Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 2 NĂM 2024: CÚC HOA VÀNG VÀ ĐẢNG SÂM NAM

STT

Tin dịch

I

Cúc Hoa Vàng

  1.  

QUY TRÌNH TRÍCH LY TINH DẦU TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) BẰNG CHIẾT XUẤT CÓ HỖ TRỢ VI SÓNG KHÔNG DUNG MÔI VÀ PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN TINH DẦU BẰNG GC-MS

Teng Yun và cs.

Science and Technology of Food Industry. 2021; 42(18): 226-234

Phương pháp chiết xuất vi sóng không dung môi (SFME) được sử dụng để tối ưu hóa quy trình chiết xuất tinh dầu từ hoa cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) tươi và khô. Thành phần hóa học của hai loại tinh dầu được phân tích bằng GC-MS, hàm lượng tương đối của từng thành phần được tính toán bằng phương pháp chuẩn hóa diện tích pic. Kết quả cho thấy điều kiện tối ưu để chiết tinh dầu từ hoa tươi là: thời gian chiết 50 phút, công suất vi sóng 540 W, hiệu suất chiết tinh dầu đạt 0,1129% khối lượng hoa tươi. Điều kiện tối ưu để chiết xuất tinh dầu từ hoa khô là: tỷ lệ nguyên liệu-lỏng 1:5 g/mL, thời gian ngâm 3 giờ, thời gian chiết 60 phút, công suất vi sóng 540 W, hiệu suất thu được tinh dầu là 0,1926% lượng hoa khô. Thành phần hóa học chính của tinh dầu hoa tươi được chiết xuất là các hợp chất monoterpene và monoterpene oxy hóa, các hợp chất chính có hàm lượng tương đối là trans-sabinyl acetat (13,20%), (-)-alpha-thujon (11,10%), cis- sabinol (9,70%), cis-chrysanthenol (5,06%), (+)-alpha-phellandren (3,87%), cubben (3,78%), 1,8-cineol (3,61%), 3-thujol (3,37%), 2-thujen (3,36%). Thành phần hóa học chính của tinh dầu hoa khô là các monoterpen oxy hóa và sesquiterpen, các hợp chất chính có hàm lượng tương đối là cis-chrysanthenol (8,59%), trans-caryophyllen (7,63%), germanacrened (7,06%), alpha-farnesen (5,86). %), (-)-alpha-thujon (4,85%), trans-sabinyl axetat (4,34%), (+)-cis-chrysanthenyl axetat (3,45%), (+)-camphor (3,35%). Hàm lượng tinh dầu trong hoa tươi cao hơn hoa khô và hàm lượng tương đối các monoterpenoid ở hoa tươi cao hơn hoa khô. Vì vậy tinh dầu từ hoa tươi của cúc hoa vàng có giá trị ứng dụng cao hơn.

Phạm Hải Long

  1.  

CHIẾT XUẤT VÀ THU HỒI HIỆU QUẢ LINARIN TỪ HOA CỦA LOÀI CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) SỬ DỤNG DUNG MÔI EUTECTIC SÂU

Na Guo và cs.

Microchemical Journal. 2020; 159: 105586

Các phương pháp truyền thống để chiết xuất và làm giàu hoạt  chất tự nhiên từ thực vật có nhiều nhược điểm như tiêu tốn dung môi hữu cơ cao, năng suất chiết thấp, tiêu tốn thời gian và nhân công lớn cho quá trình làm giàu. Trong nghiên cứu này, phương pháp chiết bằng dung môi eutectic sâu có sự hỗ trợ của siêu âm (UAE-DESs) đã được phát triển để chiết xuất và xác định linarin từ hoa cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) (CIF). Một phương pháp khả thi đã được thực hiện để tách và thu hồi linarin từ các DES bị biến tính bằng cách sử dụng nhựa xốp AB-8 làm chất hấp phụ. Trong điều kiện chiết tối ưu, hiệu suất chiết linarin tối đa đạt 14,23 mg/g với tỷ lệ lỏng-rắn 32 mL/g, công suất chiết 340 w, thời gian chiết 32 phút và dung môi eutectic sâu choline chloride-ethylene glycol với tỷ lệ mol 1:2 và hàm lượng nước 30% (v/v) trong hệ thống chiết xuất, cao hơn 1,21 lần so với chiết xuất ethanol 80%. Sau khi làm giàu nhựa macroporous, hiệu suất thu hồi của linarin đạt 81,55%. Ngoài ra, dung môi eutectic (DES) có thể được tái sinh cho quá trình chiết xuất và nhựa xốp có thể được tiếp tục sử dụng cho quá trình làm giàu với hiệu suất mong muốn. Nghiên cứu này cung cấp một phương pháp chiết xuất và thu hồi hiệu quả và thuận tiện để xác định linarin từ cúc hoa vàng (CIF), phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các loại thực vật khác.

Phạm Hải Long và Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

CHIẾT XUẤT CARBON DIOXIDE LỎNG SIÊU TỚI HẠN TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) LÀM TĂNG TÁC DỤNG CHỐNG KHỐI U VÀ GIẢM ĐỘC TÍNH CỦA BLEOMYCIN TRÊN CHUỘT MANG U

Hong-Mei Yang và cs.

International Journal of Molecular Sciences. 2017; 18(3): 465

Bleomycin (BLM) là một thuốc chống khối u, đã được báo cáo là có tác dụng phụ nghiêm trọng dẫn đến hạn chế việc sử dụng trong điều trị lâm sàng. Vì vậy, việc tìm kiếm chất hỗ trợ giúp tăng cường tác dụng chống khối u và giảm tác dụng bất lợi của BLM là cần thiết. Hoa cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) có nhiều hoạt tính sinh học, chiết xuất chất carbon dioxid lỏng siêu tới hạn từ hoa và nụ của C. indicum (CISCFE) có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ phổi mạnh mẽ.  Tuy nhiên, vai trò của CISCFE kết hợp với điều trị BLM trên chuột mang khối u vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích nghiên cứu tác dụng hiệp đồng tiềm năng và cơ chế tác dụng của CISCFE kết hợp với BLM trong điều trị chuột mang khối u gan 22 (H22). Kết quả cho thấy rằng dùng CISCFE đường uống kết hợp với BLM có thể kéo dài đáng kể tuổi thọ, làm giảm tình trạng xơ phổi do BLM gây ra, ngăn chặn việc sản xuất các cytokine gây viêm (interleukin-6), yếu tố gây hoại tử khối u (TNF-α), giảm hoạt động của myeloperoxidase, và malondiadehyd. Hơn nữa, CISCFE kết hợp với BLM đã thúc đẩy sự chết tế bào theo chương trình (apoptosis) của tế bào liên quan đến xơ gan, tăng hoạt động của caspase 3 và 8, đồng thời điều chỉnh tăng biểu hiện protein của p53 và điều chỉnh giảm yếu tố tăng trưởng biến đổi-β1 bằng cách kích hoạt biểu hiện gen của miR-29b. Tóm lại, những kết quả này chỉ ra rằng CISCFE có thể tăng cường hoạt động chống ung thư của BLM và giảm tổn thương phổi do BLM gây ra ở chuột mang khối u H22, gợi ý Hoa cúc hoa vàng là một loại thuốc bổ trợ tiềm năng với hóa trị liệu sau khi nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Phạm Hải Long

  1.  

CHIẾT XUẤTCÚC HOA VÀNG (CHYSANTHEMUM INDICUM L) THÚC ĐẨY SỰ CHẾT TẾ BÀO THEO CHƯƠNG TRÌNH THÔNG QUA ỨC CHẾ HOẠT HÓA PROTEIN CHỦ YẾU STAT3 TRONG TẾ BÀO UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT Ở NGƯỜI DU145

Chulwon Kim và cs.

Phytotherapy Research. 2013; 27(1): 30-38

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) đã được chứng minh có hoạt tính kháng viêm và chống ung thư, tuy nhiên đích tác động phân tử của dược liệu này trong các tế bào khối u vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Trong nghiên cứu này, tác động của C. indicum đối với chất truyền tín hiệu và chất kích hoạt con đường tín hiệu của phiên mã 3 (STAT3) trong các tế bào khối u đã được khảo sát. Các phân đoạn dung môi (hexan, CH2Cl2, EtOAc, và BuOH,) thu được từ dịch chiết thô (chiết xuất EtOH 80%) của C. indicum đã được đánh giá hoạt tính. Trong đó phân đoạn methylene chlorid của C. indicum (MCI) thể hiện hoạt tính gây độc tế bào mạnh so với các phân đoạn khác và ức chế rõ rệt sự kích hoạt protein chủ yếu STAT3 đối với 2 dòng tế bào ung thư DU145 và U266, nhưng không thể hiện hoạt tính trên dòng tế bào MDA-MB-231. Việc ức chế kích hoạt STAT3 bởi MCI có liên quan đến việc ức chế JAK1 và JAK2 ngược dòng, chứ không phải Src. MCI điều hòa giảm sự biểu hiện của các sản phẩm gen điều hòa STAT3, điều này tương quan với sự tích lũy của chu kỳ tế bào ở pha phụ G1, việc cảm ứng hoạt động của caspase-3 và quá trình apoptosis. Hơn nữa, thành phần chính của MCI là các hợp chất có hoạt tính sinh học như sudachitin, hesperetin, chrysoeriol và acacetin. Sudachitin, chrysoeriol và acacetin cũng gây độc tế bào đáng kể, ức chế rõ ràng sự hoạt hóa protein chủ yếu STAT3 và gây ra apoptosis, mặc dù hesperetin không cho thấy bất kỳ tác dụng đáng kể nào trong các tế bào DU145. Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu đã chứng minh rằng MCI có thể gây ra apoptosis thông qua việc ức chế các đường truyền tín hiệu JAK1/2 và STAT3.

Phạm Hải Long

  1.  

CAO CHIẾT NƯỚC CỦA HOA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) ỨC CHẾ VIÊM CẤP ĐỘ THẤP TOÀN THÂN DO CAPSAICIN THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH HỆ VI SINH VẬT ĐƯỜNG RUỘT VÀ ACID BÉO CHUỖI NGẮN

Bing Yang và cs.

Phytochemical and Human Health. 2023; 15(5): 1069

Tình trạng viêm cấp độ thấp toàn thân do chế độ ăn uống không lành mạnh gây ra đã trở thành mối lo ngại chung về sức khỏe vì góp phần làm mất cân bằng miễn dịch và gây ra các bệnh mãn tính, tuy nhiên hiện chưa có các biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả. Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L., CIF) là một loại thảo dược phổ biến có tác dụng kháng viêm mạnh, dựa trên lý thuyết “tương đồng giữa thuốc và thực phẩm”. Tuy nhiên, tác dụng và cơ chế của CIF trong việc giảm tình trạng viêm cấp nhẹ toàn thân do thực phẩm gây ra (food-induced systemic low-grade inflammation, FSLI) vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu này cho thấy CIF có thể làm giảm FSLI và thể hiện một liệu pháp mới để can thiệp vào các bệnh viêm mãn tính. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã cho chuột nhắt trắng uống capsaicin để thiết lập mô hình FSLI. Sau đó, ba liều CIF (7, 14 và 28 g/kg/ngày) đã được thử nghiệm. Capsaicin có tác dụng làm tăng nồng độ TNF-α trong huyết thanh, chứng tỏ mô hình được gây thành công. Sau khi can thiệp CIF liều cao, nồng độ TNF-α và LPS trong huyết thanh giảm lần lượt là 62,8% và 77,44%. Ngoài ra, CIF đã tăng tính đa dạng α và số lượng đơn vị phân loại hoạt động (Operational Taxonomic Units – OTUs) trong hệ vi sinh vật đường ruột, phục hồi mật độ Lactobacillus và tăng tổng hàm lượng các acid béo mạch ngắn (Short-chain fatty acids, SCFA) trong phân. Tóm lại, CIF ức chế FSLI bằng cách điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột, tăng nồng độ SCFA và ức chế sự chuyển dịch lipopolysaccharide (LPS) quá mức vào máu. Những phát hiện của chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ về mặt lý thuyết cho việc sử dụng CIF trong can thiệp FSLI.

Phạm Hải Long và Hoàng Thị Phương Thảo

  1.  

TINH DẦU THU ĐƯỢC TỪ LÁ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM VAR. AROMATICUM) SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT VÀ CHƯNG CẤT IN SITU BẰNG CHIẾU XẠ VI SÓNG KHÔNG DUNG MÔI

Shuang Li và cs.

Sustainable Chemistry and Pharmacy. 2023; (36): 101268

Chrysanthemum indicum var. Aromatum là một giống mới thuộc họ Compositae và là nguồn thực vật thơm có giá trị kinh tế cao được phát hiện lần đầu tiên ở Shennongjia, Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, một kỹ thuật cải tiến để thu thập tinh dầu từ lá bằng phương pháp chưng cất và chiết xuất in situ bằng chiếu xạ vi sóng không dung môi (SLMHD) đã được phát triển. Chúng tôi đã nghiên cứu rộng rãi một số biến số có thể ảnh hưởng đến sản lượng tinh dầu bằng cách sử dụng phân tích Pareto và thiết kế Box‒Behnken phân tích đáp ứng bề mặt. Hiệu suất thu được tinh dầu cao nhất trong điều kiện tối ưu là 7,22 ± 0,31 mL/kg DW. Kết quả phân tích GC‒MS cho thấy tinh dầu lá C. indicum var. aromaticum chủ yếu chứa các terpen, với thành phần chủ yếu là myrtene acetat (21,72%) và cis-sabinol (19,23%). Ngoài ra, mô hình động học bậc 1 đã chứng minh sự phù hợp tốt hơn với SLMHD. SLMHD (công suất chiếu xạ vi sóng 540 W) trong 30 phút cho hiệu suất tinh dầu cao hơn HD thông thường (công suất làm nóng 450 W) trong 180 phút, tức là lượng phát thải CO2, loại khí nhà kính chính, giảm từ 1080 g trong 180 phút ở HD thông thường (công suất làm nóng 450 W) đến 216 g ở SLMHD. Nghiên cứu đã chứng minh rằng với cùng mức tiêu thụ điện năng, SLMHD thực sự có thể thu được nhiều tinh dầu hơn. Giờ làm việc của người vận hành có thể giảm đáng kể do thời gian phản ứng nhanh hơn, giúp cắt giảm chi phí lao động. Nếu tính đến tất cả những điểm này, việc phát triển tiếp phương pháp này có thể mang lại lợi ích kinh tế tốt.

Lê Thị Phương

  1.  

TÁC DỤNG BẢO VỆ TRƯỚC TỔN THƯƠNG PHỔI CẤP TÍNH Ở CHUỘT GÂY BỞI LIPOPOLYSACARID CỦA CHIẾT XUẤT CARBON DIOXID LỎNG SIÊU TỚI HẠN TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) THÔNG QUA CON ĐƯỜNG DẪN TRUYỀN THỤ THỂ TOLL-LIKE RECEPTOR 4

Xiao-Li Wu và cs.

Mediators of Inflammation. 2014; (2014): 246407

Chiết xuất carbon dioxid lỏng siêu tới hạn của cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L., CFE) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng viêm. Nghiên cứu nhằm xác định tác động bảo vệ và cơ chế tác dụng của cúc hoa vàng đối với tổn thương phổi cấp tính (ALI) do lipopolysaccharid (LPS) gây ra ở chuột. ALI được gây ra bằng cách tiêm LPS vào phổi và dexamethason được sử dụng làm chứng dương. Kết quả cho thấy rằng việc điều trị trước bằng CFE làm giảm các thay đổi mô bệnh học ở phổi do LPS gây ra, giảm tỷ lệ ướt/khô và sản xuất các cytokin tiền viêm (TNF-α, IL-1β và IL-6), ức chế sự thâm nhiễm của tế bào viêm và rò rỉ protein, ức chế mức độ của MPO và MDA, đồng thời điều chỉnh tăng khả năng của các enzyme chống oxy hóa (SOD, CAT và GPx). Hơn nữa, việc điều trị trước bằng CFE đã điều hòa giảm hoạt động của NF-κB và các biểu hiện của TLR4/MyD88. Những kết quả này cho thấy CFE có tác dụng bảo vệ tiềm năng chống lại ALI do LPS gây ra ở chuột và là một loại thuốc điều trị tiềm năng trong điều trị ALI. Các cơ chế của CFE ít nhất có liên quan một phần đến việc điều chỉnh các đường truyền tín hiệu TLR4.

Lê Thị Phương

  1.  

CHIẾT XUẤT TỪ CÚC HOA VÀNG HOANG DẠI NGĂN NGỪA SỰ CHẾT TẾ BÀO CẤP TÍNH VÀ LÃO HÓA DO BỨC XẠ UVB

Sun, Sujiao và cs.

Cytoechnology. 2014; 68(2): 229-240

Cúc hoa vàng hoang dại (Chrysanthemum indicum L.) thường được sử dụng trong y học dân tộc như một tác nhân chống viêm. Cúc hoa vàng cũng được sử dụng ở vùng cao nguyên phía tây nam Trung Quốc để ngăn ngừa tổn thương da do tia cực tím gây ra. Tuy nhiên, vai trò và cơ chế giúp cúc hoa vàng hoang dại ngăn ngừa tổn thương da và lão hóa da do tia cực tím gây ra chưa được nghiên cứu in vitro. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng cao chiết nước từ cúc hoa vàng hoang dại làm giảm mạnh tình trạng chết tế bào cấp tính do UVB liều cao gây ra đối với dòng tế bào sừng bất tử ở người HaCat. Cao chiết cúc hoa vàng hoang dại cũng đã được chứng minh là làm giảm biểu hiện của các matrix metalloproteinase MMP-2 và MMP-9 liên quan đến lão hóa gây bởi tia UVB liều thấp. Cao chiết cúc hoa vàng làm giảm sự gia tăng các gốc oxy phản ứng (ROS) do chiếu xạ UVB. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng cao chiết Cúc hoa vàng hoang dại làm giảm quá trình phosphoryl hóa ERK1/2 và p38 MAPK do UVB kích hoạt và vai trò bảo vệ của chúng một phần phụ thuộc vào việc ức chế kích hoạt p38. Những kết quả này cho thấy cao chiết cúc hoa vàng hoang dại có thể bảo vệ da khỏi tổn thương cấp tính do UVB gây ra và lão hóa da bằng cách giảm ROS nội bào và ức chế quá trình phosphoryl hóa p38 MAPK. Nghiên cứu hiện tại đã xác nhận vai trò bảo vệ của cao chiết cúc hoa vàng hoang dại chống lại các rối loạn da do tia cực tím gây ra in vitro và xác định cơ chế liên quan. Nghiên cứu sâu hơn để xác định các thành phần hoạt chất trong cao chiết cúc hoa vàng hoang dại sẽ hữu ích cho việc phát triển các loại thuốc mới để ngăn ngừa và điều trị các bệnh về da, bao gồm ung thư da và lão hóa da do chiếu xạ tia cực tím.

Lê Thị Phương

  1.  

TỐI ƯU HÓA QUÁ TRÌNH CHIẾT XUẤT APIGENIN VÀ LUTEOLIN TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA β-CYCLODEXTRIN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT KẾT HỢP VỚI CÁC THUẬT TOÁN TỐI ƯU HÓA KHÁC NHAU VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA

Hang Nguyen Thu và cs.

Chemistry and Biodiversity. 2023; 20(8)

Cyclodextrin và các dẫn xuất của chúng đã cho thấy những ứng dụng thành công trong việc chiết xuất các hợp chất hoạt tính từ cây thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng các dẫn xuất β-cyclodextrin để chiết xuất apigenin và luteolin từ cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) vẫn chưa được khám phá. Ngoài ra, việc áp dụng các thuật toán tối ưu hóa theo phong cách tự nhiên trong việc tối ưu hóa điều kiện chiết còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện với mục đích tối ưu hóa quá trình chiết apigenin và luteolin từ C. indicum với sự hỗ trợ của 2-hydroxypropyl-β-cyclodextrin (HP-β-CD) bằng phương pháp đáp ứng bề mặt kết hợp với các thuật toán tối ưu hóa khác nhau, bao gồm phương pháp tiếp cận hàm mong muốn, thuật toán di truyền, tối ưu hóa bầy đàn và thuật toán đom đóm. Kết quả cho thấy các điều kiện tối ưu thu được từ bốn thuật toán là nhất quán, với thời gian chiết là 60 phút, nồng độ HP-β-CD là 30 mg/mL và tỷ lệ dung môi-chất rắn là 24 mg/mL. Ở những điều kiện này, hàm lượng apigenin và luteolin lần lượt là 1,362±0,008 và 8,724±0,117 mg/g. Kết quả cũng cho thấy rằng quá trình chiết có sự hỗ trợ của HP-β-CD thể hiện hàm lượng apigenin và luteolin cao hơn đáng kể so với dung môi thông thường. Các kết quả có thể so sánh cũng thu được từ thử nghiệm chống oxy hóa. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các thuật toán tối ưu hóa theo phong cách tự nhiên có thể là những lựa chọn tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả của phương pháp đáp ứng bề mặt truyền thống nhằm tối ưu hóa việc chiết xuất các sản phẩm tự nhiên.

Lê Thị Phương

  1.  

cao CHIẾT XUẤT GIÀU BUDDLEOSIDE từ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) CÓ TÁC DỤNG ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG ENTERIC-ORIGIN LPS/TLR4 TRÊN CHUỘT BỊ TĂNG HUYẾT ÁP DO RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA

Wang YJ và cs.

   Front Pharmacol. 2021; 12: 755140

Khi số lượng bệnh nhân tăng huyết áp do rối loạn chuyển hóa (MH) ngày càng tăng thì cần có các biện pháp để ngăn ngừa và điều trị bệnh nhân trên toàn cầu. Các flavonoid như buddleoside (BUD) là hoạt chất chính của cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) có tác hỗ trợ bệnh lý liên quan đến tim mạch. Các nghiên cứu trước đây cho thấy cao chiết từ cúc hoa vàng giàu buddleosid (BUDE) có thể làm giảm huyết áp ở chuột bị tăng huyết áp tự phát (SHR). Tuy nhiên, tác dụng của BUDE đối với MH và cơ chế tác động cần phải nghiên cứu. Nghiên cứu này đã chứng minh BUDE làm hạ huyết áp, cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu và giảm mức LPS huyết tương ở chuột MH. Hơn nữa, BUDE đã cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột và tăng biểu hiện của occludin và claudin-1 trong đại tràng, đồng thời cải thiện tổn thương bệnh lý của đại tràng. Các thí nghiệm Western Bolt và qRT-PCR cho thấy BUDE điều chỉnh giảm protein TLR4 và MyD88 và biểu hiện mRNA, đồng thời ức chế quá trình phosphoryl hóa IKKβ, IκBα và NF-κB p65 trong mạch máu của chuột bị gây tăng huyết áp. Những kết quả này cho BUDE có thể điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện chức năng hàng rào ruột, giảm sản xuất và thâm nhập LPS, từ đó ức chế con đường TLR4/MyD88 mạch máu, cải thiện chức năng nội mô mạch máu và cuối cùng là hạ huyết áp ở chuột bị gây tăng huyết áp. Nghiên cứu này cung cấp một cơ chế mới của cao chiết giàu buddleosid từ Cúc hoa vàng chống lại tăng huyết áp do rối loạn chuyển hóa bằng cách ức chế con đường LPS/TLR4 thuộc về ruột.

Nguyễn Hoàng Minh

  1.  

FLAVONOID CỦA CÚC HOA VÀNG (Chrysanthemum indicum L) ỨC CHẾ VIÊM TỤY CẤP THOOGN QUA VIỆC ỨC CHẾ APOPTOSIS VÀ KHÁNG VIÊM

Xiaojuan Yang và cs.

BMC Complement Med Ther. 2023 Jan 28; 23(1):23

Viêm tụy cấp (AP) là một trong những bệnh đau bụng cấp tính phổ biến nhất. Viêm và quá trình chết theo chương trình (apoptosis) có liên quan chặt chẽ với sự phát triển bệnh AP. Flavonoid toàn phần của cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L., TFC) đã được chứng minh là có tác dụng ức chế tình trạng viêm và apoptosis. Tuy nhiên, TFC có thể ngăn chặn AP hay không vẫn chưa được sáng tỏ. Mô hình động vật và tế bào AP được thiết lập với Cerulein. Tổn thương mô tụy được đo bằng phương pháp nhuộm HE. Các yếu tố gây viêm được phát hiện bằng phương pháp ELISA. Sự biểu hiện protein được đánh giá bằng phương pháp Western blot. Sự ức chế AP in vivo của TFC thông qua ức chế các enzyme amylase, myeloperoxidase (MPO) trong huyết thanh và hàm lượng nước của mô tụy. Đáp ứng viêm tăng và sự kích hoạt con đường tín hiệu NF-κB ở chuột AP bị ức chế sau khi điều trị bằng TFC. Việc kích hoạt con đường tín hiệu NF-κB, tăng quá trình apoptosis và các yếu tố gây viêm trong tế bào AR42J đã bị ức chế bởi TFC. Nghiên cứu đã chứng minh rằng TFC có thể ức chế đáng kể AP thông qua việc kiểm soát amylase, MPO trong huyết thanh, hàm lượng nước trong mô tụy, giảm mức độ viêm, apoptosis và ngăn chận kích hoạt con đường tín hiệu NF-κB. Nghiên cứu này có thể làm rõ cơ chế ức chế tiềm năng của TFC trong quá trình phát triển bệnh AP.

Hoàng Thị Phương Thảo

  1.  

HAI QUINOLINON GLYCOALKALOID MỚI TỪ CÚC HOA VÀNG (Chrysanthemum indicum L) VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG VI SINH VẬT

ingsong Zhu và cs.

Natural Product Research. 2023; 26: 1-8.

Nghiên cứu hóa thực vật của cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) đã thu được hai quinolinon glycoalkaloid mới có tên là Chrysanthemumsides A-B (1-2). Cấu trúc của các hợp chất mới đã được xác định bằng cách phương pháp phổ 1D- và 2D-NMR, HRESIMS và ECD. Hợp chất 1-4 đã được đánh giá về hoạt tính kháng vi sinh vật chống lại Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosaCandida albicans, và dữ liệu cho thấy hợp chất 2 có tác dụng kháng vi sinh vật đáng kể (MIC 3,9 đến 7,8 μg/mL).

Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

DUNG MÔI EUTECTIC SÂU KẾT HỢP ĐẬU NÀNH - MỘT PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ NÂNG CAO HÀM LƯỢNG APIGENIN TRỌNG DỊCH CHIẾT  CÚC HOA VÀNG (Chrysanthemum indicum L.)

Nguyen Thu Hang và cs.

Food Chemistry. 2024; 445: 138793

Nhằm mục đích nâng cao hàm lượng apigenin trong dịch chiết cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí, nghiên cứu đã sử dụng dung môi eutectic sâu kết hợp với đậu nành. Đầu tiên, các loại dung môi eutectic sâu khác nhau được tiến hành khảo sát để chiết xuất apigenin, sau đó là quá trình xử lý bằng đậu nành để tăng hàm lượng aglycon. Các điều kiện tối ưu đã được xác định thông qua kết hợp các thử nghiệm đơn yếu tố với phương pháp bề mặt đáp ứng và các thuật toán tối ưu hóa (thuật toán di truyền và tối ưu hóa). Kết quả cho thấy cholin chlorid - propylen glycol là hệ dung môi tối ưu. Các thông số tối ưu hóa bao gồm nhiệt độ chiết xuất là 54°C, thời gian chiết trong 2 giờ và lượng dịch đậu nành thêm vào là 3 mL, thu được hàm lượng apigenin là 3,380 ± 0,031 mg/g - tăng gấp 8 lần so với dịch chiết ban đầu. Nghiên cứu cho thấy dung môi eutectic sâu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định β-glucosidase có trong đậu nành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để mở rộng quy mô và làm sáng tỏ đầy đủ cơ chế tác động của đậu nành đến hiệu suất chiết apigenin.

Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

CÁC DẪN XUẤT ACID ILOCUCURBIC VÀ CÁC CHẤT ỨC CHẾ EPOXID HYDROXYLASE HÒA TAN TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Bui Thi Thu Trang và cs.

Chemistry & Biodiversity. 10 September 2023; 20(10): e202301242

Khảo sát hoạt tính ức chế epoxide hydrolase hòa tan (sEH) của hai dẫn xuất acid isocucurbic mới (1 và 2) và chín hợp chất đã biết (3 – 11) được phân lập từ cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.). Cấu trúc của các hợp chất này được xác định dựa trên cơ sở giải dữ liệu quang phổ và so sánh với những báo cáo của các nghiên cứu trước đây. Luteolin (3), acacetin-7-O-β-D-glucopyranosid (6) và methyl 3,4-di-O-caffeoylquinat (10) thể hiện hoạt tính ức chế sEH với giá trị IC50 dao động trong khoảng 13,7 ± 3,6 đến 20,8 ± 0,4 μM. Phân tích động học enzyme cho thấy các hợp chất (3), (6)(10) là những chất ức chế không cạnh tranh với giá trị Ki lần lượt là 14,8 ± 0,5, 31,2 ± 0,8 và 3,9 ± 0,2 μM. Ngoài ra, các nghiên cứu docking phân tử cho thấy hợp chất (10) có khả năng hình thành sáu liên kết hydro tại vị trí hoạt động của sEH, dẫn đến năng lượng liên kết thấp tới − 9,58 Kcal/mol.

Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

HAI SESQUITERPENOID NHÓM GUAIANOLIDE MỚI CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ NO TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM)

Jin Feng Xue và cs.

Journal of Asian Nat ProResearch. April 2023; 25(4): 316-323

Hai sesquiterpenoid nhóm guaianolide mới là chrysanthemulides K và L (1 2) cùng với sáu hợp chất tương tự đã biết (3 –8), được phân lập từ dịch chiết CH2Cl2 của các bộ phận trên mặt đất từ cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.). Cấu trúc của các hợp chất mới 1 2 được xác định bằng phân tích quang phổ, bao gồm các phương pháp UV, IR, MS, NMR và phương pháp lưỡng sắc tròn điện tử (ECD). Tác dụng ức chế của tất cả các hợp chất đối với sự sản sinh nitric oxid (NO) đã được nghiên cứu ở tế bào RAW 264.7 được cảm ứng bởi lipopolysaccharid (LPS). Kết quả cho thấy các hợp chất 1 – 8 có hoạt tính ức chế sản sinh NO với giá trị IC50 dao động từ 3,5 đến 34,3 µM.

Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH HỒI QUY TUYẾN TÍNH ĐA BIẾN TRONG LỰA CHỌN DUNG MÔI EUTECTIC SÂU ĐỂ CHIẾT XUẤT APIGENIN VÀ LUTEOLIN TỪ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Nguyen Thu Hang và cs.

Phytochemical Analysis.2021; 33(3): 427-440

Giới thiệu

Trong số các hợp chất có trong cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.), apigenin và luteolin là hai thành phần chính đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt tính sinh học của thảo dược này.

Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành nhằm thu được các mô hình tuyến tính biểu hiện sự phụ thuộc hiệu suất chiết apigenin và luteolin vào thành phần dung môi eutectic sâu và nghiên cứu quá trình chiết xuất hai hợp chất này từ C. indicum.

Phương pháp

Hai mô hình biểu thị sự phụ thuộc của nồng độ luteolin và apigenin vào thành phần của dung môi đã được thiết lập bằng thuật toán hồi quy đa tuyến tính và được áp dụng để sàng lọc 119 loại dung môi khác nhau. Sau đó, quá trình chiết xuất được tối ưu hóa bằng phương pháp bề mặt đáp ứng (Response Surface Methodology) và mạng lưới thần kinh nhân tạo. Apigenin và luteolin được thu hồi từ dịch chiết bằng cách kết hợp chưng cất và bổ sung thêm nước.

Kết quả

Kết quả sàng lọc trên 119 dung môi cho thấy choline chloride – acetic acid (1:4) là dung môi eutectic sâu thích hợp nhất. Nghiên cứu chứng minh cả phương pháp bề mặt đáp ứng và mạng lưới thần kinh nhân tạo đều có thể xác định chính xác các điều kiện chiết xuất apigenin và luteolin tối ưu từ C. indicum, bao gồm thời gian chiết (65 phút), nhiệt độ chiết (90°C) và hàm lượng nước (20%). Bằng sự kết hợp giữa phương pháp chưng cất và bổ sung nước, apigenin và luteolin có thể được thu hồi một cách hiệu quả từ dịch chiết dung môi eutectic sâu với tỷ lệ thu hồi trên 80%.

Kết luận

Dung môi eutectic sâu có thể được sử dụng như một giải pháp xanh hiệu quả thay thế cho các dung môi thông thường để chiết xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thực vật.

 Nguyễn Hữu Thìn

 

  1.  

CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) VÀ CÚC HOA TRẮNG (CHRYSANTHEMUM MORIFOLIUM): THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TINH DẦU VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG LÀM CHẤT BẢO QUẢN TỰ NHIÊN VỚI HOẠT TÍNH KHÁNG VI SINH VẬT VÀ CHỐNG OXY HÓA

Fadia S. Youssef và cs.

Foods. 2020; 9(10): 1460

Thành phần hóa học của tinh dầu cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) và cúc hoa trắng (Chrysanthemum morifolium) đã được nghiên cứu so sánh bằng cách sử dụng cả phương pháp phân tích sắc ký khí/máy dò ion hóa ngọn lửa (GC/FID) và sắc ký khí/khối phổ (GC/MS). Hoạt tính kháng virus được xác định bằng cách sử dụng thử nghiệm giảm mảng bám chống lại ba loại virus phổ biến là herpes simplex type-1 (HSV-1), viêm gan A (HAV) và virus viêm miệng mụn nước (VSV). Hoạt tính kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán và pha loãng thạch và xác định giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Ngoài ra, việc đánh giá khả năng kháng vi khuẩn nhóm mycobacteria được thực hiện bằng thử nghiệm Alamar blue và tác dụng kháng Helicobacter pylori đã được nghiên cứu. Hoạt tính kháng đơn bào trypanosoma được đánh giá bằng phương pháp resazurin. Kết quả phân tích GC cho thấy camphor là thành phần chính của cả hai loại dầu, chiếm lần lượt 36,69 và 14,56% trong tinh dầu từ C. indicumC. morifolium. Tinh dầu của loài C. indicum có hoạt tính sinh học mạnh hơn trong tất cả các thí nghiệm; thể hiện hoạt tính kháng trypanosoma đáng chú ý với giá trị IC50 bằng 45,89 μg/mL và hoạt tính kháng khuẩn điển hình trên Streptococcus agalactiae với giá trị MIC là 62,5 μg/mL. Tinh dầu của loài C. indicum cũng ức chế sự sao chép của VSV với giá trị IC50 là 3,14 μg/mL. Cả hai loại tinh dầu đều thể hiện khả năng chống oxy hóa với giá trị IC50 lần lượt là 2,21 và 2,59 mg/mL. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho cả C. indicumC. morifolium như là tác nhân chống nhiễm khuẩn ngoài việc sử dụng truyền thống.

Vì vậy, C. indicumC. morifolium có thể được sử dụng làm gia vị thực phẩm và có thể được kết hợp trong các sản phẩm thực phẩm và chế phẩm dược phẩm như là chất bảo quản tự nhiên có khả năng chống oxy hóa.

Lê Huỳnh Thanh Như

  1.  

CHIT XUẤT, TINH CHẾ VÀ HOẠT TÍNH KÍCH THÍCH THỰC VẬT (ELICITOR) CỦA CÁC POLYSACCHARID TỪ CÂY CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM)

Ningning Du và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. January 2016; 82: 347-354

Các polysaccharid được phân lập từ cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L., CIP) đã được nghiên cứu về tính kháng nấm Sclerotium rolfsii ở bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.). Phân tích hàm lượng polysaccharid tổng số và monosaccharid được xác định bằng phương pháp phenol - acid sulfuric, sắc ký khí và quang phổ hồng ngoại được thực hiện để biết thông tin về cấu trúc đơn giản. Hoạt động của các enzym bảo vệ thực vật catalase (CAT) và peroxidase (POD) có trong lá A. maceocephalae đã được đánh giá. Các polysaccharid tinh chế thể hiện hoạt tính CAT và POD mạnh ở lá A. macrocephala khi được cấy S. rolfsii, đạt giá trị tối đa lần lượt là 568,3 μg −1 phút−1 và 604,4 μg −1 phút−1. Trong khi đó, khi so sánh với các cây đối chứng, polysaccharid tinh khiết ở nồng độ 20 mg/ml thể hiện hoạt tính CAT và POD mạnh nhất. Đáng chú ý, việc xử lý cây giống A. macrocephala bằng CIP đã làm giảm sự phát triển chỉ số bệnh do S. rolfsii gây ra. Chỉ số bệnh sau 10 ngày giảm rõ rệt khi cây con được xử lý bằng 20 mg/ml CIP, 4,41 so với các cây đối chứng là 32,00. Tổng hợp lại, những kết quả này chỉ ra rằng các polysaccharid tinh chế từ C. indicum có thể hữu ích như một chất cảm ứng hoạt động bảo vệ thực vật tự nhiên.

Lê Huỳnh Thanh Như và Phạm Hải Long

 

  1.  

NGHIÊN CỨU IN VITRO ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG CHỐNG UNG THƯ CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Zahid Mehboob và cs.

Euro Journal of Medical and Life Sciences. 2022; 5(1): 01-12.

DOI: 10.31580/pjmls.v5i1.2438

Các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học thúc đẩy quá trình apoptosis là một nguồn nguyên liệu mới cho các chế phẩm chống ung thư. Công trình này tiến hành nghiên cứu khả năng chống ung thư tiềm năng từ loài dược liệu cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.).  Toàn bộ cây được chiết với dung môi n-hexan và ethanol để tiến hành thử hoạt tính chống oxy hóa và chống ung thư trên dòng tế bào ung thư gan HepG2. Nhóm tế bào đối chứng thì không ủ với cao chiết. Dòng tế bào thử nghiệm được xử lý với các cao chiết ethanol và n-hexan. Khả năng sống của tế bào được đánh giá bằng các phương pháp nghiên cứu thường quy để xác định tiềm năng chống ung thư của các cao chiết. Sự chết và khả năng sống sót của tế bào được đánh giá bằng các thử nghiệm như MTT, nhuộm tím tinh thể và trypan blue. Tốc độ apoptosis trong các nhóm được đánh giá bằng phương pháp ELISA Annexin-V. Hơn nữa, các nghiên cứu về hoạt tính enzyme chống oxy hóa đã được tiến hành nhằm đánh giá các hoạt tính ức chế nitric oxid, dọn gốc tự do DPHH, H2O2, superoxid và năng lực khử của các cao chiết. Dòng tế bào HepG2 được bổ sung các cao chiết có khả năng sống thấp hơn, giảm khả năng tăng sinh và tăng apoptosis so với nhóm đối chứng. Các dòng tế bào ung thư được xử lý bằng các cao chiết trên có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn các dòng tế bào không xử lý mẫu cao. So sánh với cao chiết n-hexan, thì cao chiết ethanol thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính chống ung thư mạnh hơn. Nghiên cứu cho thấy cao chiết ethanol và cao chiết n-hexane của C. indicum có hoạt tính chống ung thư bằng cách tăng quá trình apoptosis, chống oxy hóa và giảm tăng sinh.  

Lê Thị Kim Oanh

  1.  

SO SÁNH THÀNH PHẦN HÓA HỌC, HIỆU QUẢ VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) VỚI  CÚC HOA TRẮNG (CHRYSANTHEMUM MORIFOLIUM)  TRONG KHẢ NĂNG CHỐNG  HỘI CHỨNG TĂNG NHIỆT GAN CỦA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP  THÔNG QUA CÁC PHÉP PHÂN TÍCH TỔNG HỢP

Yue Wang và cs.

International Journal of Molecular Sciences. 2022; 23: 13767.

https://doi.org/10.3390/ijms232213767

Để đánh giá sự khác nhau trong ứng dụng lâm sàng của hai loài hoa cúc có nguồn gốc tương tự là cúc hoa trắng (Chrysanthemum morifolium, CMF) và cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum, CIF), một nghiên cứu tích hợp của dược lý mạng lưới, dược lý phân tử và quá trình chuyển hóa (metabolomics) đã được sử dụng, nhằm tìm ra những điểm giống và khác nhau về thành phần hóa học, hiệu quả và cơ chế của CMF và CIF. Phân tích HPLC-Q-TOF-MS bước đầu cho thấy CMF và CIF có thành phần flavonoid khác nhau. Các quá trình sinh học dựa trên phân tích dược lý mạng lưới làm cơ sở cho tác dụng điều trị của CMF và CIF đối với hội chứng nhiệt gan tăng cao do bệnh tăng huyết áp (LFHSH) được dự đoán là có liên quan đến phản ứng viêm, sản sinh nhiều acid béo và các con đường khác. Các kỹ thuật ELISA, docking phân tử, Western blot và metabolomics cho thấy tác dụng tương tự của CMF và CIF trong việc làm hạ huyết áp, khả năng chống lại tổn thương chức năng, mô, cơ quan và và rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, các tác dụng  của các cao chiết này trên điều hòa phản ứng viêm, con đường tín hiệu PI3K-Akt và NF-κB, đồng hóa lipid, tác dụng trên hệ renin-angiotensin và các bất thường trong chuyển hóa, là khác nhau. Tác dụng của CMF và CIF được so sánh là tương đương mặc dù giữa chúng có các cơ chế tác dụng khác nhau, điều này có thể là do sự tích hợp và tương tác của các khả năng điều hòa khác nhau trong cơ chế chống lại LFHSH. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở quan trọng để đánh giá phân biệt và các ứng dụng chính xác của các loại thảo mộc có nguồn gốc gần với các đặc tính y học tương tự nhưng hơi khác nhau, đồng thời cung cấp một chiến lược nghiên cứu để kết nối y học cổ truyền Trung Quốc và y học hiện đại.

Lê Trần Nguyên Vũ

  1.  

 

THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA NHÓM CHẤT SESQUITERPEN PHÂN LẬP TỪ CHI CHRYSANTHEMUM

Sai Jiang và cs.

Molecules. 2021; 26: 3038.

https://doi.org/10.3390/molecules26103038

Các loài thuộc chi Chrysanthemum là nguồn tài nguyên phong phú về đa dạng hóa học và trong những năm gần đây, đã là trọng tâm của nghiên cứu về hóa học các sản phẩm tự nhiên. Sesquiterpenoid là một trong những nhóm hợp chất chính trong thành phần hóa học được công bố từ chi này. Cho đến nay, hơn 135 hợp chất sesquiterpenoid đã được phân lập và xác định cấu trúc từ chi Chrysanthemum. Bao gồm, có 26 hợp chất dạng germacran, 26 hợp chất dạng eudesman, 64 hợp chất dạng guaianolid, 4 hợp chất dạng bisabolan và 15 hợp chất sesquiterpenoid khác. Các nghiên cứu về dược lý đã cho thấy tiềm năng về hoạt tính sinh học của các sesquiterpenoid được phân lập từ các loài thuộc chi Chrysanthemum, như hoạt tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống ung thư, diệt côn trùng, kháng vi-rút,..

Công trình này, đã cung cấp thông tin về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các sesquiterpenoid phân lập từ chi Chrysanthemum, có thể làm cơ sở khoa học cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng tiếp theo.

Lê Trần Nguyên Vũ

  1.  

TÁC DỤNG CỦA CAO CHIẾT CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM) TRÊN STRESS OXY HÓA ĐÁP ỨNG VIÊM Ở CHUỘT BỊ VIÊM KHỚP DO CHẤT BỔ TRỢ

Mei Dong và cs.

Hindawi. 2017; 3285394-7

https://doi.org/10.1155/2017/3285394

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) đã được sử dụng trong nhiều năm qua để điều trị viêm, bệnh tăng huyết áp và các tình trạng liên quan đến hô hấp. Công trình nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng chống oxy hóa của cao chiết C.indicum (CIE) đối với stress oxy hóa và phản ứng viêm ở chuột cống trắng do chất bổ trợ (AA). Chọn 40 con chuột phân chia thành 4 nhóm ngẫu nhiên: Nhóm I chuột đối chứng bình thường (CTRL) được nhận khẩu phần cơ bản; Nhóm II chuột đối chứng viêm khớp (CTRL-AA) được nhận khẩu phần tương tự;  Nhóm III chuột được nhận khẩu phần cơ bản và 30 mg/kg CIE; và Nhóm IV chuột bị viêm khớp được nhận khẩu phần như Chuột nhóm III (CIE-AA). Sau khi tiêm chất bổ trợ Freund hoàn chỉnh, trọng lượng cơ thể, điểm viêm khớp và nồng độ trong huyết thanh của TNF-α, IL-1β, IL-6, myeloperoxidase (MPO), malondialdehyd (MDA), superoxid dismutase (SOD) và glutathion peroxidase (GSH-PX) đã được ghi nhận.

Kết quả cho thấy rằng CIE làm chậm thời gian khởi phát bệnh viêm khớp và giảm điểm mức độ nghiêm trọng của viêm khớp (p < 0,05). Các quan sát trên chuột ở các lô CIE-AA và CTRL-AA đã chứng minh rằng CIE làm giảm stress oxy hóa và phản ứng viêm trong nhóm CIE-AA, so với lô đối chứng viêm khớp (CTRL-AA).

Tóm lại, CIE làm giảm bớt stress oxy hóa và phản ứng viêm, cho thấy tiềm năng sử dụng cao chiết này trong điều trị lâm sàng viêm khớp dạng thấp.

Lê Thị Kim Oanh

  1.  

SỬ DỤNG CHẤT ĐIỀU TIẾT SINH TRƯỞNG THỰC VẬT ĐỂ LÀM TĂNG SINH TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG HOA CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

                                                           Endre Kentelky và cs.

Horticulturae. 2021; 7(12): 532

https://doi.org/10.3390/horticulturae7120532

Cây cảnh được trồng khắp nơi trên thế giới. Trong đó, Cúc được xem như một trong những loại hoa cắt cành và hoa chậu quan trọng nhất ở hầu hết các quốc gia. Người tiêu dùng mong muốn tìm thấy những cây hoa Cúc nhỏ, gọn, và có nhiều cụm hoa. Để đáp ứng nhu cầu này, những người trồng hoa đang có xu hướng sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng thực vật. Ba giống hoa cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) ('Smola White', 'Arber' và 'Vienna White') đã được đánh giá bằng cách sử dụng bốn chất điều tiết sinh trưởng thực vật (PP - Bumper 250 EC; CC - Stabilan SL; MP - Medax Top SC; và PD - Toprex SC). Kết quả cho thấy cây được xử lý có sự giảm đáng kể các chỉ số được đánh giá, mặc dù trong một số trường hợp, sự sinh trưởng có thể phụ thuộc vào giống. Cũng có thể kết luận rằng các chất điều tiết ức chế sự phát triển của hoa Cúc. Xử lý bằng PD ức chế mạnh mẽ sự phát triển của cây và cũng có tác động tiêu cực đến các cụm hoa. Tóm lại, nghiên cứu này củng cố khả năng sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng như chất ức chế sinh trưởng đối với hoa Cúc cảnh.

Lê Thanh Sơn

  1.  

PHẢ HỆ, DI TRUYỀN VÀ THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA PHỨC HỢP CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM )

Xu Wang và cs.

Medicinal Plant Biology. 2023;  2(17)

doi: 10.48130/MPB-2023-0017

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) là một thành viên của họ Cúc (Asteraceae). Phần đầu hoa (capitulum) phơi khô của Cúc hoa vàng đã được sử dụng hàng nghìn năm trong y học cổ truyền Trung Quốc. Phức hợp cúc hoa vàng bao gồm cả các kiểu tế bào lưỡng bội và đa bội (chủ yếu là tứ bội), đồng thời cũng có sự đa dạng của giống C. indicum var. aromaticum Q.H.Liu et S.F.Zhang, loài đặc hữu của vùng Rừng Quốc gia Thần Nông Giá (Shennongjia). Thêm vào đó, hai loài C. nankingense (Hand.-Mazz.) X.D.Cui và C. lavandulifolium (Fisch. ex Trautv.) Makino, có mối liên hệ tiến hóa mạnh mẽ nhất với Cúc hoa vàng, và sự lai tạp tự nhiên diễn ra phổ biến giữa chúng. Do phạm vi phân bố tự nhiên rộng lớn của phức hợp Cúc hoa vàng ở Trung Quốc, bao gồm nhiều quần thể sinh thái - địa lý, nên có sự biến đổi đáng kể về hình thái và thành phần trao đổi chất của chúng. Trong bài viết này, các tác giả đã tổng quan những tiến bộ trong nghiên cứu về phát sinh loài, di truyền quần thể và thích nghi sinh thái của phức hợp cúc hoa vàng, cũng như các nghiên cứu liên quan đến bộ gen và gen chức năng, có thể giúp hiểu rõ hơn về các cơ chế phân tử tiềm ẩn đằng sau sự biến đổi kiểu hình và phân bố sinh địa lý phức tạp của nhóm thực vật này. Để nâng cao ứng dụng dược liệu của nguồn tài nguyên phức hợp cúc hoa vàng, các nghiên cứu trong tương lai cần tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết mối quan hệ phức tạp giữa các loài, phân tích mạng lưới điều hòa phiên mã của các thành phần hoạt tính, và tăng cường lai tạo dựa trên dữ liệu omics.

Ngô Thị Minh Huyền

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG THỰC VẬT ĐỂN SỰ SINH TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM  L.)

Md Ehsanullah và cs.

Journal of Multidisciplinary Applied Natural Science. 2022; 2(1): 10-18

DOI:10.47352/jmans.2774-3047.98

Một nghiên cứu thực địa được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng thực vật đến sinh trưởng và chất lượng cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp (HRC), Gazipur, Bangladesh. Thí nghiệm được bố trí theo Thiết kế khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD) với 10 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Các nghiệm thức sử dụng nồng độ chất điều hòa sinh trưởng thực vật khác nhau, bao gồm: T1-50 ppm GA3, T2-100 ppm GA3, T3-150 ppm GA3, T4-400 ppm CCC, T5-600 ppm CCC, T6-800 ppm CCC, T7-250 ppm MH, T8-500 ppm MH, T9-750 ppm MH và T10-đối chứng (không xử lý). Kết quả cho thấy, cây Cúc được xử lý với GA3 ở nồng độ 150 ppm có độ tán lá lớn nhất (27,0 cm), trong khi cây xử lý với CCC ở nồng độ 800 ppm có độ tán lá nhỏ nhất (16,8 cm). Số chồi vượt (suckers) cao nhất (33 chồi/chậu) được ghi nhận ở cây xử lý với GA3 150 ppm, trong khi xử lý với CCC ở ba nồng độ khác nhau đều cho số chồi vượt thấp hơn. Số lượng hoa nhiều nhất (40 hoa/chậu) cũng được ghi nhận ở cây xử lý với GA3 150 ppm, trong khi xử lý với CCC 800 ppm cho số lượng hoa ít nhất (25 hoa/chậu). Thời gian ra hoa đầu tiên là 48 ngày đối với cây phun GA3 50 ppm, trong khi xử lý với MH 750 ppm thì mất đến 70 ngày. Chiều cao cây cao nhất (7,40 cm) được ghi nhận ở cây xử lý với CCC 800 ppm, trong khi chiều cao thấp nhất (6,50 cm) thuộc về cây xử lý với MH 500 ppm. Tuổi thọ bình hoa (thời gian hoa tươi trong bình) dài nhất (15 ngày) được ghi nhận ở xử lý CCC 800 ppm, tương đương với tuổi thọ 13 ngày ở xử lý CCC 600 ppm. Từ kết quả nghiên cứu này, có thể kết luận rằng GA3 có tác dụng kích thích sinh trưởng, trong khi CCC có tác dụng kìm hãm sinh trưởng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng Cúc hoa vàng.

Viết tắt: chlormequat chloride (CCC), Gibberellins (GA)

Nguyễn Minh Hùng

  1.  

NGHIÊN CỨU VỀ NHÂN GIỐNG GIÂM CÀNH CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM  L.)

Lee ChuLien và cs.

Crop, Environment & Bioinformatics. 2016; 13(4): 179-187 ref. 19

https://www.cabidigitallibrary.org/doi/full/10.5555/20173068785

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.), thuộc nhóm hoa Dendranthema Ấn Độ (IDF), là cây thân thảo lâu năm thuộc họ Cúc (Asteraceae), có mùi thơm đặc trưng và chứa nhiều chất dễ bay hơi. IDF là loại cây trồng quan trọng trong ngành công nghiệp tinh dầu, không chỉ được sử dụng làm hoa cảnh mà còn được dùng làm nguyên liệu cho các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Đài Loan có khí hậu nóng ẩm, rất thích hợp cho việc trồng IDF. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là điều tra ảnh hưởng của môi trường dinh dưỡng và auxin đến quá trình ra rễ và tỷ lệ sống của IDF. Thông tin này cần thiết cho việc sản xuất đại trà IDF bằng phương pháp giâm cành. Kết quả thí nghiệm cho thấy giâm cành IDF lấy từ mắt lá trên cùng đến mắt lá thứ ba và trồng trong cát mịn có số lượng rễ nhiều hơn so với các nhóm giâm cành và trồng khác. Giâm cành đã khử trùng trồng trong cát mịn có số lượng rễ nhiều hơn so với các môi trường dinh dưỡng khác, bao gồm cả hỗn hợp than bùn và perlite (tỷ lệ 1:1, theo thể tích). Giâm cành có hai lá và trồng trong cát mịn có số lượng rễ nhiều hơn so với các nhóm được thử nghiệm khác. Giâm cành IDF được ngâm trong dung dịch acid indole-3-butyric (IBA) 500 mg/L trong một giờ có số lượng rễ trung bình cao hơn đáng kể (P ≤ 0,05) so với những giâm cành được ngâm trong các nồng độ và thời gian khác. Do đó, để nhân giống bằng giâm cành hiệu quả nhất cho IDF, cần sử dụng cành được cắt từ đốt ngọn đến đốt thứ ba, giữ lại hai lá, khử trùng và ngâm trong IBA 500 mg/L trong một giờ, sau đó trồng trong cát mịn.

Cao Ngọc Giang

  1.  

KÍCH THÍCH MÔ SẸO Ở CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) ĐỂ TĂNG SỰ ĐA DẠNG DI TRUYỀN TỪ TẾ BÀO SOMA

Reza Ramdan Rivai, Hendra Helmanto

Pros Sem Nas Masy Biodiv Indon. 2015; 1(1): 167-170.

https://doi.org/10.13057/psnmbi/m010129

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) là loài hoa cắt cành được sản xuất đại trà tại Indonesia. Biến dị somaclon (đột biến tế bào soma) xuất hiện trong quá trình nuôi cấy mô in vitro có thể được sử dụng như một phương pháp chọn giống thay thế. Nghiên cứu này tập trung vào vai trò của chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong việc kích thích mô sẹo. Mô sẹo có thể được tạo ra từ nhiều mẫu vật khác nhau như lá, hypocotyl (đoạn trục mầm nằm giữa phôi và lá mầm), lá mầm, thân, phôi hợp tử và các bộ phận khác của cây. Chúng được nuôi cấy trong môi trường chứa các hợp chất auxin, đặc biệt là acid 2,4-dichlorophenox acetic (2,4-D). Mục tiêu chính của nghiên cứu là tìm ra nồng độ 2,4-D hiệu quả nhất trong môi trường cơ bản Murashige và Skoog (MS) để kích thích mô sẹo ở Cúc hoa vàng từ các loại mẫu cấy khác nhau. Kết quả cho thấy môi trường MS kết hợp với 3 mg/L 2,4-D là xử lý tốt nhất để kích thích mô sẹo từ lá. Trong khi đó, môi trường MS kết hợp với 1 hoặc 2 mg/L 2,4-D là xử lý hiệu quả nhất để kích thích mô sẹo từ đốt thân.

Đinh Ngọc Bảo

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA BIỆN PHÁP NGẮT NGỌN ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM HOA CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Md Ehsanullah và cs.

Journal of Multidisciplinary Applied Natural Science. 2021, 1(2): 62-68

Một nghiên cứu ngoài đồng ruộng đã được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của việc ngắt ngọn đến sự sinh trưởng và năng suất, chất lượng hoa của cây cúc hoa vàng tại Trung tâm Nghiên cứu  cây vườn (HRC), Gazipur, Bangladesh. Nghiên cứu được thực hiện theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) với sáu công thức và ba lần lặp lại. Các công thức xử lý bao gồm T0- Không ngắt ngọn, T1- 40 ngày một lần, T2-50 ngày một lần, T3- 60 ngày một lần, T4- Hai lần vào 40 và 50 ngày và T5- Ba lần vào 40, 50 và 60 ngày. Quan sát cho thấy chiều cao cây cao nhất là 60 cm khi không bị ngắt ngọn (T0) và chiều cao thấp nhất là 45 cm được ghi nhận khi ngắt ngọn cây ba lần (T5). Thời điểm ra hoa đầu tiên sớm nhất (57 ngày) được quan sát khi không ngắt ngọn và sự ra hoa chậm đáng kể (68 ngày) khi ngắt ngọn ba lần (T5). Số cành cao nhất (12 cành) được ghi nhận khi ngắt ngọn 3 lần (T5) và số cành thấp nhất (05 cành) khi không ngắt ngọn (T0). Số lượng lá nhiều nhất (235 lá) được ghi nhận khi ngắt ngọn ba lần (T5) và số lượng lá ít nhất (200 lá) được ghi nhận khi không ngắt ngọn cây (T0). Công thức T5 (ngắt ngọn ba lần) đạt đường kính tán cây lớn nhất (30 cm) và công thức T0 (không ngắt ngọn) đạt đường kính tán cây nhỏ nhất (17 cm). Số lượng hoa cao nhất (45 hoa) được ghi nhận ở thí nghiệm ngắt ngọn ba lần (T5) và số hoa thấp nhất (28) được quan sát thấy ở nghiệm thức không ngắt ngọn (T0). Trong số 6 thí nghiệm, công thức T5 (ngắt ngọn cây 3 lần) cho hiệu quả cao nhất và có thể được sử dụng làm nghiệm thức xử lý trên cây Cúc hoa vàng để cây sinh trưởng tốt và sản phẩm hoa chất lượng.

Nguyễn Khương Duy, Giàng A Tiến

  1.  

NÂNG CAO SỰ SINH TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG HOA CỦA CHRYSANTHEMUM INDICUM L. BẰNG CÁCH SỬ DỤNG CHẤT KÌM HÃM SINH TRƯỞNG THỰC VẬT

Endre Kentelky và cs.

Horticulturae. 2021; 7(12): 532

Cây cảnh được trồng trên toàn thế giới. Cúc Hoa được xếp loại là một trong những loài hoa cắt cành hoặc hoa trồng trong chậu  quan trọng nhất ở hầu hết các quốc gia. Kỳ vọng của người tiêu dùng là tìm được những cây có kích thước nhỏ gọn và có nhiều hoa. Để đáp ứng nhu cầu này, người trồng cây thường có xu hướng sử dụng các chất kìm hãm sinh trưởng cây trồng. Ba giống Chrysanthemum indicum L. ('Smola White', 'Arber' và 'Vienna White') được đánh giá bằng cách sử dụng bốn chất điều hòa sinh trưởng thực vật (PP–Bumper 250 EC; CC–Stabilan SL; MP–Medax Top SC; và PD– Toprex SC). Kết quả chỉ ra rằng cây được xử lý có sự suy giảm đáng kể các thông số được đánh giá, mặc dù trong một vài trường hợp, yếu tố tăng trưởng có thể phụ thuộc vào từng giống. Do đó, cũng có thể kết luận được rằng, các chất kìm hãm sinh trưởng đã ức chế sự phát triển của cây  cúc hoa. Khi được tiến hành xử lý, PD đã ức chế đáng kể sự phát triển của cây và cũng có tác động tiêu cực đến cụm hoa. Tóm lại, nghiên cứu này tăng cường khả năng sử dụng các chất kìm hãm sinh trưởng như các chất ức chế sinh trưởng thực vật trong trồng trọt cây cúc hoa.

Vàng Dùng Thề

  1.  

HIỆU QUẢ TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC CHẤT CYTOKININ VÀ AUXIN TRONG VI NHÂN GIỐNG CÂY CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Abdulwadood S.M. Alsoufi và cs.

IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. 2021; 735

Nghiên cứu này được thực hiện trong Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tại Trường Đại học Khoa học/ Đại học Tikrit, với mục đích vi nhân giống cây  cúc hoa vàng và xác định nồng độ tối ưu của các chất điều hòa sinh trưởng được sử dụng. Trong nghiên cứu này, một đốt được cắt từ chồi đỉnh của cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) đã được sử dụng và chất điều hòa sinh trưởng (kinetin) Kin với nồng độ (0,0-4,0) mg/L cùng các lần xử lý đơn hay lặp lại cùng với sự tương tác của (acid Indol-3-butyric) IBA ở nồng độ (0,0-0,6) mg/L. Kết quả cho thấy rằng sự tương tác giữa nồng độ Kin và IBA có tác động rõ rệt hơn so với khi sử dụng Kin độc lập. Trong đó, tốc độ tăng trưởng sinh dưỡng trung bình của cây cúc hoa tăng lên như số lượng chồi trung bình 7,2 chồi/cây, chồi cao 5,27 cm và 17,0 lácây khi bổ sung thêm 4 mg/L Kin và 0,6 mg.L−1 IBA vào môi trường Murashige và skoog (MS) so với trường hợp  3,3 chồi/mẫu, chồi cao 3,81 cm và có 5,3 lá/chồi khi 4 mg/L Kin được bổ sung riêng vào môi trường MS. Đối với các thí nghiệm tạo rễ, trong đó MS trung bình được sử dụng với toàn bộ nồng độ muối và một nửa nồng độ muối chứa các nồng độ khác nhau của chất điều hòa sinh trưởng IBA (0,0-2,0) mg/L để tạo rễ cho chồi thu được từ các thí nghiệm nhân giống. Môi trường MS có 1/2 nồng độ muối là tốt nhất với tỷ lệ ra rễ, số lượng rễ trung bình và chiều dài rễ trung bình cao nhất, lần lượt là 90%, 12,5 rễ/cây và rễ dài 3,5 cm khi bổ sung 1 mg/L IBA vào môi trường MS.

Giàng A Tiến

  1.  

KHAI THÁC GEN VÀ XÁC ĐINH ENZYME FLAVON SYNTHASE II THAM GIA TRONG SINH TỔNG HỢP FLAVON BẰNG PHÂN TÍCH HỆ PHIÊN MÃVÀ LẬP NHÁNH FLAVONOID MỤC TIÊU TRONG CÂY CHRYSANTHEMUM INDICUM L.

Yanfengyang Jiang và cs.

Industrial Crops and Products. 2019; 134: 244-256

 Chrysanthemum indicum L. là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nó đã được sử dụng như một thành phần trong các loại thuốc cổ truyền, trà và thực phẩm chức năng vì có chứa nhiều hoạt tính sinh học chống viêm và chống oxy hóa. Các hoạt tính sinh học này thường có liên quan đến các flavonoid như apigenin, luteolin và linarin ở C. indicum. Tuy nhiên, con đường sinh tổng hợp vẫn chưa được khám phá và điều tra. Trong nghiên cứu này, bằng cách sử dụng phân tích phiên mã và lập nhánh trao đổi chất mục tiêu từ năm mô khác nhau, chúng tôi mô tả mức độ flavonoid và khai thác các gen tương ứng liên quan đến sinh tổng hợp flavonoid. Phân tích phiên mã cho thấy 103 unigen có liên quan đến con đường sinh tổng hợp flavonoid. Flavone synthase (FNS) là enzym chính chịu trách nhiệm tổng hợp flavon và tạo ra tiền chất cho sinh tổng hợp acacetin và linarin. GenFNS Ⅱ giả định, có số lần đọc cao nhất/Kilobase/triệu lần đọc đã được lập bản đồ Reads Per Kilobase per Million mapped reads - RPKM) ở hoa và nụ hoa đã được nhân bdòng. Phản ứng chuỗi polymerase RT-PCR định lượng đã cho thấy CiFNSⅡ biểu hiện tương tự với biểu hiện trong bản phiên mã RPKM. Ngoài ra, một nhánh trao đổi chất mục tiêu của ba flavanon (naringenin, eriodictyol và liquiritigenin), ba flavon (apigenin, luteolin và 7,4′-dihydroxyflavon) và hai dẫn xuất flavon (linarin và acacetin) đã được thực hiện để đặc trưng phân bố của các flavonoid này trong các mô khác nhau của C. indicum. Protein tái tổ hợp  FNSⅡ được biểu hiện trong nấm men có thể xúc tác quá trình chuyển đổi ba flavanon thành flavon tương ứng. Dựa trên phân tích phiên mã, nhánh trao đổi chất và thử nghiệm hoạt động, con đường sinh tổng hợp linarin được đề xuất. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp cái nhìn sâu sắc về ứng dụng tiềm năng của chọn  giống phân tử và kỹ thuật trao đổi chất để cải thiện chất lượng Cúc hoa vàng được trồng.

Giàng A Tiến

  1.  

PHÁT SINH LOÀI, DI TRUYỀN VÀ THÍCH ỨNG SINH THÁI CỦA NHÓM CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM )

Xu Wang và cs.

Medicinal Plant Biology. 2023; 2 (17)

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) là một loài thuộc họ Asteraceae và hoa khô của nó đã được sử dụng trong suốt hàng nghìn năm theo y học cổ truyền Trung Quốc. Nhóm cúc hoa vàng chứa cả tế bào lưỡng bội và đa bội (chủ yếu là tứ bội) và cũng có giống C. indicum var. aromaticum Q.H.Liu et S.F.Zhang là loài đặc hữu của vùng rừng Shennongjia. Ngoài ra, hai loài C. nankingense (Hand.-Mazz.) X.D.Cui và C. lavandulifolium (Fisch. ex Trautv.) Makino thể hiện mối liên quan tiến hóa mạnh mẽ nhất với loài C. indicum và sự lai tạo tự nhiên giữa chúng là phổ biến. Do phạm vi tự nhiên rộng lớn của nhóm cúc hoa vàng ở Trung Quốc bao gồm nhiều quần thể địa lý sinh thái, nên có một số lượng biến đổi đáng kể về hình thái và cấu trúc trao đổi chất của nó. Ở đây, chúng tôi đã xem xét những triển vọng về phát sinh loài, di truyền quần thể và sự thích nghi sinh thái của nhóm cúc hoa vàng, cũng như những nghiên cứu liên quan đến bộ gen và gen chức năng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế phân tử làm cơ sở cho sự biến đổi kiểu hình và phân bố địa sinh học của nhóm này. Để nâng cao các ứng dụng y học của nguồn tài nguyên nhóm cúc hoa vàng, nghiên cứu trong tương lai cần tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết mối quan hệ loài phức tạp, phân tích mạng lưới điều hòa phiên mã của các thành phần có hoạt tính và tăng cường chọn giống liên kết dữ liệu omics.

Hán Đức Lương

  1.  

CÚC HOA, MỘT CHI CÂY CẢNH CÓ GIÁ TRỊ Y HỌC ĐÁNG KỂ: TỔNG QUAN

Hanieh Hadizadeh và cs.

South African Journal of Botany. 2022 Jan; 144: 23-43

Cúc hoa (Chrysanthemum) là một chi hai lá mầm thuộc họ Asteraceae. Những cây thân thảo hàng năm hoặc lâu năm này có nguồn gốc từ Đông Á và có giá trị làm cảnh, làm thuốc, môi trường công nghiệp. Các hoa là một trong những loại cây trồng lấy hoa có giá trị nhất trên thế giới và cực kỳ phổ biến vì có nhiều màu sắc và cấu trúc hoa. Cúc hoa từ lâu đã được ca ngợi trong lịch sử y học cổ truyền Trung Quốc và tiếp tục được sử dụng làm thuốc quý, làm phụ gia thực phẩm hoặc trà thảo dược. Các hợp chất hóa học khác nhau, bao gồm flavonoid, terpenoid, polysaccharid và acid béo không bão hòa đã được xác định trong chi các hoa. Chi này cũng có nhiều đặc tính sinh học bao gồm chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống ung thư, chống dị ứng, chống béo phì, điều hòa miễn dịch, hoạt tính bảo vệ gan và thận. Trong bài tổng quan này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu sâu rộng về tiềm năng điều trị, hóa thực vật và hoạt tính dược lý của chi cúc hoa, đặc biệt tập trung vào việc giới thiệu các hợp chất mới được phân lập thông qua các bằng chứng khoa học được tóm tắt công bố trong khoảng thời gian 10 năm (2010–2020) . Các đặc điểm phân loại, phân bố, canh tác và công dụng truyền thống của chi này cũng được giới thiệu. Hơn nữa, những khoảng trống nghiên cứu trong nghiên cứu dược lý và hóa thực vật, cũng như các cơ hội trong tương lai cho việc khai thác dược liệu của chi Chrysanthemum  đã được thảo luận.

Hán Đức Lương

  1.  

ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG ĐẾN HÀM LƯỢNG POLYPHENOL VÀ FLAVONOID TRONG LÁ CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.) VÀ BẢN ĐỒ DỰ ĐOÁN SỰ PHÙ HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA NÓ

Rei Uranishi và cs.

Lá của cúc hoa vàng được biết đến có nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học khác nhau; tuy nhiên, việc sử dụng theo mô hình công nghiệp là vô cùng hạn chế. Để khắc phục tình trạng này bằng cách sản xuất lá chất lượng cao với hàm lượng chất hoạt tính sinh học cao, nghiên cứu này đã đánh giá các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến thành phần hoạt chất và hoạt tính chống oxy hóa bằng cách sử dụng lá cúc hoa vàng được thu thập từ 22 địa điểm ở Kochi, Nhật Bản. Tổng hàm lượng phenolic và flavonoid trong lá khô dao động trong khoảng từ 15,0 đến 64,1 (mg acid gallic/g) và 2,3 đến 11,4 (mg quercetin/g), trong khi hoạt tính chống oxy hóa (EC50) của cao chiết ethanol 50% dao động trong khoảng 28,0 và 123,2 (µg/ mL) trong thí nghiệm loại bỏ gốc tự do 1,1-Diphenyl-2-picrylhydrazyl. Trong số các hợp chất được xác định, acid chlorogen và acid 1,5-dicaffeoylquinic là thành phần chính trong lá cúc hoa vàng. Hoạt tính chống oxy hóa thể hiện mối tương quan thuận với acid 1,5-dicaffeoylquinic (R2 = 0,62) và acid 3,5-dicaffeoylquinic (R2 = 0,77). Hàm lượng của các đồng phân acid chlorogen và acid dicaffeoylquinic thay đổi đáng kể tùy theo tác động của magie trao đổi, khả năng trao đổi cation, nhiệt độ hàng năm và lượng mưa, dựa trên phân tích phương sai. Bản đồ mức độ phù hợp với môi trường sống sử dụng hệ thống thông tin địa lý và mô hình MaxEnt dự đoán các vùng rất cao và cao, lần lượt chiếm 3,2% và 10,1% tổng diện tích. Những phát hiện này có thể được sử dụng trong canh tác trong tương lai để tạo ra lá cúc hoa vàng chất lượng cao.

Hán Đức Lương

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA NGẬP ÚNG ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA HOA CÚC HOA VÀNG

Yuya Asami và cs.

Tropical Agriculture and Development. 2021; 65(1): 10-16

Ngập úng làm thay đổi môi trường đất. Lượng nước dư thừa trong đất sẽ ức chế việc cung cấp oxy cho rễ, bằng cách phát triển tình trạng thiếu oxy ở độ sâu vài cm tính từ bề mặt đất. Thiếu oxy làm chậm sự phát triển của thực vật, đôi khi dẫn đến cái chết của toàn bộ cây. Nghiên cứu này điều tra các tác động riêng rẽ hay kết hợp của ngập úng đối với sự phát triển của cây cúc hoa vàng và các thành phần hóa học của hoa cúc. Sử dụng thí nghiệm trồng cây trong chậu trong nhà kính với bốn phương pháp xử lý tress ngập úng khác nhau (ws): gây úng 1, 3, 5 và 10 ngày (ws 1, 3, 5 và 10 ngày) và tưới nước bình thường: kiểm soát (ck). Đối với ws 5 và 10 ngày, cả trọng lượng khô trên mặt đất và trọng lượng khô của rễ đều giảm ở giá trị DO dưới 5,0 mg/L. Khi bắt đầu xử lý ngập úng, sự phát triển của cây ở trường hợp gây úng 5 ngày và 10 ngày chậm lại và cuối cùng chúng chết hoàn toàn sau hai tuần. Hơn nữa, cây ở thí nghiệm gây ngập úng 5 ngày ra hoa chậm nên không thể thu hoạch hoa. Khi thời gian ngập úng kéo dài, trọng lượng khô của hoa giảm. Ngoài ra, lượng hoa của cây ở thí nghiệm gây úng 3 ngày giảm đáng kể tới 80% so với tưới nước bình thường. Tương tự, các thành phần hóa học của hoa trở nên ít hơn đáng kể đối với trường hợp gây ngập úng 3 ngày. Cuối cùng, nghiên cứu này cho thấy trọng lượng khô và các thành phần hóa học của hoa giảm đáng kể khi bị ngập úng trong 3 ngày trở lên.

Đoàn Thị Huyền Trang

  1.  

CHRYSANTHEMUM INDICUM L.: MỘT ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VỀ THỰC VẬT HỌC, HÓA THỰC VẬT VÀ DƯỢC HỌC

Yanhao Shao và cs.

The American Journal of Chinese Medicine. 2020; 48 (04): 871-897

Chrysanthemum indicum L., một thành viên của họ Compositae, là một loại cây lâu năm được sử dụng làm thuốc cổ truyền trong hơn 2000 năm ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh da bọng nước, sưng tấy, đau đớn và bệnh viêm hạch. Cho đến nay, hơn 190 hợp chất đã được phân lập và xác định từ loại cây này, bao gồm các flavonoid, terpenoid, phenylpropanoid và acid phenolic. Một số nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng, cao chiết, các đơn chất được chiết từ cúc hoa vàng có một số hoạt tính dược lý, chẳng hạn như chống viêm, chống oxy hóa, kháng vi sinh vật gây bệnh, chống ung thư, điều hòa miễn dịch và tác dụng bảo vệ gan. Tuy nhiên, những nghiên cứu về cơ chế và kiểm soát chất lượng vẫn chưa đầy đủ, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa. Trong bài báo này, những tiến bộ về thực vật học, hóa học thực vật và dược lý học của cúc hoa vàng đã được tổng quan. Chúng tôi hy vọng rằng tổng quan này có thể cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà nghiên cứu y học cổ truyền Trung Quốc, hóa thực vật, hóa học tổng hợp và hóa dược để đưa ra công dụng đầy đủcủa nguồn tài nguyên cúc hoa vàng.

Đoàn Thị Huyền Trang

  1.  

NGHIÊN CỨU THỰC VẬT HỌC VỀ BỆNH BẠC LÁ TRÊN CÂY HOA CÚC (Chrysanthemum indicum L.)

Adolf, K. M. & Ali, M. K.

Internationl Journal of Agricultural Technology. 2023; 19(3): 877-898.

Cây hoa cúc được coi là một trong những loại cây cảnh, hoa cắt cành được sản xuất trong nước và xuất khẩu gần đây. Bệnh đốm lá và bệnh bạc lá là được coi là một trong những bệnh quan trọng nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất hoa trong điều kiện nhà kính với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này đã khẳng định khả năng sử dụng các chiết xuất từ thực vật và các tác nhân sinh học như một thành phần duy nhất trong chương trình kiểm soát tổng hợp để kiểm soát bệnh đốm lá và bệnh bạc lá trên cây hoa cúc ở Ai Cập. Bệnh bạc lá đã được kiểm kê tại 3 vùng Heliopolis (HelCa), ở Darwa (MGQa) và Ezbat AlAhaly (MGQa) ở El Qanater El Khaireya, nơi các triệu chứng được tìm thấy ở dạng đốm nâu, vết bạc trên lá và thối hoa, tỷ lệ mắc bệnh (%) cũng là lần lượt là 87.15, 61.44 và 38.72%. Tổng cộng có 97 chủng nấm Alternaria spp. đã được phân lập. Trong ống nghiệm, khả năng gây bệnh được kiểm tra bằng cách cấy lá tách rời với kỹ thuật nhỏ giọt trong khoảng thời gian 7-14 ngày, trong đó tần suất các chủng phân lập có độc lực cao là (19,6%). Việc nhận dạng phân tử được thực hiện bằng cách sử dụng rDNA ITS cho 5 chủng gây bệnh phổ biến được phân lập , kết quả là Alternaria alternata, nơi quá trình nuôi cấy và định danh hình thái của MGQa–FYhd2(1-3) mà chủng phân lập có khả năng gây bệnh cao nhất là hoàn thành. Phân lập này đã được thử nghiệm với 10 dịch chiết thực vật khác nhau được chiết xuất bằng chiết xuất metanol. Dịch chiết clude cho kết quả tốt nhất với EC50 là 502,4 ppm và EC90 là 281,6 ppm trong khi dịch chiết cinnamon biểu thị giá trị EC50 là 1969,2 ppm và EC90 là 10356,1 trang/phút. Việc thử nghiệm các tác nhân sinh học cho thấy phương pháp điều trị tốt nhất có tác dụng ức chế sự phát triển sợi nấm của mầm bệnh được thử nghiệm là Trichoderma harzianum (71,39%), và tiếp theo là bởi Bacillus subtilis (69,41%).

Khuất Thị Chung

  1.  

SẢN XUẤT HOA CÚC Ở BANGLADESH: TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC QUẢN LÝ BỆNH VÀ CÔN TRÙNG: TỔNG QUAN

Ahasan Ullah Khan và cs.

Journal of Multidisciplinary Applied Natural Science. 2021; 1(1): 33-43

Chrysanthemum là một loại cây trồng có hoa, cây cảnh và làm thuốc, mang lại thu nhập cao, được trồng chủ yếu vào mùa Đông. Loài cây này có tác dụng an thần, chống oxy hóa, chống viêm, chống đột biến, kháng khuẩn, chống nấm, chống tạo mạch, chống xơ vữa động mạch. Chrysanthemum đã được sử dụng hàng trăm năm trong sản xuất thuốc. Nó được sử dụng để điều trị các biến chứng về hô hấp, huyết áp cao, cường giáp và giảm viêm. Lá sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền để chữa cảm lạnh, nhức đầu, viêm phế quản, thấp khớp và sưng tấy. Cây còn có ý nghĩa thẩm mỹ. Tuy nhiên, sự bùng phát của sâu bệnh đã cản trở việc trồng cây cúc hoa ở Bangladesh. Côn trùng gây hại trực tiếp cho cây trồng bằng cách hút nhựa tế bào và gián tiếp truyền bệnh do virus dưới dạng vectơ. Giống kháng rệp có thể là công cụ hữu hiệu để sản xuất thành công cây cúc hoa. Quản lý bệnh cây trồng bền vững đối với cây cúc hoa cần xem xét nhiều đến tác động của các phương pháp quản lý đối với kinh tế, xã hội học và sinh thái bằng cách hiểu biết đầy đủ về cơ chế dịch bệnh cây trồng và hoạt động của các hệ sinh thái nông nghiệp thông thường. Những phát hiện của nghiên cứu này đưa ra những hiểu biết rõ ràng về những nỗ lực nhằm khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp quản lý sâu bệnh hại hiệu quả và sinh thái để sản xuất cúc hoa  thành công ở Bangladesh.

Khuất Thị Chung

  1.  

SẢN XUẤT CÚC HOA, BỆNH VIRUS VÀ QUẢN LÝ CHÚNG

Ruchi Gupta cs.

Virus Diseases of Ornamental Plants: Characterization, Identification, Diagnosis and Management. 2021: 261-275.

Cúc hoa là loài hoa duy nhất có tầm quan trọng tiếp theo trong số các loại cây hoa trên thế giới. Ở Ấn Độ, nó được công nhận là cây hoa có tiềm năng thương mại quan trọng thứ năm. Nó rất linh hoạt, có thể trồng trong chậu, dùng để làm vòng hoa và cũng có thể làm hoa cắt cành để cắm hoa. Ở Ấn Độ, các giống hoa lớn được trồng với mục đích trưng bày trong khi các giống hoa nhỏ được trồng để cắt cành hoa, làm vòng hoa, veni và các lễ vật tôn giáo. Ngoài hoa cảnh, hoa cúc còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất tốt. Các chất chiết xuất hóa học quan trọng nhất của hoa cúc bao gồm flavonoid, betain, cholin và vitamin B1. Bởi vì các giống ưu tú thường được nhân giống sinh dưỡng nên nguy cơ lây lan mầm bệnh nấm, vi khuẩn, và virus là rất cao. Một số loại virus được cho là lây nhiễm trên cúc hoa gây ra bệnh lành tính, còi cọc, nhiễm clo, triệu chứng khảm và đốm. Hậu quả là điều này đã dẫn đến những tổn thất về chất và lượng, gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong sản xuất cúc hoa  trên toàn thế giới. Một số loại virus ảnh hưởng đến sản xuất cúc hoa là: - Virus gây bệnh cúc hoa  B (CVB), virus gây hoại tử thân cúc hoa (CSNV), virus làm còi cọc cúc hoa (CSVd), virus khảm dưa chuột (CMV), virus aspermy cà chua (TAV), bệnh héo đốm cà chua virus (TSWV), virus khoai tây và Begomovirus. Việc quản lý các bệnh do virus nói chung tương tự như các biện pháp sử dụng cho các mầm bệnh khác, ngoại trừ việc các hóa chất vẫn chưa được ứng dụng nhiều trong các bệnh do virus, mặc dù chúng có thể được sử dụng để phòng trị các vectơ truyền bệnh. Hơn nữa, các vectơ liên quan đến các bệnh do virus cũng gây ra vấn đề phức tạp trong việc quản lý chúng. Sản xuất hoa và cây cảnh không ngừng tăng trưởng do cơ cấu thị trường được cải thiện, sức mua của người dân và người sản xuất tăng, đa dạng hóa chủng loại, phổ biến công nghệ sản xuất mới và chuyên nghiệp hóa của các thành viên trong chuỗi sản xuất của Brazil. Các yếu tố như số lượng cây, di truyền và môi trường là những yếu tố quyết định việc tạo ra những cành hoa có chất lượng. Chất lượng này có thể được đánh giá bằng chiều dài, độ cứng và thân cây khỏe mạnh, đường kính và mức độ nở hoa.

Khuất Thị Chung

  1.  

TỶ LỆ MẮC VÀ MỨC ĐỘ NGHIÊM TRỌNG CỦA BỆNH TÀN LỤI HOA CÚC Ở ANDHRA PRADESH, ẤN ĐỘ

A Snehalatharani & cs.

The Pharma Innovation Journal. 2022; 11(7): 1348-1351

Cúc hoa, một loại hoa truyền thống của bang Andhra Pradesh, đang được trồng chủ yếu để lấy hoa và cây trồng trong chậu. Việc canh tác quanh năm trong điều kiện được bảo vệ đã giúp cây trồng này trở thành cây trồng thương mại để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bệnh bạc  hoa cúc (Hay bệnh lụi hoa) là một trong những bệnh quan trọng và mới xuất hiện làm ảnh hưởng đến sản xuất hoa trên toàn thế giới. Nhiều sinh vật được cho rằng có khả năng gây bệnh nhưng Phoma ligulicola là tác nhân gây bệnh chiếm ưu thế nhất. Trong nghiên cứu này, một cuộc điều tra đã được thực hiện để đánh giá mức độ phổ biến của bệnh bạc hoa ở các huyện Đông Godavari, Chittoor và Visakhapatnam của bang Andhra Pradesh trong vụ 2019-20 và 2020-21, cây trồng được trồng cả trên đồng ruộng hay  điều kiện có kiểm soát. Bốn ngôi làng được khảo sát từ hai điểm trong mỗi huyện và tính toán phần trăm tỷ lệ mắc bệnh trên hoa và phần trăm mức độ nghiêm trọng của bệnh trên lá. Bệnh xảy ra ở tất cả các huyện khảo sát và có cường độ khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh (48,40%) và mức độ nghiêm trọng (28,28%) được cho là cao nhất ở quận Đông Godavari khi so sánh với các quận Chittoor và Visakhapatnam. Tỷ lệ mắc bệnh bạc hoa và mức độ nghiêm trọng khác nhau giữa các huyện và mức độ khác nhau giữa các huyện. Trong số sáu điểm được khảo sát, điểm Kadiyam của quận Đông Godavari có tỷ lệ mắc bệnh trung bình cao nhất (61,12%) và mức độ nghiêm trọng (33,69%). Người ta nhận thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh (88,42%) và mức độ nghiêm trọng (39,57%) cao hơn trong điều kiện được bảo vệ nói chung và ở huyện Đông Godavari nói riêng khi so sánh với điều kiện ngoài đồng, tức là tỷ lệ mắc bệnh 44,12% và mức độ nghiêm trọng của bệnh là 29,36%. Đánh giá đúng bệnh cùng với việc xác định các ttacs nhân gây bệnh giúp áp dụng các biện pháp quản lý tốt hơn.

Khuất Thị Chung

  1.  

CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM ) VÀ CÚC MÂM XÔI (CHRYSANTHEMUM MORIFOLIUM): THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TINH DẦU VÀ TIỀM NĂNG SỬ DỤNG CỦA  CHÚNG NHƯ CHẤT BẢO QUẢN TỰ NHIÊN CÓ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN VÀ CHỐNG OXY HÓA

Fadia S. Youssef và cs.

Food. 2020; 9: 1-18 

Thành phần của tinh dầu cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) và cúc mâm xôi (Chrysanthemum morifolium) đã được nghiên cứu so sánh bằng cách sử dụng cả phương pháp phân tích sắc ký khí/máy dò ion hóa ngọn lửa (GC/FID) và sắc ký khí/khối phổ (GC/MS). Hoạt tính kháng virus được xác định bằng cách sử dụng kỹ thuật trung hòa chống lại ba loại virus phổ biến là herpes simplex type-1 (HSV-1), viêm gan A (HAV) và virus viêm miệng (VSV). Hoạt tính kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán và pha loãng trên thạch và xác định giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Ngoài ra, việc đánh giá khả năng chống vi khuẩn mycobacteria được thực hiện bằng xét nghiệm Alamar blue và tác dụng chống lại Helicobacter pylori đã được nghiên cứu. Hoạt tính chống trypanosomal được đánh giá bằng phương pháp resazurin. Các phương pháp sắc ký khí cho thấy camphor là thành phần chính của cả hai loại dầu, chiếm lần lượt 36,69 và 14,56% trong tinh dầu từ cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum ) và cúc mâm xôi (Chrysanthemum morifolium). Hoạt tính sinh học của tinh dầu từ Chrysanthemum indicum mạnh hơn trong tất cả các thí nghiệm; nó thể hiện hoạt tính kháng trypanosomal đáng chú ý với giá trị IC 50 bằng 45,89 μg/mL và hoạt tính kháng khuẩn đáng chú ý so với Streptococcus agalactiae với giá trị MIC là 62,5 μg/mL. Nó cũng ức chế sự sao chép của VSV với giá trị IC 50 là 3,14 μg/mL. Cả hai loại dầu đều thể hiện khả năng chống oxy hóa với giá trị IC 50 lần lượt là 2,21 và 2,59 mg/mL đối với C. indicum và C. morifolium . Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng ngoài việc sử dụng truyền thống cả cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) và cúc mâm xôi (Chrysanthemum morifolium) làm chất chống nhiễm trùng. Vì vậy, chúng có thể được sử dụng làm gia vị trong thực phẩm và có thể được kết hợp trong các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm khác nhau như chất bảo quản tự nhiên có khả năng chống oxy hóa.

Vàng Dùng Thề

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA CYCOCEL VÀ PACLOBUTRAZOL ĐỐI VỚI ĐẶC ĐIỂM LÙN CỦA CÚC HOA VÀNG (CHRYSANTHEMUM INDICUM L.)

Ahmed Elateeqorcid và cs.

Al-Azhar Journal of Agricultural Research. 2021; 46(2): 41-50

Cúc hoa vàng là một trong những cây trồng cảnh quan trọng nhất trên toàn thế giới có thể được sản xuất dưới dạng cả cây trồng trong chậu và hoa cắt cành. Trong bài báo này, một thí nghiệm trong chậu đã được thực hiện để nghiên cứu ảnh hưởng của các mức độ khác nhau của cycocel (1500, 3000 và 6000 ppm) và paclobutrazol (25, 50 và 75 ppm) đến đặc điểm lùn của cây cúc hoa vàng khi trồng dưới dạng cây trồng trong chậu. Việc phun thuốc làm lùn, cycocel (CCC) và paclobutrazol (PPP), ) được bắt đầu 4 tuần sau khi cành giâm được trồng và lặp lại 2 tuần sau đó. Sau khi áp dụng CCC và PPP, các đặc tính sinh trưởng và ra hoa cũng như sắc tố của lá cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các công thức. Việc sử dụng chất ức chế sinh trưởng có tác động tích cực đến việc giảm chiều cao cây và tăng số chồi, thời gian ra hoa và số lượng hoa trên mỗi cây. Hơn nữa, hàm lượng chất diệp lục và carotenoid được tăng cường ở những cây được phun CCC và PPP ở mọi nồng độ. Tóm lại, mức CCC trung bình và thấp (1500 và 3000 ppm) và PPP (25 và 50 ppm) có tác dụng mong đợi  trong việc điều khiển các chỉ tiêu sinh  trưởng của cúc hoa vàng, do đó cải thiện đặc điểm lùn và tăng giá trị thương mại của cúc hoa vàng đối với ngành trồng cây hoa trang trí trồng trong chậu.

Tô Thị Ngân

  1.  

NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG TỰ NHIÊN LOÀI CHRYSANTHEMUM INDICUM L.

Fang Yu và cs.

China Journal of Chinese Materia Medica. 2019; 44(4): 636-640

Nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết cho sự hình thành nguồn tài nguyên và chất lượng cúc hoa, sự khác biệt về sinh học, sinh thái, năng suất và chất lượng của quần thể Ch. indicum trong canh tác bán tự nhiên, trồng trọt và hoang dã đã được phân tích và so sánh trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy về mặt sinh học, không có sự khác biệt đáng kể giữa điều kiện chăm sóc bán tự nhiên và trồng trọt Ch. indicum về  chiều cao cây, cả hai đều cao hơn đáng kể so với Ch. indicum hoang daị. Ở khía cạnh sinh thái, trong điều kiện chăm sóc bán tự nhiên ít xảy ra hiện tượng úng nước hơn Ch. indicum được trồng thâm canh. Trong điều kiện chăm sóc ngoài bán tự nhiên, cây trồng ít có khả năng xảy ra bệnh và côn trùng gây hại hơn so với Ch. indicum trong điều kiện hoang dã. Về khía cạnh sản xuất, sản lượng trung bình của mẫu ở điều kiện chăm sóc bán tự nhiên cao hơn đáng kể so với điều kiện canh tác thâm canh và thí nghiệm tự nhiên. Không có sự khác biệt đáng kể giữa ba điều kiệnvề đặc điểm của cum hoa đầu phân đôi  , hàm lượng buddleosid của loài Ch. indicum hoang dại cao hơn đáng kể so với mức 0,80% theo yêu cầu của Dược điển Trung Quốc (ấn bản 2015). Vì vậy, việc bổ sung và quản lý nhân tạo thích hợp đối với việc chăm sóc tự nhiên là một phương thức sản xuất nhằm tăng mật độ quần thể Ch. indicum và thu được dược liệu chất lượng cao và năng suất cao.

Nguyễn Khương Duy

  1.  

PHÂN TÍCH DI TRUYỀN SỰ BIẾN ĐỔI HÌNH THÁI CỦA CÁNH HOA PHỤ CỦA  CHRYSANTHEMUM INDICUM

Ren Jiang – Shan và cs.

Jiangsu Journal of Agricultural Sciences. 2022; 38(4): 1085-1091

Hoa con là một phần quan trọng của cụm hoa đầu với hoa cúc, đồng thời, sự biến đổi hình thái của nó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự đa dạng về loại cánh và hình dáng hoa trong hoa cúc. Tuy nhiên, nguồn gốc và quy luật di truyền của hoa con c với các hình thái khác nhau vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Chrysanthemum indicum là nguồn bố mẹ quan trọng của cúc hoa trồng.). Chúng tôi đã thu được một đột biến cúc hoa (C. Indicum) thông qua điều tra nguồn gen trong giai đoạn trước đó, và loại hoa cúc đột biến này có ba loại cánh trên một cụm hoa cùng một lúc, như loại phẳng, loại muỗng và loại ống. Đặc điểm trên đã không thay đổi sau khi nhân giống bằng phương pháp giâm hom và được đặt tên là dòng  CIZ. Trong nghiên cứu này, một quần thể lai của thế thệ lai F1 của dòng CIZ và dòng  CIW hoang dã đã được xây dựng. Quy luật di truyền của sự biến đổi hình thái hoa con đã được nghiên cứu dựa trên mức độ hợp nhất của ống hoa (CTMD) của thế hệ con cháu. Ngoài ra, loại cánh của thế hệ con cháu lai giữa dòng CIZ (cây mẹ) và sáu dòng hoa cúc có cánh phẳng được chọn lựa (cây bố) đã được đếm để nghiên cứu về  sự di truyền của đặc điểm đột biến của loại cánh hoa và khả năng sử dụng dòng CIZ trong chọn giốngdạng cánh hoa.

Mặt khác, loại cánh của cây tái sinh đã được quan sát để khám phá xem sự đột biến loại cánh hoa có phải là một tính trạng khảm, sử dụng hoa con của ba loại cánh khác nhau như loại phẳng, loại muỗng và loại ống làm vật liệu nhân giống. Kết quả cho thấy, loại cánh phẳng là loại có ưu thế trong thế hệ F1 lai giữa dòng CIZ và dòng CIW. CTMD của quần thể F1 đã cho thấy một phân phối lệch về hướng của giá trị thấp. Các thế hệ lai giữa dòng CIZ và các dòng hoa cúc có cánh phẳng đã cho thấy sự phân tầng của đặc điểm loại cánh, và dòngcCIZ có thể được sử dụng như một nguồn vật liệu quan trọng cho việc cải tiến và lai tạo các loại hoa cúc. Các cây tái sinh của dòng CIZ có ba loại cánh (loại phẳng, loại muỗng và loại ống) của dòng CIZ đã cho thấy loại cánh hỗn hợp sau khi ra  hoa, và không có sự khác biệt đáng kể về giá trị CTMD trung bình, cho thấy biến đổi xảy ra ở giai đoạn đầu của sự phát triển hoa và không phải là một đặc điểm khảm. Nghiên cứu này cung cấp thông tin quan trọng cho việc nghiên cứu cơ chế di truyền của sự biến đổi hoa con và cải tiến và chọn giống hình dáng cánh hoa cho cây họ Compositae.

Nguyễn Văn Tâm

  1.  

TẠO CÁC TÌNH TRẠNG CỤM HOA MỚI Ở Chrysanthemum THÔNG QUA CHIẾU XẠ gamma 60Co

Mohit Kumar Setia và cs.

International Journal of Radiation Biology. 2020; 96(10): 1309-1316

Tính mới về màu sắc hoa hoặc cụm hoa đầu được nhận biết là một đặc điểm có giá trị của cúc hoa - một loại hoa thương mại tiềm năng có giá trị quan trọng trong thương mại hoa cắt toàn cầu. Nghiên cứu này đã được tiến hành để chiếu xạ các giống hoa cúc màu trắng và màu cam với mục tiêu xác định và phân lập các dạng giống mới có tính trạng mong muốn về màu sắc hoa con và cụm hoa từ các quần thể đã được chiếu xạ. Các đoạn hom cắt có  rễ của cúc hoa được chiếu  xạ tia gamma ở liều lượng 10 hoặc 15 Gy đã được xác định có hiệu quả để kích thích các biến thể màu sắc hoa mới trong các giống Thiching Queen và Purnima. Các thế hệ đột biến có các đặc điểm hình thái cụm hoa mới của các giống này sẽ làm phong phú thêm nguồn gen hiện có của cúc hoađể sử dụng trong các chương trình chọn giống tiếp theo.

Nguyễn Văn Tâm

 

 

 

II

Đảng sâm nam

  1.  

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC THÔNG SỐ XỬ LÝ KHÁC NHAU ĐẾN HÀM LƯỢNG POLYPHENOL, FLAVONOID VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CAO CHIẾT RỄ ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

 

Tri Nhut Pham và cs.

Natural Product Communications. 2020; 15(9)

Rễ của một loại cây giống nhân sâm có tên đảng sâm nam (Codonopsis javanica, CJR) là một thành phần có giá trị trong y học dân gian với đặc tính sinh học đa dạng và đã được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh khác nhau, bao gồm bệnh bạch cầu, viêm và viêm gan. Nghiên cứu này nhằm mục đích tối ưu hóa các thông số khác nhau liên quan đến quá trình chiết xuất rễ đảng sâm nam về hàm lượng phenolic tổng (TPC), hàm lượng flavonoid tổng và hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết CJR thu được. Trước tiên, chúng tôi thực hiện một loạt nghiên cứu đơn yếu tố lấy các điều kiện sấy và các thông số chiết khác nhau như kích thước nguyên liệu, dung môi chiết, nồng độ dung môi, nhiệt độ chiết, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi, số lần chiết và tốc độ khuấy là các yếu tố thay đổi. Sau đó, phương pháp bề mặt đáp ứng đã được áp dụng với thiết kế hỗn hợp trung tâm để tối ưu hóa hơn nữa quá trình chiết xuất nhằm tối đa hóa TPC. Chúng tôi nhận thấy rằng việc sử dụng phương pháp sấy đối lưu ở 70°C trong 8 giờ đã cho dịch chiết có hoạt tính TPC và hoạt tính chống oxy hóa cao nhất. Các thông số chiết tối ưu được tìm ra như sau: ethanol với nồng độ dung môi là 56,0%, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/38,0 g/mL, thời gian chiết 67,2 phút, kích thước nguyên liệu ≤ 0,5 mm, nhiệt độ 60°C, qua 1 chu kỳ chiết với tốc độ khuấy 300 vòng/phút. Trong các điều kiện tối ưu hóa, giá trị thử nghiệm của TPC là 2,9 mg acid gallic tương đương (GAE)/g trọng lượng khô (DW), khá gần với giá trị được mô hình dự đoán (2,8 mg GAE/g DW). Giá trị IC50 được xác định bằng các thử nghiệm bắt gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl và 2,2′-azino-bis(3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid của cao chiết CJR thu được trong các điều kiện tối ưu lần lượt là 1042,3 và 299,0 µg/mL.

Phan Thanh Thủy và Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM CỦA QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Ở QUY MÔ PILOT

Tri Nhut Pham và cs.

IOP Conference Series Materials Science and Engineering. 2021; 1092(1): 012077

Đảng sâm nam (Codonopsis javanica) là cây thuốc có giá trị kinh tế cao. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy trình được báo cáo trước đây để sản xuất cao chiết rễ C. javanica bằng cách kiểm tra giai đoạn cô đặc để tạo ra cao khô. Sau đó, ảnh hưởng của các điều kiện bảo quản được đánh giá và quy trình chiết ở quy mô pilot được so sánh với quy trình ở quy mô phòng thí nghiệm. Các quy trình này đã được nghiên cứu liên quan đến các thông số chất lượng chiết xuất khác nhau bao gồm hàm lượng polyphenol tổng (TPC), hàm lượng flavonoid tổng (TFC), hoạt tính chống oxy hóa  (thử nghiệm DPPH và ABTS). Điều kiện tốt nhất cho quá trình cô đặc là thời gian 120 phút, nhiệt độ 60°C. Hiệu suất chiết xuất C. javanica ở quy mô pilot cho thấy sự khác biệt khoảng 20% ​​và cao khô C. javanica sẽ giữ được chất lượng tốt nhất khi bảo quản ở nhiệt độ 5°.

Phan Thanh Thủy và Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

MỘT SỐ HỢP CHẤT POLYACETYLEN VÀ PHENOLIC TỪ RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Toan Phan và cs.

Natural Product Research. 2020; 36(872): 1-7

Nghiên cứu thành phần hóa học về rễ đảng sâm nam (Codonopsis javanica) đã phân lập được 12 hợp chất, bao gồm một polyacetylen mới, codojavanyol (1), một phenolic glycosid mới, codobenzylosid (7), và 10 hợp chất đã biết, 2E,8E)-9-(tetrahydro-2H-pyran-2-yl)nona-2,8-diene-4,6-diyl-1-ol (2), lobetyol (3), lobetyolin (4), lobetyolinin (5), cordifolioidyn B (6), benzyl-α-L-arabinopyranosyl (1-6)-β-D-glucopyranosid (8), (Z)-8-β-D-glucopyranosyloxycinnamic acid (9), syringin (10), syringaresinol (11), và tryptophan (12). Cấu trúc của chúng được làm sáng tỏ bằng phân tích phổ 1 D và 2 D NMR và phổ khối (MS) so với dữ liệu được báo cáo trong tài liệu tham khảo. Cấu trúc lập thể của vị trí  C-2’ của chất 1 được xác định dựa trên tính toán lưỡng sắc tròn điện tử (ECD) theo lý thuyết chức năng mật độ phụ thuộc thời gian (TDDFT). Trong số các chất phân lập, các hợp chất 3-5 được chứng minh là có độc tính tế bào yếu đối với ba dòng tế bào ung thư biểu mô ở người, bao gồm tế bào ung thư phổi (A549), gan (HepG2) và vú (MCF7), với khả năng gây chết tế bào từ 41,4 đến 55,6% ở nồng độ 100 µM.

Trần Anh Quang

  1.  

CODOJAVANOSIDES A-C, BA SESQUITERPENOID GLYCOSID MỚI TỪ RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Toan Phan và cs.

Phytochemistry Letters. 2020; 40: 166-170

Nghiên cứu hóa thực vật rễ của đảng sâm nam (Codonopsis javanica) đã phân lập được 12 chất chuyển hóa thứ cấp , bao gồm ba glycosid sesquiterpenoid mới, được đặt tên là codojavanosid A-C ( 1-3 ) và chín hợp chất đã biết, (3 R ,6 E ,10 S )-2,6,10 -trimethyl-3-hydroxydodeca-6,11-diene-2,10-diol ( 4 ), ( E )-2-hexenyl O - β - d -glucopyranosid ( 5 ), oct-1-en-3-ol O - α - l -arabinopyranosyl-(1′′→6′)- O - β - d -glucopyranosid ( 6 ), ( Z )-3-hexenyl O - α - l -arabinopyranosyl-(1→6)- β - d -glucopyranosid ( 7 ), tangshenosid I ( 8 ) và II ( 9 ), tangshenosid V ( 10 ) và VI ( 11 ), và corchoionosid C ( 12 ). Cấu trúc của chúng được xác định bằng các phân tích toàn diện về phổ NMR 1D và 2D cũng như phổ khối. Đánh giá tác dụng gây độc tế bào của chúng đối với ba dòng tế bào ung thư ở người, bao gồm phổi (A549), gan (HepG2) và vú (MCF7) cho thấy các hợp chất 1 , 2 , 4 và 11 biểu hiện độc tính tế bào yếu đối với dòng tế bào A549, với  khả năng gây chết tế bào trong khoảng từ 40,8–66,4 % ở nồng độ 100 μM.

Phạm Anh Minh và Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

CHIẾT XUẤT RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA) VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA ENZYME

Danh C. Vu và cs.

Chemical Engineering Transactions. 2022; 97: 553-558

Đảng sâm nam (Codonopsis javanica, CJ) chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học có giá trị khác nhau và là một loại dược liệu rẻ hơn so với các loài nhân sâm khác. Trong nghiên cứu này, rễ Đảng sâm nam được ngâm nước nóng trong bể điều nhiệt để chiết xuất. Các thí nghiệm được thực hiện dựa trên sự thay đổi hàm lượng enzyme α-amylase, nhiệt độ chiết và thời gian khảo sát. Hàm lượng polyphenol, saponin và khả năng chống oxy hóa bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH được xác định bằng phương pháp đo quang phổ. Kết quả cho thấy điều kiện chiết tối ưu thu được khi bổ sung 1% enzyme α-amylase ở 90oC trong 3,5 giờ. Dịch chiết CJR thu được từ thí nghiệm sử dụng enzyme α-amylase cho thấy hàm lượng TPC, saponin, khả năng chống oxy hóa bởi DPPH và 0 Brix cao hơn so với dịch chiết của quá trình không xử lý enzyme. Phương pháp chiết bằng enzyme trong nước có thể được coi là một giải pháp thay thế tiềm năng cho các phương pháp chiết bằng dung môi thông thường và trở nên phổ biến hơn như một kỹ thuật chiết xuất hiệu quả, bền vững, không độc hại và thân thiện với môi trường.

Phạm Anh Minh, Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

OCTANEDIOL VÀ CÁC POLYACETYLEN GLYCOSID TỪ RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Nong Thi Anh Thu và cs.

Phytochemistry Letters. 2023; 53: 189-193

Hai octanediol glycosid mới, 1,7-octanediol 1 -O - α - L -arabinopyranosyl-(1→6)- β - D -glucopyranosid ( 1 ) và 1,6-octanediol 1 -O - α - L -arabinopyranosyl- (1→6)- β - D -glucopyranosid ( 2 ), một polyacetylen glucosid mới, (2 E )-tetradec-2-en-4,6-diyn-1,8,9,14-tetrol 8- O - β - D -glucopyranosid ( 3 ) và tám hợp chất đã biết, ( E )− 2-hexenyl O - α - L -arabinopyranosyl-(1→6)- β - D -glucopyranosid ( 4 ), ( E )− 2-hexenyl O - β - D -glucopyranosid ( 5 ), ( Z )− 3-hexenyl O - α - L -arabinopyranosyl-(1→6)- β - D -glucopyranosid ( 6 ), ( Z )− 3-hexenyl O - β - D -glucopyranosid ( 7 ), cordifolioidyn B ( 8 ), 1-(1- β - D -glucopyranosyl)− 1 H -indole-3-carbaldehyd ( 9 ), tangshenosid II ( 10 ), và (6  S , 9  S )-roseosid ( 11 ) được phân lập từ dịch chiết  methanol của rễ cây đảng sâm nam [Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. & Thomson]. Cấu trúc của các hợp chất này được xác định bằng phân tích quang phổ NMR 1D &2D, HR-ESI-MS và bằng cách so sánh với dữ liệu NMR được báo cáo trong công bố trước đây. Tất cả các hợp chất được đánh giá về tác dụng gây độc tế bào bằng thử nghiệm MTT đối với dòng tế bào ung thư gan người (HepG2). Không ghi nhận hoạt tính gây độc tế bào của các hợp chất phân lập (IC 50 >100 μg/mL).

Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Hữu Thìn

  1.  

ỨNG DỤNG QUY TRÌNH SẤY ĐỐI LƯU SẢN XUẤT BỘT TRÀ HÒA TAN TỪ CAO CHIẾT RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Nhan Nguyen và cs.

Materials today: Proceedings. 2022; 56(3): 1461-1467

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm ứng dụng dịch chiết đảng sâm nam (Codonopsis javanica) vào quy trình sản xuất trà hòa tan bằng công nghệ sấy đối lưu. Đặc tính của bột thu được bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm nồng độ maltodextrin 30%, 40%, 50% và 60% (w/w); nồng độ dịch chiết 5%, 10%, 15% và 20% (w/w); thời gian sấy là 15 h, 20 h và 25 h và nhiệt độ sấy là 60°C, 70°C và 80°C. Kết quả phù hợp cho thấy các thông số là maltodextrin 40%, dịch chiết 10% và điều kiện sấy ở 70°C trong 15 giờ. Kết quả, các tính chất lý hóa của sản phẩm trà hòa tan được phân tích về độ ẩm (%), hàm lượng phenolic tổng (mg GAE/g mẫu) và độ hòa tan (%) đạt các giá trị lần lượt là 2,463; 0,537 và 97,12. Sản phẩm cuối cùng đạt loại tốt với số điểm 15,32 trên tổng điểm tối đa 20 điểm theo tiêu chuẩn ISO 3215-79. Việc sản xuất trà hòa tan C. javanica bằng phương pháp/công nghệ sấy đối lưu có thể cho ra một sản phẩm tốt cho sức khỏe và mang lại tiềm năng ứng dụng cao trong ngành đồ uống trong tương lai.

Nguyễn Phú Quang

  1.  

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN TINH DẦU CỦA LÁ CÂY LAN KIM TUYẾN (ANOECTOCHILUS SETACEUS), ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA) VÀ MÃ ĐÂU LINH LÁ TO (ARITOLOCHIA KWANGSIENSIS) THU HÁI Ở VIET NAM

Tran M.Hoi và cs.

Records of Natural Product. 2019; 13(3): 281-286

Có rất ít báo cáo về hóa học thực vật của lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume), đảng sâm nam (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f.) và loài mã đâu linh lá to (Aristolochia kwangsiensis Chun & FCHow ex S.Yun Liang). Ở đây chúng tôi trình bày thành phần tinh dầu của ba loài thực vật đặc hữu của Việt Nam. Việc phân tích thành phần hóa học của tinh dầu được thực hiện bằng cách sử dụng sắc ký khí (GC) và sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Tinh dầu của A. setaceus, C. javanicaA. kwangsiensis cho sản lượng dầu rất thấp, lần lượt là 0,12%, 0,31% và 0,10% (v/w), tính trên cơ sở trọng lượng khô. Kết quả chỉ ra rằng thành phần chính của dầu lá A. setaceus bao gồm chủ yếu là α-cadinol (17,1%), (E,E)-farnesol (14,0%) và terpinen-4-ol (11,0%) trong khi β-pinen (20,8%) và α-pinen (15,4%) là những hợp chất chính được xác định ở C. javanica. Tuy nhiên, các hợp chất quan trọng của A. kwangsiensis là sabinen (34,8%), β-caryophyllen (8,8%) và terpinen-4-ol (8,6%). Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về thành phần tinh dầu của các loài này.

Nguyễn Phú Quang

  1.  

PHÂN ĐOẠN GIÀU SAPONIN TỪ CAO CHIẾT RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA) VÀ HIỆU QUẢ CHỐNG OXY HÓA VÀ ỨC CHẾ ENZYME IN VITRO

Tường Hà Đô và cs.

Journal of Food Processing and Preservation,2021, 46(1)

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá cao chiết methanol toàn phần của rễ cây đảng sâm nam (Codonopsis javanica) và các phân đoạn từ cao chiết trên có độ phân cực tăng dần thu được bằng sắc ký cột silica gel. Kết quả cho thấy hàm lượng saponin tổng (TSC) tăng theo độ phân cực tăng dần của các dung môi sử dụng: dichloromethan : methanol với tỷ lệ thể tích 90:10 (F1); 80:20 (F2); 70:30 (F3); và 60:40 (F4). Một saponin triterpenoid, acid oleanolic (OA), đã được tìm thấy trong các cao chiết được thử nghiệm ở nồng độ trong khoảng 0,061–0,705 mg/g cao chiết. Thứ tự hàm lượng TSC và OA trong các cao chiết này tương đồng với các đánh giá khả năng chống oxy hóa khử sắt và hoạt tính chống enzym, nghĩa là F4 > F3 > F2 > F1 > CE. Nghiên cứu này đã phát hiện thành công phân đoạn C. javanica giàu saponin với tác dụng dược lý mạnh. Những phát hiện này cũng cung cấp một cơ sở dữ liệu thú vị về việc sử dụng rễ C. javanica để điều trị bệnh gút và đái tháo đường.

Lê Huỳnh Thanh Như và Trần Anh Quang

  1.  

ĐÁNH GIÁ HOẠT  TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA VÀ ỨC CHẾ α -GLUCOSIDASE CỦA CAO CHIẾT XUẤT RỄ CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA (BLUME) HOOK. F. THOM)

Nguyen Thi Thuy và cs.

VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences. September 2020; 36(3)

Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng chống oxy hóa và hoạt tính ức chế α-glucosidase của cao chiết đảng sâm nam (Codonopsis javanica) để làm sáng tỏ cơ chế của dược liệu này trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Rễ cây C. javanica được chiết xuất bằng dung môi ethanol và được lắc phân đoạn bằng các dung môi n-hexan, ethyl acetat và butanol. Cao chiết toàn phần và các cao phân đoạn được đánh giá khả năng bắt gốc tự do bằng phương pháp bắt gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl và thử nghiệm hoạt tính ức chế α-glucosidase in vitro. Kết quả nghiên cứu cho thấy phân đoạn ethyl acetate từ rễ C. javanica có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất với giá trị IC50 là 80,6 ± 2,8 µg/mL và hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase mạnh với giá trị IC50 là 80,4 ± 5 µg/mL. Những dữ liệu này cho thấy cao phân đoạn ethyl acetat từ rễ C. javanica có thể có tiềm năng ngăn ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường type 2.

Lê Huỳnh Thanh Như

  1.  

TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH CỦA POLYSACCHARID TỪ CHIẾT XUẤT RỄ ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA (Blume) Hook. f. et Thomson (HỌ HOA CHUÔNG, Campanulaceae) TRÊN CHUỘT CÁI

Lanfang Wu và cs.

Nat Prod Res. 2021 Dec; 35(24): 5883-5887

Trong nghiên cứu này, các polysaccharid thô (CJP) được thu nhận từ đảng sâm nam (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. et Thomson sử dụng phương pháp chiết nước nóng, được phân lập và tinh chế bằng cột DEAE-cellulose và cột Sepharose CL-6B. Cấu trúc của hợp chất tinh khiết được đặc trưng sơ bộ bằng sắc ký khí-khối phổ (GC-MS), sắc ký thẩm thấu gel hiệu năng cao (HPGPC) và quang phổ hồng ngoại (IR). Bằng cách khảo sát mức độ đáp ứng quá mẫn loại muộn (DTH) ở chuột và chỉ số thanh thải hạt carbon, hoạt tính điều hòa miễn dịch của CJP đã được làm rõ. Kết quả cho thấy hiệu suất chiết của CJP là 24,9 ± 0,5%. Sau khi tinh chế, thu được thành phần polysaccharid tinh sạch (CJP-2). Kết quả mô tả đặc tính cấu trúc cho thấy CJP-2 bao gồm chủ yếu là mannose, glucose và galactose, trọng lượng phân tử của CJP-2 là 790 Da. Kết quả điều hòa miễn dịch cho thấy nồng độ thấp và trung bình của CJP tăng cường đáng kể mức độ DTH ở chuột (P < 0,05). CJP có thể cải thiện chỉ số thanh thải của chuột và tăng cường chức năng loại bỏ hạt carbon. Nghiên cứu chỉ ra rằng C. javanica là một nguồn polysaccharid dồi dào và CJP có thể là một loại chất điều hòa miễn dịch mới.

Lê Huỳnh Thanh Như

  1.  

Cảm ứng và đánh giá hoạt tính chuyển hóa thứ cấp và hoạt tính chống oxy hóa ở rễ bất định của ĐẢNG SÂM NAM (CODONOPSIS JAVANICA)

Thi Huong Trinh và cs.

Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering. 2021 Dec 1; 63(4): 11-16

Trong nghiên cứu này, tác động của auxin (IBA, NAA), mẫu nuôi cấy và điều kiện nuôi cấy (sáng/tối) trên sự cảm ứng tạo rễ bất định của đảng sâm nam (Codonopsis javanica) đã được tìm hiểu. Các kết quả cho thấy điều kiện tối thích hợp cho việc cảm ứng tạo rễ bất định hơn điều kiện có ánh sáng. Tất cả ba loại mẫu nuôi cấy (lóng, lá và đốt) đều cảm ứng tạo ra rễ bất định và nồng độ auxin thích hợp là 0,5 mg/l IBA. Sau 4 tuần ủ trong điều kiện tối, tỷ lệ ra rễ và số lượng rễ/mẫu nuôi cấy của các đoạn lóng, lá và đốt trên môi trường bổ sung 0,5 mg/l IBA lần lượt là 100% và 33,87 rễ; 97,78% và 23,48 rễ; 100% và 25,20 rễ. Những rễ bất định này đã được phân tích về sự hiện diện của các alkaloid, carbohydrat, saponin, dầu nền và chất béo, phenol, flavonoid, gôm và chất nhầy. Hàm lượng polysaccharid tổng, hàm lượng phenolic tổng và hoạt tính kháng oxy hóa (IC50) của sinh khối rễ bất định C. javanica lần lượt là 16,98%; 1,876 (mg GAE/g DW) và 2,44 (mg/ml). Những kết quả này chỉ ra rằng rễ bất định của C. javanica chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học, có thể được sử dụng làm nguồn nguyên liệu để nhân giống trong các hệ thống quy mô lớn.

Hoàng Thị Phương Thảo

  1.  

NHÂN GIỐNG NHANH IN VITRO THÂN CÂY ĐẢNG SÂM NAM (CAMPANUMOEA JAVANICA BL.) THÔNG QUA CHỒI ĐA SỬ DỤNG THIDIAZURON

Liang HanZhi và cs.

Journal of Zhongkai University of Agriculture and Engineering. 2017; 30(3): 12-17 ref. 31

https://www.cabidigitallibrary.org/doi/full/10.5555/20173357702

Nhằm giải quyết vấn đề duy trì giống và khả năng tái sinh kém trong giai đoạn nhân giống đảng sâm nam (Campanumoea javanica Bl., hay Codonopsis javanica (Bl.) Hook.f.), nghiên cứu đã sử dụng mẫu vật là những đoạn thân có chồi lấy từ cây non vô trùng, môi trường cơ bản MS bổ sung với nồng độ khác nhau của 6-Benzyladenin (BA) và Thidiazuron (TDZ) để tối ưu hóa công thức điều hòa sinh trưởng thực vật (PGRs). Chồi được tạo ra bằng phương pháp ra rễ trực tiếp hoặc gián tiếp. Kết quả cho thấy sự kết hợp của 0,5 mg/L BA và nồng độ TDZ thấp (0,01-0,05 mg/L) có thể kích thích tạo ra nhiều chồi lý tưởng, đồng thời cũng có tỷ lệ phân nhánh và số lần tái canh tiềm năng cao. Công thức PGRs tốt nhất là 0,5 mg/L BA + 0,02 mg/L TDZ; ở lần tái canh thứ năm, tỷ lệ phân nhánh đạt 10,9 và số lần tái canh tiềm năng có thể lên đến 10 lần. Đối với phương pháp ra rễ, tỷ lệ và hệ số ra rễ lần lượt đạt khoảng 28,5% - 30,5% và 2,5-3,3 đối với phương pháp ra rễ trực tiếp. Trong khi đó, phương pháp ra rễ gián tiếp đạt tỷ lệ ra rễ cao hơn, 30% -100%, và hệ số ra rễ đạt 1-5,3. Để đạt hiệu quả này, chồi được xử lý trước với nồng độ IBA khác nhau, tỷ lệ và hệ số ra rễ đạt 100% và 5.3 tương ứng gốc của chồi cắt rời được ngâm vào dung dịch IBA 300 mg/L trong 15 phút. Cuối cùng, 90% cây con sống sót sau 30 ngày thích nghi. Điều này cho thấy hệ thống nhân giống nhanh chóng in vitro tối ưu được thiết lập cho Đảng sâm nam thông qua chồi đa có thể tái canh ổn định 10 lần và duy trì tỷ lệ phân nhánh là 10. Nghiên cứu cũng kết luận rằng phương pháp ra rễ gián tiếp hiệu quả hơn phương pháp trực tiếp. Bên cạnh đó, việc xử lý chồi trước với dung dịch IBA nồng độ cao trong 15 phút ở giai đoạn tiền xử lý mang lại hiệu quả ra rễ tốt nhất.

Nguyễn Thu Hằng

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)