Tạp chí Dược liệu, tập 29, số 1/2024 (Trang 17 - 22)
CAO CHIẾT LÁ CHÈ ĐẮNG CẢI THIỆN RỐI LOẠN CHỨC NĂNG KHỨU GIÁC GÂY BỞI ZnSO4 TRÊN CHUỘT NHẮT TRẮNG
Phạm Thị Nguyệt Hằng1, 2, *, Bùi Tuấn Đạt2, Trần Thị Hồng Vân1,
Nguyễn Quang Lĩnh3, Lê Thị Xoan1, William R. Folk4
1Viện Dược liệu; 2Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội;
3Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; 4Đại học Missouri, Hoa Kỳ
*Email: nguyethangpt@nimm.org.vn
(Nhận bài ngày 19 tháng 6 năm 2023)
Tóm tắt
Chứng mất khứu giác thường là dấu hiệu sớm nhất của việc lây nhiễm SARS-CoV-2 và có thể tồn tại lâu sau khi virus bị loại bỏ, đồng thời có liên quan đến chứng trầm cảm và các khiếm khuyết về nhận thức thần kinh khác. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá tác dụng cải thiện tình trạng mất chức năng khứu giác của cao chiết Ilex kudingcha C.J. Tseng (IKE) trên mô hình chuột bị tổn thương biểu mô khứu giác cấp tính và chứng mất khứu giác gây bởi ZnSO4. Chuột nhắt trắng giống đực, chủng Swiss albino 6 tuần tuổi được nhỏ mũi liều duy nhất bằng dung dịch ZnSO4 170 mM (20 μl/ lỗ mũi x 2 lỗ mũi) hoặc nhỏ nước muối sinh lý 0,9% (chứng sinh lý). 1 giờ sau khi nhỏ mũi, chuột được uống IKE (liều 270 và 540 mg/kg) liên tục trong 14 ngày và các thử nghiệm hành vi được thực hiện vào ngày 7 và 14 để đánh giá tác dụng cải thiện chức năng khứu giác và chống trầm cảm. Vào ngày thứ 15, chuột được gây mê bằng cloral hydrat (50 mg/kg) và mô mũi được cắt để đánh giá giải phẫu mô học bằng Hematoxylin và Eosin. Kết quả cho thấy IKE có tác dụng phục hồi đáng kể lớp biểu mô khứu giác và giảm chứng mất khứu giác (được xác định bởi thời gian tìm thấy một tờ giấy thơm bơ đậu phộng) và giảm trầm cảm (được xác định bởi thời gian bất động). Những kết quả này cho thấy lá chè đắng có thể là đối tượng tiềm năng để điều trị tổn thương chức năng khứu giác gây bởi các tác nhân hóa học và nhiễm khuẩn.
Từ khoá: Lá chè đắng, ZnSO4 gây mất chức năng khứu giác, Thử nghiệm tìm kiếm mùi bơ lạc, Thử nghiệm treo đuôi chuột, biểu mô khứu giác.
Summary
Ilex kudingcha C.J. Tseng Extract Mitigates ZnSO4-Induced Olfactory Dysfunction in Mice
Anosmia is often the earliest sign of infection by SARS-CoV-2 and may persist long after the virus is eliminated, and is associated with depression and other neurocognitive deficits. This study was conducted to evaluate the ameliorating effect of anosmia by Ilex kudingcha C.J. Tseng extract (IKE) in a mouse model of acute olfactory epithelium damage and anosmia caused by ZnSO4 instillation. Male Swiss albino mice 5-6 weeks old were given a single dose of either 20 μl ZnSO4 (170 mM) or normal saline solution (control) in each nostril. One hour later, mice were provided with IKE at the doses of 270 and 540 mg/kg continuously for 15 days, and tests were performed on days 7 and 14 to evaluate olfactory function and depression, respectively. On the 15th day, mice were anesthetized with chloral hydrate (50 mg/kg) and nasal tissues were sectioned and stained by Hematoxylin and Eosin to measure damage to the olfactory epithelium. The results show that IKE significantly restores the olfactory epithelial layer and reduces anosmia (determined by the time to find a peanut butter-scented paper) and reduces depression (determined by the immobilization time). These results suggest that IKE is a promising treatment for the chemosensory effects of SARS-CoV2 infection.
Keywords: Ilex kudingcha extract, ZnSO4-induced olfactory dysfunction, Peanut butter finding test, Tail suspension test, Olfactory epithelial layer.
(Nguồn tin: Tạp chí Dược liệu)