOẠT ĐỘNG CHỐNG OXY HÓA CỦA JASMINUM SUBTRIPLINERVE

Trieu Tuan Anh và cs.

IOP Conference Series: Materials Science and Engineering. 2019; 544(1): 012027

Jasminum Subtriplinerve Blume (Oleaceae, chè vằng) là loại cây thảo dược phổ biến được sử dụng trong việc giảm cân và kích thích tuyến sữa. Sản phẩm chiết xuất từ loại cây này dễ sử dụng nhưng có ít nghiên cứu. Nghiên cứu này đã được thực hiện để đánh giá tác động của các điều kiện chiết xuất như tỷ lệ dung môi nước/dược liệu, nhiệt độ chiết xuất và thời gian chiết xuất đối với hiệu suất chiết, hàm lượng polyphenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết từ J. subtriplinerve. Hàm lượng polyphenol toàn phần được xác định dựa trên phương pháp Folin-Ciocalteu. Hiệu suất chiết (0,22g/100 g) đạt được ở các điều kiện: tỷ lệ dung môi/dược liệu 15:1 (ml/g), 40°C và thời gian chiết xuất 4 giờ. Dưới các điều kiện tối ưu này, nồng độ polyphenol là 2640,4 μg/1g cao chiết. Đồng thời, chiết xuất này có thể loại bỏ được 46,11% gốc tự do DPPH (30 μg/mL) ở nồng độ 10,000 μg/ml.

Phạm Anh Minh, Nguyễn Trà My

3

NGHIÊN CỨU HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY CHÈ VẰNG Ở VIỆT NAM, JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME (OLEACEAE)

Dai Hue Ngan và cs.

Natural Product Research. 2008; 22(11): 942-9

Năm cao chiết thô thu được từ lá và thân của cây Jasminum subtriplinerve Blume (Họ Ô liu) (chè vằng) đã được nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và độc tính tế bào. Việc chiết xuất được thực hiện bằng các dung môi ether petroleum, ethyl acetat, ethanol, methanol hoặc nước. Tất cả các cao chiết đều có hoạt tính kháng khuẩn ngoại trừ cao nước. Ngược lại, tất cả các cao chiết đều có hoạt tính chống oxy hóa ngoại trừ cao phân đoạn ether petroleum khi sử dụng phương pháp bắt gốc tự do DPPH. Tuy nhiên, chỉ có cao phân đoạn ether petroleum thể hiện hoạt tính độc tính tế bào đối với các dòng tế bào thử nghiệm, Hep-G2 và RD với giá trị IC (50) lần lượt là 19,2 và 20 microg mL(-1). Hai triterpen là acid 3-beta-acetyl-oleanolic và lup-20-en-3beta-ol cùng với một sterol, stigmast-5-en-3beta-ol đã được phân lập từ các cao chiết xuất ether petroleum và ethyl acetat. Cấu trúc của những hợp chất này được làm sáng tỏ thông qua các phương pháp phổ IR, MS, 1D-NMR, 2D-NMR và mô phỏng phổ ACD/NMR. Dữ liệu được trình bày ở đây cho thấy rằng J. subtriplinerve chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học đáng chú ý.

Phan Thanh Thủy, Đỗ Hồng Mạnh

4

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN TINH DẦU TRONG LÁ CỦA HAI LOÀI THỰC VẬT: JASMINUM SUBTRIPLINERVE C.L. BLUME VÀ VITEX QUINATA (LOUR) F.N. WILLIAMS Ở VIỆT NAM

Do N Dai và cs.

Natural Product Research. 2016; 30(7): 860-4

Thành phần tinh dầu trong lá Jasminum subtriplinerve (Oleaceae) và Vitex quinata (Verbanaceae) trồng ở Việt Nam được phân tích bằng sắc ký khí với đầu dò ion hóa ngọn lửa (GC-FID) và sắc ký khí – khối phổ (GC-MS). Thành phần chính được xác định trong J. subtriplinerve chủ yếu là các monoterpen bị oxy hóa bao gồm linalool (44,2%), α-terpineol (15,5%), geraniol (19,4%) và cis-linalool ocid (8,8%). Các thành phần có ý nghĩa về mặt định lượng của V. quinata là hydrocarbon terpen bao gồm β-pinen (30,1%), β-caryophyllen (26,9%) và β-elemen (7,4%). Thành phần hóa học của tinh dầu lần đầu tiên được báo cáo ở hai loài này.

Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Văn Hiệp

5

NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG GIẢM ĐAU, CHỐNG VIÊM VÀ HẠ ACID URIC MÁU CỦA CAO CHIẾT ETHANOLIC 50% TỪ JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME

Tuoi Thi Hong Do và cs.

MedPharmRes. 2022;6(2)

Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo hoạt tính chống oxy hóa và ức chế xanthine oxidase in vitro của Jasminum subtriplinerve Blume, Oleaceae (chè vằng), cho thấy tiềm năng ngăn ngừa bệnh gút và hỗ trợ điều trị. Nghiên cứu này đánh giá tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ acid uric máu của cao chiết ethanol 50% của J. subtriplinerve (EEJS) ở liều uống 800 và 1200 mg/kg ở chuột nhắt trắng. Đối với khảo sát độc tính cấp đường uống, tỷ lệ tử vong và dấu hiệu độc tính ở chuột đực và chuột cái được đánh giá trong vòng 72 giờ và 14 ngày sau liều uống duy nhất EEJS. Tác dụng giảm đau được ghi nhận ở chuột bị gây đau quặn bụng bằng acid acetic trong vòng 40 phút. Tác dụng chống viêm được xác định trên mô hình gây viêm cấp (gây phù chân chuột) bằng carrageenan 1%. Tác dụng hạ acid uric máu được đánh giá trên mô hình gây tăng acid uric máu cấp và mạn ở chuột bằng kali oxonat tiêm vào màng bụng. Kết quả không ghi nhận độc tính cấp đường uống ở chuột được cho uống EEJS với liều tối đa (Dmax) là 20 g/kg. Ở liều 800 và 1200 mg/kg, EEJS có tác dụng giảm đau cho đến phút thứ 40. EEJS liều 1200 mg/kg thể hiện tác dụng chống viêm cấp. EEJS ở liều uống 800 và 1200 mg/kg không có tác dụng hạ acid uric cấp. EEJS liều 800 mg/kg làm giảm nồng độ acid uric máu, giảm 30-44% ở chuột bị tăng acid uric máu mạn so với nhóm bệnh lý. Tóm lại, EEJS không có độc tính cấp đường uống ở chuột với Dmax là 20 g/kg. EEJS có tác dụng giảm đau và hạ acid uric máu mạn ở liều uống 800 mg/kg ở chuột.

Nguyễn Phú Quang, Trần Thị Hồng Vân

 

6

SÀNG LỌC IN VITROIN SILICO CÁC HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ α-GLUCOSIDASE TỪ CHÈ VẰNG (JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME)

Le Minh Ngoc và cs.

VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences. 2022;39(1)

Cao chiết từ lá chè vằng (Jasminum subtriplinerve) được chiết xuất bằng cách ngâm lạnh với ethanol 70% và sau đó được lắc phân đoạn bằng các dung môi n-hexan, ethyl acetat (EtOAc) và n-butanol (n-BuOH). Cao chiết tổng và các cao phân đoạn được đánh giá hoạt tính ức chế α-glucosidase in vitro. Kết quả cho thấy các phân đoạn n-hexan và EtOAc có tác dụng ức chế α-glucosidase mạnh với giá trị IC50 lần lượt là 7,27 ± 0,71 mg/mL và 7,42 ± 0,95 mg/mL. Cao chiết tổng, phân đoạn n-BuOH và phân đoạn nước không thể hiện tác dụng ức chế α-glucosidase. Kết quả docking phân tử cho thấy rutin, isoverbascosid, astragalin, isoquercitrin, verascosid, stirysterol, nicotiflorin và chevangin B có thể đóng một vai trò quan trọng trong tác dụng sinh học của lá chè vằng. Trong số các hợp chất này, astragalin, isoquercitrin, verascosid và stirysterol có thể được phát triển thành thuốc. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy rằng lá chè vằng có thể là nguồn cung cấp các hợp chất ức chế α-glucosidase tự nhiên tiềm năng.

 

Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Trà My

7

ĐÁNH GIÁ ĐỘC TÍNH BÁN TRƯỜNG DIỄN VÀ TÁC DỤNG HẠ LIPID MÁU CỦA CAO CHIẾT CHÈ VẰNG (JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME OLEACEAE)

Pham Hong Minh và cs

VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences. 2023; 39(1)

Chè vằng (Jasminum subtriplinerve Blume, họ Oleaceae) là một cây thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm cân và kích thích tuyến sữa. Sản phẩm cao chiết chè vằng đã được sử dụng rộng rãi nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học về tính an toàn và tác dụng. Nghiên cứu này nhằm đánh giá độc tính bán trường diễn và tác dụng hạ lipid máu của cao chiết lá chè vằng. Nghiên cứu được thực hiện trên chuột cống Wistar và chuột nhắt Swiss. Đối với độc tính bán trường diễn trên chuột cống Wistar, cao chiết lá chè vằng ở các liều lập lại 18 mg/kg/ngày và 54 mg/kg/ngày có tính an toàn sau 90 ngày cho uống. Cao chiết lá chè vằng không ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể, các thông số tạo máu, tổn thương tế bào gan hoặc chức năng gan và thận ở chuột thí nghiệm. Về tác dụng hạ lipid máu, cao chiết lá chè vằng ở liều 36 mg/kg/ngày và 108 mg/kg/ngày làm giảm rõ rệt các chỉ số lipid trong máu (cholesterol toàn phần, triglycerid, non-HDL-C) sau 7 ngày uống trên mô hình gây rối loạn lipid máu nội sinh gây bởi poloxamer-407 ở chuột nhắt Swiss.

Nguyễn Văn Hip, Nguyễn Trà My

8

QUÁ TRÌNH TỔNG HỢP XANH ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI ÁNH SÁNG MẶT TRỜI, CÁC ĐẶC TÍNH VÀ TÁC DỤNG KHÁNG KHUẨN CỦA NANO BẠC SỬ DỤNG CAO CHIẾT TỪ LÁ CHÈ VẰNG (JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME)

Phung Anh Nguyen và cs.

Journal of Plant Biochemistry and Biotechnology. 2021 Mar; 31: 202–205

Các hạt nano bạc (AgNP) được sinh tổng hợp ở nhiệt độ phòng dưới sự chiếu xạ của ánh sáng mặt trời, trong đó cao chiết lá chè vằng (Jasminum subtriplinerve Blume) (JS) được sử dụng làm tác nhân khử và chất ổn định. Các AgNP thu được được đánh giá kỹ lưỡng bằng phương pháp quang phổ UV-Vis, nhiễu xạ tia X (XRD), kính hiển vi điện tử truyền qua có độ phân giải cao (HR-TEM), quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR) và hoạt tính kháng khuẩn của các AgNP được đánh giá trên năm loại vi khuẩn bằng thử nghiệm xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và thử nghiệm khuếch tán trên agar xác định vòng ức chế vi khuẩn phát triển. Cao chiết JS không thể hiện hoạt tính kháng khuẩn khi so sánh với AgNP; trong khi đó, AgNP thể hiện hoạt tính kháng khuẩn hiệu quả đối với tất cả các vi khuẩn với đường kính vùng ức chế trung bình trên 10,0 mm và MIC là 33,08 µg/mL (hoạt tính ức chế vi khuẩn gram (-) cao hơn vi khuẩn gram (+)).

Trần Thị Hồng Vân

9

TỔNG HỢP XANH NHỜ CHIẾU XẠ ÁNH SÁNG MẶT TRỜI, ĐẶC TRƯNG VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN CỦA NANO BẠC SỬ DỤNG CHIẾT XUẤT LÁ CHÈ VẰNG JASMINUM SUBTRIPLINERVE BLUME

Phung Anh Nguyen và cs.

Journal of plant Biochemistry and Biotechnology. 2022; 31:  202-205.

Các hạt nano bạc (AgNPs) được sinh tổng hợp ở nhiệt độ phòng dưới sự chiếu xạ của ánh sáng mặt trời, sử dụng chiết xuất lá Jasminum subtriplinerve Blume (JS) làm chất khử và cũng là chất ổn định. AgNPs thu được được đánh giá kỹ lưỡng bằng máy quang phổ UV–Vis, máy nhiễu xạ tia X (XRD), kính hiển vi điện tử truyền qua có độ phân giải cao (HR-TEM), quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR) và đặc tính kháng khuẩn của chúng được đánh giá trên năm chủng vi khuẩn bằng cách thực hiện phép thử nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và phép thử vùng ức chế. Không quan sát thấy hoạt tính kháng khuẩn nào trong dịch chiết JS so với AgNPs; trong khi đó, AgNPs thể hiện hoạt tính kháng khuẩn hiệu quả đối với tất cả các vi khuẩn có đường kính vùng ức chế đường kính trung bình trên 10,0 mm và nồng độ ức chế tối thiểu là 33,08 µg/mL (hoạt tính ức chế đối với vi khuẩn gram (-) cao hơn so với vi khuẩn gram (+).

Nguyễn Đức Mạnh

II

Mạch môn

1

POLYSACCHARIDE TỪ MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) ỨC CHẾ BỆNH GAN NHIỄM MỠ KHÔNG DO RƯỢU THÔNG QUA ĐIỀU HÒA VI KHUẨN AKKERMANSIA MUCINIPHILA

Zhang L và cs.

International Journal of  Biological Macromolecules. 2022 Jan; 196: 23-34

MDG, một polysaccharid phân lập từ mạch môn (Ophiopogon japonicus), có tác dụng bảo vệ chống béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng chứng minh cơ chế cụ thể của MDG chống lại NAFLD. Kết quả cho thấy việc bổ sung MDG giúp cải thiện sự tích tụ lipid, tình trạng gan nhiễm mỡ và viêm mãn tính ở chuột NAFLD do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Ngoài ra, MDG còn làm phong phú và đa dạng hoá cộng đồng vi sinh vật trong ruột, biểu hiện bởi sự có mặt của hệ vi sinh vật trong phân. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy mức độ Akkermansia muciniphila có mối tương quan nghịch với sự phát triển NAFLD và tín hiệu liên quan đến chuyển hóa lipid có thể là yếu tố điều chỉnh chính. Nghiên cứu này cho thấy rằng điều trị MDG có thể ức chế béo phì và quá trình NAFLD bằng cách điều chỉnh các con đường liên quan đến lipid thông qua việc thay đổi cấu trúc và tính đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột. Ngoài ra, Akkermansia miniciphila có thể là ứng cử viên đầy triển vọng trong nghiên cứu về NAFLD trong tương lai..

Trần Anh Quang, Đinh Thị Minh

2

MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) ỨC CHẾ VIÊM PHỔI GÂY BỞI BỨC XẠ Ở CHUỘT

Yao QW và cs.

Annals of  Translation Medicine. 2019 Nov; 7(22): 622

Tổn thương phổi do bức xạ, bao gồm viêm phổi cấp và xơ phổi mạn là biến chứng chính của xạ trị lồng ngực.

Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của Ophiopogon japonicus (O. japonicas) trong việc ức chế tình trạng viêm phổi do bức xạ thông qua mô hình gây tổn thương phổi cấp chuột C57BL/6 bằng chiếu xạ 18 Gy vào vùng ngực. Trước khi chiếu xạ 4 ngày, chuột được điều trị bằng O. japonicus hoặc dexamethasone kết hợp với cephalexin hoặc dung môi (nước cất) hàng ngày trong 14 ngày.

Phơi nhiễm với bức xạ dẫn đến viêm phổi ở chuột, nhưng điều trị bằng O. japonicus hoặc dexamethasone-cephalexin đều có thể làm giảm đáng kể tình trạng viêm phổi do bức xạ thông qua việc ức chế IL-6, TNF-α, TGF-β1, hydroxyproline, MDA, MMP-2 và TIMP-2 trong huyết tương hoặc mô phổi. Ngoài ra, qua phân tích tổn thương mô, các cytokine và protein liên quan đến viêm ở thời điểm 12 tuần sau khi chiếu xạ, nghiên cứu ghi nhận tác dụng bảo vệ của O. japonicus lâu dài hơn so với dexamethasone-cephalexin.

Trần Anh Quang, Trần Thị Hồng Vân

3

CÁC SAPONIN STEROID MỚI CÓ HOẠT TÍNH GÂY ĐỘC TẾ BÀO TỪ RỄ CÂY MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS L.F. KER-GAWL)

Yan Wu và cs.

RSC Advances. 2018 Jan; 8(5): 2498-2505

Sáu saponin steroid mới (1-6) và một saponin steroid đã biết (7) được phân lập từ rễ của loài Ophiopogon japonicus (L. f.) Ker-Gawl. Cấu trúc của các hợp chất này được xác định bằng cách phân tích chi tiết dữ liệu cộng hưởng từ hạt nhân và khối phổ. Hoạt tính gây độc tế bào in vitro của các hợp chất này chống lại các dòng tế bào MDA-MB-435, HepG2 và A549 cũng đã được nghiên cứu.

Trần Anh Quang

4

CHIẾT XUẤT, TINH CHẾ, XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH VÀ HOẠT TÍNH HẠ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA POLYSACCHARIDE PHÂN LẬP TỪ RỄ CÂY MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS)

Xiaoming Chen và cs.

Carbohydrate Polymers. 2011 Jan; 83(2): 749-754

Trong nghiên cứu này, polysaccharide tan trong nước (OJP1) được chiết xuất bằng nước nóng từ rễ cây mạch môn (Ophiopogon japonicus), một loại dược liệu cổ truyền của Trung Quốc, được kết tủa bằng ethanol 95% và được tinh chế bằng phương pháp trao đổi anion cellulose DEAE-52 và Sephadex G-100 sắc ký lọc gel. Phân tích sắc ký thẩm thấu gel hiệu năng cao (HPGPC) cho thấy trọng lượng phân tử trung bình (Mw) của OJP1 là 35,2kDa. Phân tích các monosaccharid cho thấy OJP1 bao gồm Ara, Glc, Gal với tỷ lệ mol tương đối là 1:16:8. Các thí nghiệm dược lý cho thấy OJP1 có thể làm giảm đáng kể mức đường huyết, tăng mức insulin và điều chỉnh các tổn thương đảo tụy ở chuột cống trắng bị đái tháo đường gây bởi STZ so với nhóm đối chứng không điều trị. Nghiên cứu cho thấy OJP1 có tác dụng chống đái tháo đường trên chuột đái tháo đường gây bởi STZ, cho thấy tiềm năng sử dụng của OJP1.

Phan Thanh Thủy

5

CHIẾT XUẤT ĐỒNG THỜI VÀ XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH CÁC SAPONIN STEROID VÀ HOMOISOFLAVONOID Ở LOÀI OPHIOPOGON JAPONICUS CHIẾT GIANG

Yaoyao Zhu và cs.

Molecules. 2022 Oct; 27(21): 7380

Ophiopogon japonicus ở Chiết Giang (ZOJ) là một loại O. japonicus với thành phần saponin steroid và homoisoflavonoid đặc trưng, ​​​​cũng là thành phần dược lực học chính có tác dụng lâm sàng, bao gồm điều trị viêm và các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, rất ít phương pháp phân tích được áp dụng để xác định đồng thời và định lượng hai thành phần này và các dung môi hữu cơ nguy hiểm chủ yếu được sử dụng để chiết xuất. Trong nghiên cứu này, một phương pháp xác định và chiết xuất đồng thời bốn saponin steroid và homoisoflavonoid đặc trưng trong ZOJ đã được thiết lập bằng phương pháp chiết siêu âm chất lỏng ion (IL-UAE) kết hợp với phân tích HPLC-DAD-ELSD, phương pháp này có thể được sử dụng để đánh giá chất lượng của ZOJ. Việc phân tách sắc ký được thực hiện với đầu dò DAD ở bước sóng 296 nm và các thông số ELSD của nhiệt độ DTT, nhiệt độ nguyên tử hóa (AT) và áp suất khí nitơ (NGP) lần lượt là ở 20% công suất gia nhiệt, 70 °C, và 25 psi. Các điều kiện IL-UAE tối ưu là 1 mol/L [Bmim] dung dịch CF3SO3, tỷ lệ dung môi-nguyên liệu là 40 mL/g và thời gian siêu âm là 60 phút. Phương pháp được đề xuất là đáng tin cậy, có thể lặp lại và chính xác, đã được xác minh bằng các thử nghiệm mẫu thực. Do đó, phương pháp này sẽ hữu ích cho việc kiểm soát chất lượng của ZOJ. Kết quả cũng có thể là một tài liệu tham khảo đầy hứa hẹn cho việc chiết xuất và xác định đồng thời các loại thành phần khác nhau trong các cây thuốc khác.

Phan Thanh Thủy

6

TÁC DỤNG BẢO VỆ TIM MẠCH CỦA POLYSACCHARID TỪ MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) ĐỐI VỚI CHỨNG THIẾU MÁU CƠ TIM CỤC BỘ Ở CHUỘT GÂY RA BỞI ISOPROTERENOL

Sairong Fan và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2020; 147: 233-240

Polysaccharid (OJP1), được chiết từ ​​​​rễ Mạch môn (Ophiopogon japonicus), là một vị thuốc truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc được sử dụng để điều trị các bệnh tim mạch. Nghiên cứu này được thực hiện để nghiên cứu tác dụng bảo vệ tim mạch của OJP1 đối với tổn thương do thiếu máu cơ tim cục bộ do isoproterenol (ISO) gây ra ở chuột. Kết quả cho thấy rằng khi xử lý trước với OJP1 (100, 200 và 300 mg/kg) làm giảm đáng kể độ tăng cao của đoạn ST và chỉ số tim do ISO gây ra, làm giảm nồng độ các enzyme marker (AST, LDH, CK và CK - MB), cùng với tăng cường đáng kể hoạt động của các ATPase. Hơn nữa, tiền xử lý bằng OJP1 không chỉ tăng cường hoạt động của các enzyme SOD, GPx và CAT trong huyết thanh và cơ tim, mà còn làm giảm mức độ MDA. Phân tích sinh hóa và mô bệnh học cũng cho thấy OJP1 có thể làm giảm tổn thương cơ tim do ISO gây ra. Kết hợp lại cho thấy, kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng OJP1 bằng đường uống mang lại tác dụng bảo vệ tim mạch đáng kể đối với tổn thương do ISO gây ra thông qua việc tăng cường các chất chống oxy hóa nội sinh.

Nguyễn Trà My, Đinh Thị Minh

7

XÁC ĐỊNH NHANH CÁC OPHIOPOGONIN VÀ OPHIOPOGONONE TRONG CHIẾT XUẤT MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) BẰNG MỘT KỸ THUẬT THỰC HÀNH LỌC ĐỘ HỤT KHỐI DỰA TRÊN PHƯƠNG PHÁP KHỐI PHỔ PHÂN GIẢI CAO

Tong Xie và cs.

Journal of Chromatography A. 2012 Mar; 1227: 234–244

Nghiên cứu này nhằm phát triển và đánh giá một phương pháp tiếp cận thực tế của việc lọc độ hụt khối (mass defect filtering: MDF), một kỹ thuật xử lý dữ liệu sau khi thu thập, để phân loại nhanh các đỉnh phức tạp vào các nhóm hợp chất đã biết dựa trên khối lượng chính xác thu được bằng phổ khối lượng phân giải cao. Dữ liệu scan LC–MS/MS tổng thể của chiết xuất Mạch môn (Ophiopogon japonicus) đã được thu thập bằng hệ thống LCMS-Q-TOF với độ phân giải cao, độ chính xác khối lượng và độ nhạy. Để loại bỏ sự nhiễu loạn của ma trận phức tạp, phương pháp MDF đã được phát triển và áp dụng để nhanh chóng tìm ra đỉnh của các ophiopogonin và ophiopogonone từ biểu đồ khối lượng tổng thể. Độ chính xác của MDF đã được đánh giá dựa trên kết quả nhận dạng cấu trúc. Sau phân loại dựa trên MDF, cả các thành phần mục tiêu và không mục tiêu trong chiết xuất Mạch môn đã được xác định dựa trên phân tích các ion mảnh vụn trong hệ thống bẫy ion trap kết hợp với khối phổ phân giải cao (LCMS-IT-TOF). Bằng phương pháp này, hơn 50 ophiopogonin và 27 ophiopogonone đã được xác định cấu trúc. Kết quả hiện tại về việc phát hiện và nhận dạng nhanh chóng các ophiopogonin và ophiopogonon gợi ý rằng phương pháp MDF dựa trên dữ liệu phổ khối lượng độ phân giải cao có thể được áp dụng cho phân tích các thành phần của thảo dược khác.

Đỗ Hồng Mạnh

8

MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) VÀ CÁC HOẠT CHẤT: TỔNG QUAN VỀ TÁC DỤNG CHỐNG UNG THƯ TIỀM NĂNG VÀ CÁC CƠ CHẾ LIÊN QUAN

Qiao Liu và cs.

Phytomedicine. 2023 May; 113: 154718

Đặt vấn đề

Mạch môn (Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker Gawl.), một loại thảo dược nổi tiếng của Trung Quốc, đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc hàng nghìn năm. Nhiều nghiên cứu bao quát in vitroin vivo đã chỉ ra rằng mạch môn và các hoạt chất thể hiện tác dụng chống ung thư tiềm năng ở nhiều loại tế bào ung thư in vitro và ngăn chặn sự phát triển và di căn của khối u mà không gây độc tính nghiêm trọng trên cơ thể sinh vật.

Mục đích

Tổng quan này nhằm mục đích tóm tắt và thảo luận một cách có hệ thống về tác dụng chống ung thư cũng như cơ chế tác dụng của cao chiết Mạch môn và các hoạt chất.

Phương pháp

Tổng quan này được chuẩn bị theo hướng dẫn của Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses. Các cơ sở dữ liệu khoa học khác nhau bao gồm Web of Science, PubMed, Scopus và Cơ sở dữ liệu tri thức quốc gia Trung Quốc đã được tìm kiếm bằng các từ khóa: Ophiopogon japonicus, khối u, ung thư, ung thư biểu mô, hàm lượng, dược động học và độc tính.

Kết quả

Cao chiết Mạch môn và các hợp chất có hoạt tính sinh học, như ruscogenin-1-O-[β-d-glucopyranosyl(1→2)][β-d-xylopyranosyl(1→3)]-β-d-fucopyranosid (DT- 13), ophiopogonin B và ophiopogonin D, có tác dụng chống ung thư tiềm năng, bao gồm việc gây ra sự ngừng chu kỳ tế bào, kích hoạt quá trình chết theo chu trình (apoptosis) và tự thực bào (autophagy), cũng như ức chế sự di căn và tân tạo mạch. Ngoài ra, các cơ chế nền tảng cho những tác động này cũng như dược động học, độc tính và công dụng lâm sàng của cao chiết Mạch môn và các hoạt chất cũng được thảo luận. Hơn nữa, bài tổng quan này nêu bật triển vọng nghiên cứu và ứng dụng của các hợp chất từ Mạch môn trong liệu pháp miễn dịch và hóa trị liệu kết hợp.

Nguyễn Văn Hip

9

CÁC SAPONIN STEROID CHIẾT XUẤT TỪ RỄ CÂY MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS) CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG SUY TIM MẠN TÍNH DO DOXORUBICIN GÂY RA BẰNG CÁCH ỨC CHẾ STRESS OXY HÓA VÀ PHẢN ỨNG VIÊM

Zhongwei Wu và cs.

Pharmaceutical Biology. 2019 Dec; 57(1): 176-183

Bối cảnh: Ophiopogonis Radix, rễ của Mạch môn (Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker-Gawl (Liliaceae)), là một loại thuốc cổ truyền Trung Quốc, đã được nghiên cứu có hiệu quả điều trị các bệnh tim mạch.

Mục tiêu: Nghiên cứu này đánh giá tác dụng bảo vệ tim mạch của chiết xuất saponin steroid từ rễ cây Mạch môn (SOJ) chống lại suy tim mạn tính (chronic heart failure – CHF) do doxorubicin (DOX) gây ra thông qua việc cải thiện tình trạng stress oxy hóa và viêm.

Vật liệu và phương pháp: Một mô hình chuột cống trắng Sprague-Dawley của CHF đã được triển khai bằng cách tiêm DOX vào màng bụng. Tất cả chuột được chia ngẫu nhiên thành bốn nhóm: Nhóm đối chứng, nhóm CHF, nhóm điều trị CHF + SOJ (100 mg/kg), nhóm điều trị SOJ (100 mg/kg) (n = 8/nhóm). Sau sáu tuần dùng thuốc, tiến hành đo sinh trắc học và siêu âm tim. Các thông số sinh hóa được đo bằng bộ kit thương mại.

Kết quả: Các giá trị LVESP, +dP/dtmax, –dP/dtmax, EF và FS lần lượt tăng lên 116,20 ± 1,68 mmHg; 2978,71 ± 168,26 mmHg/s; 3452,61 ± 286,09 mmHg/s; 68,26 ± 5,28% và 31,97 ± 3,79%; các giá trị LVEDP, LVESD và LVEDD giảm xuống 8,85 ± 0,84 mmHg; 8,39 ± 0,45 mm và 12,36 ± 0,87 mm ở nhóm CHF + SOJ. Ngoài ra, nồng độ IL-6, TNF-α và IL-1β giảm xuống lần lượt là 154,41 ± 7,72 pg/mg protein; 110,02 ± 6,96 pg/mg protein và 39,39 ± 5,27 pg/mg protein; hoạt động tương đối của p38 MAPK giảm xuống 2,60 ± 0,40 trong nhóm CHF + SOJ. Ngoài ra, hoạt tính của SOD, CAT và GSH-Px tăng lên 268,77 ± 6,20 U/mg protein; 13,68 ± 0,68 U/mg protein và 316,90 ± 8,08 µmol/mg protein; hàm lượng MDA giảm xuống 4,03 ± 0,43 nmol/ mg protein trong nhóm CHF + SOJ.

Kết luận: SOJ thể hiện tác dụng bảo vệ tim mạch chống lại suy tim mạn tính do doxorubicin gây ra thông qua việc ức chế viêm và stress oxy hóa. Những kết quả này cung cấp bằng chứng cho thấy SOJ có thể là phương pháp điều trị hiệu quả cho suy tim mạn tính.

Đinh Thị Minh

10

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ BỆNH ĐỐM ĐEN TRÊN OPHIOPOGON JAPONICUS (L.F.) KER-GAWL GÂY RA BỞI ALTERNARIA ALTERNATA Ở TỈNH CHIẾT GIANG, TRUNG QUỐC

Yiwen Xu và cs.

Plant Disease. 2022; 106(1): 330

Mạch môn (Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl), một loài cây thuốc truyền thống của Trung Quốc, được trồng rộng rãi ở Trung Quốc. Rễ của O. japonicus được sử dụng là thành phần chính trong nhiều bài thuốc. Nó rất giàu các thành phần hóa học như saponin steroid, homoisoflavonoid và polysacarit, có nhiều hoạt tính dược lý khác nhau, như bảo vệ tim mạch, chống viêm và trị đái tháo đường (Chen et al. 2016). Vào tháng 5, 2018 và tháng 7, năm 2019, các triệu chứng bệnh đốm đen trên O. japonicus được quan sát thấy với tỷ lệ mắc bệnh là 40% tại huyện Từ Hi, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Bệnh chủ yếu nhiễm trên lá gây ra các đốm đen nghiêm trọng, gây thiệt hại 28% năng suất trên mỗi mẫu Anh. Ở giai đoạn đầu của bệnh, đầu lá bắt đầu chuyển sang màu vàng, sau đó chuyển màu dần lan xuống gốc lá, cuối cùng toàn bộ lá chuyển sang màu nâu đỏ với những đốm đen nhìn thấy rõ. Các lá có triệu chứng được cắt thành từng miếng nhỏ (1,0 × 1,0 cm) và được khử trùng lần lượt bằng cách ngâm trong ethanol 75% trong 30 giây và NaClO 1% trong 30 giây trong điều kiện vô trùng. Sau khi rửa bằng nước vô trùng ba lần và làm khô, các phần mẫu được đặt trên môi trường thạch khoai tây và đường dextrose (PDA) và ủ ở 28°C trong điều kiện tối một tuần. Sau đó, mầm bệnh trên PDA được chuyển vào thạch cà rốt khoai tây (PCA) và ủ ở 23°C trong điều kiện luân phiên ngày (12 giờ) và đêm (12 giờ) trong một tuần. Các khuẩn lạc trên PDA có màu xám đậm ở trung tâm được bao quanh bởi màu trắng đến xám ở mặt trên và màu đen với viền trắng ở mặt sau của đĩa. Các khuẩn lạc trên PCA có màu xám với sợi nấm thưa thớt. Bào tử đính có hình chùy ngược hoặc hình elip, màu nâu nhạt, có từ 3 đến 8 vách ngăn ngang và 1 đến 4 vách ngăn dọc. Cuống bào tử đính có vách ngăn, phát sinh đơn lẻ và có kích thước từ 17,0 đến 81,0 × 8,0 đến 23,5 μm. Hầu hết bào tử đính có mỏ hình nón hoặc hình trụ, kích thước khoảng 0 đến 23,5 × 2,5 đến 9,0 μm. Theo đặc điểm hình thái và nuôi cấy, các chủng phân lập này được xác định sơ bộ là Alternaria alternata. A. alternata là một trong những mầm bệnh thực vật điển hình nhất, hơn 95% trong số đó ký sinh không bắt buộc trên thực vật, gây bệnh cho nhiều loại cây trồng. Để xác nhận thêm việc xác định mầm bệnh, vùng đệm phiên mã trong (ITS), yếu tố kéo dài dịch mã gen 1-α (EF-1α), tiểu đơn vị lớn thứ hai của RNA polymerase II (RPB2), gen gây dị ứng chính Alt a 1 (Alt a 1), gen histon 3 (His) và ATPase màng sinh chất (ATP) được khuếch đại với các cặp mồi ITS1/ITS4, EF1-728F/EF1-986R, RPB2-7cr/RPB2-5f2, Alt-for/Alt-rev, His 3 -F/His 3-R, và ATP-F/ATP-R (Hong và cộng sự 2005; Lawrence và cộng sự 2013). Phân tích BLASTN của NCBI sử dụng ITS (MW989987), Alt a1 (MW995953), EF-1α (MW995955), ATP (MW995957), His (MW995954) và RPB2 (MW995956) cho thấy tương đồng 100, 100, 97, 99, 99 và 97% tương ứng với các số Genbank là MN249500.1, MN304714.1, MK637432.1, MK804115.1, MK460236.1 và MK605888.1 của A. alternata. Để xác minh khả năng gây bệnh, các cây khỏe mạnh (1 năm tuổi) của O. japonicus trong 10 chậu được phun lây nhiễm với huyền phù bào tử đính (1 × 106 bào tử/ml). Mười cây được xử lý bằng nước vô trùng đã được dùng làm đối chứng. Tất cả các cây được duy trì trong buồng khí hậu (26 ± 1°C, độ ẩm tương đối 70 đến 80% và chu kỳ quang 16 giờ sáng/8 giờ tối). Mười bốn ngày sau, tất cả các cây được lây nhiễm  cho thấy các triệu chứng điển hình của bệnh đốm đen giống các triệu chứng quan sát được trên đồng ruộng. Cây đối chứng không có triệu chứng và khỏe mạnh. Phân tích mầm bệnh được lặp lại ba lần. Các mầm bệnh được phân lập lại từ các cây có triệu chứng được xác định là A. alternata bằng cách quan sát hình thái học và phân tích trình tự. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về đốm đen do A. alternata gây ra trên cây O. japonicus ở Chiết Giang, Trung Quốc.

Giàng A Tiến, Nguyễn Đức Mạnh

11

ẢNH HƯỞNG CỦA STRESS CHE BÓNG ĐỐI VỚI SỰ ĐA DẠNG VÀ THÀNH PHẦN VI KHUẨN ĐẤT TRONG VÙNG RỄ CỦA CÂY MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS (LINN. F.) KER-GAWL.) CỎ MẠCH ĐEN (LOLIUM PERENNE L.).

Luo Yi-lan và cs.

Acta Agrestia Sinica. 2019; 27 (5): 1204-1212

Một thí nghiệm đã được tiến hành để kiểm tra ảnh hưởng của che bóng đối với cấu trúc cộng đồng vi sinh vật đất và sự đa dạng trong vùng rễ của loài Ophiopogon japonicus (Linn. f.) Ker-Gawl chống chịu bóng (OJ) và cỏ mạch đen loại cỏ lâu năm không chịu bóng (Lolium perenne L., LP). Cấu trúc quần xã vi khuẩn đã được phân tích bằng sử dụng nền tảng giải trình tự thông lượng cao, nhắm vào gen 16S rRNA. Kết quả cho thấy rằng che bóng đã làm thay đổi hàm lượng NH4+-N và NO3--N, tổng P, tổng K, K khả dụng và P khả dụng trong đất vùng rễ của OJ và LP. Che bóng đã thay đổi đáng kể thành phần của cộng đồng vi khuẩn, trong khi ít ảnh hưởng đến sự đa dạng của quần xã vi khuẩn OJ và LP. Các quần xã vi khuẩn chủ yếu bao gồm Proteobacteria và Acidobacteria trong đất vùng rễ của OJ và LP. Độ phong phú tương đối của Proteobacteria và Acidobacteria trong đất vùng rễ của OJ và LP lần lượt là 26,34% ~ 35,23%, 19,79% ~ 24,24% và 19,03% ~ 24,49%, 19,20% ~ 32,96%. Độ phong phú tương đối của Chloroflexi và Verrucomicrobia giảm trong đất của OJ để đối phó với stress bóng râm, và độ phong phú cao hơn đã được quan sát thấy trong đất LP so với đất OJ. Phân tích tương quan chỉ ra rằng K hữu dụng và N tổng số là những yếu tố chính ảnh hưởng đến quần thể vi khuẩn trong đất vùng rễ của OJ, trong khi nồng độ N, NH4+-N và NO3--N tổng số có tác động mạnh đến quần thể vi khuẩn trong đất vùng rễ của LP. Tóm lại, che bóng đã thay đổi các đặc tính hóa lý của đất và cấu trúc quần xã vi khuẩn; bản thân thực vật có ảnh hưởng lớn hơn đến quần xã vi khuẩn trong đất so với căng thẳng về che bóng.

Đoàn Thị Huyền Trang, Nguyễn Đức Mạnh

12

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA PACLOBUTRAZOL VÀ SỐ NĂM CANH TÁC ĐỐI VỚI SAPONIN TRONG OPHIOPOGON JAPONICUS BẰNG UPLC-ELSD

Sun Peng và cs.

International Journal of Analytical Chemistry. 2020: 5974130

Ngày nay, mối quan tâm về chất lượng của các loại thảo mộc sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc ngày càng tăng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của paclobutrazol và thời gian canh tác đến saponin steroid ở Ophiopogon japonicus. Một phương pháp nhanh chóng đã được phát triển để xác định đồng thời ba saponin steroid chính (ophiopogonin B, D, và D’) bằng cách sử dụng sắc ký lỏng siêu hiệu năng kết hợp với máy dò tán xạ ánh sáng bay hơi. Hàm lượng của ba saponin trong O. japonicus Tứ Xuyên được xử lý và không xử lý bằng paclobutrazol và những chất này trong O. japonicus Chiết Giang 2 năm và 3 năm tuổi đã được phân tích. Kết quả đã cho thấy hàm lượng saponin giảm mạnh trong cây O. japonicus được xử lý bằng paclobutrazol so với đối chứng, trong khi các nồng độ của ba saponin này trong cây O. japonicus trồng ở Chiết Giang đã thay đổi theo độ tăng của số năm canh tác, phản ánh ảnh hưởng khác nhau đến saponin. Nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng hóa học để kiểm soát chất lượng thêm và thực hành nông nghiệp của O. japonicus.

Nguyễn Đức Mạnh, Giàng A Tiến

13

BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA LOÀI OPHIOPOGON JAPONICUS, MỘT LOẠI CÂY CẢNH VÀ CÂY THUỐC

Yuan, C. và cs.

Mitochondrial DNA Part B. 2019; 4(2): 2843-2844

Mạch môn có phân bố rộng rãi ở Đông Á, được sử dụng phổ biến trong cảnh quan, củ của nó cũng đóng vai trò quan trọng trong Đông y. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã mô tả bộ gen lục lạp hoàn chỉnh bao gồm cấu trúc bốn phần điển hình, có chiều dài 156,679 bp với hàm lượng GC trung bình 37,7%, bao gồm 131 gen mã hoá protein, 37 gen tRNA, 8 gen rRNA và 1 giả gen. Phân tích kết quả cây phát sinh loài cho thấy loài mạch môn- Ophiopogon japonicus có mối quan hệ gần gũi với loài Liriope spicata.

Nguyễn Thị Xuyên, Lê Thị Quỳnh Nga, Tô Minh Tứ

14

ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT ĐIỀU HOÀ SINH TRƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG RA NHÁNH CỦA CÂY MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS CV.)

Bai, Y., & Wang, J.

Agricultural Biotechnology. 2020; 9(2): 16-20.

Mục tiêu: Nghiên cứu này được tiến hành để thảo luận ảnh hưởng của quy luật ra nhánh và những yếu tố kiểm soát nó trong quá trình sinh trưởng của cây mạch môn.

Phương pháp: Mạch môn (O. japonicus cv)  được sử dụng làm vật liệu nghiên cứu để xác định số nhánh trung bình, hệ số tăng sinh, tổng số nhánh, số nhánh chết, chỉ số nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm, khối lượng rễ tươi, thể tích rễ, tỷ lệ sống.

Kết quả: Khả năng nhân giống khi xử lý NAA cao hơn đáng kể khi xử lý với 6-BA, và khả năng đẻ nhánh trung bình ở công thức 5 mg/L NAA cao hơn đáng kể, cao hơn 90% so với CK. Hệ số tăng sinh của mạch môn ở công thức NAA cao hơn đáng kể so với công thức 6-BA và có  tỷ lệ chết giảm đáng kể. Nhóm công thức 1 mg/L NAA và 10 mg/L6-BA có tác dụng thúc đẩy nảy mầm mạnh nhất đối với cây mạch môn, có sự sai khác có ý nghĩa so với các nhóm công thức khác và cao hơn lần lượt tương ứng là 92% và 95% so với công thức đối chứng. Đối với chỉ tiêu tỷ lệ nảy mầm, nhóm công thức 1 mg/L NAA và 10 mg/L6-BA có giá trị cao nhất, tăng lần lượt 48% và 43% so với CK. Các công thức xử lý 6-BA đã cải thiện đáng kể sự phát triển rễ so với các công thức xử lý NAA và chúng đã tăng đáng kể thể tích rễ mạch môn. Tỷ lệ sống của cây mạch môn xử lý bằng hormone NAA cao hơn 23,3% so với xử lý 6-BA.

Kết luận: Nghiên cứu này cung cấp cơ sở lý thuyết để cải thiện khả năng nhân giống loài mạch môn và mở rộng sản xuất thương mại.

Nguyễn Thị Xuyên

15

ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG DỤNG, DƯ LƯỢNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT ĐIỀU HOÀ SINH TRƯỞNG TRONG TRỒNG TRỌT LOÀI MẠCH MÔN (OPHIOPOGON JAPONICUS)

Yanqiu Xu và cs.

Chinese Journal of Pesticide Science. 2021; 23(6): 1073-1084.

Mạch môn (Ophiopogon japonicus) là loại cây thuốc thông dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Việc sử dụng hợp lý các chất điều hòa sinh trưởng thực vật (PGR) có thể làm tăng năng suất của loài mạch môn O. japonicus, tuy nhiên, việc lạm dụng PGR có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Báo cáo này đã tóm tắt thực trạng việc sử dụng PGR trong canh tác mạch môn và tổng quan tình trạng dư lượng của PGR trong cây ở Trung Quốc. Những ảnh hưởng của PGR đến năng suất cây trồng, đặc điểm nông học và hình thái, thành phần hoạt chất của cây mạch môn, đất, cây trồng kế tiếp và sức khỏe dân số cũng đã được tóm tắt lại. Các giải pháp và khuyến nghị cho tăng cường nghiên cứu cơ bản, tăng cường kết nối chặt chẽ các quy tắc quản lý, thúc đẩy việc đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường hướng dẫn và giám sát sử dụng thuốc trừ sâu,  tăng cường việc thiết lập các tiêu chuẩn và cải thiện đánh giá rủi ro đã được đề xuất để thúc đẩy việc sử dụng an toàn PGR trên cây mạch môn, và những thông tin này có thể dùng tham khảo cho việc phát triển mạch môn ở quy mô công nghiệp xanh và lành mạnh.

Hoàng Thị Như Nụ, Lương Vũ  Đức

16

PHYLLOSTICTA RIZHAOENSI SP. NOV GÂY BỆNH BẠC LÁ TRÊN CÂY OPHIOPOGON JAPONICUS Ở TRUNG QUỐC

Wang C. B. và cs.

Fungal Systematics and Evolution. 2023; 11(1): 43-50(8)

Ophiopogon japonicus (Asparagaceae) là một loài cỏ lâu năm có thể trồng làm cây cảnh và làm thuốc. Từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 9 năm 2022, dịch bệnh bạc lá nghiêm trọng do O. japonicus được phát hiện tại thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Triệu chứng bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu vàng, cuối cùng phát triển thành bệnh bạc lá, thường kèm theo nhiều mụn mủ nhỏ, màu đen, bán chìm hình thành trên vết bệnh. Để phân lập được tác nhân gây bệnh này, các mẫu được thu thập ngẫu nhiên từ các lá cây O. japonicus bị bệnh ở thành phố Nhật Chiếu. Trong tổng số 97 mẫu Phyllosticta được lấy từ các mẫu và được nghiên cứu bằng cách sử dụng các đặc điểm hình thái và phân tích  phát sinh đa gen của bộ dữ liệu tổng hợp bằng cách sử dụng vùng ITS, tiểu đơn vị lớn 28S của RNA ribosome (LSU) và hệ số kéo dài dịch mã một phần 1-locus alpha (tef), actin (act) và glyceraldehyd-3-phosphate dehydrogenase (gapdh). Về mặt phát sinh loài, các phân lập Phyllosticta này tạo thành một nhánh trong phức hợp loài P. concentrica và tập hợp với P. pilosporaP. spinarum. Về mặt hình thái, các chủng phân lập trong nhánh này khác với P. pilosporaP. spinarum ở kích thước của các tế bào sinh dưỡng và bào tử, cũng như không có phần phụ của bào tử ở đỉnh.  Kết quả là, những chủng phân lập này được mô tả là loài mới Phyllosticta rizhaoensis. Khả năng gây bệnh đã được xác nhận bằng cách sử dụng các Định đề Koch, đã cho thấy P. rizhaoensis có thể gây ra các triệu chứng bệnh bạc lá trên O. japonicus ở Trung Quốc.

Lê Thị Quỳnh Nga, Vàng Dùng Thề

17

PHÂN TÍCH BỘ GEN LỤC LẠP CỦA LIRIOPE SPICATA VAR. PROLIFERA, OPHIOPOGON JAPONICUS Ở TỈNH TỨ XUYÊN VÀ CHIẾT GIANG

Wang MH và cs.

Chinese Journal of Experimental Traditional Medical Formulae. 2020; 24: 182-191.

Mục tiêu: Xác định bộ gen lục lạp của Liriope spicata var. prolifera, Ophiopogon japonicus ở Tứ Xuyên và Chiết Giang, phân tích đặc trưng trình tự của chúng và hoàn thành việc sàng lọc mã vạch DNA đặc hiệu.

 

Phương pháp: Bộ gen lục lạp của L. spicata var. prolifera, O. japonicus ở Tứ Xuyên và Chiết Giang đã được giải trình tự, ghép nối và chú thích thông qua công nghệ giải trình tự thông lượng cao, đồng thời các đặc điểm cấu trúc và mối quan hệ phát sinh gen của bộ gen lục lạp được phân tích bằng tin sinh học.

 

Kết quả: Tổng chiều dài bộ gen lục lạp của L. spicata var. prolifera là 155.998 bp, tổng hàm lượng guanin và cytosin (GC) là 37,7%, 85 gen mã hóa protein, 37 gen RNA chuyển (tRNA) và 8 gen RNA ribosome (rRNA) đã được chú thích thành công, tổng cộng là 274 gen. lặp lại trình tự đơn giản (SSR) được phát hiện, số lượng codon mã hóa leucin là nhiều nhất, trong khi số lượng codon mã hóa tryptophan là ít nhất. Tổng chiều dài bộ gen lục lạp của loài O. japonicus ở tỉnh Tứ Xuyên là 156.078 bp, tổng hàm lượng GC là 37,8%, đã chú thích thành công 85 gen mã hóa protein, 37 gen tRNA và 8 gen rRNA, tổng cộng 265 SSR được phát hiện thì số lượng codon mã hóa leucin là nhiều nhất, trong khi đó số lượng codon mã hóa tryptophan là ít nhất. Tổng chiều dài bộ gen lục lạp của loài O. japonicus ở tỉnh Chiết Giang là 156.207 bp, tổng hàm lượng GC là 37,7%, đã chú thích thành công 85 gen mã hóa protein, 37 gen tRNA và 8 gen rRNA, tổng cộng 274 SSR được phát hiện có số codon mã hóa leucin cao nhất và số codon mã hóa tryptophan thấp nhất.

Phần kết luận: Các cây phát sinh loài cho thấy so với O. japonicus ở tỉnh Tứ Xuyên, L. spicata var. prolifera có quan hệ họ hàng gần gũi hơn với O. japonicus ở tỉnh Chiết Giang. Sự biến đổi vùng không mã hóa của L. spicata var. prolifera, O. japonicus ở Chiết Giang và Tứ Xuyên lớn hơn ở vùng mã hóa. Toàn bộ bộ gen lục lạp có thể được sử dụng làm siêu mã vạch để xác định  OphiopogonLiriope.

Lê Thị Quỳnh Nga

18

ĐỊA LÝ PHÁT SINH CỦA OPHIOPOGON JAPONICUS ĐƯỢC TRỒNG VÀ MỌC HOANG DẠI DỰA TRÊN DNA LỤC LẠP: KHÁM PHÁ NGUỒN GỐC VÀ CANH TÁC BỀN VỮNG

Lu-ying Zhao và cs.

BMC Plant Biology. 2023; 23(242).

Đặt vấn đề

Ophiopogon japonicus có lịch sử trồng trọt lâu đời, được trồng chủ yếu ở tỉnh Tứ Xuyên (CMD) và Chiết Giang (ZMD) của Trung Quốc. Trong thời gian dài thuần hóa, đa dạng di truyền của loài O. japonicus được canh tác đã giảm đáng kể, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính liên tục của quần thể và tiềm năng tiến hóa của loài. Vì vậy, cần làm rõ  địa lý phát sinh loài O. japonicus được trồng để xác lập cơ sở lý luận cho việc sử dụng và bảo tồn nguồn gen loài O. japonicus.

Kết quả

Sự đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của 266 cá thể cây O. japonicus từ 23 địa điểm lấy mẫu được phân tích dựa trên 4 trình tự DNA lục lạp (atpB-rbcLrpl16psbA-trnH và rpl20-5'rps12) để xác định ảnh hưởng của việc thuần hóa đến di truyền sự đa dạng của giống cây trồng và xác định nguồn gốc địa lý của chúng. Kết quả cho thấy O. japonicus được trồng và O. japonicus hoang dại lần lượt có 4 và 15 haplotype. Độ đa dạng di truyền của hai giống cây trồng ( Hd = 0,35700, π  = 0,06667) thấp hơn nhiều so với quần thể hoang dã (Hd = 0,76200, π  = 0,20378) và mức độ đa dạng di truyền ở CMD (Hd = 0,01900, π  = 0,00125) thấp hơn so với ZMD (d = 0,06900, π  = 0,01096). Có sự khác biệt đáng kể về sự khác biệt di truyền giữa cây trồng và cây hoang dại (FST = 0,82044), đặc biệt là giữa hai giống cây trồng (FST = 0,98254). Loài này có cấu trúc phát sinh địa lý rõ rệt (NST > GSTP < 0,05). Cây phát sinh loài cho thấy sự khác biệt di truyền giữa CMD và ZMD là không đủ để phân biệt các giống cây trồng giữa hai vùng sản xuất bằng cách sử dụng O. amblyphyllus Wang et Dai làm nhóm ngoại. Ngoài ra, cả CMD và ZMD đều có mối quan hệ chặt chẽ hơn với quần thể hoang dại ở Tứ Xuyên so với ở Chiết Giang. Kết quả của mạng lưới TCS và mô hình phân bố loài cho thấy rằng quần thể hoang dại TQ ở tỉnh Tứ Xuyên có thể là tổ tiên của loài O. japonicus được nuôi trồng, được hỗ trợ bởi phân tích RASP.

Kết luận

Những kết quả này cho thấy rằng loài O. japonicus trồng đã bị mất đi đáng kể tính đa dạng di truyền dưới tác động của con người. Sự khác biệt di truyền giữa CMD và ZMD có thể bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng người sáng lập” và chọn lọc nhân tạo mạnh mẽ đối với các tính trạng của thực vật. Có vẻ như các quần thể hoang dã ở khu vực Tứ Xuyên có liên quan đến nguồn gốc không chỉ của CMD mà còn cả ZMD. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra một số đề xuất hoạch định chiến lược khoa học nhằm bảo tồn tài nguyên loài O. japonicus dựa trên sự đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của loài này.

Tô Minh Tứ

19

TRÌNH TỰ LẠP THỂ VÀ 45S rDNA HOÀN CHỈNH CHO PHÉP XÁC ĐỊNH LIRIOPE PLATYPHYLLAOPHIOPOGON JAPONICUS

Yeonjeong Lee và cs.

Current Plant Biology. 2022; 30: 1-8

Liriope platyphylla F.T. Wang & Tang và Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker Gawl là những loài cây thân thảo lâu năm có hình thái tương tự nhau thuộc họ Asparagaceae được sử dụng làm cây cảnh thường xanh cũng như cho mục đích làm thuốc. Các bộ gen lạp thể hoàn chỉnh (plastome) và trình tự DNA ribosome hạt nhân 45S (45S rDNA) được lấy từ hai mẫu giống L. platyphylla và một mẫu giống  O. japonicus bằng cách sử dụng dữ liệu toàn bộ bộ gen, độ bao phủ thấp. Phân tích phát sinh hệ gen bằng sử dụng plastom hoặc 45S rDNA của ba mẫu thu thập cho thấy dạng hình đặc trưng. Phân tích so sánh giữa ba mẫu thu thập và đại diện của 28 loài của Asparagaceae khác cho thấy L. platyphylla và O. japonicus là những loài có quan hệ gần gũi nhất trong họ Asparagaceae. Các plastom có kích thước 156.754–157.071 bp và đơn vị phiên mã 45S rDNA là 5906–5789 bp, cung cấp thông tin siêu mã vạch. Trình tự plastom chứa 817 đa hình nucleotid đơn (SNP) và 173 đoạn chèn/ xóa (InDels) ở cấp độ giữa các loài và 88 SNP và 56 InDels ở cấp độ cùng loài. Trình tự 45S rDNA chứa 70 SNP và 3 vùng khyết (InDels) ở cấp độ khác loài và 12 SNP và 1 InDel ở cấp độ cùng loài. Chúng tôi đã phát triển bốn chỉ thị DNA trội và hai chỉ thị DNA đồng trội dựa trên sự đa dạng plastom để xác thực loài L. platyphylla và O. japonicus và đã áp dụng thành công trên các nguyên liệu từ L. platyphylla và O. japonicus  được phân phối trên thị trường thuốc thảo dược.

Tô Minh Tứ, Nguyễn Đức Mạnh

20

PHÂN LẬP VÀ XÁC ĐỊNH MẦM BỆNH BỆNH ĐỐM ĐEN TRÊN CÂY OPHIOPOGON JAPONICUS VÀ TÁC DỤNG KIỂM SOÁT STREPTOMYCES DIASTATOCHRAMOGENES

Xu Yiwen và cs.

Chinese Journal of Biological Control. 2022; 38(5): 1280.

       Bệnh đốm đen là một bệnh phổ biến ở các vùng trồng Ophiopogon japonicus ở thành phố Từ Hi, tỉnh Chiết Giang. Bệnh lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của O. japonicus. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, việc nuôi cấy mô bị nhiễm bệnh, phân lập mầm bệnh và làm thuần, sử dụng phương pháp Koch để giám định bệnh, quan sát hình thái vết bệnh và phân tích trình tự vùng gen (ITS, TEF-1α, RPB2, Alt a 1, His 3, ATP) đã được thực hiện và mầm bệnh đốm đen trên O. japonicus đã được xác định là Alternaria alternata. Các chất chuyển hóa của Streptomyces diastochromogenes 1628 thu được trong nghiên cứu trước đây đã được sử dụng để kiểm soát sinh học bệnh đốm đen trên O. japonicus. Kết quả cho thấy S. diastochromogenes 1628 có tác dụng ức chế mạnh mẽ sự phát triển sợi nấm A.alternata, với giá trị EC50 là 0,764% (tỷ lệ thể tích). Hiệu quả kiểm soát đã điều chỉnh đối với bệnh đốm đen của O. japonicus, 7 và 14 ngày sau khi xử lý lần lượt là 74,08% và 65,28%. Kết quả trên là cơ sở cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh đốm đen  trên cây O. japonicus .

Khuất Thị Chung

21

ĐẶC ĐIỂM QUANG HỢP VÀ HUỲNH QUANG DIỆP LỤC CỦA OPHIOPOGON JAPONICUS (LF) KER-GAWL TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN CHE SÁNG KHÁC NHAU

Liu Li-juanGao Hui
Biotechnology Bulletin. 2018; 34(6): 96-101

Các loài thực vật khác nhau có đặc điểm sinh lý khác nhau nên khả năng thích ứng với ánh sáng cũng khác nhau. Do đó, thực vật hình thành những yêu cầu về ánh sáng đặc biệt để tự thích nghi với sự phát triển của chính chúng trong quá trình tiến hóa. Chỉ số quang hợp và các thông số huỳnh quang diệp lục của lá Ophiopogon japonicus(LF) Ker-Gawl được đo bằng máy phân tích quang hợp cầm tay LI-6400XT trong 5 mức xử lý cường độ ánh sáng(độ truyền ánh sáng 95%, 72%,48%, 24%, và 8%). Với sự gia tăng cường độ ánh sáng tương đối, năng suất lượng tử biểu kiến ​​(AQE) thể hiện xu hướng tăng đầu tiên và sau đó giảm khi cường độ ánh sáng tăng. Hàm lượng sắc tố lá của O. japonicus (LF) Ker-Gawl và cường độ huỳnh quang ban đầu (F0) tăng lên. Giá trị diệp lục ab cũng có xu hướng lúc đầu tăng rồi giảm dần. Thông số huỳnh quang PSⅡ hiệu suất chuyển đổi năng lượng ánh sáng tối đa tăng lên. Hiệu suất quang hóa PSⅡ thực tế (ΦPSⅡ) dưới tác dụng của ánh sáng, Hiệu suất lượng tử quang hóa hiệu quả PSⅡ(Fv'/Fm'), tốc độ truyền điện tử (ETR), và hệ số dập tắt quang hóa (qP) % có xu hướng tăng theo cường độ ánh sáng tương đối 72% - 48%. Dưới cường độ ánh sáng tương đối 72%-48%, phản ứng của O. japonicusKer-Gawl(LF)  với PSⅡ mạnh hơn, điều này có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của O. japonicus(LF) Ker-Gawl. Vì vậy, nên áp dụng các biện pháp che bóng thích hợp khi trồng O. japonicus (LF) Ker-Gawl trên quy mô lớn.

Đoàn Thị Huyền Trang, Lô Đức Việt

22

SỰ KẾT HỢP TỐI ƯU GIỮA PHÂN BÓN HÓA HỌC VÀ HỮU CƠ CHO CÁC THÀNH PHẦN HOẠT CHẤT CAO VÀ HÀM LƯỢNG KIM LOẠI NĂNG THẤP TRONG CANH TÁC CÂY MẠCH MÔN.

LI Si-jia và cs.

Journal of Plant Nutrition and Fertilizers. 2020;  26(5): 966-974

(Mục tiêu)

Sự kết hợp tối ưu của N, P, K và phân bón hữu cơ được tiến hành nghiên cứu trong canh tác Mạch môn để có  hàm lượng hoạt chất cao và an toàn.

 (Phương pháp)

Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí theo thiết kế trực giao L9 (34). Các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến các hoạt chất, đặc biệt là saponins và kim loại nặng được đánh giá. Phương pháp DTOPSIS được sử dụng để tối ưu hóa lượng phân bón.

(Kết quả)

 Việc bón hợp lý N,P,K và phân bón hữu cơ làm tăng đáng kể hàm lượng các hoạt chất hòa tan trong nước, saponins tổng số, polysaccharid hòa tan, spaponin D và D’, đồng thời làm giảm hàm lượng Cu, Ge, As, Pb và Hg. Trong số này, chiết xuất hòa tan trong nước, saponin, saponin D và D’ đạt cao nhất trong công thức N1P3K3BF3 với lượng lần lượt là 74.52%, 0.38%, 112.208 μg/mL and 56.293 μg/mL. Hàm lượng polysaccharid hòa tan cao nhất là 42,47% ở công thức N3P3K2BF1. Lượng Cu và Pb thấp nhất ở công thức N1P2K2BF2, tương tự với As là N3P2K1BF3, Cd là N2P1K2BF3 và Hg là N2P2K3BF1.

(Kết luận) Thông qua việc áp dụng phương pháp DTOPSIS, hàm lượng kết hợp tối ưu các loại phân bón được xác định là N 598 kg/hm2, P2O5 240 kg/hm2, K2O 595.80 kg/hm2 và phân hữu cơ là 2700 kg/hm2.

Đoàn Thị Huyền Trang, Nguyễn Xuân Khánh

23

TỶ LỆ KẾT HỢP TỐI ƯU GIỮA NPK VÀ CÁC PHÂN HỮU CƠ CHO HÀM LƯỢNG SAPONIN VÀ FLAVONOID CAO NHẤT Ở CÂY MẠCH MÔN

Deng Qiu-Lin và cs.

Journal of Plant Nutrition and Fertilizers. 2021; 27(8): 1477-1486.

Mục tiêu: Việc bón phân thích hợp là cần thiết cho canh tác và năng suất của thảo dược chất lượng cao. Nhóm tác giả đã nghiên cứu sự kết hợp tối ưu giữa N, P, K và phân hữu cơ (OF) trong canh tác nhân tạo cây mạch môn.

Phương pháp: Các thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện bằng cách sử dụng thiết kế kết hợp phép quay trực giao bậc hai bốn chiều. Tất cả các loại phân N, P, K và hữu cơ được bón ba lần trong quá trình cây mạch môn sinh trưởng. Ophiopogonin D (OSD), ophiopogonin D′ (OSD′), methylophiopogonanon A (MONA), methylophiopogonanon B (MONB) và ophiopogonanon D (MOND) được đo sau khi thu hoạch. Mô hình được sử dụng để phân tích ảnh hưởng của N, P, K và phân hữu cơ đến các thành phần chính. Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp tần số thống kê để tích hợp các chỉ tiêu khác nhau để có được phương án bón phân tối ưu. Kết quả: Việc bón phân N, P, K và phân hữu cơ có ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng OSD, OSD′ và MONA, nhưng không ảnh hưởng đến hàm lượng MONB và MOND. Tuy nhiên, phân bón ảnh hưởng đến các thành phần hoạt tính ở mức độ khác nhau. Phân kali ảnh hưởng chủ yếu đến hàm lượng OSD, MONA và MONB, OF chủ yếu ảnh hưởng đến OSD và N chủ yếu ảnh hưởng đến MOND. Khi tăng lượng phân K, hàm lượng OSD tăng dần, trong khi OSD′ giảm trước rồi sau đó tăng. Sự tương tác của N × OF có lợi cho việc tích lũy OSD; K × OF không cải thiện OSD′; N × P và K × OF tăng MONA; và N × K, P × K, P × OF không làm tăng MONA. Áp dụng N 307–368 kg/hm2, P2O5 23–27 kg/hm2, K2O 189–190 kg/hm2, OF 2419–2534 kg/hm2 có thể cải thiện OSD lên ≥ 140 μg/g, OSD′ đến ≥ 75 μg/g, và MONA đến ≥ 100 μg/g.

Kết luận: Việc thực hành bón phân N, P, K và phân hữu cơ có thể làm tăng hàm lượng saponin và flavonoid trong cây mạch môn, đặc biệt là MONA và MONB. Tỷ lệ ứng dụng N - P2O5-K2O - OF tối ưu là 332 – 25 – 204 - 2616 kg/hm2 đối với OSD, 339 – 25 – 199 - 2352 kg/hm2 đối với OSD′ và 339 – 25 – 173 - 2400 kg/hm2 đối với MONA.

Giàng A Tiến, Tô Thị Ngân

24

GIẢM THIỂU VIỆC SỬ DỤNG PACLOBUTRAZOL THÔNG QUA BÓN PHÂN HỢP LÝ ĐỂ ĐẠT NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CAO CÂY MẠCH MÔN TẠI VÙNG TRỒNG CHÍNH Ở TỨ XUYÊN

Lei Fei-yi và cs.

Journal of Plant Nutrition and Fertilizers. 2019;  25(6): 1064-1072

 

[Mục tiêu] Paclobutrazol (PP333) là chất điều hòa sinh trưởng thường bị lạm dụng trong sản xuất Ophiopogon japonicus ở Tứ Xuyên. Việc sử dụng quá mức PP333 trong thời gian dài đã gây ra hiện tượng axit hóa đất và rửa trôi chất dinh dưỡng sẵn có, làm giảm năng suất và chất lượng của sản phẩm Ophiopogon japonicus và ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Mục đích của nghiên cứu này là xây dựng tỷ lệ phân bón N, P và K hợp lý nhằm giảm thiểu việc sử dụng PP333 trong canh tác cây Mạch môn.

(Phương pháp) Một thiết kế kết hợp xoay trực giao bậc hai với 4 yếu tố và 5 cấp độ đã được áp dụng trong một thí nghiệm đồng ruộng.  Sử dụng thực hành phân bón hiện hành làm chuẩn, các mức 2, 1, 0, –1 và –2 đối với tỷ lệ bón đạm là 3200, 2500, 1800, 1100 và 400 kg/hm2, đối với tỷ lệ bón lân là 4100, 3100, 2100, 1100 và 100 kg/hm2, đối với lượng phân kali là 1760, 1333, 907, 480 và 53 kg/hm2, và đối với PP333 là 150, 112,5, 75, 37,5 và 0 kg/hm2, tổng cộng có 36 công thức thí nghiệm . Ở giai đoạn thu hoạch, các đặc điểm phát triển của rễ và lá, tỷ lệ trọng lượng khô và tỷ lệ rễ/chồi ở cây Mạch môn đã được tiến hành điều tra.

 (Kết quả) Các nhân tố thí nghiệm có ảnh hưởng lớn đến khối lượng rễ tươi, khối lượng rễ khô, khối lượng lá, chiều dài lá và tỷ lệ rễ/chồi nhưng không ảnh hưởng đến số lá, chiều rộng lá, số nhánh, số rễ, số rễ xơ, chiều dài rễ xơ và tốc độ khô. Khi tăng nồng độ N, chiều dài lá, trọng lượng lá, trọng lượng khô của lá, trọng lượng rễ và trọng lượng khô của rễ đều giảm. Khi tăng hàm lượng P, khối lượng khô của lá tăng lúc đầu và sau đó giảm xuống, trong khi tỷ lệ giữa rễ và chồi giảm trước rồi sau tăng. Khi tăng nồng độ K, trọng lượng lá và trọng lượng khô của lá tăng lên, trọng lượng rễ tươi ban đầu có giảm rồi tăng lên sau đó,  tỷ lệ giữa rễ và chồi (khô) giảm. Khi tăng hàm lượng PP333, chiều dài lá, khối lượng lá, khối lượng khô của lá, khối lượng rễ và khối lượng khô của rễ đều giảm. Trong số tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ phận nằm trên bề mặt đất của cây, PP333 có tác động lớn nhất, trong khi đó trong các nhân tố khác thì N có ảnh hưởng lớn nhất.

[Kết luận] Năng suất có thể được đảm bảo bằng cách bón phân thích hợp và việc sử dụng PP333 có thể giảm 41% so với tỷ lệ thông thường sử dụng trong sản xuất cây Mạch môn. Để có được năng suất trên 3100 kg/hm2, tỷ lệ thích hợp là urê 799–1051 kg/hm2, supe lân đơn 1904–2296 kg/hm2, kali sunfat 823,31–900,69 kg/hm2 và PP333 44,25–58,88 kg/hm2.

Nguyễn Xuân Khánh, Lương Vũ Đức

25

TRÌNH TỰ BỘ GEN CỦA CHỦNG ALTERNARIA ALTERNATA CHỦNG B3 GÂY BỆNH BẠC LÁ TRÊN OPHIOPOGON JAPONICUS

Mingshuang Wang và cs.

Plant Dis. 2021; 105(3): 684-687

Bệnh đốm đen trên cây Ophiopogon japonicus là một bệnh quan trọng về mặt kinh tế, gây thiệt hại đáng kể cả về năng suất và chất lượng lên loại cây thuốc cổ truyền này. Bệnh gây ra bởi mầm bệnh nấm bào tử nhỏ Alternaria alternata, một loại nấm hoại sinh phân bố khắp nơi trong môi trường sống. Ở đây, chúng tôi đưa ra bản trình tự toàn bộ bộ gen của chủng A. alternata B3 gây ra bệnh đốm đen trên O. japonicus. Việc tập hợp bao gồm 76 contigs với kích thước bộ gen ước tính là 33,8 Mb. Hơn nữa, chúng tôi đã xác định được các gen có thể liên quan đến khả năng gây bệnh, chẳng hạn như các enzyme hoạt động bằng carbohydrate, các protein được tiết ra và các cụm gen chuyển hóa thứ cấp. Nguồn bộ gen này sẽ cung cấp một nguồn hữu ích cho nghiên cứu trong tương lai về sự tiến hóa khả năng gây bệnh của A. alternata và phân tích phát sinh hệ gen trong việc phân định các dòng phát sinh hệ gen trong chi Alternaria.

Khuất Thị Chung, Lô Đức Việt

26

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NẤM COLLETOTRICHUM LIRIOPES GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN OPHIOPOGON JAPONICUS Ở TRUNG QUỐC

Mingshuang Wang Huizhong Wang

Crop Protection. 2021; 140: 105418

Ophiopogon japonicus là một cây thuốc truyền thống của Trung Quốc được trồng rộng rãi ở Trung Quốc. Lá cây O. japonicus có đốm hoại tử được phát hiện rộng rãi từ mùa hè năm 2019. Bệnh này làm giảm đáng kể chất lượng và giá trị kinh tế của cây O. japonicus. Phân lập lá hoại tử đã xác định được một loài nấm bệnh. Cụm nấm của nó có màu từ trắng đến xám và tạo ra bào tử hơi cong. Dựa vào đặc điểm hình thái, loại nấm này được xác định sơ bộ là loài Colletotrichum. Để mô tả rõ hơn về loài các trình tự một phần của gen glyceraldehyd-3-phosphate dehydrogenase (GADPH) và gen peaceodulin (CAL) đã được khuếch đại và giải trình tự. Cây phát sinh loài đã xác nhận loài này là Colletotrichum liriopes. Các thử nghiệm khả năng gây bệnh  được thực hiện bằng cách cấy bào tử của C. liriopes vào các lá khỏe mạnh và  nguyên tắc Koch đã được kiểm chứng bằng cách tái phân lập và xác định lại mầm bệnh. Đây là báo cáo đầu tiên về nấm C. liriopes gây đốm lá trên cây O. japonicus.

Tô Thị Ngân, Lô Đức Việt

27

TÁC DỤNG CỦA PACLOBUTRAZOL ĐỐI VỚI SINH LÝ VÀ HÓA SINH CỦA CÂY MẠCH MÔN

Zhang Z và cs.

Agronomy. 2021; 11(8): 1533

Mạch môn là một loại thuốc Trung Quốc được sử dụng phổ biến với nhiều tác dụng dược lý. Để tăng năng suất mạch môn, paclobutrazol được sử dụng rộng rãi trong quá trình canh tác và dư lượng paclobutrazol gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho cây mạch môn. Trong nghiên cứu này, tác động của các nồng độ paclobutrazol khác nhau đối với cây mạch môn đã được nghiên cứu và dư lượng paclobutrazol cuối cùng trong mẫu cây được xác định bằng phép đo khối phổ song song sắc ký lỏng siêu hiệu năng (UPLC-MS/MS); hình thái tế bào được quan sát bằng kính hiển vi điện tử. Tác dụng ức chế của paclobutrazol đối với chiều cao cây và tác dụng kích thích kéo dài rễ phụ thuộc vào nồng độ từ 0,6 đến 11,3 g/L, đạt tối đa lần lượt khoảng 28% và 67%. Tuy nhiên, khi nồng độ là 22,5 g/L, những ảnh hưởng này giảm đi đáng kể và xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy đối với trọng lượng rễ củ. Paclobutrazol làm cho thành tế bào của cây mạch môn dày lên, khiến các tế bào nhỏ hơn và xếp dày đặc hơn. Paclobutrazol cũng ức chế sự phát triển của vi khuẩn không phụ thuộc vào nồng độ. Xem xét dư lượng sau khi sử dụng và những ảnh hưởng đến sinh trưởng, việc sử dụng paclobutrazol 1,3 g/L hoặc 2,8 g/L có thể làm tăng sự tích lũy các thành phần có hiệu quả đồng thời thúc đẩy sản xuất, giảm chi phí sử dụng và tối đa hóa lợi nhuận của nông dân.

Tô Thị Ngân

28

BẢN SƠ BỘ ĐẦU TIÊN VỀ TRÌNH TỰ BỘ GEN CỦA COLLETOTRICHUM LIRIOPES GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN LÁ MẠCH MÔN OPHIOPOGON JAPONICUS

Mingshuang Wang và cs.

Plant Disease. 2021; 105(4): 1179-1182

Bệnh thán thư trên lá mạch môn là một bệnh quan trọng có thể làm giảm đáng kể chất lượng và giá trị kinh tế của cây thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc này. Bệnh gây ra bởi Colletotrichum liriopes, một loại nấm hoại tử thuộc họ Glomerellaceae thuộc lớp Sordariomycetes. Nhóm tác giả đã giới thiệu bản nháp trình tự toàn bộ bộ gen của chủng C. liriopes A2 gây bệnh thán thư lá trên mạch môn. Tập hợp bao gồm 407 contigs với kích thước bộ gen ước tính là 53,1 Mb. Thêm vào đó, nhóm tác giả đã xác định được 670 enzyme có hoạt động carbohydrate, 1.377 protein được tiết ra và 60 cụm gen chuyển hóa thứ cấp, có thể liên quan đến khả năng gây bệnh của mầm bệnh này. Nguồn bộ gen này sẽ cung cấp một nguồn có giá trị cho nghiên cứu trong tương lai về cơ chế gây bệnh của C. liriopes và các phân tích bộ gen so sánh trong chi Colletotrichum.

Vàng Dùng Thề, Khuất Thị Chung, Tô Thị Ngân

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)