Tin tức

PHÂN BIỆT BIỂN SÚC (POLYGONUM AVICULARE L.) VỚI HAI LOÀI NHẦM LẪN LÀ MỄ TỬ LIỄU (POLYGONUM PLEBEIUM R. BR.) VÀ RAU ĐẮNG ĐẤT (GLINUS OPPOSITIFOLIUS (L.) DC.)

Dược liệu Biển súc (Bian xu) là phần thân trên mặt đất của loài Polygonum aviculare L. thuộc họ Rau răm (Polygonaceae) (Dược điển Trung Quốc). Biển súc có vị đắng, tính mát có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, trừ giun và giảm ngứa; được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền chủ trị tiểu buốt, tiểu đục, đau bụng do giun, eczema, khí hư…. Ở Việt Nam, Biển súc có tên trong nhiều sản phẩm Đông dược, thực phẩm chức năng trên thị trường… Tuy nhiên, thực tế kiểm nghiệm dược liệu cho thấy dược liệu mang tên Biển súc (Polygonum aviculare L.) được sử dụng phần lớn lại từ loài Rau đắng đất (Glinus oppositifolius (L.) DC.) thuộc họ Cỏ bụng cu (Molluginaceae). Ngoài ra, qua các đợt điều tra về nguồn tài nguyên dược liệu, Viện dược liệu đã ghi nhận được một loài cây thuốc cùng họ và chi có hình thái rất giống với Biển súc là Mễ tử liễu - Polygonum plebeium R.Br..

Biển súc (Polygonum aviculare L.) và 2 loài kể trên (Polygonum plebeium R.Br., Glinus oppositifolius (L.) DC.) đều là những cây thảo có cùng bộ phận dùng (phần trên mặt đất) và thời gian thu hái (tháng 4-7). Do vậy để đảm bảo tính đúng của dược liệu đầu vào, cần nắm được các đặc điểm hình thái đặc trưng giúp phân biệt các loài.

Biển súc

Tên khoa học: Polygonum aviculare L. thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Ảnh 1: Biển súc Polygonum aviculare L.

a. Cả cây không mang lá;  b. Lá; c. Mặt dưới lá; d. Bẹ chìa; e. Quả mang bao hoa tồn tại; f. Quả

Mễ tử liễu

Tên Việt Nam khác: Mụ khuyết, Mễ tử thảo

Tên khoa học: Polygonum plebeium R. Br. thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Ảnh 2: Mễ tử liễu Polygonum plebeium R. Br.
a. Cả cây;  b. Lá; c. Mặt dưới lá; d. Bẹ chìa; e. Đốt cuống hoa; f. Quả mang bao hoa tồn tại; g. QuảẢnh 2: Mễ tử liễu Polygonum plebeium R. Br.

Rau đắng đất

Tên Việt Nam: Rau đắng đất, Cỏ đắng, Rau đắng lá vòng.

Tên Khoa học: Glinus oppositifolius (L.) DC. thuộc họ Cỏ bụng cu (Molluginaceae).


Ảnh 3: Rau đắng đất

a. Cả cây;  b. Lá; c. Hoa; d. Quả

Căn cứ vào đặc điểm hình thái của 3 loài có thể dễ dàng phân biệt Biển súc với Mễ tử liễu và Rau đắng đất dựa vào bảng so sánh sau:

Đặc điểm đặc trưng phân biệt Biển súc với Rau đắng đất và Mễ tử liễu

Đặc điểm

Biển súc

Polygonum aviculare L.

Mễ tử liễu

Polygonum plebeium R. Br.

Rau đắng đất

Glinus oppositifolius (L.) DC

Lá đơn mọc cách. Gân bên nổi rõ

Lá có bẹ chìa

Lá đơn mọc cách. Gân bên khó nhận.

Lá có bẹ chìa

Lá mọc đối hoặc vòng 3-6 lá.

Lá không có bẹ chìa

Cuống hoa

cuống hoa có đốt ở đỉnh cuống (gần đế hoa)

Cuống hoa có đốt ở giữa cuống

 

Quả

Quả bế, bề mặt có vân dạng nốt sần.

Quả bế, bề mặt nhẵn bóng.

Quả nang mở theo chiều dọc mang nhiều hạt.

Như vậy dựa vào đặc điểm hình thái có thể dễ dàng phân biệt Biển súc với Mễ tử liễu ở các đặc điểm: gân bên của lá, cuống hoa, bề mặt quả và với Rau đắng đất ở cách mọc lá, bẹ chìa và dạng quả.

 

Trích từ bài báo: Phân biệt biển súc (Polygonum aviculare L.) với hai loài nhầm lẫn là  mễ tử liễu (Polygonum plebeium R. Br.) và rau đắng đất (Glinus oppositifolius (L.) DC.)  bằng phương pháp hình thái – Tạp chí dược liệu

(Nguồn tin: Khoa TNDL - Viện Dược liệu)