Bản tin dược liệu

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1 NĂM 2024: BẠCH CHỈ VÀ CẨU TÍCH

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1 NĂM 2024

BẠCH CHỈ VÀ CẨU TÍCH

STT

NỘI DUNG TIN

I

Bạch chỉ

1

BẢY DẪN XUẤT 3,4-DIHYDRO-FURANOCOUMARIN MỚI TỪ CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Yang Wang và cs.

Chinese Herbal Medicines. 2023 Mar; 15(3): 457–462

Mục tiêu: Nghiên cứu thành phần hóa học của rễ cây bạch chỉ (Angelica dahurica), một loại thuốc thảo dược nổi tiếng của Trung Quốc có tên là Baizhi trong tiếng Trung.

Phương pháp: Các hợp chất được phân tách bằng nhiều phương pháp sắc ký khác nhau và cấu trúc của các hợp chất mới được xác định dựa trên việc phân tích dữ liệu quang phổ và khối phổ (1D, 2D NMR, HRESI MS, IR và UV). Cấu hình tuyệt đối của các hợp chất mới được xác định bằng hệ thống quang phổ lưỡng sắc tròn (phổ CD) và dẫn xuất hóa học. Tất cả các hợp chất phân lập được đánh giá hoạt tính ức chế sản sinh nitric oxid (NO) trên dòng tế bào đại thực bào RAW 264.7 được kích hoạt bằng lipopolysaccharid.

Kết quả: Bảy dẫn xuất 3,4-dihydro-furanocoumarin mới (1a/1b, 2a/2b, 3a/3b, 4) cùng với một furanocoumarin (5) đã được biết phân lập từ rễ của A. dahurica. Các hợp chất mới bao gồm ba cặp chất đồng phân quang học, (4S, 2ʺR)-angelicadin A (1a)/(4R, 2ʺS)-angelicadin A (1b), (4S, 2ʺS)-angelicadin A (2a)/(4R, 2ʺR)-angelicadin A (2b), và (4S, 2ʺS)-secoangelicadin A (3a)/(4R, 2ʺR)-secoangelicadin A (3b), cùng với (4R, 2ʺR)-secoangelicadin A metyl este (4). Hợp chất xanthotoxol (5) đã biết ức chế quá trình sản sinh NO với giá trị IC50 là 32,8 ± 0,8 µmol/L, nhưng tất cả các hợp chất mới đều không có hoạt tính ức chế ở nồng độ 100 µmol/L.

Kết luận: Đây là báo cáo đầu tiên về việc phân lập các hợp chất 3,4-dihydro-furanocoumarin từ A. dahurica. Các kết quả không chỉ có ý nghĩa giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về thành phần hóa học của A. dahurica mà còn làm phong phú thêm kho tàng sản phẩm tự nhiên.

Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Hữu Thìn

2

CÁC COUMARIN GLUCOPYRANOSIDE MỚI TỪ CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Ai-hong Zhao, Xiu-wei Yang

Chinese Herbal Medicines. 2018; 10(1): 1–4

Mục tiêu: Nghiên cứu thành phần hóa học của rễ cây bạch chỉ (Angelica dahurica).

Phương pháp: Các thành phần hóa học được phân lập và tinh chế bằng nhựa hấp phụ AB-8 và cột Sephadex LH-20 cũng như HPLC pha đảo bán điều chế. Cấu trúc hóa học được xác định bằng dữ liệu quang phổ.

Kết quả: Mười hợp chất đã được phân lập và xác định là xanthoarnol-3-O-β-D-glucopyranosid (1), angedahuricosid A (2), angedahuricosid B (3), isofraxidin-7-O-β-D-glucopyranosid (4), fraxidin-8-O-β-D-glucopyranosid (5), (-)-marmesinin (6), (2ʹS, 3ʹR)-3-hydroxymarmesinin (7), hyuganosid V (8), daucosterol (9) và sucrose (10).

Kết luận: Hợp chất 1–3 là những hợp chất mới và các hợp chất 4–68 lần đầu tiên được phân lập từ cây này.

Nguyễn Thị Huế

3

TỔNG QUAN VỀ CÁC GHI CHÉP LỊCH SỬ, HÓA HỌC, DƯỢC LÝ, DƯỢC ĐỘNG HỌC VÀ KHẢ NĂNG LÀM THỰC PHẨM CỦA CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Qingquan Wang và cs.

Arabian Journal of Chemistry. 2023 Apr; 16(8): 104877-104899

Tiểu sử cây: Bạch chỉ, Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook. f. ex Franch. & Sav.(AD) là một loại thảo mộc lâu năm có tên là Baizhi theo Y học Trung Quốc. Công dụng làm thuốc của loài này lần đầu tiên được ghi lại trong Thần Nông bản thảo kinh, chuyên luận về thảo dược đầu tiên ở Trung Quốc cổ đại.

Mục đích của bài tổng quan: Tổng quan này và đánh giá một cách có hệ thống về các ứng dụng trong y học cổ truyền, thực vật học, hóa học và dược lý của AD. Đánh giá này nhằm mục đích hỗ trợ các nhà nghiên cứu khám phá tiềm năng của dược liệu này như là một vị thuốc trong y học.

Nguyên liệu và phương pháp: Thông tin được thu thập từ Web of Science (https://www.webofscience.com), PubMed (https:// pubmed.ncbi.nlm.nih.gov), CNKI (https://kns.cnki.net), các luận án, luận văn, Dược điển Trung Quốc và các tài liệu của Chính phủ. Từ khóa được sử dụng trong tìm kiếm tài liệu là Angelica dahurica. Cấu trúc hóa học của các hợp chất trong AD được lấy từ các bài báo nghiên cứu hoặc PubChem. Nguồn gốc lịch sử và dược học dân tộc của AD được tổng quan chi tiết. Ngoài ra, thông tin liên quan được lấy từ các nguồn chưa được công bố trong khu vực và toàn cầu. Tên khoa học và phân loại của cây đã được xác định bằng web Medicinal Plant Name Service (http://mpns.kew.org) và trang web Plants of the World Online (https://powo.science.kew.org).

Kết quả: Theo thời gian, AD đã được sử dụng rộng rãi để làm thuốc. Imperatorin (IMP) là hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học hiện diện trong loài này. Hợp chất này có tác dụng kháng viêm, giảm đau và các tác dụng điều trị khác, và đã được sử dụng làm chất đánh dấu để đánh giá chất lượng của AD. Bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất của cây là rễ. Rễ chứa coumarin và tinh dầu dễ bay hơi. Khoa học hiện đại đã phát hiện AD có khả năng chữa lành các vết thương trên da, có tác dụng giảm đau, kháng viêm, chống khối u, chống trầm cảm, chống oxy hóa, v.v.

Kết luận: Bài báo này trình bày phân tích so sánh chi tiết từ các nguồn sẵn có, xác nhận nguồn gốc, cách sử dụng truyền thống và công dụng chữa bệnh của AD. Quan trọng nhất, AD được ứng dụng rộng rãi như một loại thuốc chữa bệnh. Các kết quả nghiên cứu cho thấy các thành phần hóa học của AD liên quan mật thiết đến hệ thần kinh trung ương và các cơ chế mô bệnh học. Hơn nữa, AD không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể dùng làm gia vị, phụ gia thực phẩm.

Nguyễn Thị Huế

4

CHIẾT XUẤT CÓ SỰ HỖ TRỢ VI SÓNG CÁC HOẠT CHẤT TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURUCA) SỬ DỤNG CÁC DUNG MÔI EUTECTIC SÂU TỰ NHIÊN (NADES)

Xizhe Liu, Feigao Li

Biomed Chromatogr. 2023 Aug; 37(8): e5639.

Trong nghiên cứu này, một phương pháp chiết xuất mới, “xanh”, hiệu quả và bền vững với sự hỗ trợ của vi sóng kết hợp với dung môi eutectic sâu (NADES) đã được thiết lập thành công để chiết xuất 5 hoạt chất coumarin quan trọng từ bạch chỉ (A. dahurica) bao gồm bergapten, oxypeucedanin, imperatorin, cnidilin và isoimperatorin. So với phương pháp chiết thông thường, hiệu suất chiết của phương pháp này được cải thiện lên 10,74%. Với tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, phương pháp xanh này sẽ là giải pháp cho sự phát triển bền vững và dẫn đến sự cải thiện ổn định trong các ngành công nghiệp tinh xảo như thực phẩm, y học và mỹ phẩm. Những phát hiện của nghiên cứu này có thể cung cấp ý tưởng có giá trị và cơ sở khoa học cho nghiên cứu sâu hơn về A. dahurica và các thành phần dược phẩm khác.

Lê Thị Loan

5

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI HÀM LƯỢNG ISOMPERATORIN, IMPERATORIN, OXYPEUCEDANIN, XANTHOTOXOL VÀ BYAKANGELICIN TRONG BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPTLC SCANNING

Hanting Yang, Qian Li

J Chromatogr Sci. 2023 Oct 3; 61(8): 717-724

Trong nghiên cứu này, một phương pháp mới định lượng đồng thời 5 hoạt chất coumarin trong bạch chỉ (Angelica dahurica) (isoimperatorin, imperatorin, oxypeucedanin, xanthotoxol và byakangelicin) nhanh chóng, đơn giản, chi phí thấp sử dụng phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao HPTLC đã được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn của Dược điển Trung Quốc. Các coumarin trong A. dahurica được chiết xuất bằng dung môi và quá trình triển khai sắc ký lớp mỏng được thực hiện trong buồng thủy tinh hai máng đã bão hòa với petroleum ether-ethyl axetat (3:2, v/v). Bản mỏng sau đó được sấy khô và phân tích bằng máy quét HPTLC ở bước sóng 254 nm. Năm hợp chất coumarin (isoimperatorin, imperatorin, oxypeucedanin, xanthotoxol và byakangelicin) đều đạt độ phân tách tốt, độ phân giải rõ ràng và đạt yêu cầu với các giá trị Rf tương ứng là 0,84, 0,69, 0,64, 0,57 và 0,19. Hàm lượng của chúng lần lượt là 0,282, 0,626, 0,393, 0,066 và 0,144. Ngoài ra, khoảng tuyến tính được xây dựng trong khoảng 0,8-4,0 μg/điểm; các giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng, độ chính xác, độ lặp lại và độ thu hồi đều ổn định và tốt. Nghiên cứu này chỉ ra rằng phương pháp HPTLC scanning có thể được sử dụng để xác định nhiều thành phần trong A. dahurica.

Lê Thị Loan

6

PHÂN TÁCH VÀ ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI SÁU FURANOCOURMARIN TRONG RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN DI MAO QUẢN VỚI HỆ CYCLODEXTRIN KÉP

Zhang Y và cs.

Anal Biochem. 2022 Oct 15; 655: 114869

Một phương pháp điện di mao quản mới, đơn giản và hiệu quả đã được phát triển để xác định đồng thời sáu furanocoumarin (psoralen, isopsoralen, imperatorin, isoimperatorin, phellopterin và cnidilin). Dung dịch đệm tách bao gồm acid boric 30 mM, 12 mM sulfobutylether-β-cyclodextrin và 1,5 mM 2-hydroxypropyl-β-cyclodextrin (pH 7,8); điện áp 20 kV, nhiệt độ 25°C và bước sóng phát hiện là 246 nm với đầu dò mảng diode (DAD). Trong các điều kiện trên, các chất phân tích có thể được tách ra với độ phân giải cao trong vòng chưa đầy 7 phút. Phương pháp này được sử dụng để xác định đồng thời hàm lượng psoralen, imperatorin, isoimperatorin và phellopterin trong bạch chỉ (Angelica dahurica). Phương pháp đạt được độ tuyến tính cao với hệ số tương quan từ 0,9992 đến 0,9999. Giới hạn phát hiện (LOD, S/N = 3) và giới hạn định lượng (LOQ, S/N = 10) lần lượt nằm trong khoảng từ 0,6 đến 3,0 μg/mL và từ 2,1 đến 9,9 μg/mL. Tỷ lệ thu hồi nằm trong khoảng từ 98,8% đến 101,8%. Các kết quả chỉ ra rằng phương pháp này có thể đạt được sự phân tách cơ bản và áp dụng trong phân tích định lượng furanocoumarin trong các công thức và thuốc thảo dược Trung Quốc.

Lê Thị Loan

7

TÁCH VÀ XÁC ĐỊNH ĐỒNG PHÂN ĐỐI QUANG CỦA OXYPEUCEDANIN VÀ ỨNG DỤNG TRONG PHÂN TÍCH CHỌN LỌC LẬP THỂ HỢP CHẤT NÀY TRONG RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) VÀ NGHIÊN CỨU DƯỢC ĐỘNG HỌC TRÊN CHUỘT

Tang L và cs.

J Chromatogr B Analyt Technol Biomed Life Sci. 2022 Sep 1; 1207: 123355.

Trong nghiên cứu này, một phương pháp phân tách đối quang mới đã được xây dựng để phân tích định lượng các đồng phân đối quang của oxypeucedanin bằng cách sử dụng cột pha tĩnh Chiralpak IC cellulose tris(3,5-dichlorophenyl carbamate), pha động bao gồm acetonitril-nước (60:40, v/v) với tốc độ dòng 0,5 mL/phút rửa giải theo chương trình gradient (thay đổi loại và tỉ lệ pha động). Phương pháp định lượng oxypeucedanin racemic trong dược liệu bạch chỉ, Angelica dahuricae Radix (in vitro) và huyết tương chuột (in vivo) đã được thực hiện trong điều kiện nêu trên bằng phương pháp HPLC-DAD và HPLC-MS/MS. Độ chính xác, độ lặp lại, độ ổn định, độ thu hồi đều nằm trong các tiêu chí chấp nhận được. Phương pháp có khoảng tuyến tính trong khoảng nồng độ 1-400 μg/mL in vitro và 0,2-600 ng/mL in vivo đối với hai chất đồng phân đối quang. Sau khi được thẩm định, phương pháp đã xây dựng đã được áp dụng để phân tích chọn lọc lập thể của oxypeucedanin racemic ở A.dahurica từ các vùng khác nhau và nghiên cứu dược động học chọn lọc lập thể trên chuột. Kết quả cho thấy (+)-oxypeucedanin ở mức tương đối cao trong rễ A. dahuricae và (-)-oxypeucedanin có nồng độ trong huyết tương cao hơn. Điều này chứng tỏ sự khác biệt của các chất đối quang oxypeucedanin cả in vitroin vivo.

Lê Thị Loan

8

SO SÁNH THÀNH PHẦN HOÁ HỌC VÀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC HAI LOÀI DƯỢC LIỆU BẠCH CHỈ: ANGELICA DAHURICA (BZ) VÀ ANGELICA DAHURICA VAR. FORMOSANA BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPLC-Q/TOF-MS VÀ ĐỊNH LƯỢNG ĐA THÀNH PHẦN SỬ DỤNG MỘT MARKER

Shi H và cs.

Phytochem Anal. 2022 Jul; 33(5): 776-791

Giới thiệu: Angelica dahurica (BZ) và Angelica dahurica var. formosana (HBZ) là hai nguồn thực vật của dược liệu bạch chỉ (Angelicae dahuricae Radix). Mặc dù BZ và HBZ là những loại thuốc thảo dược được sử dụng phổ biến để làm thuốc và thực phẩm bổ sung, nhưng các nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của chúng còn hạn chế.

Mục tiêu: So sánh thành phần hóa học của BZ và HBZ và tìm ra các chất đánh dấu để phân biệt và đánh giá chất lượng của hai nguồn gốc thực vật của dược liệu bạch chỉ.

Phương pháp: Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao kết hợp với phương pháp khối phổ thời gian bay tứ cực đã được thiết lập để lập hồ sơ hóa học của BZ và HBZ. Sau đó, phương pháp phân tích định lượng nhiều thành phần bằng cách sử dụng một chất đánh dấu duy nhất đã được phát triển để xác định đồng thời chín coumarin có hoạt tính sinh học (xanthotoxol, oxypeucedanin hydrat, byakangelicin, xanthotoxin, bergapten, oxypeucedanin, phellopterin, imperatorin và isoimperatorin). Ngoài ra, các phương pháp hóa học đã được thực hiện để so sánh và phân biệt các mẫu BZ và HBZ.

Kết quả: Tổng cộng có 30 hợp chất coumarin đã được xác định và thành phần hóa học của BZ và HBZ khá giống nhau. Phân tích định lượng cho thấy có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng các coumarin có hoạt tính và phân tích thống kê toán học đã xác định 5 hợp chất coumarin (xanthotoxol, xanthotoxin, bergapten, phellopterin và isoimperatorin) tiêu biểu cho sự khác biệt giữa hai loài BZ và HBZ. Do đó, các hợp chất này có thể được sử dụng làm các chất đánh dấu để phân biệt hai nguồn nguyên liệu ban đầu của dược liệu bạch chỉ.

Kết luận: Nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích để hiểu sự khác biệt về mặt hóa học giữa BZ và HBZ, đồng thời cung cấp các phương pháp khả thi để đánh giá chất lượng và phân biệt các loại thuốc thảo dược có nguồn gốc từ nhiều nguồn thực vật.

Lê Thị Loan

9

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN TINH DẦU VÀ MỐI QUAN HỆ HÓA HỌC GIỮA BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) TRỒNG VÀ THU HÁI TỰ NHIÊN

Tian E. và cs.

Nan Fang Yi Ke Da Xue Xue Bao. 2022 Mar 20; 42(3): 360-366

Mục tiêu: Xác định các thành phần và hàm lượng tinh dầu trong rễ của 5 cây bạch chỉ (Angelica dahurica) trồng cùng một cây A. dahurica thu hái tự nhiên và phân tích mối quan hệ hóa học giữa các cây A. dahurica.

Phương pháp: Tinh dầu được chiết xuất từ ​​rễ của 5 cây A. dahurica trồng và một cây A. dahurica tự nhiên bằng cách chưng cất hơi nước. Các thành phần dễ bay hơi trong dịch chiết được xác định bằng thương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) và hàm lượng tương đối của chúng được tính toán bằng phương pháp chuẩn hóa diện tích. Nghiên cứu cũng tiến hành phân tích cụm và phân tích thành phần chính của tinh dầu.

Kết quả: Tổng cộng 81 hợp chất đã được xác định từ rễ của 6 cây A. dahurica, bao gồm 27 hợp chất ở Chuanbaizhi (Angelica dahurica cv. 'Hangbaizhi'), 34 ở Hangbaizhi (Angelica dahurica cv. 'Hangbaizhi'), 24 ở Qibaizhi' (Angelica dahurica cv. 'Qibaizhi'), 32 ở Yubaizhi (Angelica dahurica cv.'Qibaizhi'), 28 ở Bobahizhi (Angelica dahurica cv.'Qibaizhi'), và 34 ở Xinganbaizhi (Angelica dahurica). Các hợp chất này bao gồm, theo thứ tự hàm lượng tương đối của chúng (từ cao đến thấp), ankane, olefin, este, acid hữu cơ và rượu. Trong số các thành phần phổ biến được tìm thấy trong rễ của tất cả các cây A. dahurica, nonylcyclopropan, cyclododecan và acid hexadecanoic được xác định là thành phần có hàm lượng tương đối cao nhất trong tinh dầu. Phân tích cụm các thành phần tinh dầu cho thấy Angelica dahurica tự nhiên (Xing'anbaizhi) và 5 loại Angelica dahurica được trồng (Chuanbaizhi, Hangbaizhi, Qibaizhi, Yubaizhi, Bobaizhi) có thể được chia thành hai nhóm và Angelica dahurica được trồng có thể được chia thành hai nhóm nhỏ: Chuanbaizhi, Yubaizhi và Hangbahizhi được tập hợp thành một nhóm nhỏ, Qibaizhi và Bobaizhi trong một nhóm khác. Kết quả phân tích thành phần chính phù hợp với kết quả phân tích cụm.

Kết luận: Thành phần tinh dầu chính và hàm lượng của chúng khác nhau giữa 6 cây A. dahurica. Nonylcyclopropan, cyclododecan và acid hexadecanoic là những thành phần dầu dễ bay hơi phổ biến nhất trong tất cả các cây của A. dahurica, có thể được chia thành hai cụm.

Lê Thị Loan

10

CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA): TỔNG QUAN VỀ ỨNG DỤNG TRONG DÂN GIAN, THÀNH PHẦN HOÁ HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hui Zhao và cs.

Front Pharmacol. 2022 Jul 1; 13: 896637   

Rễ bạch chỉ (A. dahurica) là một loại dược thảo ăn được nổi tiếng đã được sử dụng ở Trung Quốc trong hàng nghìn năm. Cho đến nay, đã có hơn 300 hợp chất đã được phát hiện từ rễ bạch chỉ. Trong số các thành phần này, các coumarin và tinh dầu dễ bay hơi là những hoạt chất chính. Hơn nữa, một số hợp chất khác cũng đã được phân lập từ rễ của bạch chỉ như các alkaloid, phenol, sterol, benzofuran, polyacetylen và polysaccharid. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh rằng rễ cây bạch chỉ và các hoạt chất có nhiều tác dụng sinh học khác nhau như kháng viêm, chống khối u, chống oxy hóa, giảm đau, tác dụng kháng virus và kháng khuẩn, tác dụng lên hệ tim mạch, chức năng bảo vệ thần kinh, tác dụng bảo vệ gan, tác dụng đối với các bệnh ngoài da, v.v. Dựa trên những nghiên cứu này, tổng quan này tập trung vào các kết quả nghiên cứu của bạch chỉvề ứng dụng trong dân gian, thành phần hóa học và tác dụng dược lý sẽ cung cấp tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo của rễ bạch chỉ.

Nguyễn Thị May

11

CÁC DIMERIC FURANOCOUMARIN TỪ RỄ CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Wan-Qing Yang và cs.

Nat Prod Res. 2017 Apr; 31(8): 870-877.

Ba dimeric furanocoumarin mới, dahuribiethrins H-J (1-3), và một este coumarin mới, dahurinol A (4), được phân lập từ rễ của cây bạch chỉ (Angelica dahurica). Cấu trúc của chúng đã được làm sáng tỏ dựa trên cơ sở dữ liệu các phổ bao gồm UV, IR, HRESIMS, 1D và 2D NMR. Hợp chất 23 thể hiện sự ức chế sản sinh nitric oxid trên đại thực bào RAW 264.7 gây kích thíc bằng lipopolysacarid (LPS) với giá trị IC50 lần lượt là 8,7 ± 0,6 và 27,3 ± 0,9 μM.

Nguyễn Thị May

12

BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ BỆNH ĐỐM LÁ TRÊN CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) GÂY RA BỞI NẤM PHOMA BELLIDIS TẠI TRUNG QUỐC

Haijiao Xu và cs.

Journal of Phytopathology. 2016; 164 (7–8): 448–454. https://doi.org/10.1111/jph.12470.

Bạch chỉ (Angelica dahurica) là cây thân cỏ lâu năm, thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae hay Apiaceae), là một loại dược liệu quý được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Vào tháng 8 năm 2013, bệnh đốm lá trên cây bạch chỉ lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn dược liệu thuộc Đại học Nông nghiệp Thẩm Dương (Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc). Dựa trên đánh giá về hình thái, đặc tính canh tác, phân tích bộ đệm nội phiên mã – ITS, chuỗi beta-tubulin và khả năng gây bệnh, tác nhân gây bệnh được xác định là do nấm Phoma bellidis. Với hiểu biết của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về bệnh đốm lá trên cây bạch chỉ gây ra bởi nấm P. bellidis.

Nguyễn Thu Hằng

13

SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC GIỐNG BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) ĐƯỢC CANH TÁC DỰA TRÊN PHÂN BỐ ĐỊA LÝ, KHÁM PHÁ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐƯỜNG TIẾT DỊCH VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CÂY

 

Qinghua Wu và cs.

Scientific Reports. 2023; 13 (1): 1–13.

https://doi.org/10.1038/s41598-023-48497-4.

Dựa trên phân bố địa lý, bạch chỉ (Angelica dahurica) trồng ở Trung Quốc được chia làm 2 loại: Angelica dahurica cv. ‘Hangbaizhi’ (HBZ) và Angelica dahurica cv. ‘Qibaizhi’ (QBZ). Sự phân cắt địa lý trong thời gian dài đã gây ra sự khác biệt đáng kể về chất lượng giữa chúng. Cấu trúc tiết dịch của cây dược liệu là nơi tích lũy những thành phần có hiệu quả và truyền thông tin ra môi trường, gắn kết môi trường với chất lượng dược liệu. Tuy nhiên, sự khác biệt của đường tiết dịch giữa HBZ và QBZ vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu này có mục đích khám phá đường tiết dịch và chất lượng của 2 loại bạch chỉ nói trên. Các mẫu rễ được thu thập tại 7 giai đoạn phát triển của cây. Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) kết hợp với hình ảnh khối phổ ion hoá phun điện tử hấp phụ (DESI-MSI) đã được sử dụng để xác định hàm lượng và vị trí không gian của hợp chất coumarin. Lát cắt gắn paraffin được sử dụng để quan sát và định vị đường tiết dịch của rễ. Các phần mềm Origin, CaseViewer, và HDI được sử dụng để phân tích dữ liệu và xử lý hình ảnh. Kết quả cho thấy HBZ có chất lượng tốt hơn so với QBZ, với diện tích đường tiết dịch ở rễ lớn hơn. Do đó, đường tiết dịch của rễ có thể được thêm vào như một chỉ số đánh giá chất lượng cây bạch chỉ. Ngoài ra, công nghệ DESI-MSI lần đầu tiên được sử dụng để làm sáng tỏ sự phân bố theo không gian và thời gian của hợp chất coumarin trong mô rễ ở cây bạch chỉ. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở lý thuyết để đánh giá chất lượng và nhân giống trong việc cải tạo các thứ của loài bạch chỉ, đồng thời tham khảo công nghệ DESI-MSI sử dụng trong phân tích sự khác biệt trong quá trình trao đổi chất với các hợp chất khác nhau như coumarin, hay tinh dầu dễ bay hơi trong các phần mô khác nhau của bạch chỉ.

Đinh Ngọc Bảo

14

DỰ ĐOÁN HOẠT TÍNH CHỐNG OXI HÓA Q-MARKER CỦA ANGELICA DAHURICA DỰA TRÊN SỰ THAY ĐỔI ĐỘNG HỌC TRONG THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ DƯỢC LÝ MẠNG LƯỚI

Hui Gao và Qian Li

Molecules. 2023; 28: 5248.

Mục tiêu: Làm rõ sự tích lũy và mô hình biến đổi tương hỗ của các thành phần hóa học trong bạch chỉ (Angelica dahurica) và dự đoán hoạt tính chống oxi hóa của các marker (Q-Markers).

Phương pháp: Phân loại và sự thay đổi hàm lượng các thành phần hóa học ở các bộ phận khác nhau của bạch chỉ trong các thời điểm khác nhau được phân tích bằng cách sử dụng công nghệ sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Tác dụng chống oxy hóa của các Q-Marker được dự đoán bằng cách sử dụng dược lý mạng lưới và docking phân tử được sử dụng để xác minh hoạt động sinh học của các Q-Marker.

Kết quả: Độ khác biệt về sự thay đổi hàm lượng hợp chất coumarin ở các phần khác nhau được đánh giá bằng cách sử dụng GC-MS, hàm lượng tương đối tốt nhất ở rễ, tiếp theo là lá và ít nhất ở thân. Các thành phần được coi là các Q-Marker tiềm năng được sử dụng để phân tích dược lý mạng lưới. Dược lý mạng lưới đã được xây dựng gồm thành phần hóa học-mục tiêu tác động-con đường tác động ở mức độ phân tử-bệnh lý. Trong quá trình ghép nối phân tử, các Q-Marker có khả năng liên kết tốt với vị trí đích cốt lõi, phản ánh hoạt động sinh học tốt hơn.

Kết luận: Sự tích lũy và biến đổi tương hỗ của các thành phần hóa học ở các bộ phận khác nhau của A. dahurica đã được làm rõ. Các Q-Marker được dự đoán sẽ là cơ sở cho việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá chất lượng.

Lâm Bích Thảo

15

NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG KHÁNG VIÊM TRÊN TINH DẦU CỦA CÁC LOÀI ANGELICA SINENSIS (OLIV.) DIELS, ANGELICA DAHURICA (HOFFM.) BENTH. & HOOK.F. EX FRANCH. & SAV., ANGELICA PUBESCENCE MAXIM VÀ FOENICULUM VULGARE MILL

Chunlian Li và cs.

Journal of Oleo Science. 2022; 71(8): 1207-1219

Các loài thực vật thuộc họ Hoa tán được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc vì có đặc tính điều trị thấp khớp, hạ sốt, hoạt huyết và giảm đau. Nghiên cứu thực nghiệm này dựa trên mô hình gây phù tai do acid 12-O-tetracycline-propylphenol-13-acetic (TPA) gây ra ở chuột và so sánh với nhóm dùng Ibuprofen (Ib). Sử dụng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) để phân tích thành phần tinh dầu từ bốn loài thực vật thuộc họ Hoa tán (Angelica sinensis (Oliv.) Diels, A. dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav., A. pubescens Maxim và Foeniculum vulgare Mill.). Các hợp chất có hoạt tính sinh học trong tinh dầu dễ bay hơi từ bốn loài thực vật thuộc họ Hoa tán cũng đã được đánh giá. Mức độ biểu hiện của các cytokine gây viêm, yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), cyclooxygenase-2 (COX-2), interleukin-6 (IL-6) và RelA (p65) trên da chuột được xác định bằng phương pháp hóa mô miễn dịch. Chỉ số khúc xạ của bốn loại tinh dầu được đánh giá. Có 239 hợp chất trong bốn loài thực vật được xác định bằng GC-MS với thành phần chính là osthole (44.61%, APEOs), obepin (0.59%, APEOs & 86.58%, FVEOs), undecanol (8.58%, ADEOs), α-muurolene (7.95%, ADEOs) and cis-anethol (9.11%, ADEOs). E-ligustilide (0.14%, APEOs & 81.14%, ASEOs), (-)-spathulenol (0.08%, FVEOs & 1.21%, ASEOs), (-)-terpinen-4-ol (4.91%, FVEOs), 2-butylthiolane (5.76%, APEOs) and α-bisabolol (3.80%, APEOs). Tinh dầu từ bốn loài được nghiên cứu đều chứa nhiều loại lactone khác nhau, bao gồm ligustrongolactone, trans-anisol và imperatorin. Theo kết quả thử nghiệm trên mô hình gây phù tai chuột bằng TPA, tinh dầu của 4 loài nghiên cứu làm giảm nồng độ các cytokine gây viêm TNF-α, COX-2, IL-6 và p65. Các loài đều cho thấy hoạt tính sinh học đặc biệt trong việc chống viêm nên có giá trị ứng dụng tiềm năng cho các sản phẩm y sinh, dược phẩm, thực phẩm chức năng và phụ gia mỹ phẩm.

Lê Thị Kim Oanh, Lâm Bích Thảo

16

CÁC HỢP CHẤT ALKALOID DẪN XUẤT TỪ PYRROLE 2-CARBALDEHYDE ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ RỄ CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Bowen Qi và cs.

Journal of Natural Medicines. 2019; 73: 769 - 776

Sáu alkaloid mới có khung cấu trúc pyrrole 2-carbaldehyde mới là dahurines A-F (1-6) cùng với năm hợp chất đã biết (7-11) và hợp chất butyl 2-pyrrolidone-5-carboxylat (12) đã được phân lập từ rễ cây bạch chỉ (Angelica dahurica). Cấu trúc của các hợp chất trên được xác định bằng phương pháp phân tích quang phổ và các dữ liệu khối phổ (1D và 2D NMR, IR và HRESIMS) cùng với phương pháp tính toán trên hệ thống quang phổ lưỡng sắc tròn (ECD). Lần đầu tiên hợp chất 7 8 được phân lập từ tự nhiên mặc dù hai hợp chất này đã được tổng hợp theo con đường hóa học. Các hợp chất 2, 3, 4, 1011 thể hiện hoạt tính ức chế acetylcholinesterase với giá trị IC50 trong khoảng 47,5 - 52,5 μM.

Đinh Trường Sơn

17

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI BA HỢP CHẤT COUMARIN TRONG BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) BẰNG 1H-QNMR: PHƯƠNG PHÁP NHANH CHÓNG VÀ ĐƯỢC THẨM ĐỊNH CHO KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG THUỐC DƯỢC LIỆU THÔ

Lan Yang và cs.

Journal of Analytical Methods in Chemistry. 2020; (14): 1-7

Trong nghiên cứu này, phương pháp định lượng 1H-NMR (1H-qNMR) để xác định hàm lượng imperatorin, byakangelicin và oxypeucedanin trong bạch chỉ (Angelica dahurica) - một dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc đã được thiết lập. Nguyên liệu bột dược liệu khô được chiết kiệt bằng dung môi methanol với phương pháp chiết có hỗ trợ siêu âm. Các phép đo 1H-qNMR được thực hiện trên máy quang phổ 600 MHz với hydroquinone làm chất nội chuẩn trong dung môi dimethyl sulfoxid (DMSO-d6). Việc định lượng được thực hiện bằng cách sử dụng tín hiệu cộng hưởng 1H ở mức 6,55 ppm đối với hydroquinone và 7,68, 7,38 - 7,39 và 6,38 - 6,39 ppm tương ứng đối với imperatorin, byakangelicin và oxypeucedanin. Độ tuyến tính, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ chính xác, độ tái lập, độ ổn định và độ thu hồi của phương pháp đã được đánh giá và cho kết quả tốt. Đây là một phương pháp mới được phát triển nhằm định lượng ba coumarin ở bạch chỉ.

Đinh Trường Sơn

18

TINH CHẾ DỰA TRÊN BIẾN ĐỔI SINH HỌC ĐỐI VỚI GLYCOSIDE MỚI TRONG DỊCH CHIẾT DƯỢC LIỆU BẠCH CHỈ TRUNG QUỐC

Te-Sheng Chang và cs.

Journal of Bioscience and Bioengineering. January 2024; 137 (1): 47-53

Sự tìm kiếm các hợp chất mới có sinh khả dụng và hoạt tính sinh học cao đã thúc đẩy nghiên cứu sử dụng phương pháp tinh chế theo hướng biến đổi sinh học (BGP -Biotransformation-Guided Purification). Rễ bạch chỉ (Angelica dahurica), còn được gọi là Baizhi trong y học cổ truyền Trung Quốc, nổi tiếng với đặc tính kháng viêm và giảm đau. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp BGP đối với các cao chiết bạch chỉ bằng cách sử dụng Deinococcus geothermalis amylosucrase (DgAS), một loại enzyme có khả năng xúc tác trên các cơ chất khác nhau để chuyển hóa sinh học. Bắt đầu với quá trình chiết bằng methanol 70%, nghiên cứu thu được dịch chiết thô từ bột bạch chỉ thương mại. Sau đó, tiếp tục chiết xuất bằng dung môi ethyl acetat. Tuy nhiên, các phản ứng được thực hiện trên dịch chiết này cho thấy có sự hạn chế về số lượng các hợp chất mới. Sau đó, dịch chiết trải qua quá trình phân chia thành bốn phân đoạn dựa trên kỹ thuật HPLC, dẫn đến việc phân lập thành công hợp chất có hiệu suất đáng kể từ hỗn hợp phân đoạn thứ 2 khi phản ứng với DgAS. Việc xác định cấu trúc đã xác nhận hợp chất này là byakangelicin-7″-O-α-glucopyranosid (BG-G), một dẫn xuất alpha glycosid mới của byakangelicin. Ngoài ra, các thí nghiệm xác nhận đã chứng minh khả năng của DgAS đối với việc tạo ra glycosylate tinh khiết từ byakangelicin - tạo ra BG-G. Đặc biệt, độ tan trong nước của BG-G cao hơn byakangelicin 29.000 lần. BGP được xem là một phương pháp vượt bậc trong việc kết hợp những hiểu biết sâu sắc về y học cổ truyền với các loại enzyme hiệu quả để tạo ra các hợp chất mới.

Nguyễn Hữu Thìn

19

PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT HIỆU QUẢ CÁC COUMARIN CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA (HOFFM.) BENTH. & HOOK.F. EX FRANCH. & SAV.) DỰA TRÊN DUNG MÔI EUTECTIC SÂU (DES)

Ting Wang và Qian Li

Separation. 2022, 9(1): 5

Trong nghiên cứu này, một phương pháp đơn giản và thân thiện với môi trường đã được phát triển để chiết xuất bảy coumarin có hoạt tính từ bạch chỉ (Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav) dựa trên dung môi eutectic sâu (DES). Trong số 16 loại DES dựa trên choline clorid, hệ thống DES với tỷ lệ mol cho hiệu quả chiết tốt nhất giữa choline clorid, acid citric và nước là 1:1:2. Phương pháp bề mặt đáp ứng được hỗ trợ bằng siêu âm (RSM) đã được sử dụng để nghiên cứu sơ đồ chiết xuất tối ưu. Kết quả cho thấy điều kiện chiết tối ưu là tỷ lệ lỏng-rắn 10:1 (mL/g), thời gian chiết 50 phút, nhiệt độ chiết 59,85°C và độ ẩm 49,28%. Trong những điều kiện này, hiệu suất chiết đạt 1,18%. Ngoài ra, kính hiển vi điện tử quét (SEM) được sử dụng để quan sát mức độ phân mảnh của bột trước và sau khi chiết bằng các dung môi khác nhau. Phương pháp nghiên cứu bằng sóng siêu âm DES đã cho thấy các tế bào của dược liệu thu được đã bị phá vỡ nghiêm trọng nhất, vì vậy phương pháp DES đã có hiệu quả cao nhất trong việc chiết xuất bạch chỉ. Hoạt tính sinh học của dịch chiết DES được đánh giá qua khả năng bắt gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH). Kết quả cho thấy dịch chiết DES có khả năng bắt gốc tự do DPPH tốt hơn. Vì vậy, DES là dung môi xanh thích hợp để chiết các hợp chất coumarin từ bạch chỉ, có tiềm năng thay thế các dung môi hữu cơ.

Lê Thị Kim Oanh, Lê Huỳnh Thanh Như

20

SO SÁNH VÀ XÁC ĐỊNH CÁC HỢP CHẤT CÓ MÙI THƠM TRONG RỄ CÂY BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Die Hu và cs.

Molecules. 2019, 24(23): 4352.

Phương pháp vi chiết pha rắn (SPME), thanh lọc và bẫy (P&T), chiết hấp thụ thanh khuấy (SBSE) và lấy mẫu tự động vùng pha hơi động (DHS) đã được áp dụng để chiết, tách và phân tích các hợp chất dễ bay hơi trong rễ của các loài Hangbaizhi, Qibaizhi và Bobaizhi và GC-O-MS/MS (AEDA) đã được sử dụng để định lượng các hợp chất tạo mùi thơm chính. Tổng số hợp chất được xác định bằng bốn phương pháp chiết có 52, 54 và 43 hợp chất có hoạt tính thơm được chiết xuất từ ba mẫu khảo sát. Trong số các phương pháp, phương pháp SPME đã chiết xuất hiệu quả các hợp chất thơm từ bạch chỉ (A. dahurica). Bằng các thử nghiệm sử dụng phương pháp SPME để phân tích định lượng dựa trên các nồng độ pha loãng của chất chuẩn ngoại, phương pháp thử nghiệm ngửi và đánh giá cảm quan từ mùi dược liệu, vị và gỗ đã phát hiện được tổng số 20, 21 và 17 hợp chất tạo mùi thơm trong ba mẫu bạch chỉ khảo sát. Cuối cùng, phương pháp phân tích cấu tử chính (PCA) cho thấy ba loại bạch chỉ tạo thành ba nhóm riêng biệt và phương pháp bình phương tối thiểu từng phần (PLS-DA) cho thấy caryophyllen, (-)-β-elemen, nonanal và β-pinen đóng một vai trò quan trọng trong việc phân loại bạch chỉ.

Lê Huỳnh Thanh Như

21

BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) ĐIỀU HOÀ SỰ PHÂN CỰC CỦA ĐẠI THỰC BÀO VÀ THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH LÀNH VẾT THƯƠNG TRONG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: NGHIÊN CỨU DƯỢC LÝ MẠNG VÀ THẨM ĐỊNH THỬ NGHIỆM IN VIVO

Yonghui Hu và cs.

Frontiers in pharmacology, 2021 Jun 21; 12: 678713

Vết thương do đái tháo đường là quá trình từng phần và lành chậm. Do đó, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao. Bạch chỉ (Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. and Hook. f. ex Franch. và Sav) đã được chứng minh mang lại hiệu quả tích cực cho việc chữa lành vết thương. Tuy nhiên, cơ chế dược lý của bạch chỉ vẫn chưa được thiết lập. Nghiên cứu hiện tại sử dụng dược lý mạng và thẩm định bằng thử nghiệm in vivo để nghiên cứu quá trình cơ bản giúp bạch chỉ chữa lành vết thương nhanh hơn ở người bệnh đái tháo đường. 54 mục tiêu tác động tiềm năng ở bạch chỉ để chữa lành vết thương đã được xác định thông qua các thử nghiệm dược lý mạng, chẳng hạn như tín hiệu tế bào và chất kích hoạt phiên mã 3 (STAT3), JUN, interleukin-1β (IL-1β), yếu tố hoại tử khối u (TNF) và prostaglandin G / H synthase 2 (PTGS2). Hơn nữa, thẩm định in vivo cho thấy bạch chỉ giúp tăng tốc độ chữa lành vết thương thông qua tác dụng chống viêm. Cụ thể hơn, bạch chỉ điều hoà sự phân cực của các phân nhóm M1 và M2 của đại thực bào. Bạch chỉ có tác dụng chữa lành vết thương ở người bệnh đái tháo đường bằng cách điều chỉnh tình trạng viêm. Do đó, phân tích dược lý mạng lưới kết hợp với xác nhận in vivo đã làm sáng tỏ các tác dụng và cơ chế nền tảng của bạch chỉ trong hiệu quả chữa lành vết thương do đái tháo đường.

Lê Thị Kim Oanh

22

HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ CẢI THIỆN CẢM QUAN CỦA TINH DẦU THIẾT YẾU TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA CV. YUBAIZHI) ĐỐI VỚI DẦU HƯỚNG DƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN Ở NHIỆT ĐỘ CAO

Dongying Wang và cs.

Processes. 2020; 8: 403-416.

doi:10.3390/pr8040403

Tình trạng dầu hướng dương bị oxy hóa trong quá trình bảo quản ở nhiệt độ cao là vấn đề và thách thức lớn. Trong nghiên cứu, tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu bạch chỉ (Angelica dahurica cv. Yubaizhi (ADEO) trong dầu hướng dương đã được khám phá. Trong bảo quản ở nhiệt độ cao trong 24 ngày ở 65° C, ADEO (800 ppm) có thể ức chế rõ rệt sự phát triển của giá trị acid (AV), giá trị peroxid (PV), giá trị p-anisidin (AnV), tổng giá trị oxy hóa (TOTOX), các chất phản ứng với acid thiobarbituric (TBARS), tổng hợp chất phân cực (TPC) và độ hấp thụ ở 232 và 268 nm (p < 0,01 hoặc p < 0,05) của dầu hướng dương và ADEO còn ức chế điển hình sự biến đổi giữa acid béo không bão hòa (UFA) và acid béo bão hòa (SFA). Điều thú vị là tác dụng hiệp đồng của ADEO (400 ppm) và tert-butyl hydroquinon (TBHQ, 100 ppm) đã được chứng minh. Hơn nữa, các thuộc tính cảm quan như mùi thơm, hương vị và khả năng chấp nhận tổng thể của dầu hướng dương bị oxy hóa được bổ sung ADEO lần lượt ở các nồng độ là 200, 400 và 800 ppm đã tăng lên đáng kể (p < 0,05). Bên cạnh đó, một trong những hợp chất chính là myrcen, đã được chứng minh là hợp chất có hoạt tính trong nghiên cứu. Do đó, TBHQ ở 200 ppm có thể được thay thế bằng ADEO ở 800 ppm và hợp chất myrcene ở 69,8 ppm trong quá trình bảo quản dầu hướng dương ở nhiệt độ cao 65° C.

Lê Trần Nguyên Vũ

23

COUMARIN TỪ RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) VỚI CÁC HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ CHỐNG TĂNG SINH

Yan Bai và cs.

Journal of Functional Foods. 2016; (20): 453-462.

https://doi.org/10.1016/j.jff.2015.11.018

Loài bạch chỉ (A. dahurica) thường được sử dụng như một chất phụ gia thực phẩm và một loại dược liệu ở nhiều nước châu Á. Mục đích của nghiên cứu này là phân lập các hợp chất từ loài bạch chỉ với các hoạt tính chống oxy hóa và chống ung thư. Ba dimer furocoumarin mới và hai mươi hợp chất coumarin đã biết được phân lập từ bạch chỉ. Cấu trúc của chúng được xác định bằng phổ 1D và 2D NMR, phổ lưỡng sắc tròn CD, phổ HR-ESIMS và cũng được sàng lọc bằng UPLC-MS/MS. Các hoạt chất như imperatorin oxypeucedanin hydrat, xanthotoxol, bergaptol và 5-methoxy-8-hydroxypsoralen thể hiện hoạt tính bắt gốc tự do DPPH ở mức độ trung bình và hoạt tính bắt gốc tự do ABTS+ mạnh. Các hoạt chất như: isoimperatorin, phelloptorin và pabularinone có khả năng ức chế điển hình dòng tế bào gan Hep-G2 với giá trị IC50 ghi nhận lần lượt là 8,19; 7,49 và 7,46 μM. Ngoài ra, hợp chất pabularinone có hoạt tính ức chế trung bình trên dòng tế bào HeLa với giá trị IC50 ghi nhận đươc là 13,48 µM. Những kết quả này cho thấy loài bạch chỉ có thể được quan tâm đến như là chất chống oxy hóa tự nhiên và chất ngăn ngừa ung thư mới và tiềm năng để sử dụng trong thực phẩm chức năng.

Lê Trần Nguyên Vũ

24

 

PHÂN LẬP, XÁC ĐỊNH CẤU TRÚC, KHẢ NĂNG ỨC CHẾ TYROSINASE VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA CÁC CHẤT TỪ RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Penghua Shu và cs.

Journal of Natural Medicines. 2020; 74(2): 456-462.

doi: 10.1007/s11418-019-01375-8.

Hai hợp chất phenolic chưa từng được công bố là angelicol A (1) và B (2) và một coumarin rhamnoside chưa được công bố là angelicoside A (3), cùng với 17 hợp chất đã biết (4-20) được phân lập từ rễ loài bạch chỉ (Angelica dahurica). Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ thường quy như: NMR, HRESIMS và nhiễu xạ tia X. Các hợp chất 2, 3, 5, 6 và acid L-ascorbic (chứng dương) thể hiện hoạt tính bắt gốc tự do DPPH điển hình với các giá trị IC50 lần lượt là 0,36 mM, 0,43 mM, 0,39 mM, 0,44 mM và 0,25 mM. Ở nồng độ 25 μM, tất cả các hợp chất đều thể hiện hoạt tính ức chế tyrosinase nhưng yếu hơn (% ức chế < 5%) so với chứng dương là acid kojic (26,00 ± 0,67%, IC50 = 44,29 ± 0,06 μM).

Lê Trần Nguyên Vũ

25

ANGELICOSIDES I-IV, BỐN HỢP CHẤT DẠNG GLYCOSIDE FURANOCOUMARIN CHƯA TỪNG ĐƯỢC MÔ TẢ TỪ RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) VÀ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ TYROSINASE

Penghua Shu và cs.

Phytochemistry Letters. 2020; (36): 32-36.

https://doi.org/10.1016/j.phytol.2020.01.006

Bạch chỉ là một cây thuốc quan trọng, đã được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc và các sản phẩm làm trắng da. Trong nghiên cứu thành phần hóa thực vật có trong rễ bạch chỉ, ba rhamnosid furanocoumarin có khung cấu trúc mới là: angelicosid I-III (1-3), và một glucosid furanocoumarin chưa được mô tả, angelicosid IV (4), cùng với tám hợp chất đã biết (5-12) đã được phân lập. Việc xác định cấu trúc của các hợp chất dựa vào các phương pháp phổ như: UV, IR, NMR, HRESI-MS, cùng với quá trình thủy phân acid và thủy phân enzym. Tất cả các hợp chất phân lập đã được thử hoạt tính ức chế enzym tyrosinase của nấm kết quả cho thấy các hợp chất 1, 211 có hoạt tính trung bình. 

Lê Trần Nguyên Vũ

26

BENZOFURAN VÀ DẪN XUẤT COUMARIN TỪ RỄ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) VÀ HOẠT TÍNH LIÊN KẾT PHỐI TỬ PPAR-Γ

Yukiko Matsuo và cs.

Phytochemistry. 2020; (173): 112301.

Một công trình nghiên cứu về thành phần hóa học từ rễ loài bạch chỉ (Angelica dahurica) đã phân lập được các hợp chất là dẫn xuất của benzofuran và coumarin. Đây là công bố đầu tiên về việc phân lập và xác định cấu trúc của ba hợp chất dạng furano-coumarin sulfat từ rễ loài bạch chỉ. Cấu trúc của mười hai hợp chất chưa từng được báo cáo cũng được xác định bằng các phương pháp phổ như phổ 2D NMR, thủy phân và phân giải trong dung môi, quang phổ hoặc phân tích tinh thể X-ray. Các hợp chất sau khi phân lập được đánh giá về hoạt tính liên kết phối tử PPAR-γ và đã xác định sáu hợp chất có hoạt tính liên kết phối tử PPAR-γ điển hình. Đặc biệt, dẫn xuất benzofuran chưa được mô tả là: acid 3-[6,7-furano-9-hydroxy-4-(2″,3″-dihydroxy-3″-methylbutyloxy)]-phenyl propionic, có hoạt tính liên kết với phối tử PPAR-γ mạnh nhất và tích lũy lipid nội bào trong tế bào 3T3-L1.

Lê Trần Nguyên Vũ

27

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CỦA POLYSACCHARID TAN TRONG NƯỚC TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG UNG THƯ TRÊN CHUỘT MANG KHỐI U H22

Xiaodan Dong và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2021; 193(A): 219-227.

https://doi.org/10.1016/j.ijbiomac.2021.10.110

Một polysaccharid đã được phân lập từ loài Angelica dahurica (ADP), có khối lượng phân tử là 6,09 × 103. Hàm lượng đường và acid uronic trong ADP lần lượt là 91,04% và 12,69%. Các đặc điểm cấu trúc chỉ ra rằng ADP là một polysaccharid có tính acid bao gồm thành phần như: rhamnose, arabinose, galactose, glucose, mannose, acid glucuronic và acid galacturonic (0,09:0,61:1,88:1: 0,14:0,63:0,03). Hơn nữa, có →3) -Manp- (1→, →4, 6) -Galp- (1→, →4) -Galp- (1→, →3) -Glcp- (1→, →5) -Araf- (1→, →2) -Galp- (1→ trong ADP với tỷ lệ số mol tương ứng là: 0.32:0.57:0.29:0,95:0.71:0.26. Các nghiên cứu in vivo cho thấy ADP ức chế đáng kể sự phát triển khối u của chuột, tăng hoạt động của tế bào lympho lách và tế bào diệt tự nhiên (NK), cải thiện nồng độ cytokin (IL-2 và TNF-α) và tỷ lệ tế bào lympho biệt hóa trong máu ngoại biên. Sự tăng trưởng tế bào khối u bị ngăn chặn ở pha G1, và tỷ lệ gây apoptosis tế bào khối u lần lượt là 7,54% và 19,32% ở liều ADP 100 và 200 mg/kg, tương đồng với kết quả quan sát bệnh học. Tóm lại, nghiên cứu này làm cơ sở lý thuyết cho việc ứng dụng trong thực phẩm chức năng có chứa polysaccharid từ loài bạch chỉ.

Lê Trần Nguyên Vũ

28

HOẠT TÍNH KHÁNG VIRUS CỦA CÁC FURANO-COUMARIN ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA) CHỐNG LẠI VIRUS CÚM A H1N1 VÀ H9N2

Ba Wool Lee và cs.

Journal of Ethnopharmacology. 2020; 259: 112945

https://doi.org/10.1016/j.jep.2020.112945

Phân lập theo hướng hoạt tính sinh học từ dịch chiết EtOH 70% của rễ loài bạch chỉ (Angelica dahurica) thu được bốn hoạt chất furano-coumarin. Quá trình phân lập theo hướng hoạt tính từ phân đoạn n-BuOH đã thu được bốn hợp chất furanocoumarin là: isoimperatorin (1), oxypeucedanin (2), oxypeucedanin hydrat (3) và imperatorin (4). Trong số đó, hợp chất 2 có tác dụng ức chế CPE mạnh đáng kể, mạnh hơn so với chứng dương là ribavirin, (tiếp theo là các hợp chất 1, 43) có hoạt tính chống lại cả cúm H1N1 và H9N2 với giá trị EC50 lần lượt là 5,98 ± 0,71 và 4,52 ± 0,39 μM. Hợp chất 2 ức chế sự tổng hợp neuraminidase (NA) và nucleoprotein (NP) phụ thuộc vào liều lượng. Trong quá trình nghiên cứu, hiệu ứng gây bệnh của virus trên các tế bào MDCK nhiễm cúm A đã giảm 80 - 90% khi được điều trị bằng hợp chất 2 trong 1 và 2 giờ và giảm đáng kể 3 giờ sau khi nhiễm trùng. Mức độ tổng hợp NA và NP của virus giảm rõ rệt xuống dưới 20% đối với cả hai protein này trong các tế bào được điều trị với hợp chất 2 (20 μM) so với các tế bào không được điều trị ở 2 giờ sau khi nhiễm trùng. Trong phân tích docking phân tử, hợp chất 2 thể hiện ái lực liên kết mạnh hơn với đầu carboxyl của protein acid polymerase (PAC; −36,28 kcal/mol) so với hai tiểu đơn vị polymerase còn lại. Hợp chất 2 cũng có tác dụng chống apoptosis đối với các tế bào bị nhiễm virus và ức chế đáng kể sự biểu hiện mRNA của caspase-3 và Bax.

Lê Trần Nguyên Vũ

29

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ ĐẶC TÍNH ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH IN VITROIN VIVO CỦA GLUCO-ARABINAN TỪ BẠCH CHỈ (ANGELICA DAHURICA)

Honglin Wang và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2021; 183:90-100.

https://doi.org/10.1016/j.ijbiomac.2021.04.077

Một polysaccharid tan được trong nước được xác định là ADP80-2 được phân lập từ loài bạch chỉ (Angelica dahurica). ADP80-2 là một gluco-arabinan bao gồm arabinos và một glucose có khối lượng phân tử 9950 g/mol. Cấu trúc của ADP80-2 bao gồm: (→5) -α-L-Araf- (1→, →3, 5) -α-L-Araf- (1→, →6) -α-D-GlcP- (1→, α-L-Araf- (1 → resid). Qua đánh giá tác dụng điều hòa miễn dịch, ADP80-2 thúc đẩy đáng kể quá trình thực bào, sản sinh nitric oxid (NO) và giải phóng các cytokine (IL-6, IL-1β và TNF-α) của đại thực bào. Ngoài các hoạt động điều hòa miễn dịch tế bào, các chemokin liên quan đến điều hòa miễn dịch đã tăng lên đáng kể trên mô hình sử dụng cá ngựa vằn sau khi được điều trị bằng ADP80-2. Những kết quả sinh học này cho thấy ADP80-2 có tác dụng điều hòa miễn dịch được kỳ vọng có lợi trong quá trình phát triển các thuốc điều hòa miễn dịch mới. Đồng thời, việc phát hiện ra ADP80-2 đã ghi nhận thêm thành phần hóa học của bạch chỉ được sử dụng như một loại thuốc và gia vị cổ truyền Trung Quốc.

Lê Trần Nguyên Vũ

30

TỔNG QUAN VỀ CÁC HỒ SƠ LỊCH SỬ, HOÁ HỌC, DƯỢC LÝ HỌC, DƯỢC ĐỘNG HỌC VÀ KHẢ NĂNG ĂN ĐƯỢC CỦA ANGELICA DAHURICA

Qingquan Wang và cs.

Journal of Frontiers in Pharmacology. 2023; 16 (8): 104877

Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook. f. ex Franch. & Sav. (AD) là một loại cây thuốc lưu niên có tên là Bạch chỉ trong các công trình y học cổ truyền Trung Quốc. Công dụng chữa bệnh của nó được ghi nhận đầu tiên ở Thần Nông bản thảo kinh, chuyên khảo về thảo dược đầu tiên ở Trung Quốc cổ đại.

Mục tiêu: Tổng quan này tổng hợp và đánh giá một cách có hệ thống các ứng dụng truyền thống, đặc điểm thực vật, hóa học và dược lý của AD. Tổng quan này nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu muốn khám phá sâu hơn tiềm năng làm thuốc của AD.

Vật liệu và phương pháp: Thông tin được thu thập từ Web of Science (https://www.webofscience.com), PubMed (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov), CNKI (https://kns.cnki .net), Luận án, Dược điển Trung Quốc và các tài liệu của Chính phủ. Từ khóa được sử dụng trong tài liệu tìm kiếm là Angelica dahurica. Cấu trúc hóa học của các hợp chất có trong AD được ghi nhận từ các bài báo nghiên cứu hoặc PubChem. Nguồn gốc lịch sử và tác dụng dược lý của AD là được xem xét chi tiết. Ngoài ra, thông tin liên quan được lấy từ các nguồn chưa được công bố trong khu vực và trên thế giới. Tên và vị trí phân loại của loài được xác nhận bằng tham khảo tại các trang web Medicinal Plant Name Service (http://mpns.kew.org) và Plants of the World Online (https://powo.science.kew.org).

Kết quả: AD đã được sử dụng rộng rãi để làm thuốc từ lâu đời. Hợp chất có hoạt tính sinh học của AD là imperatorin (IMP). Nó có tác dụng chống viêm, giảm đau và các tác dụng điều trị khác và thường được sử dụng để đánh giá chất lượng của AD. Bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất ở AD là rễ. Rễ chứa coumarin và dầu dễ bay hơi. Khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng AD có khả năng điều trị vết thương ngoài da, giảm đau, chống viêm, chống khối u, chống trầm cảm, và chống oxy hóa, v.v.

Kết luận: Bài báo này phân tích một cách có hệ thống, dựa vào các nguồn lực sẵn có, nguồn gốc, ứng dụng truyền thống và công dụng chữa bệnh của AD. Quan trọng nhất, loài cây này được chấp nhận rộng rãi để làm thuốc chữa bệnh. Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học của AD tác động sâu vào hệ thần kinh trung ương và cơ chế mô bệnh học. Hơn nữa, AD còn có thể dùng làm gia vị và phụ gia thực phẩm.

Võ Văn Nghĩa

31

PHÂN TÍCH SỰ KHÁC BIỆT RỄ CỦ GIỮA CÂY BẠCH CHỈ RA HOA SỚM VÀ CÂY KHÔNG RA HOA DỰA TRÊN GIẢI TRÌNH TỰ PHIÊN MÃ

Ping Wu và cs.

Scinentific reports, 2023.

Doi: 10.21203/rs-2189483/v1

Cây bạch chỉ là một loại thuốc cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc, thường được sử dụng trong các bệnh viện, với tác dụng chống viêm, giảm đau, chống khối u, kháng khuẩn, làm trắng và các tác dụng dược lý khác. Tuy nhiên, việc trồng cây bạch chỉ ra hoa sớm sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của rễ củ và do đó là hạn chế lớn đối với năng suất dược liệu. Cho đến nay, các yếu tố phân tử gây ra hiện tượng ra hoa sớm và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của cây bạch chỉ vẫn chưa được khám phá. Do đó, chúng tôi đã thiết lập một nghiên cứu phiên mã bằng cách sử dụng Illumina NovaSeq 6000 của hai dạng rễ củ:ra hoa sớm và không ra hoa của cây bạch chỉ. Kết quả đã thu được 2.185 gen điều hòa tăng và 1.414 gen điều hòa giảm. Một số lượng lớn các bản phiên mã được xác định có liên quan đến các gen liên quan đến quá trình ra hoa sớm. Phân tích GO (Gene onthology) cho thấy các gen có biểu hiện khác nhau đóng vai trò chính trong nhiều con đường khác nhau. Những con đường này chủ yếu được liên kết với các quá trình tế bào, phân tử và sinh học. Các đặc điểm hình thái và hàm lượng coumarin cũng thay đổi đáng kể ở rễ củ bạch chỉ ra hoa sớm. Nghiên cứu này đã những hiểu biết về khả năng kiểm soát phiên mã của quá trình ra hoa sớm ở cây bạch chỉ, có thể giúp nâng cao giá trị y học của loại cây thuốc này.

Nguyễn Văn Kiên

32

PHÂN TÍCH CÁC THÀNH PHẦN DỄ BAY HƠI VÀ MỐI QUAN HỆ HÓA HỌC CỦA CÂY BẠCH CHỈ TRỒNG VÀ HOANG DẠI

Tian Enwei và cs.

Journal of Southern Medical University01/03/2022; 42(3): 360-366

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các thành phần dễ bay hơi và hàm lượng của chúng trong rễ của 5 loại cây bạch chỉ được trồng và một loại cây bạch chỉ hoang dại và phân tích mối quan hệ hóa học giữa các cây bạch chỉ với nhau. Chiết xuất tinh dầu từ ​​rễ của 5 loại cây bạch chỉ được trồng và một loại cây bạch chỉ bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) được sử dụng để tách và xác định tất cả các thành phần dầu dễ bay hơi trong dịch chiết và hàm lượng tương đối của chúng được tính toán bằng phương pháp chuẩn hóa diện tích. Chúng tôi cũng tiến hành phân tích phân cụm và phân tích thành phần chính của các thành phần dầu dễ bay hơi. Kết quả đã xác định được tổng cộng 81 hợp chất từ rễ của 6 cây bạch chỉ, bao gồm 27 hợp chất ở Chuanbaizhi (Angelica dahurica cv. 'Hangbaizhi'), 34 ở Hangbaizhi (Angelica dahurica cv. 'Hangbaizhi'), 24 ở Qibaizhi (Angelica dahurica cv. 'Qibaizhi'), 32 ở Yubaizhi (Angelica dahurica cv.'Qibaizhi'), 28 ở Bobahizhi (Angelica dahurica cv.'Qibaizhi'), và 34 ở Xinganbaizhi (Angelica dahuirca). Các hợp chất này bao gồm: ankan, olefin, este, acid hữu cơ và rượu, theo thứ tự hàm lượng tương đối của chúng (từ cao đến thấp),. Trong số các thành phần phổ biến được tìm thấy trong rễ của tất cả các cây bạch chỉ, nonylcyclopropane, cyclododecane và hexadecanoic acid được xác định là thành phần dầu dễ bay hơi có hàm lượng các chất tương ứng cao nhất. Phân tích nhóm các thành phần dầu dễ bay hơi cho thấy bạch chỉ hoang dại (Xing'anbaizhi) và 5 loại bạch chỉ được trồng (Chuanbaizhi, Hangbaizhi, Qibaizhi, Yubaizhi, Bobaizhi) có thể được chia thành hai nhóm và Angelica dahurica trồng có thể được chia thành hai nhóm nhỏ: Chuanbaizhi, Yubaizhi và Hangbahizhi được tập hợp thành một phân nhóm phụ, Qibaizhi và Bobaizhi thuộc phân nhóm phụ khác. Kết quả phân tích thành phần chính phù hợp với kết quả phân tích phân cụm. Kết luận Các thành phần dầu dễ bay hơi chính và hàm lượng của chúng khác nhau giữa 6 loại cây bạch chỉ. Nonylcyclopropan, cyclododecan và hexadecanoic axid là những thành phần dầu dễ bay hơi phổ biến nhất trong tất cả các cây bạch chỉ, có thể được chia thành hai nhóm. 

                                                                                                                                      Nguyễn Thị Tố Duyên 

33

NGHIÊN CỨU HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM CỦA CÁC THÀNH PHẦN TINH DẦU TỪ ANGELICA SINENSIS (OLIV.) DIELS, ANGELICA DAHURICA (HOFFM.) BENTH. & HOOK.F. EX FRANCH. & SAV., ANGELICA PUBESCENCE MAXIM AND FOENICULUM VULGARE MILL.

Chunlian Li và cs.

Journal of Oleo Science. 2022; 71(8): 1207-1219

Các loài thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae) được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc vì có tác dụng chữa thấp khớp, hạ sốt, lưu thông máu và giảm đau. Nghiên cứu thực tế này dựa trên mô hình phù tai do acid tetracyclin-propylphenol-13-acetic (TPA) 12-O gây ra ở chuột và so sánh với nhóm Ibuprofen (Ib). Phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GCMS) được sử dụng để phân tích thành phần của tinh dầu từ bốn loài thực vật thuộc họ Umbelliferae (Angelica sinensis (Oliv.) Diels, A. dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav., A. pubescens Maxim và Foeniculum vulgare Mill.). Các hợp chất có hoạt tính sinh học trong dầu dễ bay hơi từ bốn loài thực vật họ Umbelliferae đã được đánh giá. Mức độ biểu hiện của các cytokin gây viêm yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), Cyclooxygenase-2 (COX-2), Interleukin-6 (IL-6) và RelA (p65) trên da chuột được xác định bằng phương pháp hóa mô miễn dịch. Chỉ số khúc xạ của bốn loại tinh dầu đã được tính toán. Tổng cộng có 239 hợp chất được xác định bằng GC-MS từ bốn loài được nghiên cứu và thành phần chính là osthol (44,61%, APEO), obepin (0,59%, APEO & 86,58%, FVEO), undecanol (8,58%, ADEO), α-muurolen (7,95%, ADEO) và cis-anethol (9,11%, ADEO). E-ligustilid (0,14%, APEO & 81,14%, ASEO), (-)-spathulenol (0,08%, FVEO & 1,21%, ASEO), (-)-terpinen-4-ol (4,91%, FVEO), 2- butylthiolan (5,76%, APEO) và α-bisabolol (3,80%, APEO). Nghiên cứu này cho thấy rằng tất cả các loại tinh dầu từ bốn loài thuộc họ Umbelliferae được nghiên cứu đều chứa nhiều loại lacton khác nhau, bao gồm ligustrongolacton, trans-anisol và imperatorin. Theo kết quả thử nghiệm cảm ứng TPA trên mô hình gây phù tai chuột, tinh dầu của 4 loài họ Umbelliferae làm giảm nồng độ các cytokin gây viêm TNF-α, COX-2, IL-6 và p65. Tất cả các hợp chất nghiên cứu đều cho thấy hoạt tính sinh học đặc biệt trong việc chống viêm nên chúng có giá trị ứng dụng tiềm năng cho các sản phẩm y sinh, chế phẩm dược phẩm, chất dinh dưỡng chức năng tự nhiên và phụ gia mỹ phẩm.

Võ Văn Nghĩa

34

KHẢ NĂNG KHÁNG KHUẨN VÀ CHỐNG VIÊM CỦA CHIẾT XUẤT TỪ ANGELICA DAHURICARHEUM OFFICINALE, GIÚP ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH LÀNH VẾT THƯƠNG DO BỊ NHIỄM STAPHYLOCOCCUS AUREUS

Wan-TingYang và cs.

Scientific Reports. 2020; 10: 5596

Nhiễm trùng vết thương là một vấn đề lâm sàng nghiêm trọng và vi khuẩn gây nhiễm trùng phổ biến nhất là Staphylococcus AureusPseudomonas aeruginosa. Chiết xuất Angelica dahuricaRheum officinale (ARE) được ghi nhận là có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương ở chuột. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã nghiên cứu tác dụng điều trị của ARE đối với các vết thương bị nhiễm khuẩn. Ba mươi con chuột Sprague-Dawley được chia thành ba nhóm: nước muối thông thường (NS), ARS và thuốc mỡ biomycin (BO). Chuột thí nghiệm bị gây nhiễm bởi 108 đơn vị khuẩn lạc của S. aureus trên da lưng; các phương pháp điều trị được áp dụng một lần mỗi ngày trong 7 ngày. Kết quả cho thấy diện tích vết thương còn lại ở nhóm ARE nhỏ hơn so với nhóm NS và BO. TBCs ở vị trí vết thương giảm dần ở nhóm ARE và BO. Nhiệt độ cơ thể và nồng độ các cytokin gây viêm trong huyết tương (TNF-α, IL-6) tăng lên sau khi bị nhiễm khuẩn 24 giờ ở tất cả các nhóm. Sau khi điều trị, nồng độ BT và các cytokin gây viêm giảm ở nhóm ARE. Quan sát mô học cho thấy nhóm ARE biểu hiện sự hình thành vảy sớm hơn, mô hạt ở da dày hơn, lớp biểu bì dày hơn và nhiều dấu hiệu hình thành mạch hơn các nhóm khác. Tóm lại, ARE đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở những vết thương bị nhiễm S. aureus. Chúng tôi nhận thấy ARE thể hiện tiềm năng kháng khuẩn và chống viêm, đồng thời kích thích hình thành mạch, do đó cải thiện khả năng chữa lành vết thương bị nhiễm trùng.

Võ Văn Nghĩa

35

ANGELICA DAHURICA ĐIỀU CHỈNH SỰ PHÂN CỰC CỦA ĐẠI THỰC BÀO VÀ TĂNG TỐC ĐỘ CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG Ở BỆNH TIỂU ĐƯỜNG: MỘT NGHIÊN CỨU DƯỢC LÝ MẠNG VÀ XÁC NHẬN THỬ NGHIỆM IN VIVO

Yonghui Hu và cs.

Front Pharmacol. 2021; 12: 678713.

Vết thương do tiểu đường biểu hiện quá trình lành vết thương chậm và không hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao. Người ta đã khẳng định rằng Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. và Hook. f. ex Franch. và Sav (A. dahurica) có lợi cho việc chữa lành vết thương. Tuy nhiên, cơ chế dược lý của A. dahurica vẫn chưa được thiết lập. Nghiên cứu hiện tại sử dụng dược lý mạng và xác nhận thử nghiệm in vivo để điều tra quá trình cơ bản giúp A. dahurica có lợi cho việc chữa lành vết thương nhanh hơn ở bệnh nhân tiểu đường. 54 mục tiêu tiềm năng ở A. dahurica có tác dụng chữa lành vết thương đã được xác định thông qua các thử nghiệm dược lý mạng, chẳng hạn như bộ chuyển đổi tín hiệu và bộ kích hoạt phiên mã 3 (STAT3), JUN, interleukin-1β (IL-1β), yếu tố hoại tử khối u (TNF), và prostaglandin G/H synthase 2 (PTGS2). Hơn nữa, xác nhận in vivo cho thấy A. dahurica đẩy nhanh quá trình lành vết thương thông qua tác dụng chống viêm. Cụ thể hơn, nó điều chỉnh sự phân cực của các phân nhóm M1 và M2 của đại thực bào. A. dahurica có tác dụng chữa lành vết thương do bệnh tiểu đường bằng cách điều chỉnh tình trạng viêm. Do đó, phân tích mạng lưới dược lý kết hợp với xác nhận in vivo đã làm sáng tỏ những tác động có thể xảy ra và cơ chế cơ bản về tác dụng điều trị của A. dahurica đối với việc chữa lành vết thương do tiểu đường.

Đào Văn Châu

36

SO SÁNH VÀ XÁC ĐỊNH CÁC HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH THƠM TRONG RỄ CÂY ANGELICA DAHURICA

Die Hu và cs.

Molecules. 2019, 24(23): 4352.

Phương pháp vi chiết pha rắn (SPME), làm sạch và bẫy (P&T), chiết thể thao bằng thanh khuấy (SBSE) và lấy mẫu khoảng trống động (DHS) đã được áp dụng để chiết, tách và phân tích các hợp chất dễ bay hơi trong rễ Hangbaizhi, Qibaizhi và Bobaizhi và GC-O-MS/MS (AEDA) đã được sử dụng để định lượng các hợp chất tạo mùi thơm chính. Tổng số 52, 54 và 43 hợp chất có hoạt tính thơm được chiết xuất từ ​​ba mẫu bằng bốn phương pháp chiết đã được xác định. Trong số các phương pháp này, SPME đã chiết xuất hiệu quả các hợp chất thơm từ cây A. dahurica . Do đó, bằng cách sử dụng các phương pháp SPME để phân tích định lượng dựa trên các tiêu chuẩn bên ngoài và các phân tích pha loãng tiếp theo, tổng số 20, 21 và 17 hợp chất tạo mùi thơm đã được phát hiện trong ba mẫu bằng thử nghiệm ngửi và đánh giá cảm quan cho thấy mùi thơm của A. dahurica bao gồm thảo mộc, gia vị và gỗ. Cuối cùng, phân tích thành phần chính (PCA) cho thấy ba loại A. dahurica tạo thành ba nhóm riêng biệt và phân tích phân biệt bình phương nhỏ nhất một phần (PLS-DA) cho thấy caryophyllene, (-)-β-elemen, nonanal và β-pinen đóng một vai trò quan trọng trong việc phân loại A. dahurica .

Vương Đình Tuấn

37

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC HỢP CHẤT HOẠT TÍNH THƠM CHÍNH TRONG BẠCH CHỈ TRƯỚC VÀ SAU KHI ĐUN SÔI BẰNG PHƯƠNG PHÁP SENSOMICS

Ting Li và cs.

Journal of Food Composition and Analysis. 2022; 105: 104247

Bạch chỉ được biết đến rộng rãi như một loại gia vị và cây thuốc cổ truyền, chủ yếu được sử dụng trong thực phẩm trị liệu. Bạch chỉ có vị thơm và hơi đắng và được chế biến chủ yếu bằng cách đun sôi. Vì vậy, việc xác định ảnh hưởng của việc đun sôi đến hương vị của nó là rất cần thiết. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của việc đun sôi đến hương vị của bạch chỉ thông qua phương pháp cảm biến phân tử. Tổng cộng có 55 hợp chất dễ bay hơi (VOC) và 38 hợp chất có mùi thơm đã được xác định và phân tích thông qua phân tích thành phần chính và phân tích phân biệt bình phương nhỏ nhất một phần trực giao. Kết quả đã làm sáng tỏ rằng 21 hợp chất, bao gồm linalool, δ-eIemen, acid axetic, bị ảnh hưởng đáng kể khi đun sôi. Ngoài ra, mối tương quan giữa các hợp chất có hoạt tính tạo hương thơm chính và các đặc tính cảm quan được thiết lập bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất một phần trực giao hai chiều. Hơn nữa, sự kết hợp giữa độ pha loãng chiết xuất hương liệu và phân tích giá trị hoạt động của mùi cho thấy các hợp chất hoạt động hương thơm chính trong bạch chỉ là α-gurjunen, prenol và α-copaen, có mối tương quan thuận với “hạnh nhân”. Linalool và (E)-2-nonenal là các hợp chất có hoạt tính tạo mùi chủ yếu trong chất lỏng đun sôi bạch chỉ và là các hợp chất bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đun sôi. Các hợp chất này có mối tương quan tích cực với “màu xanh lá cây” và “ cây có múi”. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc ứng dụng bạch chỉ trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

Nguyễn Thị Tố Duyên

38

PHƯƠNG PHÁP CHIẾT XUẤT HIỆU QUẢ DỰA TRÊN DES ĐỐI VỚI COUMARIN CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ BẠCH CHỈ

Ting Wang và Qian Li

Separations. 2022: 9(1): 5

Trong nghiên cứu này, một phương pháp đơn giản và thân thiện với môi trường đã được phát triển để chiết xuất bảy coumarin hoạt tính từ bạch chỉ dựa trên dung môi deep eutectic (DESs). Trong số 16 loại DES dựa trên cholin clorua, hệ thống DES với tỷ lệ mol choline clorua, acid citric và nước là 1:1:2 có hiệu quả chiết xuất tốt nhất. Phương pháp bề mặt đáp ứng được hỗ trợ bằng siêu âm (RSM) đã được sử dụng để nghiên cứu sơ đồ chiết xuất tối ưu. Kết quả cho thấy điều kiện chiết tối ưu là tỷ lệ lỏng-rắn 10:1 (mL/g), thời gian chiết 50 phút, nhiệt độ chiết 59,85°C và độ ẩm 49,28%. Trong những điều kiện này, hiệu suất chiết đạt 1,18%. Ngoài ra, kính hiển vi điện tử quét (SEM) được sử dụng để quan sát mức độ phân mảnh của bột trước và sau khi chiết bằng các dung môi khác nhau. Các tế bào của dược liệu bạch chỉ thu được bằng phương pháp xử lý có hỗ trợ siêu âm DES bị phá vỡ nghiêm trọng nhất, cho thấy DES có hiệu quả cao nhất trong việc xử lý bạch chỉ. Mô hình quét gốc tự do DPPH 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) được sử dụng để đánh giá hoạt tính sinh học của dịch chiết DES. Kết quả cho thấy dịch chiết DES có khả năng bắt gốc tự do DPPH tốt hơn. Vì vậy, DES là dung môi xanh thích hợp để chiết các hợp chất coumarin của bạch chỉ, có tiềm năng lớn để thay thế dung môi hữu cơ.

Phạm Đức Tân

39

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC BỔ SUNG PHÂN BÓN SINH HỌC ĐẾN SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CỦA CÂY BẠCH CHỈ

Ha Thi Thanh Doan và cs.

Asian Journal of Plant Sciences. 2020; 19(2): 63-67

Bối cảnh và mục tiêu: Bạch chỉ là cây thuốc thiết yếu trong y học cổ truyền Việt Nam. Hiện nay, việc lạm dụng phân bón hóa học và các chất kích thích sinh trưởng làm giảm chất lượng sản phẩm. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu ảnh hưởng của phân bón sinh học đến năng suất và chất lượng bạch chỉ.

Vật liệu và phương pháp: Cây con bạch chỉ được bố trí thí nghiệm bằng 3 công thức phân bón (một thí nghiệm đối chứng và 2 công thức áp dụng 2 loại phân bón sinh học).

Kết quả: Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung phân bón sinh học có thể giúp cây bạch chỉ đạt năng suất cao nhất, đạt 7330,9 kg/ha và có tới 77,3% số củ được xếp loại 1.

Kết luận: Kết quả cho thấy việc cung cấp phân bón sinh học có tác dụng làm tăng sinh trưởng và năng suất của cây bạch chỉ. Nó có thể hỗ trợ cây bạch chỉ phát triển và tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Hoàng Thị Sáu

40

ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG PHÁP SẤY ĐẾN HÀM LƯỢNG CÁC HỢP CHẤT CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA CÂY BẠCH CHỈ

Wei-Hong Liang và cs.

Food Science and Biotechnology. 2018; 2727: 1085–1092

Bạch chỉ đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc thảo dược truyền thống của Trung Quốc, thực phẩm chức năng và thành phần sản phẩm mỹ phẩm, chủ yếu là do các hợp chất furanocoumarin cao trong rễ củ. Vì rễ củ tươi dễ bị hư hỏng nên cần có kỹ thuật sấy khô để duy trì sản phẩm có chất lượng cao hơn. Đông khô là phương pháp tốt nhất nhưng tốn nhiều năng lượng và chi phí. Mục đích của nghiên cứu này là phân tích chất lượng (hàm lượng chất chống oxy hóa và furanocoumarin) của rễ Bạch chỉ sau khi đông khô (đối chứng), phơi trong bóng râm, và sấy khô ở nhiệt độ 40 và 70 °C. Hoạt tính chống oxy hóa được phát hiện bằng xét nghiệm chelat 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl và Fe 2+ , đồng thời hàm lượng của sáu hợp chất furanocoumarin, bao gồm xanthotoxin, bergapten, oxypeucedanin, imperatorin, phellopterin và isoimperatorin, được phân tích bằng sắc ký lỏng. Hoạt tính chống oxy hóa ở rễ củ được sấy khô nhiệt độ 40 và 70°C cao hơn so với phương pháp phơi trong bóng râm và sấy khô bằng đông lạnh. Hàm lượng furanocoumarin tương tự khi sấy khô và đông khô ở 70°C. Như vậy Rễ bạch chỉ được sấy khô ở 70°C có thể là một phương pháp khác để giữ được hàm lượng hoạt chất cao. 

Nguyễn Thị Tố Duyên 

41

ẢNH HƯỞNG CỦA CƯỜNG ĐỘ ÁNH SÁNG ĐẾN ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ VÀ BIỂU HIỆN GEN TRONG QUÁ TRÌNH SINH TỔNG HỢP COUMARIN CỦA CÂY BẠCH CHỈ

Yongjie Huang và cs.

International Journal of Molecular Sciences. 2022 14; 23(24): 15912

Thực vật bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về ánh sáng và cơ chế thích ứng có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp chất chuyển hóa thứ cấp. Trong nghiên cứu này, phản ứng sinh lý và điều hòa con đường sinh tổng hợp coumarin của cây bạch chỉ với cường độ ánh sáng khác nhau (ánh sáng tự nhiên (CK), tỷ lệ bóng râm 50% (L1), tỷ lệ bóng râm 70% (L2) và tỷ lệ bóng râm 90% ( L3)) đã được nghiên cứu. Hàm lượng chất diệp lục, mức độ enzym của hệ thống chống oxy hóa, mức độ peroxid hóa lipid và nồng độ chất tan điều hòa thẩm thấu đã được xác định trong cây trồng trong chậu. Hệ phiên mã từ rễ củ thu được dưới các cường độ ánh sáng khác nhau được giải trình tự bằng công nghệ thông lượng cao và các gen biểu hiện khác nhau (DEG) liên quan đến sinh tổng hợp coumarin được phân tích bằng phương pháp PCR thời gian thực định lượng (qRT-PCR). Khi độ che bóng râm tăng lên, hàm lượng Chl a, Chl b, Chl a + b và Chl a/b tăng lên, trong khi tỷ lệ Chl a/b giảm. Hoạt động của hệ thống enzym chống oxy hóa và mức độ peroxid hóa lipid màng tăng lên. Hàm lượng protein hòa tan (SP) và prolin (Pro) giảm khi giảm cường độ ánh sáng và hàm lượng đường hòa tan (SS) cao nhất ở mức 50% bóng râm. Phân tích RNA-seq cho thấy 9388 gen được biểu hiện khác nhau trong nhóm L3 (7561 gen được điều hòa tăng và 1827 gen được điều hòa giảm). Trong cả hai nhóm L1 và L2, DEG được làm giàu đáng kể trong quá trình “sinh tổng hợp Ribosom”; trong khi đó, ở nhóm L3, DEG được làm giàu đáng kể trong “chuyển hóa đường Amino và ribonucleotid” trong phân tích quá trình trao đổi chất KEGG. Ngoài ra, 4CL (TRINITY_DN40230_c0_g2) và COMT (TRINITY_DN21272_c0_g1) của con đường chuyển hóa phenylpropanoid được điều hòa giảm đáng kể trong nhóm L3. Tóm lại, cây bạch chỉ phát triển tốt nhất ở độ che bóng râm 50% và con đường sinh tổng hợp coumarin chuyển hóa thứ cấp bị ức chế bởi bóng râm 90%, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của các hợp chất dược liệu. 

Hoàng Thị Sáu, Nguyễn Thị Tố Duyên

42

CÔNG NGHỆ CHIẾT XUẤT FLAVONOID TỪ BẠCH CHỈ

Fei Fan và cs

Revista Brasileira de Engenharia Agrícola e Ambiental Campina Grande. 2023; 27(12): 941-947

:Là một loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc, bạch chỉ có giá trị dược liệu và dinh dưỡng đáng kể. Để tối ưu hóa việc chiết xuất flavonoid từ bạch chỉ và nâng cao giá trị dược liệu của nó, nghiên cứu này được thực hiện để tối ưu hóa quy trình bằng phương pháp phản ứng bề mặt và nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian siêu âm, nồng độ ethanol và tỷ lệ rắn-lỏng đến tốc độ chiết xuất flavonoid trong bạch chỉ dựa trên các xét nghiệm đơn yếu tố. Quá trình chiết xuất có sự hỗ trợ của siêu âm có thể cải thiện đáng kể tốc độ chiết xuất flavonoid trong bạch chỉ và flavonoid thể hiện khả năng chống oxy hóa, cung cấp cơ sở thực tế cho việc chiết xuất các hoạt chất từ bạch chỉ.

 Nguyễn Trọng Chung

43

SỰ KHÁC BIỆT DỰA TRÊN PHÂN BỐ ĐỊA LÝ CỦA CÂY BẠCH CHỈ TRỒNG (ANGELICA DAHURICA), KHÁM PHÁ MỐI QUAN HỆ GIỮA ỐNG TIẾT VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CÂY

Qinghua Wu và cs.

Scientific Reports. 2023; 13: 21733

Dựa trên sự phân bố địa lý, Angelica dahurica được trồng ở Trung Quốc đã được chia thành Angelica dahurica cv. 'Hangbaizhi' (hàng bạch chỉ, HBZ) và Angelica dahurica cv. 'Qibaizhi' (kỳ bạch chỉ, QBZ). Sự cách biệt lâu dài về mặt địa lý đã dẫn đến sự khác biệt đáng kể về chất lượng giữa các nhóm nàyCấu trúc ống tiết trong cây thuốc là nơi tích lũy các thành phần hữu hiệu và truyền thông tin ra môi trường, gắn kết môi trường với chất lượng dược liệu. Tuy nhiên, sự khác biệt về cấu trúc ống tiết giữa HBZ và QBZ vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm ra mối quan hệ giữa cấu trúc ống tiết và chất lượng của hai loại A. dahurica. Các mẫu rễ được thu thập ở bảy giai đoạn phát triển. Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) và hình ảnh khối phổ ion hóa phun điện tử giải hấp phụ (DESI-MSI) đã được sử dụng để xác định hàm lượng và vị trí không gian của coumarin. Lát cắt paraffin được sử dụng để quan sát và định vị ống tiết của rễ. Phần mềm Origin, CaseViewer và HDI được sử dụng để phân tích dữ liệu và xử lý hình ảnh. Kết quả cho thấy, so với QBZ, HBZ với chất lượng tốt hơn, có diện tích ống tiết trên rễ lớn hơn. Do đó, ống tiết trên rễ có thể được đưa vào chỉ số đánh giá chất lượng của A. dahurica. Ngoài ra, công nghệ DESI-MSI lần đầu tiên được sử dụng để làm sáng tỏ sự phân bố theo không gian và thời gian của các thành phần coumarin trong mô rễ A. dahurica. Nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở lý thuyết để đánh giá chất lượng và chọn giống các giống A. dahurica cải tiến, đồng thời sử dụng công nghệ DESI-MSI để phân tích khác biệt về khả năng trao đổi chất của các hợp chất khác nhau, bao gồm coumarin và dầu dễ bay hơi, trong các bộ phận khác nhau của A. dahurica.

Võ Văn Nghĩa

44

ẢNH HƯỞNG CỦA GIAI ĐOẠN THU HOẠCH ĐẾN TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA CÂY BẠCH CHỈ

Wei‑Hong Liang và cs.

Journal Botanical studies. 2018; 59

Tổng quản: Cây bạch chỉ đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc thảo dược cổ truyền của Trung Quốc, thực phẩm chức năng và thành phần sản phẩm mỹ phẩm, chủ yếu là do các hợp chất furanocoumarin cao ở trong rễ. Bạch chỉ, với đặc điểm độc đáo ngủ nghỉ mùa hè, dễ bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi qua các giai đoạn sinh trưởng. Mục đích của nghiên cứu này là phân tích số lượng (kích thước, hình dạng và trọng lượng khô [DW]) và chất lượng (hàm lượng chất chống oxy hóa và furanocoumarin) của rễ củ và rễ bên ở ba giai đoạn tăng trưởng của bạch chỉ; giai đoạn sinh dưỡng (giai đoạn V), giai đoạn ngủ đông (giai đoạn S) và giai đoạn đâm chồi (giai đoạn B).

Kết quả: Chiều dài và đường kính rễ ở giai đoạn V thấp hơn so với hai giai đoạn còn lại và giai đoạn S có tỷ lệ rễ bên trên tổng số rễ cao hơn. Tuy nhiên, trọng lượng khô của rễ đạt cao nhất được quan sát thấy ở giai đoạn S. Hoạt tính chống oxy hóa được phát hiện bằng xét nghiệm chelat 2,2-diphenyl-L-picrylhydrazyl và Fe2+, đồng thời hàm lượng của sáu hợp chất furanocoumarin, bao gồm xanthotoxin, bergapten, oxypeucedanin, imperatorin, phellopterin và isoimperatorin, được phân tích bằng sắc ký lỏng. Mặc dù hoạt tính chống oxy hóa ở giai đoạn S ít hơn so với các giai đoạn khác, nhưng hàm lượng furanocoumarin ít thay đổi.

Kết luận: Xét đến trọng lượng khô và thành phần furanocoumarin ổn định, giai đoạn S là giai đoạn thu hoạch tốt nhất so với các giai đoạn khác vì tổng hàm lượng dược lý phong phú hơn.

Hoàng Thị Sáu

45

ISOIMPERATORIN: HỢP CHẤT TỰ NHIÊN CHỐNG SÁN LÁ (GYRODACTYLUS KOBAYASHII ) ĐẦY TIỀM NĂNG TỪ ANGELICA DAHURICA

Yihang Liu và cs.

Aquaculture. 2022; 560: 738552

Các phương pháp điều trị sán lá hiện nay bằng cách sử dụng các hóa chất như rotenon, piperazin và trichlorfon gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt là độc tính của chúng đối với vật chủ. Vì vậy, việc tìm kiếm các chất tẩy giun sán thay thế là cấp bách và các hợp chất tự nhiên từ thảo dược cho thấy giải pháp đầy hứa hẹn cho vấn đề này. Trong nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã sàng lọc 33 loại thuốc thảo dược và phát hiện ra rằng Angelica dahurica có hiệu quả tẩy giun sán tốt. Để xác định các hợp chất có hoạt tính từ Angelica dahurica, việc phân lập theo xét nghiệm sinh học đã được thực hiện bằng cách sử dụng mô hình Carassius auratus - Gyrodactylus kobayashii trong nghiên cứu này. Sau khi chiết xuất, tinh chế và xác định đặc tính từng bước, isoimperatorin cuối cùng đã được tách ra làm thành phần hoạt chất chính để diệt trừ G. kobayashii ở cá vàng. So với nhóm đối chứng, việc tắm cá vàng bị nhiễm G. kobayashii bằng isoimperatorin làm giảm đáng kể tỷ lệ và mức độ nhiễm trùng, với giá trị EC50 lần lượt là 0,63 (24 giờ) và 0,53 mg/L (48 giờ). Các xét nghiệm độc tính cấp tính chỉ ra rằng LC50 (96 giờ) của isoimperatorin đối với cá vàng là 10,16 mg/L, cao hơn 19,17 lần so với EC50 (48 giờ). Ngoài ra, kính hiển vi điện tử quét (SEM) và RT-qPCR đã được sử dụng để khám phá cơ chế diệt giun sán của isoimperatorin. Kết quả từ SEM cho thấy rằng sau khi tiếp xúc với isoimperatorin, vỏ của G. kobayashii đã có những biến đổi về hình thái, dẫn tới sự cân bằng của môi trường nội môi bị phá vỡ. Ngoài ra, isoimperatorin điều hòa giảm đáng kể sự biểu hiện của gen ATPase (ATP5A1, ATP5C, ATP5F) và các gen điều khiển con đường chuyển hoá phosphoryl hóa oxy hóa (NDUFS8, NDUFA8, SDH). Sau khi điều trị bằng isoimperatorin, hàm lượng ATP trong giun giảm đáng kể. Tóm lại, isoimperatorin cho thấy hiệu quả chống sản lá G. kobayashii đầy kỳ vọng thông qua việc gây tổn hại cho lớp vỏ, không cung cấp đủ năng lượng cho G. kobayashii.

Võ Văn Nghĩa

46

SỰ ĐA DẠNG DI TRUYỀN HẠN CHẾ VÀ SỰ PHÂN HOÁ CAO Ở CÂY BẠCH CHỈ LÀ KẾT QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH THUẦN HÓA: NHỮNG HIỂU BIẾT SÂU SẮC VỀ NHÂN GIỐNG VÀ BẢO TỒN

Huang Rong và cs.

BMC Plant Biology. 2022; 22(1)

Cây bạch chỉ - Angelica dahurica thuộc họ Hoa tán - Apiaceae, có rễ khô là một vị thuốc cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc có tên là “Bai zhi” – Bạch chỉ. Có hai giống - cultivar (A. dahurica cv. ‘Hangbaizhi’ và A. dahurica cv. ‘Qibaizhi’), đã được thuần hóa hàng nghìn năm. Chọn lọc nhân tạo trong thời gian dài đã dẫn đến những thay đổi lớn về kiểu hình ở rễ của hai giống cây trồng, đồng thời làm giảm khả năng thích nghi với môi trường của chúng. Chúng tôi đề xuất giả thuyết rằng các giống cây trồng có thể đã mất đi sự đa dạng di truyền được tìm thấy ở các loài hoang dã và có sự phân ly cao với các dạng ban đầu trong suốt quá trình thuần hóa. Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu thuần hóa đã ảnh hưởng như thế nào đến biến dị di truyền của loài này. Ở đây, chúng tôi đã đánh giá các mức độ biến dị di truyền và phân hoá trong và giữa các quần thể cây bạch chỉ hoang dã và hai giống cây trồng bằng cách sử dụng 12 chỉ thị vi vệ tinh (microsatellite markers). Kết quả cho thấy sự đa dạng di truyền của các giống cây trồng thấp hơn nhiều so với cây bạch chỉ hoang dã và cây bạch chỉ 'Qibaizhi' có độ đa dạng di truyền thấp hơn so với cây bạch chỉ 'Hangbaizhi'. Phân tích AMOVA cho thấy sự khác biệt di truyền đáng kể giữa quần thể cây bạch chỉ hoang dã và được trồng, cũng như giữa cây bạch chỉ 'Hangbaizhi' và cây bạch chỉ 'Qibaizhi'. Kết quả từ phân tích phân cụm Bayesian, UPGMA, NJ và PcoA chỉ ra rằng tất cả 15 quần thể được tách thành hai nhánh tương ứng với quần thể hoang dã và quần thể trồng. Phân tích Bayes tiếp tục chia các quần thể được trồng thành hai phân nhóm tương ứng với hai giống cây trồng. Kết luận: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng quá trình thuần hóa có thể là yếu tố chính dẫn đến mất đa dạng di truyền ở quần thể cây bạch chỉ trồng và tạo ra sự khác biệt di truyền đáng kể so với quần thể hoang dã do hiệu ứng sáng lập và/hoặc chọn lọc định hướng nhân tạo. Phân tích quy mô lớn về di truyền quần thể này có thể cung cấp thông tin có giá trị cho các chương trình nhân giống và bảo tồn nguồn gen của cây bạch chỉ.

Nguyễn Văn Kiên

47

PHÂN TÍCH QUÁ TRÌNH TRAO ĐỔI CHẤT CHO THẤY NHỮNG THAY ĐỔI VỀ CHẤT CHUYỂN HÓA TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔNG KHÔ VÀ SẤY KHÔ CỦA ANGELICA DAHURICA

Qinghua Wu và cs.

Scientific Reports. 2023, 13: 6022

Bạch chỉ (Angelica dahurica Fisch. ex Hoffm.) là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền Trung Quốc và các chất chuyển hóa thứ cấp có các tác dụng dược lý đáng chú ý. Việc làm khô đã được chứng minh là yếu tố chính ảnh hưởng đến hàm lượng coumarin của Angelica dahurica. Tuy nhiên, cơ chế trao đổi chất cơ bản vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu này tìm cách xác định các chất chuyển hóa khác nhau chính và các con đường trao đổi chất liên quan đến hiện tượng này. Kỹ thuật kết hợp sắc ký lỏng với khối phổ kế song song (LC–MS/MS) được thực hiện trên mẫu Angelica dahurica được đông khô (ở -80°C/9 giờ) và sấy khô trong lò (60°C/10 giờ). Thêm vào đó, con đường trao đổi chất chung của các nhóm so sánh theo cặp được thực hiện dựa trên phân tích làm giàu KEEG. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 193 chất chuyển hóa khác biệt quan trọng, hầu hết có hàm lượng tăng trong quá trình sấy khô trong lò. Nó cũng cho thấy nhiều thành phần quan trọng của con đường PAL đã bị thay đổi. Nghiên cứu này làm rõ các quá trình tái tổ hợp quy mô lớn của các chất chuyển hóa ở Angelica dahurica. Đầu tiên, chúng tôi xác định các chất chuyển hóa thứ cấp có hoạt tính bổ sung ngoài coumarin và dầu dễ bay hơi được tích lũy đáng kể trong Angelica dahurica. Chúng tôi đã ghi nhận thêm những thay đổi về chất chuyển hóa cụ thể và cơ chế của hiện tượng điều hòa tăng coumarin do nhiệt độ tăng. Những kết quả này cung cấp một minh chứng lý thuyết cho các nghiên cứu trong tương lai về thành phần và phương pháp chế biến của Angelica dahurica.

Võ Văn Nghĩa

48

KHAI THÁC CÁC LOCUS LẶP LẠI TRÌNH TỰ ĐƠN GIẢN (SSR) VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CHỈ THỊ EST-SSR CÓ KHẢ NĂNG CHUYỂN TIẾP MỚI TỪ TẬP HỢP PHIÊN MÃ DE NOVO CỦA ANGELICA DAHURICA

Chen Chen và cs.

PLoS One. 2019; 14(8): e0221040.

Bạch chỉ - Angelica dahurica là loài thực vật được trồng rộng rãi với nhiều công dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc thường xuyên di thực A. dahurica đến các khu vực mới đã gây khó khăn cho việc phân biệt giữa các giống. Chỉ thị SSR (trình tự lặp lại đơn giản) được dò tìm dựa trên phân tích phiên mã rất hữu ích để xây dựng bản đồ di truyền và phân tích đa dạng di truyền. Chúng cũng có liên quan đến chọn giống dựa trên chỉ thị phân tử đối với A. dahurica. Chúng tôi đã xác định được 33.724 locus SSR gen dựa trên dữ liệu giải trình tự phiên mã. Tổng cộng có 114 cặp mồi được thiết kế cho các locus SSR và được kiểm tra tính đặc hiệu cũng như tính đa dạng của chúng. Mười locus SSR ở các vùng chưa được dịch cuối cùng đã được chọn. Kết quả là, 56 các kiểu sinh thái của A. dahurica được thu thập từ các vùng khác nhau đã được phân tích. Locus SSR bao gồm 2–8 alen, với trung bình 5,2 alen trên mỗi locus. Giá trị hàm lượng thông tin đa hình và chỉ số thông tin của Shannon lần lượt là 0,6274–0,2702 (trung bình 0,4091) và 1,3040–0,5618 (trung bình 0,8475). Do đó, 10 chỉ thị SSR mới được xác định trong nghiên cứu này gần như phù hợp với trạng thái cân bằng Harvey-Weinberg và sẽ hữu ích cho việc phân tích mối quan hệ di truyền của A. dahurica. Kết quả của nghiên cứu này xác nhận giá trị tiềm năng của cơ sở dữ liệu phiên mã để phát triển các chỉ thị SSR mới.

Đào Văn Châu

49

 CÁC HỢP CHẤT COUMARIN CÓ TÁC DỤNG DIỆT TUYẾN TRÙNG TỪ QUẢ CÂY XÀ SÀNG VÀ RỄ CÂY BẠCH CHỈ VÀ TÁC DỤNG SINH LÝ CỦA CHÚNG ĐỐI VỚI TUYẾN TRÙNG GỖ THÔNG (BURSAPHELENCHUS XYLOPHILUS)

Jiale Feng và cs và cs.

Molecules. 2023; 28(10): 4109

Tuyến trùng gỗ thông (PWN), Bursaphelenchus xylophilus, là tác nhân chính gây bệnh héo thông (PWD), một loại bệnh tàn phá ảnh hưởng đến cây thông. Thuốc diệt tuyến trùng có nguồn gốc từ thực vật thân thiện với môi trường chống lại PWN đã được coi là giải pháp thay thế đầy hứa hẹn để kiểm soát PWD. Trong nghiên cứu này, chiết xuất ethyl acetate của quả cây xà sàng và rễ cây bạch chỉ đã được xác nhận là có hoạt tính diệt khuẩn đáng kể chống lại PWN. Thông qua các phân đoạn được sàng lọc bằng thửnghiệm sinh học, tám hợp chất coumarin diệt tuyến trùng chống lại PWN được phân lập riêng biệt từ chiết xuất ethyl axetat của quả cây xà sàng và rễ cây bạch chỉ , và chúng được xác định là osthol (Hợp chất 1 ), xanthotoxin (Hợp chất 2 ), cindimin ( Hợp chất 3 ), isopimpinellin (Hợp chất 4 ), marmesin (Hợp chất 5 ), isoimperatorin (Hợp chất 6 ), imperatorin (Hợp chất 7 ) và bergapten (Hợp chất 8 ) bằng phân tích dữ liệu phổ khối lượng và cộng hưởng từ hạt nhân (NMR). Coumarin 1 – 8 đều được xác định có tác dụng ức chế sự nở trứng, khả năng ăn và sinh sản của PWN. Hơn nữa, tất cả tám coumarin diệt tuyến trùng đều có thể ức chế acetylcholinesterase (AChE) và Ca 2+ ATPase của PWN. Cindimine 3 từ quả cây xà sàng cho thấy hoạt tính diệt tuyến trùng mạnh nhất chống lại PWN, với giá trị LC 50 là 64 μM sau 72 giờ và có tác dụng ức chế cao nhất đối với sức sống của PWN. Ngoài ra, các thử nghiệm sinh học về khả năng gây bệnh của PWN đã chứng minh rằng 8 hợp chất coumarin diệt tuyến trùng có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng héo của cây thông đen bị nhiễm PWN. Nghiên cứu đã xác định được một số loại coumarin có hoạt tính diệt tuyến trùng thực vật tiềm năng để sử dụng chống lại PWN, có thể góp phần phát triển các loại thuốc diệt tuyến trùng xanh hơn để kiểm soát bệnh héo thông.

Nguyễn Thị Tố Duyên

50

DƯỢC LÝ MẠNG VÀ  DOCKING PHÂN TỬ CHỨNG TỎ CƠ CHẾ CỦA Angelica dahurica CHỐNG LẠI  KHỐI U XƯƠNG ÁC TÍNH

Yafang Zhang và cs.

Medicine (Baltimore). 2022 Nov 4; 101(44): e31055.

Osteosarcoma (OS) là một khối u xương ác tính có nguồn gốc trung mô. Bạch chỉ - Angelica dahurica là một loại thảo mộc cổ truyền điển hình của Trung Quốc. Angelica dahurica được sử dụng trong điều trị nhiều loại khối u. Tuy nhiên, các nghiên cứu về Angelica dahurica đối với OS vẫn chưa được báo cáo. Để nghiên cứu cơ chế hoạt động tiềm năng của Angelica dahurica trong điều trị OS, chúng tôi đã sử dụng phương pháp dược lý mạng và phương phápdocking phân tử trong nghiên cứu này. Trong đó dược lý mạngbao gồm bộ sưu tập các thành phần hoạt chất của Angelica dahurica, bộ sưu tập các mục tiêu dự đoán của Angelica dahurica và các mục tiêu dự đoán của OS, phân tích các mục tiêu điều trị của Angelica dahurica, làm giàu bản thể gen (GO) và bách khoa toàn thư về gen Kyoto và làm giàu bộ gen (KEGG). Hiệu suất biểu đồ Venn cho thấy có 225 mục tiêu dự đoán của Angelica dahurica để điều trị OS. Kết quả phân tích làm giàu các mục tiêu điều trị cho thấy Angelica dahurica đã điều trị OS thông qua nhiều mục tiêu và con đường. Angelica dahurica có thể ảnh hưởng đến sự tăng sinh, quá trình tự hủy, di cư, xâm nhập và hình thành mạch của hệ điều hành thông qua mạng tín hiệu được hình thành bởi các gen quan trọng xuyên qua nhiều con đường truyền tín hiệu. Ngoài ra, kết quả docking phân tử cho thấy sen-byakangelicol, beta-sitosterol và Pragenin có tiềm năng tương đối cao để trở thành phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc OS và cải thiện khả năng sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân OS. Chúng tôi đã sử dụng dược lý mạng và phương pháp docking phân tử để dự đoán các thành phần hoạt tính và mục tiêu quan trọng của Angelica dahurica trong điều trị OS và ở một mức độ nhất định đã làm sáng tỏ cơ chế phân tử tiềm năng của Angelica dahurica trong điều trị OS. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở lý thuyết đối với Angelica dahurica trong điều trị bệnh OS.

 

Đào Văn Châu

51

TỐI ƯU HÓA QUÁ TRÌNH CHIẾT XUẤT VÀ MỐI QUAN HỆ HIỆU QUẢ PHỔ HOẠT ĐỘNG CHỐNG OXY HÓA CỦA BẠCH CHỈ

Hanting Yang, Qian Li

Biomedical Chromatography. April 2022; 36(4)

Mặc dù có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạch chỉ - Angelica dahurica có khả năng chống oxy hóa mạnh nhưng không có thông tin chi tiết rõ ràng về các thành phần chống oxy hóa cụ thể liên quan. Trong nghiên cứu này, sắc ký đồ và hoạt tính chống oxy hóa của bạch chỉ thu được bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC–MS) và 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), 2-azino- bis -(acid 3-ethylbenzothiazoline -6-sulfonic) (ABTS) và phương pháp khử ion sắt (FRAP). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bắt gốc tự do đã được nghiên cứu trong các điều kiện chiết khác nhau, trên cơ sở thí nghiệm một yếu tố. Kết quả cho thấy điều kiện tối ưu cho phương pháp DPPH là chiết siêu âm, sử dụng 80% metanol làm dung môi chiết, tỷ lệ chất lỏng và vật liệu là 20:1 (ml/g) và thời gian chiết là 30 phút. Hơn nữa, mối quan hệ hiệu ứng quang phổ giữa sắc ký đồ GC–MS và tác dụng chống oxy hóa của bạch chỉ đã được thiết lập để đánh giá các thành phần chống oxy hóa của bạch chỉ bằng nhiều phương pháp phân tích dữ liệu. Isoimperatorin và byakangelicol đóng góp lớn nhất trong việc loại bỏ các gốc tự do DPPH và khả năng chống oxy hóa khử sắt. Kết quả này có thể cung cấp cơ sở để phát triển các sản phẩm mới và hiệu quả dựa trên các thành phần chống oxy hóa của bạch chỉ .

Nguyễn Trọng Chung

52

TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC, CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH DÂN GIAN VÀ TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA CHI ANGELICA

Gaber El-Saber Batiha và cs.

Molecules. 2023; 28(1): 267.

Chi Angelica là một trong những chi phân bố rộng rãi và nổi tiếng của họ Hoa tán - Umbelliferae. Nó được sử dụng chủ yếu bởi người dân Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là trong y học dân gian. Angelica bao gồm rất nhiều hợp chất thực vật quan trọng về mặt y học như coumarin, furanocoumarin, flavonoid, tinh dầu, động từ, polysacarit , v.v. Các thành viên của chi này đóng vai trò quan trọng với các tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, chống vi khuẩn, chống tiểu đường, làm trắng da, gây độc tế bào, bảo vệ gan và nhiều loại khác. Tổng quan này đề cập đến nhiều loài thuộc chi Angelica và tập trung nhiều vào loài bạch chỉ - A. dahurica là một trong những loài được sử dụng nhiều trong y học thuộc chi này.

Vương Đình Tuấn

53

XÁC ĐỊNH CÁC HỢP CHẤT ĐẮNG TRONG

BẠCH CHỈ(ANGENLICA DAHURICA) BẰNG HƯỚNG DẪN CẢM QUAN

Mingguang Yu và cs.

Food Research International. 2019; 129(1)

Hangbaizhi (hàng bạch chỉ) - Angelica dahurica (Fisch. ex Hoffm.) Benth. et Hook. f. ex Franch. et Sav. cv. là một vị thuốc cổ truyền Trung Quốc, không chỉ được dùng để chữa các bệnh như cảm lạnh thông thường và đau răng mà còn là một loại gia vị quan trọng được dùng để tăng mùi thơm và khử mùi khó chịu trong nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, bạch chỉ được cho là có vị đắng. Trong nghiên cứu này, các hợp chất đắng trong bạch chỉ sau ba quá trình phổ biến (luộc, chiên và luộc sau khi chiên) đã được nghiên cứu. Sáu hợp chất có vị đắng (oxypeucedanin hydrat, bergapten, xanthotoxol, imperatorin, isoimpinellin và oxypeucedanin) đã được xác định bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)-phát hiện mảng-diode (DAD) -khối phổ ion hóa phun điện tử (ESI)-song song (MS) xác địnhcảm quan. Sự đóng góp của các hợp chất đắng này được xếp hạng bằng phân tích pha loãng vị giác (TDA). Sau khi đánh giá các phương pháp làm giảm vị đắng, người ta thấy rằng tiền xử lý rượu “bạch tửu- rượu trắng” (Trung Quốc) có hiệu quả hơn tiền xử lý bằng nước.

Đặng Quốc Tuấn

54

XÁC ĐỊNH ĐỒNG BỘ BA COUMARIN Ở CÂY BẠCH CHỈ BẰNG PHƯƠNG PHÁP 1H-QNMR: MỘT PHƯƠNG PHÁP NHANH CHÓNG VÀ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH ĐỂ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG THUỐC THÔ

Lan Yang và cs.

Journal of Analytical Methods in Chemistry. 2020; 2020: 8987560

Trong nghiên cứu này, phương pháp định lượng phổ cộng hưởng từ hạt nhân - 1H-qNMR để xác định hàm lượng imperatorin, byakangelicin và oxypeucedanin của rễ cây bạch chỉ trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) đã được thiết lập. Nguyên liệu thực vật khô được chiết xuất triệt để với metanol bằng phương pháp chiết có hỗ trợ siêu âm. Các phép đo 1H-qNMR được thực hiện trên máy quang phổ 600 MHz với hydroquinon làm chất chuẩn nội tham chiếu trong dung môi dimethyl sulfoxid deuterated (DMSO-d6). Việc định lượng được thực hiện bằng cách sử dụng tín hiệu cộng hưởng 1H ở mức 6,55 ppm đối với hydroquinon và 7,68, 7,38-7,39 và 6,38-6,39 ppm tương ứng đối với imperatorin, byakangelicin và oxypeucedanin. Độ tuyến tính, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ chính xác, độ tái lập, độ ổn định và độ thu hồi của phương pháp đã được đánh giá và cho kết quả tốt. Phương pháp mới được phát triển đã được áp dụng để xác định ba loại coumarin ở bạch chỉ.

Nguyễn Trọng Chung

55

NGHIÊN CỨU SỰ PHÂN BỐ KHÔNG GIAN CỦA COUMARIN TRONG RỄ CÂY BẠCH CHỈ BẰNG PHƯƠNG PHÁP MALDI-TOF-MSI

Hui Gao và Qian Li.

Phytochemical Analysis. 2022; 34(1)

DOI: 10.1002/pca.3186

Mở đầu: Thành phần hóa học chính của cây bạch chỉ là coumarin và dầu dễ bay hơi, và coumarin được coi là thành phần đại diện với nhiều tác dụng dược lý khác nhau.

Mục tiêu:

Dựa trên thời gian giải hấp/ion hóa bằng laser được hỗ trợ bằng ma trận của hình ảnh khối phổ bay (MALDI-TOF-MSI), một phương pháp phân tích sự phân bố không gian của coumarin trong rễ chính và rễ bên của cây bạch chỉ đã được thiết lập. Ngoài ra, việc hình dung không gian của coumarin trong rễ của cây bạch chỉ cũng đã được thực hiện.

Nguyên liệu và phương pháp:

Acid α-Cyano-4-hydroxycinnamic (CHCA), acid 2,5-dihydroxybenzoic và 9-aminoacridin được sử dụng làm ma trận. MALDI-TOF-MSI được sử dụng để phân tích các tiêu chuẩn của imperatorin, oxypeucedanin và osthol. Dựa trên độ nhạy và độ lặp lại cao hơn của MALDI-TOF-MSI, ma trận CHCA đã được chọn. Ma trận được sử dụng cho MALDI-TOF-MSI ở chế độ tích cực để phân tích sự phân bố coumarin trong rễ chính và rễ bên của cây bạch chỉ.

Kết quả:

Tổng cộng, 37 coumarin đã được phát hiện ở rễ chính và 36 coumarin được phát hiện ở rễ bên bởi MALDI-TOF-MSI. Kết quả cho thấy hàm lượng coumarin ở rễ sơ cấp cao hơn ở rễ bên. Coumarin trong rễ sơ cấp của cây bạch chỉ tập trung ở chu bì, vỏ và phloem, trong khi coumarin ở rễ bên tập trung ở phloem.

Phần kết luận:

Các coumarin trong rễ chính và rễ bên của cây bạch chỉ được phân tích trực tiếp mà không cần chiết xuất và phân lập, và sự phân bố không gian của coumarin lần đầu tiên được không gian hoá bằng phương pháp MALDI-TOF-MSI một cách toàn diện, tạo cơ sở để phân biệt rễ chính và rễ bên.

Nguyễn Văn Kiên

56

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ ĐẶC TÍNH ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH IN VITROIN VIVO CỦA GLUCO-ARABINAN TỪ ANGELICA DAHURICA

Honglin Wang và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2021; 183: 90-100

Một polysaccharid tan trong nước đã ghi nhận ở đây là ADP80-2 được chiết xuất từ Angelica dahurica. ADP80-2 là một gluco-arabinan bao gồm arabinose và một lượng nhỏ glucose có trọng lượng phân tử 9950 g/mol. Cấu trúc của ADP80-2 bao gồm →5)-α-L-Araf-(1→, →3, 5)-α-L-Araf-(1→, →6)-α-D-Glcp-(1→ , với nhánh tận cùng α-L-Araf-(1 → dư lượng. Về hoạt động điều hòa miễn dịch, ADP80-2 có thể thúc đẩy đáng kể quá trình thực bào, sản xuất oxit nitric (NO) và bài tiết các cytokin (IL-6, IL-1β và TNF-α) của đại thực bào. Ngoài các hoạt động điều hòa miễn dịch tế bào, các chemokin liên quan đến điều hòa miễn dịch đã tăng đáng kể trong mô hình cá ngựa sau khi được điều trị bằng ADP80-2. Những kết quả này chỉ ra rằng ADP80-2 với tác dụng điều hòa miễn dịch có thể rất hữu dụng trong việc phát triển tác nhân điều hoà miễn dịch mới. Đồng thời, việc phát hiện ra ADP80-2 đã tiết lộ thêm về thành phần hóa học của A. dahurica, loài cây được sử dụng làm thuốc và gia vị trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Võ Văn Nghĩa

57

ĐẶC TÍNH CẤU TRÚC CỦA POLYSACCHARID TAN TRONG NƯỚC TỪ ANGELICA DAHURICA VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG KHỐI U Ở CHUỘT MANG KHỐI U H22

Xiao-dan Dong và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2021; 193 (A): 219-227

Một loại polysaccharid tìm thấy trong cây Angelica dahurica (ADP) mới được ghi nhận với khối lượng phân tử (Mw) là 6,09 × 103Da đã được phân lập. Hàm lượng đường tổng số và acid uronic trong ADP lần lượt là 91,04% và 12,69%. Đặc điểm cấu trúc cho thấy ADP là một polysaccharid có tính acid bao gồm rhamnose, arabinose, galactose, glucose, mannose, acid glucuronic và acid galacturonic (0,09: 0,61: 1,88: 1: 0,14: 0,63: 0,03). Hơn nữa, còn có →3)-Manp-(1→, →4, 6)-Galp-(1→, →4)-Galp-(1→, →3)-Glcp-(1→, →5)- Araf-(1→, →2)-Galp-(1→ trong ADP với tỷ lệ mol tương đối là 0,32:0,57:0,29:0,95:0,71:0,26. Các thí nghiệm in vivo cho thấy ADP ức chế đáng kể sự phát triển khối u ở chuột, làm tăng hoạt động của tế bào lympho lách và tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), cải thiện nồng độ cytokine (IL-2 và TNF-α) và tỷ lệ các nhóm tế bào lympho trong máu ngoại vi. Sự phát triển của tế bào ung thư bị đình chỉ ở pha G1, tỷ lệ tế bào khối u chết theo chương trình (apoptosis) là 7,54% và 19,32% ở liều 100 và 200 mg/kg phù hợp với kết quả quan sát giải phẫu mẫu bệnh. Về cơ bản, nghiên cứu bổ sung cơ sở lý thuyết cho việc ứng dụng thực phẩm chức năng có chứa các polysaccharid từ Angelica dahurica.

Võ Văn Nghĩa

58

CÂY BẠCH CHỈ: TỔNG QUAN VỀ CÔNG DỤNG TRUYỀN THỐNG, HÓA THỰC VẬT VÀ DƯỢC LÝ

Hui Zhao và cs

Frontiers in Pharmacology. 2022; 13: 896637

Rễ cây bạch chỉ - Angelica dahurica là một loại dược thảo ăn được nổi tiếng đã được sử dụng ở Trung Quốc hàng nghìn năm. Cho đến nay, hơn 300 các chất hóa học đã được phát hiện từ cây bạch chỉ. Trong số các chất này, coumarin và dầu dễ bay hơi là những hợp chất chính có hoạt tính. Hơn nữa, một số hợp chất khác cũng đã được phân lập từ rễ bạch chỉ, chẳng hạn như alkaloid, phenol, sterol, benzofuran, polyacetylen và polysaccharid. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh rằng rễ bạch chỉ và các thành phần hợp chất của nó có nhiều hoạt tính sinh học khác nhau như chống viêm, chống khối u, chống oxy hóa, hoạt động giảm đau, tác dụng kháng virus và chống vi khuẩn, tác dụng lên hệ tim mạch, chức năng bảo vệ thần kinh, hoạt động bảo vệ gan, tác dụng đối với các bệnh ngoài da v.v. Dựa trên những nghiên cứu này, tổng quan này tập trung vào các công bố nghiên cứu của cây bạch chỉ nhằm mục đích những thành tựu trong kinh nghiệm sử dụng, hóa thực vật và dược lý sẽ cung cấp tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo của cây bạch chỉ.

Nguyễn Văn Kiên

59

DỰ ĐOÁN VỀ CHỈ THỊ Q - CHỐNG OXY HÓA CHO ANGELICA DAHURICA DỰA TRÊN SỰ THAY ĐỔI ĐỘNG LỰC TRONG THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ DƯỢC LÝ MẠNG

Hui Gao and Qian Li

Molecules. 2023; 28(13): 5248

Mục tiêu: Làm rõ sự tích lũy và mô hình biến đổi lẫn nhau của các thành phần hóa học trong bạch chỉ - Angelica dahurica và dự đoán các chỉ thị chất lượng (Chỉ thị Q) về hoạt tính chống oxy hóa của nó. Phương pháp: Loại và sự thay đổi hàm lượng các thành phần hóa học ở các bộ phận khác nhau của A. dahurica trong các thời kỳ khác nhau được phân tích bằng cách sử dụng kỹ thuật sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Tác dụng chống oxy hóa của chỉ thị Q được dự đoán bằng cách sử dụng dược lý mạng và docking phân tử được sử dụng để khẳng định hoạt tính sinh học của chỉ thị Q. Kết quả: Sự khác biệt về sự thay đổi hàm lượng các hợp chất coumarin ở các phần khác nhau được tìm thấy bằng kỹ thuật GC-MS, với hàm lượng tương đối cao nhất ở rễ, tiếp theo là lá và ít nhất ở thân. Các thành phần phổ biến được sử dụng làm chỉ thị Q tiềm năng để phân tích dược lý mạng. Hệ thống hợp chất-đích-con đường-bệnh đã được xây dựng. Trong việc docking phân tử, chỉ thị Q có khả năng liên kết tốt với mục tiêu cốt lõi, phản ánh hoạt động sinh học tốt hơn. Kết luận: Sự tích lũy và biến đổi lẫn nhau của các hợp chất hóa học ở các bộ phận khác nhau của A. dahurica đã được làm rõ. Chỉ thị Q được dự đoán đặt nền tảng vật chất cho việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá chất lượng.

Đào Văn Châu

 

II

CẨU TÍCH

1

XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH CƠ BẢN VÀ TÁC DỤNG LÀM GIẢM BỆNH ALZHEIMER CỦA POLYSACCHARID GIÀU GLUCOSE TỪ CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Zhonghao Zhang và cs.

Arabian Journal of Chemistry. 2023 Jan; 16: 104597-104605

Các polysaccharid tan trong nước từ thực vật ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực thực phẩm nhờ vào hoạt tính đa dạng và độc tính thấp. Phân đoạn CBP50-1, phân đoạn polysaccharid tinh khiết từ thân rễ của cẩu tích (Cibotium barometz), chủ yếu bao gồm glucose (55,45%) và xylose (25,27%). CBP50-1 thể hiện hoạt tính chống oxy hóa trong việc loại bỏ các gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và gốc hydroxyl, ngoài ra còn ức chế quá trình peroxy hóa lipid. CBP50-1 cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của loài giun Caenorhabditis elegans dưới stress nhiệt và stress oxy hóa. Hơn nữa, CBP50-1 làm giảm tình trạng tê liệt và tổn thương oxy hóa do protein beta-amyloid (Ab) gây ra và tăng hoạt động của enzyme chống oxy hóa trong mô hình loài giun C. elegans CL4176 mắc chứng Alzheimer (AD) thông qua con đường tín hiệu MAPK/JNK (protein kinase được kích hoạt bằng mitogen và c-Jun N-terminal kinase). Như vậy, CBP50-1 có tiềm năng ứng dụng trong công nghệ dược.

Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Hữu Thìn

2

XÁC ĐỊNH CHỨC NĂNG CỦA CÁC ENZYM TRITERPENE SYNTHASE TRONG CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Zhongju Ji và cs.

Synthetic and Systems Biotechnology. 2023 Jun; 8: 437–444

Cibotium barometz (Linn.) J. Sm., một loại cây dương xỉ thuộc họ Dicksoniaceae, là một loại cây công nghiệp xuất khẩu có tầm quan trọng về mặt kinh tế ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền Trung Quốc. Thành phần hóa học của C. barometz có nhiều loại triterpen và dẫn xuất có hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, con đường sinh tổng hợp triterpen ở C. barometz vẫn chưa được biết rõ. Để làm rõ nguồn gốc của các loại triterpen khác nhau ở C. barometz, nghiên cứu đã tiến hành giải trình tự phiên mã de novo và phân tích thân rễ và lá của C. barometz để xác định các gen đặc trưng liên quan đến sinh tổng hợp C. barometz triterpene. Đã thu được ba gen đặc trưng C. barometz triterpene synthase (CbTS). Tất cả CbTS đều được biểu hiện nhiều ở thân rễ C. barometz, bao gồm cả kiểu tích lũy triterpene ở C. barometz. Để mô tả chức năng của các CbTS này, nghiên cứu đã chế tạo khung nấm men sản xuất quá mức squalen và oxydosqualen bằng cách biểu hiện quá mức tất cả các enzyme trong con đường mevalonate (MVA) dưới sự kiểm soát của promoter cảm ứng galactose (GAL) và phá vỡ đồng thời gen GAL80 trong Saccharomyces cerevisiae. Biểu hiện dị loại CbTS1, CbTS2 và CbTS3 trong chủng nấm men kỹ thuật lần lượt tạo ra cycloartenol, dammadien và diplopten. Phân tích phát sinh gen cho thấy CbTS1 thuộc về oxidosqualene cyclase, trong khi CbTS2 và CbTS3 thuộc về squalene cyclase. Những kết quả này làm sáng tỏ cơ chế enzyme, cung cấp cơ sở về nguồn gốc của nhiều loại triterpen trong C. barometz.

Nguyễn Thị Huế

3

CÁC CHẤT ỨC CHẾ TẾ BÀO HỦY XƯƠNG TỪ THÂN RỄ CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Nguyen Xuan Cuong và cs.

J Nat Prod. 2009 Sep; 72(9): 1673-7.

Tám hợp chất (1-8) được phân lập từ cao methanol của thân rễ cẩu tích (Cibotium barometz) bao gồm hai dẫn xuất furan mới, cibotiumbarosid A (1) và B (2), và một glycoglycerolipid mới, cibotiglycerol (4). Cấu trúc của các hợp chất này đã được làm sáng tỏ bằng phương pháp hóa học và quang phổ. Các hợp chất 2-5 đều thể hiện sự ức chế sự hình thành tế bào hủy xương mà không ảnh hưởng đến khả năng sống sót của tế bào đại thực bào có nguồn gốc tủy xương (Bone Marrow-Derived Macrophages).

Nguyễn Thị May

4

CÁC GLYCOSIDE HEMITEPEN BẢO VỆ GAN TỪ THÂN RỄ CỦA CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ) (L.) J. SM

Mei-Ping Xie và cs

Phytochemistry. 2017 Jun; 138: 128-133.

Năm hemiterpen glycosid mới, cibotiumbarosid E-I, và hai loại hemitpen glucosid đã biết, đã được phân lập từ thân rễ của Cibotium barometz (L.) J. Sm. Cấu trúc của các cibotiumbaroside E-I được xác định bằng phổ 1D và 2D NMR và HRMS. Cấu hình tuyệt đối của aglycon của cibotiumbarosid E được xác định bằng ECD tính toán bằng phương pháp TDDFT. Cibotiumbarosides F và I đều thể hiện tác dụng bảo vệ gan đáng chú ý trên tổn thương gan cấp tính in vitro gây bởi acetaminophen, hiệu quả hơn so với chứng dương bicyclol. Mặt khác, bảy glycosid hemiterpen này đều không có hoạt tính trong các thử nghiệm về độc tế bào, bảo vệ thần kinh, chống đái tháo đường và chống viêm.

Nguyễn Thị May

5

CÁC HỢP CHẤT GLYCOSIDE VÀ GLYCOSE THAY THẾ ACID PHENOLIC CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ THÂN RỄ CỦA CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Lan Li và cs.

J Asian Nat Prod Res. 2019 Oct; 21(10): 947-953

Hai allose phenolic acid hiếm gặp (1, 2) và một glucosid mới (3), cũng như chín hợp chất đã biết (4-12) được phân lập từ thân rễ của cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm). Cấu trúc 1-3 được xác định bằng các phương pháp phổ (NMR, MS, v.v.) và thủy phân bằng acid. Tất cả các hợp chất đều được đánh giá về hoạt tính bảo vệ gan chống lại tổn thương tế bào HepG2 do acetaminophen gây ra. Các hợp chất 1, 4 - 7, 10 thể hiện hoạt tính bảo vệ gan đáng kể, thậm chí còn mạnh hơn so chứng dương bicycol. Ngoài ra, các hợp chất 19 có thể làm giảm sự chết tế bào PC12 do thiếu hụt huyết thanh.

Nguyễn Thị May, Nguyễn Hữu Thìn

6

SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ HÌNH THÁI THỂ GIAO TỬ CỦA CẦU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J. SM.) TRONG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN

Titien Ngatinem Praptosuwiryo và cs.

Biodiversitas. 2015; 16 (2): 303-310.

https://doi.org/10.13057/biodiv/d160227.

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.) là mặt hàng xuất khẩu quan trọng đối với cả ngành y học cổ truyền lẫn y học hiện đại. Nghiên cứu đã được tiến hành bằng cách gieo bào tử trên môi trường tự nhiên đã khử trùng bao gồm rễ cây Dương xỉ cổ (Cyathea contaminans) và hỗn hợp than vỏ trấu (1:1), qua đó nhằm hiểu rõ về cơ chế sinh sản sinh học của loài này, các quá trình như sự nảy mầm của bào tử, sự phát triển của giao tử, sự biến đổi hình thái và biểu hiện giới tính. Bào tử của cẩu tích có 3 khe, đối xứng ba hướng, không có diệp lục và vỏ ngoài có màu vàng-vàng kim. Sáu giai đoạn phát triển thể giao tử (giai đoạn rễ giả, giai đoạn rễ giả/tiền tản mọc, giai đoạn tơ, giai đoạn mảnh, giai đoạn tim non, giai đoạn tim trưởng thành) được quan sát trong khoảng 24-45 ngày sau khi gieo. Kiểu nảy mầm của cẩu tích là kiểu Vittaria. Kiểu phát triển giao tử nang theo kiểu Drynaria. Năm loại hình thái giao tử trưởng thành đã được ghi nhận: (1) Hình lá dẹp bất thường (đực), (2) Hình quạt (đực), (3) Hình tim thon dài (đực), (4) Hình tim ngắn hoặc hình cánh bướm (cái), (5) Hình tim bình thường (lưỡng tính). Sự hiện diện của các biến thể hình thái được cho là có liên quan đến mật độ quần thể, điều này ảnh hưởng đáng kể đến sự biểu hiện giới tính của giao tử. Sự thay đổi biểu hiện giới tính ở cẩu tích cũng chỉ ra rằng loài này có thể có hệ thống giao phối hỗn hợp dẫn đến sự đa dạng di truyền trong một quần thể và giữa các quần thể.

Đinh Ngọc Bảo

7

SỰ NẢY MẦM CỦA BÀO TỬ IN VITRO VÀ SỰ HÌNH THÀNH GIAO TỬ SỚM Ở CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J. SM.) TRONG ĐIỀU KIỆN KHÁC NHAU

Yupi Isnaini và cs.

Biodiversitas. 2020; 21(11): 5373-5381. https://doi.org/10.13057/biodiv/d211143.

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.) hay cây Lông culi, được liệt kê trong Phụ lục II của CITES, là một sản phẩm xuất khẩu quan trọng đối với y học cổ truyền lẫn y học hiện đại. Tuy nhiên, quần thể của loài này trên thế giới đang đối mặt với áp lực nghiêm trọng do việc khai thác quá mức ngoài tự nhiên. Nuôi cấy in vitro là một trong những công nghệ được sử dụng để nhân giống và bảo tồn chuyển vị (ex-situ) cho các loài dương xỉ và thông đất quý hiếm đang nguy cấp. Nghiên cứu này có hai mục tiêu chính: (1) quan sát quá trình nảy mầm bào tử in vitro và sự phát triển ban đầu của giao tử bào tử cẩu tích, và (2) xác định môi trường nuôi cấy tốt nhất cho sự nảy mầm bào tử nhanh chóng và sự phát triển ban đầu của giao tử bào tử. Bào tử vô trùng được gieo trong môi trường nuôi cấy Murashige & Skoog nồng độ ½ (½MS), được bổ sung với sự kết hợp của 6-Benzylaminopurine (BAP) và acid naphthalene acetic (NAA). Sự kết hợp đa yếu tố của bốn nồng độ BAP (0, 2, 4 và 6 mg L-1) với bốn nồng độ NAA (0; 0,01; 0,03 và 0,05 mg L-1) đã tạo ra 16 thí nghiệm được lặp lại trong thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên. Kết quả quan sát cho thấy sự nảy mầm bào tử của cẩu tích thuộc kiểu Vittaria và sự phát triển tiền giao tử thuộc kiểu Drynaria.

Bào tử nảy mầm bắt đầu từ 7-14 ngày sau khi gieo. Giao tử bào tử hình tim non bao gồm 110-240 tế bào được hình thành trong 45-61 ngày sau khi gieo. Hai môi trường nuôi cấy bào tử tốt nhất giúp cho sự nảy mầm bào tử nhanh chóng và phát triển giao tử bào tử cẩu tích là ½ MS, có hoặc không có 2 mg L-1 BAP.

Nguyễn Minh Hùng

8

PHÂN TÁCH VÀ PHÂN TÍCH ĐỒNG THỜI NĂM HỢP CHẤT TRONG LOÀI CIBOTIUM BAROMETZ BẰNG PHƯƠNG PHÁP XẾP CHỒNG MẪU THỂ TÍCH LỚN TRONG SẮC KÍ MIXEN ĐIỆN ĐỘNG

Lili Wang và cs.

Separations. 2021; 8: 147

Phương pháp xếp chồng mẫu thể tích lớn (LVSS) trong sắc ký sắc ký mixen điện động (MEKC) với đầu dò DAD (diode array detector) đã được phát triển để phân tách và phân tích đồng thời năm hợp chất: acid protocatechuic, aldehyd protocatechuic, acid caffeic, syringetin và vanillin trong loài cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.). Quá trình phân tách điện di được thực hiện trong hệ thống natri dodecyl sunfat (SDS) 10 mM và hệ thống natri borax-natri dihydrogen phosphat 50 mM (pH = 8,5) với 10% methanol ở điện áp 30 kV sau khi các thông số điển hình đã được tối ưu hóa. Giới hạn phát hiện là từ 32 pg đến 65 pg, thấp hơn khoảng 12–27 lần so với MEKC và thấp hơn 500 lần so với các phương pháp đã được báo cáo. Cuối cùng, phương pháp đã thiết lập được xác nhận là có thể áp dụng để xác định acid protocatechuic và acid caffeic trong loài cẩu tích. Phương pháp này được đề xuất với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng của loài cẩu tích.

Lâm Bích Thảo

9

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ XƯƠNG CỦA MỘT OLIGO-GLUCOMANNAN MỚI PHÂN LẬP TỪ THÂN RỄ CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ) BẰNG CHIẾT XUẤT NƯỚC KIỀM

Dong Huang và cs.

Industrial Crops and Products. 2018 March; 113: 202-209

Cẩu tích (Cibotium barometz) chủ yếu phân bố ở miền đông, miền nam và tây nam Trung Quốc là một loại cây xuất khẩu công nghiệp quan trọng có giá trị kinh tế và dược liệu lớn. Thân rễ của C. barometz được sử dụng rộng rãi trong các phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh như đau lưng, đau nhức chân tay, thấp khớp và đau thần kinh tọa. Trong nghiên cứu này, kết quả của các thí nghiệm dược lý in vivo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng các saccharide thô từ Cẩu tích (CBB) thể hiện tác dụng bảo vệ xương ở chuột cống trắng bị cắt bỏ buồng trứng, làm tăng đáng kể hàm lượng khoáng trong xương (BMC) và mật độ khoáng trong xương (BMD), đồng thời ngăn ngừa tổn thương của xương bè, do đó cải thiện các đặc tính cơ sinh học của nó. Một oligo-glucomannan mới (ký hiệu là CBBP-1) có hoạt tính sinh học đã được phân lập và tinh chế khỏi CBB thông qua sắc ký trao đổi anion và sắc ký rây phân tử. Cấu trúc CBBP-1 đã được phân tích bao gồm liên kết (1→4)-α-D-glucose, liên kết (1→6)-β-D-glucose được với liên kết (1→3, 6) α-D-mannose, và cuối cùng là một α-D-glucose. Phân tích hình thái cho thấy CBBP-1 có cấu trúc dạng tấm không đều. Hơn nữa, các tế bào MC3T3-E1 tạo xương được điều trị bằng CBBP-1 đã tăng đáng kể biểu hiện mRNA của yếu tố phiên mã liên quan đến biệt hóa nguyên bào xương (RUNX2), osterixosteopontinosteocalcin, and bone sialoprotein, cho thấy CBBP-1 có thể kích thích sự biệt hóa nguyên bào xương. Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng cho thấy CBBP-1 có tiềm năng trở thành chất chống loãng xương trong ngành dược phẩm.

Lâm Bích Thảo

10

HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ HÀM LƯỢNG CÁC HỢP CHẤT TỰ NHIÊN CỦA LÔNG TRÊN THÂN RỄ CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

YW Heng và cs.

Industrial crops and products. 2020; 153: 112612

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.) là một loài dương xỉ nhiệt đới và thân rễ được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Những sợi lông bao phủ thân rễ thường được loại bỏ trước khi sử dụng. Nghiên cứu này nhằm đánh giá các sợi lông trên thân rễ về hàm lượng các nhóm hợp chất tự nhiên, hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, cũng như xác định các hợp chất chuyển hóa có trong dịch chiết ethyl acetat bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS). Các sợi lông trên thân rễ được chiết xuất tuần tự bằng cách sử dụng lần lượt các dung môi gồm hexan, chloroform, ethyl acetat, ethanol, methanol và nước. Phân tích định tính cho thấy các phân đoạn chiết xuất có chứa các anthraquinon, flavonoid, phenolic, tannin, phytosterol và triterpenoid. Tổng hàm lượng phenolic và flavonoid của dịch chiết lần lượt là 0,37 - 266 mg GAE/g mẫu và 4,57 -113 mg QE/g mẫu. Dịch chiết ethyl acetat có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất với giá trị năng lực khử (FRAP) cao nhất (tương đương 35,1 mmol FeSO4/mg mẫu), giá trị khả năng hấp thụ gốc tự do oxy (ORAC) cao nhất (4,91 mmol tương đương Trolox/mg mẫu), giá trị IC50 thấp nhất (6,50 μg/mL) đối với hoạt tính bắt gốc tự do DPPH. Mối tương quan dương cao (P <0,05) giữa tổng hàm lượng phenolic và FRAP (r=0,9688) hoặc ORAC (r=0,9836), cho thấy polyphenol không chứa flavonoid là thành phần đóng góp chính trong hoạt tính chống oxy hóa cho dịch chiết. Dịch chiết ethyl acetat là chiết xuất có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh nhất với nồng độ ức chế tối thiểu lần lượt là 0,31 - 1,25 mg/mL và 0,02 - 0,31 mg/mL. Phân tích GC-MS cho thấy sự hiện diện của 1-nonadecen, Z-5-nonadecen, octacosanol và 1-tetracosanol/1-heneicosanol trong dịch chiết ethyl acetat góp phần vào hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng nấm. Kết quả cho thấy lông trên thân rễ cẩu tích là nguồn cung cấp các hợp chất có hoạt tính sinh học tốt với hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Đinh Trường Sơn

11

TỔNG HỢP XANH CÁC HẠT NANO VÀNG VÀ BẠC TỪ DỊCH CHIẾT NƯỚC RỄ CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Dandan Wang và cs.

Artificial Cells, Nanomedicine, and Biotechnology: An International Journal. 2017; 45(8): 1548-155

Tổng hợp xanh các hạt nano vàng (CB-AuNps) và bạc (CB-AgNps) từ dịch chiết rễ cây Cẩu tích (Cibotium barometz) đã được làm rõ. Hạt nano vàng (CB-AuNps) được tổng hợp gần như ngay lập tức và hạt nano bạc (CB-AgNps) được hình thành sau 25 phút trong dịch chiết nước được đun nóng. Sự hình thành CB-AuNps và CB-AgNps được phát hiện ở bước sóng 548 và 412 nm; chúng có dạng hình cầu với kích thước tinh thể lần lượt là 6 nm và 23 nm. CB-AgNps đã được nghiên cứu sâu hơn về hoạt tính kháng khuẩn chống lại các vi khuẩn Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Salmonella enterica và Pseudomonas aeruginosa. Hơn nữa, hoạt tính đánh bắt gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) đã được chứng minh. Cuối cùng, hoạt tính gây độc tế bào của CB-AuNps và CB-AgNps đã được phát hiện trên dòng tế bào đại thực bào chuột (RAW264.7) và tế bào ung thư vú MCF-7. Nghiên cứu này đã chứng minh các ứng dụng y sinh tiềm năng của CB-AuNps và CB-AgNps như chất chống oxy hóa, kháng vi khuẩn và là tác nhân của hệ phân phối thuốc.

Lê Huỳnh Thanh Như

12

HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ CHỐNG MỐI MỌT CỦA CHIẾT XUẤT ETHANOL CỦA CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J. SM.)

M Musman, P Widayanti and E Erlidawati

Journal of Physics Conference Series. 2020; 1460(1):012081

Các hoạt tính chống oxy hóa và chống mối mọt đã được xem xét trên chiết xuất ethanol của thân rễ cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.) Đánh giá hoạt tính chống oxy hóa được thực hiện bằng phương pháp DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl) và đo độ hấp thụ ở bước sóng λ = 517 nm. Thử nghiệm chống mối mọt được thực hiện bằng phương pháp ép ăn sử dụng mẫu thử ở các nồng độ 0, 10, 20 và 30 ppm. Kết quả phân tích thành phần hóa thực vật cho thấy dịch chiết có chứa các hợp chất chuyển hoá thứ cấp của flavonoid, polyphenol, tannin, saponin, steroid và triterpenoid. Thử nghiệm chống oxy hóa trong đó dữ liệu được xử lý bằng phương pháp hồi quy tuyến tính cho thấy giá trị IC50 lần lượt là 8,20 và 5,04 ppm đối với dịch chiết và chứng dương vitamin C. Giá trị IC50 của dịch chiết ethanol từ thân rễ cẩu tích cho thấy hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất. Thử nghiệm chống mối mọt trong đó dữ liệu được xử lý bằng chương trình Trimmed Spearman-Karber (TSK) cho thấy giá trị LC50 là 28,88 ppm. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong của mối trong 96 giờ cũng được phân tích thống kê bằng cách sử dụng one-way ANOVA với α = 0,05 chứng minh rằng các phương pháp điều trị đã cho cho thấy sự khác biệt rất đáng kể về tỷ lệ tử vong của mối [F (3, 16) = 293, p <0,0001]. Dựa trên kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định rằng chiết xuất ethanol từ thân rễ cẩu tích có thể được khai thác làm chất chống oxy hóa và chống mối mọt.

Lê Huỳnh Thanh Như

13

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG TÁI TẠO XƯƠNG CỦA HAI POLYSACCHARID DỊ HỢP ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ DỊCH CHIẾT NƯỚC CỦA LOÀI CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ)

Dong Huang và cs.

Industrial Crops and Products. 2018; 121:216-225.

https://doi.org/10.1016/j.indcrop.2018.04.070

Cẩu tích (Cibotium barometz) là một loài cây phân bố ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu ở bán đảo Malaysia và miền nam Trung Quốc. Ở Trung Quốc, cẩu tích có giá trị thương mại lớn trong các ứng dụng sản xuất và y học. Trong công trình nghiên cứu này, các polysaccharid tan trong kiềm (CBBs) thô được chiết xuất từ dịch chiết nước của loài cẩu tích với dung dịch natri hydroxid. Sau khi khử protein và lọc bỏ nhựa, CBBs được phân lập và tinh chế bằng cột sắc ký silicagel DEAE-52 và Sephadex G-75 để thu được hai phân đoạn polysaccharid (CBBP-2 và CBBP-3), với trọng lượng lần lượt là 10,7 kDa và 1,23 × 102 kDa. Các phương pháp nghiên cứu về cấu trúc hóa học được áp dụng như phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) đã xác định CBBP-2 là: → 4) -α-D-GLCP- (1 →, → 3) -α-L-RHAP- (1 →, → 3) -α-L-AraF- (1 →, → 6) -β-D-Galp- (1 →, → 3,6) -α-D-ManP- (1 → và α-D-Galap- (1 →, và CBBP-3 bao gồm →6) -β-D-Galp- (1→, →3) -α-L-Rhap- (1→, →3) -α-L-Fucp- (1→, →3) -α-L-AraF- (1→, →3,6) -α-D-ManP- (1→, β-D-Galap- (1→ và α-D-Galp- (1→. Phân tích hình thái và thể cấu tạo xác định cấu trúc của CBBP-2 có poly phân mảnh và nhỏ giống như hạt bụi, cát. CBBP-3 có hình thái giống tế bào thần kinh, với một số nhánh đuôi gai. Cả CBBP-2 và CBBP-3 đều không có cấu trúc xoắn ba. Ngoài ra, dòng tế bào MC3T3-E1 được chọn để đánh giá hoạt tính tạo xương của CBBP-2 và CBBP-3 trong thử nghiệm chống loãng xương in vitro và kết quả cho thấy CBBP-2 thúc đẩy đáng kể sự biệt hóa của dòng tế bào MC3T3-E1 ở nồng độ 9,4 μM và 18,8 μM và thúc đẩy quá trình khoáng hóa tạo xương ở nồng độ thấp ở 4,7 μM. Nhìn chung, việc chiết xuất có hệ thống, tinh chế, xác định cấu trúc và các thử nghiệm hoạt tính sinh học của CBBP-2 và CBBP-3 cho thấy CBBP-2 có khả năng được sử dụng như một thành phần có hoạt tính chống loãng xương, với tiềm năng ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe và công nghiệp dược phẩm.

Lê Trần Nguyên Vũ

14

TÁC DỤNG TĂNG CƯỜNG CỦA CÁC POLYSACCHARID TỪ LOÀI CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ) TRÊN SỰ GIẢM GLUTATHION DO TEMOZOLOMID TRONG TẾ BÀO U NGUYÊN BÀO THẦN KINH ĐỆM U-87 NGƯỜI, NHỜ VÀO PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH 1H-NMR CHẤT CHUYỂN HÓA

Yue Shi và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2020; 156: 471-484.

https://doi.org/10.1016/j.ijbiomac.2020.03.243

Glioblastoma (GBM) là khối u hệ thần kinh trung ương ác tính nhất, với tiên lượng kém. Temozolomid (TMZ) đã được sử dụng như một loại thuốc đầu tay để điều trị GBM trong hơn một thập kỷ, nhưng lợi ích điều trị của TMZ bị hạn chế bởi đề kháng mắc phải. Các polysaccharid từ cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm., CBP) là polysaccharid được tinh chế từ rễ có hoạt tính làm tăng độ nhạy. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát tác dụng chống ung thư của CBP từ các phương pháp chế biến khác nhau trên dòng tế bào U-87 bằng cách sử dụng phương pháp trao đổi chất dựa trên 1H NMR, được bổ sung với qRT-PCR và đo tế bào dòng chảy, để xác định các marker tiềm năng và khám phá các mục tiêu trong cơ chế tác động. Cẩu tích thường được xử lý dưới nhiệt cát trong các ứng dụng lâm sàng. Polysaccharid từ cả cẩu tích đã chế biến (PCBP) và cẩu tích thô (RCBP) đã được điều chế, và tác dụng trên sự tăng cường độ nhạy với TMZ đã được nghiên cứu in vitro. CBP có thể làm tăng đáng kể độc tính của TMZ đối với dòng tế bào U-87, thúc đẩy quá trình apoptosis, làm tăng sự thay đổi chu kỳ tế bào, làm dừng chu kỳ tế bào trong pha S và RCBP đã được chứng minh có hoạt tính tốt hơn. Phân tích thống kê đa biến, như phân tích thành phần chính (PCA) và chiếu trực giao đối với cấu trúc tiềm ẩn với phân tích phân biệt (OPLS-DA), được sử dụng để xác định các biomarker chuyển hoá và 12 chất chuyển hóa trong các mẫu dịch chiết tế bào đã được xác định rõ ràng là bị thay đổi sau khi tiếp xúc với RCBP. Phân tích chất chuyển hóa tế bào dựa trên NMR đã cung cấp một phương pháp toàn diện để xác định các cơ chế tăng cường apoptosis của CBP và khám phá các ứng dụng tiềm năng của CRP trong các nghiên cứu tiền lâm sàng và tiền lâm sàng.

Lê Trần Nguyên Vũ

15

HAI POLYSACCARID MỚI TỪ RỄ CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ) THÚC ĐẨY SỰ HÌNH THÀNH XƯƠNG THÔNG QUA VIỆC KÍCH HOẠT CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU BMP2 / SMAD1 TRONG CÁC TẾ BÀO MC3T3-E1

Dong Huang và cs.

Carbohydrate polymers. 2020, 231: 115732

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.), một loại thuốc cổ truyền quan trọng ở Trung Quốc, được sử dụng để làm mạnh gân xương. Nghiên cứu đã phát hiện các polysaccharid thô từ cẩu tích (CB70) có thể làm giảm bớt sự mất xương và cải thiện rõ rệt các đặc tính cơ sinh học của chuột cống trắng bị cắt buồng trứng (OVX). Do đó, để làm rõ (các) hoạt chất sinh học của CB70, hai polysaccharid tinh khiết (CBP70-1-1 và CBP70-1-2) đã được tinh chế từ CB70. Kết hợp với thành phần monosaccharid, phân tích FT-IR, GC-MS và NMR chỉ ra rằng CBP70-1-1 bao gồm →6)-D-Galp-(1→, D-Glcp-(1→, →3,6)-D-Manp-(1→, →4)-D-Glcp-(1→ và →6)-D-Glcp-(1→ với trọng lượng phân tử tương đối là 12.724 Da, và CBP70-1-2 bao gồm →4)-D-Glcp-(1→, D-Glcp-(1→, →3,6)-D-Manp-(1→, →6)-D-Galp-(1→, →4,6)-D-Glcp-(1→ và →3)-L-Araf-(1→ với trọng lượng phân tử tương đối là 3611 Da. Các phân tích hình thái cho thấy CBP70-1-1 và CBP70-1-2 xuất hiện dưới dạng một tấm có kích thước và hình dạng không đều, trong khi bề mặt của CBP70-1-1 đầy những phần nhô ra sắc nét và CBP70-1-2 thì nhẵn. Hơn nữa, tác động của CBP70-1-1 và CBP70-1-2 đối với sự tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa của các tế bào tiền nguyên bào xương chuột MC3T3-E1 được đánh giá thông qua xét nghiệm CCK-8, xét nghiệm hoạt tính phosphatase kiềm và xét nghiệm dựa trên alizarin đỏ, tương ứng. Những kết quả này cho thấy CBP70-1-1 và CBP70-1-2 thúc đẩy đáng kể sự tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa của các tế bào MC3T3-E1, thậm chí còn tốt hơn estradiol. Quan trọng hơn, phân tích RT-PCR và Western blot chỉ ra rằng CBP70-1-2 thúc đẩy đáng kể sự biểu hiện của các gen đánh dấu liên quan đến quá trình tạo xương (Runx2, Osx, Ocn và Opn) và các protein (BMP2, RUNX2, OSX và p-SMAD1), cho thấy rằng hoạt tính tạo xương của CBP70-1-2 được thực hiện chủ yếu bằng cách kích hoạt con đường tín hiệu BMP2 / SMAD1. Những phát hiện này cho thấy CBP70-1-2 là một tác nhân chống loãng xương tự nhiên tiềm năng cho dược lý trị liệu.

Lê Thị Kim Oanh, Nguyễn Hoàng Minh

16

CHIẾN LƯỢC DỰA TRÊN DƯỢC LÝ MẠNG ĐỂ TÌM RA CÁC CƠ CHẾ CỦA CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ) TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM XƯƠNG KHỚP

Guang-Yao Chen và cs.

Evidence-based complementary and alternative medicine. 2022; 2022:1826299

Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.) là một loại thuốc bổ thận thận điển hình và được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp viêm xương khớp (OA) trong y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ chế điều hòa của dược liệu này trong điều trị viêm khớp vẫn còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các thành phần hóa học chính của cẩu tích đã được sàng lọc thông qua cơ sở dữ liệu TCMID và các mục tiêu tương ứng đã được thu thập thông qua SwissTargetPrediction. Các mục tiêu liên quan đến OA được lấy từ cơ sở dữ liệu OMIM, Genecards, Genebank, TTD và DisGeNET. Dự đoán các mục tiêu chính và con đường tác động của cẩu tích trong điều trị viêm khớp đã đạt được bằng cách xây dựng một dược lý mạng giữa các mục tiêu-hợp chất và thực hiện phân tích làm giàu KEGG. Mô hình viêm khớp chuột được thiết lập bằng phương pháp Hulth và được sử dụng để khám phá tác dụng bảo vệ của cẩu tích thông qua đánh giá bệnh học sụn. Các mô hình in vitro của viêm khớp được xây dựng bởi yếu tố tiền viêm interleukin-1 β (IL-1β) gây ra các tế bào SW1353 và được sử dụng để xác nhận các cơ chế được dự đoán bởi dược lý mạng. Kết quả dược lý mạng cho thấy tác dụng điều trị của cẩu tích có liên quan chặt chẽ với matrix metalloproteinase (MMP)-1, 3, 13 và gen liên quan đến viêm COX2, được điều chỉnh bởi con đường NFκB. Các thí nghiệm in vivo cho thấy cẩu tích có thể ức chế hiệu quả sự thoái hóa sụn và ức chế sự biểu hiện mRNA của MMP-1, MMP-3, MMP-13 và COX2 trong sụn. Các thí nghiệm in vitro chỉ ra rằng cao chiết nước cẩu tích (CBWE) có thể ức chế đáng kể sự biểu hiện của MMP-1, MMP-3, MMP-13 và PGE2 trong các tế bào SW1353 cảm ứng bởi IL-1β và ngăn chặn rõ rệt sự chuyển vị của NFκB p65 từ tế bào chất sang nhân và làm giảm mức độ phosphoryl hóa của NFκB p65. Sau khi RNA can thiệp nhỏ (siRNA) được sử dụng để ngăn chặn sự tổng hợp NF κ Bp65 để chặn con đường tín hiệu NFκB, khả năng CBWE ức chế MMP-1, MMP-3, MMP-13 và PGE2 đã giảm đi rất nhiều. Cẩu tích có tác dụng bảo vệ sụn đối với viêm khớp bằng cách ức chế phản ứng với viêm và thoái hóa chất nền, cùng cơ chế liên quan kết hợp với sự ức chế con đường NFκB.

Lê Thị Kim Oanh, Nguyễn Hoàng Minh

17

HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ CHỐNG MỐI MỌT CỦA DỊCH CHIẾT ETHANOL CỦA CẨU TÍCH

M Musman và cs.

Journal of Physics Conference Series. 2020; 1460(1): 012081

Hoạt tính chống oxy hóa và chống mối mọt đã được xem xét trên chiết xuất ethanol của thân rễ cẩu tích - Cibotium barometz (L.) J. Sm. Đánh giá tác dụng chống oxy hóa được thực hiện bằng phương pháp DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl) và đo độ hấp thụ ở bước sóng λ = 517 nm. Thử nghiệm chống mối mọt được thực hiện bằng phương pháp ép ăn sử dụng nồng độ 0, 10, 20 và 30 ppm. Kết quả sàng lọc hóa chất thực vật chỉ ra rằng dịch chiết có chứa các chất chuyển hóa thứ cấp của flavonoid, polyphenol, tannin, saponin, steroid và triterpenoid. Thử nghiệm chống oxy hóa trong đó dữ liệu được xử lý bằng phương pháp hồi quy tuyến tính cho thấy giá trị IC50 lần lượt là 8,20 và 5,04 ppm đối với chất chiết xuất và vitamin C (dưới dạng tiêu chuẩn). Giá trị IC50 của dịch chiết ethanol của thân rễ cẩu tích thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất. Thử nghiệm chống mối mọt có dữ liệu được xử lý bằng chương trình Trimmed Spearman-Karber (TSK) cho thấy giá trị LC50 là 28,88 ppm. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong của mối trong 96 giờ được phân tích thống kê bằng cách sử dụng ANOVA một chiều với α = 0,05 chứng minh rằng các phương pháp điều trị đã cho cho thấy sự khác biệt rất đáng kể về tỷ lệ tử vong của mối [F(3, 16) = 293, p <0,0001]. Dựa trên kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định rằng chiết xuất ethanol của thân rễ cẩu tích có thể được khai thác làm chất chống oxy hóa và chống mối mọt.

Phạm Đức Tân, Nguyễn Thị Tố Duyên

18

PHÂN TÍCH TIN SINH HỌC VÀ DI TRUYỀN TRONG VI NHÂN GIỐNG ĐỂ BẢO TỒN LOÀI CẨU TÍCH ĐẶC HỮU VÀ GẦN NHƯ TUYỆT CHỦNG

Maryanti Setyaningsih và cs.

Systematic Reviews in Pharmacy. 2021; 12 (2): 429-433.

Nuôi cấy in vitro rất quan trọng đối với sự phát triển của giống dương xỉ Simpei ngày càng quý hiếm - cẩu tích (Cibotium barometz). Việc sử dụng nitơ có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của các tính trạng chọn giống. Nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của sự biến đổi nồng độ nitơ (KNO3) đến sự đa dạng di truyền của cây con Cẩu tích được tạo ra từ nuôi cấy in vitro. Chồi được thu thập và nuôi cấy in vitro trên môi trường Murashige và Skoog (MS) với nồng độ nitơ (KNO3) khác nhau. Trong nghiên cứu này, phân tích RAPD được áp dụng để xác định 4 cây cẩu tích con. Năm mồi RAPD đã được chuẩn bị cho phân tích này. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng tính đa hình băng DNA được tạo ra từ 5 mồi RAPD cho thấy độ đa dạng rất cao lên tới 100%. Kết quả phân tích phân cụm mẫu băng tần RAPD bằng phương pháp UPGMA trên hệ số tương đồng 0,68 và phân tích các thành phần chính có thể phân biệt rõ ràng thành 3 nhóm. Sự đa dạng di truyền hiện tại cho thấy nitơ có thể gây ra bất bình thường ở cẩu tích. Việc sử dụng các chỉ thị DNA có nguồn gốc từ RAPD để xác thực cẩu tích từ nuôi cấy in vitro có thể giúp làm rõ sự đa dạng di truyền.

Hoàng Thị Sáu

19

HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ HÀM LƯỢNG HOẠT CHẤT CỦA LÔNG THÂN RỄ CIBOTIUM BAROMETZ (CIBOTIACEAE)

Yunn Wen Heng và cs.

Industrial Crops and Products. 2020; 153: 112612

Cibotium barometz (L.) J.Sm. (Cibotiaceae) là một loài dương xỉ vùng nhiệt đới và thân rễ của nó được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Những sợi lông bao phủ thân rễ thường sẽ được loại bỏ trước khi sử dụng. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hàm lượng hóa thực vật, hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn của phần lông bao phủ thân rễ, cũng như xác định thành phần các chất chuyển hóa của chiết xuất ethyl axetat bằng phương pháp sắc ký khí – quang phổ khối (GC–MS). Các sợi lông thân rễ được lần lượt chiết xuất bằng cách sử dụng hexan, chloroform, ethyl acetat, ethanol, metanol và nước. Phân tích định tính cho thấy các thành phần trong dịch chiết có chứa anthraquinon, flavonoid, phenolic, tannin, phytosterol và triterpenoid. Tổng hàm lượng phenolic và flavonoid của dịch chiết lần lượt là 0,37−266 mg acid gallic/g mẫu và 4,57−113 mg quercetin/g mẫu, tương ứng. Dịch chiết etyl axetat có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất với khả năng chống oxy hóa khử sắt (FRAP) cao nhất (tương đương 35,1 mmol FeSO 4 /mg mẫu), giá trị khả năng hấp thụ gốc oxy (ORAC) cao nhất (4,91 mmol Trolox/mg mẫu)và nồng độ hiệu quả bán tối đa thấp nhất (6,50 μg/mL) đối với hoạt tính loại bỏ gốc tự do DPPH, tương ứng. Chỉ số tương quan cao (P < 0,05) chỉ được ghi nhận giữa hàmlượng phenolic tổng số và FRAP (r  = 0,9688) hoặc ORAC (r  = 0,9836), cho thấy polyphenol không chứa flavonoid là tác nhân chính tạo ra hoạt tính chống oxy hóa cho dịch chiết. Chiết xuất etyl axetat là chiết xuất có hoạt tính kháng khuẩn và nấm mạnh nhất, với nồng độ ức chế tối thiểu lần lượt là 0,31–1,25 mg/mL và 0,02−0,31 mg/mL. Phân tích GC–MS cho thấy sự hiện diện của 1-nonadecen, Z-5-nonadecen, octacosanol và 1-tetracosanol/1-heneicosanol trong chiết xuất ethyl acetat góp phần vào hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng nấm. Kết quả chỉ ra rằng lông thân rễ là nguồn cung cấp các hợp chất hoạt tính sinh học tốt với hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Hoàng Viết Thành

20

CÁC HỢP CHẤT POLYSACCHARID TỪ CIBOTIUM BAROMETZ KÍCH THÍCH TĂNG SINH TẾ BÀO SỤN IN VITRO THÔNG QUA THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH CHUYỂN TIẾP CHU KỲ TẾ BÀO G1/S

Changlong Fu và cs.

Mol Med Rep. 2017; 15(5): 3027–3034.

Các polysaccharid từ Cibotium barometz (CBPS) là một trong những thành phần có hoạt tính sinh học quan trọng nhất được chiết xuất từ ​​cây Cibotium barometz, thuộc họ Dicksoniaceae. Loài cây này đã được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh chỉnh hình trong y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ chế phân tử tạo nên tác dụng điều trị của CBPS vẫn chưa được làm rõ. Trong nghiên cứu này, nồng độ CBPS được phát hiện bằng phép đo màu phenol-vitriol. Hơn nữa, các tác động được kích thích bởi CBPS đối với khả năng sống sót và quá trình chuyển đổi chu kỳ tế bào G1/S trong tế bào sụn sơ cấp từ chuột Sprague-Dawley đã được nghiên cứu. Xét nghiệm về khả năng sống của tế bào đã chứng minh rằng sự tăng sinh tế bào sụn có thể được tăng cường nhờ CBPS phụ thuộc vào liều lượng và thời gian. Cơ chế thúc đẩy chu kỳ tế bào sụn được đề xuất có liên quan đến việc kích thích chuyển pha G1 sang S. Để xác nhận thêm kết quả, phản ứng chuỗi polymerase định lượng phiên mã ngược và phân tích Western blot đã được sử dụng để phát hiện biểu hiện ở cấp độ mRNA và protein của cyclin D1, kinase 4 phụ thuộc cyclin và protein u nguyên bào võng mạc. Kết quả cho thấy CBPS có thể kích thích sự tăng sinh tế bào sụn thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi chu kỳ tế bào G1/S. Do viêm xương khớp được đặc trưng bởi sự tăng sinh không đầy đủ của tế bào sụn, nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng CBPS có thể đóng vai trò là một phương pháp mới để điều trị viêm xương khớp.

Đào Văn Châu

21

ĐẶC TRƯNG CHỨC NĂNG CỦA TỔNG HỢP TRITERPEN Ở CIBOTIUM BAROMETZ

Zhongju Ji và cs.

Synthetic and Systems Biotechnology. 2023; 8(3): 437-444

:Cibotium barometz (Linn.) J. Sm. (tên thường gọi Cẩu tích), một loài dương xỉ thuộc họ Dicksoniaceae, là một loại cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị kinh tế ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc. Cẩu tích chứa hàng loạt các triterpen có hoạt tính sinh học và các chất chuyển hóa của chúng. Tuy nhiên, con đường sinh tổng hợp triterpen ở Cẩu tích vẫn chưa được biết rõ. Để làm rõ nguồn gốc của các triterpen đa dạng ở Cẩu tích, chúng tôi đã tiến hành giải trình tự hệ phiên mã de novo và phân tích thân rễ và lá của Cẩu tích để xác định các gen ứng cử viên liên quan đến sinh tổng hợp triterpen. Kết quả đã thu được ba gen ứng cử viên triterpen synthase ở Cầu tích (CbTS). Tất cả các gen này đều có mức độ biểu hiện cao ở thân rễ Cẩu tích, bao gồm mô hình tích lũy của triterpen ở Cẩu tích. Để mô tả chức năng của các CbTS này, chúng tôi đã thiết kế mô hình nấm men sản xuất quá mức squalen và oxydosqualen bằng cách biểu hiện quá mức tất cả các enzyme trong con đường MVA dưới sự kiểm soát của promoter điều hòa bởi GAL và đồng thời phá vỡ gen GAL80 ở nấm men Saccharomyces cerevisiae. Các gen khác loài CbTS1, CbTS2 và CbTS3 trong chủng nấm men biến đổi biểu hiện và lần lượt tạo ra cycloartenol, dammadien và diplopten. Phân tích phát sinh loài cho thấy CbTS1 thuộc về oxidosqualen cyclase, trong khi CbTS2 và CbTS3 thuộc về squalen cyclase. Những kết quả này làm rõ các cơ chế điều hòa enzym là cơ sở cho nguồn gốc của nhiều loại triterpen ở cẩu tích.

Phạm Đức Tân, Vương Đình Tuấn

22

SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ HÌNH THÁI THỂ GIAO TỬ CỦA CẨU TÍCH CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J. SM. TRONG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN

Titien Ngatinem Praptosuwiryo và cs.

Biodiversitas Journal of Biological Diversity 2015; 16(2):303-310.

 Cẩu tích là mặt hàng xuất khẩu quan trọng cho cả y học cổ truyền và hiện đại. Để hiểu được đặc điểm sinh học sinh sản của loài này, quá trình nảy mầm của bào tử, phát triển thể giao tử, biến đổi hình thái và biểu hiện giới tính đã được nghiên cứu bằng cách gieo bào tử trên môi trường tự nhiên được khử trùng bao gồm rễ cây Cyathea được băm nhỏ và hỗn hợp trấu than với tỷ lệ (1: 1). Bào tử cẩu tích có ba màu, đối xứng ba hướng, không có diệp lục và có màu vàng với phần đáy. Sáu giai đoạn phát triển thể giao tử (giai đoạn thân rễ, giai đoạn hình thoi/protochorm, giai đoạn sợi, giai đoạn thìa, giai đoạn tim non, giai đoạn tim trưởng thành) được quan sát trong khoảng 24- 45 ngày sau khi gieo. Quá trình nảy mầm bào tử cẩu tích giống với nhóm Vittaria. Sự phát triển tản non của cẩu tích giống với nhóm Drynaria. Năm loại hình thái giao tử trưởng thành đã được ghi nhận: (i) hình dạng thìa không đều (đực), (ii) hình quạt (đực), (iii) hình trái tim thon dài (đực), (iv) hình tim ngắn hoặc hình bướm (cái) và (v) hình trái tim bình thường (lưỡng tính). Sự hiện diện của các biến thể hình thái được cho là có liên quan đến mật độ quần thể, là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến biểu hiện giới tính của thể giao tử. Sự thay đổi biểu hiện giới tính ở cẩu tích cũng chỉ ra rằng loài này có thể có hệ thống giao phối hỗn hợp dẫn đến sự đa dạng di truyền trong quần thể và giữa các quần thể.

Đặng Quốc Tuấn

23

HOẠT TÍNH BẢO VỆ GAN CỦA HEMITEPEN GLYCOSID TTHÂN RỄ CỦA CIBOTIUM BAROMETZ (L) J. SM

Mei-Ping Xie và cs.

ScienceDirect. 2017; 138: 128 – 133

Năm loại hemitpen glycosid chưa được mô tả, cibotiumbarosid E−I, và hai loại hemitpen glucosid đã biết, đã được phân lập từ thân rễ của Cibotium barometz (L.) J. Sm. Cấu trúc của cibotiumbarosid E−I được thiết lập bằng phân tích quang phổ 1D và 2D NMR và HRMS. Cấu trúc của aglycon của cibotiumbarosid E được xác định dựa trên ECD được tính bằng phương pháp TDDFT. Cibotiumbarosid F và I đều thể hiện hoạt tính bảo vệ gan đáng kể qua khả năng chống lại tổn thương gan cấp tính do APAP gây rain vitro, hiệu quả hơn so với nhóm đối chứng dương là bicyclol. Mặt khác, bảy loại glycosid hemitpenđều không có hoạt tính in vitro trong các thử nghiệm về độc tế bào, bảo vệ thần kinh, chống tiểu đường và chống viêm.

Hoàng Viết Thành

24

SỰ NẢY MẦM CỦA BÀO TỬ IN VITRO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN GIAO TỬ SỚM CỦA CẨU TÍCH TRÊN CÁC MÔI TRƯỜNG KHÁC NHAU

Yupi Isnaini

Biodiversitas Journal of Biological Diversity. 2020; 21(11)

Cẩu tích còn có tên gọi khác là dương xỉ gà vàng và đã được đưa vào Phụ lục II của CITES. Đây là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của y học cổ truyền và hiện đại. Trên toàn cầu, quần thể loài này đang chịu áp lực đáng kể do bị khai thác quá mức trong tự nhiên. Nuôi cấy in vitro là một trong những kỹ thuật được sử dụng để nhân giống và bảo tồn ex-situ các loài dương xỉ và loài thực vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Mục tiêu của nghiên cứu này là: (i) quan sát sự nảy mầm của bào tử trong ống nghiệm và sự phát triển giao tử sớm của cẩu tích, và (ii) xác định môi trường nuôi cấy tốt nhất để bào tử nảy mầm nhanh và phát triển sớm của giao tử. Các bào tử đã khử trùng được gieo trong môi trường cơ bản Murashige & Skoog (½MS) nồng độ một nửa được bổ sung sự kết hợp của 6-Benzylaminopurin (BAP) và acid axetic Naphthalen (NAA). Sự kết hợp giai thừa của bốn nồng độ BAP (0, 2, 4 và 6 mg L -1 ) với bốn nồng độ NAA (0; 0,01; 0,03 và 0,05 mg L -1) tạo ra 16 nghiệm thức được lặp lại theo thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên. Sự nảy mầm của bào tử của cẩu tích được quan sát thuộc nhóm Vittaria, và sự phát triển tản non thuộc nhóm Drynaria. Bào tử bắt đầu nảy mầm 7-14 ngày sau khi gieo. Giao tử non hình trái tim gồm 110-240 tế bào được hình thành sau 45-61 ngày sau khi gieo. Hai môi trường nuôi cấy bào tử tốt nhất cho sự nảy mầm và phát triển bào tử nhanh chóng của giao tử cẩu tích là ½ MS có hoặc không có 2 mg / L BAP.

Phạm Đức Tân, Đặng Quốc Tuấn

25

PHÂN LẬP NẤM NỘI SINH HẤP THU PHỐT PHÁT TỪ LÁ CỦA CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J.SM)

Safira Nurul Fadila và cs.

Jurnal Serambi Biologi. 2023; 8(2)

Phốt phát là một trong những nguyên tố cần thiết với số lượng lớn cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phốt phát có thể được tìm thấy trong đất, nhưng thường ở dạng liên kết phốt phát, do đó thực vật không thể sử dụng được. Nhìn chung, nông dân khắc phục tình trạng thiếu lân cho cây trồng bằng cách sử dụng phân lân nhưng phương pháp này không hiệu quả. Cần có một giải pháp thay thế khác để khắc phục tình trạng thiếu phốt phát trong đất. Một giải pháp thay thế có thể được sử dụng là sử dụng nấm nội sinh hòa tan phốt phát. Nấm nội sinh hòa tan phốt phát có thể được phân lập từ lá của cây cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J.Sm.). Cây cẩu tích có chứa các acid hữu cơ, do đó nấm nội sinh phân lập từ lá của cây cẩu tích dự kiến ​​sẽ tạo ra các acid hữu cơ tương tự và có khả năng hòa tan phốt phát. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích xác định hoạt tính hòa tan lân của lá cây cẩu tích. Mẫu được sử dụng là lá của cây dương xỉ cộng sinh. Loại nấm thu được đã được thử nghiệm trên môi trường Pikovskaya. Hoạt tính hòa tan phốt phát được đánh giá bởi sự hình thành một vùng rõ ràng xung quanh khuẩn lạc nấm. Sáu chủng nấm nội sinh từ cây cẩu tích đã thu được, cụ thể là D1, D2, D3, D4, D5 và D6. Hai chủng phân lập có hoạt tính hòa tan phốt phát là D2 và D4. Chỉ số hòa tan phốt phát cao nhất được thể hiện ở phân lập D2 vào ngày đầu tiên là 0,8. Chỉ số hòa tan phốt phát của tất cả các chủng phân lập đều thấp.

Phạm Đức Tân

26

CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU DƯỢC LÝ MẠNG ĐỂ KHÁM PHÁ CÁC CƠ CHẾ CỦA CIBOTIUM BAROMETZ TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM XƯƠNG KHỚP

Guang-Yao Chen và cs.

Evidenve-Based Complementary and Alternative Medicine. 2022; 2022: pp15

Cibotium barometz là một loại thuốc điều trị viêm xương khớp (OA) theo y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ chế điều tiết của Cibotium barometz trong điều trị OA vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các thành phần hóa học chính của Cibotium barometz đã được sàng lọc thông qua cơ sở dữ liệu TCMID và các mục tiêu tương ứng đã được thu thập thông qua SwissTargetPrediction. Các mục tiêu liên quan đến OA đã được thu thập từ các cơ sở dữ liệu OMIM, Genecards, Genebank, TTD và DisGeNET. Dự đoán về các mục tiêu và con đường chính của Cibotium barometz trong việc điều trị OA đã được thực hiện bằng cách xây dựng một hệ thống hợp chất-mục tiêu và thực hiện phân tích KEGG. Các mô hình OA trên chuột đã được thiết lập và sử dụng bằng phương pháp Hulth để khảo sát hiệu quả bảo vệ của Cibotium barometz thông qua việc đánh giá bệnh lý sụn. Mô hình OA in vitro đã được xây dựng bằng cách sử dụng tế bào SW1353 được kích thích bởi yếu tố viêm nhiễm interleukin-1β (IL-1β) và sử dụng để xác nhận các cơ chế được dự đoán bởi dược lý mạng. Kết quả dược lý mạng cho thấy rằng tác dụng điều trị của Cibotium barometz có liên quan chặt chẽ đến các gen MMP-1, 3, 13 và gen liên quan đến viêm COX2, được điều chỉnh bởi con đường NFκB. Các thí nghiệm in vivo cho thấy rằng Cibotium barometz có thể ngăn chặn sự thoái hóa của sụn một cách hiệu quả và ức chế sự biểu hiện mRNA của MMP-1, MMP-3, MMP-13 và COX2 trong sụn. Các thí nghiệm in vitro chỉ ra rằng dịch chiết từ Cibotium barometz (CBWE) có thể ức chế mức độ biểu hiện của MMP-1, MMP-3, MMP-13 và PGE2 trong tế bào SW1353 được kích thích bởi IL-1β và ngăn chặn sự di chuyển của NFκB p65 từ ngoại vi vào nhân và giảm mức độ phosphory hoá của nó. Sau khi sử dụng RNA nhỏ can thiệp (siRNA) để ức chế tổng hợp của NFκB p65 để chặn con đường tín hiệu NFκB, khả năng của CBWE để ức chế MMP-1, MMP-3, MMP-13 và PGE2 giảm đi đáng kể. Cibotium barometz có tác động bảo vệ sụn trong viêm xương khớp bằng cách ức chế phản ứng viêm nhiễm và phân hủy chất cơ bản, và cơ chế liên quan đến việc ức chế con đường NFκB.

Hoàng Viết Thành

27

PHÂN TÍCH PHÁT SINH LOÀI, PHÁT HIỆN LOÀI CHƯA PHÂN ĐỊNH XÂY DỰNG MÃ VẠCH DNA CỦA CHI CIBOTIUM Ở TRUNG QUỐC DỰA TRÊN DỮ LIỆU PLASTOME

Ri-Hong Jiang và cs.

Plant Systematics and Evolution. 2023; 14

Tài nguyên nguồn gen là nguồn sản xuất thuốc từ dược liệu. Việc nuôi trồng các nguồn gen ưu việt giúp giải quyết mâu thuẫn giữa sự duy trì lâu dài quần thể và nhu cầu thị trường ngày càng tăng bằng cách liên tục sản xuất các nguyên liệu có chất lượng cao. Dược liệu cẩu tích từ loài cẩu tích được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc để điều trị chứng đau, yếu và tê ở chi dưới. Việc sử dụng thuốc trong lịch sử lâu dài đã khiến quần thể cẩu tích hoang dã suy giảm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Nếu không có hiểu biết đầy đủ về sự đa dạng loài và nguồn gen của chi Cibotium, hiện nay rất khó đề xuất một kế hoạch bảo tồn có mục tiêu chứ chưa nói đến việc lựa chọn nguồn gen chất lượng cao. Nghiên cứu này đã lấy mẫu cẩu tích và các loài họ hàng trong suốt quá trình phân bố của chúng ở Trung Quốc, thực hiện giải trình tự lướt bộ gen (genome skimming) để thu được dữ liệu plastom và tiến hành phân tích phát sinh loài. Chúng tôi đã xây dựng một bộ phát sinh chủng loại plastome có đột in cây cao của Cibotium Trung Quốc, cho thấy ba loài có sự khác biệt di truyền đáng kể được phân bố ở Trung Quốc, đó là C. barometz , C. cumingiiC. sino-burmaense sp. nov., một loài chưa phân định đặc hữu của Tây Bắc Vân Nam và các vùng lân cận của Đông Bắc Myanmar. Hơn nữa, kết quả của chúng tôi cho thấy hai dòng khác biệt của cẩu tích phân bố ở phía Đông và phía Tây của ranh giới địa lý thực vật cổ điển có lẽ được hình thành bởi gió mùa và địa hình. Chúng tôi cũng đã đánh giá độ phân giải của 9 locus mã vạch truyền thống và thiết kế 5 mã vạch DNA mới dựa trên trình tự plastom có thể phân biệt chính xác tất cả các loài và dòng Cibotium Trung Quốc này. Những phát hiện mới này trên cơ sở di truyền sẽ hướng dẫn các nhà lập kế hoạch bảo tồn và các nhà chọn giống cây thuốc xây dựng các kế hoạch bảo tồn có hệ thống và khai thác tài nguyên nguồn gen của Cibotium ở Trung Quốc.

Nguyễn Văn Kiên

28

NGHIÊN CỨU QUẦN THỂ CÂY CẨU TÍCH (CIBOTIUM BAROMETZ (L.) J. SM.) TẠI TỈNH RIAU, SUMATRA

Titien Ngatinem Praptosuwiryo và cs.

The Journal Of Tropical Life Science. 2017; 7(2): 167 – 176.

Cây cẩu tích (Họ Dương xỉ) là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả y học cổ truyền và hiện đại. Quần thể loài này ở một số quốc gia đã giảm nhanh chóng do việc thu hái các bộ phận thân rễ không được kiểm soát cho mục đích làm thuốc. Từ năm 1976, loài này được đưa vào Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Điều này có nghĩa là không được phép xuất khẩu nếu không có giấy phép trước do ủy ban CITES cấp. Để sử dụng bền vững các loài có nguy cơ tuyệt chủng, hệ thống NDF (Phát hiện không gây hại) toàn cầu được áp dụng để xác định hạn ngạch hàng năm. Do đó, việc theo dõi và cập nhật số lượng cây cẩu tích trong môi trường sống tự nhiên của nó phải được thực hiện hàng năm. Một nghiên cứu về quần thể cây cẩu tích được thực hiện vào năm 2011 tại tỉnh Riau, Sumatra, được báo cáo ở đây.

Mục đích của nghiên cứu là: 1) kiểm kê C. barometz và xác định biến thể của nó ở tỉnh Riau, Sumatra, 2) nghiên cứu sự phân bố và sinh thái của C. barometz và 3) đánh giá quy mô quần thể của loài này bằng cách sử dụng phương pháp tìm kiếm ngẫu nhiên kết hợp các tuyến vành đai. Hai biến thể của C. barometz được công nhận; chúng là các biến thể màu vàng vàng và nâu vàng. C. barometz phân bố ở 8 địa điểm thuộc huyện Kampar của tỉnh Riau, trong rừng thứ sinh và rừng nông lâm kết hợp cao su ở độ cao từ 80 m đến 600 m so với mực nước biển (asl). Loài này phát triển tốt ở các vùng trống hoặc thưa một phần của rừng thứ sinh và rừng trồng cao su trên đồi có độ dốc từ 30° đến 90°, có độ ẩm tương đối cao, 60 – 90%, trên đất chua đến gần trung tính, với độ phì của đất từ đất rất nghèo đến đất rất giàu mùn. Mật độ quần thể trung bình được xác định trong nghiên cứu của chúng tôi là 20 cây/100 m2. Quy mô dân số cao nhất là ở rừng thứ sinh Bukit Kuda Beban ở độ cao 590 – 600 m so với mực nước biển, tức là 9405 cây với mật độ 47 cây/100m2.

Hoàng Thị Sáu

29

VAI TRÒ BẢO VỆ CỦA CHẤT CHIẾT TRONG CỒN CỦA CIBOTIUM BAROMETZ (CIBOTIUM RHIZOME) TRONG CHỐNG LẠI CHỨNG TEO CƠ DO DEXAMETHASON GÂY RA Ở ỐNG CƠ C2C12

Na – Hyung Kim và cs.

International Journal of Molecular Sciences. 2023; 24(19): 14798

Thiểu cơ (sarcopenia) là một bệnh tiến triển trên cơ, đặc trưng bởi việc mất khối lượng, sức căng, chức năng và hoạt động của cơ xương. Kể từ khi mã bệnh được xác định, người ta đã chú ý vào các sản phẩm tự nhiên có thể chống lại sự teo cơ. Cibotium barometz (Cibotium Rhizome) là một loại thuốc thảo dược dùng điều trị các bệnh xương hoặc khớp ở các nước châu Á. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định được cơ chế hoạt động của Cibotium Rhizome đối với tình trạng teo cơ liên quan bệnh thiểu cơ ở vị trí ống cơ. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tác dụng của chiết xuất ethanol của Cibotium Rhizome (ECR) trong cải thiện tình trạng teo cơ do dexamethason gây ra trên mô hình tế bào nuôi cấy in vitro, cụ thể là các ống cơ C2C12. Sắc ký lỏng hiệu năng cao được thực hiện để kiểm tra các hợp chất trong ECR. Bảy đỉnh trong ECR đã được xác định, tương ứng với các hợp chất sau: acid protocatechuic, (+)-catechin hydrat, acid p -coumaric, acid ellagic, acid chlorogen, acid caffeic và acid ferulic. Trong điều kiện teo cơ giả lập gây ra do đưa 100 μM dexamethason trong 24 giờ vào C2C12, ECR đã tăng biểu hiện của chuỗi nặng myosin, p-Akt, p-động vật có vú của rapamycin (mTOR), p-p70S6K, và kìm hãm sự biểu hiện của được điều chỉnh trong quá trình phát triển và phản ứng phá hủy DNA 1 (REDD1), yếu tố giống kruppel 15 (KLF 15), hộp F teo cơ và protein cơ đặc hiệu RING-1trong C2C12. Ngoài ra, ECR làm giảm tình trạng teo cơ do dexamethason gây ra bằng cách ức chế phiên mã REDD1 và KLF15 trong ống cơ C2C12, cho thấy cần có các nghiên cứu sâu hơn để cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển các tác nhân trị liệu hữu ích sử dụng ECR nhằm giảm bớt tác động của chứng teo cơ xương hoặc thiểu cơ.

Hoàng Viết Thành

30

SÀNG LỌC CÁC HỢP CHẤT TỰ NHIÊN VÀ DẪN XUẤT CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TRONG CÁC NGHIÊN CỨU LÂM SÀNG VÀ TIỀN LÂM SÀNG: MỘT TRONG NHỮNG TUYẾN ĐẦU CHỐNG LẠI ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS

Shaden A.M. Khalifa và cs.

Phytomedicine. 2021 85: 153311.

Tổng quan

Bắt đầu từ tháng 12 năm 2019, nhân loại phải đối mặt với một kẻ thù chưa từng có là virus Covid-19. Thế giới tập hợp các nỗ lực, kinh nghiệm và công nghệ quốc tế nhằm chống lại đại dịch đang nổi lên. Cách ly, vệ sinh, chẩn đoán và điều trị là những phương pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả nhất hiện nay. Các tổ chức y tế và hệ thống chăm sóc toàn cầu đã sàng lọc các nguồn lực sẵn có và đưa ra khuyến nghị về các loại thuốc được phê duyệt và đề xuất. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một liệu pháp chọn lọc hoặc vắc xin cụ thể chống lại Covid-19 vẫn còn là một thách thức.

Phương pháp

Một tìm kiếm tài liệu đã được thực hiện để sàng lọc các hợp chất hoạt tính sinh học tự nhiên và có nguồn gốc cho thấy hoạt động kháng vi-rút mạnh chống lại vi-rút Corona bằng cách sử dụng các bài báo đã xuất bản, bằng sáng chế, trang web thử nghiệm lâm sàng (https://clinicaltrials.gov/) và cơ sở dữ liệu web (PubMed, SCI Finder, Science Direct và Google Scholar).

Kết quả

Thông qua việc sàng lọc các sản phẩm tự nhiên có hoạt tính kháng vi-rút chống lại các loại vi-rút Corona khác nhau ở người, chiết xuất Lycoris radiata (L'Hér.), Gentiana scabra Bunge, Dioscorea batatas Decne., Cassia tora L., Taxillus chinensis (DC.), Cibotium barometz L. và Echinacea purpurea L. cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn chống lại SARS-CoV. Trong số các hợp chất được liệt kê Lycorin, emetin dihydrochlorid hydrat, pristimerin, harmin, conessin, berbamin, 4`-hydroxychalcon, papaverin, acid mycophenolic, mycophenolat mofetil, monensin natri, cycloheximid, oligomycin và valinomycin cho thấy hoạt động mạnh mẽ chống lại virus corona ở người. Ngoài ra, điều đáng chú ý là một số hợp chất đã được chuyển sang thử nghiệm lâm sàng về hoạt tính chống lại COVID-19, bao gồm fingolimod, methylprednisolon, chloroquin, tetrandrin và tocilizumab.

Kết luận

Các hợp chất tự nhiên và các dẫn xuất của chúng có thể được sử dụng để phát triển các phương pháp trị liệu hiệu quả với hoạt tính đáng kể chống lại SARS-COV-2, mang lại bước đầu đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Đào Văn Châu

31

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ XƯƠNG CỦA MỘT OLIGO – GLUCOMANNAN MỚI THU ĐƯỢC TỪ THÂN RỄ CÂY CIBOTIUM BAROMETZ BẰNG PHƯƠNG PHÁP TRÍCH XUẤT KIỀM

Dong Huang và cs.

Industrial Crop and Products. 2018, 113: 202 - 209

Cibotium barometz là một loại cây xuất khẩu công nghiệp quan trọng có giá trị kinh tế và dược liệu, phân bố chủ yếu ở miền Đông, miền Nam và Tây Nam Trung Quốc. Thân rễ của C. barometz được sử dụng rộng rãi trong các phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh như đau lưng, đau nhức chân tay, thấp khớp và đau thần kinh tọa. Trong nghiên cứu này, kết quả của các thí nghiệm dược lý in vivo đã chứng minh rằng các sacarid thô từ C. barometz (CBB) có tác dụng bảo vệ xương ở chuột bị cắt bỏ buồng trứng, làm tăng đáng kể hàm lượng khoáng xương (BMC) và mật độ khoáng xương (BMD), đồng thời ngăn ngừa tổn thương của xương bè, do đó cải thiện các đặc tính cơ sinh học của xương. Để nghiên cứu hoạt tính sinh học của các hợp chất, một oligo-glucomannan mới (ký hiệu là CBBP-1) đã được phân lập và tinh chế từ CBB thông qua phương pháp sắc ký trao đổi ion âm và sắc ký loại trừ kích thước. Phân tích cấu trúc chỉ ra rằng CBBP-1 bao gồm (1 → 4)-linked α-d-glucose, (1 → 6)-linked β-d-glucose với (1 → 3, 6)-linked α-d-mannose, và một terminal α-d-glucose. Phân tích hình thái cho thấy CBBP-1 có cấu trúc dạng tấm không đều. Hơn nữa, các tế bào MC3T3-E1 nguyên bào xương được điều trị bằng CBBP-1 đã làm tăng đáng kể biểu hiện mRNA của yếu tố phiên mã liên quan đến runt 2, osterix, osteopontin, osteocalcinsialoprotein xương, cho thấy CBBP-1 có thể kích thích sự biệt hóa nguyên bào xương. Tóm lại, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy CBBP-1 có tiềm năng trở thành một loại dược phẩm chống loãng xương trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Hoàng Viết Thành

32

TÁC DỤNG CHỐNG LOÉT CỦA LÁ CIBOTIUM BAROMETZ Ở CHUỘT BỊ GÂY LOÉT DẠ DÀY CẤP TÍNH BỞI THỰC NGHIỆM

Nahla Saeed AL-Wajeeh và cs.

Drug Des Devel Ther. 2017; 11: 995–1009.

Cibotium barometz là một loại cây dược phẩm thường được sử dụng trong y học cổ truyền ở Malaysia để điều trị các bệnh khác nhau, chẳng hạn như loét dạ dày. Tác dụng bảo vệ dạ dày của lá C. barometz chống lại vết loét xuất huyết dạ dày do ethanol gây ra ở chuột Sprague Dawley đã được đánh giá về mặt dược tính. Bảy nhóm chuột (nhóm đối chứng bình thường và nhóm đối chứng bị loét, omeprazole 20 mg/kg, 62,5, 125, 250 và 500 mg/kg C. barometz tương ứng) được sử dụng trong thí nghiệm chống loét và được xử lý trước với 10% Tween 20. Sau 1 giờ, nhóm bình thường được cho uống 10% Tween 20, trong khi rượu tuyệt đối được cho uống đối với nhóm đối chứng bị loét, omeprazol và nhóm thử nghiệm. Chất đồng nhất của dạ dày được đánh giá về hoạt động của enzyme nội sinh. Dạ dày đã được kiểm tra về mặt vĩ mô và mô học. Nhìn chung, dữ liệu đã chứng minh sự giảm đáng kể diện tích vết loét ở chuột được điều trị trước bằng chiết xuất thực vật theo cách phụ thuộc vào liều lượng đối với nhóm bị loét. Các chất đồng nhất của mô dạ dày cho thấy hoạt động của các enzyme nội sinh tăng lên đáng kể ở chuột được điều trị trước bằng chiết xuất C. barometz liên quan đến nhóm đối chứng bị loét. Mô học của chuột được xử lý trước bằng nhóm chiết xuất C. barometz sử dụng phương pháp nhuộm hematoxylin và eosin cho thấy sự phá vỡ biểu mô bề mặt ở mức độ từ trung bình đến nhẹ cùng với việc giảm phù nề dưới niêm mạc và thâm nhiễm bạch cầu theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự biểu hiện tăng cường protein70 do sốc nhiệt và biểu hiện giảm protein X liên quan đến BCL2. Những kết quả này có thể là do tác dụng bảo vệ dạ dày và chống oxy hóa của cây.

Đào Văn Châu

33

BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH CỦA CẨU TÍCH, MỘT LOÀI DƯƠNG XỈ LÀM DƯỢC LIỆU THUỘC DANH MỤC CÁC LOÀI CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG CITES

Shanshan Liu và cs.

Resources. 2018; 3(1): 464-465

Trình tự bộ gen lục lạp (cp) hoàn chỉnh của Cẩu tích, một loài dương xỉ dược liệu thuộc danh mục có nguy cơ tuyệt chủng CITES, được xác định bằng giải trình tự Illumina. Bộ gen lục lạp cấu trúc vòng có chiều dài 166.027 bp, bao gồm một cặp lặp lại đảo ngược (IR) 29.158 bp, vùng sao chép đơn (LSC) lớn 85.665 bp và vùng sao chép đơn nhỏ (SSC) 22.046 bp. Bộ gen mã hóa 118 gen duy nhất, bao gồm 84 gen mã hóa protein, 28 gen tRNA, 4 gen rRNA và 2 gen giả. Cây phân loài Maximum likelihood cho thấy cẩu tích có quan hệ họ hàng gần gũi với Alsophila spinulosa. Nghiên cứu này đặt nền móng vững chắc cho việc bảo tồn nguồn dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng và nghiên cứu phát sinh chủng loài cho nhóm dương xỉ.

Nguyễn Văn Kiên

34

TÁC DỤNG CỦA POLYSACCHARID TỪ CIBOTIUM BAROMETZ TRONG VIỆC TĂNG CƯỜNG LƯỢNG GLUTATHION CẢM ỨNG BỞI TEMOZOLOMID BỊ GIẢM SÚT TRONG TẾ BÀO UNG THƯ NÃO U87 Ở NGƯỜI THÔNG QUA PHÂN TÍCH CHUYỂN HOÁ DỰA TRÊN 1H NMR

Yue Shi và cs.

International Journal of Biological Macromolecules. 2023 Aug; 156: 471 - 484

Glioblastoma (GBM) là khối u hệ thần kinh trung ương ác tính nhất, tiên lượng xấu. Temozolomid (TMZ) đã được sử dụng làm thuốc hàng đầu để điều trị GBM trong hơn một thập kỷ, nhưng lợi ích điều trị của nó bị hạn chế do tình trạng kháng thuốc mắc phải. Polysacarid từ Cibotium barometz (CBP) là các polysacarid được tinh chế từ rễ của Cibotium barometz (L. ) J. Sm., có khả năng tăng cường độ nhạy thuốc. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tác dụng chống ung thư của CBP từ các phương pháp xử lý tế bào U87 khác nhau sử dụng cách tiếp cận dựa trên 1 H NMR, được bổ trợ bằng qRT-PCR và phương pháp phân tích dòng chảy tế bào, để xác định chỉ thị tiềm năng, các điểm đích, từ đó khám phá ra cơ chế hoạt động bên trong. Cibotium barometz thường được xử lý dưới bằng cát nung trong các ứng dụng lâm sàng. Các polysaccharid từ cả cây C. barometz đã qua xử lý (PCBP) và C. barometz chưa xử lý (RCBP) được điều chế, tác dụng tăng cường độ nhạy với TMZ đã được nghiên cứu trong điều kiện in vitro. CBP có thể làm tăng đáng kể độc tính của TMZ đối với dòng tế bào U87, thúc đẩy quá trình tế bào chết theo chương trình (apoptosis), tăng cường thay đổi chu trình tế bào và ngăn chặn các tế bào ở pha S, và RCBP có hoạt tính tốt hơn. Các phân tích thống kê đa biến, như phân tích thành phần chính (PCA) và phân tích tới cấu trúc tiềm ẩn với phân tích phân biệt (OPLS–DA), đã được sử dụng để xác định các chỉ thị sinh học trao đổi chất, và 12 chất chuyển hóa trong các mẫu chiết xuất tế bào được xác định rõ ràng là đã bị thay đổi sau khi tiếp xúc với RCBP. Chất chuyển hóa tế bào dựa trên NMR đã cung cấp một phương pháp toàn diện để xác định các cơ chế tăng cường quá trình chết theo chương trình của CBP và khám phá các ứng dụng tiềm năng của hoạt chất trong các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng.

Hoàng Viết Thành

35

TÁC DỤNG BẢO VỆ DẠ DÀY CỦA LÔNG CIBOTIUM BAROMETZ ĐỐI VỚI BỆNH LOÉT DẠ DÀY DO ETHANOL GÂY RA Ở CHUỘT SPRAGUE – DAWLEY

Nahla Saeed AL-Wajeeh và cs.

BMC Veterinary Research. 2017; 13 (27)

Cibotium barometz là một loại thảo dược được sử dụng truyền thống trên bán đảo Malaysia để điều trị một số bệnh, bao gồm cả loét dạ dày. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng chống loét của lông C. barometz đối với các vết trầy xước gây xuất huyết dạ dày do ethanol gây ra ở động vật. Bảy nhóm chuột Sprague Dawley (SD) được cho dùng 10% Tween 20 ở nhóm đối chứng thường và nhóm đối chứng loét, và omeprazol 20 mg/kg và 62,5, 125, 250 và 500 mg/kg chất chiết xuất từ lông C. barometz trong các nhóm thực nghiệm. Sau 60 phút, nhóm chuột đối chứng thường được cho uống 10% Tween 20, trong khi nhóm loét dạ dày, omeprazol và các nhóm thí nghiệm được cho uống ethanol tuyệt đối. Dạ dày của chuột được kiểm tra qua quan sát hiển vi và mô bệnh học. Chất đồng nhất của dạ dày được sử dụng để đánh giá hoạt tính của enzyme chống oxy hóa nội sinh.

Kết quả

Chuột được ăn trước với chiết xuất thực vật cho thấy có sự giảm đáng kể về diện tích tổn thương, sự tăng độ pH của dịch dạ dày, và lớp chất nhầy thành dạ dày được bảo vệ tốt hơn so với nhóm viêm loét. Về mặt mô học, chuột được ăn trước với dịch chiết lông của C. barometz cho thấy sự phá vỡ biểu mô bề mặt ở mức độ nhẹ đến trung bình trong khi nhóm được ăn trước với ethanol tuyệt đối cho thấy sự phá hủy nghiêm trọng của niêm mạc dạ dày với biểu hiện sưng và xâm nhập của tế bào bạch cầu vào lớp nội niêm mạc. Kết quả của việc nhuộm acid Schiff (PAS) cho thấy mỗi con chuột được tiền xử lý với chiết xuất thực vật cho thấy có sự hấp thụ mạnh mẽ màu chỉ thị cho glycoprotein niêm mạc dạ dày so với nhóm đối chứng viêm loét. Phân tích miễn dịch hóa học cho thấy rằng chuột được ăn trước với chiết xuất thực vật có sự điều chỉnh của protein sốc nhiệt 70 (HSP70) và điều chỉnh giảm của protein Bax so với chuột kiểm soát viêm loét. Dung dịch đồng nhất của mô dạ dày thể hiện sự tăng đáng kể hoạt động enzym chống oxy hóa nội sinh và giảm peroxid hóa lipid (MDA) ở chuột được tiền xử lý với chiết xuất lông của C. barometz so với chuột kiểm soát viêm loét. Trong thử nghiệm độc tính cấp tính, không thấy biểu hiện độc gan và thận về mô học trên nhóm chuột nghiên cứu.

Kết luận

Tác động bảo vệ niêm mạc dạ dày của dịch chiết từ lông của C. barometz có thể được biện giải qua khả năng chống oxy hóa, khả năng làm tăng độ pH của dạ dày, bảo vệ lớp chất nhầy dạ dày, tăng hoạt động enzym chống oxy hóa nội sinh, giảm peroxid hóa lipid, điều chỉnh tăng protein HSP70 và giảm protein Bax.

Hoàng Viết Thành

36

LỢI ÍCH TRỊ LIỆU ĐỒNG HÓA VÀ DỊ HÓA CỦA CÁC LOẠI THUỐC TỰ NHIÊN CỦA TRUNG QUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG

Jianbo He và cs.

Front Pharmacol. 2019; 10: 1344.

Loãng xương là một bệnh về xương được đặc trưng bởi sự gia tăng độ giòn và gãy xương do khối lượng xương giảm và sự thoái hóa cấu trúc vi mô. Các chiến lược dược lý cơ bản để điều trị loãng xương, điều trị thay thế hormon (HRT) và liệu pháp alendronat có thể gây ra tác dụng phụ bất lợi và có thể không được khuyến cáo sử dụng lâu dài. Một số loại thuốc tự nhiên cổ điển và dành riêng cho xương của Trung Quốc được sử dụng rất phổ biến để điều trị loãng xương và gãy xương một cách hiệu quả trên lâm sàng với giá trị tiềm năng trong sự tăng trưởng và phát triển của xương nhưng ít có tác dụng phụ bất lợi. Bằng chứng hiện tại cho thấy rằng các phương pháp điều trị dường như cải thiện quá trình chuyển hóa xương và làm giảm sự mất cân bằng loãng xương giữa quá trình hình thành xương và sự tiêu xương ở cấp độ tế bào bằng cách thúc đẩy hoạt động của nguyên bào xương và ức chế tác động của các nguyên bào xương. Do đó, các liệu pháp có giá trị có thể cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả và an toàn hơn cho các chiến lược dược lý cơ bản. Do đó, mục đích của bài viết này là xem xét toàn diện các loại thuốc cổ truyền và đặc hiệu cho xương này trong các loại thuốc tự nhiên của Trung Quốc để điều trị bệnh loãng xương đã được nghiên cứu và báo cáo sâu sắc và chắc chắn về cả tác dụng tạo xương và chống hấp thu, bao gồm cả Gynochthodes officinalis (FCHow) Razafim. & B.Bremer (đồng nghĩa Morinda officinalis FCHow ), Curculigo orchioides Gaertn. , Psoralea corylifolia ( L. ) Medik Eucommia ulmoides Oliv. , Dipsacus inermis (đồng nghĩa Dipsacus asperoides CYCheng & TMAi), Cibotium barometz (L.) J. Sm., Velvet Antler, Cistanche Deserticola Ma, Cuscuta chinensis Lam., Cnidium monnieri (L.) Cusson, Epimedium brevicornum Maxim, Pueraria montana (Lour.) Merr. và Salvia miltiorrhiza Bunge., từ đó cung cấp bằng chứng về tiềm năng sử dụng các liệu pháp thay thế y học Trung Quốc để điều trị loãng xương một cách hiệu quả.

Đào Văn Châu

37

HAI POLYSACCHARIDID MỚI TỪ THÂN RỄ CỦA CIBOTIUM BAROMETZ THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH XƯƠNG THÔNG QUA KÍCH HOẠT ĐƯỜNG TRUYỀN TÍN HIỆU BMP2/SMAD1 TRONG TẾ BÀO MC3T3-E1

Dong huang và cs.

ScienceDirect. 2020, 231: 115732

Cẩu tích, Cibotium barometz, một loại thuốc truyền thống quan trọng của Trung Quốc, được sử dụng để tăng cường xương và gân. Chúng tôi phát hiện ra rằng polysacarid thô từ C. barometz (CB70) có thể làm giảm tình trạng mất xương và cải thiện rõ rệt các đặc tính cơ sinh học của chuột OVX. Vì vậy, để làm rõ (các) hoạt chất sinh học của CB70, hai loại polysaccharid đồng nhất (CBP70-1-1 và CBP70-1-2) đã được tinh chế từ CB70. Sự kết hợp của thành phần monosacarid, phân tích FT-IR, GC–MS và NMR chỉ ra rằng CBP70-1-1 bao gồm →6)-D-Gal p -(1→, D-Glc p -(1→, →3 ,6)-D-Man p -(1→, →4)-D-Glc p -(1→ và →6)-D-Glc p -(1→ với trọng lượng phân tử tương đối là 12.724 Da và CBP70-1 -2 bao gồm →4)-D-Glc p -(1→, D-Glc p -(1→, →3,6)-D-Man p -(1→, →6)-D-Gal p -(1→, →4,6)-D-Glc p -(1→ và →3)-L-Ara f -(1→ với trọng lượng phân tử tương đối là 3611 Da. Các phân tích hình thái cho thấy CBP70-1-1 và CBP70-1-2 xuất hiện dưới dạng một tấm có kích thước và hình dạng không đều, trong khi bề mặt của CBP70-1-1 đầy những vết lồi lõm còn CBP70-1-2 thì nhẵn. Tác dụng của CBP70-1-1 và CBP70-1-2 đối với sự tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa của các tế bào MC3T3-E1 tiền tạo xương của chuột được đánh giá lần lượt thông qua xét nghiệm CCK-8, xét nghiệm hoạt tính phosphatase kiềm và xét nghiệm dựa trên màu đỏ alizarin. Kết quả cho thấy CBP70-1-1 và CBP70-1-2 thúc đẩy đáng kể sự tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa của tế bào MC3T3-E1, thậm chí còn tốt hơn cả E2. Quan trọng hơn, phân tích RT-PCR định lượng và phân tích bằng Western blot chỉ ra rằng CBP70-1-2 thúc đẩy rõ rệt sự biểu hiện của các gen chỉ thị liên quan đến tạo xương (Runx2, Osx, OcnOpn) và protein (BMP2, RUNX2, OSX và p-SMAD1), chứng tỏ hoạt tính tạo xương của CBP70-1-2 được thực hiện chủ yếu bằng cách kích hoạt con đường dẫn tín hiệu BMP2/SMAD1. Những phát hiện này gợi ý CBP70-1-2 là một tác nhân chống loãng xương tự nhiên tiềm năng cho trị liệu dược lý.

 Hoàng Viết Thành

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu dịch)