Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 3 NĂM 2024: DIỆP HẠ CHÂU VÀ HÀ THỦ Ô ĐỎ

 DIỆP HẠ CHÂU PHYLLANTHUS AMARUS SCHUMACH. & THONN

 

  1.  

HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUMACH. & THONN) VÀ SỰ ỨC CHẾ BƠM NGƯỢC NORA CỦA TỤ CẦU VÀNG (STAPHYLOCOCCUS AUREUS) BỞI PHYLLANTHIN

Alessandra Maria Braga Ribeiro và cs.

Microbial Pathogenesis. 2019 May; 130:242-46.

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết ethanol từ Diệp hạ châu đắng (PAEE) và hợp chất Phyllanthin của nó, đồng thời, khảo sát xem các sản phẩm tự nhiên này có thể điều chỉnh khả năng kháng fluoroquinolon ở S. aureus SA1199-B hay không bằng cách biểu hiện quá mức của bơm ngược NorA. Các thử nghiệm pha loãng vi lượng đã được thực hiện để xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của PAEE hoặc Phyllanthin chống lại một số chủng vi khuẩn và nấm men. Để đánh giá xem PAEE hoặc Phyllanthin có khả năng hoạt động như các chất điều biến khả năng kháng fluoroquinolon hay không, MIC chống lại S. aureus SA1199-B của Norfloxacin và Ethidium bromid được xác định khi có hoặc không có PAEE hoặc Phyllanthin. PAEE cho thấy hoạt tính kháng khuẩn chống lại các chủng Gram âm, trong khi đó Phyllanthin không có hoạt tính chống lại tất cả các chủng được thử nghiệm. Việc bổ sung PAEE hoặc Phyllanthin vào môi trường nuôi cấy ở nồng độ dưới mức ức chế đã tăng cường hoạt tính của Norfloxacin cũng như Ethidium bromid chống lại S. aureus SA1199-B. Những kết quả này cho thấy Phyllanthin có khả năng điều chỉnh tính kháng fluoroquinolone có thể bằng cách ức chế NorA. Giả thuyết này được hỗ trợ bởi phân tích docking phân tử in silico đã xác nhận rằng Phyllantin là phối tử của NorA. Vì vậy, hợp chất này có thể được sử dụng như một tác nhân tăng cường hoạt tính của Norfloxacin trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do S. aureus kháng fluoroquinolon gây ra.

Đinh Thị Minh

  1.  

CAO CHIẾT DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) PHỤC HỒI CÁC THÔNG SỐ SINH HÓA BỊ RỐI LOẠN TRÊN MÔ HÌNH CHUỘTGÂY TỔN THƯƠNG GAN VÀ THẬN

Temidayo Ogunmoyole và cs.

Heliyon. 2020 Dec; 6(12): E05670

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) đã được sử dụng để điều trị nhiều bệnh trong y học dân gian. Do đó, nghiên cứu này khảo sát khả năng phục hồi của cao chiết lá diệp hạ châu đắng đối với tổn thương gan và thận tương ứng do CCl4 và rifampicin gây ra. Tám nhóm (I-VIII), mỗi nhóm gồm năm động vật được thiết kế cho các thử nghiệm. Nhóm I chỉ được cho ăn thức ăn viên thương mại thông thường, trong khi nhóm II chỉ được tiêm phúc mạc CCl4 liều duy nhất 3 ml/kg. Các nhóm III, IV và V động vật được tiêm CCl4 3 ml/kg và điều trị tương ứng với diệp hạ châu đắng liều 50, 100 mg/kg và silymarin liều 100 mg/kg. Nhóm VI động vật chỉ được cho uống rifampicin 250 mg/kg, trong khi nhóm VII và VIII được điều trị tương ứng với Diệp hạ châu đắng liều 50 và 100 mg/kg trong 14 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với rifampicin 250 mg/kg. Các xét nghiệm chức năng gan và thận như alanin aminotransferase (ALT), aspartat aminotransferase (AST), alkalin phosphatase (ALP), bilirubin, urea và acid uric được xác định trong huyết thanh và dịch đồng thể các cơ quan. Ngoài ra, hoạt tính của malondialdehyd (MDA), catalase (CAT), superoxid dismutase (SOD) và glutathion (GSH) cũng như dữ liệu lipid cũng được đo. Kết quả cho thấy tiếp xúc tương ứng với rifampicin và CCl4 gây sự thay đổi rõ rệt về dữ liệu lipid cũng như giảm hoạt động của SOD và CAT so với đối chứng âm. Cả hai chất độc này cũng gây ra sự tăng đáng kể nồng độ ALT, AST, ALP, urea, acid uric và creatine kinase trong huyết thanh so với đối chứng âm. Điều trị bằng cao chiết diệp hạ châu đắng làm giảm độc tính do rifampicin và CCl4 gây ra trên gan và thận phụ thuộc vào liều lượng. Tất cả các chỉ số sinh hóa được phục hồi về giá trị tương đương với động vật được điều trị bằng silymarin. Kết quả mô bệnh học của mô gan và thận từ các nhóm động vật thí nghiệm khác nhau đã chứng minh tác dụng phục hồi của cao chiết lá Diệp hạ châu đắng trên các tế bào gan và thận bị tổn thương. Tóm lại, diệp hạ châu đắng là một cây thuốc tiềm năng có tác dụng tương tự như các loại thuốc thông thường hiện đang được sử dụng để điều trị các bệnh về gan và thận. Do đó, dược liệu này là một phương pháp điều trị thay thế khả thi có thể được khai thác để điều trị các bệnh thận và gan.

Phạm Linh Chi

  1.  

DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) NGĂN CHẶN SỰ HOẠT HÓA TẾ BÀO THẦN KINH ĐỆM  BV2 BỞI LPS THÔNG QUA CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU MYD88 VÀ NF-KB

Elysha Nur Ismail và cs.

BMC Complementary Medicine and Therapies. 2020 July; 20: 202

Giới thiệu

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) đã được chứng minh làm giảm viêm ở ngoại vi do lipopolysaccharid (LPS) gây ra nhưng các nghiên cứu tương tự trên hệ thần kinh trung ương thì rất ít. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát tác dụng bảo vệ thần kinh của cao chiết ethanol 80% từ diệp hạ châu đắng (EPA) trong các tế bào thần kinh đệm BV2 (tế bào BV2) được hoạt hóa bởi LPS.

Phương pháp

Tế bào BV2 được tiền xử lý với EPA trong 24 h trước khi gây cảm ứng với LPS trong 24h nữa. Biểu hiện bề mặt của CD11b và CD40 trên tế bào BV2 được phân tích bằng phương pháp dòng chảy tế bào. Phương pháp ELISA được dùng để đo lường việc sản xuất các chất trung gian gây viêm như oxid nitric (NO) và yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α. Kỹ thuật Western blot được sử dụng để xác định sự biểu hiện của nitric oxide synthase cảm ứng (iNOS), myeloid differentiation protein 88 (MYD88), nuclear factor kappa B (NF-κB), caspase-1 và mitogen activated protein kinase (MAPK).

Kết quả

Các phân tích định tính và định lượng của EPA sử dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cực cao song song khối phổ (UHPLS-MS/MS) đã chỉ ra sự có mặt của phyllanthin, hypophyllanthin, niranthin, acid ellagic, corilagin, acid gallic, phyltetralin, isolintetralin và geraniin. EPA đã ức chế sự hình thành NO và TNFα trong tế bào BV2 được hoạt hóa bởi LPS. Hơn nữa, EPA đã làm giảm biểu hiện của MyD88, NF-κB và MAPK (p-P38, p-JNK và p-ERK1/2). Nó cũng ức chế biểu hiện của CD11b và CD40. EPA bảo vệ chống lại việc kích hoạt microglia do LPS gây ra thông qua tín hiệu MyD88 và NF-κB trong tế bào BV2.

Kết luận

EPA đã chứng minh tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại sự kích hoạt các tế bào microglia do LPS gây ra thông qua sự ức chế tiết TNFα, giảm biểu hiện protein iNOS và việc sản xuất NO sau đó, ức chế NF-κB và MAPKs qua trung gian bởi protein tiếp hợp MyD88 và ức chế các chỉ dấu kích hoạt microglia CD11b và CD40.

Lều Khánh Duy

  1.  

TÁC DỤNG BẢO VỆ CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) CHỐNG LẠI CHỨNG VIÊM THẦN KINH VÀ SUY GIẢM NHẬN THỨC DO LIPOPOLYSACCHARID GÂY RA Ở CHUỘT

Akilandeshwari Alaga và cs.

Frontiers in Pharmacology. 2019 June; 10: 632

Giới thiệu: Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus, PA) được nghiên cứu rộng rãi vì đặc tính bảo vệ gan nhưng gần đây ngày càng nhận được sự chú ý do tác dụng chống viêm đa dạng của nó. Tuy nhiên, tác dụng của PA trong việc điều chỉnh các phản ứng miễn dịch ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến bảo vệ chống lại những thay đổi chức năng vẫn chưa được khám phá. Do đó, nghiên cứu đã khảo sát tác dụng bảo vệ của cao chiết ethanol 80% v/v của PA đối với tình trạng suy giảm trí nhớ không gian và viêm thần kinh do lipopolysaccharid (LPS) gây ra.

Phương pháp: Các thành phần hóa thực vật chính của cao chiết PA đã được xác định và định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Độc tính thần kinh bán trường diễn đã được thực hiện ở chuột đực Wistar được cho uống hàng ngày với liều 100, 200 và 400 mg/kg cao chiết PA. Các hoạt động hành vi thần kinh của chuột (quan sát chức năng và hoạt động vận động) đã được chấm điểm và dịch đồng thể não được kiểm tra những thay đổi về bệnh lý thần kinh. Chuột được điều trị bằng đường uống với giả dược (Tween 20 5%), cao chiết PA (100, 200 và 400 mg/kg) hoặc ibuprofen (IBF; 40 mg/kg) trong 14 và 28 ngày trước khi thử nghiệm phân biệt đối tượng mới. Tất cả các nhóm ngoại trừ nhóm đối chứng âm tính đều được gây viêm bằng LPS (1 mg/kg) tiêm phúc mạc một ngày trước khi kiểm tra hành vi. Sau khi kết thúc các bài kiểm tra hành vi, mức độ của yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin (IL)-1β, oxid nitric (NO), inducible nitric oxide synthase (iNOS), biểu hiện integrin CD11b/c và khả năng miễn dịch synolinehysin (protein p38) đã được xác định trong các mô não.

Kết quả: Acid gallic, acid ellagic, corilagin, geraniin, niranthin, phyllanthin, hypophyllanthin, phyltetralin và isonirtetralin được xác định trong cao chiết PA. Sử dụng cao chiết PA (100, 200 và 400 mg/kg) dài ngày cho thấy không có bất thường về hành vi thần kinh và mô bệnh học não. Cao chiết PA với liều 200 và 400 mg/kg trong 14 và 28 ngày có hiệu quả bảo vệ chuột khỏi suy giảm trí nhớ do LPS gây ra. Các liều tương tự cũng làm giảm đáng kể (p < 0,05) sự giải phóng các protein như TNF-α, IL-1β và iNOS trong mô não. Nồng độ NO, biểu hiện integrin CD11b/c và phản ứng miễn dịch synaptophysin cũng giảm so với nhóm gây viêm bằng LPS.

Kết luận: Điều trị trước bằng chiết xuất PA trong 14 và 28 ngày có tác dụng tương đương với điều trị trước bằng IBF trong việc ngăn ngừa suy giảm trí nhớ và giảm phản ứng viêm thần kinh do LPS gây ra. Các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác định thành phần hoạt chất và cơ chế tác dụng.

Phí Đình Uy

  1.  

NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ TÁC DỤNG CHỐNG DỊ ỨNG CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM. & THONN.) VÀ CÁC HỢP CHẤT CỦA NÓ

Nur Zahirah và cs.

Molecules. Published: 28 January 2021; 26(3), 695

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum. & Thon.) (Họ Diệp hạ châu) là cây thuốc được dùng phổ biến để điều trị các bệnh như hen suyễn, đái tháo đường, thiếu máu. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tác dụng chống dị ứng của cao chiết và các hợp chất của P. amarus. Hoạt tính chống dị ứng được xác định bằng cách đo nồng độ các markers dị ứng được giải phóng từ các tế bào mắc bệnh bạch cầu ưa base ở chuột cống (RBL-2H3) với ketotifen fumarat làm đối chứng dương. Kết quả là P. amarus không làm ổn định sự phân hạt tế bào mast nhưng lại biểu hiện hoạt tính kháng histamin. Hoạt tính kháng histamin được đánh giá bằng cách tiến hành xét nghiệm liên kết phối tử phóng xạ cạnh tranh trên thụ thể histamin 1 (H1R). Bốn hợp chất được xác định từ phân tích sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) là phyllanthin (1), hypophyllanthin (2), niranthin (3) và corilagin (4). Để hiểu rõ hơn về tương tác liên kết của hợp chất hoạt động mạnh nhất hypophyllanthin (2), việc ghép phân tử đã được tiến hành và phát hiện ra rằng hypophyllanthin (2) thể hiện khả năng liên kết thuận lợi ở vị trí gắn kết H1R. Tóm lại, P. amarus và hypophyllanthin (2) có thể có khả năng chống dị ứng bằng cách ngăn chặn sự kích hoạt thụ thể H1.

Nguyễn Văn Hiệp

  1.  

HIỆU QUẢ CHỐNG VIÊM CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM. & THONN.) THÔNG QUA ỨC CHẾ CÁC CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU NF-ΚB, MAPK, VÀ PI3K-AKT TRONG ĐẠI THỰC BÀO NGƯỜI ĐƯỢC CẢM ỨNG BỞI LPS

Hemavathy Harikrishnan và cs.

BMC Complementary and Alternative Medicine. Published: 25 July 2018; 18: 224

Đặtt vấn đề

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều nền y học cổ truyền để điều trị sưng, loét, vàng da, các bệnh viêm, rối loạn thận, đái tháo đường và viêm gan do virus, trong khi cơ chế dược lý và hóa sinh của tác dụng chống viêm vẫn chưa được biết rõ. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá tác dụng của cao chiết ethanol 80% từ P. amarus lên sự giải phóng các chất trung gian tiền viêm trong đại thực bào U937 người được kích thích bởi lipopolysaccharide (LPS) gây hoạt hoá các con đường tín hiệu, bao gồm NF-кB, MAPK và PI3K-Akt.

Phương pháp

Sự giải phóng prostaglandin E2 (PGE2) và các cytokine gây viêm, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α và interleukin (IL)-1β trong dịch nuôi cấy được xác định bằng ELISA. Xác định protein cyclooxygenase-2 (COX-2) và sự kích hoạt các phân tử MAPKs (JNK, ERK và p38 MAPK), NF-κB và Akt trong đại thực bào U937 người được kích thích bởi LPS được đánh giá bằng kỹ thuật Western blot. Mức độ biểu hiện gene của COX-2 và các cytokine gây viêm được đánh giá bằng qRT-PCR. Các chất chuyển hóa chính của P. amarus được phân tích định tính và định lượng trong cao chiết bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC).

Kết quả

Cao chiết P. amarus ức chế điển hình sự sản xuất các chất trung gian gây viêm (TNF-α, IL-1β, PGE2) và biểu hiện protein COX-2 trong đại thực bào U937 người được kích thích bởi LPS. Điều trị trước bằng P. amarus cũng làm giảm đáng kể sự phiên mã mRNA của các dấu hiệu gây viêm (TNF-α, IL-1β, và COX-2) trong các đại thực bào U937 tương ứng được kích thích bởi LPS. Cao chiết P. amarus điều hòa giảm sự phosphoryl hóa của NF-κB (p65), IκBα và IKKα/β, phục hồi sự giáng hoá của IκBα, làm giảm biểu hiện của Akt, JNK, ERK, và phosphoryl hóa p38 MAPKs phụ thuộc vào nồng độ. Cao chiết P. amarus cũng điều hòa giảm biểu hiện của các phân tử tín hiệu ngược dòng, TLR4 và MyD88, đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt các con đường tín hiệu NF-κB, MAPK và PI3K-Akt. Hàm lượng của các lignan, phyllanthin, hypophyllanthin và niranthin, polyphenol, acid gallic, geraniin, corilagin, và acid ellagic trong cao chiết được xác định bằng phân tích HPLC.

Kết luận

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng P. amarus nhắm mục tiêu vào các con đường tín hiệu NF-κB, MAPK và PI3K-Akt để thể hiện các tác dụng chống viêm bằng cách điều hòa giảm sự biểu hiện của các chất trung gian tín hiệu viêm tiềm năng.

Trần Thị Hồng Vân

  1.  

TỔNG HỢP HẠT NANO BẠC thân thiện với môi trường TỪ DỊCH chiết lá CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (Phyllanthus amarus): Hoạt tính kháng khuẩn và xúc tác

B. Ajitha và cs.

Advanced Powder Technolog. 2018; 29(1): 86-93

Trong nghiên cứu này, các hạt nano bạc (AgNP) có cấu trúc giống như bông hoa đã được tổng hợp từ dịch chiết lá của diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) một cách đơn giản, nhanh chóng và thân thiện với môi trường. Đặc tính các hạt AgNP thu được đánh giá bằng các phương pháp quang phổ tử ngoại khả kiến (UV-Vis), quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR), nhiễu xạ tia X (XRD) và kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM). Ngoài ra, nghiên cứu cũng dánh giá tác dụng kháng khuẩn và hoạt tính xúc tác của AgNP tổng hợp. Kết quả cho thấy nồng độ của bạc (Ag) mồi và lượng dịch chiết đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành dạng bông hoa của các hạt AgNP. Nghiên cứu về hình thái cũng cho thấy AgNP có cấu trúc giống như bông hoa. Nghiên cứu này cũng cho thấy sự có mặt của các lớp trong suốt phủ xung quanh và tương tác với các hạt nano. Hơn nữa, tương tác này có liên quan đến các tác nhân hữu cơ có trong dịch chiết. Phổ hấp phụ UV-Vis xác định tiểu phân AgNP có kích thước tối ưu. Thế zeta (ζ) của AgNP chứng tỏ tính ổn định của các hạt nano. Phổ FTIR cho thấy các phân tử sinh học có vai trò mang lại tính khử cũng như bao bọc cho các AgNP. Cuối cùng, AgNP được tổng hợp sinh học đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn tốt với một số loại vi khuẩn gây bệnh và là chất xúc tác cho quá trình khử rhodamine B.

Hoàng Thị Diệu Hằng

  1.  

SIÊU ÂM TRỊ LIỆU KẾT HỢP GEL NANO TỪ DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) GIÚP CẢI THIỆN KHẢ NĂNG VẬN ĐỘNG Ở NHỮNG NGƯỜI BỊ VIÊM XƯƠNG KHỚP ĐẦU GỐI: MỘT THỬ NGHIỆM NGẪU NHIÊN CÓ ĐỐI CHỨNG

Decha Pinkaew và cs.

Journal of bodywork and movement therapies. 2020; 24(1): 15-18.

Mục tiêu

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc điều trị bằng gel nano từ diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) ứng dụng bởi phương pháp siêu âm kết hợp thuốc qua da (phonophoresis-PP) và liệu pháp siêu âm (UT) ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp triệu chứng thông qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng.

Phương pháp

Bệnh nhân bị viêm khớp gối (n=40, độ tuổi trung bình ± SD, 64,30 ± 9,71 tuổi), được phân ngẫu nhiên thành hai nhóm trước khi điều trị, nhóm điều trị bằng phương pháp UT (mức độ đau theo thang điểm VAS là 68,00 ± 9,58) và nhóm điều trị bằng PP (mức độ đau theo thang điểm VAS là 71,00 ± 8,74). Cả hai nhóm đều được điều trị tuân theo chương trình siêu âm ở chế độ liên tục, công suất 1,0W/cm2, 10 phút/đợt và trong 10 đợt. Nhóm điều trị bằng PP sử dụng gel nano từ diệp hạ châu đắng, trong khi nhóm điều trị bằng UT sử dụng gel siêu âm không chứa thuốc. Thử nghiệm đi bộ 6 phút được thực hiện để đánh giá khả năng vận động. Mức độ đau theo thang điểm VAS và kết quả trong thử nghiệm đi bộ 6 phút được đánh giá trước và sau 10 đợt điều trị ở cả hai nhóm bằng quy trình mù đôi.

Kết quả

Điểm đau theo thang VAS và kết quả thử nghiệm đi bộ 6 phút cho thấy sự cải thiện đáng kể sau khi điều trị ở hai nhóm (p < 0,05). Trong đó, nhóm PP cho thấy ảnh hưởng đáng kể hơn so với nhóm UT trong việc làm giảm điểm đau theo thang VAS (p < 0,05) và cải thiện kết quả trong thử nghiệm đi bộ 6 phút (p < 0,05)

Bàn luận

PP được đề xuất như một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị bệnh viêm khớp gối nhằm làm giảm cơn đau và cải thiện khả năng vận động.

Hoàng Thị Diệu Hằng

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH CHIẾT TỪ DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) ĐỐI VỚI ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH KHÔNG ĐẶC HIỆU, SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ KHẢ NĂNG KHÁNG VIBRIO ALGINOLYTICUS Ở TÔM THẺ CHÂN TRẮNG LITOPENAEUS VANNAMEI

Hoang -Viet-Trinh Ngo  và cs.

Fish & Shellfish Immunology. 2020; 107 (A): 1-8

Nghiên cứu này khảo sát tác dụng của dịch chiết từ diệp hạ châu đắng, Phyllanthus amarus (PAE) đối với đáp ứng miễn dịch, sự tăng trưởng và khả năng kháng Vibrio alginolyticus ở tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Trong nghiên cứu in vitro, điều trị bằng PAE không làm thay đổi khả năng sống của tế bào máu và tăng cường đáng kể các thông số miễn dịch như hoạt động phenoloxidase (PO), hoạt động thực bào và sản xuất anion superoxide (O2). Chúng tôi đã tiến hành hai thử nghiệm cho ăn để kiểm tra tác động của PAE đối với sự tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và các thông số miễn dịch bẩm sinh của tôm thẻ chân trắng. Trong thử nghiệm in vivo đầu tiên, tôm (có khối lượng 4,01 ± 0,03 g) được cho ăn chế độ ăn chứa 0 g (đối chứng), 10 g (PAE10), 20 g (PAE20) hoặc 40 g (PAE40) PAE/ kg thức ăn trong 56 ngày. Sau giai đoạn cho ăn, nhóm PAE20 cho thấy mức tăng trọng và tốc độ tăng trưởng cụ thể cao hơn đáng kể so với tôm nhóm đối chứng. Hơn nữa, sau khi phơi nhiễm với V. alginolyticus, tôm được cho ăn chế độ ăn có chứa PAE cho thấy tỷ lệ sống cao hơn đáng kể so với tôm nhóm đối chứng. Thử nghiệm in vivo thứ hai (28 ngày) được thực hiện để xác định cơ chế tăng cường đáp ứng miễn dịch ở tôm được cho ăn PAE. Tôm được cho ăn chế độ ăn PAE20 thường có tổng số lượng tế bào máu, hoạt động PO, hoạt động thực bào và sản xuất O2 cao nhất, tiếp theo là nhóm PAE40 và PAE10. Do đó, kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng sử dụng 20 g PAE/kg thức ăn có thể tăng cường khả năng miễn dịch, sự tăng trưởng và khả năng kháng V. alginolyticus ở tôm thẻ chân trắng.

Chu Quang Trí

  1.  

HOẠT TÍNH ALPHA-GLUCOSIDASE CỦA CÁC HỢP CHẤT TỪ LÁ DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP IN SILICO

Abel K. Oyebamiji và cs.

Pharmacological Research-Modern Chinese Medicine. 2022; 2: 100054

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng tới sức khỏe toàn cầu. Việc cung cấp thuốc thay thế, bổ sung để chống lại căn bệnh này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Trong nghiên cứu này, hoạt tính ức chế α-glucosidase của bảy hợp chất phân lập được từ lá diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) đã được khám phá bằng phương pháp hóa tin học. Các đặc tính hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ (ADME) của hợp chất có ái lực gắn kết tốt nhất và metformin đã được kiểm tra. Các kết quả thu được xác định chính xác hoạt tính ức chế α-glucosidase của các hợp chất, cho thấy Hợp chất 1[(1S,19R,21S,22R,23R)-6,7,8,11,12,13,22,23-octahydroxy-3,16-dioxo-2,17,20-trioxatetracyclo [17.3.1.04,9.010,15] tricosa-4,6,8,10,12,14-hexaen-21-yl]3,4,5-trihydroxybenzoat có khả năng ức chế α-glucosidase cao hơn các hợp chất khác được phân lập từ lá Phyllanthus amarus cũng như Metformin.

Chu Quang Trí

  1.  

CÁC HỢP CHẤT LIGNANS VÀ POLYPHENOLS TỪ DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUMACH AND THONN)  CẢM ỨNG APOPTOSIS Ở TẾ BÀO UNG THƯ ĐẠI TRÀNG NGƯỜI HCT116 THÔNG QUA CON ĐƯỜNG PHỤ THUỘC CASPASE

Shimaa Ibrahim Abdelmenym Mohamed và cs.

Current Pharmacetical Biotechnology. 2021; 22(2): 262-273

Tác dụng chống ung thư của chiết xuất diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) trên các tế bào ung thư khác nhau đã được nghiên cứu, tuy nhiên tác dụng của các thành phần chính của diệp hạ châu đắng đối với tế bào ung thư đại trực tràng HCT116 ở người chưa được báo cáo.

Mục tiêu: Trong nghiên này, tác giả đã nghiên cứu tác dụng độc tế bào của dịch chiết ethanol 80% diệp hạ châu đắng và các chất đánh dấu bao gồm phyllanthin, hypophyllanthin, acid gallic, niranthin, greraniin, phyltetralin, isolintetralin, corilagin và acid ellagic đối với HCT116 và cơ chế tác dụng của chúng.

Phương pháp: Tác dụng chống tăng sinh và gây chết tế bào theo chu trình trên tế bào HCT116 của dịch chiết được thực hiện bằng định lượng MTT và phân tích dòng chảy tế bào, trong khi các hoạt động caspase 3/7, 8 và 9 được kiểm tra bằng phương pháp đo màu. Sự biểu hiện của enzym poly ADP ribose polymerase (PARP) bị phân cắt và protein cytochrome  được nghiên cứu bằng kỹ thuật immuno-blot (Western blot).

Kết quả và Thảo luận:  Phân tích HPLC và LC-MS/MS đã chứng minh dịch chiết chứa chủ yếu là lignan và polyphenol. Các mẫu thử đã ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào HCT116 theo cách phụ thuộc vào nồng độ và thời gian mà không có độc tính đối với nguyên bào sợi CCD18 Co ở người bình thường. Cao chiết diệp hạ châu đắng, phyllanthin và acid gallic gây chết tế bào thông qua quá trình apoptosis như đã được xác định bằng cách ngoại hóa phosphatidylserin. Hoạt động của caspase 3/7, 8 và 9 tăng lên phụ thuộc vào nồng độ sau 24 giờ điều trị. Các biểu hiện của PARP phân tách (ASP 214) và cytochrom C được điều hòa tăng rõ rệt.

Kết luận: Cao chiết diệp hạ châu đắng, phyllanthin và acid gallic thể hiện tác dụng gây chết tế bào trên tế bào HCT116 thông qua con đường phụ thuộc các caspase.

Lương Thị Lan

12. 

TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CỦA DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM. & THON.) THÔNG QUA VIỆC ỨC CHẾ CÁC CON ĐƯỜNG TRUYỀN TÍN HIỆU NF-ΚB, MAPK VÀ PI3K-AKT TRONG CÁC ĐẠI THỰC BÀONGƯỜI ĐƯỢC CẢM ỨNG BỞI LPS

Hemavathy Harikrishnan và cs.

BMC Complementary and Alternative Medicine. 2018; 18(224)

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) đã được sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc truyền thống khác nhau để điều trị sưng tấy, lở loét, vàng da, bệnh viêm nhiễm, tổn thương thận, đái tháo đường và viêm gan siêu vi, trong khi các cơ chế dược lý và sinh hóa làm cơ sở cho đặc tính chống viêm của dược liệu này chưa được nghiên cứu kỹ. Nghiên cứu hiện tại được thực hiện để nghiên cứu tác động của cao chiết ethanol 80% của P. amarus đối với việc giải phóng các chất trung gian gây viêm ở yếu tố nhân-kappa B (NF-кB), protein kinase hoạt hóa bởi mitogen (MAPK) và sư hoạt hóa con đường tín hiệu phosphatidylinositol 3-kinase/Akt (PI3K-Akt) trong các đại thực bào U937 ở người do lipopolysacarid (LPS) gây ra.

Nguyễn Thị Minh Phượng

  1.  

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA CÁC CAO CHIẾT TỪ SIDA ACUTA, PHYLLANTHUS AMARUS, PARKIA BIGLOBOSACHẾ PHẨM THUỐC MỠ TỪ CÁC DƯỢC LIỆU TRÊN TRONG HOẠT TÍNH TRỊ LIỆU VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC

Addai-Mensah Donkor và cs.

Heliyon. 2023; 9(9): e19316

Cao chiết thảo dược là nguồn cung cấp các hoạt chất sinh học quan trọng trong điều trị được biết đến rộng rãi bởi khả năng sẵn có, giá thành thấp và ít tác dụng phụ hơn. Lá của ba loại cây này đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh ở Ghana, bao gồm cả tình trạng da và nhiễm trùng vết thương. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc mỡ có chứa cao chiết trong điều trị các bệnh nói trên vẫn chưa được chứng minh.

Các cao chiết được tạo thành dạng thuốc mỡ với polyethylene glycol (PEG), sau đó cả thuốc mỡ lẫn các cao chiết thô đều được kiểm tra hoạt tính kháng khuẩn  in vitro. Ba chủng vi khuẩn được chọn đã cho thấy hoạt tính tiềm năng của các cao chiết thực vật từ các dung môi khác nhau.

Giá trị nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) và nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) đối với các cao chiết này đều thấp. Thuốc mỡ thảo dược được làm bằng cao chiết Sida acuta từ cả hai dung môi cho thấy hoạt tính khác biệt đạt ý nghĩa thống kê (P < 0,05), chống lại vi khuẩn thử nghiệm khi so sánh với thuốc tham chiếu (Madecassol®). Tuy nhiên, hoạt tính của thuốc mỡ thảo dược được pha chế từ cả chiết xuất P. amarusP. biglobosa có hoạt tính tương đương với thuốc tiêu chuẩn được sử dụng ở nồng độ cao hơn. Đáng chú ý, cả cao chiết và thuốc mỡ bào chế từ cao chiết và PEG đều cho thấy hiệu quả in vitro đáng kể chống lại các loài vi khuẩn gây bệnh.

Nghiên cứu hiện tại là nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về các loài Parkia dựa trên việc đánh giá thuốc mỡ thảo dược làm từ cao chiết của lá được tối ưu bằng cách sử dụng dung môi như nước và ethanol. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành dược phẩm trong việc cung cấp nguồn cung phù hợp, khả thi và thay thế cho các hợp chất hoạt tính sinh học và các tác nhân chống nhiễm trùng.

Nguyễn Tiến Hoàng

  1.  

ĐIỀU HOÀ CÁC CON ĐƯỜNG TRUYỀN TÍN HIỆU TẾ BÀO BẰNG DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS) VÀ CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA NÓ: VAI TRÒ TIỀM NĂNG TRONG VIỆC NGĂN NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ CHỨNG VIÊM VÀ UNG THƯ

Hemavathy Harikrishnan và cs.

Inflammopharmacol. 2020; 28: 1–18.

Mối liên hệ nhân-quả và chức năng giữa viêm và ung thư đã trở thành chủ đề được nhiều nghiên cứu quan tâm. Điều hoà các con đường truyền tín hiệu tế bào, chẳng hạn như các con đường liên quan đến protein kinase hoạt hóa bởi mitogen (MAPK), yếu tố hạt nhân kappa β (NF-κB), phosphatidylinositol 3-kinase và protein kinase B (PI3K/Akt), và Wnt,  kết quả của các con đường tín hiệu này đóng vai trò cơ bản trong viêm và ung thư. Việc kích hoạt các con đường truyền tín hiệu tế bào này có thể dẫn đến nhiều khía cạnh khác nhau của tình trạng viêm liên quan đến ung thư. Do đó, các hợp chất có khả năng điều chỉnh các mục tiêu phân tử liên quan đến tình trạng viêm đang được quan tâm trong các chương trình phát triển thuốc chống ung thư. Trong những năm gần đây, chiết xuất thực vật và các chất chuyển hóa của chúng đã được ghi nhận có tiềm năng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư và các bệnh viêm nhiễm. Thực vật có đặc tính chống ung thư và chống viêm do thành phần hoạt tính sinh học của chúng đã được báo cáo là điều chỉnh các con đường phân tử và tế bào có liên quan đến viêm và ung thư. Trong bài tổng quan này, chúng tôi tập trung vào các flavonoid (astragalin, kaempferol, quercetin, rutin), lignan (phyllanthin, hypophyllanthin và niranthin), tannin (corilagin, geraniin, acid ellagic, acid gallic) và triterpen (lupeol, acid oleanolic, acid ursolic) của diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus), có tác dụng chống ung thư và chống viêm khác nhau thông qua sự nhiễu loạn của mạng tín hiệu NF-κB, MAPK, PI3K/Akt và Wnt. Hiểu được các cơ chế cơ bản liên quan có thể giúp nghiên cứu trong tương lai phát triển các ứng viên  làm thuốc dùng để phòng ngừa và điều trị mới cho bệnh ung thư và các bệnh viêm nhiễm.

Nguyễn Tiến Hoàng

  1.  

HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN CỦA DỊCH CHIẾT DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG (PHYLLANTHUS AMARUS (SCHUM AND THONN)) CHỐNG LẠI VI KHUẨN SALMONELLA TYPHI TÁC NHÂN GÂY BỆNH THƯƠNG HÀN

Christiana Peprah Dabanka và Richard Otchere

Trends Journal of Sciences Research, December. 2022; 2(1): 7-19

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum. và Thonn.) chống lại vi khuẩn Salmonella typhi  tác nhân gây bệnh thương hàn tại phòng thí nghiệm của Khoa Hóa học và Sinh học lý thuyết và ứng dụng của Trường Đại học Khoa học, Đại học Khoa học và Công nghệ Kwame Nkrumah, Kumasi. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định hiệu suất chiết cao chiết thô cao nhất của cây diệp hạ châu đắng bằng cách sử dụng các tỷ lệ khác nhau của nước và ethanol và xác định độ nhạy cảm của Salmonella typhi đối với các cao chiết này. Ba quy trình chiết xuất khác nhau đã được thực hiện. Trong quy trình đầu tiên, bảy thí nghiệm chiết xuất mỗi thí nghiệm có các tỷ lệ khác nhau của hai dung môi chiết (nước và ethanol) để chiết 10 g mẫu dược liệu. Trong quy trình thứ hai, tám thí nghiệm được thiết lập cho 2 dung môi.10g mẫu dược liệu tươi và khô được chiết trong 200 mL nước; và 20 g mẫu dược liệu tươi, khô cũng được chiết bằng 200 mL nước. 4 thí nghiệm tương tự cũng được lặp lại với dung môi là ethanol. Trong quy trình thứ ba, mỗi 10g mẫu dược liệu tươi được đun sôi trong 100 mL và 200 mL nước trong 30 phút. Thử nghiệm độ nhạy cảm để xác định vùng ức chế của các dịch chiết trên Salmonella typhi được phân lập từ người. Kết quả hiệu suất chiết thô của diệp hạ châu đắng khi chỉ sử dụng nước cho hiệu suất chiết thô cao nhất là 2,57 g, tiếp theo là chỉ sử dụng ethanol là 2,52 g. Các nghiên cứu về độ nhạy của vi khuẩn được tiến hành trên diệp hạ châu đắng tươi chỉ ra rằng dịch chiết nước của diệp hạ châu đắng đã ức chế S. typhi với vùng ức chế 5,00 mm của mẫu 10 g/200 ml và 7,17  mm của mẫu 20 g/200 mL. Dịch chiết ethanol cũng ghi nhận được vùng ức chế là 2,67 mm và 5,33 mm lần lượt của các mẫu 10 g/200 mL và 20 g/200 mL. Tiếp tục, các nghiên cứu về độ nhạy của vi khuẩn sử dụng mẫu diệp hạ châu đắng khô cho thấy rằng dịch chiết nước ghi nhận vùng ức chế là 7,33 mm của mẫu 10 g/200 mL và 13,50 mm của mẫu 20 g/200 mL. Tương tự như vậy, các dịch chiết ethanol cũng ghi nhận vùng ức chế là 6,83 mm của mẫu 10 g/200 mL và 10,50 mm của mẫu 20 g/200 mL. Sự khác biệt đáng kể đã được quan sát giữa các dịch chiết và nhóm đối chứng ở cả nồng độ 10 g/200 mL và 20 g/200 mL (P<0,05). Các dịch chiết nước và ethanol của diệp hạ châu đắng đã chứng tỏ khả năng  ức chế S. typhi.

Đàm Thị Thanh Nhàn

  1.  

NUÔI CẤY CHỒI DIỆP HẠ CHÂU  (PHYLLANTHUS AMARUS) LÀ NGUỒN LIGNAN CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC: ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC CHẤT ĐIỀU HOÀ SINH TRƯỞNG ĐƯỢC CHỌN LỌC

Barbara Sparzak-Stefanowska & Mirosława Krauze-Baranowska

Scientific Reports. 2022,12(1): 11505.

Đây là nghiên cứu hoàn thiện đầu tiên về ảnh hưởng của các chất điều hoà sinh trưởng (PGRs) đến sự phát triển của chồi và sự tích luỹ các lignan có hoạt tính sinh học (phyllanthin và hypophyllanthin), trong nuôi cấy chồi Diệp hạ châu đắng thu được bằng phát sinh cơ quan trực tiếp. Các PGRs được đưa vào thí nghiệm bao gồm cytokinin: kinetin (Kin), 6-benzylaminopurine (BAP), 2-isopentenyladenine (2iP), 1-phenyl-3-(1,2,3-thiadiazol-5-yl)urea, thidiazuron (TDZ) và auxin IBA (indole-3-butyric acid)  được sử dụng với các nồng độ khác nhau. Tùy thuộc vào PGRs và nồng độ của chúng, người ta đã quan sát thấy sự khác biệt trong phản ứng nuôi cấy và tích lũy lignan.  Hàm lượng cao nhất của các hợp chất nghiên cứu  được tìm thấy khi nuôi cấy chồi trên môi trường Murashige và Skoog’s (MS) bổ sung 0,25 mg/L kin. Tổng trọng lượng khô (DW) phyllanthin và hypophyllanthin là  ~ 10 mg/g, tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với nguyên liệu thực vật thu được từ điều kiện tự nhiên. Kết quả nghiên cứu cung cấp dữ liệu mới về việc lựa chọn môi trường tăng trưởng tối ưu để sản xuất nguyên liệu thực vật với hàm lượng sinh tổng hợp phyllanthin và hypophyllanthin đáng kể. Dữ liệu thu được cũng có giá trị trong việc thiết kế các hệ thống nuôi cấy chồi Diệp hạ châu đắng quy mô lớn với năng suất lignan cao có tác dụng bảo vệ gan.

Nguyễn Thị Xuyên

  1.  

TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ VI NHÂN GIỐNG VÀ GIẢM HIỆN TƯỢNG BẤT THƯỜNG Ở CÂY DIỆP HẠ CHÂU  NUÔI CẤY MÔ TRÊN MÔI TRƯỜNG CHỨA NANO BẠC

Bui Van The Vinh và cs.

South African Journal of Botany. 2023; 163: 217-225

Diệp hạ châu là cây thuốc quý được dùng để sản xuất thuốc điều trị viêm gan siêu vi và cải thiện chức năng gan. Do sản sinh quá nhiều ethylen, vi nhân giống Diệp hạ châu thường dẫn đến các hiện tượng bất thường như rụng lá, vàng lá, chồi xuất hiện mô sẹo và thủy tinh hóa. Trong nghiên cứu này, hạt nano bạc (AgNP) được bổ sung vào môi trường nhân chồi để thúc đẩy sinh trưởng, giảm hàm lượng ethylen và các hiện tượng bất thường trong vi nhân giống cây Diệp hạ châu đắng. Kết quả chỉ ra rằng nồng độ 7 mg/L AgNP trong môi trường nhân chồi đã tăng cường sự phát triển của chồi bao gồm số chồi (7,33 chồi), số chồi cao trên 3 cm (5,67 chồi), chiều cao chồi (5,17 cm), trọng lượng tươi (215,32 mg) và trọng lượng khô (28,36 mg) cao hơn các công thức còn lại sau 30 ngày nuôi cấy. Ngoài ra, ở nồng độ 7 mg/L AgNP còn làm giảm hiện tượng bất thường ở chồi; đặc biệt, làm giảm hiện tượng rụng lá khoảng 4,5 lần; vàng lá 1,5 lần; giảm hàm lượng mô sẹo 2 lần và ethylen 5 lần so với đối chứng. Sự tăng trưởng, thích nghi tiếp theo và tích lũy của hàm lượng hypophyllanthin (48,51 µg/g) và phyllanthin (213,08 µg/g) của cây con có nguồn gốc từ AgNP cao hơn so với đối chứng.

Nguyễn Thị Xuyên

  1.  

THĂM DÒ CÁC HỢP CHẤT KHOÁNG CÓ TRONG CÁC CƠ QUAN TRÊN MẶT ĐẤTCỦA CÂY DIỆP HẠ CHÂU

Aristarque Mulonda Bulambo và cs.

World Journal of Advanced Pharmaceutical and Life Sciences. 2024; 06(01): 022–027

Dược liệu ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân vùng cận Sahara. Thành phần hóa học của cây diệp hạ châu có thể làm tăng mức độ sử dụng của loài cây kháng bệnh phổ rộng này. Thân cây diệp hạ châu chứa độ ẩm từ 67,8% đến 75,2%, clorua, phốt phát, nitrit và nitrat. Các cơ quan trên mặt đất tương tự không chứa sunfat hoặc canxi. Hàm lượng tro của thân cây diệp hạ châu thay đổi từ 43 đến 45%, một tỷ lệ quan trọng để khám phá các nguyên tố khoáng có trong chất hữu cơ và có khả năng đóng vai trò là hợp chất dẫn truyền trong quá trình tổng hợp các chất chuyển hóa thứ cấp.

Đinh Thanh Giảng

  1.  

ĐIỀU TRA VỀ NẤM PHYLLOSPHERE MYCOFLORA TRÊN CÂY DIỆP HẠ CHÂU

Sumia Fatima, Priya Lokare.

Flora  and fauna. 2020; 26 (2): 243-246

Bệnh hại tấn công là nguyên nhân làm cho hầu hết các loài cây thuốc bị chết. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về tỷ lệ mắc, tỷ lệ lây lan, dịch tễ học và kiểm soát bệnh cây. Cũng như, có rất ít thông tin hoặc công trình nghiên cứu về bệnh cây thuốc. Diệp hạ châu - Phyllanthus amarus là một trong những dược liệu quan trọng, là một loại thảo mộc chính trong hệ thống y học Ayurvedic của Ấn Độ. Cây P. amarus có tác dụng trong việc điều trị dạ dày, cơ quan sinh dục, gan, thận, lá lách, cũng như bệnh lậu, rong kinh và các bệnh sinh dục khác. Trong nghiên cứu này, có tổng cộng sáu loại nấm được tìm thấy là nguyên nhân gây bệnh cho diệp hạ châu, chúng là Aspergillus niger, A. nidulans, Alternaria sp., Fusarium sp., Passalora sp. (Syn. Cercospora sp.), và một loài không xác định. Hầu hết các loài nấm được tìm thấy trên bề mặt lá. Từ các kết quả phân tích, người ta thấy rằng các hệ thống nấm bệnh được nghiên cứu là không nhiều. DO đó, cần phải cẩn thận trong trường hợp này vì nấm thực vật cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây do làm hư hại thân, cành, quả, hoa. Tổng cộng có sáu loại nấm trên cây Phyllanthus amarus được phân lập và báo cáo đã lây nhiễm ở mức độ không đáng kể.

Đinh Thanh Giảng

  1.  

PHÁT HIỆN CÁC CHẤT CHUYỂN HÓA THỨ CẤP CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ NUÔI CẤY MÔ SẸO  PHYLLANTHUS AMARUS L. VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH VI SINH VẬT CỦA NÓ

Avinash Singh Anam Taufeeq, Samra Fatima

International Journal of Science & Critics. 2022; 1 (1)

Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus L.) là một trong những cây thuốc rất quan trọng. Các chất chuyển hóa thứ cấp có nguồn gốc từ thực vật đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích chiết xuất các chất chuyển hóa thứ cấp từ mô sẹo được tạo ra từ mô lá của P. amarus của các chất điều hòa sinh trưởng khác nhau [2,4-dichlorophenoxy acetic acid (2,4-D), 6-Benzyl aminopurin (BAP)] đã được thử nghiệm đối với việc tạo mô sẹo, đoạn lá được cấy vào các môi trường MS chứa 1mg/l BAP và 1mg/l 2,4-D cho thấy nhiều vết sùi và đều đặn. Mô sẹo tạo ra được sấy khô qua đêm ở 25 ± 2oC và được chiết xuất chất chuyển hóa. Khoảng 2,3 mg hợp chất khô được chiết xuất từ ​​10,0 mg mô sẹo khô. Dung dịch metanol (2 mg/ml) của các hợp chất khô được thử nghiệm về sự hiện diện của phenolics, flavonoid và hoạt tính chống oxy hóa cho thấy tổng phenolics là 0,023 mg GAE/g, tổng flavonoid 0,19 mg QE và hoạt tính 93,51%, tương ứng. Trong số 4 loại vi khuẩn (Escherichia coli, Morgan morganii, Escherichia fecalis Staphylococcus Aureus) được thử nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn, E. coli M. morganii được phát hiện nhạy cảm với chiết xuất metanol (1 mg/ml) của mô sẹo. Vì vậy, nghiên cứu này cho thấy nuôi cấy mô sẹo của P. amarus là nguồn cung cấp nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học khác nhau và có thể được triển khai chiết xuất để thương mại hóa các hợp chất có hoạt tính sinh học khác nhau.

Lê Thị Quỳnh Nga

  1.  

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN CHI TIẾT VỀ TIỀM NĂNG CÂY THUỐC PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM. AND THONN.

Aparupa Bose Mazumdar Ghosh và cs.

Nucleus. 2022; 65:437–472

Phyllanthus amarus Schum. and Thonn., một loại thảo dược phân bố trên toàn cầu được biết đến với nhiều tiềm năng chữa bệnh. P. amarus có lịch sử sử dụng lâu dài trong hệ thống y học cổ truyền hơn 2000 năm nhờ có nhiều chất chuyển hóa thứ cấp mang lại các đặc tính y học quan trọng. Nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau bao gồm thực vật học, hóa học thực vật đến hoạt tính sinh học hoặc nghiên cứu dược lý đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ qua về những tác dụng của thảo dược này. Chiết xuất P. amarus đã cho thấy một loạt các hoạt động dược lý như bảo vệ gan, chống oxy hóa, kháng vi-rút, kháng khuẩn, trị đái tháo đường, chống viêm, chống ung thư, chống sốt rét, bảo vệ thận, lợi tiểu và một số đặc tính khác. Tổng quan đã tổng hợp toàn bộ các tài liệu và nghiên cứu của một số nhóm trong nhiều thập kỷ qua cho đến nay và tập trung vào việc làm thế nào để khám phá thêm ý nghĩa điều trị của loại cây này cho nghiên cứu trong tương lai dưới dạng công thức thảo dược, thuốc thay thế hoặc trong ngành dược phẩm.

Nguyễn Đức Mạnh

  1.  

ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN TRÙN QUẾ VÀ PHÂN VÔ CƠ ĐẾN SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ HÀM LƯỢNG PHYLLANTHIN Ở BHUMYAMALAKI (PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM AND THONN.)

Divyashree N và cs.
The Pharma Innovation Journal. 2022; 11(3): 1250-1256

Bhumyamalaki (Diệp hạ châu) là một loại thảo dược nhỏ hàng năm thuộc họ Euphorbiaceae, chủ yếu được biết đến trong hệ thống y học của Ấn Độ vì đặc tính chữa bệnh của nó. Trong năm 2018-2019 ở thời vụ trồng chính, thí nghiệm đồng ruộng đã được thực hiện với mục tiêu tăng năng suất loài Phyllanthus amarus bằng các cách bón kết hợp giữa phân trùn quế và phân vô cơ với liều lượng khác nhau tại Vùng khô phía Bắc Karnataka tại Trung tâm Nghiên cứu và Khuyến nông Chính (MHREC), UHS, Bagalkot. Trong số các công thức bón phân khác nhau, việc bón phân ở công thức V1F3 (2 tấn phân trùn quế và phân bón kết hợp tỷ lệ 150:60:60 kg NPK/ha) đã cho thấy chiều cao cây đạt tối đa (64,9 cm), số lá trên cây (218,78), số cành trên mỗi cây (50,46), đường kính tán của cây (57,07 cm2), diện tích lá (446,33 cm2), chỉ số diện tích lá (2,98), tốc độ tăng trưởng tích lũy (5,96 g/m2/ngày), tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (0,12 g/ngày), tổng lượng khô tích lũy (11,97 g/cây), năng suất dược liệu tươi (10,75 tấn/ha) và năng suất dược liệu khô (5,25 tấn/ha), khả năng hấp thu dinh dưỡng tối đa (N-121,52, P2O5-24,96, K2O 107,73 kg/ha), lợi nhuận ròng cao nhất (132226) và tỷ lệ B:C (2,95). Trong khi đó, hàm lượng Phyllanthin tối đa (0,87%) được ghi nhận khi bón ở công thức V1F1 (2 tấn phân trùn quế và phân bón kết hợp tỷ lệ 50:30:30 kg NPK/ha) và lượng lân hữu dụng tối đa trong đất (39,21 kg/ha) là được ghi nhận với V1F0 (2 tấn phân trùn quế và phân bón kết hợp 0:0:0 kg NPK/ha).

Nguyễn Đức Mạnh

23. 

GERMINATING POTENTIAL OF PHYLLANTHUS AMARUS SEEDS: EVALUATION OF BIOCHEMICAL PARAMETERS

Sankar Narayan Karthik và cs.

Springer Nature Applied Sciences Journal. 2019; 1: 1582

 Việc thu thập, giám định, tối ưu hóa các điều kiện bảo quản và lựa chọn cây giống thích hợp để nhân giống và bảo tồn là rất quan trọng đối với cây thuốc mọc hoang dại có những biến đổi thích nghi dưới các chế độ khí hậu khác nhau. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích tìm hiểu các yếu tố (ở đây là loại hạt và điều kiện bảo quản) ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của Phyllanthus amarus L. (Euphorbiaceae) được thu hái trong tự nhiên bằng sử dụng các đặc tính sinh hóa của hạt, bên cạnh việc giám định loài. Các bộ khuếch đại 1150 bp trong phân tích bằng chỉ thị phân tử SCAR và 6–7 gân trên bề mặt hạt được thể hiện bằng cách quét vi điện tử đã xác nhận rằng mẫu vật được thu thập trong tự nhiên là P. amarus. Điều đặc biệt là, những hạt xanh trưởng thành được thu hoạch và phơi khô trong bóng râm trong vòng 0–3 ngày có tỷ lệ chắc tối đa (55,8%) và cho thấy tỷ lệ nảy mầm cao hơn đáng kể (p < 0,001) với carbohydrate và protein so với hạt lép. Tuy nhiên, hạt lép chứa hàm lượng chất béo ít hơn 33% so với hạt chắc. Sau khi bảo quản, khả năng nảy mầm của hạt P. amarus được ghi nhận là 12 tháng ở 4°C không có độ ẩm. Điều này cho thấy những hạt giống còn sống có thể được thu hoạch và bảo quản thích hợp để đảm bảo tuổi thọ. Nghiên cứu này đưa ra một trường hợp cho việc bảo tồn các hạt giống có tuổi thọ ngắn, theo mùa như P. amarus.

Nguyễn Đức Mạnh

  1.  

GIẢI TRÌNH TỰ, LẮP RÁP de NOVO, CHÚ GIẢI CHỨC NĂNG VÀ PHÂN TÍCH HỆ PHIÊN MÃ CỦA LOÀI DIỆP HẠ CHÂU BẰNG SỬ DỤNG HỆ THỐNG GIẢI TRÌNH TỰ  ILLUMINA

Aparupa Bose Mazumdar, Sharmila Chattopadhyay

Frontiers in Plant Science. 2016 Jan; 6: 1199.

Diệp hạ châu là cây thảo dược hàng năm, có phân bố rộng rãi và có lịch sử sử dụng hơn 2000 năm trong các hệ thống y học cổ truyền. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu hệ gen của loài diệp hạ châu đã cản trở các nghiên cứu ở cấp độ phân tử. Trong nghiên cứu này, công nghệ giải trình tự thông lượng cao đã được sử dụng để nâng cao hiểu biết về loại thực vật này và cung cấp thông tin toàn diện về hệ gen của loài này cho nghiên cứu trong tương lai. Ở đây, hệ phiên mã từ mô lá của loài diệp hạ châu được giải trình tự bằng hệ thống Illumina Miseq. Chúng tôi đã tạo ra 85.927 chuỗi phiên mã duy nhất không lặp lại với kích thước trung bình là 1.548 bp, từ 18.060.997 trình tự thô. Các phân tích về mức độ tương đồng và chú giải của các chuỗi phiên mã được thực hiện dựa trên các cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu protein thực vật, bản thể học của gen (GO), phân bố hình thái học của các nhóm (COG), PlnTFDB, KEGG. Tổng cộng, 69.394 thuật ngữ GO, 583 mã enzyme (EC), 134 bản đồ chuyển hóa (từ cơ sở dữ liệu KEGG) và 59 họ yếu tố phiên mã (transcription factor) đã được tìm thấy. Các phân tích chức năng và so sánh của các trình tự phiên mã được lắp ráp cũng được thực hiện với các loài có liên quan chặt chẽ nhất như Populus trichocarpaRicinus communis bằng gói công cụ TRAPID. Bên cạnh đó, phân tích trên cơ sở dữ liệu KEGG cho thấy một số trình tự phiên mã được lắp ráp có liên quan đến các chất chuyển hóa thứ cấp, chủ yếu là phenylpropanoid, flavonoid, terpenoid, alkaloid và con đường sinh tổng hợp lignan, là nhóm được cho là có đóng góp quan trọng cho các tác dụng dược hóa. Thông số FPKM của các gen liên quan đến các con đường chuyển hóa các hợp chất thứ cấp đã được xác định đã được xác định và PCR phiên mã ngược (RT-PCR) của một số gen này đã được thực hiện để kiểm chứng lại quá trình lắp ráp de novo. Ngoài ra, 65.273 trình tự lặp đơn (SSR) cũng được xác định. Tới hiện tại, đây là bộ dữ liệu phiên mã đầu tiên của loài  P. amarus. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp nguồn dữ liệu về hệ gen lớn nhất, hỗ trợ trong nghiên cứu phát triển thuốc và mở đường cho nghiên cứu giải mã các con đường sinh tổng hợp chuyển hóa các hợp chất thứ cấp khá ở P. amarus, đặc biệt là những con đường liên quan đến các hợp chất có tác dụng chữa bệnh.

Lê Thị Tú Linh

  1.  

MÃ VẠCH DNA: SƠ ĐỒ DI TRUYỀN VỀ NHẬN DẠNG VÀ ĐA DẠNG CỦA PHYLLANTHUS AMARUS SCHUM. ET. THON

M. Ushakiranmayi và cs.

Medicinal Plants: Biodiversity, Sustainable Utilization and Conservation. 2020: 785-795

Việc xác định tên khoa học rất quan trọng, công việc hiện tại đã được thực hiện để nhận biết cây thuốc  Phyllanthus amarus đưa khả năng biển đổi di truyền trong số các loài vào xem xét. DNA bộ gen lục lạp được phân lập và kiểm tra định lượng cũng như chất lượng. 2 μl DNA khuôn mẫu, các thành phần đệm phản ứng, nước và mồi xuôi, ngược đã được thêm vào và thể tích cuối cùng là 50 μl, đồng thời quá trình khuếch đại được thực hiện trong máy luân nhiệt gradient. Sản phẩm đã được tinh sạch, giải trình tự và đăng tải trên GenBank. Trình tự này được căn chỉnh và xây dựng cây phát sinh chủng loại bằng các công cụ tin sinh học MEGA 4. DNA lục lạp đã được phân lập, vùng intron t-RNA L của lục lạp được khuếch đại, giải trình tự ở định dạng FASTA được thực hiện gióng hàng. Trình tự này không thể hiện sự tương đồng với bất kỳ trình tự nào khác được báo cáo trên GenBank và đây là trình tự intron không mã hóa được bảo tồn cao đầu tiên của Phyllanthus amarus và cây phát sinh loài được xây dựng. Việc xác định các loài thực vật dựa trên hình thái có thể chấp nhận được ở một mức độ nào đó nhưng thông tin di truyền cung cấp dữ kiện chính xác để xác định các loài thực vật. Mã vạch DNA là một hệ thống nhận dạng phân tử được tiêu chuẩn hóa và tiết kiệm chi phí được sử dụng để nhận dạng thực vật. Vì vậy các cây có giá trị làm thuốc cần được xác định chính xác giữa các loài thuộc cùng chi.

Nguyễn Hoàng

 

HÀ THỦ Ô ĐỎ (FALLOPIA MULTIFLORA (THUNB.) HARALDSON/POLYGONUM MULTIFLORUM THUMB) 

  1.  

CAO CHIẾT ETHANOL TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.) ỨC CHẾ SỰ BIỆT HÓA TIỀN TẾ BÀO MỠ TRONG TẾ BÀO 3T3-L1 VÀ SỰ TÍCH TỤ MỠ Ở CHUỘT BÉO PHÌ

Ra-Yeong Choi và cs.

Biomedicine & Pharmacotherapy. 2018; 106: 355-362

Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả chống béo phì của cao chiết ethanol từ rễ hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb.) (PME) bằng việc sử dụng dòng tế bào 3T3-L1 và chuột béo phì gây bởi chế độ ăn nhiều chất béo (HFD). PME (5 μg/mL và 10 μg/mL) ức chế phụ thuộc liều sự biệt hóa của tiền tế bào mỡ 3T3-L1 thành tế bào mỡ và hàm lượng triglycerid nội bào. Ngoài ra, PME đã ức chế sự biểu hiện của mRNA và protein của các yếu tố phiên mã sinh mỡ như CCAAT/enhancer-binding protein α (C/EBPα) và peroxisome proliferator-activated receptor γ (PPARγ), dẫn đến điều hòa giảm sự biểu gen  của enzyme tổng hợp acid béo. Sau 12 tuần, chuột ăn thức ăn giàu béo cùng được điều trị song song bởi PME (0,05%) có khối lượng mỡ nội tạng, kích thước và trọng lượng cơ thể đã giảm đáng kể so với nhóm HFD không điều trị. Hơn nữa, lô chuột béo phì được điều trị bởi PME có sự điều hòa tăng biểu hiện mRNA của PPARα, CPT1, CPT2, UCP1 và HSL và làm giảm biểu hiện của các gen PPARγ và DGAT2 đạt ý nghĩa thống kê khi so với nhóm HFD. Cuối cùng, HFD làm tăng nồng độ leptin, insulin và glucose trong huyết thanh chuột; tuy nhiên, PME đã đảo ngược những thay đổi này. Những kết quả này chứng minh rằng PME có thể làm giảm béo phì thông qua ức chế quá trình sinh mỡ và tạo lipid cũng như thông qua quá trình phân giải mỡ và oxy hóa acid béo trong tế bào 3T3-L1 và chuột bị béo phì do ăn thức ăn giàu béo.

Trần Thị Hồng Vân

  1.  

RỄ CỦA  HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.) LÀM GIẢM TÌNH TRẠNG NHIỄM MỠ KHÔNG DO RƯỢU VÀ KHÁNG INSULIN Ở CHUỘT NHẮT ĐƯỢC CHO ĂN CHẾ ĐỘ ĂN GIÀU CHẤT BÉO

Soonwoong Jung và cs.

Nutrients, Published. 2020; 12(8): 2353

Tình trạng nhiễm mỡ không do rượu và kháng insulin là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và gây ra các biến chứng chuyển hóa trên toàn thế giới. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã đánh giá cơ chế phân tử của rễ hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb.) (PM) chống lại sự tích tụ lipid ở gan và kháng insulin thông qua các mô hình thực nghiệm in vitroin vivo. Cao chiết PM làm giảm đáng kể sự tích tụ của các giọt lipid và triglyceride ở gan trong các tế bào HepG2 tiếp xúc với acid béo tự do (FFA). Cao chiết PM làm tăng quá trình phosphoryl hóa AMPK và ACC và sự biểu hiện GLUT4, các chỉ số này bị giảm trong các tế bào tiếp xúc với FFA. Cao chiết PM cũng làm giảm các dạng tiền chất và trưởng thành của SREBP-1 trong các tế bào tiếp xúc với FFA. Chuột nhắt C57BL/6 được nuôi bằng chế độ ăn bình thường (ND) hoặc chế độ ăn nhiều chất béo (HFD) được cho dùng cao chiết PM (100 mg/kg) bằng đường uống trong 16 tuần. Cao chiết PM làm giảm sự gia tăng chất béo của mào tinh hoàn và quanh thận trên chuột HFD. Cao chiết PM làm giảm đáng kể sự tích tụ lipid ở gan và mức đường huyết lúc đói, đồng thời cải thiện độ nhạy glucose và insulin ở chuột HFD. Ở chuột được cho ăn theo chế độ giàu chất béo gây giảm quá trình phosphoryl hóa AMPK và ACC và biểu hiện GLUT4, đồng thời tăng các dạng tiền thân và trưởng thành SREBP-1; những thay đổi này đã được khôi phục đáng kể nhờ điều trị bằng cao chiết PM. Tóm lại, cao chiết PM làm giảm tình trạng nhiễm mỡ không do rượu và kháng insulin thông qua việc điều chỉnh sự biểu hiện của các protein trong chuyển hóa lipid và vận chuyển glucose trong gan.

Lê Bích Nhài, Nguyễn Văn Hiệp

  1.  

ĐỘC TÍNH TRÊN GAN VÀ KHẢ NĂNG BẢO VỆ GAN CỦA HÀ THỦ Ô ĐỎ POLYGONUM MULTIFLORUM THUND. NHƯ HAI MẶT CỦA CÙNG MỘT ĐỒNG TIỀN SINH HỌC

Ling-Yu Ruan Jung và cs.

Journal of Ethnopharmacology. 2019; 230: 81-94

Công dụng dân gian: Hà Thủ Ô đỏ Polygonum multiflorum Thund. là vị thuốc nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi trong y học học cổ truyền Trung Quốc để điều trị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tóc bạc sớm, v.v., tuy nhiên đã có sự lo ngại về khả năng gây độc cho gan của nó. Do hà Thủ Ô đỏ chứa nhiều thành phần hoạt chất khác nhau nên cơ chế gây độc gan của hà thủ ô đỏ thô (RPM) vẫn chưa được biết rõ.

Mục tiêu của nghiên cứu: Phân tích chất chuyển hóa bằng 1H NMR đã được sử dụng để nghiên cứu cơ chế gây độc gan do RPM gây ra và làm sáng tỏ 2 đặc điểm về độc tính trên gan và chuyển hóa bảo vệ gan trong quá trình sử dụng RPM ở chuột.

Nguyên vật liệu và phương pháp: Tiến hành cho uống RPM với 3 liều thử nghiệm trong 28 ngày. Mẫu huyết thanh và tế bào gan được thu thập để khảo sát mô học, phân tích sinh hóa và lập dữ liệu về chất chuyển hóa (metabolomics) bằng 1H NMR.

 Kết quả: RPM gây ra stress oxy hóa và rối loạn chức năng ty thể ở chuột, dẫn đến rối loạn đáng kể trong quá trình chuyển hóa năng lượng, chuyển hóa acid amin và chuyển hóa pyrimidin, đồng thời gây ra phản ứng viêm. RPM gây độc cho gan theo cách không tuyến tính rõ ràng: mức độ nghiêm trọng nhất ở nhóm liều lượng thấp và giảm dần ở nhóm liều lượng trung bình theo metabolomics. Sự giảm nhẹ tổn thương gan ở chuột có thể là do tác dụng điều trị, chẳng hạn như khả năng chống oxy hóa của các thành phần trong RPM.

Kết luận: RPM tác động một cách phi tuyến tính phức tạp ở những cơ thể khỏe mạnh, chuyển đổi giữa độc tính gan và bảo vệ gan tùy thuộc vào liều lượng và tình trạng của cơ thể

Phí Đình Uy

  1.  

CAO CHIẾT NƯỚC NÓNG CỦA HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.) ĐẢO NGƯỢC QUÁ TRÌNH CHUYỂN HÓA LIPID DO CHẾ ĐỘ ĂN GIÀU CHẤT BÉO Ở CÁC MÔ MỠ TRẮNG VÀ MÔ MỠ NÂU TRÊN CHUỘT BÉO PHÌ

Ra-Yeong Choi và Mi-Kyung Lee

Plants. 23 July 2021; 10(8)

Mục đích của nghiên cứu này là để xác định tác dụng chống béo phì của cao chiết nước nóng hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb.) (PW) có liên quan đến quá trình chuyển hóa lipid của mô mỡ trắng (WAT) và mô mỡ nâu (BAT) ở chuột béo phì C57BL/6N có chế độ ăn giàu chất béo (HFD). Chuột được ăn tự do một chế độ ăn bình thường (NCD) hoặc HFD trong 12 tuần; Chuột nuôi HFD được cho uống PW (100 hoặc 300 mg/kg) hoặc Garcinia cambogia (GC, 200 mg/kg) một lần/ngày. Sau 12 tuần, PW (300 mg/kg) hoặc GC làm giảm đáng kể lượng mỡ bởi việc giảm trọng lượng cơ thể, lượng WAT và tỷ lệ hiệu quả sử dụng thức ăn. PW (300 mg/kg) cải thiện tình trạng tăng insulin máu và tăng cường độ nhạy insulin. Ngoài ra, PW (300 mg/kg) giảm đáng kể biểu hiện của protein gắn yếu tố đáp ứng carbohydrat (ChREBP) và gen diacylglycerol O-acyltransferase 2 (DGAT2) trong WAT so với nhóm HFD không được điều trị. HFD làm tăng mức độ các gen BAT như adrenoceptor beta 3 (ADRB3), thụ thể hoạt hóa tăng sinh peroxisome γ (PPARγ), lipase nhạy với hormone (HSL), cụm biệt hóa 36 (CD36), protein liên kết với acid béo 4 (FABP4), đồng hoạt hóa PPARγ 1-α (PGC-1α), PPARα và carnitine palmitoyltransferase 1B (CPT1B) so với nhóm NCD; tuy nhiên, PW hoặc GC đã đảo ngược hiệu quả các thay đổi này. Những phát hiện này cho thấy rằng hoạt động chống béo phì của PW được thực hiện thông qua việc ức chế quá trình tạo lipid trong WAT, dẫn đến việc bình thường hóa quá trình chuyển hóa lipid trong BAT.

Lều Khánh Duy

  1.  

TÁC ĐỘNG CỦA HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB) LÊN HÀM LƯỢNG ACID BÉO TRONG GAN Ở CHUỘT LÃO HÓA DO D-GALACTOSE GÂY RA

Jiangquan Yang và cs.

Lipids in Health and Disease. 2019; 18: 128.

Đặt vấn đề

Hà thủ ô đỏ (PMT) có nhiều tác dụng sinh học như chống viêm, hạ lipid máu, chống lão hóa,... Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng của PMT lên chuyển hóa acid béo ở gan và cơ chế tác động của nó trên mô hình chuột lão hóa gây ra bởi D-galactose.

Phương pháp

Chuột đực C57BL/6 được chia ngẫu nhiên thành nhóm bình thường, nhóm gây mô hình lão hóa, nhóm uống dịch chiết PMT (liều cao, trung bình, thấp); nhóm gây mô hình và nhóm uống PMT được tiêm phúc mạc D-galactose 800 mg/ml⁻¹Kg⁻¹ mỗi ngày để tạo mô hình lão hóa bán cấp; nhóm uống PMT được đồng thời uống dịch chiết PMT (1 g/ml⁻¹Kg⁻¹, 0.6 g/ml⁻¹Kg⁻¹, 0.3 g/ml⁻¹Kg⁻¹), nhóm bình thường được tiêm và uống dung dịch muối đẳng trương trong 60 ngày liên tục. Chỉ số oxy hóa của gan được sử dụng để đánh giá hiệu quả của PMT, sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) được sử dụng để phân tích định lượng hàm lượng acid béo trong gan.

Kết quả

Nghiên cứu cho thấy PMT cải thiện hoạt tính của enzym superoxide dismutase (SOD) và glutathione peroxidase (GSH-Px) ở chuột lão hóa, đồng thời giảm malondialdehyde (MDA), aspartate aminotransferase (AST) và alanine aminotransferase (ALT). Hàm lượng các acid béo như C18:1, C18:2, C18:3 N3, C20:2 và C20:3 N3 giảm đáng kể ở chuột lão hóa (P < 0,05) được ghi nhận theo phân tích GC-MS, trong khi đó, các acid béo này tăng lên đáng kể sau khi điều trị bằng PMT (P < 0,05).

Kết luận

PMT cải thiện hàm lượng acid béo gan ở chuột lão hóa do D-galactose gây ra thông qua tăng cường hoạt động của các enzym chống oxy hóa.

Phạm Linh Chi

 

 

  1.  

HOẠT TÍNH BẢO VỆ GAN CỦA CAO CHIẾT ETHANOL TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.) CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG GAN DO STRESS OXY HÓA

En-Yuan Lin và cs.

Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2018; 2018: 4130307

Stress oxy hóa là một cơ chế bệnh lý quan trọng trong các bệnh gan khác nhau. Hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb.) (PM) có thể được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa, tăng lipid máu và stress oxy hóa trong y học cổ truyền Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã kiểm tra tác dụng bảo vệ gan của cao chiết ethanol của PM (PME) trong các mô hình in vitroin vivo. Sự biểu hiện của các gen liên quan đến yếu tố phản ứng chống oxy hóa (ARE-) trong tế bào HepG2 gây bởi PME cho thấy phụ thuộc vào liều lượng. Xử lý trước tế bào HepG2 bằng PME đã ức chế sự tạo thành các gốc oxy hoạt động (ROS) và độc tế bào gây bởi H2O2- và acetaminophen- (APAP-). Trong tổn thương gan chuột do APAP gây ra, điều trị trước bằng PME cũng cho thấy khả năng tăng tỷ lệ sống sót và giảm mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan. Điều trị bằng PME làm giảm tổn thương gan ứ mật ngoài gan do thắt ống mật và tăng thêm biểu hiện của protein vận chuyển đa kháng thuốc 4 (MRP4) và giảm biểu hiện polypeptid vận chuyển anion hữu cơ (OATP). Hơn nữa, sự chuyển vị hạt nhân tăng lên của Nrf2)đã được quan sát thấy sau khi điều trị bằng PME ở cả hai mô hình in vivo. Tóm lại, nghiên cứu cho thấy hoạt tính bảo vệ gan của PME bằng cách điều chỉnh trạng thái oxy hóa khử trong tổn thương gan thông qua kích hoạt Nrf2 và kiểm soát cân bằng nội môi acid mật ở gan trong ứ mật tắc nghẽn, thông qua điều chỉnh biểu hiện của các protein vận chuyển acid mật.

 Đinh Thị Minh

7.     

NHẬN DẠNG PHÂN TỬ VÀ ĐẶC TÍNH CHỨC NĂNG CỦA HAI GEN GLYCOSYLTRANSFERASE TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ (FALLOPIA MULTIFLORA)

Cai Qizhong và cs.

Frontiers in Plant Science. 2022; 13: 1017122.

Hà thủ ô đỏ - Cây thuốc cổ truyền Trung Quốc chứa nhiều glycosid có hoạt tính dược lực khác nhau, chẳng hạn như glycoside stilbene, glycosid anthraquinone (AQ) và glycoside flavonoid. Glycosyl hóa là một phản ứng quan trọng trong quá trình trao đổi chất ở thực vật, thường được thực hiện bởi enzym glycosyltransferase ở bước cuối cùng của quá trình sinh tổng hợp chất chuyển hóa thứ cấp. Phản ứng này có thể cải thiện các đặc tính có lợi của nhiều sản phẩm tự nhiên. Trong nghiên cứu này, dựa trên dữ liệu phiên mã của F. multiflora, chúng tôi đã nhân bản hai enzym glycosyltransferase phụ thuộc Uridine-diphosphate (UGT) từ cDNA của F. multiflora (FmUGT1FmUGT2). Trình tự có độ dài đầy đủ của chúng lần lượt là 1602 và 1449 bp, mã hóa lần lượt 533 và 482 acid amin. Kết quả phản ứng enzym in vitro cho thấy FmUGT1FmUGT2 không đồng đều và có thể xúc tác cho quá trình glycosyl hóa của 12 hợp chất, bao gồm stilben, anthraquinone, flavonoid, phloretin và curcumin, đồng thời chúng tôi cũng thu được và xác định cấu trúc của 13 sản phẩm glycosyl hóa từ cả hai enzym này. Các thí nghiệm sâu hơn về chức năng in vivo của FmUGT1FmUGT2 đã cho thấy rằng hàm lượng 2, 3, 5, 4’- tetrahydroxy stilbene-2-O-β-D-glucoside (THSG) trong các rễ tơ đã tăng đáng kể khi FmUGT1FmUGT2 được kích hoạt quá mức và giảm đi tương ứng trong các nhóm ức chế RNA (RNAi). Những kết quả này chỉ ra rằng FmUGT1FmUGT2 có thể glycosyl hóa tổng cộng 12 loại chất nhận đa dạng về cấu trúc và tạo ra O-glycoside. Ngoài ra, FmUGT1FmUGT2 thể hiện hiệu quả trong việc xúc tác quá trình sinh tổng hợp của THSG và thúc đẩy sản xuất AQs trong các rễ tơ biến đổi gen.

Chu Quang Trí

8.       

TÁC DỤNG CHỐNG LÃO HÓA CỦA CÁC POLYSACCHARIDE TRUNG TÍNH VÀ ACID TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.)TRÊN GIUN TRÒN CAENORHABDITIS ELEGANS

Fan J. và cs.

International J of Bio Macromolecules. 2024; 257: 128724

Hà thủ ô, Polygonum multiflorum Thunb. (HTO) được sử dụng để làm chậm quá trình lão hóa. Mặc dù các polysaccharide là thành phần chính của HTO, nhưng đặc tính chống lão hóa của chúng vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm tra tác dụng chống lão hóa của polysaccharid chiết xuất từ ​​HTO bằng mô hình Caenorhabditis legans (C. elegans). Hai loại polysaccharid tan trong nước là polysaccharid trung tính (RPMP-N) và polysaccharid acid (RPMP-A), thu được từ HTO. Cấu trúc của chúng đã được làm rõ bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tác động của các polysaccharid này đến tuổi thọ, mức độ chất chống oxy hóa và hoạt động của các enzym liên quan đến chống oxy hóa ở C. elegans cũng đã được đánh giá. Kết quả cho thấy RPMP-A có hàm lượng GalA cao hơn so với RPMP-N. Trọng lượng phân tử trung bình của RPMP-N và RPMP-A lần lượt là 245,30 và 28,45 kDa. RPMP-N là một α-1,4 liên kết với dextran làm mạch chính và chứa một lượng nhỏ dextran phân nhánh với O-6 là vị trí liên kết phân nhánh; RPMP-A có thể là một phức hợp của α-1,4- liên kết dextran, HG và RG-I. Điều trị bằng RPMP-N và RPMP-A đã làm tăng tuổi thọ trung bình của C. elegans và điều chỉnh đáng kể tình trạng stress oxy hóa. RPMP-A thể hiện tác dụng chống lão hóa mạnh hơn so với RPMP-N. Những phát hiện này cho thấy RPMP-A có thể là một thành phần chống oxy hóa và chống lão hóa tiềm năng có thể được sử dụng để phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung hiệu quả.

Nguyễn Thu Phương

9.       

SO SÁNH CÁC ĐẶC TÍNH HÓA LÝ VÀ KHẢ NĂNG BẢO VỆ GAN CỦA CÁC POLYSACCHARIDE CHIẾT XUẤT TỪ HÀ THỦ Ô THÔ VÀ HÀ THỦ Ô ĐÃ QUA CHẾ BIẾN (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB).

Wang Y và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2023; 235: 123901

Hà thủ ô, Polygonum multiflorum Thunb (HTO) thô và chế biến được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau và HTO cũng được báo cáo là có tác dụng gây độc cho gan. Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng HTO chế ít độc hại hơn HTO thô. Sự thay đổi về hiệu quả và độc tính của HTO trong quá trình chế biến có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi thành phần hóa học. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào sự thay đổi của anthraquinon và các stilben glycosid trong quá trình sản xuất. Polysaccharid là thành phần chính của HTO, có nhiều tác dụng dược lý, nhưng những thay đổi của nó trong quá trình chế biến đã bị bỏ qua trong một thời gian dài. Trong nghiên cứu này, các polysaccharid của HTO thô (RPMP) và HTO chế biến (PPMP) đã được xác định và mô hình tổn thương gan do acetaminophen gây ra đã được sử dụng để đánh giá tác động của các polysaccharid lên gan. Kết quả cho thấy rằng các heteropolysaccharid của RPMP và PPMP đều bao gồm Man, Rha, GlcA, GalA, Glc, Ara và Xyl, nhưng khác nhau rõ rệt về hàm lượng polysaccharid, tỷ lệ mol của thành phần monosaccharid và trọng lượng phân tử. Kết quả in vivo đã chứng minh rằng RPMP và PPMP đều có tác dụng bảo vệ gan bằng cách điều chỉnh tăng cường các enzym chống oxy hóa và ức chế quá trình peroxid hóa lipid. Đáng chú ý là hàm lượng polysaccharid của  HTO chế cao gấp 7 lần so với HTO thô, do đó người ta suy đoán rằng HTO chế có tác dụng bảo vệ gan tốt hơn ở cùng một liều thuốc sắc. Nghiên cứu này cung cấp nền tảng quan trọng để nghiên cứu tác dụng của polysacarid từ HTO và còn công bố về cơ chế của HTO chế. Nghiên cứu này cũng đề xuất một giả thuyết mới rằng sự gia tăng đáng kể hàm lượng polysaccharid trong HTO chế có thể là một lý do khác khiến sản phẩm HTO ít gây tổn thương gan hơn.

Nguyễn Thu Phương

10.  

SỰ KHÁC BIỆT VỀ THÀNH PHẦN GIỮA ĐẬU ĐEN NHỎ VÀ ĐẬU ĐEN LỚN TỪ CÁC MÔI TRƯỜNG SỐNG KHÁC NHAU VÀ ẢNH HƯỜNG CỦA NÓ ĐẾN QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN HÀ THỦ Ô (POLYGOMUM MULTIFLORUM)

Wanning chen và cs.

Phytochemical Analysis. 2020; 32(5): 767-779

Giới thiệu: Rễ hà thủ ô đỏ, Polygonum multiflorum (HTO)  là một loại thuốc cổ truyền Trung Quốc có nhiều tác dụng sinh học. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm độc gan ở Hà thủ ô đỏ đã được báo cáo trong những năm gần đây. Chế biến HTO bằng nước sắc đậu đen là một trong những phương pháp chế biến điển hình nhằm giảm độc tính cho gan của HTO từ xa xưa.

Mục tiêu: Tìm kiếm thành phần có tác dụng tiềm năng cũng như chủng loại và nguồn gốc đậu đen tối ưu cho quá trình chế biến HTO.

Phương pháp: Dựa trên phân tích sắc ký lỏng hiệu năng siêu cao Q-Orbitrap khối phổ (UHPLC-Q-Orbitrap-MS), chúng tôi đã xác định hàm lượng của hai hợp chất có khả năng gây độc (emodin-8-O-glucosid và torachryson-O-hexose) ở HTO thô (R-PM), HTO chế biến bằng đậu đen to (B-PM) và HTO được chế biến bằng đậu đen nhỏ (S-PM). Phương pháp phân tích dòng chảy tế bào đã phân tích ảnh hưởng của các sản phẩm HTO được chế biến khác nhau đến quá trình apoptosis của tế bào L02 ở nồng độ mẫu thử khác nhau. Cộng hưởng từ hạt nhân proton (1 H-NMR) và UHPLC-Q-Orbitrap-MS cùng với phân tích thống kê đa biến được sử dụng để phân tích một cách có hệ thống các thành phần khác nhau giữa đậu đen nhỏ và đậu đen lớn từ 30 địa phương khác nhau.

Kết quả: Độc tính được xếp theo thứ tự từthấp đến cao: S-PM < B-PM < R-PM. Xử lý Hà thủ ô đỏ bằng đậu đen có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ apoptosis của tế bào L02, đặc biệt khi nồng độ mẫu thử là 80 μg/mL. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy 5 hợp chất khác nhau (α-arabinose, α-galactose, proline, đồng phân của daidzein và đồng phân của genistein) có thể là hoạt chất tiềm năng. Về đậu đen được thu thập từ 30 khu vực sản xuất, chúng tôi thấy rằng đậu đen nhỏ từ Weifang ở tỉnh Sơn Đông là tối ưu để chế biến HTO, tiếp theo là từ Shangqiu ở tỉnh Hà Nam, Cát Lâm và tỉnh Liêu Ninh.

Kết luận: Các thành phần ảnh hưởng đến quá trình chế biến HTO có thể kể đến là α-arabinose, α-galactose, proline, đồng phân của daidzein và đồng phân của genistein trong đậu đen. Khi nồng độ các chất trên càng cao thì càng làm hiệu quả làm giảm độc tính gan của HTO càng tốt. Ngoài ra, đậu đen nhỏ còn hiệu quả hơn đậu đen lớn trong việc giảm độc tính của HTO, đặc biệt là đậu đen nhỏ từ Weifang ở Sơn Đông, Shangqiu ở tỉnh Hà Nam và đông bắc Trung Quốc.

Lương Thị Lan

11.  

SỰ THAY ĐỔI TÍNH CHẤT LÝ HÓA VÀ TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH CỦA POLYSACCHARID TRONG QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MUTIFLORUM THUNB.)

Donglin Gu và cs.

Frontiers in Phamacology. 2022; 13: 934710.

Rễ hà thủ ô đỏ Polygonum multiflorum Thunb. (HTO) có lịch sử sử dụng lâu dài trong y học cổ truyền Trung Quốc và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. HTO ở dạng thô hoặc đã qua chế biến có các hoạt tính sinh học khác nhau và thường được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau. Polysaccharid là thành phần chính của HTO và không rõ liệu tính chất hóa lý và hoạt tính của chúng có thay đổi sau khi xử lý hay không. Trong nghiên cứu này, các polysaccharid, từ 31 mẫu HTO thô (RPMP) và 9 mẫu HTO chế (PPMP) được chiết xuất, đồng thời đánh giá các đặc tính hóa lý và hoạt động điều hòa miễn dịch in vitro. Kết quả cho thấy các RPMP và PPMP có sự khác biệt đáng kể về tính chất lý hóa. Các RPMP và PPMP đều bao gồm mannose, rhamnose, acidglucuronic, acid galacturonic, glucose, galactose và arabinose. Tuy nhiên, các RPMP và PPMP có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng, trọng lượng phân tử (Mw) và tỷ lệ mol của Glc/GalA (p < 0,05), những yếu tố này có thể được sử dụng để phân biệt HTO thô và HTO chế. Dấu vân tay thành phần monosaccharid được phân tích bằng công cụ chemometric và nghiên cứu đã chứng minh thêm rằng Glc và GalA có thể được sử dụng làm chất đánh dấu sự khác biệt. Các thử nghiệm xác định tác dụng điều hòa miễn dịch cho thấy RPMP và PPMP có thể tăng cường đáng kể khả năng thực bào và biểu hiện mRNA của các cytokine trong tế bào RAW 264.7. Ngoài ra, tác dụng điều hòa miễn dịch của các PPMP với khối lượng phân tử thấp tốt hơn tốt hơn đáng kể so với các RPMP. Nghiên cứu này nâng cao hiểu biết về các polysaccharid từ HTO thô và HTO chế, đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo để cải thiện tiêu chuẩn chất lượng của HTO.

Lương Thị Lan

12.  

ĐỘC TÍNH GAN CỦA HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MUTIFLORUM THUNB.): VAI TRÒ NỔI BẬT CỦA TỔN THƯƠNG GAN QUA TRUNG GIAN MIỄN DỊCH

Tai Rao và cs.

Acta Pharmacol Sin. 2021; 42(1):27-35

Tổn thương gan do thảo dược và thực phẩm bổ sung (HDS) gây ra là mối quan tâm lớn trên toàn thế giới. Hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb.), một loại thuốc thảo dược nổi tiếng của Trung Quốc, gần đây đang ngày càng được chú ý vì độc tính trên gan. Theo các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm, tổn thương gan do hà thủ ô đỏ (PM-DILI) được coi là tổn thương gan đặc trưng qua trung gian miễn dịch, nhưng vai trò của đáp ứng miễn dịch và các cơ chế cơ bản vẫn chưa được làm sáng tỏ. Các nghiên cứu trước đây tập trung vào độc tính trực tiếp của PM-DILI bằng cách sử dụng mô hình động vật bị tổn thương gan do thuốc nội tại (DILI). Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng dịch tễ học và lâm sàng đều chứng minh rằng PM-DILI là tổn thương gan đặc trưng qua trung gian miễn dịch. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá bằng chứng dịch tễ học, lâm sàng và thực nghiệm về vai trò có thể có của miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng đối với độc tính đặc trưng trên gan của hà thủ ô đỏ. Tác động tiềm tàng của các yếu tố liên quan đến khả năng dung nạp miễn dịch, bao gồm các phân tử kiểm soát miễn dịch và tế bào miễn dịch điều hòa đối với tính nhạy cảm của cá thể với PM-DILI cũng được thảo luận. Chúng tôi kết luận bằng cách đưa ra giả thuyết về các cơ chế miễn dịch có thể có của PM-DILI và đưa ra đề xuất cho các nghiên cứu trong tương lai về việc xác định các chất đánh dấu sinh học có giá trị và thiết lập các mô hình miễn dịch thích hợp.

Lương Thị Lan, Đàm Thị Thanh Nhàn

13.  

ĐIỀU CHẾ, MÔ TẢ ĐẶC TÍNH VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA POLYSACCHARIDE TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ, FALLOPIA MULTIFLORA (THUNB..) HARALD

Li Chen và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2018; 108: 259-262

Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tác dụng  chống oxy hóa của một polysaccharid từ hà thù ô đỏ, Fallopia multiflora (Thunb.) Harald. F. multiflora polysaccharid (FMP) đã được điều chế và một phần đánh giá đặc tính bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao, phổ hồng ngoại và sắc ký anion, và tác dụng chống oxy hóa của FMP trên in vitroin vivo đã được nghiên cứu. FMP, với trọng lượng phân tử 17.758 Da bao gồm glucose. In vitro, FMP có hoạt tính thu dọn gốc tự do hydroxyl cao và khả năng khử. In vivo, FMP làm tăng hoạt động superoxide dismutase và glutathione peroxidise trong huyết thanh và làm giảm mức độ malondialdehyd. Những kết quả này chỉ ra rằng FMP thể hiện hoạt tính chống oxy hóa cao cả in vitroin vivo và có thể làm chậm quá trình lão hóa ở người liên quan đến các gốc tự do.

Nguyễn Thị Minh Phượng

14.  

ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH  CHẾ BIẾN CỔ TRUYỀN ĐẾN TỔNG HÀM LƯỢNG PHENOL VÀ HOẠT ĐỘNG CHỐNG OXY HÓA CỦA HÀ THỦ Ô ĐỎ, FALLOPIA MULTIFLORA (THUNB..) HARALD

Bui Thi Thuong và cs.

Medical and Pharmaceutical Sciences. 2020; 36(4): 23-30

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của việc chế biến cổ truyền đến tổng hàm lượng phenol và hoạt tính chống oxy hóa in vitro của hà thủ ô đỏ,  Fallopia multiflora (Thunb). Kết quả thực nghiệm cho thấy tổng hàm lượng phenol tính toán theo acid gallic (GAE) của hà thủ ô đỏ tăng lên trong quá trình chế biến. Hà thủ ô đỏ sau khi chế biến có tổng hàm lượng phenol là 22,73 ± 0,21 mg GAE/g, cao hơn mẫu thô khoảng 3% (22,03 ± 0,40 mg GAE/g). Quá trình điều chế cũng làm tăng đáng kể hoạt tính chống oxy hóa của hà thủ ô đỏ. Nồng độ dịch chiết có thể trung hòa 50% gốc tự do sinh ra từ 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl của dược liệu sau khi chế biến là 53,71 ± 0,44 µg/mL, thấp hơn khoảng 2,3 lần so với dược liệu thô (124,38 ± 0,56 µg/mL).

Nguyễn Thị Minh Phượng

15.  

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI NĂM THÀNH PHẦN HOẠT TÍNH SINH HỌC TRONG HÀ THỦ Ô THÔ VÀ HÀ THỦ Ô CHẾ BẰNG CÁCH SỬ DỤNG UHPLC-Q-TOF-MS

Yi Tao và cs.

Journal of Chromatographic Science. 2019; 57(7): 618–624.

Hà thủ ô đỏ, Fallopia multiflora được sử dụng để điều trị tình trạng tóc bạc sớm và thiếu máu. Trong nghiên cứu này, một phương pháp định lượng đã được phát triển để xác định 5 thành phần có hoạt tính sinh học (emodin, 2,3,5,4′-tetrahydroxy-stilben-2-Ο-β-D-glucosid, emodin-8-O-β-D-glucopyranosid, ω-hydroxyemodin và kaempferol) ở hà thủ ô thô và HTO chế biến bằng cách sử dụng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng cao (UHPLC) -  và phương pháp dựa trên phép đo khối phổ theo thời gian bay tứ cực. Quy trình xử lý mẫu đã được tối ưu hóa. Việc phân tích sắc ký được thực hiện trên cột Thermo Syncronis AQ-C18 UHPLC với pha động gồm 0,01% dung dịch acid formic và acetonitril. Phương pháp này đã được thẩm định về độ tuyến tính, độ chính xác, độ ổn định và độ thu hồi. Tất cả các đường chuẩn đều hiển thị độ tuyến tính tốt (R2 > 0,9992). Giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng của các thành phần này lần lượt dao động từ 0,01 đến 0,03 μg/mL và từ 0,03 đến 0,07 μg/mL. Độ thu hồi trung bình của các thành phần này là từ 98,2 đến 102,9% với giá trị độ lệch chuẩn tương đối từ 0,8 đến 2,9% đối với Hà thủ ô đỏ. Phương pháp đã phát triển có thể được áp dụng để kiểm soát chất lượng Hà thu ô đỏ thô và chế biến.

Nguyễn Tiến Hoàng

16.  

SỰ BIẾN ĐỔI CỦA STILBENE GLUCOSIDE TỪ HÀ THỦ Ô ĐỎ, REYNOUTRIA MULTIFLORA TRONG QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN

Bai J và cs.

Frontiers in Pharmacology. 2022; 13: 757490

Rễ của hà thủ ô đỏ, tên khoa học Reynoutria multiflora Thunb. Moldenke (tên đồng danh Polygonum multiflorum Thunb.) đã được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng y học cổ truyền Trung Quốc qua nhiều thế kỷ. Hà thủ ô đỏ thô (RRM) phải được chế biến trước khi sử dụng để giảm độc tính và tăng hiệu quả. Tuy nhiên, hàm lượng trans-2,3,5,4′-tetrahydroxystilben-2-O-β-D-glucopyranosid (trans-THSG), được coi là hoạt chất chính, lại giảm đi trong quá trình này. Để hiểu được những thay đổi của stilben glycosid trong hà thủ ô đỏ thô (RRM) và hà thủ ô đỏ chế (PRM), một phương pháp đơn giản và hiệu quả đã được phát triển bằng phương pháp sắc ký lỏng siêu hiệu năng kết hợp khối phổ có độ phân phân giải cao. Hàm lượng và số lượng stilben glycosid đã trải qua những thay đổi to lớn trong quá trình chế biến. Bảy mảnh mẹ của stilben glycosid và 55 nhóm thế, bao gồm 5-HMF và một loạt các dẫn xuất, đã được xác định trong Hà thủ ô đỏ. 146 stilbene glycosid được phát hiện trong RRM. Số lượng hợp chất được phát hiện tăng từ 198 lên 219 khi thời gian chế biến tăng từ 4 lên 32 giờ. Trong số các hợp chất được phát hiện, 102 glycosid stilben có thể là những hợp chất mới tiềm năng. Và xu hướng thay đổi của các hợp chất có thể tóm tắt dưới 3 dạng: tăng dần, giảm dần, lúc đầu tăng rồi giảm hoặc giảm trước. Hàm lượng trans-THSG thực sự đã giảm trong quá trình chế biến, vì nó được chuyển đổi thành một loạt dẫn xuất thông qua phản ứng este hóa với các hợp chất phân tử nhỏ. Việc làm rõ nhóm chất chuyển hóa thứ cấp có thể cung cấp cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo về cơ chế dược lực học và độc tính của Hà thủ ô đỏ, đồng thời sàng lọc các chất đánh dấu có liên quan.

Nguyễn Tiến Hoàng

17.  

CAO CHIẾT HÀ THỦ Ô ĐỎ (POLYGONUM MULTIFLORUM THUNB.) KÉO DÀI TUỔI THỌ VÀ SỨC KHỎE CỦA Caenorhabditis elegans THÔNG QUA DAF-16/SIR-2.1/SKN-1

Meng-Lu Sun và cs.

Food & Function. 2021; 12 : 8774-8786.

Hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb. - PMT), là một loại thuốc thảo dược truyền thống của Trung Quốc, đã được sử dụng rộng rãi trong phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa, bao gồm bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, tăng lipid máu, xơ vữa động mạch và viêm. Tuy nhiên, tác dụng của PMT đến tuổi thọ và cơ chế phân tử của nó vẫn chưa rõ ràng. Ở đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phân đoạn tinh chế bằng ethanol 60%  (PMT-E) của Hà thủ ô đỏ ở nồng độ 50 μg/mL chứa hai hợp chất hoạt tính sinh học chính là 2,3,5,4′-tetrahydroxy- stilben-2-O-β-D-glucosid (TSG) và emodin-8-O-β-D-glucosid (EG) có thể tăng đáng kể tuổi thọ trung bình lên 19,82%, trì hoãn sự suy giảm kiểu hình liên quan đến tuổi tác, tăng cường khả năng chống stress và giảm tích lũy ROS ở giun tròn Caenorhabditis elegans. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy rằng điện thế màng ty thể (ΔΨ) và hàm lượng ATP của giun được xử lý bằng 50 μg/mL PMT-E rõ ràng đã được cải thiện. Các nghiên cứu cơ chế sâu hơn cho thấy rằng các yếu tố phiên mã DAF-16, SIR-2.1 và SKN-1 là cần thiết để kéo dài tuổi thọ bởi PMT-E. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra rằng PMT-E có thể ức chế đáng kể độc tính do β-amyloid (Aβ) gây ra ở giun chuyển gen Aβ. Nhìn chung, những phát hiện này đã đặt nền móng cho việc sử dụng Hà thủ ô đỏ để điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa và tuổi tác.

Lê Bích Nhài

18

ẢNH HƯỞNG CỦA BẠC NITRAT VÀ PUTRESCINE ĐẾN SỰ PHÁT SINH CƠ QUAN CHỒI IN VITRO CỦA CÂY HÀ THỦ Ô ĐỎ Woo Tae Park và cs.

Journal of Phytology. 2022, 14: 36-40

Hà thủ ô đỏ là loài thực vật có hoa thuộc họ Polygonaceae thường được sử dụng với mục đích làm thuốc và trang trí. Có rất ít nghiên cứu về khả năng tái sinh loài này. Vì thế, chúng tôi mong muốn phát triển một quy trình thích hợp để tái sinh và tăng trưởng chồi bằng bạc nitrat (AgNO3-chất ức chế ethylen) và putrescine (polyamin). Mẫu đoạn thân được nuôi cấy trong môi trường tái sinh MS chứa 2 mg/L BAP. Để đánh giá ảnh hưởng của AgNO3 và putrescin đến khả năng tái sinh và sinh trưởng của chồi hà thủ ô đỏ, các nồng độ AgNO3 (0, 1, 5, 7, 10 và 20 mg/L) và putrescin (0, 10, 30, 50, 100, 200 mg/L) đã được bổ sung vào môi trường MS. Kết quả cho thấy số lượng chồi (1,4 ± 0,2 mm) và chiều dài chồi (9,7 ± 1,6 mm) giảm ở công thức nồng độ AgNO3 cao nhất 20 mg/L. Putrescin làm tăng rõ rệt hiệu quả tái sinh chồi, về số chồi/mẫu và chiều dài chồi ở tất cả các nồng độ thí nghiệm so với sử dụng AgNO3. Trong số các nồng độ thí nghiệm khác nhau, số chồi cao nhất đạt 2,52 ± 0,2 mm thu được trên môi trường bổ sung 30mg/L putrescin, tuy nhiên việc tăng nồng độ putrescin cao hơn 30mg/L làm giảm khả năng tái sinh chồi. Chồi dài nhất thu được là 20,5 ± 1,7 mm trên môi trường bổ sung 200mg/L putrescin. Những phát hiện của nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc bổ sung putrescin vào môi trường nuôi cấy có thể phù hợp cho vi nhân giống hà thủ ô đỏ và chuyển gen thực vật.

Nguyễn Thị Xuyên

19

TỐI ƯU HOÁ ĐIỀU KIỆN NUÔI CẤY VÀ PHÂN TÍCH FT-IR KHI NUÔI CẤY RỄ BẤT ĐỊNH LOÀI HÀ THỦ Ô ĐỎ SINH TRƯỞNGTRONG HỆ THỐNG AIR-LIFT BIOREACTOR

Thanh-Tam Ho và cs.

Plant Cell Tiss Organ Cult. 2021; 144: 371–381

Hệ thống nuôi cấy sinh học (Bioreactor) đã được sử dụng để sản xuất sinh khối và tích lũy các hợp chất có hoạt tính sinh học khi nuôi cấy rễ bất định của cây thuốc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá tác động của các loại auxin  IBA, NAA và nồng độ (0,5; 1,0; 2,0 và 4,0 mg/L), mức muối khoáng MS (0,25; 0,5; 0,75; 1,0; 1,5 và 2X) và nồng độ sucrose (0; 1,5; 3; 5; 7 và 10%) khác nhau khi nuôi cấy rễ bất định Hà thủ ô đỏ trong hệ thống  phản ứng sinh học sủi bọt dạng cầu loại 3-L (BTBB). Nồng độ IBA (1, 2 và 4 mg/L) thúc đẩy rễ phát triển hiệu quả hơn NAA. Ngoài ra, nồng độ khoáng MS thấp (0,25 và 0,5X MS) làm tăng sự tích lũy tổng số phenolic và flavonoid nhưng làm giảm tích lũy sinh khối. Trong 4 tuần nuôi cấy trên nền khoáng MS đầy đủ bổ sung 2 mg/L IBA và 5% sucrose thu được sinh khối rễ cao nhất (98,46 g/L trọng lượng tươi (FW); 13,46 g/L trọng lượng khô (DW)) và tích lũy các hợp chất có hoạt tính sinh học (hàm lượng tổng số phenolics là 53,08 mg/g DW; tổng số flavonoid là 25,10 mg/g DW). Để xác định có thể sử dụng “fingerprinting” trao đổi chất của chiết xuất toàn bộ tế bào có thể sử dụng để so sánh mức trao đổi chất tương đương từ các mẫu rễ Hà thủ ô đỏ hay không, chúng tôi đã nuôi cấy rễ bất định với các điều kiện nuôi cấy khác nhau và phân tích rễ bất định đã nuôi cấy với rễ tự nhiên bằng máy quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR). Kết quả cho thấy, mô hình trao đổi chất của các mẫu rễ bất định tương tự nhau trong các điều kiện nuôi cấy khác nhau. Tuy nhiên, các mẫu này cũng có những khác biệt với nhau trong các phản ứng sinh học quy mô thí điểm. Nhìn chung, nghiên cứu này đã cung cấp thông tin hữu ích cho quá trình nuôi cấy rễ bất định ở quy mô công nghiệp trên đối tượng cây Hà thủ ô đỏ.

Nguyễn Thị Xuyên

20

NHẬN DẠNG PHÂN TỬ VÀ ĐẶC TÍNH CHỨC NĂNG CỦA HAI GEN GLYCOSYLTRANSFERASE TỪ FALLOPIA MULTIFLORA

Qizhong Cai và cs.

Frontiers in Plant Science:Sec. Plant Metabolism and Chemodiversity. 2022,13:1017122

Cây hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson – một cây thuốc y học cổ truyền Trung Quốc chứa nhiều glycosid có hoạt tính dược động học khác nhau, chẳng hạn như glycosid stilben, glycosid anthraquinon (AQ) và glycosid flavonoid. Glycosyl hóa là một phản ứng quan trọng trong quá trình trao đổi chất ở thực vật thường được hình thành bởi glycosyltransferase ở bước cuối cùng của quá trình sinh tổng hợp chất chuyển hóa thứ cấp và có thể cải thiện các đặc tính có lợi của nhiều sản phẩm tự nhiên. Trong nghiên cứu này, dựa trên dữ liệu phiên mã của F. multiflora, chúng tôi đã nhân bản hai glycosyltransferase phụ thuộc Uridine-diphosphat (UGT) từ cDNA của F. multiflora (FmUGT1 và FmUGT2). Trình tự có độ dài đầy đủ của chúng lần lượt là 1602 và 1449 bp, mã hóa lần lượt 533 và 482 axit amin. Kết quả phản ứng enzyme in vitro cho thấy FmUGT1 và FmUGT2 không đồng đều và có thể xúc tác cho quá trình glycosyl hóa của 12 hợp chất, bao gồm stilben, anthraquinon, flavonoid, phloretin và curcumin, đồng thời chúng tôi cũng thu được và xác định cấu trúc của 13 sản phẩm glycosyl hóa từ cả hai. Các thí nghiệm sâu hơn về chức năng in vivo của FmUGT1 và FmUGT2 cho thấy hàm lượng 2, 3, 5, 4'- tetrahydroxy stilbene-2-O-b-D-glucoside (THSG) trong rễ nhỏ tăng lên đáng kể khi FmUGT1 và FmUGT2 được biểu hiện quá mức và giảm theo đó trong nhóm can thiệp RNA (RNAi). Những kết quả này chỉ ra rằng FmUGT1 và FmUGT2 có thể glycosyl hóa tổng cộng 12 loại chất nhận đa dạng về cấu trúc và tạo ra O-glycosid. Ngoài ra, FmUGT1 và FmUGT2 đã gây xúc tác hiệu quả quá trình sinh tổng hợp THSG và thúc đẩy sản xuất AQ ở rễ lông chuyển gen.

Đinh Thanh Giảng

21

XÁC ĐỊNH VÀ ĐẶC TRƯNG CHỨC NĂNG CỦA BA GEN PHENYLALANINE AMMONIA-LYASE TỪ FALLOPIA MULTIFLORA (THUNB.) HARALD.

Zhengyang Yang và cs.

Russian Journal of Bioorganic Chemistry. 2023; 49(3): 655-663

Fallopia multiflora (Thunb.) Harald. là một loài cây thuốc cổ truyền Trung Quốc được sử dụng phổ biến rất giàu thành phần hóa học. Phenylalanin amoniac-lyase (PAL) là enzyme chủ chốt đầu tiên trong con đường phenylalanin, xúc tác quá trình khử amin của L-phenylalanin để tạo ra axit trans-cinnamic. Ba PAL ( FmPAL1 , FmPAL2 và FmPAL3 ) lần đầu tiên đã được nhân bản và xác nhận từ F. multiflora , chứng minh sự hiện diện của một họ PAL đa gen ở F. multiflora . Các khung đọc mở hoàn chỉnh (ORF) được dự đoán của FmPAL1 , FmPAL2 và FmPAL3 lần lượt là 2118bp, 2109bp và 2160bp, mã hóa 705, 702 và 719 axit amin. Các kết quả phát sinh gen chỉ ra rằng FmPAL có mối liên quan tiến hóa đáng kể với các PAL đã biết từ thực vật hai lá mầm. Để khẳng định thêm chức năng của chúng, ba FmPAL đã được nhân dòng trong vectơ pET-28a và được biểu thị trong Escherichia coli Trans BL21 (DE3). Hoạt tính enzyme của protein tái tổ hợp FmPAL đã được phân tích và cho thấy FmPAL có vai trò trong quá trình chuyển đổi xúc tác d của L-phenylalanin thành axit trans -cinnamic. Cả ba FmPAL đều cho thấy biểu hiện đặc hiệu của mô. Sự biểu hiện của gen FmPAL1 và FmPAL2 cao nhất ở thân và thấp nhất ở rễ. Ngược lại, sự biểu hiện gen FmPAL3 cao nhất ở lá và thấp nhất ở rễ.

Lê Thị Quỳnh Nga

22

XÂY DỰNG NGÂN HÀNG NGUỒN GEN LÕI HÀ THỦ Ô ĐỎ Fallopia multiflora BẰNG CHỈ THỊ PHÂN TỬ SRAP.

Jia-hui Li và cs.

Guangxi Zhiwu/Guihaia. 2022; 41(11): 1920-1930

Để bảo vệ tính đa dạng di truyền của loài Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), trong nghiên cứu này phương pháp phân tử SRAP đã được sử dụng để khám phá tính đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của 327 mẫu thu thập từ 44  điểm lấy mẫu. Ba chiến lược thu mẫu và sáu phương thức lấy mẫu theo tỷ lệ đã được sử dụng để xây dựng khối nguồn gen cốt lõi. Bằng kiểm định t-Test, phương pháp xây dựng nguồn gen cốt lõi tốt hơn và các mẫu chất nguồn gen đại diện đã được chọn. Kết quả thu được như sau: (1) Sự đa dạng di truyền của nguồn gen Hà thủ ô đỏ rất phong phú, số lượng alen quan sát được (Na), số lượng alen hữu hiệu (Ne), chỉ số thông tin Shannon (I) và chỉ số đa dạng di truyền Nei's (H) lần lượt là 1,9843; 1,4549; 0,2717 và 0,4179. Ngoài ra, tập đoàn nguồn gen Hà thủ ô đỏ cho thấy mức độ biệt hóa di truyền cao nhưng trao đổi gen ít, với hệ số biệt hóa gen (Gst) là 0,751 và dòng gen (Nm) là 0,1639. (2) Dựa vào khoảng cách di truyền giữa các mẫu, phương pháp Neighbor-Joining được sử dụng để phân cụm các mẫu. Kết quả cho thấy 327 mẫu chủ yếu được chia thành bốn nhóm. Kết quả phân nhóm phù hợp với sự phân bố địa lý và các mẫu tại cùng một điểm thu thập có thể được nhóm lại thành cùng một nhóm. (3) Phân tích cấu trúc quần thể cho thấy giá trị ΔK lớn nhất đạt được khi K= 16, cho thấy có thể được chia thành 16 nhóm, đồng thời, thành phần dòng dõi của hầu hết các mẫu tương đối đơn giản và các mẫu từ cùng một điểm thu thập có dòng dõi tương tự nhau và có thể được nhóm gần đúng vào cùng một nhóm. (4) Kiểm định t-Test cho thấy khi sử dụng phương pháp lấy mẫu theo tỷ lệ phân loại cấu trúc quần thể và tỷ lệ lấy mẫu 10% để xây dựng ngân hàng nguồn gen, tỷ lệ lưu giữ của bốn thông số di truyền là cao. Tỷ lệ lưu giữ các giá trị Na, Ne, I và H lần lượt là 99,0%, 101,9%, 106,4% và 105,9%, cỡ mẫu nhỏ và độ đa dạng không khác biệt đáng kể so với ngân hàng nguồn gen ban đầu (P > 0,05) . (5) Ngân hàng nguồn gen cốt lõi gồm 34 mẫu, trong đó có 9 mẫu trồng trọt và 25 mẫu hoang dã, chủ yếu từ các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Quý Châu. Ngân hàng gen cốt lõi được xây dựng trong thí nghiệm này có thể đại diện cho sự đa dạng di truyền của ngân hàng gen ban đầu và kết quả có thể cung cấp tài liệu tham khảo cho việc thu thập nguồn gen và nhân giống các giống mới. Phương pháp được sử dụng trong thí nghiệm có ý nghĩa tham khảo nhất định đối với việc xây dựng các ngân hàng gen lõi thực vật khác.

Lê Thị Tú Linh

23

TẬP HỢP BỘ GEN LOÀI  Fallopia multiflora Ở CẤP ĐỘ NHIỄM SẮC THỂ ĐẦU TIÊN CUNG CẤP CÁI NHÌN SÂU SẮC VỀ SINH TỔNG HỢP STILBEN

Yujiao Zhao và cs.

Horticulture Research. 2023; 10(5): 047

Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Harald) là một loại dây leo thuộc họ rau răm Polygonaceae, được sử dụng trong y học cổ truyền. Thành phần chính trong hà thủ ô là các chất stiben, có hoạt tính dược lý quan trọng trong hoạt động chống oxy hóa và chống lão hóa. Nghiên cứu này đã mô tả tập hợp bộ gen của loài hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora ở cấp độ nhiễm sắc thể bao gồm kích thước 1.46 Gbp (với cotig N50 của 1.97 Mgbp) trong đó đoạn có kích thước 1.44 Gbp được sắp xếp cho 11 nhiễm sắc thể giả. So sánh toàn bộ hệ gen cho thấy loài F. multiflora đã chia sẻ gen lặp với loài kiều mạch và sau đó trải qua quá trình tiến hóa nhảy gen mà bị chia cắt thành các loài khác nhau. Kết hợp dữ liệu về gen, phiên mã và chuyển hóa để lập bản đồ mạng lưới của các gen và các chất chuyển hóa liên quan đến nhau, chúng tôi đã xác định được hai gen FmRS chịu trách nhiệm xúc tác một phân tử p-coumaroyl-CoA và ba phân tử malonyl-CoA thành chất chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa lão hóa resveratrol trong hà thủ ô. Những phát hiện này không chỉ là cơ sở để xác định con đường sinh tổng hợp chất chống oxy hóa stiben mà còn góp phần phát triển công cụ tăng các các sản phẩm hợp chất tự nhiên thông qua ứng dụng chỉ thị phân tử ở thực vật hoặc kỹ thuật trao đổi chất ở vi khuẩn. Hơn nữa, bộ gen tham chiếu của loài hà thủ ô đỏ F. multiflora là sự bổ sung quan trọng cho bộ gen của họ Polygonaceae.

Lê Thị Tú Linh

24

XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI LOÀI Fallopia multiflora , Fallopia multiflora var. angulata VÀ Fallopia multiflora var. ciliinervis DỰA TRÊN HÌNH THÁI, PHÁT SINH CHỦNG LOẠI PHÂN TỬ VÀ PHÂN TÍCH HÓA HỌC

Hui-qun Xie và cs.

Journal of Pharmaceutical and Biomedical Analysis. 2019; 166: 406-420

Mối quan hệ giữa Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson., F. multiflora var. angulata (S. Y. Liu) H. J. Yan, Z. J. Fang & Shi Xiao Yu., và F. multiflora var. ciliinervis (Nakai) Yonekura & H. Ohashi. được xác định dựa trên hình thái vĩ mô và vi mô,  phát sinh loài phân tử và phân tích hóa học. Các đặc điểm hình thái vĩ mô và vi mô của củ hoặc thân rễ, thân và lá được so sánh giữa ba loài. Hàm lượng của 11 thành phần hóa học (catechin, polydatin, stilben glucosid, emodin, emodin-8-O-β-D-glucopyranosid, rhein, chrysophanol, aloe-emodin, quercetin, physcion và resveratrol) trong ba loài được xác định bằng HPLC và sự đa dạng hóa học được đánh giá sâu hơn bằng cách phân tích các thành phần chính và cụm phân cấp. Các phát sinh chủng loại phân tử được lập bản đồ bằng cách sử dụng hai chỉ thị lục lạp (matK và khu vực liên kết gen psbA-trnH) và chỉ thị ribosom nhân [vùng đệm phiên mã bên trong 2 (ITS2)]. Phân tích các đặc điểm hình thái vĩ mô và vi mô cho thấy các cơ quan bên dưới mặt đất của F. multiflora F. multiflora var. angulata  củ có rễ, trong khi đó củ của F. multiflora var. ciliinervis này là thân rễ. Trong cây phát sinh loài, F. multiflora F. multiflora var. angulata được nhóm lại thành một nhánh dựa trên trình tự kết hợp matK + psbA-trnH, với các giá trị hỗ trợ khởi động liên kết lân cận, khả năng tối đa và kết luận Bayesian lần lượt là 99, 85 và 0,99. Ngoài ra, còn có sự khác biệt rõ ràng về thành phần hóa học của F. multiflora, F. multiflora var. angulata F. multiflora var. ciliinervis. Củ rễ của F. multiflora chứa hàm lượng stilben glucosid và catechin cao hơn nhưng hàm lượng hợp chất polydatin và anthraquinon thấp hơn. Ngược lại với F. multiflora, thân rễ của F. multiflora var. ciliinervis chứa hàm lượng hợp chất polydatin và anthraquinon cao hơn nhưng thiếu stilben glucosid. Hàm lượng của 11 thành phần được đánh giá đều F. multiflora var. angulata thấp hơn F. multiflora F. multiflora var. cillinervis.  Phân tích các thành phần chính và cụm phân cấp cho thấy các á thể F. multiflora F. multiflora var. angulata được tập hợp thành một nhánh duy nhất, trong  khi các cá thể F. multiflora var. ciliinervis tạo thành một nhóm tách biệt với chứa các cá thể F. multiflora and  F. multiflora var. angulata  . Dựa trên các kết quả phân tích hình thái, phát sinh chủng loại phân tử và hóa học, tạm thời kết luận F. multiflora var. ciliinervis là một loài riêng biệt, trong khi F. multiflora var. angulata nên được xem như là  một thứ của F. multiflora.

Lê Thị Tú Linh 

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)